Triết học
Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên
Tác giả: Thích Hạnh Bình
01/03/2553 00:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương I: Phần dẫn luận: Khái quát về 5 việc của Đại Thiên và phương pháp nghiên cứu

Đề cập đến sự kiện rạn nứt, phân chia Phật giáo thành hai hệ phái Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ, trên thực tế có hai nguồn sử liệu khác nhau cùng đề cập đến vấn đề này. Nguồn sử liệu của Phật giáo Nam truyền thì cho rằng ‘Thập sự phi pháp’<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]--> là vấn đề tranh cãi giữa hai phái, tạo thành sự chia rẽ của tăng đoàn. Thế nhưng, theo nguồn tư liệu của Phật giáo Bắc truyền (Hán dịch) thì không lấy ‘Thập sự phi pháp’ làm yếu tố phân chia Phật giáo, mà lại lấy ‘5 việc của Đại Thiên (Mahādeva)’, xem đó như là sự kiện chính yếu gây chia rẽ Phật giáo. Đây là sự khác nhau về quan điểm của hai trường phái. Sự thật lịch sử của Phật giáo Ấn độ như thế nào, chúng ta không thể đứng từ góc độ tín ngưỡng, xuất phát từ cảm tình cá nhân, rồi dẫn đến kết luận như thế này hoặc như thế kia mà cần phải nghiêm túc tìm hiểu.

Sự kiện 5 việc của Đại Thiên được ghi chép trong 2 tác phẩm là “A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa luận” (Abhidharma-mahāvibhāsa-śāstra) <!--[if !supportFootnotes]--> [2]<!--[endif]-->quyển 99, và “Dị Bộ Tông Luân luận” (Samayabheda-uparacana-cakra)<!--[if !supportFootnotes]-->[3]<!--[endif]-->. Theo hai luận này ghi rằng, trong cuộc Bố tát, Đại Thiên công khai đưa ra 5 quan điểm của mình tạo thành sự tranh cãi trong chúng tăng, dẫn đến một cuộc hội nghị rộng rãi (kết tập kinh điển) để quyết nghị 5 việc mà Đại Thiên đưa ra đúng hay sai. Kết quả hội nghị bất thành, không thống nhất ý kiến, cuối cùng đã phân chia Phật giáo thành hai bộ phái Thượng tọa bộ (Sthāvira) và Đại chúng bộ (Mahāsamghika). Thượng tọa bộ là những người mang tư tưởng bảo thủ, tuy là thiểu số nhưng họ là những bậc kỳ cựu trưởng lão, cho nên gọi là ‘Thượng tọa bộ’. Ngược lại, Đại chúng bộ hầu hết là giới trẻ, là những người mang tư tưởng cấp tiến, có tinh thần phóng khoáng, lại chiếm đa số chúng tăng, cho nên có tên gọi là ‘Đại chúng bộ’ (Mahāsa×ghika) Như vậy, theo nguồn tư liệu Phật giáo Bắc truyền, Đại Thiên và 5 việc của ông trở thành nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ Phật giáo. Nội dung thảo luận của bài viết này chính là 5 việc của Đại Thiên.

Không phải Đại Thiên tự nhiên trở thành một nhân vật quan trọng trong lịch sử Phật giáo của Ấn Độ, mà rõ ràng phải có một bối cảnh xã hội đặc thù nào đó, để hình thành 5 việc của ông. Ông cũng không thể  bỗng nhiên trở thành một người lãnh đạo tinh thần cho phái cải cách, được đại đa số tăng chúng lúc bấy giờ chấp nhận, chắc chắn ở nơi ông có cái gì đó hợp lý, với tư tưởng trong sáng và lành mạnh, mới có thể tạo thành sự hấp dẫn, sự đồng lòng của giới Tỷ kheo trẻ và nhất là sự ủng hộ của nhà vua, để trước khi ông trở thành nhân vật lãnh đạo cho phái Đại chúng, làm người tiên phong, thúc đẩy cuộc cải cách Phật giáo, mặc dù bên cạnh ông luôn luôn bị chỉ trích bởi phái bảo thủ. Nếu chúng ta đứng từ góc độ này mà nhìn về Đại Thiên và 5 việc của ông, chúng ta thấy ở nơi ông có cái gì đó hợp lý.

