Thiền học
Hoàng Bá Ngữ Lục
Hoàng Bá
22/03/2555 05:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Hoàng Bá Ngữ Lục
Mục lục


Nói rằng “pháp môn tâm địa“, là muôn pháp đều y tâm này dựng lập, gặp cảnh tức có, không cảnh tức không, không thể trên tánh tịnh lại khởi biết cảnh. Nói định huệ là quán dụng thì rõ ràng vắng lặng, tỉnh táo, thấy nghe hiểu biết đều phải. Trên cảnh khởi hiểu, tạm vì người trung, hạ căn nói thì được. Nếu muốn thân chứng đều không thể khởi thấy hiểu như thế,(vì sao?) toàn là cảnh pháp, có chỗ lặn mất thì lặn mất ắc có nơi. Chỉ đối tất cả pháp không khởi thấy có, không tức là thấy pháp.

Từ đại sư Đạt Ma đến Trung Quốc chỉ nói một tâm, chỉ truyền một pháp. Lấy Phật truyền Phật, chẳng nói Phật khác. Lấy pháp truyền pháp, chẳng nói pháp khác. Pháp tức là pháp không thể nói, Phật tức là Phật không thể thủ, mới là tâm bản nguyên thanh tịnh vậy. Chỉ một việc này thực, có hai cái khác nhau thì chăng phải chơn. Bát Nhã là huệ, huệ này tức là bản tâm vô tướng.
Phàm phu không tìm đến đạo, chỉ buông lung sáu tình là đi trong sáu nẻo.

Người học đạo, một niệm chấp sanh tử liền rơi vào ma đạo. Một niệm khởi các thứ kiến (các thứ thấy biết khác) liền rơi vào ngoại đạo. Thấy có sanh, tiến đến diệt, liền rơi vào Thanh Văn. Chẳng thấy có sanh, chỉ thấy có diệt, liền rơi vào Duyên Giác. Không khởi cái thấy có hai, chẳng chán cũng chẳng ưa, tất cả các pháp chỉ là một tâm, nhiên hậu mới là Phật thừa.

Phàm phu đều theo cảnh sanh tâm, tâm bèn có ưa, chán. Nếu muốn không cảnh phải quên tâm ấy (tâm ưa, ghét). Tâm quên tức là cảnh không, cảnh không tức là tâm diệt (vọng tâm). Nếu không quên tâm mà chỉ trừ cảnh thì cảnh không thể trừ, càng thêm lăng xăng. Cho nên muôn pháp chỉ là tâm, tâm cũng không thể được, lại cầu cái gì? Người học Bát Nhã không thấy một pháp có thể được, dứt ý nơi tam thừa, chỉ một chơn thật, không thể chứng được. Bảo là ta hay chứng hay đắc, đều là người tăng thượng mạn. Trên hội Pháp Hoa, phủi áo ra đi, đều là bọn người này. Phật nói: “Ta đối với Bồ-Đề, thật không sở đắc “thầm khế hội mà thôi.

Phàm nhơn khi sắp mạng chung chỉ quán năm uẩn đều không, bốn đại vô ngã, Chơn Tâm không tướng, chẳng đến, chẳng đi. Khi sanh tánh cũng chẳng đến, khi tử tánh cũng chẳng đi. Yên lặng, tròn bặt, tâm cảnh nhất như. Chỉ hay quán như thế, liền đó chóng liễu ngộ, chẳng bị ba đời ràng buộc, bèn là người xuất thế. Dù người không được ít phần thú hướng, nếu thấy tướng lành, chư Phật đến đón và các thứ hiện trước mặt, cũng không khởi tâm đi theo. Nếu thấy tướng dữ, các thứ hiện trước, cũng không sanh tâm kinh sợ. Chỉ tự quên tâm, đồng với pháp giới liền được tự tại. Đây tức là tiết yếu vậy.

Nói hóa thành đó, Nhị Thừa, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác đều là giáo quyền lập để tiếp dẫn, thảy đều là hóa thành. Nói Bảo Sở đó, là bảo chơn tâm bản Phật, tự tánh. Cái Bảo này không thuộc về tình lượng, không thể kiến lập. Không Phật, không chúng sanh, không năng, không sở, chỗ nào có thành?

