Phật học cơ bản
Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo
Thích Tâm Quang dịch
03/04/2553 11:55 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo
Gems of Buddhist Wisdom
Buddhist Missionary Society, Malaysia, 1983, 1996
Thích Tâm Quang dịch
Chùa Tam Bảo, California, Hoa Kỳ, 2000

6

ÐỨC PHẬT

Hòa Thượng Narada Mahathera

Ðức Phật là một chúng sanh độc nhất vô nhị. Ngài là nhà tư tưởng sâu xa nhất, diễn giả có tài thuyết phục nhất, người làm việc đầy nghị lực nhất, nhà cách mạng thành công nhất, một vị đạo sư hết sức từ bi và khoan dung, người quản lý hành chánh có năng lực nhất. Ðặc tính trứ danh nhất của Ngài là sự thanh tịnh tuyệt đối và thánh tính toàn hảo. Ngài hết sức thanh tịnh và hết sức thánh thiện khiến người ta gọi Ngài "Bậc Thánh Thiện nhất trong các Bậc Thánh" Ngài là gương mẫu toàn vẹn của tất cả các đức hạnh. Ngài thuyết giảng không bao giờ Ngài tỏ ra giới hạnh yếu kém. Người nào đã tiếp xúc với Ngài đều phải công nhận sự vĩ đại không thể nghĩ bàn và đều bị ảnh hưởng sâu xa bởi cá tính có sức lôi cuốn như nam châm của Ngài. Thiện chí, trí tuệ, từ bi, phục vụ, từ bỏ thế tục, cuộc đời gương mẫu, phương pháp không thể chê trách dùng trong việc truyền bá giáo pháp, và sự thành công cuối cùng của Ngài - tất cả những yếu tố trên đây đã góp phần tôn vinh Ðức Phật bậc Ðạo Sư vĩ đại nhất.

Ðức Phật là nhà truyền giáo đầu tiên tích cực nhất trên thế giới. Ngài đi hết chỗ này đến chỗ kia trong 45 năm dài để thuyết giảng cho đại chúng và giới trí thức. Cho đến giờ phút cuối cùng, Ngài phục vụ nhân loại cả về gương mẫu lẫn giới luật. Những đệ tử xuất sắc của Ngài theo gương Ngài. Không một đồng xu dính túi, những đệ tử này đã đi tới miền đất xa xăm để truyền bá giáo Pháp, không mong được đền đáp gì.

"Hãy tinh tấn lên các con" đó là lời nói cuối cùng của Ðức Phật. Giải thoát và thanh tịnh không thể đạt được nếu không có nỗ lực cá nhân. Những lời cầu nguyện xin can thiệp hộ bị phản đối kịch liệt trong Phật Giáo, thay vì cầu nguyện là thiền định dẫn đến tự kiềm chế, thanh tịnh và giác ngộ. Mục tiêu sứ mạng của Ðức Phật là để cứu chúng sanh thoát khổ đau bằng cách diệt trừ nguyên nhân gây ra và chỉ dạy phương cách chấm dứt sanh tử nếu ai mong muốn. Tuy nhiên, Ðức Phật cũng dẫn giải chi tiết trong nhũng bài thuyết pháp hướng về sự tiến bộ thế giới. Cả hai sự tiến bộ vật chất lẫn tinh thần đều cần thiết cho việc phát triển một quốc gia có tư tưởng chủ nghĩa vật chất trên thế giới. Ta không nên tách rời cái này với cái kia, và cũng chẳng nên chỉ hoàn tất tiến bộ vật chất bằng cách hy sinh tiến bộ tinh thần như chúng ta thấy ngày nay ở một số quốc gia duy vật chủ nghĩa trên thế giới.

Pandit Nehru thường nhắc đến Ðức Phật như người con vĩ đại nhất của Ấn Ðộ. Tiến Sĩ S. Radhakrishman, một nhà lãnh đạo và triết gia Ấn, tán thán Ðức Phật với những lời sau: "Nơi Ðức Phật Cồ Ðàm chúng ta thấy trí tuệ bậc thầy từ Phương Ðông khoâng thua kém ai về ảnh hưởng đối với tư tưởng và đời sống của loài người, và thiêng liêng đối với tất cả là người khai sáng ra truyền thống tôn giáo mà ảnh hưởng sâu rộng hầu như không thua kém bất cứ tôn giáo nào khác. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới, là gia tài chung cho tất cả những người có văn hóa, xét bằng tri thức chính trực, tinh thần nghiêm chỉnh và tuệ giác, chắc chắn Ðức Phật là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử."

Trong cuốn "Ba nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử", sử gia H.G. Wells viết:

"Nơi Ðức Phật, các bạn thấy rõ Ngài là một nhân vật đơn giản, chân thành, lẻ loi, phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải thần thoại. Ngài cũng có bức thông điệp gửi cho nhân loại hoàn vũ. Nhiều những tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi tương đồng với thông điệp của Ngài. Tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống, theo Ngài dạy, là do lòng ích kỷ. Con người trước khi có thể trở nên thanh tịnh, người đó ph?i ngưng sống theo giác quan hoặc cho riêng chính mình. Rồi người đó mới trở thành một đại nhân. Nói một cách khác, Ðức Phật kêu gọi lòng vị tha của con người năm trăm năm trước Chúa Christ. Trong một số phương diện, Ngài rất gần gũi với chúng ta, và nhu cầu của chúng ta hơn. Ngài cũng tỏ ra sáng suốt hơn Chúa Christ trong sự quan tâm phục vụ và hy sinh cho con người và ít mơ hồ hơn đối với vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh."

Ðức Phật quả thực là một người nhưng là một người phi thường. Ngài không phải sinh ra là một Ðức Phật nhưng Ngài tự phấn đấu rồi thành Phật. Ngài nhận thức được khả năng tiềm ẩn và năng lực sáng tạo của con người mà không tự đề cao Ngài như thánh thần, khuyên dạy tín đồ tích cực noi gương Ngài, vì Phật tính tiềm ẩn ở tất cả mọi người.

Ðức Phật được tôn thờ như một đạo sư tinh thần tối thượng, nhưng không bao giờ muốn được sùng bái như một thượng đế mong muốn đặc ân trần tục hay tinh thần. Ðức Phật không để lại một dấu hiệu gì, hay bất cứ gì để những tín đồ thuần thành có thể bám víu vào để suy tôn Ngài như thần thánh. Tuy nhiên, phải công nhận rằng không có một vị đạo sư nào lại "quá vô thần và hữu thần như Ðức Phật", Bertrand Russell gọi Ngài một cách đứng đắn là "Người theo thuyết vô thần vĩ đại ở mọi thời đại".

Nhưng vô thần đây không được hiểu lầm là đồng nghĩa với không tín ngưỡng. Muốn có hòa bình và hạnh phúc thực sự trong nhân loại, thức tỉnh tôn giáo chân thành là hết sức cần trong thế giới đạo đức lụn bại này. Ðiều quan trọng là không đặt niềm tin vào tín điều hay chỉ tuân hành nghi thức và lễ lạc, mà mà là đem lợi ích thực sự cho quần chúng, một cuộc sống tình thương lành mạnh, hữu ích, lẽ phải và công bằng căn cứ vào những nguyên tắc cao thượng của các đạo sư đáng kính.

Giáo Sư Joad tuyên bố: "Vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, tại Ấn Ðộ và Trung Hoa, xuất hiện ba vị thầy vĩ đại, các vị này đã làm cho con người hiểu biết điều quan trọng chính đáng phải làm để tự cứu dù có Thượng Ðế hay không có Thượng Ðế; trong ba vị ấy người quan trọng nhất là Ðức Phật Cồ Ðàm."

Ðức Phật nhấn mạnh sự quan trọng của giới hạnh như phương tiện đi tới mục đích. Ngài khuyên nên tu tập chánh tư duy về lòng vị tha, từ ái, tính không làm hại; chánh ngữ để có thể kiểm soát giọng lưỡi tác hại của mình; chánh nghiệp bằng cách kìm hãm không giết người hay muông thú; không trộm cắp trực tiếp hay gián tiếp, không tà dâm; và chánh mạng là thoát khỏi sự bóc lột và biển thủ hoặc bằng bất cứ phương tiện gì bất hợp pháp để thủ đắc của cải hay tài sản. Những dạng thức này hình thành nền tảng của giới hạnh.

Ðức Phật truyền đạt thông điệp cao quý của Ngài về phục vụ vị tha, giới hạnh và lòng từ ái vô bờ bến không những đến cho các vua, hoàng tử, nhà quý phái và người triệu phú, mà cũng cho người nghèo, người cùng đinh và thiếu thốn. Ngài giúp cơ hội đồng đ?u cho tất cả mọi người và nâng cao địa vị con người. Ngài tuyên bố con đường đi đến phát triển tinh thần mở rộng cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, sang hay hèn, thánh nhân hay tội lỗi, bất cứ ai muốn cải tà qui chính và tìm sự toàn bích.

Thường nhật Ngài thuyết giảng cho cả các thầy tu và cư sĩ. Ðiều mà Ngài dạy chỉ là một phần nhỏ nhoi của những điều mà ngài biết. Trong một dịp, Ngài cầm một nắm lá trong tay, và so sánh những điều Ngài giảng dạy chỉ như những lá trong tay; những điều Ngài không giảng dạy nhiều như lá trong rừng. Ngài chỉ dạy điều cần thiết cho sự giải thoát của chúng ta.

Thường lệ hàng ngày, Ngài nhằm vào người cần đến sự giúp đỡ của Ngài; Ngài chỉ dẫn, cổ vũ các đệ tử đã quy y tụ tập để nghe Ngài giảng, Ngài trình bày chi tiết pháp đến cả chư thiên. Ngày dạy Pháp cho quần chúng, cho những nhà trí thức. Lời Ngài dạy như sữa cho em nhỏ và như thịt cho người lớn. Trước khi thuyết giảng, Ngài thấy rõ người đói cần được ăn, thực phẩm cần thiết cho cơ thể thì pháp cũng cần thiết cho tâm. Ngài săn sóc người bệnh bằng chính bàn tay Ngài, Ngài tuyên bố: "Ai săn sóc người bệnh, người đó săn sóc Như Lai" .

Ðức Phật thiết lập một xã hội không giai cấp bằng cách mở cửa Ðoàn Thể Tăng Già cho bất kỳ cá nhân nào muốn gia nhập không phân biệt giai cấp hay đẳng cấp xã hội. Chỉ có sự phân biệt là sự thâm niên của sa di (samanera), tỳ kheo (bhikkhus), mahathera (tỳ kheo đã có 20 tuổi đạo) và sự đạt được bốn quả vị thánh (tu đa hoàn, tư dà hàm, a na hàm, a la hán). Sự thành lập Ðoàn Thể Tăng Già trên căn bản là dân chủ. Về phương diện này, (Hầu Tước, Phó Vương Ấn Ðộ) Lord Zetland tuyên bố: "Có thể là một điều ngạc nhiên cho nhiều người biết rằng trong các cuộc Hội Nghị của Phật Giáo tại Ấn từ trên 2500 năm qua, người ta đã thấy những hoạt động giống như ngày nay của chúng ta thực thi tại nghị trường".

Cũng giống như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, Ðức Phật thành lập đoàn thể ni giới cho phụ nữ bất chấp đẳng cấp hay giai cấp xã hội. Ngài cho phụ nữ bình đẳng để phát triển tinh thần.