Thế nhưng, nếu chúng ta căn cứ vào hai tác phẩm này và ngay cả tác phẩm “Kathāvatthu” của Phật giáo Nam truyền thì Đại Thiên không những chỉ là người ‘cực kỳ hung bạo’ mà còn là người có tà kiến đối với Phật pháp. Đây chính là lý do mà tôi tiến hành nghiên cứu và đánh giá lại tư tưởng của Đại Thiên.

Nếu chúng ta đứng từ góc độ lịch sử tư tưởng của Phật giáo Ấn Độ mà nhìn, thì những tác phẩm mà chúng ta vừa đề cập, tất cả đều là của phái Thượng tọa bộ -- phái trực tiếp phản đối tư tưởng của Đại Thiên hay Đại chúng bộ. Nếu như đó là sự thật thì chúng ta suy nghĩ và đánh giá như thế nào về tính khách quan của những tác phẩm này? Tôi tin rằng, có lẽ không một ai trong chúng ta có sự tin tưởng tuyệt đối với những tác phẩm này, trừ trường hợp là tín đồ của phái ấy. Từ góc nhìn này, tôi đã tiến hành tìm hiểu những luận này và phát hiện trong ấy có khá nhiều điểm mâu thuẫn nhau và phương pháp luận có nhiều vấn đề tranh cãi. Ví dụ trong “Luận Bà Saghi rằng, các nhà Hữu bộ muốn giải thích lý do tại sao Đại Thiên được nhà vua kính trọng, mời vào cung thuyết pháp, các nhà Hữu bộ lại mô tả Đại Thiên là người thông minh, tinh thông Tam tạng, có khả năng biện tài vô ngại, nhưng khi đề cập đến chủ trương về 5 việc của ông thì các nhà Hữu bộ lại mô tả về ông không phải như thế mà ngược lại, giống như một người ngớ ngẩn ngu ngơ; cách lý giải của ông không đủ thuyết phục cho những người đệ tử của mình, huống là những người trí thức trong Phật giáo. Một điểm nữa mà chúng ta cũng cần để ý là các nhà Hữu bộ đã đem việc tạo 3 tội nghịch của Đại Thiên, khi ông chưa xuất gia, hiểu rõ Phật pháp, lấy đó làm cơ sở để lý giải về 5 việc của Đại Thiên, sau khi ông đã ăn năn sám hối tội lỗi của mình, xuất gia và hiểu rõ giáo pháp. Đây là 2 sự kiện khác nhau không cùng một thời gian, không thể lấy việc này để đánh giá việc kia. Nhưng tại sao lại xuất hiện trong luận này? Có phải chăng các nhà Hữu bộ muốn sử dụng thủ đoạn này để phủ nhận tư tưởng của Đại Thiên chăng? Đây là một nghi vấn trong nhiều nghi vấn khi tiến hành nghiên cứu các luận của Hữu bộ ghi chép về Đại Thiên.

Riêng về tác phẩm “Kathāvatthu” ghi chép thì cẩn thận hơn, không đề cập đến đời tư trước khi xuất gia của Đại Thiên, chỉ đơn thuần  thảo luận 5 việc của Đại Thiên, thế nhưng các biên tập và phương pháp luận của luận này cũng có nhiều nghi vấn, không che đậy được tính chủ quan, biên tập luận này theo tinh thần và chủ trương của mình, cắt bỏ quan điểm và cách luận giải của đối phương. Ví dụ, ai đã đọc qua luận này đều thừa nhận rằng, luận này lấy hình thức vấn đáp để phân biệt giữa chính và tà, giữa đúng và sai. Mới đọc qua, ai cũng cảm thấy rằng, cách thảo luận này rất khách quan, nhưng trên thật tế thì không phải là như thế, đây là cách mà các nhà Thượng tọa bộ muốn làm rõ quan điểm của mình và làm lu mờ tư tưởng của đối phương, bằng. Vì qua nội dung thảo luận của tác phẩm này đã bộc lộ rõ nét của vấn đề, vì không thể chấp nhận một cuộc thảo luận mà chỉ có một bên hỏi và một bên trả lời, cuộc thảo luận như thế là không bình đẳng và khách quan. thế mà cuộc thảo luận ấy lại xảy ra và được ghi chép trong luận “Kathāvatthu” này. Nếu chúng ta làm cuộc thống kê  sẽ thấy rõ điểm này. Chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy hầu như toàn bộ những câu chất vấn là của Thượng tọa bộ, và phần trả lời là của Đại chúng bộ, nhưng cách trả lời cũng là một vấn đề đáng để cho chúng ta đặt nghi vấn và tìm hiểu. Tại sao Đại chúng bộ chỉ trả lời là ‘có’ hay ‘không có’ mà thôi, ngoài ra chúng ta không thấy lời giải thích nào của phái Đại chúng bộ, lý do tại sao trả lời ‘có’ và lý do tại sao trả lời là ‘không có’,  mặc dù trong cách trả lời đó ẩn chứa lập trường và quan điểm cứng rắn không thay đổi của Đại chúng bộ. Thế thì tự nhiên ở đây chúng ta được quyền nêu lên hoài nghi của mình. Theo tôi, phải chăng các nhà Thượng tọa bộ khi biên tập luận này đã loại bỏ phần luận chứng của đối phương, chỉ ghi lại những gì phù hợp với quan điểm của chính mình không?

