Thiền học
Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
25/09/2556 18:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 18. Đến Mỹ

 

 

Năm 1968, tôi đi hành hương đến tất cả các thánh địa ở Ceylon. Tôi sắp bước chân đến một nơi xa xôi: Mỹ quốc, và không ai biết khi nào tôi có thể trở lại quê hương nữa. Vì thế điều quan trọng là tôi phải đến viếng thăm những nơi linh thiêng nhất ở Ceylon trước khi rời xa quê hương.

Đó là một chuyến đi tuyệt vời. Hầu hết thân quyến của tôi và một vài người bạn thân cùng đi. Chúng tôi mướn một chiếc xe buýt. Tôi cũng mong là mẹ tôi có thể đi cùng, nhưng lúc đó bà bị tê liệt nặng đến nỗi bà không thể chịu đựng được những chuyến đi đường dài. Đi hành hương đến những thánh địa ở Ceylon thì cũng giống như đi picnic ở các quốc gia khác. Người ta mướn xe buýt hay những chiếc xe nhỏ, trang hoàng xe với hoa dừa. Họ ca hát trên đường đi và thỉnh thoảng cho xe dừng lại ra ngoài, ngồi dưới bóng cây, dùng bữa với thức ăn mang theo. Thật là thư giãn và vui vẻ.

Nhóm của chúng tôi viếng thăm một vài tu viện cổ xưa và các di tích chùa. Chúng tôi đến viếng cây bồ đề cổ xưa và thăm cung điện ở trên núi của vua Kassapa thứ năm, nơi có những bức họa các vị thần đồng cầm hoa sen tô điểm trên tường thật đẹp đẽ. Ở Kandy, chúng tôi viếng chùa Răng, nơi một xá lợi của Đức Phật được tôn thờ, được coi là một trong những nơi linh thiêng nhất ở quê hương tôi. Tích xưa kể rằng khi hoàng tử Danta Kumara và em gái của ngài, là Hemamala, mang xá lợi đển đảo. Bà công chúa thắt tóc mình lại thành bím và giấu răng xá lợi trong đó để không ai có thể đánh cắp. Một ngôi chùa lộng lẫy đã được xây lên để thờ phụng xá lợi này.

Theo lịch sử Tích Lan, mỗi vị vua phải nguyện bảo vệ ngôi chùa Răng, nếu người đó muốn duy trì ngôi vị. Nếu nhà vua nào không tôn trọng xá lợi, ông sẽ bị lật đổ. Nhờ thế ngôi chùa nầy luôn được bảo vệ. Ngay chính cả người Anh cũng tôn trọng ngôi chùa Răng này khi họ chiếm đóng Tích Lan và biến nó thành một thuộc địa gọi là Ceylon.

Ngày nay, các nhà chính trị cũng thường đến chùa Răng để bày tỏ lòng kính trọng sau khi đắc cử. Và hằng năm đều có một cuộc diễn hành lớn ở Kandy để tôn vinh xá lợi.

Tiếc thay, ngôi chùa đã bị hư hoại trong một cuộc bỏ bom khủng bố vào năm 1998, một trong những tổn thất lớn của cuộc nội chiến kéo dài của chúng tôi. Phần mặt tiền tuyệt đẹp của ngôi chùa đã bị tàn phá dữ dội trong vụ nổ đó. Suốt nhiều năm, người ta kéo những cổng rào lớn bao quanh chùa để ngăn cấm bất cứ ai lái xe đến gần, nhưng vào năm 2002, chúng được tháo gỡ xuống như một biểu hiện của thiện chí khi việc thương thuyết cho hoà bình giũa chính phủ và những kẻ chống đối, người Tamil đang diễn ra.

Trên đường trở về nhà, tôi cũng ghé đến tòa đại sứ Mỹ ở Colombo để xin visa. Viên chức cư trú dành cho tôi hai cuộc phỏng vấn vào hai ngày khác nhau. Rồi sau đó tôi được yêu cầu đi khám sức khoẻ. Vị bác sĩ nhận ra tôi thường đến nhà cha mẹ ông để khất thực, khi tôi còn là một chú tiểu nhỏ ở chùa Vidyasekhara Pirivena ở Gampaha. Ông rất ngạc nhiên khi gặp lại tôi lần này và chúc tôi may mắn trong cuộc hành trình.

Vào những ngày đó việc ghi vé máy bay dễ hơn là hiện nay. Không bị phạt khi hủy vé, không phải trả tiền thêm khi dừng lại ở bất cứ nơi nào. Bạn có thể chọn bất cứ tuyến đường nào bạn thích với nhiều nơi dừng chân theo ý muốn, miễn là cuối cùng bạn sẽ đến nơi đã định.

Vì chuyến đi quá dài, tôi quyết định biến nó thành một cuộc phiêu lưu, dừng lại nhiều nơi trên đường, để viếng những nơi tôi chưa từng đặt chân tới. Tôi liệt kê các quốc gia tôi muốn viếng thăm, rồi viết thư đến từng tòa đại sứ của các nước này ở Ceylon, nhờ họ tìm giùm chỗ cho tôi tá túc một đôi ngày.

Đây là những nơi tôi dừng chân: Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hy Lạp, Ý, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Hòa Lan và Anh quốc.

Ở Rome, tôi được người đại diện của tòa đại sứ Ceylon đón tại phi trường. Anh ta đưa tôi đến một khách sạn lộng lẫy, và ngay khi vừa đến khách sạn, tôi đã bảo với nhân viên tiếp tân ở khách sạn tôi muốn tham gia tour đi Vatican. Ngay lúc đó có một tour sắp bắt đầu, vì thế tôi mang hành lý vào phòng, rồi vội vã đi ngay lên xe buýt với một số du khách khác. Chúng tôi được chia thành nhóm tùy theo ngôn ngữ mà chúng tôi sử dụng. Tôi gia nhập nhóm du khách nói tiếng Anh. Khi người hướng dẫn viên đến thu vé, tôi không tìm ra vé của mình, dầu tôi nhớ rằng nhân viên tiếp tân có đưa vé cho tôi. Người hướng dẫn lại nói: "Thưa ông, không sao, tôi biết ông đang ở khách sạn. Chỉ cần cho tôi tên khách sạn ông đang trú."

Tôi nghẹn lời. Tôi không kịp hỏi tên khách sạn nơi tôi đang trú. Tôi được người ta chở đến đó, nên không để ý đến tên. Tôi cũng không mang theo mình biên lai hay giấy tờ gì.

Dầu vậy, người hướng dẫn viên vẫn điềm tĩnh.

"Thưa ông, đừng lo ngại. Hãy đi thăm Vatican cho vui vẻ, xe buýt sẽ trở lại đón ông lúc 5 giờ chiều. Hy vọng là tới lúc đó ông sẽ nhớ ra tên khách sạn của mình."

Tour viếng Vatican thật kỳ thú, nhưng suốt cả thời gian, tôi bị lo ra, cố nhớ cho được tên khách sạn của mình. Sự mất chánh niệm của tôi trong việc để ý đến một điều đơn giản như tên khách sạn đã cướp đi của tôi cơ hội được sống trong giây phút hiện tại, thực sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vatican.

Khi xe buýt trở lại lúc 5 giờ chiều, tôi vẫn không thể biết mình ở khách sạn nào. Tôi thật xấu hổ. Tôi bảo người hướng dẫn viên rằng có thể khách sạn của tôi gần tòa đại sứ Ceylon.

"Tòa đại sứ Ceylon. Nó ở đâu vậy?" anh ta hỏi.

Tôi hoàn toàn mù tịt.

Giờ thì người hướng dẫn viên không còn bình tĩnh nữa. Đã qua giờ ăn tối. Anh ta bảo rằng đã hết ngày làm việc của anh; anh phải về nhà. Anh ta rất tiếc nhưng phải để tôi xuống giữa đường, và tôi phải tự mình tìm đường đến khách sạn hay tòa đại sứ.

Hằng giờ, tôi đi lang thang khắp các nẻo đường của Rome. Đó là một tối trời mưa lạnh. Tôi hỏi tất cả mọi người mà tôi gặp tòa đại sứ Ceylon ở đâu. Nhưng tôi chỉ được trả lời bằng những cái nhìn ngơ ngác. Tôi đi vào bất cứ cửa hàng, câu lạc bộ, quán bar nào có người.