Nếu hỏi: Đây đã là Hóa thành, chỗ nào là Bảo sở? Bảo sở không thể chỉ. Chỉ tức đã có chỗ nơi, không phải chơn Bảo sở. Cho nên nói “ở gần” mà thôi. Không thể định lượng nơi đó, chỉ chính đây khế hội là phải.

Nói xiển đề là nói lòng tin không đủ vậy. Tất cả chúng sinh trong lục đạo, cho đến nhị thừa không tin có Phật quả đều gọi là “Đoạn thiện căn xiển đề”. Bồ-Tát tin sâu có Phật pháp, không thấy có Đại Thừa, Tiểu Thừa, Phật cùng chúng sanh đồng một pháp tánh, gọi là “Thiện căn xiển đề”.

- Đại để Nhơn nghe giáo mà ngộ, gọi là Thanh văn.

- Quán nhơn duyên mà ngộ gọi là duyên giác.

Nếu không hướng trong tâm mình mà ngộ, dù có thành Phật cũng gọi là Phật Thanh văn. Người học đạo phần nhiều đối trên giáo pháp mà ngộ, không ở trên tâm pháp mà ngộ, tuy trải qua nhiều kiếp tu hành, trọn không phải là “bổn Phật”. Nếu không do nơi tâm mà ngộ, chỉ đối trên giáo pháp mà ngộ, tức là khinh tâm trọng giáo, bèn thành: theo hình tướng mà quên bổn tâm. Cho nên chỉ cần khế hội bổn tâm, chẳng cần cầu pháp. Tâm tức là pháp vậy.

Phàm nhơn phần nhiều bị cảnh ngại tâm, sự ngại lý. Thường muốn trốn cảnh để an tâm, đuổi sự để còn lý. Không biết rằng chính tâm ngại cảnh, lý ngại sự. Chỉ khiến tâm không, cảnh tự không. Chỉ khiến lý lặng, sự tự lặng. Chớ dụng tâm lộn ngược. (nghĩa là: đối cảnh tâm chẳng sanh, đó là điều tâm chẳng điều cảnh. Nhìn sự, vật biết rằng chúng vốn huyễn hóa, chẳng phải đợi đến khi chúng hoại rồi mới biết chúng là không).

Phàm nhơn phần nhiều không chịu không tâm, sợ rơi vào không, chẳng biết tâm mình vốn không.
Người ngu trừ sự không trừ tâm, người trí trừ tâm không trừ sự.        

Bồ -Tát tâm như hư không, tất cả đều xả, làm những việc phước đức đều không tham trước. Nhưng xả có ba bậc:

- Trong, ngoài thân,tâm tất cả đều xả, ví như hư không, không có chỗ thủ trước, nhiên hậu tùy phương tiện làm lợi ích chúng sinh, năng sở đều quên, ấy là đại xả.

- Nếu một bên hành đạo, bủa đức, một bên lại không có tâm mong cầu, ấy là trung xả.

- Nếu rộng tu các việc thiện, có chỗ mong cầu, nghe pháp biết không nên mới không trước, ấy là tiểu xả.

Đại xả như cây đước sáng để ở trước, lại không có mê, ngộ.

Trung xả như cây đuốc để một bên, hoặc sáng, hoặc tối.

Tiểu xả như cây đuốc để phía sau, không thấy hầm hố.

Cho nên, Bồ - Tát tâm như hư không, tất cả đều xả. Quá khứ tâm không thể được là quá khứ xả, Hiện tại tâm không thể được là hiện tại xả, Vị lai tâm không thể được là vị lai xả. Nên nói “ba thời đều xả”.

Từ Đức Như Lai trao tâm pháp cho tổ Ca Diếp đến nay, lấy tâm ấn tâm, tâm tâm không khác. Ấn in trong hư không thì in không thành dấu, ấn in nơi vật tức ấn không thành pháp. Cho nên lấy tâm ấn tâm, tâm tâm không khác. Năng ấn và sở ấn đều khó khế hội, nên người được ít. Song tâm tức vô tâm, được tức không được. (không nói không được tức được)

Phật có ba thân.