Cũng được biết Ðức Phật là người đầu tiên trong lịch sử bãi bỏ chế độ nô lệ bằng cách tiến dẫn khái niệm tình huynh đệ và phẩm giá con người. Ðức Phật thuyết giảng chống lại sự hiến tế các súc vật bất hạnh làm lễ vật, và đem chúng vào trong phạm vi của lòng từ ái. Người Phật Tử thuần thành đem lòng từ ái tới mọi chúng sanh, không phân biệt trong bất cứ trường hợp nào.

Chính lòng từ ái hình thành cơ sở cho tình huynh đệ giữa các quốc gia, giữa các tôn giáo, phá vỡ hàng rào ngăn cách quốc gia này với quốc gia kia, xu hướng tôn giáo này với xu hướng tôn giáo kia. Nếu những tín đồ của những tín ngưỡng khác nhau không cùng chung một cương lĩnh coi nhau như anh chị em đơn giản chỉ vì họ không cùng một tôn giáo, chắc chắn các vị đạo sư cao quý đã thất bại trong sứ mạng cao cả vì chính nghĩa cho nhân loại.

Ðức Phật hết sức khoan dung, bất khoan dung là kẻ thù lớn nhất của tôn giáo. Cho nên Ðức Phật khuyên các đệ tử không nên giận dữ, bất mãn hay không vừa lòng khi các người khác nói xấu Ngài, giáo pháp của Ngài hay các nhà sư. "Nếu bạn tỏ ra bất bình" Ngài nói " Không những bạn tự mang bạn đến nguy hiểm mất tinh thần mà bạn còn không thể suy xét những người ấy nói đúng hay sai". "Một cảm nghĩ giác ngộ nhất, cả đến sau 2500 năm của sự giác ngộ", Tiến Sĩ Radhakrishnan nói như trên.

Ðức Phật giải thích không có tín điều nào mà ta phải mù quáng tin theo, không có tín điều hay tín ngưỡng nào mà ta phải chấp nhận mà không suy luận, không có nghi thức hay các cuộc lễ dị đoan bắt ta phải gia nhập vào nhóm người cùng chung niềm tin, và không có sự hiến tế và sự hành xác vô nghĩa cho ai muốn thanh tịnh hóa. Ðức Phật trình bày chân lý đơn giản cho quần chúng và lời dạy triết lý sâu xa cho người trí thức. Ngài khuyên những người đi tìm chân lý không nên chấp nhận bất cứ điều gì do thế lực hay lý do gì khác mà phải tự mình suy luận và phán xét điều đó đúng hay sai.

Trên chặng đường hòa bình hoằng truyền giáo pháp của Ngài từ 2500 năm qua, không một giọt máu đổ trong việc truyền bá giáo pháp, và không một ép buộc đổi đạo bằng sức mạnh hay những phương pháp ghê tởm. Quả thực Ðức Phật là một nhà truyền giáo thứ nhất và vĩ đại đã từng sống trên trái đất này.

Giáo lý tuyệt vời của Ðức Phật đã lan tỏa và vẫn đang kiến tạo hòa bình trên đường đi vào ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới do tính cách hữu lý, khả thi, hữu hiệu, không quá khích, bao dung và đại chúng. Phật pháp đóng góp to lớn vào sự tiến bộ văn hóa của nhiều quốc gia Á Châu. Tóm lại, tất cả những quốc gia Phật Giáo lớn mạnh trong cái nôi Ðạo Phật.

Những quốc gia hình thành và tan rã, những đế chế thế lực hùng mạnh đã thịnh vượng rồi lụi tàn, nhưng đế chế của giáo pháp thành lập bởi Ðức Phật trên tình thương yêu, từ bi, và lẽ phải, vẫn thăng hoa và sẽ tiếp tục thăng hoa.

7

NHỮNG ÐỨC HẠNH LÝ TƯỞNG CỦA ÐỨC PHẬT

Hòa Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda

 

Ðức Phật là hiện thân của tất các đức hạnh lý tưởng. Ở nơi Ngài ta thấy sự hiện thân của luân lý cao nhất (giới), tập trung sâu xa nhất (thiền định) và trí tuệ thâm sâu (huệ) - những đức tính không ai vượt qua được và không sánh được trong lịch sử loài người. Những đức tính cao cả ghi trong các kinh, những bài thuyết giảng của Ðức Phật.

Phật Tử trên khắp thế giới tụng niệm và hành trì chín đức hạnh tối thượng ghi trong hệ thức tiếng Pali, trong việc tu tập hàng ngày. Mặc dù Ðức Phật có nhiều những đức tính cao thượng khác, ở đây trong hệ thức này, chỉ chín điều được lấy ra. Không phải là không kể đến tại một số trường phái Phật Giáo, các tín đồ đã tiến dẫn một số Ðức Phật ám chỉ một số đức tính vĩ đại của Ðức Phật. Tuy nhiên dù cách thức giới thiệu Ðức Phật ra sao, thực tế tất cả các Ðức Phật lịch sử thỉnh thoảng xuất hiện trên thế giới này, đều thấm nhuần những đức hạnh ấy, cùng với sự giác ngộ giống nhau. Cho nên không có sự khác biệt gì phải tôn kính bất cứ Ðức Phật đặc biệt nào, nếu Ðức Phật được chọn là một Ðức Phật thực sự. Vì vậy cho nên không có một lý lẽ gì cho rằng Ðức Phật này thần thông hay cao hơn Ðức Phật kia.

Những câu kệ sau đây bằng tiếng Pali, nêu lên những đức hạnh thực chất bên trong của Ðức Phật mà người Phật Tử trì tụng khi họ vinh danh Ðức Phật:

"Itipi So Bhagava Araham Samma-Sambuddho
Vijja-Carana-Sampanno Sugato Lokavidu
Anuffaro Purisa Damma-Sarathi Sattha Deva-
Manussanam Buddho Bhagavathi"

Sự trung thực của câu kệ này không thể nghi ngờ vì nó bắt nguồn từ nhiều bản kinh quan trọng trong Tam Tạng Kinh Ðiển theo qui chuẩn Phật Giáo đã xác nhận cũng như từ nơi bốn mươi phương pháp thiền định tư duy về những Ðức Hạnh của Ðức Phật.

Chuyển ngữ ngắn gọn từ tiếng Pali như sau:

Araham - Ứng Cúng (bậc đáng được nhận sự cúng dường của Người và Chư Tiên vì dứt hết phiền não), Samma Sambuddhdho - Chánh Biến Tri (bậc biết hết tất cả pháp); Vijjacarana Sampanno - Minh Hạnh Túc (bậc có đủ trí tuệ và đức hạnh); Sugato - Thiện Thệ (đã làm xong các hạnh lành, trên đường đi đến Niết Bàn); Lokavidu - Thế Gian Giải (bậc hiểu rõ kiến thức thế gian); Anuttaro Purisadamma-Sarathi - Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu (bậc cao hơn hết trong hạng chúng sanh thống trị lấy mình như bậc trượng phu cầm cương ngựa đi vào đường lành); Sattha-Deva-Manussanam - Thiên Nhân Sư (bậc đạo sư của hàng người và hàng Chư Thiên, dạy việc nên làm và việc chẳng nên làm); Buddho - Phật (bậc giác ngộ hoàn toàn); Bhagavathi - Thế tôn (bậc cao hơn hết trong cõi thế, được tất cả cõi thế, tất cả chúng sanh tôn trọng)

1- Araham - Ứng Cúng

Ðức Phật miêu tả một Vị Ứng Cúng có năm phương diện chính:

* đã loại bỏ tất cả ô trược;
* đã tiêu diệt được tất cả những kẻ thù liên quan đến việc loại bỏ các ô trược;
* đã tiêu diệt được những nan hoa chống đỡ bánh xe cuộc sống (thăng trầm cuộc đời);
* đáng được lãnh sự cúng dường và tôn vinh;
* không giữ bí mật đặc tính cũng như giáo lý của mình.

Ðức Phật là nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, với một cuôc đời toàn bích, không hề sai lầm, không thể chê trách và không tỳ vết. Dưới cội cây bồ đề Ngài chiến thắng tất cả ma vương và đạt được thánh quả ở bậc cao nhất. Ngài chấm dứt tất cả khổ đau, đạt Niết Bàn. Ngài là nhân vật được toàn thế giới vinh danh và tôn kính trên mọi phương diện. Giáo lý của Ngài không chứa đựng huyền bí hay bí mật, giống như một cuốn sách mở cho tất cả ai muốn đến xem.

2. Samma-Sambuddho - Chánh Biến Tri

Ðức Phật được gọi là Chánh Biến Tri vì Ngài thấu rõ cuộc sống trên thế giới với viễn cảnh xác đáng, và Ngài đã khám phá ra Tứ Diệu Ðế do sự thấu triệt của Ngài. Sinh ra là một hoàng tử, Ngài đã từ bỏ trần tục và phấn đấu trong sáu năm dài tìm giác ngộ. Trong thời gian ấy, Ngài đã tìm đến tất cả những đạo sư nổi tiếng, Ngài đã tu tập tất cả những phương pháp của các đạo sư này. Ngài đã đạt được tất cả và ngang hàng với các vị thầy của Ngài, nhưng vẫn không tìm ra được ánh sánh giác ngộ. Cuối cùng, căn cứ vào sự tìm tòi hiểu biết một cách hữu lý, và bước vào con đường trung đạo, khởi đi từ phương cách truyền thống về niềm tin đạo lý nổi tiếng này cùng những sự tu tập, Ngài tìm ra giải pháp cuối cùng cho những vấn đề chung vềà bất toại nguyện, mâu thuẫn và bất mãn (Khổ) trên hoàn vũ. Ngài khám phá ra Luật Duyên Khởi- Luật Nhân Quả, do những định luật này, Ngài tìm ra sự thật trần thế và trở thành bậc Ðại Giác.

3. Vijja-Carana Sampanno - Minh Hạnh Túc

Cụm từ ngữ 'Minh Hạnh Túc' có nghĩa là Ðức Phật được thiên phú với một cái nhìn rõ ràng toàn hảo và một tư cách đạo đức gương mẫu. Hai khía cạnh có ý nghĩa được thấy trong ba đẳng kiến thức và tám đẳng trí tuệ. Ba đẳng kiến thức ấy là:

* Thứ nhất, Ðức Phật có thể nhớ lại những lần sanh trong quá khứ và có thể nhìn lại kiếp trước của Ngài và của người khác.

* Thứ hai, ngoài việc có thể ôn lại quá khứ, Ngài có một sức nhìn độc đáo là có thể nhìn thấy tương lai và hình dung được tất cả vũ trụ bất cứ trong một khoảnh khắc nào.

* Thứ ba, Ngài có kiến thức sâu xa về thánh tính (tứ quả thanh văn)

Về tám đẳng trí tuệ, Ðức Phật duy nhất thiên phú bởi tuệ giác, thần thông thi hành kỳ công, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, và nhiều thần thông vật lý, khả năng nhớ lại những lần sanh trong quá khứ, thiên nhãn thông, và kiến thức nhạy bén về cuộc đời thanh tịnh thánh tính.