Cuối cùng khoảng 10g30 tối, tôi đến một cây xăng, hỏi xem người bán xăng có biết tòa đại sứ Ceylon không. Thật kỳ diệu, anh ta hiểu tôi ngay.

Và còn diệu kỳ hơn nữa, khi anh ta vào văn phòng, rồi trở ra ít phút sau với lá thư đề địa chỉ và số điện thoại của tòa đại sứ Ceylon. Cây xăng có lá thư đó vì chính phủ Ý miễn tiền thuế cho tòa đại sứ khi họ mua xăng.

Và điều kỳ diệu cuối cùng là có người trả lời điện thoại vào giờ đó ở tòa đại sứ! Tôi thở phào khi được chở trở lại khách sạn một tiếng đồng hồ sau đó.

Tôi vẫn không biết tên của khách sạn.

Ở Brussels, tôi không quen ai, và cũng không có tòa đại sứ Ceylon ở đó. Ở phi trường, tôi trả mười đồng đô để lấy visa, rồi tôi đón taxi vào thành phố. Tôi xem trong quyển danh bạ điện thoại, tìm tên người Sinhala, rồi gọi số điện thoại. Gia đình đó đã đến rước tôi. Tôi ở với họ vài ngày, chúng tôi đi thăm viếng một số điểm du lịch ở địa phương, kể cả Waterloo, chiến trường nổi tiếng nơi Nã Phá Luân (Napoleon) phải thuận theo số phần.

Ở Luân Đôn, tôi ở chùa Phật giáo Luân Đôn. Một ngày kia tôi đến viếng Stratford-upon-Avon, quê hương của Shakespeare. Trong lúc tôi đang ở đó, một cặp vợ chồng người Mỹ bắt chuyện với tôi. Tôi bảo với họ tôi là một vị tu sĩ Phật giáo, đang trên đường đến sống ở Mỹ.

Người chồng nói: “Khi đến Mỹ, ông phải thay đổi y phục đang mặc.”

“Không, đâu cần phải vậy,” người vợ phản đối. “Ông ấy là tu sĩ Phật giáo. Mặc áo của người tu sĩ Phật giáo. Tại sao lại phải bỏ chứ? Đó mới chính là vấn đề đối với các linh mục của chúng ta ngày nay. Không có dấu hiệu gì ở bề ngoài cho biết họ là người tu. Mình không thể nhận ra họ. Không thể tìm được ai để làm lễ sám hối. Chúng ta phải nể phục lòng can đảm duy trì truyền thống của các vị tu sĩ Phật giáo.”

Thật ra, mặc chiếc áo tu không phải chỉ là truyền thống, hay để người khác có thể nhận ra chúng tôi. Đúng hơn là để chúng tôi tự nhắc nhở mình là ai, phải làm gì, và phải đối xử với người khác như thế nào. Nó giúp chúng tôi cẩn trọng trong lời nói, tránh quá độ, và nhớ giữ sự hòa nhã với người xung quanh.

Mặc chiếc áo tu khi đi du lịch khiến chúng tôi tự ý thức về mình một cách tích cực. Chúng tôi sẽ luôn tự vấn: “Mình có làm gì xúc phạm đến người khác không?” “Mình có làm gương tốt cho ai không? Mình có tiêu biểu tốt cho tăng đoàn không?"

Tất cả những sự tự quán sát này đều là nhờ nơi mảnh áo vàng đơn giản đó.

Từ Amsterdam, tôi bay qua thành phố Nữu Ước. Đó là chặng cuối cùng của một cuộc hành trình dài, và là nét chấm phá cuối cùng trong bức tranh tôi đã phác thảo trong đầu từ nhiều năm trước, khi tôi mở quyển sách Anh ngữ đầu tiên của mình. Tôi rất phấn khởi.

Vào lúc 2giờ chiều ngày 18 tháng 9 năm 1968, tôi đặt chân xuống phi trường John F. Kennedy. Tôi không biết phải đi đâu, nên đi theo những người hành khách khác rời khỏi máy bay. Sau khi qua cửa hải quan và sở di trú, tôi mang hành lý của mình vào sảnh đường to lớn. Không có ai chờ đón tôi ở đó.

Tôi phải tự lo liệu, trong một xứ sở sẽ trở thành quê hương mới của tôi.