Điểm sách hay
Những Lời Dạy của Ðức Phật về Hòa Bình và Giá Trị Con Người
21/04/2557 23:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG HAI

TRÍCH DỊCH VỀ LỜI DẠY CỦA ÐỨC PHẬT

PHẨM 1 : ÐẤU TRANH VÀ HÒA HỢP

Thế Tôn chỉ cho chúng ta rõ các dục là nguồn gốc của đấu tranh, kháng tranh, xung đột và chiến tranh.

"Một nguyên nhân nữa của đấu tranh và xung đột là sự so sánh giữa mình và người, xem các người khác là bằng mình, hay hơn mình hay thua mình".

Một phương pháp làm lắng dịu các tranh luận là sự ý thức, chính tại đây, "trong tranh luận này, chúng ta đều tàn hại".

Có một trường hợp này thật là bẽ bàng, như đức Phật đã nêu rõ, là một người đến phỉ báng người không có phỉ báng, nhiếc mắng người không có nhiếc mắng, gây sự với người không có gây sự. Tất cả sự phỉ báng, nhiếc mắng ấy tự nhiên trở lui lại cho người đã nhiếc mắng. Cũng như đồ ăn được đưa mời mà người được mời không chấp nhận, thời món ăn sẽ trở lại với người chủ của nó.

Thái độ đức Phật đối với tranh luận rất rõ ràng. Ngài không có tranh luận với ai ở đời. Ngài thuyết pháp chỉ với mục đích nêu lên con đường chấm dứt khổ đau. Ngài không bao giờ tự cho chỉ có Pháp của Ngài là sự thật, ngoài ra đều là hư vọng. Ngài giải thích Pháp của Ngài rõ ràng cho mọi người đến để xem để thấy và để tự mình phê phán.

Phương pháp hay nhất để tránh xa các tranh luận và xung đột, đức Phật khuyên chúng ta, là đừng có khởi lên các hý luận, vọng tưởng, các tà kiến. Và trong trường hợp chúng có khởi lên, thời thái độ tốt nhất là chớ hoan hỷ, đón mừng và chấp thủ chúng. Thái độ này sẽ chấm dứt đấu tranh, xung đột, chiến tranh và các pháp bất thiện.

Chiến tranh nào cũng đem đến đau khổ vô lượng vô biên. Chiến thắng sanh thù oán, bại trận nếm khổ đau. Cho nên phương pháp hay nhất là đừng dùng chiến tranh để giải quyết các xung đột, nhưng phải tìm mọi phương tiện hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và các xung đột.

Do vậy các bậc Thánh đã từ bỏ gia đình, sẽ không tạo nên các trói buộc mới. Các vị này chấm dứt mọi tranh luận, bất cứ với một ai.

* * *

"Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lỵ tranh đoạt với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ; mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ; cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha; anh em tranh đoạt với anh em; anh tranh đoạt với chị; chị tranh đoạt với anh; bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi chúng dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, chúng tấn công nhau bằng tay, chúng tấn công nhau bằng gạch đá, chúng tấn công nhau bằng gậy gộc, chúng tấn công nhau bằng đao kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong". (Trung Bộ I. 87)

"Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, chúng cầm mâu và thuẫn, chúng đeo cung và tên, chúng dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Chúng bắn, đâm nhau bằng tên, chúng quăng, đâm nhau bằng đao, chúng chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong". (Trung Bộ I. 87A)

"Bằng, thắng hay thua Ta,
Nghĩ vậy đấu tranh khởi,
Cả ba không dao động,
Bằng, thắng không khởi lên". (Tương Ưng I. 15)

"Người khác không hiểu biết,
Chúng ta đây (Trong tranh luận này) suy vong.
Ai hiểu biết chỗ ấy,
Tranh luận được lắng êm". (Pháp Cú. 6)

"Phẫn nộ, không hoan hỷ, Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói những lời không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn. Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja: -"Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông không?" - "Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm tôi" - "Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm không?" - "Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm". - "Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?" - "Thưa Tôn giả Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi".

"Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng, nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng, xỉ vả chúng tôi là người không xỉ vả, chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, xỉ vả lại khi bị xỉ vả, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, tất cả sự việc ấy về lại với Ông và tất cả sự việc ấy chỉ về lại Ông mà thôi". (Tương Ưng I. 199)

"Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận với ai ở đời". (Trung Bộ I. 109A)

"Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, nếu ở đây không có gì đáng hoan hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu ái tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở nơi đây, những ác bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn". (Trung Bộ I. 110)

"Thắng trận sanh thù oán,
Bại trận nếm khổ đau,
Ai bỏ thắng, bỏ bại,
Tịch tịnh hưởng an lạc". (Tương Ưng I. 102)

"Bậc Thánh bỏ gia đình,
Du hành không trú xứ;
Ðối với dân trong làng,
Không tác thành hệ lụy.
Tuyệt không các dục vọng,
Không ước vọng hão huyền,
Chấm dứt mọi tranh luận,
Bất cứ với một ai". (Tương Ưng III. 14)

*
* *

PHẨM 2 : SÂN HẬN VÀ NHU HÒA

Sân hận hành động như một cái kềm siết chặt những ai rơi vào sự chi phối của sân hận, và được xem là gây tai hại cho người đời.

Cho nên, tốt hơn là đừng nói lời thô ác đối với bất cứ ai, vì lời nói thô ác đem lại những lời thù hận và cho đến đao trượng chạm người.

Cho đến thiên chủ Ðế Thích cũng khuyên chớ nên phẫn nộ, vì phẫn nộ nghiền người ác, như núi đá nghiền người.

Do vậy, bậc có trí "nhiếp phục giận với không giận".

Những ai xứng đáng với danh xưng Bà-la-môn, phải thân thiện giữa thù địch, ôn hòa giữa hung hăng.

Ai chận được cơn giận đang nổi lên mới xứng đáng là bậc đánh xe, còn kẻ khác không làm được vậy, chỉ đáng gọi là người cầm cương hờ.

Thiên chủ Ðế Thích khuyên chư Thiên chớ để phẫn nộ nhiếp phục, chớ để lòng sân chống đối sân hận, vì không phẫn nộ thì không làm hại mình, hại người, hại cả hai.

Bậc trí đã nhổ tận gốc phẫn nộ xứng đáng được tôn xưng là bậc Hiền thiện.

Người không phẫn nộ thật sự là người hòa bình. Tệ hơn cả hai là người bị mắng, lại mắng trả. Vị chiến thắng cả hai, chiến thắng mình và chiến thắng người, khi vị ấy tự chế, không mắng lại.

* * *

"Lửa nào bằng lửa tham,
Chấp nào bằng sân hận,
Lưới nào bằng lưới si,
Sông nào bằng sông ái". (Pháp Cú. 251)

"Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân hận hại người đời,
Bố thí người lìa sân,
Do vậy được quả lớn". (Pháp Cú. 357)

"Chớ nói lời ác độc,
Nói ác, bị nói lại,
Khổ thay lời phẫn nộ,
Ðao trượng phải chạm người". (Pháp Cú. 133)

"Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, thiên chủ Ðế Thích tại Thiện pháp đường, muốn làm lắng dịu chư Thiên ở cõi Ba mươi ba, lúc ấy nói lên bài kệ này:

"Hãy nhiếp phục phẫn nộ,
Giữ tình bạn không phai,
Không đáng mắng, chớ mắng,
Không nên nói hai lưỡi,
Phẫn nộ nghiền người ác,
Như núi đá nghiền người". (Tương Ưng I. 305)

"Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy". (Pháp Cú. 223)

"Thân thiện giữa thù địch,
Ôn hòa giữa hung hăng,
Không nhiễm giữa nhiễm trước,
Ta gọi Bà-la-môn". (Pháp Cú. 406)

