Tịnh độ
Tin sâu pháp môn Tịnh độ
22/01/2557 13:54 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khoa học biện chứng

   Ngày nay, nền khoa học đã phát triển cực nhanh, các nhà khoa học đã dùng phi thuyền và nhiều phương tiện hiện đại để khám phá, tìm hiểu vũ trụ. Sau nhiều lần thực nghiệm, họ đã chứng minh rằng ngoài hành tinh của chúng ta, còn có vô số hành tinh khác nữa, trong đó có những hành tinh có sự sống.

   Nhà Thiên văn học Melvin Berger ước tính rằng: Vũ trụ có hàng tỷ tinh vân, hàng triệu thiên hà cùng thiên thể đủ loại. Nếu có người nào diễm phúc ngồi trên một phi thuyền không gian, bay với vận tốc ánh sáng thì có thể dạo chơi vòng quanh vũ trụ, rồi trở lại về điểm xuất phát sau một thời gian chừng 200 tỷ tỷ năm!

   Thời Phật còn tại thế, bằng thiên nhãn siêu việt, Ngài nhìn thấy trong một bát nước có tám vạn bốn nghìn vi trùng. Những người sống cùng thời đức Phật cho đó là chuyện hoang đường và không tin. Ngày nay, khoa học tiến bộ, đem lời dạy của đức Phật xác chứng lại, thấy đúng vô cùng, trong một bát nước có hàng vạn vi trùng tồn tại. Chúng ta thấy, các nhà khoa học đã tin như vậy, thì làm sao chúng ta lại không tin.

   Thật may mắn cho đạo Phật của chúng ta, ra đời gặp được nền khoa học phát triển cực nhanh, nhờ sự phát triển đó, mà đã chứng minh được những lời đức Phật dạy là thực tế, không viễn vông.

   Ngược lại, nếu nền khoa học không phát triển, không dùng kính hiển vi nhìn vào nước thấy có vi trùng, không dùng phi thuyền khám phá vũ trụ, thì những lời đức Phật dạy trong nước có vi trùng, trong vũ trụ có vô số tam thiên đại thiên thế giới, chỉ là hư vọng mà thôi.

   Nhưng các nhà khoa học chỉ mới tìm thấy một số thế giới, còn vô số thế giới khác nữa chưa tìm thấy được.

   Trong kinh A Di Đà, đức Phật dạy: “Từ đây đi sang cõi Cực lạc kia thì phải trải qua mười muôn ức Phật độ, mới đến được cõi Phật A Di Đà”. Theo như các nhà khoa học tính:

   “Ức” ở đây là mười triệu, vậy mười vạn ức, thành một nghìn nghìn triệu.
Phật độ: là một khu vực của một vị Phật hóa độ, trong kinh Phật gọi là một tam thiên đại thiên thế giới, danh từ khoa học gọi là một tỷ thái dương hệ.
Nay hãy nói, thế nào là một Phật độ (hay là một tam thiên đại thiên thế giới). Ta lấy ngay quả đất của chúng ta đang sống, quả đất của chúng ta có một hòn núi Tu di cao nhất, bốn bên Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi bên là một châu, chung quanh có Thiết Vi bọc lấy, châu nào cũng cùng chung ở dưới một mặt trời, một mặt trăng soi vào, mỗi châu là một thiên hạ; quả đất có bốn thiên hạ. Cho nên gọi là “quả tứ thiên hạ”.

   Một nghìn quả tứ thiên hạ gọi là một tiểu thiên thế giới.
   Một nghìn tiểu thiên thế giới gọi là một trung thiên thế giới.
   Một nghìn trung thiên thế giới gọi là một đại thiên thế giới.

   Vậy chữ “tam thiên” ở đây có nghĩa là một nhân với ba lần một nghìn, chứ không phải là ba nghìn. Tức là: 1 x 1000 = 1000 (tiểu thiên); 1000 x 1000 = 1.000.000 (trung thiên); 1.000.000 x 1000 = 1.000.000.000 (đại thiên).

   Nay Phật bảo: “Phải đi qua mười vạn ức Phật độ, như thế về phía Tây, đến đấy là thế giới Cực lạc”.

   Thế mới biết vũ trụ quanh ta huyền bí chừng nào và sự hiểu biết của loài người còn rất nông cạn, sao dám phủ nhận điều mà Phật Thích Ca, đấng giác ngộ hoàn toàn đã trông thấy rõ.

   Quả thật, lời nói của đức Phật cách đây hơn 2500 năm không hề sai chạy. Chính vì chỗ này, các nhà khoa học rất kính phục đức Phật, xem đức Phật là một bậc thầy, là một kết quả, là một đáp số đúng nhất để họ tham khảo. Vì thế, nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã nói rằng: “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng mọi nhu cầu của khoa học hiện đại, đó là Phật giáo”.
Hôm nay, sự thành tựu vượt bậc của khoa học cùng với tư tưởng tiến hóa của nhân loại, đòi hỏi thẩm định lại giá trị của nhiều tư tưởng triết học xưa nay; và đương nhiên, những triết học mang tính phi lý lạc hậu, phản khoa học đều phải tự đào thải trước sự phát triển văn minh của loài người.

   Đức Phật đã nhận thấy rằng: Ngài đã làm việc rất khó, là giới thiệu cảnh Cực lạc thế giới xa lạ cho người phần đông mắc chứng đa nghi. Nhưng vì nặng tâm từ, thương chúng sinh phải trôi lăn mãi trong bể khổ, nên dù biết là việc rất khó nhưng Ngài vẫn cứ làm (nan tín chi pháp–kinh A Di Đà).

   Như chúng ta biết khi đức Phật chứng được quả vị Bồ-đề, Ngài muốn đem pháp tối thượng thừa để dạy chúng sinh, nhưng khổ nỗi, chúng sinh đời mạt pháp này đa số là căn tánh chậm lụt, cho nên Ngài không truyền trao pháp tối thượng thừa được. Ngài tùy theo căn cơ của chúng sinh, mà thiện xảo phương tiện, phương tiện trì danh niệm Phật nguyện vãng sinh là một trong những phương tiện dễ tu dễ chứng cho chúng sinh đời mạt pháp. Chúng ta biết rằng: thuốc không quý tiện, lành bệnh là hay, pháp không thấp cao, hợp cơ là đúng.

   Cho dù pháp tối thượng thừa liễu nghĩa là quý, nhưng nếu chúng ta truyền trao không đúng thời, không đúng lúc, thì sẽ trở lại bình thường không quý.

   Xin đơn cử một ví dụ: đứa bé học lớp 1 mà ta đem trình độ lớp 12 dạy cho nó thì quá ư là sai lệch, chúng ta phải lấy kiến thức lớp 1 dạy cho nó, có như vậy mới đưa đến lợi lạc cho đứa bé. Ngược lại chúng ta lấy kiến thức lớp 12 dạy cho đứa bé, đứa bé không hiểu gì cả, chỉ là vô ích mà thôi. Qua ví dụ này cho ta thấy được, cái quý, cái tối thượng thừa là ở chỗ phải hợp thời cơ, thực tế, chúng sinh tu được, học được ấy mới gọi là quý, là tối thượng thừa. Còn nếu chúng ta nói lý cao siêu mà mọi người không hiểu, không thực tế chỉ là đầu môi chót lưỡi, viễn vông, vô ích.

   Các đức Phật trong quá khứ, khi thành Phật các Ngài nói toàn là pháp tánh, nhưng đặc biệt riêng đức Phật Thích Ca chúng ta nói pháp tánh lẫn pháp tướng. Vì vậy, mà chúng sinh đời mạt pháp có vô số phương tiện để tu tập, tuy nhiều như vậy nhưng chỉ có một mà thôi, đó là thành Phật. Phương tiện của đức Phật dạy cũng giống như một trận mưa lớn xuống trần gian, tùy theo mọi loài mà nhận lượng nước của mình để nuôi sống.

   Như vậy, qua những dẫn chứng, sự kiện trên đây đủ chứng minh cho ta thấy được cõi Cực lạc là có thật. Chúng ta đã có tín tâm vững chắc rồi thì một lòng chuyên niệm danh hiệu của Ngài, thiết tha nguyện rằng: “Sau khi lâm chung cho con dứt hết mọi phiền não, tận mặt được thấy Phật A Di Đà và Thánh chúng liền được vãng sinh về thế giới của Ngài”.

   Chúng ta đã theo pháp môn tha lực Tịnh độ, bên sự tự lực, nguyện lực của chúng ta, thì ta cần phải nương vào tha lực của Phật A Di Đà, nhờ tha lực của Phật mà sự vãng sinh của chúng ta dễ dàng hơn.

   Vào thời đức Phật Thế Tự Tại Vương, có quốc vương Vô Tránh Niệm xuất gia trở thành Pháp Tạng Tỳ kheo, trên bước đường tu tập hành Bồ tát đạo, vì muốn cứu độ hết thảy chúng sinh cho nên Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát ra 48 lời nguyện để cứu độ chúng sinh, và đây xin đọc lời nguyện thứ 18 của Ngài:

   “Giả sử khi tôi thành Phật, nếu có chúng sinh trong mười phương tin ta, niệm ta, khi lâm chung chỉ nhớ một niệm cho đến mười niệm, nếu không sinh về nước tôi, tôi thệ không lấy ngôi Chánh giác”.

   Căn cứ theo lời nguyện thứ 18, đức Phật yêu cầu chúng ta rằng: Chỉ cần chúng ta tin Ngài, niệm Ngài, khi lâm chung chỉ nhớ một cho đến mười niệm thì chúng ta sẽ được sinh về thế giới của Ngài ngay tức khắc.

   Chư Phật ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai không có vị Phật nào mà nói dối chúng sinh cả, mỗi khi các Ngài đã phát ra một lời nguyện nào thì như đinh đóng cột. Đức Phật dạy chúng ta không được nói dối thì làm sao các Ngài nói dối chúng ta được. Chúng ta phải có lập trường vững chắc như vậy, thì chúng ta mới thiết tha niệm Ngài, thì công phu tu tập của chúng ta tinh tấn hơn. Còn ngược lại chúng ta đa nghi, không biết Phật A Di Đà phát nguyện thật hay không, chúng ta cứ nghi nghi, ngờ ngờ như vậy, đánh mất đi lòng tin đối với đức Phật, khi đánh mất đi lòng tin rồi thì sự công phu tu tập niệm Phật của chúng ta không thiết tha, không nghiêm mật thì hỏi làm sao cảm ứng đạo giao được với bản nguyện của Phật A Di Đà.
 
   Chúng ta muốn đi đâu xa, thì cần phải có tư lương như là tiền tài, vật thực, thuốc men v.v… thì chúng ta mới đi được chớ. Còn ngược lại chúng ta không có tiền tài, vật thực, thuốc men thì làm sao chúng ta đi được.

   Cũng vậy, nếu chúng ta vãng sinh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà thì chúng ta phải gieo nhân niệm Phật, nhân niệm Phật chính là tư lương, hành trang cho chúng ta được vãng sinh. Còn bằng không, thì không bao giờ sinh về thế giới của Ngài được. Cũng giống như chúng ta muốn qua sông thì cần phải có thuyền, nếu chúng ta bỏ thuyền thì không bao giờ qua bên kia sông được.

   Các đức Phật trong mười phương thương chúng sinh như mẹ thương con, mẹ thương con, trông ngóng con mà con không thương mẹ, không nhớ mẹ thì cái thương cái nhớ của mẹ chỉ là vô ích. Vậy để cho cái nhớ của mẹ có ích thì người con thường luôn nhớ mẹ, thương mẹ, trông ngóng về mẹ, nhờ như vậy, giữa mẹ và con mới có luồng điện cảm ứng đạo giao.

