Triết học
Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên
Tác giả: Thích Hạnh Bình
01/03/2553 00:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương V. Từ Đại Thiên đến Đại Chúng bộ

Nếu chúng ta đứng từ góc độ lịch sử nhìn về quá trình diễn biến của Phật giáo Ấn Độ, chúng ta sẽ không cảm thấy ngạc nhiên và bỡ ngỡ khi hiểu được Phật giáo Ấn Độ không ngừng phát triển, từ Phật giáo nguyên thủy đến Phật giáo Bộ phái; từ Phật giáo Bộ phái phát triển thành Phật giáo Đại thừa. Mỗi thời kỳ Phật giáo đều có tính đặc thù về tư tưởng và sự khác nhau về hình thức sinh hoạt. Sự diễn biến này không phải là chuyện ngẫu nhiên mà nó luôn luôn gắn liền với môi trường sống của chính bản thân nó. Có nghĩa là bản thân Phật giáo chịu ảnh hưởng từ các mặt hoạt động của xã hội, như là tín ngưỡng, văn hóa, tư tưởng…và ngược lại. Có thể nói đây là lý do chính đáng để chúng ta lý giải tại sao Phật giáo có sự diễn biến này. Cũng từ điểm này chúng ta hiểu được lý do tại sao từ quan điểm về 5 việc của Đại Thiên lại biến thành các bộ phái trong Đại chúng bộ, nếu nhận định một cách nghiêm túc thì quan điểm của ông có hể nói là trái ngược tư tưởng của các phái trong Đại chúng bộ, vì ông là người phản đối sự thần thánh hóa đức Phật, nhưng các phái thuộc Đại chúng bộ thì ngược lại<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]-->, mô tả đức Phật như là một vị thần linh, có quyền oai vô hạn. Đây chính là nội dung của vấn đề mà chúng ta sẽ thảo luận trong chương này. Vì nó là điểm sẽ phát sinh hoài nghi tư tưởng về 5 việc của Đại Thiên và Đại chúng bộ. Đó là lý do tại sao trong tác phẩm này, đưa ra chương năm để thảo luận vấn đề này. Thật ra trong chương này người viết không có ý, trình bày tư tưởng của các bộ phái thuộc Đại chúng bộ, chỉ trình bày một vấn đề đơn giản là: Tại sao những người thuộc Đại chúng bộ lại tôn sùng Đại Thiên là vị khai sơn Đại chúng bộ, nhưng về sau các phái lại có quan điểm ngược lại ông. Thế thì Đại chúng bộ học được từ ông điểm gì để hình thành tư tưởng của Đại chúng bộ? Đây là điểm mà người viết sẽ cố gắng trình bày trong chương này.

Để vấn đề được rõ ràng, ở đây trước tiên chúng ta thử tìm hiểu quan điểm tư tưởng của Đại Thiên là gì, kế đến chúng ta tìm hiểu quan điểm của Đại chúng bộ.

a.     Tư tưởng cơ bản của Đại Thiên

Đề cập đến quan điểm tư tưởng của Đại Thiên là chúng ta đề cập đến tư tưởng về 5 việc của Đại Thiên; Đề cập đến 5 việc của Đại Thiên, chúng ta không thể không đề cập đến bối cảnh xã hội Phật giáo vào thời đại của ông. Tư tưởng về 5 việc của ông như chúng ta đã thảo luận qua, ở đây chúng ta không cần phải thảo luận gì thêm nữa. Nhưng về bối cảnh lịch sử, chúng ta cần chú ý phong cách của ông đối với việc cải cách chấn chỉnh Phật giáo.