Về chữ "Carana" hay tư cách đạo đức, phương diện này được chia thành mười lăm loại hay loại đức hạnh thấm nhuần tràn đầy nơi Ðức Phật. Những đức hạnh khác cộng thêm vào được xếp loại như kiềm chế hành động và lời nói, kiềm chế trong sự miệt mài tác động giác quan, điều độ trong việc dùng thực phẩm, tránh ngủ quá nhiều, giữ niềm tin trong sáng, biết xấu hổ khi phạm tội lỗi, biếtù sợ hãi khi phạm lỗi, khát vọng kiến thức, nghị lực, chú ý, và hiểu biết bốn xu hướng gắn liền với lĩnh vực vật chất - Panna và Karuna phản ảnh như trí tuệ và từ bi, cả hai là cặp song sanh cơ bản trong khi karuna cho Ngài lòng từ bi phục vụ nhân loại. Do trí tuệ Ngài nhận thức điều gì phải điều gì trái cho tất cả chúng sanh, và do lòng từ bi Ngài dẫn dắt các tín đồ khỏi tội lỗi và lầm than. Những đức tính vĩ đại của Ngài đã khiến Ngài làm cho Ngài có khả năng đem tình huynh đệ và đức tính tốt thực sự mưa móc cho tất cả chúng sanh với mức độ tột cùng.

4. Sugato - Thiện Thệ

Ðức Phật cũng được gọi là Ðấng Thiện Thệ có nghĩa con đường của Ngài là tốt, nói đến là thượng hạng, lời nói và phương pháp sử dụng là con đường rất hòa hài và không thể chê trách. Con đường đạt hạnh phúc chính đáng là thanh tịnh đứng đắn, không cong queo, thẳng thắn và chắc chắn.

Lời dạy của Ngài tuyệt vời không thể sai lầm được. Nhiều sử gia nổi tiếng và khoa học gia vĩ đại đã phẩm bình giáo lý duy nhất đứng vững không bị thách thức bởi khoa học và các nhà tự do tư tưởng là lời dạy của Ðức Phật.

5. Lokavidu - Thế Gian Giải

Thuật ngữ Lokavidu (Thế Gian Giải) sử dụng với Ðức Phật như một người có kiến thức thế giới tuyệt vời. Bậc Ðại Ðạo Sư có kinh nghiệm, hiểu biết thâm sâu tất cả khía cạnh của cuộc đời cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngài là người đầu tiên nhận xét có hàng ngàn hệ thống thế giới trong vũ trụ. Ngài là người đầu tiên tuyên bố thế giới chẳng là gì cả mà chỉ là thế giới khái niệm. Theo lời Ngài, việc ức đoán nguồn gốc và nơi tận cùng của thế giới hay vũ trụ coi như vô nghĩa. Theo quan điểm của Ngài, nguồn gốc thế giới, sự tận cùng và con đường đi đến tận cùng sẽ tìm thấy trong phạm vi chiều sâu có thể hiểu được- xác thân dài (một sải)- con người với nhận thức và ý thức.

6. Anuttaro Purisa-Damma-Sarathi - Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu

Anuttaro (Vô Thượng Sĩ) có nghĩa vô song và không còn ai có thể vượt hơn. Purisa-damma nói đến người thiên phú giáo pháp và Sarathi có nghĩa người lãnh đạo. Ba từ ngữ này nói lên vị lãnh đạo vô song có khả năng mang con người vào con đường chánh đạo. Trong số những người quyết định theo con đường giáo Pháp và tránh xa tội lỗi có những kẻ giết người khét tiếng như Angulimala, Alavaka, Nalagiri, hàng trăm kẻ đạo tặc, ăn thịt người và ngoan cố như Saccake. Tất cả những người ấy đều được thấm nhuần giáo pháp và một số đạt được thánh quả ngay trong đời hiện tiền của họ. Ngay cả Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða), kẻ thù không đội trời chung, cũng vẫn được Ðức Phật cho phục hồi do lòng từ bi vĩ đại của Ngài.

7. Sattha Deva-Manussanam - Thiên Nhân Sư

Phiên dịch cụm từ này có nghĩa Ðức Phật là Thầy của trời và người. Ghi nhận 'devas' (Trời) dùng trong phạm vi này tức những chúng sinh, do những nghiệp lành, đã vượt qua giai đoạn hàng người nhưng không phải là giai đoạn cuối cùng của sự tiến hóa về sinh vật học. Hàng Trời trong văn cảnh Phật Giáo không liên quan gì với truyền thuyết thần thoại cổ xưa. Ðức Phật là một vị Thầy phi thường linh động có khả năng phân chia một cách rất kỹ thuật phù hợp các đẳng cấp tinh thần của hàng trời và hàng người. Ngài dạy mọi người sống theo chánh đạo. Ðức Phật là vị Ðạo Sư hoàn vũ.

8. Buddho - Phật

Tính ngữ đặc biệt Buddho, có vẻ như lập lại lần thứ hai, mặc dù nó có ý nghĩa rộng hơn. Buddho có nghĩa Vị Chủ Tể toàn trí toàn thức, có những thần thông lạ thường có thể thuyết phục người khác bằng sự khám phá to lớn của mình qua nghệ thuật giảng dạy người khác Pháp của Ngài. Kỹ thuật của Ngài không có vị đạo sư nào có thể sánh bằng. Buddho cũng có nghĩa thứ hai là "tỉnh thức" vì trạng thái bình thường của con người không ngưng ở trong trạng thái sững sờ. Ðức Phật là người đầu tiên "tỉnh thức", và giũ sạch trạng thái sững sờ. Rồi Ngài thuyết phục người khác tỉnh thức, và tránh xa trạng thái mê mờ hay sững sờ.

9. Bhagava - Thế Tôn

Từ ngừ này dùng để chỉ Ðức Phật, từ 'Buddho' hay 'Bhagava' dùng riêng từng chữ hay ghép lại 'Buddho Bhagava' có nghĩa là 'Ðấng Thế Tôn' ('Ðấng Thiêng Liêng') thường được thông dụng trong dân gian.

Ðáng được kính sợ và tôn kính, Thế Tôn là danh hiệu của Ngài. Cho nên chữ 'Bhagava' có nhiều nghĩa như đề nghị của một số phê bình gia. Ðức Phật được gọi là Ðấng Thế Tôn vì Ngài là người hạnh phúc và may mắn nhất trong nhân loại đã chiến thắng được ma vương, đã thuyết giảng chi tiết Pháp cao nhất và là người thiên phú với khả năng tri thức siêu nhiên, siêu phàm.

* * *

Chín Ðức Tính vĩ đại của Ðức Phật có thể sử dụng làm đề tài cho thiền định nếu những sự giải thích của mỗi từ ngữ đặc biệt được thận trọng nghiên cứu kỹ lưỡng và mục đích thực sự cùng bản chất được tóm thâu và thấu triệt. Chỉ lướt qua từng đoạn, không hiểu thấu hoàn toàn không thể coi như hữu hiệu dù cho có sùng đạo. Phương pháp tốt nhất là tụng đi tụng lại đồng thời nắm vững ý nghĩa hoàn toàn của các sự bày tỏ ấy. Trong khi làm như vậy, ta cũng nên tập trung vào những đức tính có chân giá trị ấy như những đức hạnh thực sự cần được tích cực noi gương bởi tất cả tín đồ của Ðức Phật.


8

THẾ NÀO LÀ NGHIỆP?

Hòa Thượng U. Thittila

Nghiệp, tiếng Pali là Kamma, có nghĩa là hành động. Tiếng Sanskrit, Nghiệp được gọi là Karma. Trong nghĩa thông thường Nghiệp có nghĩa tất cả những hành động tốt hay xấu. Nó bao trùm tất cả những hành động có dụng ý dù là tinh thần, nói năng hay vật chất, tư tưởng, lời nói, và hành vi. Trong nghĩa chủ yếu Nghiệp có nghĩa là tất cả những ý muốn đạo đức hay vô đạo đức. Ðức Phật nói: "Này các tỳ kheo, ý muốn là cái mà ta gọi hành động tức Nghiệp. Do có ý mà ta hành động thân, khẩu và tư tưởng" (Kinh Tăng Chi, Anguttara Nikaya III. 415)

Nghiệp chẳng phải là tiền định mà cũng chảng phải là học thuyết theo số mệnh. Quá khứ ảnh hưởng hiện tại nhưng không át hẳn, với Nghiệp quá khứ và hiện tại cũng như nhau. Quá khứ và hiện tại ảnh hưởng tương lai. Quá khứ là cái nền dựa vào đấy đời sống tiếp diễn từng khoảnh khắc. Tương lai chưa tới. Chỉ có hiện tại và trách nhiệm sử dụng hiện tại làm việc thiện hay việc ác nơi từng cá nhân.

Mỗi hành động phát sanh một hậu quả và đó là nguyên nhân trước và hậu đó là hậu quả tiếp theo. Cho nên chúng ta nói về Nghiệp tức "luật nhân quả". Thí dụ, ném một hòn đá là một hành động. Hòn đá đập vào cửa kính, làm vở kính. Vỡ kính là quả của hành động ném, nhưng chưa phải là tận cùng. Cửa kính vỡ là nguyên nhân của những việc xảy ra sau này. Phải có một số tiền để thay kính, ti?n ấy lẽ ra là để dành hay dùng để làm việc khác, và hậu quả đã làm cho ta có cảm giác thất vọng. Ðiều này có thể làm cho ta bứt rứt, và nếu không cẩn thận, bứt rứt này có thể làm thành nguyên nhân của một việc làm sai khác, và cứ thế tiếp tục. Không có sự chấm dứt về những kết quả của hành động, không có sự chấm dứt của nghiệp, cho nên chúng ta phải hết sức thận trọng về hành động của chúng ta, để hậu quả được tốt hơn. Cho nên rất cần thiết cho chúng ta làm điều lành, hành động có ích sẽ trở về chúng ta thành nghiệp lành và làm cho chúng ta đủ sức mạnh để bắt đầu một Nghiệp tốt.

Ném một hòn đá xuống nước và nhìn hiệu quả. Thấy nước tóe lên và những gợn sóng lăn tăn nổi lên khi mặt nước va chạm với hòn đá. Rồi thấy ra sao những gợn sóng vòng tròn mới đầu nh? cứ rộng ra mãi, rộng mãi cho đến khi mắt ta không thể nhìn theo được nữa. Một viên đá nhỏ nhiễu loạn nước trong hồ, nhưng việc chưa chấm dứt. Khi những gợn sóng nhỏ đến bờ hồ, nước lại quay trở lại tới viên đá đã nhiễu loạn nó.

Những hậu quả của những hành động trở lại chúng ta như những gợn sóng với hòn đá, và chừng nào mà ta còn hành động với ác ý, những làn sóng mới và hậu quả sẽ trở lại đánh chúng ta và nhiễu loạn chúng ta. Nếu chúng ta lương thiện và giữ an lạc, những đợt sóng khó khăn quay về sẽ càng ngày càng yếu đi cho đến khi chúng tắt và Nghiệp lành sẽ trở về với phước lành. Chẳng hạn, nếu chúng ta trồng hạt soài, cây soài sẽ mọc lên và mang trái soài, và nếu ta gieo một hạt ớt, cây ớt sẽ mọc lên và mang trái ớt.

Ðức Phật nói:

Trồng nhân nào thì mang quả nấy
Làm điều thiện, đạt điều tốt
Làm điều ác, gặp ác
Gieo nhân nào, gặt quả nấy. (Samyutta Nikya - Tương Ưng)

Mọi việc đến thật đúng với chúng ta. Khi điều vui đến và làm chúng ta hạnh phúc, chắc chắn rằng Nghiệp đến cho thấy chúng ta hành động chính

đáng. Khi điều bất hạnh đến, làm chúng ta đau, hay làm cho chúng không hạnh phúc, Nghiệp đến cho chúng ta thấy lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta không bao giờ quên Nghiệp lúc nào cũng rất công bằng. Nghiệp chẳng thương mà cũng chẳng ghét, chẳng thưởng mà cũng chẳng phạt. Nó cũng chẳng bao giờ giận dữ, và cũng chẳng bao giờ làm vừa lòng. Ðơn giản nghiệp là định luật của nguyên nhân và hậu quả.

Nghiệp không biết gì về chúng ta cả. Lửa không biết gì khi đốt cháy chúng ta phải không? Không biết gì . Bản chất của lửa là cháy lên để cho sức nóng. Nếu chúng ta sử dụng đúng cách, nó cho ta ánh sáng, nấu đồ ăn hay đốt đi những gì chúng ta muốn, nhưng nếu chúng ta không sử dụng đúng cách, nó sẽ đốt cháy chúng ta và tài sản của chúng ta. Việc của lửa là làm cháy lên, và việc của chúng ta là phải sử dụng nó cho đúng. Chúng ta dại dột nếu chúng ta giận dữ và trách cứ khi bị cháy vì chúng ta đã lầm lỗi.

Có nhiều bất bình đẳng và nhiều dị biệt về số phận con người trên thế giới. Thí dụ có kẻ thấp, người cao. Có kẻ bị chết yểu có kẻ sống lâu đến tám mươi hay một trăm tuổi. Có kẻ bệnh hoạn và tàn tật, có kẻ lại tráng kiện và khỏe mạnh. Có kẻ sinh ra trong giàu sang phú quý, có kẻ sinh ra trong lầm than. Có kẻ sinh ra là triệu phú, có kẻ lại nghèo hèn. Có kẻ là thần đồng có kẻ lại ngu đần.

Tại sao lại có những sự không đồng đều như thế hiện hữu trên thế giới? Người Phật Tử không tin những sự chênh lệch như thế là kết quả của sự ngẫu nhiên. Chính khoa học cũng chống lại thuyết "ngẫu nhiên", trong thế giới khoa học gia, tất cả mọi việc đều do định luật nhân quả chi phối. Người Phật Tử cũng chẳng tin những sự chênh lệch trên thế giới là do Thượng Ðế-Ðấng Sáng Tạo.

Một trong ba quan điểm khác nhau thịnh hành trong thời Ðức Phật là:

- Dù con người có kinh qua hạnh phúc hay đau khổ hay cảm tưởng không rõ ràng thì tất cả đều do sự sáng tạo của một Vị Trời Tối Thượng, (Gradual Sayings - Tăng Chi, 1.158). Bình phẩm về quan điểm định mệnh này, Ðức Phật nói: "Vậy thì, theo sự sáng tạo của vị Trời Tồi Thượng này, con người sẽ trở thành kẻ giết người, trôm cắp, dâm ô. nói dối, kẻ vu khống, lạm dụng, kẻ bép xép, tham lam, hiểm độc, và quan điểm ngoan cố. Như vậy những người rơi vào sự sáng tạo của một Thượng Ðế là lý do thiết yếu, chẳng cần ham muốn làm gì và cũng chẳng cần thiết làm hành vi này hay tránh hành vi kia.

Nói về những nhà tu khổ hạnh lõa thể theo cách tự hành xác, Ðức Phật nhận xét: "Này các Tỳ Kheo, nếu chứng nghiệm đau khổ hay hạnh phúc là do Thượng Ðế quyết định, chắc chắn những nhà tu khổ hạnh lõa thể này phải do một Thượng Ðế ác độc tạo nên vì họ đang chứng nghiệm những sự đau đớn ghê gớm". (Devadaha Sutta, No 101, Majjihima Nikaya - Trung Bộ, II, 222).

Theo Phật Giáo, những sự bất bình đẳng hiện hữu trong thế giới này là do một phần là do nơi di truyền và môi sinh, và một phần lớn do nguyên nhân hay những nguyên nhân (Nghiệp) không chỉ ngay bây giờ, mà còn ở quá khứ gần hoặc xa. Chính con người chịu trách nhiệm về hạnh phúc và lầm than của mình. Con người tự tạo thiên đường hay địa ngục cho chính mình. Con người là chủ tể định mệnh của mình, kết quả của quá khứ và nguồn gốc của tương lai.

Những Qui Luật Về Trật Tự Vũ Trụ

Mặc dù Phật giáo dạy Nghiệp là nguyên nhân chính của các sự bất bình đẳng trong thế giới nhưng không dạy thuyết định mệnh hay học thuyết tiền định, và cũng không giữ quan niệm cho rằng mọi thứ đều do quá khứ. Luật nguyên nhân mô tả trong triết lý Phật Giáo, là một trong năm trật tự mà chính chúng là luật hành hoạt trong vũ trụ. Chúng là:

1. Utu Niyama, Luật vật lý vô cơ tức hiện tượng về gió mưa của mỗi mùa. Trật tự chính xác về mùa, những thay đổi và biến chuyển theo đặc thù của mùa gây ra gió mưa, tính chất nóng bức vân vân, thuộc nhóm này.

2. Bija Niyama, Luật về mầm và hạt giống (vật lý hữu cơ) như gạo, gạo lấy ra từ thóc, đường từ mía hay mật, đặc tính của một số trái cây vân vân... Thuyết khoa học về tế bào và 'gien' và những cái giống nhau về mặt vật lý thuộc định luật này.

3. Kamma Niyama, luật về kết quả của hành động, như hành động tốt xấu sanh kết quả tương úng tốt xấu. Cũng như nước tự tìm mức độ nông cạn, Nghiệp cho cơ hội, tạo kết quả không tránh được, không phải dưới hình thức thưởng phạt mà là sự liên tục bẩm sinh. Sự liên tục của hành vi và hậu quả tự nhiên và cần thiết như con đường của mặt trăng và các tinh tú.

4. Dhamma Niyama, luật về tiêu chuẩn như hiện tượng thiên nhiên xẩy ra lúc Bồ Tát giáng sanh trong lần sanh cuối cùng. Luật hấp dẫn và những luật thiên nhiên tương đương, lý lẽ cho là tốt vân vân... cũng có thể gồm trong nhóm này.

5. Citta Niyama, luật về tâm hay luật tâm linh như tiến trình của thức, sự phát sanh và mất đi của thức, yếu tố cấu tạo thức, sức mạnh của tâm vân vân..., thần giao cách cảm, hình ảnh do viễn vọng, nhận thức bằng hồi tưởng, linh cảm, nghe được, đọc được tư tưởng, tất cả những hiện tượng tâm linh không thể giải thích được bởi khoa học hiện đại gồm trong điều này. (Abihdhammavatara, Trang 54).

Năm luật trên bao gồm mọi thứ trong thế giới và mọi hiện tượng tinh thần hay vật chất có thể giải thích bằng những luật ấy. Chúng là luật trong chính chúng, không cần ai ban hành và Nghiệp cũng vậy là một trong chúng.

Phân Loại Nghiệp

Nghiệp chia thành bốn loại theo thời gian kết quả nảy sinh. Nghiệp chín mùi cùng đời, chín mùi đời sau, chín mùi trong những lần sanh liên tiếp. Ba loại nghiệp này đi đến sinh kết quả như hạt giống sắp sửa nảy mầm. Nhưng hạt giống nảy mầm phải có một số nguyên nhân phụ thuộc như, đất, mưa vân vân.... Cũng vậy Nghiệp trổ quả cũng cần một số nguyên nhân phụ thuộc như hoàn cảnh, môi trường chung quanh vân vân.... Ðôi khi ngẫu nhiên là vì không có những nguyên nhân phụ thuộc nên Nghiệp không trổ quả. Nghiệp này gọi là "Ahosi-Kamma" hay Nghiệp vô hiệu quả.

Nghiệp cũng được phân loại thành bốn loại theo chức năng đặc biệt của nó. Dẫn Nghiệp là điều kiện của lần sanh tương lai. Hỗ Trợ Nghiệp giúp và duy trì kết quả của Nghiệp đã hiện hữu. Phản ứng Nghiệp, kìm nén hay thay đổi kết quả của Nghiệp tái sanh, và Nghiệp Phá Hoại tiêu diệt nghiệp lực hiện hữu và thay thế bằng hợp lực của chính nó.

Có một cách phân loại theo tầm quan trọng của kết quả. Có Cực Trọng Nghiệp do nghiệp lành hay nghiệp dữ lớn lao phát sinh ngay trong đời này hay đời sau. Về mặt tinh thần của Nghiệp này, tình trạng đạt được tinh thần thanh lọc ở mức độ cao gọi là Ðắc thiền hay Hỷ lạc rất mạnh vì nó mang kết quả nhanh hơn trạng thái tinh thần bình thường không được thanh lọc. Về phía đối lập, có năm loại trọng tội tạo nghiệp dữ lớn lao. Những trọng tội này là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán (bậc thánh) làm thân Phật chảy máu hay tạo ly gián trong Tăng Ðoàn.

Cận Tử Nghiệp là hoạt động mang đến lúc sắp chết về vật chất hay tinh thần - tinh thần bằng việc suy nghĩ đến những hành động xấu tốt trước đây hay có tư tưởng xấu hay tốt. Chính Nghiệp này nếu không phải là nghiệp dữ, quyết định điều kiện cho lần sanh tới.

Tập Quán Nghiệp là hoạt động mà ta làm theo thói quen hàng ngày. Nghiệp này, nếu vắng Cận Tử Nghiệp phát sanh, quyết định lần sanh tới.

Tích Lũy Nghiệp là nghiệp cuối cùng theo thứ tự ưu tiên. Ðó là nghiệp chưa cạn hết của một chúng sanh đặc biệt và nó là điều kiện của lần sanh tới nếu tập quán nghiệp không hành hoạt.

Một cách phân loại Nghiệp nữa theo cảnh giới do kết quả mang đến:

(1) Nghiệp Vô Luân (dữ) mang hậu quả vào cảnh giới lầm than.
(2) Nghiệp Lành mang hậu quả vào dục giới
(3) Nghiệp Lành hậu quả vào sắc giới
(4) Nghiệp Lành hậu quả vào vô sắc giới

Mười Hành Ðộng Vô Luân Và Hậu Quả:-

I. Nghiệp vô luân bắt rễ từ Tham, Sân và Si.

Có mười hành động vô luân - đó là Giết, Trộm Cướp, Tà Dâm, (ba điều này là do thân), Nói Dối, Vu Khống, Nói lời Ðộc Ác, Nói Chuyện Phiếm (bốn điều này là do khẩu). Tham, Ác Ý, và Tà Kiến (Ba điều này là do tâm ý) .

Trong mười điều này, giết có nghĩa là tiêu diệt bất cú một chúng sanh nào kể cả tất cả các loại súc vật. Hành động giết cóù năm điều kiện chính tức là: một chúng sanh, biết là một chúng sanh, có ý giết, cố gắng và kết quả cái chết.

Hậu quả của tội ác giết người là: Chết non, bệnh hoạn, luôn luôn phiền não vì phải xa người thân, luôn luôn sợ hãi.

Hành động trộm cướp gồm có năm điều kiện chính tức: Lấy tài sản của người khác, ý thức được việc này, có ý trộm cướp, có nỗ lực và hậu quả lấy đi. Hậu quả của trộm cướp là: nghèo khổ, bất hạnh, không đạt được ước muốn, và phải sống nhờ vả.

Hành động tà dâm gồm có ba điều kiện chính, tức: có dụng ý vui hưởng mục tiêu đã bị cấm, chiếm đoạt mục tiêu. Tà dâm mang hậu quả: có nhiều kẻ thù, gặp người bạn đường không chung thủy.

Nói dối gồm có bốn trường hợp chính, tức: nói không đúng, dụng ý đánh lừa, có sự cố gắng và nói hai chiều. Hậu quả của nói dối là: bị nhục mạ, bị phỉ báng, không ai tin, và miệng hôi hám.

Hành động vu khống gồm có bốn điều chính, tức: chia rẽ, có dụng ý chia rẽ, có sự cố gắng, và đưa chuyện. Hậu quả của vu khống là bị mất bạn hữu vô cớ.

Hành động nói lời độc ác có bốn điều kiện chính, tức: sỉ nhục người, giận dữ, chửi rủa người. Hậu quả của nói lời độc ác bị người ghét bỏ dù không lỗi, giọng nói thô lỗ.

Hành động nói chuyện phiếm có hai điều kiện chính, tức: hướng về chuyện phiếm vô ích và kể lể. Hậu quả hành động nói chuyện phiếm vô ích là cơ thể bị xáo trộn, nói không ai nghe.

Hành động tham lam gồm hai điều kiện chính: muốn lấy tài sản của người khác, và lòng tham muốn có tài sản ấy, kẻ ấy nói: "tài sản này là phải của tôi". Hậu quả của tham lam là không đạt được ước muốn.

Hành động ác ý gồm hai điều kiên chính, tức: một chúng sanh khác và có ý làm hại chúng sanh đó. Hậu quả của ác ý là xấu xí, bệnh tật và bản tính đáng ghét.

Tà kiến có nghĩa là nhìn sự vật ai, không biết chúng thật sự đúng như thế nào. Tà kiến gồm hai điều kiện chính là cách đối xử sai lầm trong quan điểm với đối tượng, hiểu lầm đối tượng ấy theo quan điểm đó. Hậu quả của tà kiến là: luyến chấp, thiếu trí tuệ, trí khôn thấp kém, bệnh tật kinh niên và tư tưởng đáng trách. (Expositor, Pt. 1.p. 128)

II. Nghiệp Lành Mang Hậu Quả Ở Dục Giới.

Có mười hành động tinh thần - đó là, độ lượng, giới, thiền, kính trọng, phục vụ, hồi hướng công đức, hoan hỉ công đức của người khác, nghe pháp, giảng pháp, và thiết lập quan điểm đứng đắn.

"Ðộ lượng" mang của cải. "Giới" khiến người ta được sinh trong một gia đình quý phái hạnh phúc. "Thiền" giúp sanh sinh vào cõi sắc hay vô sắc và giúp đạt kiến thức cao và giải thoát.

Kính trọng người, ta được người kính trọng lại. Phục vụ người khác, ta được người khác phục vụ lại. "Hồi hướng công đức giúp ta có nhiều của cải để cho trong kiếp sau. "Hoan hỉ công đức của người khác" tạo niềm vui tại bất cứ nơi đâu ta sinh ra. Nghe pháp và giảng pháp dẫn đến trí tuệ.

III. Nghiệp Lành Mang Hậu Quả Ở Sắc Giới.

Có năm loại hoàn toàn về tinh thần mang lại trong tiến trình hành thiền, tức:

(1) Trạng thái thứ nhất của Ðắc Thiền hay Hỷ Lạc có năm thành phần cấu tạo: sơ thiền, nhị thiền, trạng thái say mê, sung sướng, gom tâm vào một điểm.
(2) Trạng thái thứ hai của Ðắc Thiền xẩy ra cùng lúc với nhị thiền được chấp nhận, trạng thái say mê, sung sướng, gom tâm vào một điểm.
(3) Trạng thái thứ ba của Ðắc Thiền xẩy ra cùng lúc với trạng thái sây mê, sung sướng và gom tâm vào một điểm.
(4) Trạng thái thứ tư xẩy ra cùng một lúc với sung sướng và gom tâm vào một điểm.
(5) Trạng thái thứ năm của Ðắc Thiền cùng với sự thanh thản và gom tâm vào một điểm.

IV. Nghiệp Lành Mang Hậu Quả Ở Vô Sắc Giới.

Có bốn loại hoàn toàn tinh thần thực hiện trong tiến trình thiền, tức:

(1) Không vô biên xứ (thần thức ở trong sự vô tận của không gian)
(2) Thức vô biên xứ (Thần thức ở trong sự vô tận của ý thức)
(3) Vô sở hữu xứ (thần thức ở tình trạng không tồn tại).
(4) Phi tưởng Phi phi tưởng xứ (Thần thức ở nơi mà tri giác cực vi tế đến nỗi không thể nói có hay không)

Tự Do Ý Chí

Nghiệp như đã nói ở trên, không phải là số phận, không phải là một định mệnh không thể thay đổi được. Nó cũng chẳng phải là buộc ta phải gặt hái tất cả những gì ta đã gieo cho cân xứng. Những hành động của Nghiệp không phải là tuyệt đối không thay đổi được và chỉ có một số ít thôi. Thí dụ, bắn một viên đạn qua nòng súng, ta không thể gọi viên đạn quay về hay làm lệch mục tiêu của nó. Nhưng thay vì viên đạn chì hay viên đạn thép bắn qua không khí mà là một quả bóng bằng ngà voi bắn vào một thảm xanh bằng phẳng ta có thể dùng cây gậy chơi bi da để di chuyển quả bóng, và sau đó ta có thể chọc đàng sau nó, và với nhanh nhẹn và không chọc quá mạnh, ta có thể chạy vòng sang phía kia bàn bi da, chọc theo hướng ngược lại làm cho nó chạy thẳng đúng hướng và ngừng lại ở một chỗ. Với hành động sau bằng cái gậy bi da, ta thay đổi, hay trong trường hợp thuận lợi, ta có thể hoàn toàn làm mất tác dụng hành động trước đây. Cũng giống như vậy, Nghiệp hành hoạt trong dòng suối mênh mông của đời người. Cũng vậy, một hành động của Nghiệp ở ngày hôm sau có thể thay đổi hậu quả của nghiệp ở ngày hôm trước. Nếu không vậy, làm sao một người có thể thoát khỏi tất cả các Nghiệp? Nghị lực tự nơi minh tiếp tục sẽ vĩnh viễn không bao giờ chấm dứt.

Cho nên, con người có tự do ý chí, và có khả năng uốn nắn đời sống mình hay thay đổi những hành động. Cả đến một người tội lỗi nhất nhưng với thiện chí và cố gắng có thể trở thành một người đạo đức nhất. Ta có thể bất cứ lúc nào thay đổi thành tốt hơn hay xấu hơn. Mọi sự trên thế giới kể cả chính con người cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh nếu không có hoàn cảnh không có gì có thể phát sanh hay tiến tới hiện hữu. Cho nên con người có một số tự do ý chí tuy không hẳn là tuyệt đối tự do ý chí. Theo triết lý Phật Giáo, mọi thứ, tinh thần hay vật chất, phát sanh theo định luật và hoàn cảnh. Nếu không như vậy, sự hỗn loạn và sự ngẫu nhiên ngự trị. Tuy nhiên việc như vậy không thể được, và nếu không, tất cả những định luật thiên nhiên mà khoa học hiện đại khám phá ra đều bất lực.

Sự thật, bản chất thực về hành động Nghiệp của con người là tinh thần. Khi một tư tưởng hiện lên trong tâm của một con người nhiều lần, có một khuynh hướng nhất định trở lại tư tưởng đó.

Khi một hành động được thực hiện nhiều lần, có khuynh hướng nhất định tái diễn hành động ấy. Cho nên, mỗi hành động, tinh thần hay vật chất, có khuynh hướng luôn luôn nảy sanh giống như vậy, và quay trở lại phát sanh. Nếu một người có tư tưởng tốt, nói lời lương hảo, hành vi tốt, hậu quả tác động đến người đó sẽ tăng khuynh hướng lòng tốt nơi người đó, làm người đó trở thành một người tốt hơn. Nếu trái lại, người đó có hành vi xấu trong tư tưởng, lời nói hay hành động, người đó sẽ tự củng cố khuynh hướng xấu, chính người đó đã tự mình làm mình trở nên người xấu hơn. Ðã trở thành một người xấu, người ấy sẽ hướng về làm bạn với các người xấu trong tương lai, và phải chịu tất cả mọi loại bất hạnh của đời sống đối với hạng người như vậy. Trái lại, phần chính của đặc tính càng tiếp tục lớn mạnh tốt hơn, đương nhiên thu hút làm bạn vào nhóm người tốt, vui hưởng lạc thú, tiện nghi, không bị những chuyện bất ngờ, đôt ngột trong cuộc sống con người bao hàm trong xã hội.

Trong trường hợp với người có văn hóa, cả đến những tội lỗi lớn cũng có thể được giảm thiểu, trong khi với người không văn hóa tội ít cũng phát sanh hậu quả lớn đến múc tối đa tuy theo hoàn cảnh thuận hay không thuận lợi.

Những Bài Học Dạy Bởi Nghiệp

Càng hiểu nhiều về Nghiệp luật, ta càng thấy phải cẩn thận như thế nào trong mọi hành động, lời nói, tư tưởng, và trách nhiệm như thế nào đối với người đồng chủng. Sống trong ánh sáng của kiến thức này, chúng ta học được một số bài học từ học thuyết về Nghiệp.

1. Kiên Nhẫn

Biết Nghiệp luật giúp đỡ ta rất nhiều, nếu chúng ta sống theo luật, không điều hại gì đến với chúng ta nếu chúng ta làm theo luật, phước lành đến với chúng ta đúng lúc, chúng ta học được bài học to lớn về kiên nhẫn, không phải để bị kích động mà là cái không kiên nhẫn ấy kìm hãm tiến bộ. Trong khi đau khổ, chúng ta biết chúng ta phải trả nợ, chúng ta biết, nếu khôn ngoan chúng ta không tạo thêm đau khổ cho tương lai. Trong khi hoan hỉ, chúng ta cảm ơn những điều thú vị, và học hỏi, nếu chúng ta khôn ngoan, chúng ta càng tốt hơn nữa. Kiên nhẫn đem hòa bình, thành công hạnh phúc và yên ổn.

2. Tin Tưởng

Luật đúng, toàn hảo, thì một người hiểu biết không thể bị khó chịu về luật ấy. Nếu chúng ta khó chịu và không có tin tưởng, nó chứng tỏ rõ ràng chúng ta không nắm vững sự thật của luật. Chúng ta thực sự an ổn dưới đôi cánh của luật, không có gì phải sợ hãi trong tất cả vũ trụ rộng lớn này ngoại trừ những hành vi lầm lẫn của chính mình. Luật làm con người đứng vững trên đôi chân và tăng lòng tự tin. Tin tưởng tăng sức mạnh, chứ không nhận chìm hòa bình, và hạnh phúc của chúng ta, làm chúng ta thoải mái, can đảm dù đi đến đâu Luật cũng là người bảo vệ chúng ta.

