Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Thường đề Bồ Tát
Pháp sư Long Căn Người dịch: TT. Thích Chân Tính
29/10/2554 06:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bồ-tát thường bất khinh


   Quá khứ có Phật, hiệu Uy Âm Vương, thần trí vô lượng, dạy đạo hết thảy Trời, người, thần, rồng, quy kính cúng dường. Sau Phật diệt độ, lúc pháp sắp hoại, có một Bồ-tát tên Thường Bất Khinh. Trong lúc tứ chúng bàn luận về pháp, Bất Khinh Bồ-tát đến nơi chỗ họ, nói lời như vầy: “Ta chẳng khinh người, các người hành đạo, sẽ được thành Phật”. Mọi người nghe rồi, khinh chê mắng chửi, Bất Khinh Bồ-tát đều nhẫn nhục chịu.
 (Trích kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Thường Bất Khinh)
   
    1. Phật giáo ở vào thời Phật Uy Âm Vương  
    Quá khứ có Phật, hiệu Uy Âm Vương, thần trí vô lượng, dạy đạo hết thảy Trời, người, thần, rồng, quy kính cúng dường. Sau Phật diệt độ, lúc pháp sắp hoại, có một Bồ-tát tên Thường Bất Khinh. Trong lúc tứ chúng bàn luận về pháp, Bất Khinh Bồ-tát đến nơi chỗ họ, nói lời như vầy: “Ta chẳng khinh người, các người hành đạo, sẽ được thành Phật”. Mọi người nghe rồi, khinh chê mắng chửi, Bất Khinh Bồ-tát đều nhẫn nhục chịu.
Thường Bất Khinh là một vị đại Bồ-tát xuất gia theo hạnh Bồ-tát, ra đời vào thời đức Phật Uy Âm Vương thuộc về quá khứ rất lâu xa. Lúc ông ra đời thì đức Phật Uy Âm Vương đã diệt độ lâu rồi, giáo pháp do đức Phật lưu truyền lại thế gian, chánh pháp đã diệt tận, tượng pháp cũng đang ở vào giai đoạn suy tàn.
   Lúc bấy giờ, tứ chúng Phật tử đối với việc tu học Phật pháp phần lớn xu hướng truy cầu theo danh lợi từ chương, chấp trước vào văn tự, cạnh tranh theo hình tướng bên ngoài. Họ cho sở học sở hành của mình là tối thượng tối thắng, lời nói việc làm của mình là tối diệu tối cao, lần lần trở thành một đoàn thể xu hướng tăng trưởng ngã mạn. Cho nên, Phật pháp đương thời, về hình thức trông rất hoàn mỹ nhưng nội dung tinh thần thì không có gì, danh tự còn mà thật tướng mất. Mọi người mong mỏi có một nhân vật xuất chúng ra đời để phục hưng chánh pháp. Trong lúc nguy cấp này, Bồ-tát Thường Bất Khinh đã xuất hiện. Ngài là bậc Thánh giả kiệt xuất đứng ra vận động canh tân, hầu cứu nguy Phật pháp.
   2. Sự xuất gia của Bồ-tát Thường Bất Khinh
   Bồ-tát Thường Bất Khinh ra đời vào thời kỳ tượng pháp của đức Phật Uy Âm Vương đang suy vi. Đại sĩ do nhờ tuệ căn sâu dày, hiểu sâu chân lý đạo Phật, nhận thấy tứ chúng học Phật chỉ xu hướng đàm huyền thuyết diệu, truyền sai nghĩa lý Phật pháp, không coi trọng việc thực hành chứng quả. Điều này khiến cho Phật pháp đi đến chỗ suy vong, bởi vì Phật pháp không chỉ có học hiểu mà cần phải có hành thì mới có thể hoàn chỉnh và kiện toàn được. Đức Phật từng nêu rõ: “Hiểu và hành tương ưng, phước và huệ song tu”. Nếu chỉ chuộng đàm luận lý lẽ cao siêu về các cảnh giới Thánh Hiền mà coi nhẹ việc hành trì chân thật thì không những đưa Phật pháp đến chỗ suy vi, mà còn khiến cho hết thảy chúng sinh bị tổn hại rất lớn, làm mất đi lợi ích cứu tế chân chánh của Phật pháp, làm mai một đi hiệu quả của việc cứu độ hết thảy khổ ách cho chúng sinh.