Thế thì quan điểm của Đại Thiên như thế nào? Bản thân Đại Thiên và các bộ phái trong Đại chúng bộ không lưu lại một tư liệu nào ghi rõ về việc này, (hoặc vì một nguyên nhân nào đó bị thất lạc) thế thì chúng ta lấy gì để làm tư liệu nghiên cứu về tư tưởng của ông? Theo tôi, đây là công việc của người làm công tác  nghiên cứu, vì  vấn đề không được rõ ràng mới cần đến công tác nghiên cứu, nếu bản thân của nó đã rõ thì  đâu cần công việc nghiên cứu. Theo tôi, dẫu rằng sự thật là như vậy, nhưng chính những tác phẩm này, bản thân nó cũng gợi ý cho chúng ta nhiều điều đáng được chú  ý, để chúng ta tìm hiểu vể tư tưởng của Đại Thiên. Ví dụ trong “Luận Bà Sa” ghi: Điều mà Đại Thiên cho rằng, A La Hán vẫn còn xuất tinh trong lúc ngủ say không phài là loại xuất tinh do ‘phiền não lậu thất’ mà là do ‘bất tịnh lậu thất’; Điều mà ông gọi A La Hán vẫn còn  ‘Vô tri’ không phải là loại ‘nhiễm ô vô tri’ mà là ‘bất nhiễm ô vô tri’; Điều mà ông gọi, A La Hán vẫn còn sự ‘hoài nghi’ không phải là loại ‘tùy miên tánh nghi’ mà là ‘xứ phi xứ nghi’….theo ông giải thích cái gọi là ‘phiền não lậu thất’, ‘nhiễm ô vô tri’, ‘tùy miên tánh nghi’…A La Hán đã đoạn trừ, riêng về các loại ‘bất tịnh lậu thất’, ‘bất nhiễm ô vô tri’, và ‘xứ phi xứ nghi’…thì A La Hán vẫn còn. Thế thì sự khác biệt nào giữa những khái niệm này? Chúng ta thấy luận này hoàn toàn không giải thích. Cũng cùng thảo luận những vấn đề này, nhưng trong luận “Kathāvatthu” thì sử dụng hình thức vấn đáp để tranh luận. Như Thượng tọa bộ hỏi: "A La Hán có còn xuất tinh không?" được Đại chúng bộ trả lời một cách khẳng định rằng: ‘có’; Thế nhưng, khi Thượng tọa bộ tiếp tục hỏi: "A La Hán có còn tham, sân và si không?" thì Đại chúng bộ khẳng khái phản bác rằng: "Không nên hỏi như thế". Lời phản bác này mang ý nghĩa khẳng định rằng, tất nhiên A La Hán không còn tham, sân và si. Đối với 4 vấn đề còn lại cũng được thảo luận giống như vậy. Thế thì lý do tại sao Đại Thiên (Đại chúng bộ) khẳng định A La Hán vẫn còn xuất tinh, vô tri, hoài nghi, chỉ điểm, nhưng lại xác nhận A La Hán không còn tham sân si? hai ý nghĩa này khác nhau như thế nào? Trong luận này, chúng ta cũng không thấy một lời giải thích nào. Từ ghi chép của 2 luận này, chúng ta thấy có những điểm trùng hp: Trong “Luận Bà Sa” Đại thiên gọi A La Hán vẫn còn ‘bất tịnh lậu thất’, ‘bất nhiễm ô vô tri’, ‘xứ phi xứ nghi’…chính là câu trả li khẳng định A La Hán vẫn còn  ‘xuất tinh’, ‘vô tri’, ‘hoài nghi’, ‘bị người khác chỉ điểm’ trong “Kathāvatthu”; Ngược lại điểm mà Đại Thiên cho rằng, A La Hán không còn ‘phiền não lậu thất’, ‘nhiễm ô vô tri’ và ‘tùy miên tánh nghi’ chính là câu trả lời xác định A La Hán không còn tham sân và si trong “Kathāvatthu”. Sự trùng hp này, theo tôi đó là điểm hé mở để cho chúng ta có thể truy cứu quan điểm và tư tưởng của Đại Thiên qua những nguồn tư liệu khác.