"Ai chận được cơn giận,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ". (Pháp Cú. 222)

Này các Tỷ-kheo, thuở xưa thiên chủ Ðế Thích, tại Thiện pháp đường, muốn làm lắng dịu chư Thiên ở cõi Ba mươi ba, lúc ấy nói lên bài kệ này:

"Chớ để lòng phẫn nộ,
Nhiếp phục chi phối ông.
Chớ để lòng sân hận,
Ðối trị với sân hận.
Không phẫn nộ, vô hại,
Bậc Thánh thường an trú.
Phẫn nộ nghiền người ác,
Như núi đá nghiền người". (Tương Ưng I. 305)

"Chỉ ai đã cắt tiệt,
Nhổ tận gốc, đoạn trừ,
Người trí ấy diệt sân,
Ðược gọi người Hiền thiện". (Pháp Cú. 263)

"Với vị không phẫn nộ,
Phẫn nộ từ đâu đến?
Sống chế ngự, chánh mạng,
Giải thoát nhờ chánh trí,
Vị ấy sống như vậy,
Ðời sống được tịch tịnh.
Bị mắng phỉ báng lại,
Tệ hơn cả hai người,
Những ai bị phỉ báng,
Không phỉ báng chống lại,
Người ấy đủ thắng trận,
Thắng cho mình, cho người
Vị ấy tìm lợi ích,
Cho cả mình và người.
Và kẻ đã phỉ báng,
Tự hiểu, lắng nguôi đầu". (Tương Ưng I, 200)

*
* *

PHẨM 3: LÀM HẠI VÀ KHÔNG LÀM HẠI

Hại người không làm hại ai, chẳng khác ngược gió tung bụi, với kết quả là tự mình phải chịu kết quả hành động của mình.

Ðức Phật trong khi quan sát tâm trí của mọi loài chúng sanh đã tuyên bố rằng, mọi loài thương tự ngã của mình là tối thượng. Nếu chúng ta thương tự ngã của chúng ta, chớ có làm hại tự ngã của người. Mọi loài cầu an lạc. Hại người để cầu an lạc cho mình thật là hạ sách. Ðừng hại người mới là thượng sách đem lại hạnh phúc cho mình. Ðối với đức Phật, chỉ những ai thật sự không làm hại một ai, mới xứng danh là vị "Bất hại".

Bậc Thánh, bậc có trí không hại một chúng sanh nào. Hành động các vị ấy, thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp hoàn toàn bất hại. Ðó là lý do tại sao các vị ấy được gọi là các bậc Thánh.

* * *

"Vì nghĩ đến tư lợi,
Nên mới cướp hại người,
Khi người khác cướp hại;
Bị hại, lại hại người.
Người ngu nghĩ như vậy,
Khi ác chưa chín muồi;
Khi ác đã chín muồi,
Người ngu chịu khổ đau.
Sát người bị người sát;
Thắng người bị người thắng;
Mắng người, người mắng lại;
Não người, người não lại.
Do nghiệp lực diễn tiến,
Bị hại, lại hại người". (Tương Ưng I. 103)

"Không xúc, không có chạm,
Có xúc thời có chạm,
Nếu hại người không hại,
Tức có xúc, có chạm.
Ai hại người không hại,
Người tịnh không ô nhiễm,
Kẻ ngu hái quả ác,
Như ngược gió tung bụi". (Tương Ưng I. 16)

"Tâm ta đi cùng khắp.
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã.
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người". (Tương Ưng I. 92)

"Chúng sanh cầu an lạc,
Ai dùng trượng hại người,
Tìm an lạc cho mình,
Ðời sau không được lạc". (Pháp Cú. 131)

"Chúng sanh cầu an lạc,
Không dùng trượng hại người,
Tìm an lạc cho mình,
Ðời sau được hưởng lạc". (Pháp Cú. 132)

Bà-la-môn Ahimsaka thưa với đức Phật: "Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama. Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama". Ðức Phật nói lên bài kệ với Bà-la-môn:

"Danh phải tương xứng người,
Người phải là bất hại.
Ai với thân, khẩu, ý,
Không làm hại một ai.
Ai không hại người khác,
Người ấy thật Bất hại". (Tương Ưng I. 203)

"Còn sát hại sinh linh,
Ðâu được gọi Hiền Thánh.
Không hại mọi chúng sanh,
Mới được gọi Hiền Thánh". (Pháp Cú. 270)

"Ai sống tự trang sức,
Nhưng an tịnh nhiếp phục.
Sống kiên trì Phạm hạnh,
Không hại mọi sanh linh.
Vị ấy là Phạm chí,
Hay Sa-môn, khất sĩ". (Pháp Cú. 142)

"Bậc Hiền không hại ai,
Thân thường được chế ngự,
Ðạt được cảnh bất tử,
Ðến đấy không ưu sầu". (Pháp Cú. 225)

*
* *

PHẨM 4 : HẬN THÙ VÀ THÂN HỮU

Ðức Phật tuyên bố rất rõ ràng rằng, một tâm đầy những hận thù và thù địch, người như vậy không thể hiểu một cách tốt đẹp, không thể nói một cách tốt đẹp. Một người ôm ấp nuôi dưỡng sự bất mãn và uất hận sẽ không làm dịu bớt hận thù của mình. Với niệm một mình, hận thù không có thể trừ diệt. Chỉ với một tâm tư ngày đêm thích thú trong bất hại và với lòng từ mẫn đối với tất cả loài hữu tình, người như vậy mới có thể chấm dứt hận thù.

"Ðịnh luật ngàn thu xác định hận thù không thể trừ diệt hận thù. Chỉ có tình thương mới trừ diệt được hận thù. Do vậy, sung sướng thay là đời sống của chúng ta, nếu chúng ta sống không hận thù giữa những người thù hận".

Một người biết cách tự nhiếp phục mình để chấm dứt mọi hận thù, mọi thù địch, người như vậy đạt được Niết-bàn, vì rằng ở Niết-bàn sẽ không có hận thù.

Ðức Phật, với lòng từ thương tưởng mọi chúng sanh sẽ không thích thú trong hận thù. Cho nên Ngài sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để làm vơi bớt, nhẹ bớt và chấm dứt mọi thù địch và hận thù trong thế giới này.

* * *

"Tâm Ông thật ô uế,
Và đầy những thù hận,
Làm sao biết tốt đẹp?
Làm sao nói tốt đẹp?
Ai nhiếp phục thù hận,
Nhiếp phục tâm chống đối,
Từ bỏ mọi hận tâm,
Vị ấy biết tốt đẹp,
Vị ấy nói tốt đẹp". (Tương Ưng I. 222)

"Nó thắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, diệt tôi".
Ai ôm niềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi". (Pháp Cú. 3)

"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, diệt tôi".
Không ôm niềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi". (Pháp Cú. 4)

Dạ xoa Manibhadda đi đến Thế Tôn và nói lên bài kệ này:

"Lành thay, thường chánh niệm,
Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.
Có niệm, ngày mai đẹp,
Hận thù được giải thoát!"

(Thế Tôn) :
"Lành thay, thường chánh niệm,
Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.
Có niệm, ngày mai đẹp,
Hận thù chưa giải thoát.
Với ai, trọn ngày đêm,
Tâm ý lạc, bất hại.
Từ tâm, mọi hữu tình,
Vị ấy không thù hận". (Tương Ưng I. 260)

"Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không có được,
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu". (Pháp Cú. 5)

"Vui thay, chúng ta sống,
Không hận giữa hận thù,
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù". (Pháp Cú. 197)

"Không hận, hết bổn phận,
Trì giới, không tham ái,
Nhiếp phục thân cuối cùng,
Ta gọi Bà-la-môn". (Pháp Cú. 400)

