Thiền học
Thiền Niệm Xứ
Tác giả: Thích Thông Huệ
17/03/2553 21:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

B. NỘI DUNG: I. QUÁN THÂN TRÊN THÂN

 

1. Chánh niệm qua hơi thở.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Này các Tỷ-kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay thiện xảo, khi quay dài, tuệ tri: “Tôi quay dài”; hay khi quay ngắn, tuệ tri: “Tôi quay ngắn”. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thở vô dài, tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

Trước tiên, Đức Phật dạy chúng ta phương pháp chánh niệm qua hơi thở. Đây là chi phần thứ nhất trong lĩnh vực Quán thân trên thân. Nơi thiền tập phải là nơi trống vắng, có không khí trong lành, gần với thiên nhiên, xa lánh sự ồn náo. Dường như trong suốt cuộc đời của Đức Phật, rừng núi và cảnh thiên nhiên hoang sơ luôn gắn bó với Ngài: Lúc đản sinh tại vườn Lâm-Tỳ-Ni thời ấy vẫn còn nguyên sinh hoang dã; khi xuất gia và quyết liệt khổ hạnh trong sáu năm cũng tại rừng già; lúc thiền định bốn mươi chín ngày đêm, thành tựu Phật quả dưới cội cây Tất-bát-la gần sông Ni-liên-thuyền, cũng ở trong rừng. Cho đến khi nhập Niết-bàn, lại cũng tại rừng Ta-la Song-thọ. Chính ở những nơi vắng vẻ, thoát khỏi sự ồn náo của cuộc sống, hành giả mới dễ thu nhiếp thân tâm.

Về tư thế công phu, thì tọa thiền, nhất là kiết già, vẫn là tư thế thù thắng hơn cả. Khi ngồi theo tư thế hoa sen, lưng thẳng, khí huyết dễ lưu thông hơn các cách ngồi khác, nên hành giả có thể kéo dài thời gian thiền tập. Lúc ngồi, mắt khép hờ, không duyên theo sắc trần bên ngoài; các căn khác cũng không có cơ hội chạy theo trần cảnh, nên dễ định tâm, nhất là đối với người sơ cơ. Hành giả lúc bấy giờ an trú vào chánh niệm, tức đặt tâm vào giờ phút hiện tại, bắt đầu theo dõi hơi thở.

Vì sao Đức Phật dạy chúng ta dùng hơi thở làm đối tượng để thực tập chánh niệm?

Hơi thở là một công năng của hệ hô hấp, thuộc về thân, nhưng cũng có sự liên hệ chặt chẽ với tâm. Cuộc sống con người gắn liền với hơi thở, nếu thở ra không hít vào, con người sẽ mạng vong. Khi đặt tâm chuyên chú vào hơi thở, không duyên theo trần cảnh bên ngoài, đến một lúc nào đó, giữa tâm và hơi thở sẽ có sự hợp nhất. Chủ thể (tâm) và đối tượng (hơi thở) ở trong trạng thái hợp nhất, đó là nội dung của chánh niệm. Cho nên, Quán niệm hơi thở là một pháp tu nổi tiếng về thiền tập. Pháp tu này không phải chỉ từ thời Phật mới có, mà thật sự đã phát triển từ trước, nhất là trong những lối tu của ngoại đạo như Tứ thiền Bát định. Đức Phật áp dụng pháp môn này và triển khai một cách toàn diện và triệt để.

Nhân đây, chúng ta cũng nên học tập tinh thần khách quan của Đức Phật. Ngài nhận thấy pháp môn nào có thể áp dụng một cách hiệu quả thì Ngài cho lưu truyền, không kỳ thị pháp môn ấy là của tông phái hay tôn giáo nào. Trên đường tu, chúng ta không nên mang một ấn tượng, một cảm tính đối với pháp môn nào, vì sẽ trở ngại cho sự nhận thức đúng đắn về chân lý. Tất cả pháp môn của Phật, từ kim khẩu Đức Phật nói ra, đều có đồng một vị giải thoát. Tùy căn cơ trình độ của mỗi người mà tự ý lựa chọn pháp tu cho thích hợp. Bênh vực pháp tu của mình và chê bai những pháp khác, đó là hành vi của bản ngã, không đúng với tinh thần của đạo Phật.

