Thiền học
Thiền Niệm Xứ
Tác giả: Thích Thông Huệ
17/03/2553 21:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

C. KẾT LUẬN

 

Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, trong bốn năm, trong ba năm, trong hai năm, trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-Kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-Kheo, không cần gì đến bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này trong sáu tháng, trong năm tháng, trong bốn tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn... Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Theo tâm lý thông thường của con người, làm việc gì cũng mong có kết quả, ngay cả việc tu hành. Đức Phật biết rõ điều đó, nên trong phần cuối của bản Kinh, Ngài cũng nhấn mạnh những kết quả có thể đạt được, nếu chúng ta nỗ lực làm theo lời Ngài chỉ dạy. Lời Phật nói quyết không hư dối, quan trọng là chúng ta phải tinh tấn công phu, duy trì sự tỉnh thức khi động cũng như lúc tịnh, thường xuyên chánh niệm và quán niệm trên bốn lĩnh vực Thân - Thọ - Tâm - Pháp. Làm đúng như vậy, chúng ta sẽ thấy kết quả như sau:

Thời hạn dài nhất, đối với người căn tánh ám độn, nghiệp chướng sâu dầy, theo Đức Phật là bảy năm. Sau thời hạn này, hành giả có thể chứng một trong hai quả: “Chánh trí” là A-la-hán quả, thoát khỏi luân hồi, đẩy lui vô minh, chứng nhập Niết-bàn ngay trong hiện đời; nếu còn tập khí chưa được đẩy lui hết, vô minh vi tế chưa được đoạn trừ, tức còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn là A-na-hàm quả.

Những thời hạn kế tiếp, Đức Phật rút ngắn dần dần, từ sáu hay năm năm xuống còn một vài tháng. Cuối cùng, thậm chí chỉ cần bảy ngày, hành giả cũng có thể chứng một trong hai quả vị trên. Như vậy, yếu tố thời gian ở đây không nhất định, do căn cơ trình độ và sự tinh tấn của mỗi người khác nhau. Đức Phật định hạn kỳ dài nhất là bảy năm, ngắn nhất là bảy ngày cũng là một lối nói tùy duyên uyển chuyển, có tính cách ước định. Những người sống nhiều bằng trực giác, nếu có đầy đủ kiến giải chân chánh và quyết liệt công phu, thường tu hành sớm đạt kết quả. Lục Tổ Huệ Năng tuy không biết chữ, nhưng có một trực giác rất kỳ đặc nên Ngài liễu hội được tinh thần vô nhất vật. Trong khi đó, ngài Thần Tú là Giáo thọ của hơn năm trăm người, vì thức giác nhiều nên không vào được cửa nhà Thiền. Điều này cho thấy, sự giác ngộ tối thượng chỉ đến với những hành giả có nhiệt tâm tinh cần, không buông lung phóng dật, quyết liệt tu hành theo đúng lời Phật dạy. Giác ngộ tối thượng không khi nào có mặt ở những người chỉ biết lý thuyết suông, dù thông suốt tam tạng kinh điển.

Chấm dứt bản Kinh, Đức Phật xác chứng rằng: Bốn Niệm Xứ là con đường độc nhất giúp nội tâm hành giả được thanh tịnh, đoạn trừ phiền não tham sân si, thành tựu trí huệ tối thượng và chứng ngộ Niết-bàn. Tất cả đệ tử Phật, muốn thể nhập tự tánh, đều phải đi theo lộ trình này. Có điều cần nhấn mạnh, chúng ta phải hiểu rõ rằng, tu là dẹp trừ tham sân si chứ không phải dẹp trừ chân tâm thanh tịnh của chính mình. Cũng vậy, Niết-bàn là kết quả của việc đoạn tận phiền não chứ không phải là hủy diệt cuộc sống. Vì thế, không tìm Niết-bàn ở một thế giới nào đó xa xôi hoặc ở thời điểm sau khi chết, mà Niết-bàn chỉ có nơi mảnh đất thực tại và ngay lúc này. Chính công phu thiền tập một cách tinh cần sẽ giúp chúng ta nhận ra được cái sát-na tâm vĩnh hằng ấy.

Sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng về Thiền Kinh Niệm Xứ, tất cả các vị Tỷ-kheo trong pháp hội đều hoan hỷ tin nhận lời dạy của Ngài.

Các tin đã đăng: