Triết học
Luận Thành Duy Thức
Thích Tuệ Sỹ
05/11/2554 07:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. Sáu đặc tính cúa chủng tử

Một cách tổng quát, có sáu đặc tính của chủng tử.[1]

(1) Sát-na diệt. Thể của nó vừa sinh tức thì diệt một cách vô gián, có công lực đặc sắc mới có thể thành chủng tử. Đặc tính này loại ra những gì là pháp thường hằng. Cái gì thường hằng không biến chuyển thì không thể nói nó có khả năng phát sinh tác dụng.[2]

(2) Quả câu hữu. Cái cùng với pháp là quả hiện hành đã được sản sinh, cùng hiện hữu[3] và cùng hòa hiệp, mới có thể làm chủng tử.[4] Đặc tính này loại bỏ những gì tồn tại trước nó, sau nó và ly cách nó.[5]

Hiện hành và chủng tử khác loại, không chống nhau, đồng thời hiện hữu trong cùng một thân, cái đó mới có khả năng phát sinh tác dụng. Không phải như chủng tử cùng loại sinh sản lẫn nhau, cái trước và cái sau chống nhau, tất không thể cùng hiện hữu.[6] Tuy nhân và quả có trường hợp cùng hiện hữu hay không cùng hiện hữu, nhưng chỉ trong thời hiện tại mới có thể có tác dụng như là nhân, vì cái chưa sinh và cái đã diệt không có tự thể.[7] Y trên cái sản sinh quả hiện tại mà đặt tên chủng tử, chứ không phải y trên trường hợp nó dẫn sinh cái cùng loại mà gọi là chủng tử, do đó cần phải nói chủng tử là cái cùng tồn tại với quả.

(3) Hằng tùy chuyển. Trong một thời gian dài cần phải tồn tại như một chủng loại duy nhất liên tục cho đến giai đoạn cứu cánh,[8] như thế mới có thể thành chủng tử. Đặc tính này loại trừ các chuyển thức[9] vốn chuyển dịch một cách gián đoạn, vì như vậy không tương ưng với chủng tử. Đặc tính này cũng chỉ rõ tính cách tự loại sinh sản lẫn nhau của chủng tử. 

(4) Quyết định tính. Chủng tử phải là cái quyết định bản chất của công năng dẫn sinh thiện ác tùy theo ảnh hưởng của nhân.[10] Đặc tính này bác bỏ quân điểm của các bộ phái khác cho rằng nhân của dị tính sản sinh quả của dị tính cũng mang ý nghĩa nhân duyên.[11]

(5) Đãi chúng duyên. Chủng tử là loại công năng đặc biệt khi hội hiệp đủ các điều kiện riêng biệt của nó.[12] Đặc tính này bác bỏ quan điểm của Ngoại đạo cho rằng do nguyên nhân tự nhiên,[13] chứ không do hội đủ các điều kiện, quả thường xuyên được sản sinh một cách đột nhiên. Hoăc bác bỏ quan điểm các bộ phái khác cho rằng các duyên vốn hằng hữu chứ không phải không tồn tại.[14] Ở đẩy nêu rõ các điều kiện (duyên) cần hội đủ không có tính hằng hữu. Do đó, chủng tử không thường xuyên ngẩu sinh quả.

(6) Dẫn tự quả. Dẫn sinh kết quả của riêng nó.[15] Chủng tử là cái, từng loại riêng biệt, dẫn sinh các quả sắc, tâm từng loại riêng biệt. Đặc tính này bác bỏ quân điểm của Ngoại đạo cho rằng một nhân độc nhất sản sinh hết thảy quả. Cũng bác bỏ các bộ phái khác cho rằng sắc tâm các thứ làm nhân duyên cho nhau.[16]

a. Duy chỉ công năng sai biệt trong Bản thức mới có đủ sáu đặc tính này để thành chủng tử; ngoài ra là không thể. Ở ngoại giới, như thóc lúa các thứ, vốn là biến thái của thức, cho nên giả lập chúng là chủng tử, nhưng không phải là chủng tử thực nghĩa.[17]

b. Thế lực của loại chủng tử này sản sinh quả chính thức và gân gũi nhất được gọi là sinh nhân. Khi nó dẫn sinh quả dư tàn xa khiến không đột nhiên dứt tuyệt, bấy giờ được gọi là dẫn nhân.[18]
c. Nội chủng sinh trưởng tất do huân tập; trực tiếp sản sinh quả. Đó là nhân duyên tính. Ngoại chủng hoặc được huận tập hoặc không; nó làm tăng thượng duyên để tác thành quả được sản sinh. Nhân duyên của quả kia như vậy phải là nội chủng. Vì quả được sản sinh từ chủng tử có đặc tính chung.

[1] Nhiếp luận bản 1 (tr. 135a24): Trên thắng nghĩa, chủng tử có 6 đặc tính: sát-na diệt (kṣaṇa-bhaṅga), câu hữu (sahabhū), hằng tùy chuyển (saṁtānảpavṟtta) nên biết, quýết định (viniyata), hội đủ duyên (pratyayāpekṣa), chỉ dẫn quả đồng loại (svaphalopārjita) 勝義諸種子 當知有六種 剎那滅俱有恒隨轉應知.Cf. Nhiếp luận thích (TTh) 2 ( tr. 329b28); Du-già 5 (tr. 302b6), 7 đặc tính của nhân và nhân ở đây được hiểu là chủng tử: 1. Cái có thể làm nhân phải là pháp vô thường (= sát-na diệt). 2. Chỉ là nhân cho tha tính; nếu là tự tính thì cái trước làm nhân cho cái sau (= quả câu hữu và hằng tùy chuyển). 3.Đã sinh nhưng chưa diệt (=quả câu hữu, hằng tùy chuyển). 4. Hội đủ các điều kiện cần (= đãi chúng duyên). 5. Cần phải trở thành biến dị (=đãi chúng duyên). 6. Phải có công năng tương ưng (= tính quyết định). 7 Tương xứng tương thuận (= dẫn tự quả). Giải thích của Xu yếu (tr. 630c28).

[2] Thuật ký (tr. 309c09): hàm ngụ bác bỏ ngoại đạo, theo đó, Tự tính (prakṟti), Thần ngã (puruṣa) vốn được quan niệm là những bản thể thường hằng không biến chuyển không thể là nguyên nhân cho bất cứ cái gì.

[3] Thuật ký: hiện, có 3 nghĩa, hiển hiện, hiện hữu, hiện tại.

[4] Thuật ký: chủng tử sinh hiện hành, cả hai tất đồng thời; chủng tử sinh chủng tử, nhân quả không đồng thời. Tuy đồng thời, nhưng phải cùng hòa hiệp moiứ thành chủng tử.

[5] Ibid., bác bỏ nhân quả dị thời của Kinh bộ; Thượng tọa bộ cũng vậy. Nhiếp luận thích (VT) 3 (T31n1598, tr. 396b23): “Kinh bộ sư nói, sắc và tâm vô gián sinh; trước sau tiếp nối liên tục sinh khởi. Đó là chủng tử của các pháp, là nhân tính (hetutva) cho sự xuất sinh của hết thảy pháp hữu vi… Như vậy không cần tồn tại thức A-lại-da để làm nhân cho các pháp”

[6] Nghĩa đăng (tr. 862a07): Hai đồng tự thể không thể phát sinh trong cùng một sát na. Du-già 5 (tr. 302b09): Pháp làm nhân cho những gì không cùng bản chất (tha tính); nếu cùng bản chất (tự tính) thì cái đi trước (nhân) và cái tiếp theo (quả) không thể cùng thời trong một sát-na. Tập thành biên 14 (tr.296b19): chủng tử sinh chủng tử, nếu nhân quản đồng thời trong cùng một sát-na; vì sản sinh theo chiều ngang nên kết quả thành vô cùng.

[7] Du-già 5 (tr. 302b11): “Cái có thể làm nhân phải là cái đã sinh nhưng chưa diệt.”

[8] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr. 329c04): “Hằng tùy chuyển, a-lại-da tồn tại cho đến phát sinh đối trị phần (pratipakṣa).” Thuật ký: “Đến đối trị đạo gọi là đến cứu cánh vị.”

[9] Ibid., bảy chuyển thức và kể luôn cả sắc pháp đều không thể là chủng tử.

[10] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr. 329c06): “Quyết định, nghĩa là mỗi chủng tử được quyết định một cách cá biệt; không thể tất cả được sản sinh từ tất cả; nhưng hạt giống của vật này sản sinh trở lại cùng loại vật đó.”

[11] Thuật ký, bác bỏ “Hữu bộ cho rằng pháp thiện v.v. làm đồng loại nhân (sabhāga-hetu) cho bất thiện và vô ký. Điều đó hàm ngụ ý nghĩa nhân duyên (hetu-pratyaya).” Nghĩa đăng (tr. 862c06) dẫn Câu-xá 6 (tr. 31a20: đồng loại nhân tương tợ, tự bộ địa tiền sinh 同類因相似 自部地前生), theo đó pháp tương tợ làm đồng lọai nhân cho pháp tương tợ; như ba tính, năm, trong bộ loại riêng, giới địa riêng của mình làm đồng loại nhân cho những cái cùng bộ loại, cùng trong giới địa. Nhưng ý của Khuy Cơ muốn nói bất thiện pháp như sân có thể là đồng loại nhân cho thân kiến, biên kiến vốn là hữu phú vô ký. (Tập thành biên 14, tr. 300c). Về nghĩa nhân duyên, Khuy Cơ, ibid., là cái làm điều kiện sản sinh từ tự thể. Quả dị tính làm biến hành nhân (sarvatraga-hetu). Theo Hữu bộ, thân kiến và biên kiến làm nhân biến hành cho cac pháp ô nhiêm trong năm bộ trong cùng địa giới.

[12] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr. 329c08): “Không phải trong mọi lúc đều có thể sản sinh mọi thứ. Nếu tại đây và lúc này hội đủ các điều kiện riêng biệt của nó, thì tại đó và khi đó quả riêng biệt của nó được sản sinh.”

[13] Tự nhiên nhân; đây chỉ vô nhân luận hay ngẫu nhiên luận (ahetukavāda). Thuật ký: bao gồm cả các thuyết khác như: thời (thời gian), phương (không gian), v.v.

[14] Quan điểm “tam thế thực hữu.”

[15] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr. 329c10): “Hạt giống loại nào dẫn sinh quả loại đó. Như chủng tử a-lại-da thức dẫn sinh a-lại-da thức. Giống lúa dẫn sinh quả là lúa.”

[16] Câu-xá 7 (tr. 36b11): nhân duyên ngũ nhân tính 因緣五因性 (K.ii. 61d: hetvākhyaḥ pañca hetavaḥ).Trong 6 nhân (hetu) của Hữu bộ, nhân duyên (điều kiện như là nguyên nhân) bao gồm 5 nhân, trừ năng tác nhân (kāraṇahetu). Thuật ký: chỉ cái dẫn sinh kết quả cùng loại, nhân quả tùy thuận, công năng dồng, mới được gọi là nhân duyên. Quan điểm Hữu bộ cho rằng nghiệp thiện ác tác thành vô biểu vốn là sắc pháp dẫn đến kết quả đương lai là 4 uẩn vốn là tâm pháp. Nhân quả không đồng loại nên không đúng nghĩa nhân duyên.

[17] Thuật ký (tr. 311c26): theo Thế Thân (Nhiếp luận, xem cht. 91 trên) chủng tử gồm cả nội thức và ngoại giới… Chủng tử là biến thái của thức. Chủng tử ngoại giới là biên thái của biến thái (trùng biến) cho nên không phải chủng tử thực.

[18] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr. 330a19): “Chủng tử nội và ngoại đều có thể làm sinh nhân (janaka-hetu) và dẫn nhân (ākṣepaka-hetu). Ngoại chủng dẫn đến quả chín; nội chủng dẫn đến giới hạn của tuổi thọ, thảy đều là sinh nhân. Ngoại chủng kéo dài tương tục sau khi cây khô; nội chủng kéo dài thi hài sau khi chôn; do dẫn nhân mà tồn tại tiếp nối thời gian dài.” Vô Tính (T31n1598, tr.389c20): “Ngoại chủng tử, đối với chồi mầm nó là sinh nhân; đối với cọng, lá v.v. nó là dẫn nhân. Nội chủng tử, a-lại-da thức đối với danh sắc là sinh nhân; đối với sáu xứ cho đến già-chết, nó là dẫn nhân.”