Nếu như chúng ta chấp nhận quan điểm cho rằng, sự xuất hiện mọi quan điểm tư tưởng của con người đều phát xuất từ một bối cảnh lịch sử cụ thể của nó, thì vấn đề xuất hiện tư tưởng của Đại Thiên cũng lại như thế, nó cũng có bối cảnh lịch sử của nó. Thế thì chúng ta thử nêu vấn đề: Lý do nào Đại Thiên đưa ra 5 việc này? Quan điểm của ông dựa trên kinh điển nào trong Phật giáo? Theo tôi, nếu chúng ta làm sáng tỏ 2 câu hỏi này, thì vấn đề tư tưởng về 5 việc của Đại Thiên cũng theo đó được rõ ràng sáng tỏ theo, mặc dù trước mắt chúng ta không có một văn bản nào của chính Đại Thiên viết hay các bộ phái thuộc Đại chúng bộ viết về 5 việc này.

Trước khi chúng ta tìm lời giải đáp cho 2 vấn đề này, chúng ta thử tìm hiểu quan điểm của  André Bareau là một học giả người Pháp đã cho rằng,  sự kiện tranh cãi về 5 việc của Đại Thiên được xuất hiện vào năm 140 sau đức Phật nhập Niết bàn, tức là khoảng năm 340 trước Tây lịch, vào thời đại vua Nanda, trước triều đại vua A Dục<!--[if !supportFootnotes]-->[4]<!--[endif]-->. Điều đó có nghĩa rằng, sự kiện Tăng già tranh cãi về 5 việc của Đại thiên trước khi nhà vua A Dục triệu tập cuộc kiết tập kinh điển lần thứ III, là lần kiết tập kinh điển thành văn tự. Nếu nhận định của  André Bareau là đúng sự thật, thì vấn đề mà chúng ta muốn tìm hiểu có nhiều điểm mới mẻ để đánh giá về 5 việc của Đại Thiên.

Việc thứ 5 trong 5 việc của Đại Thiên được ghi chép trong các luận của Hữu bộ là ‘Đạo nhân thinh cố khởi’ có nghĩa là đạo do từ âm thanh mà có. Phải chăng ý nghĩa câu nói này ám chỉ thời kỳ kinh điển của Phật giáo được lưu truyền dưới hình thức Āgama, là  hình thức ‘khẩu truyền’ kinh điển Phật giáo chưa biên tập thành văn tự, như ngày hôm nay chúng ta thấy 4 bộ A hàm hay 5 bộ Nikāya? Tại sao Đại Thiên phải đưa ra việc thứ 5 này? Theo tôi, vì khi Đại Thiên 4 việc đầu bị các nhà Thượng tọa bộ gặng hỏi: Quan điểm mà ông đưa ra, được dựa vào kinh điển nào trong Phật giáo? Do vậy, Đại Thiên trả lời là: ‘Đạo nhân thinh cố khởi’ có nghĩa là kinh điển mà tôi căn cứ chính là Āgama. Tôi cho rằng cách lý giải này, không những phù hợp với niên đại xuất hiện 5 việc của Đại Thiên, mà còn phù hợp tư tưởng về 4 việc của ông, đồng thời việc thứ 5 có liên hệ mật thiết đến sự tranh cãi giữa hai trường phái, và chắc chắn Đại Thiên không thể tránh khỏi câu hỏi này. Do đó những gì được ghi chép trong “Luận Bà Sa” được xem như là tự biên tự diễn, và ngay cả những gì được giải thích trong “Kathāvatthu” cũng mang tính chất như vậy.