3. Tự Tin

Vì quá khứ làm chúng ta thành ngày nay, cho nên bởi những gì chúng ta làm bây giờ sẽ quyết định tương lai. Hiểu được sự việc này, vinh quang ở tương lai vô tận, cho chúng ta lòng tự tin, và không còn khuynh hướng kêu gọi sự giúp đỡ ở bên ngoài, mà thực ra chẳng có sự giúp đỡ nào cả, Ðức Phật dạy: "Thanh tịnh hay không thanh tịnh do nơi chúng ta, không ai có thể thanh tịnh hóa người khác được"

4. Kiềm Chế

Ðương nhiên, nếu chúng ta nhận thức được tội lổi sẽ trở về làm chúng ta đau khổ, chúng ta phải hết sức thận trọng về việc làm, nói năng và nghĩ ngợi, điều gì không tốt không thanh tịnh và không đúng. Kiến thức về Nghiệp sẽ giữ chúng ta không làm điều sai trái vì lợi ích cho người khác cũng như cho chính mình.

5. Sức Mạnh

Càng lấy học thuyết về nghiệp làm một phần của đời sống, chúng ta càng có sức mạnh, không những chỉ đường tương lai, mà còn giúp đỡ người đồng chủng hữu hiệu hơn. Thực hành Nghiệp Lành, khi phát triển đầy đủ, chúng ta có thể vượt qua tội lỗi và giới hạn, phá vỡ tất cả gông cùm trói buộc không cho chúng ta đạt mục tiêu, Niết Bàn.

9

NHỮNG CÔNG NĂNG VĨ ÐẠI CỦA PHÁP

Tiến Sĩ K.Sri. Dhammananda

Lời Phật dạy thường được gọi là Pháp (Dhamma hay Dharma). Lời dạy này chẳng phải là một khám phá hay một ức đoán truyền thuyết với sự quanh co thần học. Ðó là Chân Lý lan tràn trong Vũ trụ, là sự khám phá duy nhất của một đại đạo sư giác ngộ. Tuy nhiên, Phật giáo là thuật ngữ hiện được dùng cho Pháp và được đặt tên sau khi khám phá ra. Ðức Phật Cồ Ðàm, nhận thức ra Chân Lý và phổ biến chân lý này cho thế giới. Chắc chắn có sự khó khăn cho một người bình thường thấu triệt được đúng vì tâm ý họ còn bị vẩn đục bởi ảo tưởng.

Có nhiều công năng trong Pháp khiến Pháp tuyệt vời và toàn bích trong ý nghĩa cao cấp nhất của thuật ngữ này. Tuy nhiên có ba khía cạnh về Pháp cần được ghi nhận. Khía cạnh thứ nhất là lý thuyết phải được học trong sự thanh tịnh ban sơ. Khía cạnh thứ hai là sụ áp dụng thành thực, sự thực hành lời giáo huấn, sống theo lời dạy của Ðức Phật bằng cách tránh tất cả tội lỗi, làm điều thiện và thanh tịnh tâm ý. Khía cạnh thứ ba là phát triển trí tuệ, đạt được sự hiểu biết hoàn toàn về sự thực của những hiện tượng.

Trong số nhiều các công năng, sáu đặc tính nổi bật ghi trong các bản văn có căn cứ đích xác. Những Pháp Ðức Hạnh này được tụng trong các khóa tụng niệm hàng ngày của người Phật Tử. Kệ bình dân bằng tiếng Pali giải thích những Pháp đức hạnh ấy như sau:

Svakkhata Bhagavata Dhammo, Sanditthiko, Akaliko, Ehipassiko, Opanayiko and Paccatam Vedittabo Vinnuhi.

Chi tiết về những đặc diểm nổi bật này được miêu tả và giải thích như sau:

1. Svakkhato Bhagavata Dhammo

Thuật ngữ này có nghĩa là Pháp được khám phá ra và công bố bởi Ðức Thế Tôn. Pháp này được coi như công năng chung của tất cả ba khía cạnh Giáo Lý, gọi là lý thuyết, sự tu tập chân thành và thấu triệt hoàn toàn trong khi phần từ ngữ còn lại liên quan với siêu trần (lokuttara) gồm có tám giai đoạn đạt thánh quả và Niết Bàn - coi như cứu cánh tuyệt đối của Phật Giáo.

Pháp được giải thích cặn kẽ bởi Giáo Chủ. Phần đầu xuất sắc, phần giữa xuất sắc và phấn cuối cũng xuất sắc. Không có mâu thuẫn, không có sự tự ý thêm vào và cũng không chệch hướng. Cũng như mỗi giọt nước trong biển cả chỉ có một vị, vị của muối mặn, Pháp chỉ có một, chỉ có một vị bất cứ lúc nào, vị hạnh phúc Niết Bàn. Pháp chân thật cả chữ lẫn ý. Môn học về Pháp bắt đầu với Giới (Sila) tức hạnh kiểm tốt, với Ðịnh (Samadhi), ý thức của tâm thanh thản, và với Huệ hay Trí Huệ (Panna) phát sanh sau khi đạt được Ðịnh.

Muốn đạt kiến thức về Pháp phải bắt đầu với việc nghiên cứu Pháp bằng cách nghe những bài thuyết trình thông thái giải thích cặn kẽ sự phức tạp của nó và hiểu thấu phương pháp để áp dụng vào thực tiễn. Do sự tu tập kiên trì, ta có thể loại bỏ những ô trược tinh thần đưa đến kết quả tâm trở nên thanh thản, bình tĩnh và hạnh phúc. Hoàn tất được trạng thái tinh thần như vậy sẽ dọn đường cho việc đạt được kiến thức cao hơn gọi là tuệ giác hay tuệ minh sát (Vipassana). Kiến thức nội tâm này khi phát triển vững vàng tức đạt vinh quang hoàn hảo của sự chứng đắc rực rỡ, điều có thể đạt được ngay trong hiện đời.

Lời giải nghĩa của Ðức Phật về chúng sanh và thế giới tạo thành kiểu mới nhất về tư tưởng con người. Căn cứ vào sự khám phá trên căn bản sự hiểu biết hữu lý, không dính dấp gì đến truyền thuyết thời đại, Ðức Phật đi sâu vào cốt tủy Pháp và xuất hiện với sự khám phá về sự hiểu biết nằm dưới tất cả sự hiện hữu có thể nhận thức bằng giác quan. Không độc tài hay độc quyền, Ngài tuyên bố Pháp- giáo lý thay thế cho tất cả giáo lý khác.

Pháp không liên quan gì tới bất cứ cái gì gọi là thần thông tối thượng, nhưng được trình bày bởi Ðức Phật trên cơ sở cá nhân, tức người này đến người kia cho phép hành giả nhận định và suy ngẫm cho chính mình những phương cách để đạt giải thoát không cần tìm đến sự giúp đỡ bên ngoài. Pháp có trên hoàn vũ, và là một lợi ích sống còn cho nhân loại tở bất cứ nơi nào trên thế giới vào bất cứ lúc nào.

Thật ý nghĩa Ngài đưa ra sự giải thích hữu lý và khoa học riêng của Ngài về tất cả những ngôn ngữ triết lý trước khi chúng được đem sử dụng trong giáo lý của Ngài về Pháp. Chẳng hạn trước Ðức Phật, Nghiệp chỉ có nghĩa là hành động, nhưng nay có nghĩa mới là ý muốn đằng sau hành động.

Pháp cao thượng không ngừng tố cáo sự bất công như chế độ đẳng cấp khắc nghiệt, nô lệ và kỳ thị thân phận thấp hèn về phụ nữõ. Ðức Phật chẳng bao giờ là nhà độc tài mà là vị Ðạo Sư dân chủ.

Bắt đầu với Ba nơi Nương Tựa (Tirana), và cuối cùng dẫn đến việc đạt được hạnh phúc Niết Bàn, tín đồ của Ðức Phật thấy mình hết sức an ổn dưới sự hướng dẫn và che chở của Pháp đuợc tuyên bố là - Savakkhato.

2. Sanditthiko

Sanditthiko đem ý nghĩa là nếu Pháp được nghiên cứu kỹ, và mang ra thực hành chân thành, kết quả lợi ích sẽ nhìn thấy ngay tại chỗ và ngay tức khắc. Chẳng hạn, ngay cả một người ác, có thể là một tai họa thực sự cho chính hắn và xã hội, tìm nương tựa nơi Ðúc Phật và Pháp, và bắt đầu một cuộc sống mới, tất cả những khó khăn và lầm than sẽ chấm dứt. Như đã được chứng minh bằng cuộc đời Hoằng Ðế A Dục Vương (Asoka), sau khi đi theo Phật Giáo, ông đã thay đổi từ một người cầm quyền độc ác gọi là Candasoka thành một người chánh đáng Dhammasoka.

3. Akaliko

Akaliko ngụ ý hậu quả lợi lạc từ việc tu tập Pháp không bị chậm trễ. Pháp, mặc dù khoảng thời gian dài từ khi được tuyên bố đã trôi qua, vẫn như mới và không hề hấn gì. Pháp tiếp tục tồn tại song song với tư tưởng khoa học mới nhất. Nếu có chân lý, chân lý ấy không bao giờ lỗi thời. Pháp là Chân Lý ấy không bao giờ già nua theo thời đại vì nó miêu tả sự thật nằm dưới tất cả hiện tượng hiện hữu trong luân hồi. Tóm lại, Pháp nói rằng thế gian là bất toại nguyện và chính cái tham này là nguyên nhân không tránh được về tình trạng các biến cố hiên nay. Biện pháp cứu chữa sự bất mãn này là loại bỏ lòng tham qua sự tu tập tám yếu tố khéo léo gọi là Bát chánh Ðạo.

4. Ehipassiko

Ehipassiko là công khai mời tất cả mọi người đến xem, điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng Pháp, và nếu cần phê bình trước khi chấp nhận vì không có điều gì là hoang đường hay huyền bí cả. Pháp trong sạch và trong suốt như pha lê. Nó nguyên chất như vàng thoi. Chính Ðức Phật đã tuyên bố: "Ðừng chấp nhận điều gì tôi nói, chỉ vì kính trọng tôi mà chấp nhận là không nên. Cũng như vàng nguyên chất chỉ biết chắc khi đem thử lửa hay mài rũa bằng đá mài, giống như vậy, Pháp chỉ nên chấp nhận sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng." Sự khẳng định không hề sợ sệt này cho phép nghiên cứu kỹ càng giáo lý chứng tỏ sự vĩ đại của Ðức Phật, và chân lý vững chắc của Giáo Pháp tuyệt vời.

5. Opanayiko

Opanayiko có nghĩa là tất cả những ai trung thành với Giáo Pháp, sẽ bước vào con đường dẫn đến hòa bình và hạnh phúc trường cửu. Pháp cho biết có bốn tầng thánh quả đạt được bằng cách phát triển theo thứ tự lớp lang. Pháp dẫn môn đồ từ tầng này đến tầng kia cho đến khi giải thoát hết tất cả những ràng buộc và gông cùm của cuộc sống.

6. Paccattam Veditabbo Vinnuhi

Nhóm từ trên ngụ ý Pháp được lĩnh hội bởi người trí. Không ai có thể thâm nhập Pháp thay thế cho người khác, giống như không ai có thể làm cho người khác hết khát trừ khi chính người khát phải uống nước. Quan sát thấy có hai khía cạnh có ý nghĩa trong thuật ngữ này: thứ nhất, đạt giác ngộ có tính cách cá nhân, thứ nhì, Giáo Pháp chỉ có thể thấu triệt bởi người trí.

Ðức Phật không phải là vị cứu thế mà là vị thầy - Người thầy chỉ con đường cho người khác theo. Phần còn lại là do cá nhân liên hệ phải giữ giới. Giữ Giới (Sila), tu tập Thiền Ðịnh (Samadhi), tập trung tư tưởng và sau đó phát triển huệ (Panna), trí tuệ trực giác giúp cho cá nhân thành công trong việc giải thoát bằng nỗ lực của chính mình.



10

ÐƯỜNG ÐẾN HẠNH PHÚC TỐI THƯỢNG

Tổng hợp từ nhiều tài liệu

Tất cả mọi người đều muốn được sung sướng. Tất cả mọi người đi tìm hạnh phúc. Con người tìm hạnh phúc hết thời đại này đến thời đại khác nhưng chẳng bao giờ tìm thấy trong đường lối đã được tìm kiếm bằng cách thích nghi những điều kiện của thế giới bên ngoài và không lưu ý gì đến thế giới bên trong của tâm. Lịch sử thế giới chứng minh điều đó. Cải cách xã hội, cải tổ kinh tế, sửa đổi luật pháp, canh tân chính trị, tuy có ý tốtá và tính toán kỹ nhưng chưa bao giờ mang được hạnh phúc hoàn toàn và thực sự cho con người. Tại sao?

Khi một mớ hoàn cảnh bất toại nguyện này được loại bỏ, một bất toại nguyện khác lại xuất hiện, và khi bất toại nguyện này được loại bỏ thì một bất toại nguyện khác lại hiện ra. Cái xuất hiện và tái xuất hiện, cái phát sanh rồi lại tàn đi là cốt lõi của tất cả sự vật và hoàn cảnh thế gian. Không bao giờ có thể có được việc sản xuất hàng loạt hạnh phúc thực sự. Ðó là một điều gì riêng tư và cá nhân. Ðiều đó đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Ðiều đó cũng không phải là vì thế giới bên ngoài mà ta đi tìm kiếm hạnh phúc mà là thế giới bên trong của tâm.

Khoa học hiện đại tuyên bố không có gì trong vũ trụ này tĩnh lặng. Mọi thứ đều năng động, mọi thứ đều chuyển động. Không có gì đứng nguyên một chỗ. Chúng ta hoặc tiến lên hoặc lùi xuống. Chúng ta hoặc trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn hoặc tiến về hướng tội lỗi và tích lũy phiền não. Muốn được hạnh phúc thì phải vượt qua phiền não. Muốn thắng lướt phiền não, Ðức Phật chỉ cho nhân loại con đường dẫn đến loại bỏ phiền não.

Con đường tới hạnh phúc là Ðường Bát Chánh Ðạo cao quý. Con đường này dược ai đó đặt chân vào trước khi ta có thể gọi là Con Ðường Bát Chánh Ðạo. Trong từ "Ðạo" (Ðường) vốn được nghĩ người nào đó đã giẫm bước vào trước đây.

Con Ðường không thể đột nhiên hiện hữu. Người nào đó phải trước tiên cắt rừng, làm cho quang đãng rồi mới bước đi được. Tương tự như vậy, Bát Chánh Ðạo cao quý đã được đặt bước trước đó bởi nhiều Ðức Phật và các bậc A La Hán. Ðức Phật đã khám phá ra con đường này nhưng không tạo ra nó, vì nó đã hiện hữu từ quá khứ xa xăm. Ðương nhiên đó là một con đường cổ (Parana Magga).

Bát Chánh Ðạo cao quý là Con Ðường phải bước vào. Ðường này là một điều thực tiễn thiết yếu. Muốn biết và chứng nghiệm chân lý này, ta phải giẫm bước vào con đường đó. Con đường này chứa đựng một sự tập hợp thận trọng và khôn ngoan tất cả những điều kiện quan trọng tất yếu cho việc phát triển tinh thần của con người. Bát Chánh Ðạo được phân chia thành ba nhóm: Giới (Sila: hạnh kiểm, đạo đức), Ðịnh (Samadhi: kỷ luật tinh thần), và Huệ (Panna: trí tuệ). Con đường này duy nhất với Phật Giáo, và khác biệt hẳn với tất cả tôn giáo và triết lý khác. Ðó là tiêu chuẩn về tinh thần và hạnh kiểm dẫn đến chấm dứt khổ đau, phiền não, và thất vọng để kiện toàn hòa bình, Niết Bàn.

Tám yếu tố của Bát Chánh Ðạo là:

HUỆ:

1. Chánh Kiến
2. Chánh Tư Duy

GIỚI:

3. Chánh Ngữ
4. Chánh Nghiệp
5. Chánh Mạng

ÐỊNH:

6. Chánh Tinh Tấn
7. Chánh Niệm
8. Chánh Ðịnh

Nhắc đến con Ðường này, trong bài thuyết giảng đầu tiên, Ðức Phật gọi con đường này là Trung Ðạo (Majjihima patipada), vì nó tránh hai cực đoan. Quá say mê lạc thú nhục dục trần tục thấp hèn dẫn đến tai hại là một cực đoan, tự hành xác dưới hình thức tu khổ hạnh làm cho đau đớn, thấp hèn dẫn đến tai hại là một cực đoan.

Ta phải nhớ rằng 'con đường' chỉ là cách diễn đạt bóng bẩy. Theo quy ước chúng ta nói về đi trên con đường, trong nghĩa ý nghĩa tột cùng, tám bước có nghĩa tám yếu tố tinh thần. Chúng phụ thuộc và liên quan lẫn nhau và ở mức độ cao nhất, chúng hành hoạt đồng thời, chúng không hoạt động lần lượt theo số thứ tự. Ngay cả ở mức độ thấp, mỗi yếu tố có đượm vẻ chánh kiến ở một mức độ nào đó, vì đó là ý chủ đạo của Phật Giáo.

Với lời nói mạnh mẽ, Ðức Phật đã cảnh cáo tín đồ không được chỉ chú ý vào sách vở như sau:

- Dù tụng nhiều kinh, mà không hành động phù hợp, con người vô ý này giống như người chăn bò đếm trâu bò không phải của mình (không có được sản phẩm về bò). Người đó không có phần thành quả của một người tĩnh lặng.

- Dù tụng kinh ít, nhưng hành động đúng theo giáo lý, bỏ tham, sân si, có chánh kiến, tâm người đó hoàn toàn giải thoát, không vương mắc điều gì ngay bây giờ và sau này, người đó có phần thành quả của người tĩnh lặng. (Kinh Pháp Cú)

Sự đạt được mục tiêu cuối cùng của Phật Giáo (Niết Bàn) không đòi hỏi sự tinh thông triết lý sâu xa và thâm thúy của Phật Giáo. Ðiều đòi hỏi là sự phát triển không ngưng tâm ý qua quá trình đạo đức và thiền định. Ðúc Phật tuyên bố: "Giữ giới và rèn luyện tâm ý, ta chứng nghiệm kiến thức dẫn đến giải thoát".

Giới

Vậy thì, giới, căn cứ trên tình thương yêu và lòng từ bi, gồm có ba yếu tố của Bát Chánh Ðạo. Ðó là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp vá Chánh Mạng.

Ðức Phật dẫn giải giáo lý của Ngài vì lợi ich cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh xuất phát từ lòng từ bi cho thế giới.

Giới, giai đoạn tiên khởi của Bát Chánh Ðạo, căn cứ vào lòng từ ái này. Tại sao ta nên kìm hãm, không hãm hại và cướp bóc người khác? Phải chăng vì thương chính mình và người khác? Tại sao ta nên cứu trợ kẻ nghèo kẻ thiếu thốn và những người trong nguy khốn? Phải chăng vì lòng từ bi với họ?

Tránh tội lỗi và làm điều thiện là chức năng của giới, chuẩn tắc hạnh kiểm đạo đức dạy trong Phật Giáo. Chức năng này không bao giờ làm mất giá trị lòng từ ái. Giới bao gồm những đức tính của tâm như thương yêu, nhũn nhặn, khoan dung, hiếu thảo, nhân từ, và vui vẻ với sự thành công của người khác.

Theo Phật Giáo một người hoàn hảo phải phát triển hai đức tính bằng nhau: một mặt từ bi và một mặt trí tuệ. Nơi đây từ bi tượng trưng bằng tình thương yêu, nhân từ, tử tế, khoan dung, và những đức tính cao quý như vậy về mặt cảm xúc hay những đức tính của con tim, trong khi trí tuệ đứng về mặt trí thức hay đức tính của tâm ý. Nếu một người chỉ phát triển mặt cảm xúc và không lưu ý đến phần trí thức, có thể trở nên một người ngốc tốt bụng; trong khi chỉ phát triển mặt trí thức, không lưu ý mặt cảm xúc, có thể trở thành một người tri thức nhẫn tâm không có sự thông cảm với người khác. Cho nên muốn hoàn toàn, ta phải phát triển đồng đều cả hai.

Chánh Ngữ có nghĩa không:

* nói dối,
* nói xấu, vu khống và nói năng có thể mang sân hận, thù oán, chia rẽ và bất hòa giữa cá nhân hay nhóm người.
* nói lời cục cằn, thô lỗ, không lễ độ, hiểm độc và những lời sỉ nhục, và
* chuyện phiếm, chuyện bép xép vô ích và dại dột, ngồi lê dôi mách. Khi ta gìn giữ không nói những lời sai trái và có hại như vậy, đương nhiên ta nói điều chân thật, dùng những lời nói thân hữu và nhân đức, vui vẻ và lịch sự, có ý nghĩa và ích lợi. Ta không nên nói bừa bãi: lời nói phải đúng lúc và đúng chỗ. Nếu không nói được điều ích lợi, ta nên giữ im lặng cao thượng.

Chánh Nghiệp là gìn giữ không:

* giết,
* trộm cắp, và
* tà dâm, nên trau dồi từ bi, chỉ lấy khi được cho, và sống thanh tịnh và trong sạch.

Chánh Mạng là bỏ lối sống sai trái mang tai hại và khổ đau cho người khác: Buôn lậu

* súng ống và vũ khí gây chết người,
* súc vật để giết thịt,
* người (tức mua bán nô lệ lan tràn trong thời Ðức Phật)
* các thứ nước uống có chất say; và
* thuốc độc

và nên sống bằng nghề nghiệp không ai chê trách, không làm hại mình, hại người.

Ta có thể nhìn thấy rõ ràng nơi đây Phật Giáo chống lại mạnh mẽ bất cứ hính thức chiến tranh nào, buôn bán súng ống và vũ khí giết người là một tội lỗi và là phương cách kiếm sống bất chính.

Nên hiểu rằng đạo đức và hạnh kiểm luân lý (Giới) của Phật Giáo nhằm vào vận động một đời sống hạnh phúc và hài hòa cho cá nhân và xã hội. Giới được coi như nền tảng cần thiết cho tất cả đạt quả vị tinh thần cao hơn. Tinh thần không thể phát triển được nếu không có luân lý căn bản ấy. Những nguyên tắc luân lý này mục đích làm xã hội an ninh bằng cách vận động đoàn kết, hòa hợp, sự quan hệ đứng đắn giữa người dân.