- Pháp thân nói pháp tự tính rỗng suốt.

- Báo thân nói pháp tất cả thanh tịnh.

- Hóa thân nói pháp lục độ vạn hạnh.

Pháp thân nói pháp không thể dùng ngôn ngữ, âm thanh, hình tướng văn tự mà cầu. Không có nói, không có chứng, tự tánh rỗng suốt mà thôi. Cho nên nói “Không pháp có thể nói, ấy gọi là nói pháp“

Báo thân, hóa thân đều tùy cơ cảm mà hiện, có nói pháp cũng tùy sự, hợp cơ để nhiếp hóa, đều không phải chơn pháp. Cho nên nói “Báo, Hóa không phải chơn Phật, cũng không phải nói pháp”.
Nói “đồng một tinh minh phân làm sáu hòa hợp“. Một tinh minh là một tâm. Sáu hòa hợp là sáu căn. Sáu căn này mỗi cái cùng trần hợp. Mắt cùng sắc hợp, tai cùng tiếng hợp, mũi cùng mùi hợp, lưỡi cùng vị hợp, thân cùng xúc hợp, ý cùng pháp hợp. Khoảng giữa sanh sáu thức, cộng là mười tám giới. Nếu biết rõ mười tám giới không thật có, trói sáu hòa hợp làm một tinh minh. Một tinh minh là tâm vậy. Người học đạo đều biết cái này. Chỉ không thể khỏi cái hiểu “Một tinh minh và sáu hòa hợp”, bèn bị pháp trói, không thể khế hội bản tâm.

Như Lai ra đời muốn nói nhất thừa chơn pháp, ắt chúng sinh không tin, sinh ra hủy báng, chìm sâu trong biển khổ. Nếu hoàn toàn không nói thì mắc lỗi san tham, chẳng vì chúng sinh chỉ dạy diệu đạo. Ngài bèn lập phương tiện nói có ba thừa, thừa có đại tiểu, đắc có cạn sâu, đều không phải bổn pháp. Cho nên nói “Chỉ có đạo nhất thừa, có hai chẳng phải chơn”. Nhưng vẫn chưa thể hiển bày một tâm pháp, cho nên triệu Ca Diếp đồng trong một pháp tòa riêng trao một tâm pháp rời nói năng. Một nhánh pháp này riêng thực hành. Nếu người hay khế ngộ liền đến Phật địa.

Về Thiền tông tôi đây, từ các bậc tiền bối trao truyền đến nay, không từng dạy người cầu hiểu biết, chỉ nói ”học đạo” là lời để tiếp dẫn. Nhưng đạo cũng không thể học, còn nghĩ học hiểu trở thành mê đạo. Đạo không có chỗ nơi gọi là tâm đại thừa. Tâm này không ở trong, ngoài, chặng giữa, thật không có chỗ nơi. Hay nhất là không được khởi hiểu biết. Chỉ nói với ông chỗ tình lượng hiện nay, tình lượng nếu hết thì tâm không chỗ nơi. Đạo thiên chơn này vốn không danh tự. Bởi vì thế gian không biết, mê ở trong tình. Sở dĩ chư Phật ra đời để phá việc này, sợ e các ông không rõ, quyền lập tên là “Đạo”. Không thể nhận tên sanh hiểu, nên mới nói “được cá quên nơm” Thân tâm tự nhiên đạt đạo, biết tâm, đạt nguồn cội gọi là Sa môn. Quả Sa môn là dứt duyên lự mà thành, không phải từ học mà được. Ông nay đem tâm cầu tâm, bên cạnh nhà người chỉ toan học lấy, có khi nào được. Người xưa tâm lanh lợi, vừa nghe một câu bèn dứt học, vì vậy nói là “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”. Người đời nay chỉ muốn được biết nhiều hiểu rộng trở thành bít lấp. Chỉ cần biết nhiều cũng như trẻ con ăn tô sữa, chẳng cần biết tiêu hay không tiêu. Người học đạo tam thừa đều giống như thế, nói chung gọi là ăn không tiêu. Nên nói “hiểu biết không tiêu đều là thuốc độc”. Hoàn toàn nhằm trong sanh diệt mà lấy, trong chơn như trọn không có việc này. Nên nói “trong kho vua của ta không có đạo như thế”. Từ trước tất cả chỗ hiểu biết cần phải dẹp sạch, khiến không, lại không phân biệt, tức là “Không Như Lai Tạng”. Như Lai Tạng lại không một mảy bụi có thể có, tức là vị Pháp Vương phá hữu xuất hiện ở thế gian, cũng nói rằng “Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng, không một chút pháp có thể được”. Lời nói này chỉ là không. Tình lượng hiểu biết của ông cần được tiêu dụng, trong ngoài tình hết, trọn không y chấp, là người vô sự. Cương yếu giáo lý tam thừa, chỉ là thứ thuốc hợp cơ, tùy nghi nói ra, tạm thời lập bày, mỗi mỗi không đồng, chỉ cần rõ biết thì không bị mê hoặc là hay bậc nhất. Không được bên một cơ, một giáo chấp văn nhận hiểu. Tại sao như thế? Thật không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Tông môn của tôi đây chẳng bàn việc này chỉ biết dứt tâm liền thôi, không cần suy trước, tính sau.

Hỏi: “Tức tâm là Phật “, chưa rõ tức tâm nào? Tức tâm phàm là Phật hay tức tâm thánh là Phật?

Đáp: Trong tam thừa nói rõ ràng “Tâm phàm, thánh là vọng” nay ông không hiểu, trở lại chấp là có, đem không làm thật, đâu không phải là vọng? vọng nên mê tâm. Ông chỉ trừ dẹp tình phàm, cảnh thánh. Ngoài tâm không có Phật khác. Tổ sư từ Ấn Độ đến, chỉ thẳng mọi người, toàn thể là Phật. Nay ông không biết, chấp phàm, chấp thánh nhắm ngoài chạy tìm, trở lại mê tâm mình. Vì thế nên đến ông nói “Tức tâm là Phật “. Một niệm tình sanh liền sa vào cõi khác. Từ vô thủy đến giờ không khác ngày nay. Không có pháp khác nên gọi là thành Đẳng Chánh Giác.
- Hòa thượng nói “tức” là đạo lý gì?

- Tìm đạo lý gì? Vừa có đạo lý bèn tức tâm khác.

- Trên nói “Từ vô thủy đến giờ không khác ngày nay” lý này thế nào?

- Chỉ vì tìm nên ông tự khác người, ông nếu không tìm thì có chỗ nào khác?

- Đã không khác tại sao phải nói tức?

- Ông nếu không nhận phàm, thánh thì ai đến ông nói tức. Tức như không tức, tâm cũng chẳng tâm, nên trong ấy tâm, tức đều quên. Người nào lại nghĩ? Nhằm chỗ nào tìm?

- Vọng hay chướng tâm mình, chưa biết nay nên lấy cái gì dẹp vọng?

- Khởi vọng dẹp vọng cũng thành vọng. Vọng vốn không gốc, chỉ nhân phân biệt mà có. Ông chỉ nên đối hai chỗ phàm, thánh tình chấp hết tự nhiên không vọng. Nếu vì dẹp nó, phải trọn không được có một mảy y chấp. Gọi là “ta bỏ hai cánh tay ắt sẽ được thành Phật”.

Hỏi: Đã không y chấp thì truyền trao thế nào?

Đáp: Lấy tâm truyền tâm.

- Nếu tâm truyền nhau thì tại sao nói tâm cũng không?

- Không được một pháp gọi là truyền tâm, nếu rõ tâm này tức là không tâm không pháp.

- Thế nào gọi là truyền?

- Ông nghe nói truyền tâm bèn cho là có khả đắc. Sở dĩ Tổ sư nói “Khi nhận được tâm tánh, nên nói không nghĩ bàn, rõ ràng không sở đắc, khi được không nói biết”. Việc này nếu đem dạy ông đâu kham lãnh hội.

- Như hư không trước mắt, thật không phải cảnh, sao không chỉ cảnh để thấy được tâm?

- Tâm gì mà dạy ông nhằm trên cảnh thấy? Giả sử ông thấy được chỉ là cái tâm chiếu cảnh. Như người dùng gương soi mặt, tức nhiên thấy được mày, mắt rõ ràng, nguyên lai chỉ là bóng dáng, đâu quan hệ gì việc của ông?

- Nếu không nhơn chiếu, khi nào được thấy?

- Nếu vậy liên hệ đến nhơn, thường phải nhờ vật, có khi nào được liễu ngộ. Ông không thấy người đến ông nói “buông tay tợ người không một vật, luống công nói dối mấy ngàn điều”.

- Nếu người hiểu rồi, chiếu cũng không vật sao?

- Nếu không vật thì cần gì phải chiếu, Ông nếu mở mắt thì cần gì nói hết ngủ.

Ngài thượng đường nói:

- Biết nhiều trăm thứ, chẳng bằng không cầu. Không cầu là tột bậc nhất vậy. Đạo nhơn là người vô sự, thật không có những tâm nhiều thế ấy. cũng không có đạo lý gì có thể nói. Vô sự giải tán đi.

Hỏi: Thế nào là thế đế?

Đáp: Xưa nay thanh tịnh đâu nhờ nói năng vấn đáp, chỉ không tất cả tâm liền gọi là trí vô lậu. Ông mỗi ngày đi đứng, ngồi nằm, tất cả nói năng, chớ đắm pháp hữu vi, nói ra nháy mắt thảy đồng vô lậu. Như nay nhằm đời mạt pháp, phần nhiều người học thiền, học đạo đều đắm tất cả thanh sắc. Sao không cùng ta mỗi tâm đồng hư không đi, như cây khô, hòn đá đi, như tro tàn, lửa tắt đi, mới có ít phần tương ưng. Nếu không như thế, hôm nào sẽ bị Diêm Vương dẫn ông đi.

Ông chỉ lìa hẳn các pháp hữu vô, tâm như vầng mặt trời trong hư không, ánh sáng tự nhiên không chiếu mà chiếu, không phải là việc của sức phản tỉnh. Khi đến đây thì không chỗ nương tựa, tức là làm hạnh của chư Phật, bèn là “không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Đây là pháp thân thanh tịnh của ông, gọi là A Nậu Bồ Đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Nếu không lãnh hội được ý này, dù ông học được biết nhiều, siêng năng khổ nhọc tu hành, áo cỏ, ăn cây không biết tâm mình, đều gọi là hạnh tà, quyết định sẽ làm quyến thuộc của thiên ma. Tu hành như thế, có lợi ích gì?

Ngài Chí Công nói ”Phật vốn tâm mình làm, đâu được trong văn tự cầu”. Dù ông học được tam hiền, tứ quả, thập địa mãn tâm cũng chỉ là ngồi trong phàm thánh, không thấy đạo. Các hạnh vô thường là pháp sanh diệt, thế lực hết thì tên lại rơi xuống, chiêu cảm quả đời sau không như ý. Đâu bằng môn thật tướng vô vi, một phen vượt lên thẳng đến địa vị Như Lai. Vì ông không thể như người kia, nên cần đến hóa môn của cổ nhân, học hiểu cho rộng. Chí Công nói “Không gặp minh sư xuất thế, uổng uống pháp dược đại thừa”

Ông hiện nay trong tất cả các thời, đi đứng, ngồi nằm, chỉ học vô tâm, lâu ngày sẽ thật đắc.

Vì ông lực kém, không thể đốn siêu cần được ba năm, năm năm hoặc mười năm, phải được chỗ vào, tự nhiên hội giải. Nếu ông không thể như thế, thiết tha đem tâm học thiền, học đạo, Phật pháp có liên hệ gì? Cho nên nói: “Như Lai nói ra đều là vì giáo hóa người, như nắm lá vàng bảo là để dỗ trẻ con khóc, quyết định không thật”. Nếu có thật đắc thì không phải người trong tông môn ta, vả lại cùng bản thể của ông có liên hệ gì? Cho nên kinh nói “Thật không có chút pháp nào có thể được gọi là A Nậu Bồ Đề” Nếu như hội được ý này, mới biết Phật đạo, ma đạo đều lầm.

Chỗ xưa nay thanh tịnh, trong sáng không tướng vuông tròn, lớn nhỏ, dài ngắn v v…Vô lậu, vô vi, không mê, không ngộ, rõ ràng thấy không một vật, không người cũng không Phật, “Hạt bọt trong biển đại thiên sa giới, tất cả thánh hiền như điện chớp” Tất cả không bằng tâm chơn thật pháp thân, từ xưa đến nay cùng Phật, Tổ đồng một loại, chỗ nào thiếu kém một mảy lông?

Đã hội được ý như thế, cần phải cố gắng trọn một đời này thôi. Hơi thở trở ra không đảm bảo trở vào.

Hỏi: Lục tổ không hiểu kinh sách sao được truyền y bát làm tổ? Thượng tọa Thần Tú là thủ tọa của năm trăm người, làm thầy giáo thọ, giảng được ba mươi hai bổn kinh luận, tại sao không được truyền y bát?

Đáp: Vì kia (Tú) có tâm là pháp hữu vi, có tu có chứng cho là phải. Ngũ tổ trao cho Lục tổ. Lục tổ khi ấy chỉ nhằm khế hội, được thầm trao ý thậm thâm của Như Lai. Sở dĩ truyền y cho ngài. Ông chẳng thấy nói:

Pháp bổn pháp vô pháp

Vô pháp pháp diệt pháp

Kim phó vô pháp thời

Pháp pháp hà tằng pháp.

Pháp vốn là pháp không

Pháp không cũng là pháp

Nay trao pháp không này

Mỗi pháp đâu từng là pháp.

Nếu hội được ý này mới là kẻ xuất gia, mới là tu hành tốt. Nếu không tin, tại sao thượng tọa Minh chay đến ngọn Đại Dữu tìm Lục tổ? Lục tổ hỏi

- Ngươi đến cầu việc gì? Cầu y hay cầu pháp?

Thượng tọa Minh nói

- Không vì y mà đến, chỉ vì pháp mà đến

Lục tổ bảo

- Ông hãy tam thời quên các niệm, thiện ác đều chớ nghĩ tới.

Thượng tọa Minh nhận lời này. Lục tổ bảo

- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy hiện lại bộ mặt thật của thượng tọa Minh khi cha mẹ chưa sanh

Thượng tọa Minh ngay câu nói đó bỗng nhiên thầm khế hội, bèn lễ bái thưa:

- Như người uống nước, lạnh nóng tự biết. Tôi ở trong hội Ngũ tổ uổng dùng công phu ba mươi năm, ngày nay mới biết lỗi trước.

Lục tổ bảo:

- Khi đến đây mới biết Tổ sư từ Ấn Độ đến, chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, không ở nói bàn.

Đâu không thấy Tổ Anan hỏi  Tổ Ca Diếp:

- Thế Tôn ngoài truyền y bát, còn truyền riêng pháp gì?

Ca Diếp gọi:

- Anan

Anan đáp:

- Dạ

Ca Diếp bảo:

- Cột phướn trước cửa chùa lật ngược.

Đây là chỗ bộc lộ của tổ sư vậy. Ngài Anan ba mươi năm làm thị giả,chỉ vì trí tuệ đa văn, bị Phật quở

- Ngươi ngàn ngày học huệ, không bằng một ngày học đạo. Nếu không học đạo, một nhỏ nước cũng không tiêu.

Hỏi: Thế nào được “Không rơi vào giai cấp”?

Đáp: Chỉ hàng ngày ăn cơm mà chưa từng nhai một hạt gạo, trọn ngày đi mà chưa từng đạp một cục đất. Cùng khi ấy không có tướng nhân, tướng ngã…trọn ngày không rời tất cả việc mà không bị các cảnh làm mê hoặc, mới gọi là người tự tại. Lại, lúc nào cũng mỗi niệm đều không thấy tất cả tướng. Chớ nhận ba thời: quá khứ không đi, hiện tại không dừng, vị lai không đến. Ngồi ngay an ổn, mặc tình không câu chấp, mới gọi là người giải thoát. Cố gắng! cố gắng! Trong môn này ngàn người, muôn người chỉ được ba người, năm người. Nếu không làm việc này ắc có ngày thọ ương. Cho nên nói “Cố gắng đời này phải xong xuôi, còn đâu nhiều kiếp mang tai họa”.