Từ những đánh giá này, gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, tư tưởng về 4 việc của Đại Thiên có liên hệ mật thiết đến kinh điển A hàm mà chúng ta hiện có, không những chỉ có 4 bộ Hán dịch mà bao gồm cả 5 bộ Nikāya được lưu giữ bằng tiếng Pāli. Có thể nói đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy để chúng ta đánh giá về tư tưởng của Đại Thiên, và lý giải lý do tại sao Đại Thiên đưa ra 4 việc.

Thật ra, Đại Thiên đưa ra quan điểm A La Hán vẫn còn xuất tinh trong lúc ngủ say, A La Hán vẫn có ‘bất nhiễm ô vô tri’, A La Hán vẫn còn ‘xứ phi xứ nghi’, A La Hán vẫn bị người khác chỉ điểm là Đại Thiên đứng trên lập trường con người để nhìn về đức Phật và A La Hán. Hay nói một cách khác đức Phật và những bậc A La Hán đều là con người từ con người mà thành Phật, thành A La Hán, không phải là vị thần linh từ thế giới khác hóa hiện. Khi xác định Phật và A La Hán là con người, như vậy khi A La Hán vẫn còn là xác thân của con người thì vẫn có nhu cầu như con người, như là ăn uống, ngủ nghỉ..v.v…, khi đưa thức ăn thức uống vào cơ thể, chính những thức ăn uống này tiêu hóa và tạo thành chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể, ngay cả tinh trùng cho người nam đã ở vào tuổi trưởng thành, và tất nhiên những chất này phải được bài tiết qua nhiều hình thức, trong đó mộng tinh cũng là chuyện bình thường của nam giới. Sự bài tiết này, theo Đại Thiên không phải xuất phát từ ý niệm tham dục mà đó là vấn đề tự nhiên của cơ thể, nó không liên hệ gì đến tham sân và si; Cũng vậy, dẫu rằng A La Hán đã đoạn trừ tham sân si, nhưng điều đó không đồng nghĩa A La Hán chuyện gì cũng biết. Ví dụ A La Hán đến xứ lạ không biết đường đi, không xác định con đường nào dẫn đến nơi mà A La Hán muốn đến, cho nên có trạng thái nghi ngờ do dự, chính vì vậy mà A La Hán hỏi người khác, và được người khác chỉ dẫn. Theo Đại Thiên, những trường hp không biết, nghi ngờ và được sự chỉ dẫn của người khác không liên hệ gì đến sự giác ngộ và giải thoát của vị ấy, vì nó không thuộc phạm vi sinh hoạt suy tư, hay nói đúng hơn nó không liên hệ gì đến việc tu tập giải thoát của A La Hán, cho nên A La Hán không cần biết đến. Cách lý giải này rất phù hp quan điểm của đức Phật, được ghi chép rất nhiều kinh trong A hàm, như chúng ta sẽ được trình bày trong những chương dưới đây.

Nếu chúng ta nhìn từ mặt trái quan điểm của Đại Thiên, nó phản ảnh Phật giáo đương thời đã bị ảnh hưởng tư tưởng và tín ngưỡng của truyền thống tôn giáo Ấn Độ, thần thánh hóa đức Phật và các vị A La Hán, mô tả đức Phật như là một vị thần linh, có quyền năng không việc gì là không biết. Vấn đề thần thánh hóa đức Phật đi ngược lại quan điểm giáo dục của đức Phật. Đó chính là lý do tại sao Đại Thiên đưa ra 4 việc, với mục đích phản đối vấn đề giáo pháp của đức Phật càng ngày càng bị ô nhiễm bởi những tư tưởng tín ngưỡng của ngoại đạo, cụ thể là sự thần thánh hóa đức Phật. Theo tôi, đây chính là tư tưởng của Đại Thiên, nhưng ở đây chúng ta nên chú ý vấn đề là: Tư tưởng của Đại Thiên không đồng nghĩa với quan điểm tư tưởng của các bộ phái thuộc Đại chúng bộ. Từ tư tưởng của ông đến các tư tưởng của các phái thuộc Đại chúng bộ có nhiều sự diễn biến. Do vậy theo tôi, trước khi chúng ta muốn thảo luận đến tư tưởng của Đại Thiên, chúng ta cần làm sáng tỏ điểm xuất phát của những nguồn tư liệu này, và nắm rõ tư tưởng của từng bộ phái, đồng thời phải trang bị kiến thức sử học, để đánh giá các tư liệu này.