Mặt khác, nếu chúng ta học Phật mà chỉ nhằm củng cố và bổ sung kiến thức về Phật pháp mà thiếu nội tu, đó là chúng ta vô tình làm giảm giá trị của đạo Phật. Người tu Phật không chỉ là học giả, mà còn phải là hành giả; nghĩa là phải học cách hành trì, cách áp dụng lời Phật dạy vào công phu tu tập, mục đích để chuyển hóa tự thân, xa lìa khổ não và thoát ly sinh tử luân hồi.

Trong phần Chánh niệm qua hơi thở, Đức Phật dạy tuần tự qua bốn giai đoạn:

1. Tỉnh giác theo dõi hơi thở vô và ra.

2. Tuệ tri hơi thở vô và ra.

3. Cảm giác toàn thân khi thở vô và ra.

4. An tịnh toàn thân khi thở vô và ra.

a) Giai đoạn 1:

 “Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra”: Lúc thở vào và thở ra, chúng ta đều tỉnh giác biết rõ. Điều này thật quá đơn giản, nên mới nghe, có nhiều người xem thường. Vì sao chỉ theo dõi hơi thở vào và ra mà gọi là Thiền? - Hằng ngày, chúng ta tất bật lo kiếm sống, tâm dong ruổi theo các pháp, không biết xoay lại chính mình, cho nên không khi nào ý thức được mình đang thở. Nhưng nếu không thở, con người còn tồn tại không? Của cải quyền lực lúc ấy còn ý nghĩa gì? Đức Phật dạy chúng ta theo dõi hơi thở để nhận định rõ ràng rằng, bản chất của đời sống là hô (thở ra) và hấp (hít vào). Tất cả sinh mạng, tài sản, địa vị đều treo lơ lửng trên hơi thở, vì thế chỉ toàn là vay mượn, không vững bền, không thật có. Tỉnh giác theo dõi từng hơi thở ra vào, vọng niệm không có chỗ xen, đó là con đường hướng nội, là chánh niệm. Đó tức là Thiền tập.

b) Giai đoạn 2.

 “Thở vô dài, vị ấy tuệ tri “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri “Tôi thở ra ngắn”.

Giai đoạn 2 là Tuệ tri, đây là cái biết bằng trí tuệ. Khi tâm bám sát hơi thở ra, vào - dài, ngắn ta đều biết rõ, cái biết lúc này đã tiến được một bước. Điều cần lưu ý, chúng ta không nên cưỡng ép, bắt hơi thở phải dài hay ngắn theo ý mình, vì sẽ làm chúng ta tức ngực và khó thở. Chỉ để tâm tỉnh biết thôi, hơi thở thế nào tuệ tri như thế ấy, dù thời gian bao lâu chúng ta cũng thấy thoải mái để thắp sáng chánh niệm trên hơi thở. Kết quả của công phu trong giai đoạn này là có sự liên hệ chặt chẽ giữa tâm và hơi thở.

c) Giai đoạn 3.

 “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập: Trong giai đoạn này, nhờ tâm bám chặt vào hơi thở nên bắt đầu chúng ta thấy toàn thân có cảm giác tươi mát khi thở vào và ra. Hơi thở trở thành một gạch nối giữa thân và tâm.

d) Giai đoạn 4.

 “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập”: Khi thở vào và ra, chúng ta thấy một trạng thái an tịnh khắp châu thân. Ở đây, chánh niệm là do cái biết tự nó phóng xuất, là cái biết của trực giác, không qua trung gian suy luận. Kết quả của giai đoạn này là có sự hợp nhất giữa thân và tâm.

Một điều cần lưu ý, Đức Phật thường nhắc đến từ “tuệ tri”. Tuệ tri là ý thức một cách minh mẫn, với một tâm an định, đây là cái biết thuộc về trí tuệ của người có công phu thiền tập. Cần phân biệt với “Thức tri” là cái biết bằng thức tưởng phân biệt của phàm phu, biết mà phân biệt đối đãi, với tâm tán loạn.