"Nếu tự mình yên lặng,
Như chiếc chuông bị bể,
Ông đã chứng Niết-bàn,
Ông không còn sân hận". (Pháp Cú. 134)

*
* *

PHẨM 5: SÁT SANH VÀ TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

Thế Tôn kính trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, cho đến sự sống của côn trùng và sự sống của cỏ cây. Ngài tự mình thực hành, không đổ các đồ ăn dư thừa của mình trên đám cỏ xanh, hay nhận chìm trong nước có các loại côn trùng nhỏ. Ðức Phật khuyên các đệ tử chớ có sát sanh để cúng dường đức Phật và các đệ tử của Ngài, vì nếu làm vậy, chúng tích lũy nhiều phi công đức.

Ngài trình bày rõ ràng rằng, sát sanh đưa tới tái sanh trong địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và quả báo nhẹ nhất của sát sanh là sanh ra làm người với tuổi thọ ngắn. Lại nữa, sát hại chúng sanh đem đến sự sợ hãi và hận thù trong hiện tại và trong tương lai và làm sanh khởi tâm khổ, tâm ưu.

Do vậy, đức Phật khuyên chớ nên sát sanh vì rằng mọi chúng sanh sợ hãi hình phạt, đối với mọi loài hữu tình sự sống là quý nhất trên đời. Giới thứ nhất của một cư sĩ phải thọ trì là kính trọng sự sống, không sát hại chúng sanh. Và một Bà-la-môn xứng đáng với danh xưng, một vị Thánh xứng đáng với Thánh vị, phải thực hiện sự kính trọng đời sống này một cách toàn diện và đầy đủ.

* * *

"Và còn lại đồ ăn thừa này của Ta cần phải quăng bỏ. Nếu các Ông muốn, hãy ăn. Nếu các Ông không muốn ăn; Ta sẽ quăng bỏ đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay Ta sẽ nhận chìm trong nước không có các loại côn trùng". (Trung Bộ I. 13-13A)

"Này Jìvaka, nếu người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai, giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Khi người ấy nói như sau: "Hãy đi và dắt con thú này đến" đó là nguyên nhân thứ nhất, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú ấy khi bị bắt đi, vì bị lôi kéo nơi cổ, nên cảm thọ khổ ưu, đó là nguyên nhân thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi nó nói như sau: "Hãy đi và giết con thú này", đó là nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi con thú ấy bị giết cảm thọ khổ ưu, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai một cách phi pháp, đó là nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Này Jìvaka nếu người nào vì Như Lai hay đệ tử Như Lai giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân này". (Trung Bộ II. 371A)

"Này các Tỷ-kheo, nếu sát sanh được thực hiện, được luyện tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, sẽ đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ (sabbalahuso) của sát sinh, là được làm người với tuổi thọ ngắn". (Tăng Chi III A. 230)

"Này Jìvaka, những ai nói như sau: "Vì Sa-môn Gotama, chúng giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama, tuy biết vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình", những người ấy không nói chính lời của Ta, chúng xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jìvaka Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: Thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Ta nói ba trường hợp nầy thịt không được thọ dụng. Này Jìvaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng: Không thấy, không nghe, không nghi (vì mình mà giết). Này Jìvaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng". (Trung Bộ II. 370)

"Này gia chủ, sát sanh, do duyên sát sanh tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ sát sanh, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh làm lắng dịu sợ hãi hận thù này". (Tăng Chi III B. 176)

"Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết". (Pháp Cú. 129)

"Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Hôm nay, đêm này và ngày này. Ta cũng đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Với chi phần này, ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới". (Tăng Chi III. 232)

"Bỏ trượng đối chúng sanh,
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn". (Pháp Cú. 405)

"Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh. Này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, đem (sự) không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem (sự) không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem (sự) không hại cho vô lượng chúng sinh; sau khi cho vô lượng chúng sinh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, không bị những Sa-môn, Bà-la-môn có trí khinh thường". (Tăng Chi III. A. 229)

*
* *