Phật học cơ bản
Ðạo Gì?
Thích Trí Siêu (Pháp quốc, 1996) Kinh nghiệm hồi ký sau nhiều năm học đạo với Ðại Thừa, Nguyên Thủy và Kim Cang Thừa Tây Tạng.
03/04/2554 16:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giáo lý, Giáo điều, Giới luật

Bất cứ tôn giáo nào trên thế giới cũng đều bắt nguồn từ một cá nhân xuất chúng, một bậc siêu nhân phát minh ra được một chân lý hay nguyên lý nào đó. Rồi vị siêu nhân này đi rao giảng truyền bá lại cho quần chúng, trở thành giáo chủ và những lời dạy của giáo chủ trở thành giáo lý (doctrine).

Ðức Phật Thích Ca tương đối có đông đệ tử nhất, 1250 vị. Chúa Giê-Su có 12 tông đồ. Mahomet giáo chủ Ðạo Hồi chỉ có 5 đệ tử lúc đầu. Lão Tử thì chỉ một mình một trâu, còn Khổng Tử thì chỉ vài chục môn đệ bôn ba theo Thầy.
Theo tôi nghĩ, những vị giáo chủ này, đương thời họ đâu có muốn trở thành giáo chủ hay vị thống lãnh nào mà họ chỉ muốn chia xẻ với quần chúng tư tưởng của họ hoặc truyền bá một thông điệp nào đó mà thôi. Và như thế giáo lý cốt chỉ để chuyên chở thông điệp (message). Nếu không nhận được thông điệp thì giáo lý trở thành triết lý tràng giang đại hải. Rồi hàng môn đệ về sau mỗi người hiểu một ý, sinh ra chống báng lẫn nhau. Ðể tránh tình trạng này, họ mới cùng nhau đúc kết lại những điều căn bản của giáo lý, lấy đó làm nền tảng bất di bất dịch, bất khả xâm phạm, không ai được quyền sửa đổi nữa. Ðây gọi là giáo điều (dogme).

Giáo lý tuy nhiều nhưng không đáng ngại. Giáo điều tuy ít nhưng lại nguy hiểm vì nó làm cho người ta mắc kẹt, dễ hiểu lầm là chân lý. Giáo điều dạy chúng ta phải như thế này, phải như thế kia. Tu hành phải ăn chay niệm Phật, phải đi chùa cúng kiến, làm công quả, nếu không thì sẽ bị tội, v.v... Hoặc như bên Ðạo Chúa có người cho rằng nếu không đi nhà thờ ngày chủ nhật thì chết sẽ xuống địa ngục. Hoặc bên Hồi Giáo, ai mà phạm thượng đến Allah thì phải bị xử tử, v.v... Khi giáo điều được mọi người tin là chân lý thì giáo điều trở thành tín điều. Tóm lại giáo điều là một loại giáo lý đã bị đóng khung cứng ngắc.

Giới luật cũng là một loại giáo điều trên phương diện cư xử trong đời sống hằng ngày. Trong luật Tứ Phần nói 12 năm đầu, đức Phật chưa chế giới luật vì Tăng chúng thanh tịnh. Ðến năm thứ 13, có những vị xuất gia sau, tu hành thiếu xót, gây ra nhiều phiền phức, lúc đó Phật mới tùy phương tiện chế ra giới luật, tùy bệnh cho thuốc. Nhưng lại có những người chấp thuốc thành bệnh. Thí dụ trong luật Tỳ Kheo cấm không được leo cây cao quá đầu người, thế rồi ngày kia có vị Tỳ Kheo đi vào rừng gặp cọp dữ, hoảng sợ bỏ chạy, bám vào cây nhưng không dám leo lên cao quá đầu vì sợ phạm giới, nên bị cọp nhẩy lên vồ trúng ăn thịt. Các vị Tỳ Kheo khác biết chuyện về thưa lại, đức Phật mới sửa thêm vào là trừ khi có nạn hay nhân duyên thì khai cho. Trong giới luật có giới tánh, giới tướng, có sự khai, giá, trì, phạm. Giới luật được chế ra tùy nhân duyên, căn cơ của đệ tử và bối cảnh xã hội đương thời. Từ lúc thành lập Tăng đoàn cho đến khi nhập diệt, đức Phật đã chế ra 250 giới cho hàng Tỳ Kheo trong 45 năm. Nếu đức Phật còn sống cho đến ngày nay thì chắc Tỳ Kheo phải có ít nhất là 2500 giới.

Trong Kinh Mahaparinibbana (Ðại Bát Niết Bàn) thuộc Trường Bộ Kinh, trước khi nhập diệt, đức Phật có nói với A-Nan, từ nay trở đi cho phép các Tỳ Kheo tùy nghi bỏ các giới cấm nhỏ nhặt. Trong kỳ kết tập Kinh điển lần thứ nhất, Ca Diếp đã trách A-Nan sao không hỏi lại Phật giới nào là giới nhỏ nhặt. Và Tăng chúng lúc bấy giờ có lẽ vì kính nể Phật hoặc không thấy giới nào là nhỏ nhặt cả nên đã giữ lại hết.

Tu hành cần phải có giới luật vì giới luật là hàng rào giúp cho hành giả khỏi bị sa ngã. Nhưng giới luật cũng cần được uyển chuyển, khi khai khi trì tùy theo căn cơ và bối cảnh xã hội.

Nếu bạn là một Phật tử chân chính chắc chắn bạn cũng muốn giữ giới tinh nghiêm. Giữ giới là việc rất tốt, đáng khen nhưng làm sao đừng rơi vào quá khích và ngã mạn.

Tôi có biết một Thầy, Thầy này chủ trương giữ giới nghiêm khắc, khi nói chuyện với phụ nữ thì đứng xa ba thước. Lỡ khi có cô nào đi ngang vô ý đụng vào Thầy thì liền sau đó Thầy đi thay và giặt ngay bộ áo. Vả khi có Thầy nào vô ý nói chuyện hơi lâu với nữ Phật tử thì Thầy này cũng tới cho hay là nói chuyện "quá giờ" rồi. Trong chùa ai nấy đều nể và ngán Thầy vì Thầy giữ giới tinh nghiêm. Nhưng sau vài năm, không hiểu vì sao chính Thầy lại bỏ ra đi cưới vợ.

Về phần tôi, khi mới thọ giới Tỳ Kheo xong cũng muốn giữ giới kỹ lắm. Nếu giữ phần mình thì không nói làm chi. Ðàng này lại đi dòm ngó người khác xem họ có giữ giới không? Nếu ai giữ giới thì mình nể, không thì mình khinh. Nhiều lúc lại lên mách sư phụ nữa chứ. Có những lúc đi Phật sự, ngủ chung phòng với quý Thầy khác, mặc dù mỏi lưng mỏi cổ muốn quay sang trái nhưng vì lỡ làm "Ðại Ðức" nên cũng phải ráng nằm im bên phải giống như tượng Phật lúc nhập Niết Bàn.

May cho tôi, từ lúc làm du Tăng có dịp tiếp xúc với nhiều truyền thống khác, quan niệm về giới luật của tôi cũng thay đổi và trưởng thành, không còn ngây thơ như trước nữa.

Vấn đề giới luật được nêu ra ở đây là vì ai cũng muốn mình là đứa con ngoan nhất của Phật, ai cũng cho mình là biết giới và giữ giới đúng hơn kẻ khác. Ngay cả khi đức Phật còn tại thế đã có một vụ tranh chấp giữa hai nhóm Tỳ Kheo. Sự việc xảy ra tại Kosambi, lúc đó chư Tăng đang nhập hạ. Có một Thầy phạm nhằm giới nhỏ liên quan đến cách thức xử dụng phòng vệ sinh, bị nhóm Tỳ Kheo giỏi về giới luật bắt lỗi. Nhóm Tỳ Kheo giỏi về Kinh thì không đồng ý vì cho rằng lỗi ấy không đáng. Nhóm nào cũng cho mình có lý, không ai chịu thua ai, gây ra tranh chấp và bất hoà trong Tăng chúng. Ðức Phật đích thân đứng ra hòa giải và dàn xếp nhưng không ai nghe cả. Do đó ngài bỏ đi một mình, đến khu rừng Parileyyaka nhập hạ dưới một gốc cây sala. Theo tích chuyện kể lại, trong thời gian này có một con voi và một con khỉ theo hầu cận bên ngài.

Cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhì tại Vaisali cũng bắt nguồn từ một sự tranh chấp về giới luật giữa hai nhóm Tỳ Kheo làm Tăng đoàn bị chia thành hai phái: Thượng Tọa Bộ (Théravada) và Ðại Chúng Bộ (Mahasanghika). Là Phật tử đâu có ai muốn Tăng đoàn bị chia rẽ, nhưng khổ nỗi lại cứ muốn cho mình hiểu kinh hiểu luật hơn kẻ khác. Muốn một đàng, làm một nẻo, nhân quả làm sao tương ưng được?

Nếu bạn là một Tỳ Kheo thì bạn sẽ giữ bao nhiêu giới? Nếu bảo là 250 giới thì chỉ đúng với người Việt và Trung Hoa thôi. Vì Tỳ Kheo Nam Tông chỉ có 227 giới và Tỳ Kheo Tây Tạng 253 giới. Tất cả đều là Tỳ Kheo, đều bắt nguồn từ đức Phật, tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Ai đã cắt bỏ, thêm bớt những giới luật trên? Không cần nói đến giới luật của Nam Tông hay Tây Tạng, riêng 250 giới của Tỳ Kheo Ðại Thừa Việt Nam, Trung Hoa, ngày nay có ai giữ đúng được con số ấy không? Tôi có nói chuyện về vấn đề này với một  số quý Thầy, hầu hết đều công nhận rằng có rất nhiều giới nhỏ không còn thích hợp với thời đại xã hội ngày nay. Nhưng không ai dám sửa đổi vì cho rằng mình không có thẩm quyền gì mà sửa đổi giới của Phật. Nếu làm vậy thì sợ mang tội đối với Tam Bảo, hai là sẽ bị người khác chửi rủa. Thôi thì giới của Phật đặt ra bao nhiêu thì cứ giữ bấy nhiêu, còn mình giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ngoài giới Thanh Văn ra còn có giới Bồ Tát, Giới Thập Thiện. Thích thọ cho nhiều mà có giữ được đâu?

Giới luật của Phật chế ra xưa kia tùy thuộc vào bối cảnh phong tục tập quán của xã hội Ấn thời bấy giờ. Ngày nay muốn cai dân trị nước một cách hữu hiệu, các chính phủ cũng phải sửa đổi luật pháp cho hợp thời thế, không những hợp với tình thế quốc nội mà cũng phải hợp với sự biến chuyển của quốc tế nữa. Ðương thời, sau khi chế giới, đức Phật đâu có độc tài, lúc cần ngài cũng uyển chuyển khai thị sửa đổi kia mà (ở đây nói về những giới Ba Dật Ðề, Pacittiya, trở đi).

Bàn về giới luật, tôi không có tham vọng sửa đổi vì tôi dư biết là không ai dám cả gan sửa đổi giới luật của Phật, dù đó là một Tăng Thống hay Ðại Lão Hòa Thượng. Mục đích của tôi muốn nhắc nhở bạn, nếu thọ giới thì đừng thọ cho nhiều để khi dễ kẻ khác, khi giữ giới thì đừng cho mình trong sạch hơn kẻ khác, khi học giới thì nên ý thức giới luật không phải là giới điều bất di bất dịch mà chỉ là phương tiện.

Dù muốn dù không, giới luật của Phật đã có hơn 2500 tuổi rồi, kính lão đắc thọ, điều mình có thể làm được là lập ra những giới mới thích hợp với thời đại hơn. Ðây là trường hợp giới Tiếp Hiện của Thầy Nhất Hạnh. Trong những giới mà tôi được biết, có thể nói giới Tiếp Hiện là giới hợp lý và hợp thời nhất với xã hội ngày nay. Tiếp Hiện có 14 giới, nhưng tôi thích nhất 2 giới đầu.

Giới thứ nhất: Không được thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa hay một lý thuyết nào, kể cả chủ nghĩa và lý thuyết Phật Giáo. Những hệ thống giáo lý trong Ðạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn tu tập mà không là những chân lý tuyệt đối để bảo vệ và thờ phụng.

Giới thứ hai: Không được yên trí rằng những kiến thức mình hiện có là những chân lý bất di bất dịch, như thế để tránh sự trở thành cố thủ và hẹp hòi. Phải học thái độ phá chấp và cởi mở để đón nhận quan điểm của kẻ khác...

Ðến đây xin bạn đọc đừng hiểu lầm là tôi quảng cáo cho Thầy Nhất Hạnh. Vì tôi chưa thọ giới Tiếp Hiện và có lẽ sẽ không bao giờ thọ thêm giới nào nũa. Tôi đã thọ quá nhiều giới luật rồi, nào là giới Tỳ Kheo, giới Bồ Tát, rồi thêm 24 giới của Kim Cang Thừa Tây Tạng. Giới luật đã làm tôi ngộp thở vì tôi dại dột không nhận ra chúng chỉ là những giới điều.

Cho tới bây giờ, giới luật của các tôn giáo thường có tính cách tiêu cực, cấm làm cái này cấm làm cái kia, nếu lỡ làm thì phạm tội, gọi chung là giới cấm. Nếu cần thọ giới, tôi sẽ đi tìm giới tích cực, đó là những giới khuyên ta nên làm điều lợi ích. Xin lấy thí dụ để hiểu:

Giới tiêu cực           

Giới tích cực

Không được trộm cắp       

Nên bố thí, giúp đỡ kẻ nghèo khó

Không được sát sinh         

Nên tìm cách cứu mạng sinh vật

Không được tham sân si 

Nên học thương yêu, hiểu biết

Mới nhìn qua, bạn có thể thấy hai cái không khác nhau mấy, nhưng thật ra khác nhau nhiều lắm. Nếu học giới tích cực bạn sẽ thấy cuộc đời mang một màu sắc mới, không còn màu sắc của ảm đạm, u buồn, đáng ngán. Một người biết thương yêu giúp đỡ kẻ nghèo khó làm sao có thể ăn trộm ăn cắp được? Giới tích cực bao trùm giới tiêu cực, nhưng giới tiêu cực không bao trùm được giới tích cực.
Tôi không trộm cắp nhưng tôi cũng không bố thí giúp đỡ ai cả.
Tôi không sát sinh nhưng ai chết thì mặc kệ, đâu liên quan gì đến tôi.
Giới tiêu cực là những hàng rào ngăn cấm. Giới tích cực là những chân trời mở rộng thênh thang, những cánh đồng bát ngát đón mời ta vào thế giới tự tại và do đó không thể gọi là giới được vì giới tức là hàng rào. Chỉ vì so sánh với giới tiêu cực nên tạm gọi là giới tích cực mà thôi.