   Thường Bất Khinh thấy rõ được nguy cơ của Phật pháp đương thời nên phát tâm rộng lớn, muốn cứu vãn tình thế, lập chí uốn nắn lại thiên kiến của Phật tử, bèn xả tục xuất gia, gia nhập Tăng đoàn, lãnh lấy trách nhiệm trọng yếu là giữ gìn chánh pháp, phát nguyện Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát, phát dương tinh thần chơn chất bình dị của Phật pháp. Sau khi xuất hiện một vị Bồ-tát xuất gia như thế thì tinh thần Phật giáo trở nên sinh động hẳn. Trong tứ chúng Phật tử đã từng có những sự tích hết sức bi tráng và cảm động lòng người, khiến Tăng tục xưa nay một lòng tôn sùng ngưỡng mộ, lưu truyền cho đến hiện tại của chúng ta vẫn còn tiếp tục noi theo mà học tập.
   3. Phản đối tư tưởng cũ chỉ chuyên đọc tụng kinh điển
   Bồ-tát Thường Bất Khinh ứng theo thời vận mà sinh ra đời, ôm ấp hoài bão cứu vãn Phật pháp, chỉnh đốn những sai trái, cho nên sau khi xuất gia, liền thực hiện việc vận động cách tân. Tứ chúng học Phật lúc bấy giờ thâm nhiễm tăng thượng mạn mà không biết, chuyên lấy việc đọc tụng, giảng thuyết, biên chép cho là Phật pháp. Phật pháp chính là đây, đây chính là Phật pháp. Những hạng tăng thượng mạn này chưa đắc nói là đắc, chưa chứng nói là chứng. Bồ-tát Thường Bất Khinh đầu tiên nhắm vào xu hướng học tập thiên kiến này là đưa ra tư tưởng mới “không chuyên đọc tụng kinh điển” để cứu trị. Không chuyên đọc tụng kinh điển không có nghĩa là phế bỏ kinh điển, không cần kinh điển, mà là để cảnh tỉnh mọi người không nên cố chấp vào kinh điển mới chứng đắc Phật pháp. Phật pháp chân thật không phải là kinh điển, không phải là chỗ hay đọc tụng, mà Phật pháp phải từ trong chỗ hiểu thấu kinh điển để thực hành, nương theo sự thực hành mà chứng quả, có như thế mới khế nhập được chân lý của Phật pháp. Tư tưởng mới này khác hẳn với xu thế học tập đương thời, trái với luận điệu tín hành của đại chúng. Nó giống như một tiếng sét trên không làm chấn động tứ chúng Phật tử, cảnh tỉnh những kẻ mê mộng chấp trước vào văn tự. Bồ-tát Thường Bất Khinh dám vì Phật pháp mà rống lên tiếng rống của Sư tử, chứa đựng đầy đủ tinh thần vô úy. Những người có tâm học Phật chân chánh đã bắt đầu chuyển động, từ xu thế thiên kiến chuyên đọc tụng và giảng thuyết, nghiên cứu kinh điển đều chuyển qua hướng vận động mới này là lo gấp rút tu hành để liễu ngộ.
   4. Đề xướng phong cách mới bình dị, thật thà, một lòng một dạ thực hành
   Việc vận động cách tân của Bồ-tát Thường Bất Khinh không chỉ nói hay bàn giỏi trên miệng lưỡi, không chỉ có lời kêu gọi vang dội mà thật ra trong ấy, chứa đựng hành động rất thực tiễn. Có phải cái hành động thực tiễn ấy là một pháp khó hành trì và cực kỳ cao thâm rộng lớn chăng? Sự thật thì không phải như thế. Trái lại, phong cách mới này chỉ có “thực hành lễ bái” mà thôi, ai ai cũng có thể biết và thực hành được cả. Đối với những người biết đạo thì việc lễ bái trong Phật pháp là một việc tu hành rất bình thường. Thế nhưng, vì sao Bồ-tát Thường Bất Khinh lại đặc biệt xem trọng và đề ra việc vận động cách tân Phật giáo? Bởi vì trong việc tu học Phật pháp, lễ bái là pháp tu hành cơ bản rất bình thường, nhưng người học Phật đương thời không có mấy người hiểu được ý nghĩa lễ bái một cách chân chánh và có thể thực hành lễ bái một cách chân chánh. Chỉ có Bồ-tát Thường Bất Khinh mới hiểu và hành được pháp lễ bái chân chánh này. Bởi vì tứ chúng học Phật bấy giờ chỉ biết lễ bái, cúng dường, sùng kính Phật pháp, chỉ giỏi bàn luận Phật pháp mà xem thường mọi thứ, không biết mình bị rơi vào phong cách của kẻ tăng thượng mạn. Họ lại càng không biết việc thực hành lễ bái ở trong chỗ tầm thường, mà thực tế là không còn phân biệt cao thấp, chỉ có mỗi một vị bình đẳng, phát huy công dụng phá trừ ngã kiến, ngã mạn. Họ không biết hiểu là để hướng dẫn thực hành mà lại thiên về việc chuyên đọc tụng nghiên cứu, làm chướng ngại việc hiểu và hành, khiến cho hai việc không tương ưng, ngăn trở con đường dẫn đến Phật quả.
   Cho nên, Bồ-tát Thường Bất Khinh vì muốn thay đổi xu hướng thiên kiến này mà vận động đề xướng chỉ có một việc là thực hành lễ bái. Không những lễ bái Phật pháp, lễ bái các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni xuất gia, mà cho đến các vị Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tại gia cũng đều lễ bái. Loại chủ trương mới này là cung kính lễ bái một cách bình đẳng, giản dị, chơn chất, thật thà, tức là hạnh thực tiễn của Bồ-tát. Chủ trương này đã ảnh hưởng đến những kẻ tăng thượng mạn, họ cảm thấy hổ thẹn và chuyển thái độ tranh cường xưng thắng, ngạo mạn quay về chỗ khế hợp bình đẳng của Phật pháp, hướng đến chỗ hiểu để mà hành, từ gần đến xa, từ cạn đến sâu, từ thấp đến cao, mở ra một phong cách học Phật mới là bình dị, thật thà và một lòng một dạ thực hành.
   5. Tuyên dương lý luận mới: “Các ông sẽ thành Phật”
   Bồ-tát Thường Bất Khinh không những “chỉ thực hành lễ bái” mà còn “cho đến xa thấy tứ chúng liền đến lễ bái”. Kiểu lễ bái này là cách lễ bình đẳng, không phân biệt cao thấp, thân sơ. Căn cứ vào lý luận gì khiến ông lại thực hành như vậy? Do vì Bồ-tát Thường Bất Khinh thể ngộ được thật tướng của các pháp là bình đẳng không sai khác. Hết thảy chúng sinh chỉ có hình thể sai biệt, trí ngu bất đồng, chớ thật tánh không có phân biệt nhân ngã, cao thấp, thân sơ. Theo pháp tánh này mà quán pháp tánh bình đẳng để tiêu trừ phân biệt chấp trước, mới có thể khế hội được thật tướng của các pháp, chứng nhập thật tánh của các pháp, tức là quả vị Phật.
   Nhưng vì chúng sinh ngu mê sâu nặng, không biết quan sát thật tướng của các pháp. Hơn nữa, tứ chúng học Phật lại chấp trước vào văn tự Phật pháp, xem nhẹ việc ly ngôn chứng Phật tánh, cho nên mới rơi vào thiên kiến chỉ hay nói suông, khiến cho Phật pháp vô thượng mất đi tác dụng thực tế là cứu độ hết thảy khổ ách. Bồ-tát Thường Bất Khinh do nắm được căn bản Phật pháp, cho nên đã phát động phong cách mới chỉ chuyên thực hành lễ bái, đề xuất khẩu hiệu: “Tôi không dám khinh các người đâu”, tuyên dương lý luận mới: “Các người sẽ thành Phật”. Người người đều có thể dùng lý luận thành Phật trên cơ sở pháp tánh bình đẳng này. Như vậy, hết thảy chúng sinh ai lại không tôn kính tứ chúng học Phật. Một khi tứ chúng đã đi đến chỗ hiểu và hành đúng rồi thì tương lai chắc chắn sẽ thành Phật.
 v  Do vậy, khẩu hiệu: “Tôi không dám khinh các người” và lý luận: “Các người sẽ thành Phật” đã gây nên tác dụng rất lớn, làm thức tỉnh những kẻ mê chấp thiên kiến chuyên đọc tụng kinh điển, đả phá việc nói suông, ngăn trừ tăng thượng mạn. Mọi người đã tự biết trân trọng lấy mình, tôn trọng kẻ khác, củng cố niềm tin và mong cầu thành Phật một cách khẩn thiết, khiến cho mình và người cùng nhau đi vào con đường Phật đạo một cách bình dị, thật thà, khoan dung và thanh thản. Lúc bấy giờ, có đến hàng vạn ức người được Bồ-tát Thường Bất Khinh cảm hóa bằng lời nói hoặc qua việc làm của Ngài.
   6. Thực hành hạnh Bồ-tát, dù bị chửi đánh cũng cam chịu
   Bồ-tát Thường Bất Khinh không thích xu hướng cao đàm hoạt luận (nói giỏi luận suông), nên đã đề xuất tư tưởng mới là không chuyên đọc tụng kinh điển, không cầu thắng giải một cách thiên kiến mà chính bản thân mình chỉ thực hành lễ bái theo phong cách mới, không chấp trước vào ngã kiến ngạo mạn hơn người mà đề xướng khẩu hiệu: 
“Tôi không dám khinh các người”, không phân biệt cao thấp mà tuyên dương lý luận mới: “Các người sẽ thành Phật”. Tuy nhiên, hành động và lời hiệu triệu vận động cách tân này cũng bị giới Phật giáo đương thời phản đối kịch liệt và những kẻ học Phật các nơi cũng công kích dữ dội. “Không chuyên đọc tụng kinh điển” bị phê bình là “lìa kinh phản giáo”, là hành động của ma. “Chỉ thực hành theo phong cách lễ bái” bị chê là kẻ điên rồ, thần kinh rối loạn. “Không dám khinh các người” bị phỉ báng là cuồng vọng nói liều. “Các người sẽ thành Phật” bị chế giễu chê cười là giả mạo Phật tiên đoán ẩu. Không phải chỉ có những lời chê bai như thế đâu, mà còn có những kẻ phiền não thâm độc đánh đập, chửi rủa Bồ-tát một cách thậm tệ, đến nỗi người khác trông thấy còn chịu không nổi, vậy mà Ngài lại chẳng hề có một chút tâm niệm oán hận hoặc bất bình nào cả. Trái lại, Bồ-tát Thường Bất Khinh lại coi những việc đả kích, đánh chửi này đã tạo thắng duyên cho mình thực hành và hoàn thành đạo Bồ-tát. Bởi vì người học Phật chân chánh và tu hành đạo Bồ-tát không bao giờ ngồi đợi mọi việc sẽ đến, mà chính tự mình phải dấn thân vào mọi thử thách. Bị chửi rủa mà động tâm sân hận, bị chê bai mà sinh tâm hối hận, cái thấy về nhân ngã còn sâu dầy, cái tâm phiền não còn nặng nề thì có khác chi người phàm phu đâu! Trái với tinh thần Phật giáo thì làm sao hoàn thành được hạnh Bồ-tát! Bồ-tát Thường Bất Khinh nhờ có tuệ kiến chân thật này nên thực hành đạo Bồ-tát một cách rất chắc chắn. Do vậy mà sự vận động cách tân của Ngài mới không bị khuất phục bởi mọi khổ nạn, trái lại còn có thể khắc phục một cách kiên định hết thảy mọi khổ nạn ấy. Đối với mọi thứ đả kích, Ngài vẫn thẳng tiến một cách bi tráng để đạt đến thành công như nguyện.
   Trong biểu hiệu vận động cách tân của Bồ-tát Thường Bất Khinh, từ việc lễ bái bình thường, tư tưởng không chuyên đọc tụng kinh điển, phong cách không khinh mạn mọi người, lý luận các ông sẽ thành Phật, cho đến bản thân bị đánh chửi, hết thảy đều là thành tựu hạnh Bồ-tát. Sự hiện thân chân chánh của Bồ-tát Thường Bất Khinh đã giải thích rõ ràng Phật pháp là gì? Thế nào là hạnh Bồ-tát?
Qua những sự tích giản lược về ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh, chúng ta có thể rút ra được những bài học vô cùng quý giá.
   7. Chư Phật đồng khen ngợi Thường Bất Khinh
   Tư tưởng, lời nói, hành vi và tác phong của Bồ-tát Thường Bất Khinh được các bậc tôn túc cao Tăng thời bấy giờ cho là rất bình thường và cạn cợt tợ hồ như không có một chút gì đặc biệt cao sâu và thâm áo, nhưng lại thành tựu hạnh Bồ-tát một cách vĩ đại. Vĩ đại ở chỗ là Ngài đã một lòng một dạ thực hành hết sức bình thường chân thật. Từ trong chỗ một lòng một dạ thực hành này mà hiển xuất ra sự vĩ đại và cao thâm. Không chuyên đọc tụng kinh điển nhưng không phế bỏ kinh điển, lễ bái tứ chúng không có tâm phân biệt, không khinh mạn mọi người để trừ sạch hư ngụy, tôn trọng Phật tánh mãi mãi không thoái chuyển, nhẫn chịu đánh chửi không một chút động tâm… Hết thảy những biểu hiện chơn chất thật thà này đã cho thấy được tính cách vĩ đại và cao thâm của Phật pháp, chứng minh rằng Phật pháp không phải ở chỗ kinh điển văn tự. Cho nên, Ngài không chuyên đọc tụng kinh điển mà vẫn hoàn thành hạnh Bồ-tát một cách vĩ đại là vậy.
   Sự học Phật của Bồ-tát Thường Bất Khinh khế hợp với bản tâm thuyết pháp của chư Phật, cho nên các đức Phật xưa nay đều hoan hỷ ca ngợi Tỷ-kheo Bồ-tát Thường Bất Khinh. Như đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật cũng đặc biệt giới thiệu về công hạnh tu hành của vị Bồ-tát này trong kinh Pháp Hoa. Đến mãi tận đời vị lai, Bồ-tát Thường Bất Khinh vẫn còn là tấm gương điển hình cho người tu hạnh Bồ-tát và là mô phạm cho tứ chúng học Phật.