Một ví dụ về người thợ quay tơ lành nghề hay học trò giỏi của người ấy, khi làm việc chỉ chú tâm vào công việc đang làm, người làm và việc làm hợp nhất. Liên hệ với lời dạy của Hòa-thượng Trúc Lâm: “Làm việc gì chỉ biết việc ấy”. Khi chúng ta chỉ chuyên tâm vào công việc, không nhớ nghĩ đến bất cứ điều gì, việc làm tự nhiên sẽ thành công tốt đẹp. Đó là kết quả nhờ chánh niệm.

Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Đức Phật kết luận về chánh niệm qua hơi thở. Nhờ chánh niệm, miên mật từng phút giây, hành giả sẽ đạt được sức định tĩnh rất cao. Một nhà khoa học, muốn khảo sát cấu tạo vi tế của một tế bào, phải tập trung chú ý vào kính hiển vi điện tử, nhiều lúc quên cả mọi vật xung quanh. Một người nhờ chánh niệm qua hơi thở mà vào định, thì định lực này không có nhà khoa học nào bì kịp. Người ấy sẽ đạt đến trạng thái thân và tâm hợp nhất, vì khi ý thức rõ hơi thở vào và ra, từ lúc bắt đầu, tồn tại và kết thúc, mỗi sát na đều an trú trong hơi thở, thì vọng niệm không còn chỗ nào xen vào.

Khi vị ấy tuệ tri “Có thân đây”, đó không phải biết có thân bằng vọng niệm, mà là trực diện với thân ngay trong giờ phút hiện tại. Đây là cái thấy trong trạng thái như thị, năng và sở nhập một, chủ thể và đối tượng không hai. Đạo Phật không bao giờ chủ trương những phương pháp hành thiền quên thân quên cuộc đời, lối thiền tiêu nha bại chủng, mà phải nhận ra thực tại đang trôi chảy trong như thực tri kiến. Rõ ràng Thiền Niệm xứ mang nội dung của Tối thượng thừa thiền!

Chúng ta đã biết, chánh niệm là luôn luôn đặt tâm vào hiện tại; nếu niệm nhớ nghĩ về quá khứ hay mơ tưởng đến tương lai thì gọi là tà niệm hay thất niệm. Chánh trí là trí thấy được các pháp hiện khởi trong giờ phút đang là, chánh trí thành tựu khi ánh trực giác phát sinh. Nhờ an trú chánh niệm như vậy, vị ấy thấy rõ thân mình (ngã), tất cả những sở hữu của mình (ngã sở) và cả tâm thức của mình (tự ngã), đều chỉ nằm trong hơi thở mong manh! Mọi dục vọng tham đắm đối với thế gian cũng chỉ mỏng manh trong hơi thở, vị ấy không còn chấp trước vật gì trên đời, không còn phiền não nào làm xao động hồ tâm. Ngay đó là giải thoát.

Con người khổ đau phần nhiều là do tán tâm, phan duyên theo các pháp, nhận lầm tấm thân tứ đại giả hợp và tâm vọng tưởng điên đảo là thật mình. Do vậy, đôi khi vì một chút lợi lộc nho nhỏ cho bản thân mà có thể dửng dưng gây hại cho kẻ khác. Giờ đây, khi biết rõ được chính mình, chúng ta mới thực sự biết thương người. Tùy mức độ tu tập mà ta có thể quên mình vì người nhiều hay ít, nhưng dù chưa đạt đến vô ngã, chúng ta cũng sống một cuộc đời không vị kỷ. Nếu một tôn giáo, một triết thuyết nào xiển dương cho ngã tướng, không từ một thủ đoạn nào miễn đem lại lợi ích cho riêng mình, thì đó là con đường sai lầm. Ngược lại, tôn giáo hay triết thuyết nào tiêu trừ cái ngã, giúp con người biết quên mình vì kẻ khác, thì đó là chánh đạo. Nội dung chủ yếu của thiền tập là chú tâm vào một đối tượng - ở đây là hơi thở - nhằm đạt đến sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự vật - là vô thường, là duyên sinh, là giả hợp. Biết rõ mình, biết rõ người, chúng ta mới phát sinh đồng thể đại bi, mới có thể quên mình mà sống cho tất cả mọi người. Mặt khác, do không còn tham đắm dục lạc thế gian, không còn chấp trước điều gì trên đời, chúng ta sẽ bước từng bước an lạc hạnh phúc trên trần thế. Chỉ có một pháp quán hơi thở đơn giản như vậy, mà đã có kết quả giải thoát thật tuyệt vời. Điều này khiến chúng ta càng tin tưởng, Phật pháp quả thật nhiệm mầu; nếu chúng ta thực hành đúng lời Phật dạy, sẽ có một ngày chúng ta viên thành đạo quả.