   Vậy, để được vãng sinh sau khi lâm chung thì chúng ta phải thường xuyên tưởng Phật, nhớ Phật, niệm Phật, không gián đoạn, có như vậy khi bỏ thân này thì đức Phật A Di Đà sẽ từ bi tiếp dẫn chúng ta ngay.

   Tôi xin lấy một ví dụ: có hai người bạn chơi thân với nhau từ nhỏ đến lớn. Nhưng sau này vì hoàn cảnh sống, cho nên hai người bạn này chia tay nhau, một người ở lại chốn đồng quê, một người đi vào thành phố. Trải qua thời gian xa cách cũng khá lâu, một hôm, người bạn ở thành phố nhận được tin người bạn ở đồng quê bệnh nặng sắp chết, lúc này anh ta hốt hoảng lo lắng, nhớ nghĩ về bạn và nhanh chóng thu xếp công việc, anh ta về liền.

   Qua câu chuyện này cho ta thấy rằng: nếu hằng ngày chúng ta thường luôn nhớ nghĩ niệm Phật A Di Đà thì khi chúng ta có xảy ra sự cố gì như là bệnh hay chết thì Ngài sẽ hiện ra trước mặt tiếp dẫn ta ngay. Cũng giống như anh bạn ở thành phố nghe bạn mình sắp chết liền về ngay không chậm trễ.

   Khi lâm chung chúng ta nhớ một niệm cho đến mười niệm, hay nhất tâm bất loạn thì đâu phải dễ. Vậy, để đạt được một niệm hay mười niệm thì ngay lúc trẻ, chúng ta phải nỗ lực niệm Phật một cách miên mật, không bao giờ xao lãng, có như vậy, khi lâm chung chúng ta mới nhớ niệm Phật được.

   Từ vô lượng kiếp chúng ta bị trôi lăn mãi trong vòng sinh tử cho nên tàng thức hay A-lại-da thức của chúng ta cũng chứa biết bao nhiêu là điều tội lỗi. Để cho tàng thức của chúng ta mỗi ngày được bào mòn đi, thì chúng ta phải nên siêng năng niệm Phật liên tục không ngừng nghỉ. Cũng giống như một ly nước đục, muốn cho nó trong, thì chúng ta phải dùng nguồn nước sạch đổ vào liên tục, có như vậy mới đẩy hết chất cặn bã, cáu bẩn trong ly nước ra, và để lại cho chúng ta một ly nước tinh khiết.

   Trái lại, nếu chúng ta chỉ giọt một giọt nước sạch vào ly nước đục thì làm sao làm cho ly nước đục trong sạch được.

   Tâm thức của chúng ta cũng giống như ly nước đục đó vậy. Để cho tâm thức được tẩy trừ sạch hết phiền não tham, sân, si từ vô lượng kiếp thì chúng ta phải mau mau dùng nguồn nước trong lành “Nam mô A Di Đà Phật” tưới mãi, tưới mãi vào tâm thức, liên tục không gián đoạn như vậy, thì mới đẩy hết những tạp nhiễm xấu xa trong tâm thức của chúng ta ra được. Lúc này chỉ để lại trong tâm thức một câu niệm Nam mô A Di Đà Phật mà thôi.

   Khi chúng ta đã huân tập được câu niệm Phật vào A-lại-da thức rồi, thì khi lâm chung ta có thể niệm hàng tỷ, hàng tỷ nữa kìa, còn nhớ một cho đến mười niệm là chuyện nhỏ. Chúng ta phải hiểu rằng nhớ một niệm cho đến mười niệm là con số tượng trưng thôi. Bằng ngược lại, chúng ta niệm Phật một cách lơ là không chú tâm, một ngày niệm mười ngày nghỉ. Hỡi ơi! Làm sao mà tẩy trừ được hoặc nghiệp tham sân si từ vô lượng kiếp, thì làm sao khi lâm chung chúng ta nhớ niệm Phật được.