Trong Phật Giáo, đạo đức chưa phải là mục đích. Nó chỉ là một phương tiện để đi đến mục đích. Hạnh kiểm toàn hảo tách ra khỏi mục đích, không tiến về mục đích mong muốn, có rất ít ý nghĩa từ quan điểm của người Phật Tử. Không chỉ tội lỗi mà điều thiện cũng phải được siêu việt. Cả đến giáo lý của Ngài phải siêu việt. Ðức Phật so sánh giáo pháp của Ngài với một cái bè sử dụng bởi chúng ta Nissaranatthaya tức chỉ với mục đích vượt qua sông, và Nagahanatthaya - tức không phải giữ bè lại. Khi chúng ta sang được bờ bên kia, chúng ta không cần phải mang theo cái bè ấy nữa. Bè đó phải được bỏ lại.

Kỷ Luật Tinh Thần

Tiếp theo là kỷ luật tinh thần gồm có ba yếu tố trong Bát Chánh Ðạo là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh.

Chánh Tinh Tấn là sự nỗ lực kiên trì:

* để ngăn chặn các tư tưởng tội lỗi và bất thiện chưa phát sanh,
* loại bỏ những tư tưởng tội lỗi đã phát sanh,
* làm cho phát sanh và phát triển tư tưởng thiện chưa phát sanh, và
* đẩy mạnh, củng cố tư tưởng thiện đã phát sanh.

Cho nên chức năng của Chánh Tinh Tấn là thận trọng, kiểm soát tất cả những tư tưởng không lành mạnh, trau dồi, thúc đẩy và duy trì tư tưởng thiện và trong sạch phát sanh trong tâm con người.

Người khôn ngoan làm chủ lời nói và hành động nhờ Giới (sila) gắng sức nghiên cứu kỹ lưỡng tư tưởng và các yếu tố tinh thần của mình, và tránh làm rối tư tưởng.

Chánh Niệm là luôn tỉnh thức, chú ý và lưu tâm đến:

* những hoạt động của thân (kaya),
* cảm giác hay cảm nghĩ (vedana),
* những hoạt động của tâm (citta), và
* ý kiến, tư tưởng, quan niệm và pháp (dhamma)

Tu tập về tập trung hơi thở (anapanasati) là một trong những phương pháp rèn luyện có quan hệ với thân để phát triển tinh thần. Có một vài phương cách khác để phát triển sự chú ý liên quan đến thân - những phương pháp về thiền.

Về cảm giác và cảm nghĩ, ta nên tỉnh thức với tất cả các dạng cảm giác và cảm nghĩ, hài lòng, không hài lòng và cảm giác không rõ rệt, chúng phát sinh và biến đi trong ta như thế nào.

Về hoạt động của tâm, ta nên tỉnh thức xem có phải tâm ta có đầy dục vọng hay không, có sân hận hay không, có lừa dối hay không, có xao lãng hay tập trung vân vân.. Theo cách đó, chúng ta nên giác tỉnh xem tất cả những hoạt động của tâm xuất hiện và biến đi như thế nào.

Về ý kiến, tư tưởng, quan niệm và pháp, ta nên biết bản chất của chúng, chúng xuất hiện và biến đi ra sao, phát triển ra sao, bị đè nén và tiêu diệt ra sao vân vân.

Ðiều thứ ba và là yếu tố cuối cùng của Kỷ Luật tinh thần là Chánh Ðịnh dẫn đến bốn giai đoạn của Thiền, thường được gọi là nhập định. Ở tầng thứ nhất, những ham muốn say mê, và một số tư tưởng bất thiện như dâm dục, ác ý, bạc nhược, lo lắng, bồn chồn, và nghi ngờ bị loại bỏ, và cảm nghĩ vui và hạnh phúc được duy trì với một số hoạt động tinh thần. Ở tầng thứ hai, tất cả những hoạt động tinh thần bị loại bỏ, tĩnh lặng và nhất điểm tâm phát triển, và cảm nghĩ hỉ lạc, hạnh phúc vẫn còn. Ở tầng thứ ba, cảm nghĩ hỷ lạc, là một cảm giác tích cực, cũng biến đi, trong khi khuynh hướng hỷ lạc vẫn còn thêm vào sự thanh thản trong tâm. Ở tầng thứ tư, tất cả những cảm giác, cả dến hạnh phúc hay không hạnh phúc, vui và phiền não, biến đi, và chỉ còn lại sự tĩnh lặng thanh tịnh và tỉnh thức còn lại.

Cho nên tâm được huấn luyện, rèn luyện và phát triển nhờ Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh.

Huệ

Hai yếu tố còn lại là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thuộc về Huệ.

Chánh Tư Duy gồm tư tưởng bao hàm các ý nghĩ về từ bỏ trần tục, thiện chí, từ bi hay không làm hại. Những tư tưởng này phải được trau dồi và mở rộng tới tất cả các chúng sanh không phân biệt giống nòi, đẳng cấp xã hội, bè này phái kia. Vì chúng bao gồm tất cả những điều cần thiết nên không có giới hạn. Những tư tưởng cao quý như vậy không thể có được nơi một người vị kỷ, chỉ biết mình.

Một người có thể là thông minh, uyên bác, và học rộng, nhưng thiếu tư tưởng chính đáng, theo như giáo lý của Ðức Phật, người đó là người ngốc nghếch (bala) không phải là một người hiểu biết chính đáng và tuệ giác. Nếu nhìn sự vật với nhận thức vô cảm, chúng ta sẽ hiểu rằng ham muốn vị kỷ, sân hận và bạo lực không thể đi đôi với Trí Huệ thực sự. Chánh Kiến và Huệ (Trí Huệ) bao giờ cũng thấm nhuần với tư tưởng chính đáng, không bao giờ làm mất chúng.

Chánh Kiến là hiểu biết sự vật chúng đúng là như thế, Tứ Diệu Ðế giải thích sự vật chúng đúng như thế nào. Cho nên Chánh Kiến chủ yếu là hiểu rõ Tứ Diệu Ðế. Sự hiểu biết này là trí tuệ cao cả nhất nhìn thấy Sự Thật Tối hậu.

Theo Phật Giáo có hai loại hiểu biết: Cái mà ta thường gọi hiểu biết là kiến thức về một sự tích lũy của trí nhớ, một sự tóm thâu trí thức của một vấn đề theo một số dữ kiện. Ðiều này gọi là 'cái-biết-phù-hợp'. Nó không sâu lắm. Hiểu biết thật sâu xa gọi là 'thâm nhập' (pativedha), nhìn sự vật theo đúng bản chất, không phải tên và nhãn hiệu. Sự thâm nhập này chỉ có thể có được khi nào tâm đã gột rửa được hết những bất tịnh và đã hoàn toàn phát triển qua thiền định.

Chánh Kiến hay thâm nhập Trí huệ là kết quả của sự tu tập thiền định không ngưng, kiên trì hay sự trau dồi cẩn thận về tâm. Một người có Chánh Kiến không thể có một quan điểm mờ mịt về hiện tượng, với người đó không thể còn nhiễm những bất tịnh vì đã đạt được sự giải thoát không lay chuyển về tâm.

Ði Theo Ðường Ðạo

Những lời dạy của Ðức Phật giải thích chức năng, mục đích cua việc trau dồi đức hạnh, kỷ luật tinh thần, và trí tuệ. Giải thoát có nghĩa là kinh nghiệm sống về sự chấm dứt được ba nguyên nhân gốc rễ tội lỗi, Tham Sân Si và vô minh tấn công vào tâm con người. Những nguyên nhân gốc rễ ấy phải được loại bỏ bằng giới hạnh, kỷ luật tinh thần và trí tuệ.

Cho nên rõ ràng giáo lý của Ðức Phật nhằm vào sự thanh tịnh hóa cao nhất, tinh thần lành mạnh toàn hảo, thoát khỏi tất cả những thôi thúc ô uế.

Vậy thì sự giải thoát này khỏi ô nhiễm tinh thần, khỏi ác ý, hoàn toàn và tuyệt đối nằm trong tay của chính mình chứ không phải người nào khác hay thần thánh. Ngay cả đến Ðức Phật tối thượng cũng không chuộc con người khỏi các gông cùm của cuộc sống ngoại trừ chỉ cho người ấy biết con đường.

Con đường Giới, Ðịnh, Huệ đôi khi được tham chiếu như Tam (vô lậu) học (tividhasikkha), một trong ba cũng không phải là mục đích, mỗi một chỉ là phương tiện để đi đến mục đích. Một không thể hoạt động độc lập riêng rẽ mà không tùy thuộc những cái kia. Giống như trường hợp một kiềng ba chân sẽ ngã khi một chân bị lấy đi, nơi đây cũng vậy, môt không thể hoạt động được nếu không có sự hỗ trợ của những chân kia. Ba cái cùng nhau hành hoạt, cái này hỗ trợ cái kia. Giới hay đạo đức củng cố Kỷ luật tinh thần, và Kỷ Luật tinh thần (Ðịnh) đến lượt đẩy mạnh Huệ (Trí Huê). Trí huệ giúp ta nhìn rõ sự vật - nhìn đời đúng như nó là thế - phải nhìn đời sống và tất cả sự vật thuộc đời sống phát sanh và mất đi ra sao.

Mặc dù kiến thức khoa học lớn mạnh vững vàng, con người trên thế giới vẫn bồn chồn và nhức nhối với sợ hãi và bất mãn. Họ vẫn say sưa với lòng ham muốn thích được nổi tiếng, có của cải, quyền hành, và làm vừa lòng giác quan. Thế giới hỗn loạn này vẫn sôi động với hận thù, ngờ vực, ham muốn vị kỷ, và bạo lực, lúc này cần thiết hơn bao giờ hết thông điệp tình thương và hiểu biết của Ðức Phật, Bát Chánh Ðạo, dẫn đến việc chứng nghiệm Niết Bàn. Chỉ có kiến thức về con Ðường không thôi, tuy đầy đủ, sẽ không kết quả. Trong trường hợp này, bổn phận của chúng ta là phải theo con đường và giữ lấy nó.

Ðuơng nhiên con đường này là khó khăn nhưng chúng ta luôn luôn chú ý và giác tỉnh hoàn toàn, bước vào từng bước một, một ngày nào đó chúng ta sẽ tới đích. Ðứa trẻ học đứng học đi cũng gặp khó khăn. Cũng vậy, có những vĩ nhân trải qua giai đoạn này đến giai đoạn khác tuy chồng chất nhiều thất bại nhưng cuối cùng vẫn đi đến thành công. Ðó là con Ðường dẫn đến sự chứng nghiệm Sự Thật Tối Hậu, tự do hoàn toàn, hạnh phúc, hòa bình nhờ sự toàn hảo về luân lý, tinh thần.

Từ bản tường trình tóm tắt này, ta có thể nhìn thấy đó là cách sống phải theo, tu tập và phát triển bởi mỗi cá nhân. Ðó là sự tự kỷ luật về thân, khẩu và tâm ý, sự tự phát triển và sự tự thanh tịnh hóa. Con đuờng này không có liên quan gì đến niềm tin, cầu nguyện, sùng bái, hay lễ nghi.