Có lẽ chúng ta đều hiểu rằng, sau khi đức Phật nhập diệt, thay thế cho đức Phật trông coi sinh hoạt của tăng già là các vị trưởng lão. Tâm tư của những vị này luôn luôn lúc nào cũng hoài niệm về đức Phật và những hình thức sinh hoạt của tăng già khi Thế Tôn còn tại thế. Với một tâm tư như vậy, lòng càng nhớ thương bao nhiêu thì đức Phật càng vĩ đại bấy nhiêu. Bên cạnh đó, những tôn giáo khác mô tả về vị giáo chủ của mình có oai lực như thế này, như thế khác. Một cách vô tình hai yếu tố này là nguyên nhân hình thành vị đạo sư mà mình kính mến trở thành một vị Thánh – siêu việt, trong ấy không làm sao tránh khỏi yếu tố thần thoại. Quan niệm này vô hình chung đã vi phạm nhân cách và quan điểm giáo dục của đức Phật. Điều này tất nhiên không được đồng tình của tăng chúng là những người am hiểu Phật pháp. Thế nhưng dù gì đi nữa, các vị trưởng lão là những người lãnh đạo tăng chúng, thật khó có thể xảy ra việc kẻ dưới phản đối người trên. Tôi nghĩ đó là sự thật, nó không những chỉ xảy ra trong quá khứ mà ngay cả ở xã hội ngày nay, không chỉ có ở Ấn độ mà hầu như có khắp mọi nơi trên thế giới. Trước một thực trạng như vậy, thế mà Đại Thiên dám làm việc tày trời, ngang nhiên trước đại chúng đưa ra 5 việc để phản đối quan điểm thần thánh hóa đức Phật của những bậc kỳ cựu trưởng lão, là những người lãnh đạo, có tiếng nói rất mạnh trong Tăng già. Kết quả của việc làm này là một loạt bài viết phê bình đả kích về ông như đã được ghi trong “Luận Bà Sa” và “Kathāvatthu”. Dù gì đi nữa, lòng dũng cảm và tinh thần cải cách dám nghĩ dám làm của Đại Thiên đáng được cho ngày nay chúng ta học tập và ngưỡng vọng. Có thể nói, ông là người tiên phong trong Tăng già lên tiếng chấn chỉnh Phật giáo, sự chấn chỉnh này vô hình chung ông trở thành nhân vật lãnh đạo tinh thần cho Đại chúng bộ, là phái có khuynh hướng cải cách, đưa Phật giáo vào xã hội. Nếu như Phật giáo đương thời không có sự xuất hiện của Đại Thiên thì trào lưu cải cách Phật giáo của Đại chúng bộ sẽ gặp nhiều chướng ngại.

Nếu như chúng ta đứng từ góc độ này mà nhìn Đại Thiên thì nhân vật Đại Thiên có 2 điểm mà chúng ta cần chú ý. Thứ nhất là tinh thần chỉnh đốn cải cách của Đại Thiên; Thứ hai là tư tưởng về 5 việc của Đại Thiên. Trong hai tư tưởng này, Đại chúng bộ chỉ lấy tư tưởng cải cách của Đại Thiên làm nền tảng cho sự thực thi đường lối cải cách của mình, nhưng Đại chúng bộ không lấy tư tưởng về 5 việc của ông làm tư tưởng cho mình Theo người viết, đây chính là yếu tố các nhà Đại chúng bộ xem Đại Thiên như là vị khai sơn cho trường phái của mình.

b. Tư tưởng cơ bản của Đại Chúng bộ

Ở đây, chúng ta gọi ‘Đại chúng bộ’ (Mahāsaögikā) là phái có quan điểm đối lập với Thượng tọa bộ (Sthavira) là 2 phái lớn của Phật giáo Ấn Độ, tư tưởng của Đại chúng bộ là tiền thân của Đại thừa Phật giáo. Theo “Luận Dị Bộ” ghi Đại chúng bộ có tất cả là 9 bộ, gồm: 1. Đại Chúng bộ, 2. Nhứt Thuyết bộ, 3. Thuyết Xuất Thế bộ, 4. Kê dẫn bộ, 5. Đa Văn bộ, 6. Thuyết Giả bộ, 7. Chế Đa Sơn bộ, 8. Tây Sơn Trụ bộ, 9. Bắc Sơn Trụ bộ. 9 bộ phái này, tất nhiên mỗi phái đều có lập trường và quan điểm đặc thù của riêng mình, nhưng với nguồn tư liệu hiện có trong Phật giáo, đề cập đến những quan điểm tư tưởng của 9 bộ phái này thật là hiếm hoi, có thể nói là không có, trừ “Luận Dị Bộ” đề cập một các khái quát. Nơi đây, người viết cũng không có ý trình bày tư tưởng của từng phái, chỉ khái quát quan điểm chung nhất của Đại chúng bộ, với mục đích chỉ ra quan điểm của Đại chúng bộ không cùng với quan điểm về 5 việc của Đại Thiên, nhằm đính một thói quen không đúng, cho rằng quan điểm tư tưởng là của Đại Thiên.