2. Chánh niệm qua bốn oai nghi.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, tuệ tri: “Tôi đi”; hay đứng, tuệ tri: “Tôi đứng”; hay ngồi, tuệ tri: “Tôi ngồi”; hay nằm, tuệ tri: “Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân như thế ấy. Vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay vị ấy sống quán thân trên ngoại thân; hay vị ấy sống quán thân trên nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Trong bốn oai nghi đi - đứng - ngồi - nằm, Phật dạy chúng ta phải tuệ tri. Vì sao phải như thế? Lâu nay, tâm chúng ta tán loạn, tuy làm việc nhưng lại nghĩ đến chuyện khác, vì thế năng suất không cao. Bây giờ trở về lại chính mình, luôn luôn đặt tâm vào giờ phút hiện tại, mình đang làm gì đều biết rõ. Trong bốn oai nghi đều có chánh niệm thì dáng vẻ tự nhiên toát ra sự trầm tĩnh, thanh lương mà mọi người xung quanh có thể nhận thấy. Điều này rất đơn giản nhưng rất hiệu quả, vì chúng ta gieo nhân an lạc thì quả gặt được chắc chắn là an lạc. Cho nên, đừng nghĩ Thiền là một pháp môn quá cao siêu xa vời, cắt đứt sự sống và lẫn tránh thực tại. Ngược lại, Thiền rất thực tế, rất bình thường, rất gần gũi với cuộc sống. Thiền cũng chính là sự sống vậy.

3. Chánh niệm qua các hành tướng của thân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm.

Trong bài kinh này, Đức Phật chỉ nói về các vị Tỷ-kheo, vì thính chúng trong hội chỉ gồm những vị ấy. Nhưng thật ra, các hàng cư sĩ cũng có thể áp dụng lời Phật dạy trong công phu tu hành, vì mọi động tác của thân cũng như hơi thở, không ai là không có. Ở đây, chánh niệm qua những động tác của oai nghi, chi tiết hơn phần trước. Ví dụ khi giơ tay, khi co duỗi chân... chúng ta biết rõ việc mình đang làm; chi ly đến độ, khi ngó tới ngó lui chúng ta cũng ý thức được. Lúc sự quán sát đã đến mức tinh tế như vậy, những gì xảy ra trong hiện tại chúng ta đều sáng tỏ. Cho nên, càng tu càng thông minh, ký ức càng kỳ đặc, sự hiểu biết càng thấu đáo, vì trong từng giây phút của đời sống, chúng ta đều thẩm thấu một cách toàn diện, vì mọi pháp đều được thắp sáng bằng tâm định tĩnh. Đời sống thiền tập giúp chúng ta những kinh nghiệm trực tiếp bằng sự sống của chính mình, các pháp sẽ hiện bày trước mắt chúng ta một cách rõ ràng như thực.

Như vậy, hằng ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội để tu, dù là người xuất gia hay cư sĩ. Bởi vì chúng ta tu ngay trong từng hơi thở, trong mọi động tác của thân, nếu biết đặt tâm an trú vào chánh niệm. Biết cách tu, chúng ta sẽ thấy mình có rất nhiều thời gian tu hành và giúp ích cho người khác, chứ không phải làm cư sĩ tại gia là quá bận rộn, không tu được, như một số người đã quan niệm sai lầm.

Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân, hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Trong hệ A - Hàm thường dùng cụm từ “Quán thân như thân” thay vì “Quán thân trên thân” để chỉ sự khắng khít giữa thân và tâm, cuối cùng là giai đoạn thân-tâm hợp nhất. Một khi chánh niệm đến mức sâu xa, tâm chuyên chú không còn vọng niệm dấy khởi, hành giả có thể thành tựu đạo quả, nhân một cơ hội nào đó xảy đến rất đột ngột, rất tình cờ: Thiền sư Linh-Vân ngộ đạo khi thấy hoa đào nở, Thiền sư Hương-Nghiêm bừng sáng mắt tuệ khi nghe tiếng sỏi chạm vào thân tre... Sở dĩ được như vậy là vì các vị đã phải chú tâm tinh cần công phu thiền tập suốt mấy mươi năm. Người ngày nay mới hiểu được đôi phần, tưởng chứng ngộ là điều dễ dàng, chưa đến bờ đã vội buông lung phóng túng, sao cho khỏi lạc vào đường tà!

Khi đạt đến chánh trí, hành giả không còn nương tựa, tức không dính mắc vào ngã và ngã sở. Tâm vị ấy sẽ bàng bạc khắp không gian, không lệ thuộc vào thời gian và trở về với tự thể của nó: Đó là Chơn như, là Phật tánh, là Niết-bàn.

Một điều cần lưu ý khi dụng công: Lúc chúng ta đạt được một kết quả nhất định nào đó trong công phu, những tâm tư thầm kín và những dục vọng ngủ yên trong tàng thức từ bao kiếp, bây giờ như sống lại. Do chúng ta đã có sức tỉnh giác, nên mọi hành tung của vọng tưởng lộ diện ra rõ ràng. Nếu chúng ta không có đủ chánh trí chánh niệm, nếu không có biện pháp và khả năng diệt trừ, chúng sẽ trở thành những nọc độc trong tâm, gây cho chúng ta những nỗi đau khổ ray rứt không cùng. Điều này hiếm khi xảy ra với người thế tục, vì họ không trực diện với chúng, và lại có những thú vui giả tạm bên ngoài che lấp nỗi buồn bên trong như ca nhạc, thể thao, phim ảnh... Cho nên, người tu trước tiên phải nhận diện những gì đang xảy ra trong thân, trong tâm ý và trong những hoàn cảnh xung quanh, để chuyển hóa nó. Chánh niệm vì thế luôn luôn là phương tiện căn bản hàng đầu trong đời sống thiền tập.

4. Quán niệm qua các thành phần của thân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: “Đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu”. Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống, đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: “Đây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột gạo đã xay rồi”. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc...(xin xem chánh văn).

Đến đây, Đức Phật dạy chúng ta chuyển qua công phu Quán. Các giai đoạn trước đặt nặng về Chánh niệm, là an trú tâm trong giờ phút hiện tại vào một đối tượng (như hơi thở, các động tác của thân). Khi tâm đã được an định, phải chuyển qua Quán để phát sinh Huệ, ta gọi là Quán niệm. Thật ra, Chánh niệm và Quán niệm có nội dung gần giống nhau, có điều hơi khác là một bên đặt tâm vào giờ phút hiện tại, còn một bên thấy rõ những gì xảy ra trong giờ phút hiện tại.

Phần này được gọi là Quán bất tịnh, vì quán thấy mọi thành phần của thân đều được cấu tạo bằng những thứ dơ bẩn; cũng gọi là Tích không quán, vì tự tánh của thân là không, do nhiều yếu tố hợp lại mà thành nên nó không có chủ tể. Phật dạy chúng ta quán sát thân mình từ chân lên đầu, từ ngoài vào trong một cách tỉ mỉ. Quán đến độ tâm trở nên sáng suốt vô cùng, thấy mọi thành phần của thân rõ ràng như người đổ bao đồ ra, thấy rõ từng thứ đựng trong bao, thứ nào ra thứ ấy, không lẫn lộn. Từ đó, mọi chấp trước sai lầm về thân, như cho thân này là quý, là thường hằng, là thật có... đều không còn. Chúng ta sẽ nhận ra, thân này do nhiều thành phần hợp lại, không có gì là tự thể của nó, nó vừa bất tịnh lại vừa duyên hợp, do vay mượn nhiều yếu tố bên ngoài mà thành. Quán niệm thành tựu, chúng ta không còn có chấp ngã trên thân nữa. Ngã không còn thì ngã sở do đâu mà có được?