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu trước đây, khi nghiên cứu về Đại thiên và 5 việc của ông, thường chỉ căn cứ vào 2 nguồn tư liệu Nam và Bắc truyền, tức là tác phẩm “KathāvatthuhayLuận Bà Sa” quyển 99, và “Dị Bộ”, điều đó không làm sao tránh khỏi sự ngộ nhận về 5 việc của Đại Thiên, vì các nguồn tư liệu này đều là những bộ luận của phái Thượng tọa bộ, tức là phái phản đối tư tưởng của ông. Nếu như người nghiên cứu là người xiển dương giáo pháp Đại thừa thì phủ nhận sự ghi chép của những nguồn tư liệu này, nhưng không có một bằng chứng cụ thể nào, do đó thiếu tính thuyết phục cho giới nghiên cứu.

Cùng thảo luận đề tài này, nhưng phương pháp nghiên cứu của tôi có một vài điểm khác biệt. Thứ nhất, vẫn lấy 2 nguốn tư liệu vừa nêu làm tư liệu chính để nghiên cứu về Đại Thiên, nhưng thêm phần so sánh, đánh giá và phê bình các nguồn tư liệu ấy, để truy tìm điểm đồng nhất của 2 nguồn tư liệu này. Thứ hai, người viết, sử dụng các nguồn tư liệu Kinh A Hàm, để tìm hiểu về tư tưởng của Đại Thiên. Chính hai điểm này đã giúp cho người viết có một cái nhìn mới về 5 việc của Đại Thiên, không cùng với những người nghiên cứu trước đây.

Nhưng ở đây có  một vấn đề mà chúng ta không thể đề cập là các nhà nghiên cứu Phật học đều cho rằng, Kinh A Hàm và Nikàya thuộc về Thượng tọa bộ, nhưng ngược lại, Đại Thiên là nhân vật của Đại chúng bộ. Thế thì tại sao Đại Thiên lại căn cứ vào bản kinh của đối phương để hình thành tư tưởng của mình? Phải chăng Kinh điển Āgama, nhất là “kinh Tạp A Hàm” hayKinh Tương Ưng Bộlà nền tảng tư tưởng cho tất cả bộ phái, không phải là bộ kinh chỉ dành riêng cho bất cứ bộ phái nào. Theo tôi, quan điểm này có thể xảy ra, vì nếu như chúng ta tiến hành nghiên cứu tư tưởng trong “Kinh Tạp A Hàm” thì chúng ta sẽ nhận thấy điều đó.

Trên đây là toàn bộ nội dung sẽ được tuần tự thảo luận trong tập sách này. Phương pháp nghiên cứu của người viết cho chủ đề này, chính là văn bản học, sử dụng phương pháp sử học giải quyết những vấn đề liên quan đến lịch sử; lấy phương pháp phân tích triết học phân tích những vấn đề tư tưởng; lấy ngôn ngữ học so sánh phân tích ý nghĩa giữa dịch bản và nguyên bản.v.v…

<!--[if !supportFootnotes]-->
 
<!--[endif]-->

<!--[if !supportFootnotes]--> [1]<!--[endif]--> Tham khảo “Đảo Vương Thống Sử” (Mahāvaösa) “Nam Truyền Đại Tạng Kinh” quyển 65, trang 30~31.

<!--[if !supportFootnotes]--> [2]<!--[endif]--> Viết tắt là “Luận Bà Sa”.

<!--[if !supportFootnotes]--> [3]<!--[endif]--> Viết tắt là “Luận Dị Bộ”.

<!--[if !supportFootnotes]--> [4]<!--[endif]--> André Bareau, Pháp Hiền dịch, “Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa”  NXB Tôn Giáo – Hà Nội, năm 2002, trang 54.