Triết học
Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm
Thích Nữ Giới Hương Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn
09/10/2554 07:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 06. Pháp Sa-ma-tha

 

 

Tôn giả A-nan sau khi nghe Đức Phật giảng về mê ngộ, ba tướng thế giới, chúng sanh và nghiệp quả tiếp tục, tức nghe xong năm câu hỏi trên, rồi bạch Phật khóc thưa rằng: Chúng con như những người chìm đắm trong bể khổ, lênh đênh phiêu bạt được Đức Phật chỉ cho nhà lớn (đại pháp, thâm pháp) nhưng không biết cửa vào. Nhà lớn tức tánh Phật đó, nhưng làm sao vào? Xin Đức Phật bậc vô thượng đại bi thanh tịnh bảo vương chỉ cho chúng con.

Đức Thế Tôn đã khéo khai ngộ cho tâm chúng con, dùng các nhân duyên như thế, phương tiện dắt dìu những kẻ chìm đắm ra khỏi bể khổ. Tuy được vâng nghe pháp âm như vậy, nhận biết tâm tính diệu minh Như Lai tạng cùng khắp thế giới mười phương, trùm chứa các cõi Phật bảo nghiêm thanh tịnh trong thập phương quốc độ; Nhưng Như Lai lại trách A-nan nghe nhiều mà vô dụng, không kịp thời tu tập. Nay A-nan, giống như người lênh đênh phiêu bạt, bỗng nhiên gặp vị Thiên Vương cho cái nhà tốt; tuy được nhà lớn, nhưng cốt yếu phải biết cửa mà vào; xin nguyện đức Như Lai không ngớt lòng đại bi, chỉ bày cho những kẻ mờ tối trong Hội nầy, rời bỏ pháp Tiểu thừa và đều nhận được con đường phát tâm tu tập đi đến vô dư Niết Bàn của Như Lai, khiến cho những hàng hữu học biết cách uốn dẹp tâm phan duyên lâu đời, đưọc pháp tổng trì, chứng nhập tri kiến của Phật. 

Nhân đây Đức Phật bắt đầu giảng hai nghĩa quyết định trong pháp tu Sa-ma-tha

Nghĩa 1: Nhân địa Căn Bản Bồ Đề

Dùng hư không để ví với chính nhân

“Thế nào là hai nghĩa quyết định trong lúc mới phát tâm? A Nan, nghĩa thứ nhất là: Nếu các thầy muốn rời bỏ phép Thanh Văn, tu Bồ Tát thừa, vào tri kiến của Phật, thì nên xét kỹ chỗ phát tâm trong lúc tu nhân với chỗ giác ngộ trong lúc chứng quả, là đồng hay là khác nhau. A Nan, nếu trong lúc tu nhân, đem cái tâm sinh diệt làm cái nhân tu hành, để cầu cho được cái quả bất sinh bất diệt của Phật thừa, thì thật không thể được. Do cái nghĩa đó, thầy nên xét các pháp, có thể làm ra trong khi thế gian, đều phải thay đổi diệt mất. A Nan, thầy xét các pháp, có thể làm ra trong thế gian, có cái gì là không hư nát, nhưng không bao giờ nghe hư không tan rã, vì sao? Vì hư không không phải là cái bị làm ra, do đó, trước sau không hề tan mất.”[1] 

Đức Phật dạy xét về hai nghĩa quyết định lúc phát tâm, lúc tu nhân Samatha, phải nắm phần nhân tu:

1. Căn bản bồ đề là nghĩa quyết định thứ nhất

2. Thẫm xét rõ căn bản phiền não là nghĩa quyết định thứ hai.

Sa-ma-tha là phần lý thuyết phân biệt chân vọng.

Tam-ma là thực hành chân, căn bản bồ đề, căn bản trí.

Thiền-na: toàn chân tức vọng, toàn vọng tức chân tức được căn bản trí và ứng dụng hậu đắc trí.

Phần ở đây là giới thiệu Sa-ma-tha. Đức Phật nhắc lại, phân tách lại, minh bạch hai thứ căn bản để chọn dùng an trụ hay lọc bỏ. Vì sao Đức Phật được an lạc thường trụ, còn chúng con bị sanh tử luân chuyển? Đức Phật nói là do nhân tu và đưa đến cái quả như vậy. Vậy phải nắm nhân tu nào?

Hai nghĩa quyết định là nắm phần nhân tu quyết định:

1. Căn bản bồ đề:

a) Muốn cầu thành Phật vô sanh bất diệt thường trụ phải nắm cái giác mà giác này gọi là vô lượng quang, tức tánh sáng, tánh thấy nghe hay biết ở nơi sáu căn của chúng ta.

 b) Nắm cái diệu dụng thứ hai là thường trụ tức giác này là vô lượng thọ, là tánh thấy nghe hay biết thường trụ mãi mãi không có sanh diệt. Thân đất, nước, gió, lửa này tan đi, hay tái sanh thân khác, cõi khác, tánh của chúng ta vẫn thường trụ.

Đức Phật A-di-đà lấy tên A-di-đà là bao hàm vô lượng thọ và vô lượng quang, đây là đặc tánh, diệu dụng của tánh Phật. Đây là nghĩa quyết định thứ nhất phải nắm làm nhân tu cho đúng, cũng như các pháp ở thế gian có làm ra nên có hoại diệt, chứ không nghe hư không hoại diệt hay tan mất, vì hư không không phải là cái bị làm ra, do đó trước sau không hề tan mất. Như bóng đèn có bị bể, có bị thay nhiều bóng đèn với nhiều hình dáng, sắc màu, kích thước, nhưng điện vẫn thường trụ và tùy duyên ở bóng nào thì hiện sáng bóng đó. Bóng có bể, điện không bao giờ mất.

Có một câu chân ngôn nói rằng:

“Xin đừng dựa tường vì tường sẽ ngả,

Đừng dựa giường vì giường sẽ sụp,

Đừng dựa cây vì cây sẽ nghiêng,

Đừng dựa người vì người sẽ chết,

Hãy dựa vào chính mình.”

Dựa vào chính mình ở đây có nghĩa là nắm lấy tánh thấy nghe hay biết thường trụ và diệu minh của mình.

Nắm được căn bản bồ đề chân thật chứ đừng lẫn với vọng thức. Nắm được căn bản bồ đề, an định là được nhân tu, như đức Quan Thế Âm nắm lấy tánh nghe ở toàn thân này để tu tập gọi là nhĩ căn viên thông. Tánh nghe là tánh giác mà nó không sanh, không diệt, nó độc lập, không bận lòng đến vọng thân, vọng cảnh và vọng tâm. Nó có sự độc lập của nó. Mình an định vào nó, sống với nó, dần dần những mê vọng tan đi thì mình thành Phật.

2. Căn bản sanh tử:

Chúng ta phải lọc cho sạch bao nhiêu nhân duyên vô minh, đừng nhận làm mình nữa. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói về năm ấm, Bát Nhã nói chiếu kiến năm uẩn đều không, còn Thủ Lăng Nghiêm nói phá xong năm lớp ngũ trược. Kinh A-di-đà cũng gọi là ngũ trược. Năm uẩn khi nào lọc bỏ hết thì tịch diệt hiện tiền, thì khi ấy mới trở về chân tánh của mình.

Đức Phật nào tu chọn nhân cũng có hai đặc điểm giác và thường trụ này. Phối qua Lý Tứ đế (hệ A-hàm trong 12 năm đầu Đức Phật thuyết) cũng hiện rõ hai nguyên nhân và hai kết quả:

1. Nhân thế gian (Tập đế): tham, sân, si

2 Quả thế gian (Khổ đế): bị tám khổ chi phối.

3. Nhân xuất thế (Đạo đế): thực hành bát chánh đạo

4. Quả xuất thế (Diệt đế): Niết bàn tịch diệt, không phiền não.

Đây là hai nghĩa quyết định trong thời quyền giáo ban đầu hoằng pháp.

Trở lại kinh Đại thừa Thủ Lăng Nghiêm, quyết định chọn nhân tu nào giữa năm trược, giữa thân tâm của chúng ta tức chọn nhân số một là căn bản bồ đề.

NGŨ TRƯỢC

“A-nan trong thân thầy, tướng cứng là địa đại, thấm ướt là thủy đại, hơi ấm là hỏa đại, lay động là phong đại; do bốn cái ấy ràng buộc, mà chia cái tâm tính diệu minh vẳng lặng cùng khắp của thầy, làm ra cái thấy, cái nghe, cái biết, cái xét, từ đầu đến cuối, tạo thành năm lớp ô trược.

Thế nào là trược? A Nan, ví như nước trong, bản nhiên là trong sạch, lại như những thứ bụi, đất, tro, cát, bản chất là ngăn ngại; hai bên bản nhiên thể chất khác nhau, không hợp nhau được. Có người thế gian lấy đất bụi kia, ném vào nước sạch, thì đất mất ngăn ngại, nước mất trong sạch, hình trạng đục vẩn, gọi đó là trược; năm lớp ô trược của thầy cũng giống như vậy”.

“A Nan, thầy thấy hư không khắp thập phương thế giới. Bên không, bên thấy, không tách rời nhau; có cái không mà không thật thể, có cái thấy mà không hay biết, hai bên xen lộn giả dối thành ra lớp thứ nhất, gọi là kiếp trược.

Thân thầy hiện ôm bốn món đại làm tự thể, che bít những sự thấy, nghe, hay, biết, thành bị ngăn ngại, và trở lại làm cho các thứ địa, thủy, hỏa, phong, thành có hay biết; các điều đó xen lộn giả dối thành ra lớp thứ hai, gọi là kiến trược.

Lại trong tâm thầy, những sự nhớ biết học tập, phát ra tri kiến, hiện ra tướng sáu trần, thì những sự đó, rời tiền trần không có tướng, rời tri giác không có tính, xen lộn giả dối thành ra lớp thứ ba, gọi là phiền não trược.

Lại tâm thầy ngày đêm sinh diệt không ngừng, tri kiến thì muốn lưu mãi ở thế gian, nhưng nghiệp báo xoay vần thì lại thường dời đổi cõi nầy cõi khác, những điều đó xen lộn giả dối thành ra lớp thứ tư, gọi là chúng sinh trược.

Cái thấy, cái nghe của thầy, bản tính vốn không khác nhau, do các trần cách trở, mà không duyên cớ gì, lại sinh ra khác nhau; trong tính thì vẫn biết nhau, nhưng trong dụng thì trái ngược nhau, cái đồng và cái khác đã mất hẳn chuẩn đích, xen lộn, giả dối thành ra lớp thứ năm, gọi là mệnh trược.”

“A Nan, nay thầy muốn cho cái sự thấy, nghe, hay, biết xa xa hợp với bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Như Lai, thì trước hết, phải lựa bỏ cỗi gốc sống chết, nương theo cái không sinh diệt mới thành tựu tánh yên lặng cùng khắp. Dùng cái yên lặng mà xoay các thứ sanh diệt hư vọng trở về nơi bản giác, được tánh không sanh diệt của bản giác làm cái tâm tu nhân, thì về sau mới viên thành chỗ tu chứng của quả vị. Như lắng nước đục đựng trong một cái đồ để yên, để yên mãi không lay động, thì đất cát tự chìm xuống và nước trong hiện ra, thế gọi là bắt đầu uốn dẹp các khách trần phiền não; gạn bùn hết sạch, chỉ còn nước trong, thì gọi là dứt hẳn căn bản vô minh; tướng sáng suốt đã tinh thuần, thì tất cả các điều biến hiện đều không gây ra phiền não và hợp với đức mầu thanh tịnh của Niết Bàn.”[2]

Đức Phật dạy biết giặc chỗ nào rồi mới diệt được giặc, mới an hưởng thái bình, như nhổ cỏ phải nhổ tậm gốc, như muốn nước trong thì phải lắng bụi, đất, tro xuống. Đất cát bùn làm nước bị đục vẩn, mất trong sạch, tức phải lọc cho sạch bao nhiêu nhân duyên vô minh đừng nhận làm mình.

Hãy xem điên đảo vô minh ở đâu để nhổ cho sạch? Theo lời Phật dạy điên đảo vô minh có hai:

Sanh tướng vô minh (căn bản, gốc vô minh) và chi mạt vô minh (nhánh, cành ngọn của vô minh).

Sanh tướng vô minh còn gọi là tam tế và chi mạt vô minh gọi là lục thô.

Tam tế là sanh tướng vô minh, chuyển tướng vô minh, và hiện tướng vô minh; lục thô (sáu căn thô phù, phù trần căn) là chi mạt vô minh.

Khởi Tín Luận nói: Tam tế là Vô minh nghiệp chướng, Năng kiến tướng và Cảnh giới tướng.

Thế nào là sanh tướng vô minh? Tánh của chúng ta duy nhất gọi là nhất chân pháp giới. Giờ muốn minh giác, khởi phân biệt một cái gì khác thế thì thành ra vọng minh, vọng giác. Khi tâm muốn phân biệt, tức là phải thấy một cái gì khác mình. Thế là vì mê mà chia ra làm hai (năng và sở, kiến phần và tướng phần, tinh thần và vật chất, chánh báo và y báo).

Chánh báo chia ra làm sáu tức sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và tánh giác theo đó mà chia công dụng thành thấy, nghe, ngửi, nếm, hay (năng minh) và biết tương ứng sở tri của sáu căn, tức tùy hình dáng cấu trúc của sáu căn mà điện toả sáng, tỏa công dụng ở sáu bóng đèn khác nhau. Y báo tức tướng phần, sở minh là thế giới bên ngoài, hư không, đất, nước, gió, lửa, sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Cái mê bắt đầu khiến thành có đồng, có khác đó gọi là sanh tướng vô minh. Và bắt đầu chuyển đổi từ trạng thái chân tâm mà thành thức thứ tám (gọi là thức, là mê rồi), chuyển tướng này hiện rõ và chia hai, không còn gọi là chơn tâm nữa, đây gọi là chuyển tướng vô minh. Từ chuyển tướng thành hiện tướng vô minh tức hiện tướng thế giới, chúng sanh và nghiệp quả, thứ lớp từ tế tới thô, thứ lớp thiên lưu biến đổi. Hiện tướng là minh bạch là chia hai. Nó từ sanh tướng vô minh đến chuyển tướng vô minh và cuối cùng hiện tướng vô minh, khi nó minh bạch. Vốn chân tâm bản tánh mà bây giờ gọi là thức thứ tám thành vô minh. Thấy có hư không và kết ám thấy có đất, nước, gió, lửa, kiến phần với tướng phần minh bạch.

Ba phần tam tế này hết sức vi tế khó hiểu chỉ có Phật và bồ tát với tuệ nhãn mới thấy biết được. Chúng ta là bậc phàm tình khó biết được, ngay cả sự chuyển động của hành ấm nơi căn thân của chúng ta như móng tay dài, tóc mọc, tế bào da tan đi, đói cơm, khát nước... chúng ta cũng không biết, huống chi là những chuyển động vi tế vô hình khác.

Ngoài ra, còn có tri tướng vô minh tức là mình thấy mình, có phân biệt. Tôi nghe, ngửi, nếm, nhận ra những hình tướng, có hữu tình chúng sanh là tri tướng.

Khổ tướng là tướng cuối cùng hiển hình ví dụ loài người thì có khổ tướng của tám khổ[3] hoành hành chi phối.

Tương tục tướng: bắt đầu có tri tướng phân biệt, có khổ tướng hữu tình, rồi vọng tâm, vọng cảnh đối đãi sanh ra. Cảnh đây là cảnh trong tâm thức hiện lên, chứ không phải là cảnh bên ngoài này. Mình muốn phân biệt cho nên mình thấy, mình nếm, phát khởi lên cho nên gọi là vọng tâm. Thế thì dẫn khởi thức thứ bảy xuất hiện gọi là tương tục tướng.

Chấp thủ tướng: từ thức thứ bảy mới dẫn khởi ra thức thứ sáu chạy ra bên ngoài vơ sáu trần nhiễm trước, chấp thủ hình tướng và danh tự tướng, khư khư nắm giữ cho là thật.

Kế danh tự tướng: bởi vì chấp thủ những hình tướng tính toán nhiễm trước cho nên đặt tên là kế danh tự tướng.

Tóm lại, khi tánh giác chia làm hai phần: kiến và tướng phần. Kiến là hữu tình chúng sanh. Kiến phần của tôi khác với kiến phần của cô A. Vì tôi thấy là tôi thấy, cô A thấy là cô A thấy, chúng không đồng nhau. Nhưng nó không khác vì tánh thấy của tôi và cô A là đồng thể. Từ không đồng không khác nó sanh lao, đối với vọng cảnh đối đãi sanh lao. Mê muội thấy hư không, thấy đủ chuyện đất, nước, gió, lửa, kiến phần, tướng phần, hữu tình chúng sanh... Rồi tâm thức cứ tìm và phân biệt mãi nên gọi là sanh lao, tức trong lúc phân biệt có chấp ngã, có ta, nên có thức thứ bảy. Cứ thế lao lực, lao lực mãi thành ra thức thứ sáu chấp pháp, nhiễm trần, thủ danh chấp tướng (chấp cựu thù tướng), cái này của tôi, cái kia là của cô kia. Nhận có cái ta đối lập với vạn pháp. Vọng tâm lao nhọc chính là thức thứ bảy.

Nó đã là giác thì nó phải là minh. Còn phải tìm hiểu là minh thêm, khởi niệm tìm hiểu, khởi niệm phân biệt, thế cho nên thành vọng minh. Tam tế (Sanh tướng vô minh, Chuyển tướng vô minh, Hiện tướng vô minh) là cái khó biết, chỉ có Phật và Bồ tát mới biết. Sáu tướng (sáu căn) là lục thô. Thô là chỗ mình nhận ra được, tự nhận ra mình đang thấy, đang biết, đang biết phân biệt ở thân của mình. Suy nghĩ rồi từ thân của mình mà nhận ra. Hiểu để nhận ra. Đây chư Phật, chư tổ cũng mong cho chúng ta nhận hiểu, cứ vặn nghĩa này, nghĩa kia chỉ để mở cửa những cái khó ra. Nếu chúng ta không chịu tìm hiểu thì đành vậy chứ không biết cách nào. Đây là các ngài đang nói về tạng thức của chúng ta từ hình thành đến phát triển và tiếp nối.

Khác với cái khác mà lập ra cái đồng cũng gọi là hiện tướng. Có đồng, có khác thì sẽ sanh ra cái không đồng, không khác. Không đồng vì thân căn bốn đại chấp ngã. Đồng vì kiến tinh diệu minh thấy mình và mọi người cùng tánh giác. Trong đồng nhưng có khác vì mình thấy là mình thấy, người thấy là người thấy cho nên nhận ra có mình và người. Vọng tâm nên thấy có cảnh và có người khác thành ra đối đãi sinh lao, cứ tự vẫn đục lẫn nhau, cứ thế kế toán tự tướng phân biệt lợi hại theo danh chấp tướng mỗi ngày nó thêm nặng ra. Chính thân mình thành ra cái lộn tùng phèo. Yêu cái này ghét cái kia, không bằng lòng cái kia, cái nọ, tức là chính tư tưởng mình khởi lên trần lao phiền não. Còn tự vẫn đục là khi thì tham, khi thì sân.

Tam tế lục thô là lấy thước để đo tầng lớp mê của chúng ta từ tế đến thô. Mê muội thấy ra hư không, thấy đất, nước, gió, lửa thành ra có hai. Mình phân biệt đó là trí tướng mà tương tục phân biệt gọi là tương tục tướng. Chúng ta tham, sân, si tạo nghiệp, từ tạo nghiệp mà cảm quả báo luân hồi sanh tử. Bản giác vốn vô sanh bất diệt, vô lượng thọ, vô lượng quang, là tánh A-di-đà của tất cả. Từ bản thể ấy, chúng ta theo nghiệp biến hoá và làm đủ loài như loài người, súc sanh, ma quỷ, địa ngục, trời và a-tu-la thành lục đạo luân hồi giả tạm, cứ biến hoá nay hết thân này, mai đến thân kia. Vọng tâm là nghiệp quả và cứ thế nối tiếp cho nên phần trước Đức Phật đã giảng về hư vọng của thế giới và hư vọng của nghiệp quả.

Thế nào là chi mạt vô minh? Mạt là cái ngọn. Mê của mình là cành và ngọn. Vô minh ở đây tức căn, trần, thức khai nguồn ba độc tham, sân, si. Thế nào là căn trần thức? Trước nhất là có con mắt thấy những bóng ảnh gọi là trần. Do ánh sáng mặt trời chiếu, phản chiếu cái bóng hiện vào thần kinh con mắt không hư, theo nghiệp làm người, từ nhỏ nhờ cha mẹ, nhà trường đã dạy cho chúng ta biết đây là bình bông. Khi biết đây là bình bông tức là một nhãn thức đã sanh… Nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng vậy.

Thấy, nghe, ngửi, nếm hàng ngày là trần, nhận thân đất, nước, gió, lửa làm mình, rồi nhận cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp cho là cảnh bên ngoài, do đó khởi tham, sân, si. Từ đó, nhận ba độc tham, sân, si này làm tâm tánh. Vậy cái vô minh điên đảo từ gốc sanh tướng vô minh, chúng ta bây giờ đang nhận vọng tâm làm tánh của mình, nếu chúng ta muốn uốn dẹp là phải uốn dẹp từ đó.

Bỏ hai độc tham sân, mà muốn đừng ngu si nữa thì phải quan sát vọng thân, đừng nhận làm mình, đích chỉ vọng thức phan duyên. Phan là mình cứ duyên theo tiếng nói, hình sắc, lời ngon ngọt... Chúng ta duyên vào những cái thấy, nghe, ngửi, nếm. Vì chúng ta phan duyên nên nó mới mở ra ba độc tham, sân, si tạo sát, đạo, dâm, vọng. Vậy sát, đạo, dâm, vọng là từ đâu ra?

Tiếp theo phần ngũ trược này là phần Đức Phật sẽ đích chỉ đầu mối lưu chuyển chính là sáu căn. Sáu căn duyên theo sáu trần sanh ra sáu thức. Nhãn thức phân biệt cái thấy, nhĩ thức phân biệt cái nghe, tỉ thức phân biệt cái ngửi, thiệt thức phân biệt cái nếm, thân thức phân biệt cái xúc chạm, ý thức mới tính toán, mở ra ba độc tham, sân, si, cho nên sáu căn là gốc sanh tử để sáu thức nương tựa. Trong 12 nhân duyên, xúc tức là căn gặp trần. Xúc rồi thọ. Thọ là thấy khổ thấy vui, rồi ái sanh yêu, ghét thì sanh ố, rồi từ ái ố mới đến thủ. Thủ ở đây gọi là thủ chấp. Yêu là quý thân, rồi đến hữu tức là có tạo nghiệp. Từ hữu rồi sanh ra lão bịnh tử. Ở trong 12 nhân duyên Đức Phật dạy chúng ta để ý ngay từ lúc xúc chạm, mỗi khi sáu căn chạm sáu trần phải hộ sáu căn ngay thì chúng ta tránh được chi mạt vô minh.

NGŨ TRƯỢC

Mê muội thấy có hư không, kết ám lại có đất, nước, gió, lửa tức là sắc. Sắc tạp vọng tưởng thành có thân tâm và cảnh giới tạo thành năm lớp ô trược. Trược là mê lầm, nhơ bẩn, đau khổ, đọa về vô thường, mất đức chân thường, đức chơn tịnh, đức chơn thật và đức an vui.

Mất đức chân thường vì thân ta và cảnh xung quanh đang bị ảnh hưởng, bị chi phối bởi luật sanh già bịnh chết, sanh trụ dị diệt; trong khi cõi Cực lạc thì không bị chi phối bởi sự vô thường này.

Mất đức chân lạc nên buồn rầu tối ngày, khóc huhu tối ngày, khổ phiền não trong lòng vì phải nói chuyện hay làm việc với người mình không hạp.

Mất đức thanh tịnh nên người hôi hám, bất tịnh, có chín lỗ trong thân toát dơ bẩn. Tâm cũng đắm nhiễm, loạn động, không tinh khiết.

Mất đức chân ngã nên thân muốn bịnh là bịnh, chết là chết. Đau lưng, đau cổ, uống thuốc nó bớt thì mừng, nó không bớt thì ngồi im niệm Phật nhìn xem thân thể nó xáo động bịnh hoạn ra sao, chúng ta không làm gì được, đầu hàng chịu thua, không làm chủ được thân mình, đưa cả sấp tiền cho bác sĩ cứu mà không được, thân phải tan rồi chết.

Những cái trược này bao phủ ở năm phần tức nhìn thân tâm chúng ta thì thấy có năm lớp vô minh gọi là ngũ trược:

1. Kiếp trược: gốc bắt đầu tánh Phật của chúng ta thường trụ ở khắp pháp giới, bản thể của vạn pháp, là bất nhị (không phải hai). Bây giờ mình vọng động thấy có hai là kiến phần và tướng phần. Chia chân tâm bất nhị thành hai là tinh thần và vật chất. Nhận tinh thần là ta, còn bao nhiêu không phải ta thành có kiếp trược, có vọng cảnh. Trong tăm tối kết ám thành sắc là bắt đầu có đất, nước, gió, lửa. Có lửa là có ánh sáng, thế là có hai trần sáng và tối, động và tĩnh, hợp và li, nhạt và ngọt, xúc và không xúc, sanh và diệt là có các cảnh trần, vọng cảnh.

Tại sao gọi là kiếp? Kiếp là nói về thời gian, bởi vì có đất, nước, gió, lửa ở trong hư không biến đổi nên mới có ngày hôm qua khác, hôm nay khác, ngày mai khác, có quá khứ, hiện tại và tương lai để đánh dấu sự thay đổi ấy. Mới đặt ra ngày đêm, năm tháng, thời gian, thành từng phận đoạn thời điểm, chứ không còn xuyên suốt nữa nên mất đức chân thường mà bây giờ đưa vào cảnh vô thường.

Cảnh vô thường, hôm nay khác, hôm mai khác tức thành ra có thời gian. Chúng ta bắt đầu đo lường thời gian ngày đêm, nhiều năm thì gọi là kiếp và kiếp bị trược.

Kiếp trược hay sắc ấm, ở trong kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là kiên cố vọng tưởng.

2. Kiến trược: Do bắt đầu có hư không, có đất, nước, gió, lửa, có những trần sáng và tối, thành ra cảnh giới của cái thấy, do động và tĩnh thành ra cảnh giới của cái nghe, do hợp và ly thành ra cảnh giới của cái ngửi, do nhạt và vị thành ra cảnh giới của cái nếm, do xúc và không xúc thành ra cảnh giới của thân, do sanh và diệt thành ra cảnh giới của ý thức. Chúng ta có vọng cảnh gọi là sắc ấm. Nặng nề nhất là lãnh thọ đất, nước, gió, lửa là thân thể của mình (tranh luân hồi minh họa là căn nhà có sáu cửa)[4]. Vọng thân này chia làm sáu căn để nó biến hoá ra sáu trần. Thế cho nên kiến trược này là cái thấy sai lầm.

Cái thọ nặng nề và ngu si nhất là đất, nước, gió, lửa, làm chỗ nương tựa của mình, từ thân này có sáu căn, biến ra sáu căn cho là mình, rồi lại cho sáu trần là cảnh bên ngoài đến già chết từ sáng đến tối lúc nào cũng chấp thủ thân ta, cảnh người. Cho nên phần kiến trược này gọi là thọ ấm. Thọ tức là lãnh thọ cái gì ở bên ngoài mình. Chữ ấm nghĩa là nó ngăn che, không nhớ được đến tánh thật của mình.

Vơ đất, nước, gió, lửa kết làm da, thịt, xương, một nhúm này, dựng nó lên nhận làm thân thể mình và đối lập lại tất cả không phải mình, vì vậy kiến trược là thấy lầm.

Xây dựng ở trên mê lầm chấp ngã cho là thân ta, rồi từ thân này tạo ra sáu giác quan để biến hiện ra sáu cảnh giới sắc thanh hương vị xúc pháp cho là cảnh bên ngoài. Suốt ngày theo duyên mà lãnh thọ cảnh bên ngoài gọi là thọ ấm, gọi là kiến trược. Đầu tiên thọ thân này, rồi bắt đầu thọ đủ thứ, thọ đồ ăn mặc, thọ bảo hiểm sức khoẻ, thọ bảo hiểm xe cộ, thọ tình cảm, thọ chỗ ở, thọ danh vị chức tước, thọ tịnh tài, thọ bịnh chết... Mỗi cuộc đời là một trường cảm thọ. Có thấy thọ là có cái thấy sai lầm này và từ nó mở ra tất cả luân hồi khổ não, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là hư minh vọng tưởng.

Minh là mình thấy rõ ràng có thân mình, rõ ràng có cảnh sắc thanh hương vị xúc pháp. Thấy rõ ràng có mình, có đại chúng, chùa chiền, kinh sách, có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thấy rõ nhưng đều là hư vọng, nên gọi là hư minh vọng tưởng.

Lãnh thọ ăn cơm uống nước thở không khí để có thân này cho nên gọi là kiến trược là mê lầm, thấy sai. Mình đã thấy cái hư vọng đó chưa? Như trứng ung, trứng hư, đập ra là thối, không sanh con được. Thấy lãnh thọ cơm ăn uống nước, thở không khí để có thân này, lãnh thọ y áo, lãnh thọ giới phẩm, của cúng dường, thọ đồ ngon, đồ dở, lãnh thọ sự cung kính, cho đây là tôi, đều là trược, là nhơ, là vọng thân, cho nên gọi là kiến trược, là mê lầm, thấy sai.

3.Phiền não trược: tự thấy mình lấy cái thân đất, nước, gió, lửa này làm chỗ trụ, thấy mình ở trong thân đó, thân này là thể chất của mình, rồi nhìn ra sáu cảnh ngoài tính toán khôn dại, lợi hại tốt xấu thành ra phiền não trược, tức là vọng tâm, tưởng ấm. Phiền não trược là có vọng tâm vì nhận những tham, sân, si làm tâm tánh của mình.

Cả ngày trong thì chấp thân thể này là của mình, cho sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là bên ngoài, cho nên ra công tính toán, vì thế mới mở ra những độc tham, sân, si gọi là phiền não trược, nung nấu khiến cho chúng ta không được mát mẻ, nó não loạn làm cho chúng ta mất sự an ổn, mở ra ba độc tham, sân, si. Tánh tôi nóng lắm, tôi thích cái này, tôi ghét cái kia, ở đây gọi là phiền não trược. Phối về năm ấm thì gọi là tưởng ấm.

Vì vậy vô minh số một là vọng cảnh (kiếp trược),

Vô minh số hai là vọng thân (kiến trược),

Vô minh số ba là vọng tâm (phiền não trược).

Đức Phật thấy rõ ba vọng này, tức thấy rõ cuộc đời này là vọng, nên ngài và tăng đoàn không mất nhiều thời gian để lo cho cái mặc, cái ăn, cái răng, cái tóc của nó. Hình ảnh chư tăng ngày xưa, đi chân không, cạo tóc, sống đơn giản để có thời gian trở về với cái thật của mình.

Tưởng nhớ người thương liền khóc, tưởng trái me chua nước miếng chảy, tưởng đang lên dốc gập ghềnh thì xương sống ớn lạnh, tưởng chị A đang bêu rêu nói xấu mình thì mặt mày săn tím lại, tay chân run lẩy bẩy đầy bực tức... Các tưởng này dung thông toàn thân, nên phần phiền não trược này gọi là dung thông vọng tưởng.

4. Chúng sanh trược:

Chúng ta có đủ cả vọng cảnh, vọng thân và vọng tâm. Bởi vì có vọng tâm như vậy, cả ngày nhận những tham, sân, si là mình, mới mở ra những chuyện sát đạo dâm vọng, bao nhiêu những thứ nghiệp tạo, cho nên tạng thức cứ y theo nghiệp mà chuyển biến, thành ra có những quả báo. Cảm những quả báo thành có thân.

Bởi vì mình ở kiến trược nên đã có loại vô minh là cứ tối ngày lo ăn cơm món này, món kia, uống nước mua bỏ vào tủ lạnh để dành, thở không khí, vơ đất, nước, gió, lửa ở bên ngoài, nhận ánh sáng mặt trời bên ngoài để bào chế ra máu và nhận làm thân thể của mình. Đói quá sắp xỉu vì ngộp thiếu không khí, chế nước hay sữa tươi vào, người tỉnh và tay chân cử động được ngay.

Chỗ lầm tri kiến là cứ thấy đây là mình, phải bảo vệ cái mình. Phải ăn cơm uống nước, phải lo giữ gìn để xây dựng có một cái thân, nó có mắt, tai, mũi, lưỡi, để mà thọ lãnh những cảnh sáu trần, cho nên trong thân tâm của chúng ta cứ phải bằng bất cứ giá nào đan dệt có một cái thân bằng đất, nước, gió, lửa, cho nên thành có thân.

Đức Phật nói thật sâu sắc. Chúng ta nghe mà đau trong lòng.

Thế nhưng đất, nước, gió, lửa thì không ở mãi với mình, nó chuyển biến nên có sanh, già, bịnh, chết rồi tan đi. Cứ thế hết thân này lại tìm cầu một thân khác, cứ theo nghiệp báo. Nay có thân người, mai thân con bò, mốt thân con rắn rết, chuồn chuồn, bươm bướm, thằn lằn cứ biến hoá thay đổi.

Mình thì cứ vơ đất, nước, gió, lửa để thành thân, nhưng nghiệp báo cứ xoay vần, thân cứ sanh, già, bịnh, chết, rồi lại sang kiếp khác, lại vơ có thân khác, nghiệp báo lại xoay đem đi, cứ như vậy mà biến đổi mà hiện hình tướng con chó, nhận mình làm con chó, hiện hình tướng con người thì nhận mình làm con người, nhận là tôi, hiện ông trời thì nhận tôi là trời phạm vương, hiện con chó, con mèo thì nhận tôi là con chó con mèo...

Cứ vơ đất, nước, gió, lửa làm thân, rồi vơ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để tính toán nhận cái đó làm tâm. Do những thứ vơ vào, những thứ hợp lại mà có thân, có tâm nhận làm mình là chúng sanh trược.

Như thế lớp mê số bốn là nhận báo chướng là mình. Nghiệp báo hiện báo chướng lên, nhất định vơ nhận làm mình, từng thân phận đoạn một, đuôi con quỷ vô thường, từng đoạn gọi là phần đoạn sanh tử, lớp mê muội số bốn này là chúng sanh trược.

Vì vơ lấy đất, nước, gió, lửa, vơ lấy bốn thứ nhận làm mình nên gọi là chúng sanh trược. Thế là ‘hành ấm’ cứ biến chuyển đổi dời, thay đổi thức trí bình thường khó thấy nên gọi là u uẩn vọng tưởng.

Do vậy, mình ra sức bảo vệ thân, nuôi dưỡng thân cho nó sống lâu. Chỗ thấy, chỗ biết của chúng ta là phải bảo vệ nó, cho nó ăn, cho nó mặc áo ấm, phải tận tình lo để kéo thân được sống lâu dài.

Thế nào là tri kiến muốn lưu ở thế gian nhưng nghiệp báo xoay vần dời đổi đi cõi khác? Hiện tại thân bất tịnh là do nghiệp ở cõi ta bà, do dâm dục nên thành cái thân nhơ bẩn. Thân chó mèo, chuột rắn đều là nhơ bẩn. Con chó con xinh xinh chúng ta vuốt ve, chứ sau đám lông trăng trắng, nâu nâu là bao thứ nhơ nhớp hôi hám, bao con bọ chét cắn thân. Bây giờ chúng ta tập niệm Phật, giữ ba nghiệp trong sạch thành ra nghiệp chúng ta trở thành thanh tịnh. Khi thân của tội báo nó già, nó bịnh và nó tan đi thì thân thanh tịnh bên cõi Cực lạc lại xuất hiện.

Nghiệp báo xoay vần dời đổi, cứ có thân nào thì nhận thân ấy làm mình. Có thân người, thì vơ đất, nước, gió, lửa này làm tôi, làm mình, thế gọi là một chúng sanh. Chúng là do một số nhiều, sanh là thành hình. Trước kia nếu làm con bò, con mèo, con chó cũng vơ đất, nước, gió, lửa trong hình tượng con bò, mèo, chó nhận làm mình, nhận mình là chúng sanh. Nếu quán chiếu giác tỉnh, không có vơ đất, nước, gió, lửa nhận làm mình nữa thì khi ấy mới hết thân chúng sanh. Chúng mình cứ thay đổi hết thân này đến thân khác gọi là hành ấm. Biến đổi nghiệp báo, hành ấm chuyển, hiện hết thân này lại làm thân khác, nên hành ấm này gọi là u uẩn vọng tưởng. U uẩn khó biết, chúng ta không hề biết được sự vận hành của nó.

5. Mạng trược: khi đã nhận thân chúng sanh làm mình. Hễ thân còn thở, ăn, nói, cười, sinh hoạt, đi tới, đi lui được thì gọi là mình sống. Hễ thân không sinh hoạt nữa, sáu căn tan rã, sáu thức không sinh hoạt thì gọi là mình chết, hết thọ mạng. Nhận thọ mạng của thân gà khoảng sáu tháng, thọ mạng của heo khoảng ba năm, của chó khoảng 10 năm, của người khoảng 80 năm... Thành ra, chúng ta nhận cái thọ mạng, sinh hoạt của thân tạm bợ, thân đất, nước, gió, lửa, nhận đó làm thọ mạng của mình, cho nên gọi là mệnh trược.

Mệnh trược này thuộc về tạng thức rất vi tế, khó hiểu, khó biết nên gọi là vi tế tinh tưởng. 

Vì cứ khư khư nắm lấy cái sinh diệt, từng mạng sống phận đoạn, non yểu làm mạng sống của mình, nên chúng ta quên mất tánh không sanh, không diệt, tánh vô lượng thọ của mình mà mình đang sống với nó lại quên. Tánh vô lượng thọ này không bận lòng gì đến cái thân bằng đất, nước, gió, lửa này cả. Tánh bản lai vô lượng thọ này có từ lâu như hư không, cho nên phải học kinh Thủ Lăng Nghiêm để nhận mình là cái gì, mình thật vẫn có từ bao giờ, vẫn ở khắp pháp giới, không bận gì đến thân đất, nước, gió, lửa này cả. Thân bằng đất này gom lại rồi tan đi, chứ tánh Phật của mình vẫn thường trụ bất động.

Tánh vô lượng thọ này bất động, độc lập không quan hệ gì đến cảnh bên ngoài cả. Có âm thanh, có hình sắc thì nó nghe, nó thấy. Không có âm thanh, không có hình sắc thì nó biết là không có âm thanh, không có hình sắc. Tánh Phật vẫn bất động, độc lập, còn những âm thanh, sắc tướng, thơm thối, ngọt chua, nóng lạnh hiện lên rồi lại tự tan đi, cho nên nó không quan hệ gì đến tánh Phật của mình cả. Cho đến cả vọng tâm yêu ghét, mừng giận thì đấy chỉ là thói quen, là vọng tập, cứ nổi lên rồi lại tan đi, chứ tánh Phật thấy yêu khởi lên, rồi ghét khởi lên, nó biết nó mặc, thì những cái yêu ghét đó tự tan đi, nó vẫn độc lập tự tại.

Trược là không đúng sự thật. Chính mình là vô lượng thọ, còn đây là thọ mạng của từng phận đoạn thân bằng đất, nước, gió, lửa, chứ không phải là thật, cho nên gọi là trược. Như thế, chúng ta mất đức vô lượng thọ, vô lượng quang mà cứ nhận từng mẫu, từng phần đoạn sinh hoạt làm mạng sống của mình.

NGHĨA 2: THẪM TƯỜNG CĂN BẢN PHIỀN NÃO

Nghĩa thứ hai là các thầy quyết muốn phát tâm Bồ đề, nơi thừa Bồ Tát, sinh lòng đại dũng mãnh, quyết định rời bỏ các tướng hữu vi, thì nên xét rõ cỗi gốc phiền não, những cái vô minh phát nghiệp và nhuận sinh vô thỉ đó, là ai làm, ai chịu ?

A Nan, thầy tu đạo Bồ đề, nếu không suy xét cỗi gốc phiền não, thì không thể biết những căn trần hư vọng, nó điên đảo ở chỗ nào; chỗ điên đảo còn không biết, thì làm sao uốn dẹp được nó và chứng được quả vị Như Lai.

A Nan, thầy hãy xem người thế gian cởi nút, hễ không thấy chỗ thắt nút, thì không biết cởi, chứ không hề nghe hư không bị phá tan; vì sao? Vì hư không không có hình tướng, không thắt, không cởi vậy. Thì như thầy hiện nay, sáu thứ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà; do đó, từ vô thỉ, thế giới chúng sinh sinh ra ràng buộc, không thể vượt khỏi thế gian sự vật.[5]

Thế nào là thẫm tường xét cho kỹ căn bản phiền não tức căn bản sanh tử?

Phải xem xét chúng ta điên đảo ở chỗ nào? Nếu chúng ta không biết thắt nút ở chỗ nào thì làm sao mà cởi. Nếu không biết chỗ điên đảo thì làm sao mà dẹp được giặc? Biết giặc ở chỗ nào thì chúng ta mới dẹp được nó. Có dẹp được giặc thì mới an hưởng thái bình. Thế cho nên phải xem xét chúng ta điên đảo ở chỗ nào và biết mình đã thắt nút ở chỗ nào thì mới có thể cởi được.

Như người làm vườn trồng hoa thược dược, phải nhổ hết cỏ. Nếu để cỏ mọc um tùm thì gốc hoa của chúng ta không phát triển được. Cũng thế, phải biết rõ ràng những phiền não để nhổ. Chúng ta có năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là ngũ trược, năm thứ vọng tưởng, năm thứ vô minh. Năm thứ này đừng nhận làm mình là xong. Biết được căn bản sanh tử, biết năm ấm, biết nó là hư vọng, mặc cho nó tan đi, thế là thẫm tường phiền não. Rất đơn giản.

Cách nhổ cỏ phiền não là nhổ đào cả gốc quăng đi, nếu chỉ cắt trên ngọn còn gốc thì đủ duyên cỏ lại mọc nữa, nên phải nhổ tận gốc. Nhổ tận gốc nghĩa là hễ còn nhận sắc ấm là thân tôi thì nó dựng lên, còn biết là đất, nước, gió, lửa thì mặc nó, nó còn hay mất không bận gì tới mình. Ai khen cũng mặc, ai chê cũng mặc, biết mai nó sẽ tan đi, đâu có gì là thật. Mỗi khi nhìn để ý ngay, an định cái tâm lại, độc lập, còn những bóng ảnh là hư vọng thì nó tan. Thế là phá sắc ấm.

Biết nó huyễn thì chúng ta cứ bình tĩnh, độc lập, an định, đừng bận lòng gì đến cảnh bên ngoài. Biết mình độc lập thì còn có những khổ, vui hiện lên nữa không, thế thì làm gì có thọ. Thế là phá thọ ấm. Biết thọ là không thì đừng vơ vào. Một khi không có khổ, vui thì tưởng ghét, mừng, giận thành không cả. Thế là pháp tưởng ấm. Một khi thấy được sắc thọ tưởng là huyễn, còn cái hành nó đang chuyển động, mình cũng biết cái chuyển động này là cái mê, bản chất mình là bất động, thế là phá hành ấm.

Nếu chúng ta không bị sắc thọ tưởng hành chi phối thì làm gì có cái thức, thế là phá thức ấm. Chúng ta cứ việc độc lập, an ổn thôi.

Không vơ các cảnh bên ngoài vào để khổ, vui yêu ghét, có trí tuệ như thế tức mình biết cái điên đảo ở chỗ nào, đó gọi là thẫm tường. Chúng ta hàng phục cái điên đảo thì mình được tự tại, không bị những cái tưởng nó chi phối nữa. Đó là biết điên đảo ở chỗ nào. Văn kinh nói: nếu không biết thắt nút ở chỗ nào thì làm sao mà cởi.

Muốn biết thắt ở đâu, chính là ở sáu căn của mình. Mỗi khi ngủ dậy mắt mình mở, sáu căn mở toang, chúng ta thấy cảnh sáu trần bên ngoài, tâm liền phân biệt tốt xấu. Thế là tâm yêu ghét khởi lên, thế là nó thắt nút. Thấy chị A đó dở ẹt mà ra vẻ ta đây, phách lối, cảm thấy ghét quá, khinh quá, thế là cột vào. Mình biết nó huyễn, mình đừng thắt thì nó cởi ra. Vậy biết ngay nút mình thắt ở sáu căn cho nên cứ hộ sáu căn.

Tâm mình có khởi lên những khổ, vui, sầu, bi, khổ, ưu, não, mình biết là hư vọng, mình tỉnh ra thì khổ, vui tan đi, vì chỉ có vọng tưởng, vọng tập chứ không có sự thật.

May cho mình những phiền não vô minh, những khổ nạn này toàn là cái không có, là cái hư vọng chỉ cần tỉnh ra thôi, đừng vơ nó về mình, buông nó ra, còn chính mình là căn bản bồ đề, là vô lượng quang, vô lượng thọ. Cứ việc trở về mình là thường lạc ngã tịnh, là an vui, là hạnh phúc. Thế nên học Phật không việc gì khác là buông ra, bởi vì bản chất của mình là Đức Phật rồi, bây giờ chỉ có một việc là buông ra. Thấy phiền nhọc, thấy khó chịu thì xin chỉ một việc làm ơn buông ra, đừng nói tôi phiền, tôi nhọc.

Thẫm tường là mình đang xét năm trược, năm phiền não, năm lớp vô minh. Thẫm tường cho kỹ đừng nhận nó làm mình. Chúng ta cứ suốt ngày vơ nhận làm mình nên đi mãi trên đường mê.

Phần này Đức Phật khuyên chúng ta trước hết lo nhân tu cho đúng. Hãy dùng đúng nhân tu là chơn tâm bản tánh thì sẽ thành Phật, còn như nếu sống với hư vọng thì dĩ nhiên kết quả hư vọng. Đây là rốt ráo lập thật giáo, là giáo lý chân thật của Phật, là dạy mình nhận lấy chân tâm.

Đến đây xem như Đức Phật đã giảng xong phần Sa-ma-tha rồi. Sa-ma-tha nêu ra hai nghĩa quyết định là nhắc lại nhân quả tương ưng, tức là dặn chúng ta phải nhận ra căn bản bồ đề mà thẫm trừ phiền não, tức là dạy mình nhận và loại ra căn bản sanh tử.

Phần kế tiếp là ngài khẳng định lại căn bản bồ đề hay căn bản sanh tử là ở sáu căn.

Tri Kiến Lập Tri và Tri Kiến Vô Kiến

Khi bấy giờ, đức Thế Tôn thương xót A Nan và hàng hữu học trong Hội, lại cũng vì tất cả chúng sinh đời vị lai tạo cái nhân xuất thế, làm cái đạo nhãn tương lai; Ngài dùng tay sáng ngời xoa đỉnh đầu A Nan. Liền khi ấy, trong tất cả thế giới, chư Phật mười phương, sáu thứ rung động; các đức Như Lai, số như vi trần; trong các cõi ấy, mỗi Ngài đều có hào quang báu từ nơi đỉnh đầu phát ra; hào quang ấy, đồng một thời từ các cõi kia đến rừng Kỳ Đà, soi nơi đỉnh đầu của đức Như Lai; tất cả đại chúng đều được cái chưa từng có.

Khi bấy giờ, A Nan và cả đại chúng đều nghe các đức Như Lai mười phương, số như vi trần, tuy khác miệng, nhưng đồng một lời, bảo A Nan rằng: “Hay thay cho A Nan! Thầy muốn biết cái câu sinh vô minh là cái đầu nút, khiến thầy phải luân hồi sinh tử, thì nó chính là sáu căn của thầy, chứ không phải vật gì khác; thầy lại muốn biết tính vô thượng Bồ đề, khiến thầy chóng chứng đạo quả an vui, giải thoát, vẳng lặng, diệu thường, thì cũng chính là sáu căn của thầy, chứ không phải vật gì khác.[6]

Xưa nay chúng ta cứ cho Đức Phật là một cái gì cao xa lắm. Nếu Đức Phật ở trên cao chín tầng mây cho mình nương tựa, khẩn cầu, núp bóng thì chúng ta dễ tin; còn bây giờ Đức Phật ở ngay trong tai mắt, nơi sáu căn của mình là cái hết sức khó tin, mà xưa nay Đức Phật thường nói thân này, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân này là gốc luân hồi, là bất tịnh, dơ dáy và bịnh hoạn.

Chúng ta nhớ phần mở đầu kinh Thủ Lăng Nghiêm, tôn giả A-nan khóc, kính xin Đức Phật chỉ cho pháp Ta-ma-đề để thoát luân hồi sanh tử. Đức Phật hỏi: vậy chứ cái tâm khát ngưỡng 32 tướng tốt của Phật và tâm yêu thích nàng Ma-đăng-già, tâm đó ở đâu? Tôn giả nói ở trong thân con. Phật quở: không phải, đó chỉ là vọng tâm. Chính vọng tâm này là giặc và con mắt thấy tức thân căn đó làm mai mối, đều là luân hồi cả.

Như vậy, chính Đức Phật đã minh bạch chính xác chỉ nó là đường luân hồi rồi, bây giờ chỗ giặc và mai mối ấy, Đức Phật lại nói nó là đường giải thoát, chính chỗ ấy là thành Phật. Thật là rất khó hiểu và khó tin.

Lời của Đức Phật tuyên bố như sau:

Tri kiến lập tri tức vô minh bản.

Tri kiến vô kiến tư tức niết bàn.

A-nan, thầy muốn biết cái câu sanh vô minh (căn bản vô minh) là gốc thắt kết khiến thầy lưu chuyển trong vòng sanh tử ấy, chính là lục căn của thầy chứ không phải vật khác. Thầy lại muốn biết đạo vô thượng bồ đề khiến ngươi mau chứng quả tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ ấy, cũng chính là lục căn của thầy chứ không phải vật khác.

Tri kiến lập tri tức vô minh bản: Căn bản sanh tử là do chỗ tri kiến lập tri. Tri là cái biết của thức thứ sáu, ý thức. Kiến là cái biết của thức thứ nhất, nhãn thức, tức là đại diện nói luôn cả sáu cái: thấy, nghe, ngửi, nếm, hay và biết, gọi là tri kiến.

Tri kiến lập tri là y theo sáu cái thấy, nghe, ngửi ấy lập hiện lên năm trần: sắc thanh hương vị xúc mà lập tri, tức là mình nắm lấy, giữ chỗ biết của mình gọi là lập tri và nắm lấy cho là thật, đấy là gốc vô minh.

Như chúng ta bây giờ đang thấy, mắt nhìn thấy bình bông, cho là thật. Thấy có đại chúng đang ngồi đây mình cho là thật, cho là mình thấy thật thì đấy là gốc vô minh.

Bởi lẽ hồi nãy ở phần ngũ trược, Đức Phật dạy rồi:

Vô minh thứ nhất: cho cảnh là thật (kiếp trược).

Vô minh thứ hai: cho thân là thật (kiến trược).

Vô minh thứ ba: cho tâm là thật (phiền não trược).

Phải quán chiếu cái thấy đây là do có con mắt mà con mắt này là nghiệp báo của loài người, cho nên những hình ảnh thấy đây là nghiệp báo của loài người nó trình bày ra, tuần nghiệp hiện ra. Một khi đã gọi là nghiệp báo thì đâu có thật nữa mà chúng ta bị nghiệp báo đánh lừa, chúng ta lập tri cho là thật, quên là đang đeo con mắt, đeo kính nghiệp báo, quên đó là cái không có. Chúng ta đang mê muội bị nghiệp báo đánh lừa nên tranh giành hơn thua cả ngày và cả đời. Đây là gốc vô minh.

Chúng ta quên chạy theo các nghiệp báo đen đúa đó nên là vô minh. Mỗi loài chó, mèo, trời, địa ngục đều thấy nghiệp báo của mình, đều là tướng nghiệp báo, không phải sự thật, mà mình nắm lấy chỗ biết của mình cho là thật. Hễ lập tri cho là thật thì đấy là bà già mù vô minh đi trong rừng xương sọ[7].

Vậy phải thấy như thế nào mới đúng? quyền giáo trong 12 năm đầu Đức Phật thuyết hệ A-hàm là ngài dạy quán các tướng nghiệp báo của các loài là huyễn. Sau khi biết huyễn thì buông xả thân, tâm, cảnh và nhận tánh thể nơi thấy nghe hay biết, thường trụ nơi sáu căn. Đó là ý nghĩa của các kinh phát triển (Đại thừa) sau này.

Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn: Thế nào là vô kiến? Tuệ tri vi mật quán chiếu thân tâm cảnh này là huyễn. Thấy như không thấy, không để nó chi phối, che lấp và đánh lừa, biết đây là bóng ảnh giả hiện không thật, bình tĩnh an định tinh thần, không để cảnh ngoài đánh lừa khiến mất quyền tự chủ, nhận giặc làm con, làm mai mối, không bị sai sử, không bị oan uổng chịu khổ, thế là chúng ta ở niết bàn.

Tuy sống với loài người, đeo sáu căn của loài người nhưng chúng ta vẫn ở niết bàn, bởi vì mình biết cái đó là huyễn. Thấy như vậy là sáng suốt.

Bây giờ chúng ta học kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật xác nhận: con đường giải thoát và con đường đọa lạc là ở ngay sáu căn của mình. Những cái hiện lên, nhớ rằng đây là kính nghiệp của loài người, không phải mình thì không lập tri. Đại chúng đây đều là tướng nghiệp báo hiện ra, còn sự thật: chính mình và đại chúng đều là tánh Phật.

Nếu trong đại chúng đây có người Phật tử hiện tướng sân si, niềm nở, hoặc khiêu khích, khinh khi mình thì nên biết những tướng này chỉ là nhân duyên giả hiện, mình biết như vậy, còn sự thật đại chúng đây đều là ông Phật cả. Tri kiến vô kiến, là đừng thọ, thấy cũng như không thấy, đừng bận lòng nghe người ta rì rào phiền quá, buồn quá hoặc rối rít lên, tít mù các chuyện, đừng bận lòng chỉ một việc vô kiến là đừng chấp là thật.

Tri kiến Phật tức tánh thấy nghe hay biết của chúng ta, chính là tánh Phật. Nếu chúng ta sống với tánh thấy, nghe, hay, biết, thì chính là tánh Phật. Nếu chúng ta sống với nhỡn thức thì đó là chúng ta đi về tri kiến chúng sanh. Tri kiến Phật ở căn tánh. Đức Phật đã đích xác chỉ rõ và chính chúng mình cũng đã nhận được, học được và hiểu được. Tri kiến Phật tức là tánh thấy, nghe, hay, biết của chúng ta, chính là tánh Phật. Nếu chúng ta sống với tánh thấy, nghe thì chúng ta là Phật. Còn nếu chúng ta sống với nhỡn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức thì đó là chúng sanh đi về tri kiến chúng sanh.

Đức Phật đã tu chứng đến cứu cánh, cho nên Đức Phật mới chỉ cho mình chỗ tri kiến này tức là khai hiển tới cứu cánh, “Dần dà khai hiển tới cứu cánh gọi là Như lai tạng”. Đức Phật đã chỉ ra kiến tinh ở nơi sáu căn, chẳng những thế mà cả năm ấm, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới, 7 đại tất cả đều là Như lai tạng diệu chân như tánh.

Tánh Phật không chỉ đang hiển lộ công dụng ở sáu căn mà thể chất của tánh Phật là bản thể của năm ấm, sáu nhập 12 xứ, 18 giới, 7 đại, ngay cả từng tí từng, tí một, từng rừng cây, ngọn suối, cọng cỏ, nhánh hoa, cái ly, cái tách, chỗ nào có đất, nước, gió, lửa, những chỗ ấy đều là Như lai tạng. Đức Phật cặn kẽ khai hiển cho chúng ta thấy đều là tánh Phật cả.

Đức Phật nói đi nói lại nghĩa này sợ ta vẫn chưa tin chưa nhận, ngài lại thỉnh vi trần Phật ở 10 phương xác nhận điều này. Liền khi ấy trong tất cả thế giới, chư Phật mười phương, sáu thứ rung động, các đức Như lai, số như vi trần, trong các cõi ấy, mỗi ngài đều có hào quang báu từ nơi đỉnh đầu phát ra. Hào quang ấy, đồng một thời từ các cõi kia đến rừng Kỳ-đà, soi nơi đỉnh đầu của Đức Như lai. Tất cả đại chúng đều được cái chưa từng có.

Khi bấy giờ, A-nan và cả đại chúng đều nghe các đức Như lai 10 phương, số như vi trần, tuy khác miệng nhưng đồng một lời bảo A-nan rằng: “Hay thay A-nan! Thầy muốn biết câu sanh vô minh là cái đầu nút khiến thầy phải luân hồi sanh tử thì nó cũng chính là sáu căn của thầy, chứ không phải vật gì khác. Thầy lại muốn biết tính vô thượng bồ đề, khiến thầy chóng chứng đạo quả an vui, giải thoát, vắng lặng diệu thường thì cũng chính là sáu căn của thầy, chứ không phải vật gì khác”[8].

Vi trần Phật từ cõi mình chứ không phải là ông Phật giả vờ, không phải là ông hoá Phật hay tiếng nói vu vơ văng vẳng ở hư không mà là chư Phật đích thật, từ cõi của mình phóng hào quang tới rồi nói trong hào quang. Các ngài khác miệng đồng lời đích xác tuyên bố việc này: Sanh tử và Niết bàn là ở ngay sáu căn của mình.

Các ngài phóng hào quang tới cho cả hội chúng mắt thấy, tai nghe, đích xác tuyên bố việc khó hiểu, khó tin này để không còn phải nghi ngờ gì cả.

Chưa hết, đợi chư Phật nói xong, Đức Phật Thích Ca lại nói một bài kệ thật dài để giải nghĩa, thế nào là sanh tử và niết bàn là ở sáu căn. Chúng ta sống là sáu căn hoạt động, khi sáu căn không hoạt động nữa thì gọi là chết, cả đời chúng ta là ở sáu căn. Mỗi cái tâm khởi niệm đừng có đi về đường luân hồi, chỉ an định chứ không vất vả gì cả, không phải làm gì cho sâu sắc chỉ nhận tánh thể của mình rồi an định vào tánh Phật.

Kinh Lăng Nghiêm đã đích xác, kỹ càng, cẩn thận và minh bạch tuyên bố về việc này. Tại sao lại kỹ càng như thế? Bởi vì đây là việc hết sức khó tin. Xưa nay chúng ta cứ cho Đức Phật là một cái gì cao xa lắm. Nếu Đức Phật ở chín tầng mây cao thì mình dễ tin, còn bây giờ Đức Phật ở ngay trong tai mắt của mình. Chính Đức Phật ở tại tai mắt mình, đó là cái hết sức khó tin mà xưa nay Đức Phật nói thân này, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân này là gốc luân hồi sanh tử.

 


[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 344

[2] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 345-7.

[3] Tám khổ: sanh, già, bịnh, chết, xa người mình thương yêu, gặp người mình oán ghét, cầu không được như ý và ngũ ấm xí thạnh.

[4] TN Giới Hương., Vòng Luân Hồi, tr. 90-91.

[5] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 353-4.

[6] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 385-6.

[7] Vòng Luân Hồi, tr. 77-8.

[8] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 385-6.