5. Quán niệm qua tứ đại giả hơp.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về các vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”. Này các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”. Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Đây là lĩnh vực thứ 5 trong pháp Quán thân trên thân, mục đích để thấy rõ tính chất duyên sinh vô ngã của thân. Thân người hợp thành do bốn đại: Đất, nước, gió, lửa. Vì sao gọi là “Đại”? Vì như đất - nước - gió - lửa là bốn yếu tố có mặt không chỉ ở trong thân, mà còn ở cùng khắp thế giới và cả trong vũ trụ vô biên. Địa đại bên ngoài là đất, bên trong là chất cứng của cơ thể như thịt, xương; Thủy đại bên ngoài là nước, bên trong là chất lỏng như máu, dịch tiết; Phong đại bên ngoài là gió, bên trong là mọi sự chuyển động như hô hấp, tuần hoàn; Hỏa đại bên ngoài là lửa, bên trong là hơi ấm của cơ thể. Sự hiện hữu của bốn yếu tố này rất lớn lao và trùm khắp, nên được gọi là Đại.

Tứ đại bên ngoài là Năng tạo, cơ thể chúng ta vay mượn chúng để tạo nên thân này. Vào trong thân, chúng trở thành Tứ đại Sở tạo. Nếu không vay mượn Tứ đại Năng tạo mỗi ngày, cơ thể chúng ta sẽ không tồn tại được: Mũi hít thở không khí từ mười lăm đến mười tám lần trong một phút, là mượn phong đại bên ngoài; ăn cơm uống nước là mượn địa đại và thủy đại... Nhưng mượn rồi cũng phải trả, cho nên thân thể khỏe mạnh khi sự vay và trả được thông suốt, khi tứ đại bên trong được điều hòa. Nếu có vay mà trả ra không được, hoặc trong bốn đại có một đại trội hơn, thì bệnh tật sẽ phát sinh.

Như một người đồ tể hay học trò của người ấy, chia con bò ra nhiều thành phần rồi xem xét, chúng ta cũng quán sát thân này bằng cách chia thân thành bốn thành phần. Rõ ràng thân là giả hợp, không có tự thể, thân là duyên sinh vì nó vay mượn những thứ không phải nó để tạo thành nó. Quán đến sâu xa, ta sẽ không thấy cái gì là tôi, của tôi và tự ngã của tôi, mọi pháp đều bình đẳng trong tự tánh không; đây là sự nhận biết của người đã thâm nhập quán môn này.

Chúng ta là phàm phu, thường phân biệt người này với người khác qua hình tướng. Lại thêm cái lầm lẫn, lúc đất - nước - gió - lửa còn ở bên ngoài thì biết là của trời đất, nhưng lúc mượn vào thân thì lại cho đó là mình. Đây là cái thấy điên đảo, không đúng lẽ thật. Ngược lại, một bậc đã thành tựu quán niệm, sẽ thấy mình và mọi chúng sanh đều trong thể bình đẳng, vì đều do tứ đại giả hợp thành thân, không có tự thể nên tánh nó là Không. Đạt được Bình - đẳng - quán, vị ấy sẽ không còn chấp ngã. Đây là kết quả của công phu Thiền quán.

Một điều chúng ta cũng cần lưu ý: Xét về tâm lượng của tứ đại. Như đối với đất, chúng ta thấy, đổ nước dơ trên đất, đất không giận; đổ dầu thơm lên đất, đất chẳng mừng; một kẻ gian ác đi trên đất, đất không buồn; một bậc Thánh nhân đi trên đất, đất cũng chẳng vui. Nước, gió và lửa cũng có tâm lượng như thế; bởi vì, tứ đại vốn là vô chấp, vô trước, vô trụ. Bản tánh của chúng là Như. Chúng ta không thấy được trạng thái Như thị của tứ đại, không liễu ngộ được thật tướng của các pháp, nên chúng ta còn chấp trước, phiền não và trầm luân. Cho nên, tu hành không phải là tiêu diệt hay chối từ các pháp, mà nhận chân được thật tướng của chúng. Lúc ấy, thân tứ đại ngũ uẩn sẽ không còn là ràng buộc mà là một thực thể nhiệm mầu. Chúng ta sẽ vận dụng thân này vào trong pháp giới để hoằng hóa độ sanh, sao cho tất cả chúng sanh đều được lợi ích như chính mình.