Ở đây, điểm chung của Đại chúng bộ là ‘Phật Đà luận’ và ‘Bồ tát luận’, đã được “Luận Dị Bộ” ghi như sau:

Chư Phật Thế Tôn đều là những bậc xuất thế gian, các đức Như Lai không có pháp hữu lậu, những lời nói của Như Lai đều có ý nghĩa chuyển pháp luân, Phật sử dụng một loại âm thanh để nói pháp, lời Phật dạy không thể bàn cãi, sắc thân của Như Lai không có bờ mé, oai lực của đấng Như Lai cũng không thể lường được, tuổi thọ của Phật không thể cùng tận. Đức Phật giáo hóa loài hữu tình với mục đích làm cho chúng sanh có lòng tịnh tín không thối tâm.

Đức Phật khi ngủ không có mộng mị, đức Phật trả lời câu hỏi không cần suy nghĩ, không cần tư duy vận dụng văn chương (danh cú văn thân), vì ngài lúc nào cũng ở trong chánh định…chỉ trong khoảnh khắc của một sát na hiểu rõ tất cả các pháp, chỉ trong một sát na tâm tương ưng với trí bát nhã (pra-jñāpāramitā) liễu tri tất cả pháp. Lậu tận trí và vô sanh trí của Như Lai thường ở trong bình đẳng, tùy tâm mà hành cho đến nhập vô dư Niết bàn (Nirvāna).

Tất cả các vị Bồ tát nhập vào thai mẹ đều không bị nhiễm những loại ô uế của người mẹ, tất cả những Bồ tát khi nhập thai mẹ đều lấy hình thức con voi trắng chui vào bụng, khi các vị Bồ tát sanh ra đều từ hông phải của người mẹ, vì tất cả Bồ tát vào thai không phải vì dục tưởng sân tưởng và hoại tưởng, chỉ vì mục đích làm lợi lạc cho các loài hữu tình mà nguyện sanh vào cõi ác này, cho nên sự kiện nhập thai hay xuất thai Bồ tát tùy ý quyết định….”<!--[if !supportFootnotes]-->[2]<!--[endif]-->

Qua nội dung đoạn văn vừa dẫn, cho chúng ta thấy rằng, quan điểm của Đại chúng bộ và tư tưởng về 5 việc của Đại Thiên không giống nhau. Đại chúng bộ cho rằng đức Phật và Bồ Tát là bậc ‘xuất thế’ và ‘vô lậu’. Ở đây, khái niệm ‘xuất thế’ được các kinh điển Đại thừa giải thích là vị đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Sự xuất hiện của Phật và Bồ tát ở thế gian chỉ là sự ‘Thị hiện’, do vậy Phật và Bồ tát đến hay ra đi đều tùy tiện, nó không giống như sự ra đời của chúng ta, đều do nghiệp lực quyết định; Khái niệm ‘vô lậu’ tức chỉ cho sự thanh tịnh, không còn phiền não uế nhiễm. Khái niệm ‘vô lậu’ được mô tả trong đoạn văn vừa dẫn trên mang ý nghĩa Phật và Bồ tát là vị hoàn toàn trong sạch, không những chỉ có tâm vô lậu mà thân cũng thuộc vô lậu, vì Phật và Bồ tát là người ‘thị hiện’, không phải như chúng ta. Trong khi đó Đại Thiên có cái nhìn hoàn toàn khác. Như chúng ta vừa thảo luận 5 việc của Đại Thiên, việc thứ 1 đến việc thứ 4 đều mang ý nghĩa phản đối việc thần thánh hóa đức Phật (trong thời gian này Phật tức là A la Hán, A la Hán là Phật), cho rằng tuy Phật và A la Hán là vị đã dứt sạch lòng tham sân si, nhưng không phải vì thế mà cho rằng thân thể (vật chất) của ngài cũng trong sạch, không còn chịu qui luật vô thường. Có nghĩa là khi đức Phật và A la Hán khi còn là thân con người thì vẫn những hiện tượng bịnh đau, đại tiểu tiện.v.v…cách lý giải này mang ý nghĩa, tâm của Phật hay A la Hán thì đã giải thoát, không còn phiền não, thuộc về vô lậu, nhưng thân của Phật hay A la Hán vẫn là thân hữu lậu, vì vẫn phải chịu luật vô thường chi phối.

Từ những ý nghĩa này, chúng ta thấy quan điểm của Đại chúng bộ và Đại Thiên hoàn toàn không giống nhau về Phật thân. Do vậy, chúng ta không nên nhầm lẫn cho rằng, tư tưởng của Đại chúng bộ là tư tưởng của Đại Thiên. Nhưng chúng ta cũng không vì vậy mà cho rằng, Đại Thiên là nhân vật của Đại chúng bộ. Điều này chúng ta có thể ngang qua sự ‘đổi mới’ của xã hội Việt Nam để hiểu về vấn đề này. Vì mỗi thời kỳ lịch sử có mỗi bối cảnh xã hội riêng của nó, những yêu cầu từ xã hội là yếu tố để hình thành những suy tư của con người, suy tư của con người là sự phản ánh những vấn đề xã hội, la những biện pháp giải quyết những yêu cầu của xã hội đó, và chắc chắn cũng có yếu tố tương tác với những xã hội kế tiếp. Như vậy, nó đồng nghĩa là cái trước làm tiền đề cho cái sau phát sinh, cái sau là sự kế thừa của cái trước, hay nói một cách khác, cái trước làm nhân cho cái sau, cái sau là quả của cái trước, nhưng cái trước không phải là cái sau. Cũng vậy, tư tưởng của Đại Thiên khác với tư tưởng của Đại chúng bộ cũng mang một ý nghĩa như vậy, vì xã hội Phật giáo dưới thời của Đại Thiên, không phải là bối cảnh xã hội của Đại chúng bộ. Xã hội của Đại Thiên là xã hội giao thời giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Bộ phái, điểm giao thời này là yếu tố tạo ra quan điểm của Đại Thiên; Xã hội của Đại chúng bộ là một xã hội đang đối diện với những nhu cầu xã hội hoá Phật giáo, là chính sách đem Phật giáo thành quốc giáo của nhà vua Asoka. Theo người viết, đây là yếu tố để hình thành tư tưởng của Đại chúng bộ, nhưng nếu không có sự đột phá của Đại Thiên, tư tưởng đem Phật giáo vào xã hội của Đại chúng bộ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì phe bảo thủ chắc chắn không chấp nhận đại chúng Phật giáo, có ảnh hưởng đến sự tu tập của giới Tăng già.

Mặt khác, vì nhu cầu của xã hội là nhu cầu tín ngưỡng, không phải là nhu cầu triết lý cao xa, do đó Phật giáo Đại chúng bộ không thể không vay mượn những hình thức tín ngưỡng của người dân Ấn làm ‘phương tiện môn’ để đem Phật pháp vào đời sống xã hội. Cũng từ đó, sự giải thích đức Phật như là một vị toàn năng siêu việt trở thành một việc làm phổ biến trong Phật giáo Đại chúng bộ, đó cũng là một việc làm tất yếu.

<!--[if !supportFootnotes]-->
 
<!--[endif]-->

<!--[if !supportFootnotes]--> [2]<!--[endif]-->Luận Dị Bộ” ĐT 49, số: 2031, trang 15b~c.