6. Quán niệm thi thể trong nghĩa địa.

Đức Phật dạy cách quán về sự bất tịnh của thân sau khi chết, nhờ đối tượng là các tử thi bỏ trong Thi-lâm. Theo phong tục Ấn Độ thời xưa, người chết thường được an táng bằng cách thả trôi theo dòng sông, hay thiêu xác, hoặc để nằm trong rừng cho muông thú ăn thịt. Rừng ấy được gọi là Thi-lâm.

Chúng ta thấy các vị Tỷ-kheo rất gan dạ, hàng ngày vào tại Thi-lâm, trực tiếp nhìn các tử thi để thực hiện phép quán này, lần lượt qua bốn giai đoạn:

a) Giai đoạn 1.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Đây là giai đoạn đầu, một đến ba ngày sau khi tắt thở. Các vị Tỷ-kheo trực diện với tử thi qua từng giai đoạn của sự hủy hoại thân người. Các vị thấy tử thi bắt đầu trương phồng lên, sau đó xanh đen lại và nát thối ra. Bản chất của thân rõ ràng không ra gì, chỉ là một đống thịt thối! Lúc còn sống, phân biệt giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu...; đến khi chết, nằm bất động ở đó thì ai cũng như ai, chỉ là một vật vô tri, không có giá trị gì. Các vị thực hiện pháp quán này, thấy rõ thân mình rồi cũng như thế, tự nhiên nhờm gớm xác thân, không còn chấp ngã và cũng không còn tham đắm dục lạc thế gian.

Một số vị Tỷ-kheo, sau khi quán bất tịnh một thời gian, thấy quá chán chê ghê tởm thân mình, nên nhờ người khác giết chết mình. Đức Phật biết được liền quở rất nặng, sau đó dạy rằng, khi quán bất tịnh đã thành công thì phải trở lại quán tịnh, mới khởi lên chánh trí. Đồng thời, Ngài chế ra giới luật “Tự tử cũng phạm giới sát sanh”. Ngay giới cấm này cũng mang một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với những người chịu quá nhiều đau khổ, truân chuyên trong cuộc sống. Nhiều người muốn thoát những nỗi khổ triền miên ấy, nên tự vẫn, cho là có thể trốn tránh được nợ đời. Họ đâu biết rằng, quả khổ đời này là do nhân của những đời trước đã tạo ra. Nếu không cam lòng gánh chịu, lại hủy hoại đời mình, thì trong vòng luân hồi, họ lại phải thọ nhận khổ đau cùng cực hơn ở những kiếp sau. Bởi vì nghiệp theo sát chúng ta như bóng với hình, không làm sao tránh khỏi, chỉ có tu hành theo chánh pháp mới có thể chuyển được nghiệp.

b) Giai đoạn 2.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài dã can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Đến giai đoạn tử thi bị chim muông, thú rừng ăn thịt, côn trùng rúc rỉa, cấu xé từng mẩu từng phần. Mặc cho chúng làm gì thì làm, thân ấy vẫn im lìm, không một chút phản ứng. Lúc sống thì tham sân si đầy dẫy, xem thân là quý, là thật ta, ai đụng chạm đến là không chịu nhịn, ăn thua nhau từng câu nói. Bây giờ nằm đó, thân xác bị xé làm trăm mảnh, nó là của ai? Lúc này, bà con quyến thuộc ở đâu, ai đến nâng niu chăm sóc cho mình?

c) Giai đoạn 3.

Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại...; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại...; với các bộ xương không còn dính thịt, dính máu, còn được các đường gân cột lại; chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Khi chim muông, thú rừng, côn trùng đã rúc rỉa hết da thịt, tử thi bây giờ chỉ còn lại bộ xương. Lúc đầu xương còn liên kết với nhau, còn dính ít máu thịt và còn những đường gân cột lại. Lần lần, thịt máu tiêu hết, các đường gân cũng không còn; bộ xương nguyên vẹn giờ rã thành từng đốt, từng đoạn, rải rác chỗ này chỗ kia. Đến giai đoạn này, một con người từng hoạt động nói năng, từng đấu tranh bon chen trong cuộc sống, không những đã trở thành vật vô tri vô giác, mà ngay cả cái hình hài nguyên vẹn cũng không còn! Con người ấy đang ở đâu, trong một lóng xương tay, xương chân, hay trong cái xương sọ lăn lóc trên mặt đất? Vị Tỷ-kheo quán thân người, rồi nhìn lại thân mình cũng thấy cùng một tánh chất ấy.

d) Giai đoạn 4.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn ba năm... chỉ còn là xương thối trở thành bột. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Đây là giai đoạn cuối cùng của sự phân hủy một tử thi. Đống xương rải rác trở nên màu trắng vỏ ốc, lâu dần mủn ra thành bột. Gió thổi bột xương bay đi tứ phía, thân cát bụi đã trả về cát bụi. Quán đến tận cùng và sâu xa như thế, vị Tỷ-kheo thấy rõ tính bất tịnh, giả hợp và vô thường của thân. Từ đó, ý thức chấp ngã không còn, vị ấy xa lìa phiền não, chấp trước; đối với bao trở ngại thăng trầm của cuộc sống, vị ấy vẫn thanh thản, bình yên.

Tóm lại, trong phạm trù về thân, Đức Phật dạy chúng ta chánh niệm và quán niệm về sáu lĩnh vực, từ trừu tượng như hơi thở, rồi tứ đại giả hợp, đến hình tướng cụ thể như các động tác hay các thành phần của thân; từ lúc thân còn hoạt động nói năng hàng ngày đến khi trở thành một tử thi bất động. Tùy theo từng lĩnh vực mà chúng ta thực hiện chánh niệm hay quán niệm; nặng về quán ngay trên thân mình (quán thân trên nội thân), hay quán thân người để soi lại bản thân mình (quán thân trên ngoại thân), hoặc quán toàn bộ các thành phần bên trong và bên ngoài cơ thể của chính mình (quán thân trên nội thân, ngoại thân). Tất cả phương tiện ấy đều giúp chúng ta xoay trở về con người của mình. Khi dùng ánh sáng trí tuệ soi sáng từng ngõ ngách sâu kín của xác thân, chúng ta sẽ nhận ra bản chất của thân này là bất tịnh, là vô thường, là duyên sinh vô ngã. Thân xác này rõ ràng chỉ là giả hợp, không thật có, không phải là mình. Thân đã không thật thì những thứ thuộc về thân cũng là giả tạm mà thôi. Cho nên, thân tướng của tất cả chúng ta là giả tướng, còn tên họ địa vị quyền lực cũng chỉ là giả danh. Từ đó suy ra, mọi danh vị trên thế gian đều là giả danh, mọi hình tướng trên thế gian đều là giả tướng. Quán chiếu sâu xa như thế, dùng tri kiến như thật nhận rõ tự thân của các pháp, chúng ta sẽ không còn tham đắm bất cứ điều gì. Chúng ta sẽ xa lìa những chấp trước, những khổ đau, an lạc bước từng bước vững chãi trên bao trở ngại của cuộc sống đời thường.

Có một vấn đề chúng tôi xin đặt ra: Kinh Niệm Xứ là một bài kinh thuộc hệ Pàli. Đức Phật dạy Chánh niệm qua hơi thở, nội dung là theo dõi hơi thở vào và ra. Đây là phương pháp Tùy tức. Như vậy, pháp Sổ tức (đếm hơi thở) đã được Đức Phật dạy vào lúc nào, hay do các vị Tổ đời sau chế ra cho phù hợp với trình độ của các hành giả sơ cơ? Chúng tôi ngưỡng mong các bậc cao minh chỉ bảo thêm, cho vấn đề được sáng tỏ.

Các tin đã đăng: