Thiền học
Thiền Niệm Xứ
Tác giả: Thích Thông Huệ
17/03/2553 21:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

III. QUÁN TÂM TRÊN TÂM

 

Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo với tâm có tham, tuệ tri: “Tâm có tham”; hay với tâm không tham, tuệ tri: “Tâm không tham”. Hay với tâm có sân, tuệ tri: “Tâm có sân”; hay với tâm không sân, tuệ tri: “Tâm không sân”. Hay với tâm có si, tuệ tri: “Tâm có si”; hay với tâm không si, tuệ tri: “Tâm không si”. Hay với tâm thâu nhiếp, tuệ tri: “Tâm được thâu nhiếp”. Hay với tâm tán loạn, tuệ tri: “Tâm bị tán loạn”. Hay với tâm quảng đại, tuệ tri: “Tâm được quảng đại”; hay với tâm không quảng đại, tuệ tri: “Tâm không được quảng đại”. Hay với tâm hữu hạn, tuệ tri: “Tâm hữu hạn”. Hay với tâm vô thượng, tuệ tri: “Tâm Vô thượng”. Hay với tâm có định, tuệ tri: “Tâm có định”; hay với tâm không định, tuệ tri: “Tâm không định”. Hay với tâm giải thoát, tuệ tri: “Tâm có giải thóat”; hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: “Tâm không giải thoát”.

Như vậy, vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “Có tâm đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm.

Ở đây, Đức Phật dạy chúng ta phải bám sát, theo dõi và nhận diện các hoạt động tâm lý của chính mình khi chúng phát sinh, tồn tại và hủy diệt. Đây là lĩnh vực cực kỳ quan trọng.

Phần này đề cập đến mười sáu loại tâm sinh diệt:

1. Tâm có tham

2. Tâm không tham

3. Tâm có sân

4. Tâm không sân

5. Tâm có si

6. Tâm không si

7. Tâm thâu nhiếp

8. Tâm tán loạn

9. Tâm quảng đại

10. Tâm không quảng đại

11. Tâm hữu hạn

12. Tâm vô thượng

13. Tâm có định

14. Tâm không định

15. Tâm giải thoát

16. Tâm không giải thoát.

Chúng ta cần biết rõ từng ý niệm trong tâm để làm gì? - Theo dõi những tâm hành cũng là con đường nội nhiếp. Khi trở về với đời sống tư tưởng của chính mình, với những đợt sóng sanh diệt trên mặt biển tâm, chúng ta sẽ nhận diện được chúng. Chúng ta không còn đồng hóa mình với các vọng tâm ấy, với các hình thức kiến giải xưa nay, bởi vì tất cả chỉ là bóng dáng của tiền trần. Nhận diện được mọi tâm hành sanh diệt, biết rõ mọi hành tung của chúng, chúng ta mới bắt đầu chuyển hóa được chúng. Mỗi hành giả là một chiến sĩ, vì tu là làm một cuộc cách mạng về nội tâm. Hàng ngày quay cuồng theo ngũ dục, bị lôi kéo bởi những pháp trần, chúng ta để cho các tâm niệm xô đẩy, dập vùi vào những cơn lốc của cuộc đời. Giờ đây, ngồi tọa thiền tĩnh lặng, thấy rõ mọi hình thức sinh diệt trong tâm, và cuối cùng chuyển hóa được nó. Con đường thiền tập, như vậy là con đường thực tế, vì không chạy trốn sự thật, chỉ đem ánh sáng chánh niệm soi thấu từng diễn biến của tâm. Một người biết được mọi hành tung điên đảo của vọng tưởng là người tỉnh giác; đem sự tỉnh giác ấy đi vào cuộc đời, sẽ có lợi cho chính mình và cho mọi người.

Nhưng cái gì biết được mười sáu loại tâm sinh diệt ấy? Đó là cái Thường Biết, cái biết không sinh diệt. Chúng ta lâu nay tự hào với kiến thức, với những hiểu biết giới hạn của mình, nhưng đó chỉ là công năng của chất xám. Đến với Thiền, chúng ta không vận dụng chất xám của vỏ não, mà phát huy năng lực của trung não để có cái biết thâm nhập, cái biết không phân tích, không so sánh, không có ý thức nhị nguyên mà Đức Phật gọi là “tuệ tri”. Chỉ cần tuệ tri, không cần trừ dẹp, đè nén. Đạo Phật không bao giờ chấp nhận một hình thức bạo động nào, đối với mọi tình huống, mọi đối tượng, kể cả trong công phu tu hành. Đây là một nét đẹp rất độc đáo của Phật giáo. Hiểu sâu sắc ý nghĩa này để áp dụng vào cách dụng công, chúng ta sẽ tu một cách nhẹ nhàng thoải mái mà có kết quả nhanh chóng, càng tu càng thấy an lạc, thanh lương.

Suy ngẫm lời Phật dạy: “Tỷ-kheo, với tâm có tham, tuệ tri: Tâm có tham; hay với tâm không tham, tuệ tri: Tâm không tham”. Người thế gian thường quan niệm, có tham mới có phấn đấu, nhờ vậy mới tiến bộ. Nhưng thử hỏi, một người hay đua đòi, hay đuổi theo xa hoa vật chất, so với một người biết buông xả, sống đời vô dục vô tham, thì ai hạnh phúc hơn ai? Người tham lam không bao giờ biết đủ, suốt đời cố tạo dựng tài sản sự nghiệp, tìm mọi cách để thỏa mãn những ước muốn ngày càng cao của mình. Ngay cả người tu, có những tâm niệm tốt như muốn thành Phật tác Tổ, đó cũng là tham, dù là cái tham cao thượng. Ngược lại, người không tham vẫn làm việc như mọi người, nhưng làm với tâm không, làm mà không chấp trước. Các vị Thiền sư tổ chức mọi việc trong chùa, nuôi hàng trăm đồ chúng, nhưng các Ngài tính toán mọi việc bằng tâm định tĩnh nên năng suất làm việc rất cao, xử lý chu toàn mọi việc, dù ngang dọc mà vẫn ở trong đạo lý.

Thời Đức Phật, có một vị Tỳ-kheo tên Bhaddiya. Trong một buổi tọa thiền cùng đại chúng, bỗng nhiên vị ấy la lên thật lớn: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc! ”. Các vị Tỳ-kheo khác nghĩ rằng, có lẽ vị ấy nuối tiếc quá khứ giàu sang phú quí của mình chăng. Do vậy, các Ngài trình sự việc lên Đức Phật.

Phật gọi Tỳ-kheo Bhaddiya lên trước đại chúng, hỏi lý do. Ngài Bhaddiya trả lời rằng: “Bạch Thế Tôn! Chính con đã thốt lên câu ấy. Lúc trước, con là quan Tổng trấn, nhà cao cửa rộng kín cổng cao tường, đi đâu cũng có lính hầu, nhưng lúc nào con cũng cảm thấy bất an, phiền não, vì sợ của cải thất thoát, sợ người ám hại, vì phải lo toan đủ mọi điều. Bây giờ con chỉ có ba y một bình bát, sống đời thênh thang như hư không, chẳng sợ mất mát tài sản, chẳng lo có kẻ hãm hại. Lúc tọa thiền, tâm con thấy an lạc hạnh phúc vô cùng nên không kềm giữ được, phải thốt lên những lời như thế”. Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo: “Tỳ-kheo Bhaddiya đã bước từng bước vững chãi và thảnh thơi trên đường đạo. Niềm vui ấy, đến chư Thiên cũng ao ước, đừng nói chi là con người. Một ngày không xa, chắc chắn Tỷ-kheo Bhaddiya sẽ đạt được Thánh quả”.

Chúng ta thấy rõ kết quả đáng ao ước của một cuộc đời vô tham vô dục. Theo Duy thức học, vô tham là một Thiện-tâm-sở, tham là Ác-tâm-sở. Trong Kinh Niệm Xứ, Phật dạy chúng ta phương pháp nào để được vô tham? - Phật không dạy chúng ta diệt tham bằng cách trốn tránh, xa lánh nó, càng không phải bằng cách kềm giữ, đè nén, mà chỉ bằng tuệ tri thôi. Đem ánh sáng chánh niệm đi vào tự thân của tham, tham sẽ tự động biến mất. Đó là thực hiện sự chuyển hóa.

Tương tự cho các loại tâm hành khác, có tâm nào nổi lên, chúng ta cũng chỉ biết một cách nhẹ nhàng. Tất cả mười sáu loại tâm sinh diệt, chỉ cần BIẾT là đủ. Bởi vì đây là cái biết như thật, biết mà không có một ý niệm chủ quan nào xen vào; đây là cái biết hợp với tri kiến không sanh không diệt, biết bằng trực giác không qua trung gian suy luận. Chính là cái biết “Tri kiến vô kiến” trong Kinh Lăng Nghiêm.

Càng đi sâu, chúng ta càng thấy Định trong Thiền Kinh Niệm Xứ là đại định, thường định, chơn định. Bởi vì, với chỉ một lĩnh vực về tâm, chúng ta đã quán xuyến tất cả tâm hành của chính mình ở mọi nơi mọi lúc, không hạn cuộc thời gian và không gian, không lệ thuộc vào tư thế công phu. Bất cứ ở đâu và lúc nào, chúng ta cũng có thể soi sáng thân tâm mình, miên mật từng phút giây. Rõ ràng các pháp môn Phật dạy đều là tôn trọng sự sống, không hủy hoại các pháp: Đây là tinh thần vô trú, vô trước, vô nhiễm. Khi ăn ta vẫn biết thức ăn ngon hay dở, chỉ không thêm niệm tham hay sân vào. Chúng ta có quyền bảo dưỡng xác thân để phục vụ cho đời sống tu hành, chúng ta không trấn áp những nhu cầu thiết yếu của bản thân; cũng như người tài xế phải bảo trì chiếc xe để đưa mình đến đích. Có điều, chúng ta phải làm mọi việc bằng chánh niệm. Có chánh niệm soi sáng thực tại, chúng ta sẽ luôn sống với cái “đang là”. Các pháp trở nên hết sức nhiệm mầu, vì tất cả đều ở trong trạng thái như thị.

Bài Kinh Niệm Xứ được thuyết bằng kinh nghiệm của chính bản thân Đức Phật. Trong sáu năm khổ hạnh rừng già, Phật đã dùng phương pháp bạo động đối với thân thể, cảm thọ và những tâm ý của mình. Vì thế Ngài thất bại. Trở về sự sinh hoạt bình thường, không kềm chế thân tâm, theo con đường Trung-đạo, Ngài đã hoát nhiên đại ngộ sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội cây Tất-bát-la. Cho nên sau này, đạo Phật luôn luôn chủ trương bất bạo động, từ các pháp môn tu hành đến cách đối nhân xử thế. Đạo Phật chưa từng có một cuộc Thánh chiến nào, chưa từng có một vết nhơ nào trong lịch sử truyền đạo. Đến đâu, đạo Phật hòa nhập đến đó, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương đó. Bản chất của đạo Phật là tôn trọng sự thật; muôn pháp như thế nào, thấy biết y như thế đó, và cũng truyền trao cho người khác toàn bộ sự thật về con người và cuộc đời. Những lời Phật dạy đều là những chân lý tuyệt đối, không thay đổi theo thời gian và không gian. Kinh Di Đà dùng một hình tượng rất hay để biểu trưng về sự thật muôn đời trong lời dạy của Đức Phật, là tướng lưỡi dài rộng che phủ khắp tam thiên đại thiên thế giới (Xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thật ngôn).

Từ phương pháp quán tâm trên đây, chúng ta liên hệ với pháp môn “Tri vọng” của Hòa thượng Trúc Lâm. Vọng là những tư tưởng, tình cảm phát sinh khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Như thế, vọng gồm tất cả mười sáu loại tâm hành sanh diệt. Những niệm khởi lên, chúng ta biết đó là vọng, không theo; vọng ngay đó liền mất. Như vậy, phương pháp này cũng sử dụng cái biết. Mọi hành tung của vọng tưởng đều không thoát khỏi cái biết này, thì có khác gì tinh thần quán tâm trên tâm ở đây? Thật ra, Phật - Tổ đều sử dụng cái Biết để khai thị cho chúng sanh. Từ Kinh Nguyên thủy như Kinh Niệm Xứ, đến các kinh điển Đại thừa với yếu chỉ rất rõ ràng: “Tri thị không hoa tức vô lưu chuyển, Diệc vô thân tâm thọ bỉ sanh tử - Biết là hoa đốm giữa hư không liền hết lưu chuyển, cũng không có thân tâm để thọ nhận sự sanh tử kia” (Kinh Viên Giác); Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, Tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn - Thấy biết mà thêm thấy biết là gốc vô minh, Thấy biết không thêm thấy biết đó chính là Niết-bàn” (Kinh Lăng Nghiêm). Đặc biệt trong nhà Thiền, hành giả phải luôn luôn xoay lại chính mình để soi thấu mọi chuyển biến trong tự thân, đó là tinh thần “phản quan tự kỷ”. Khi thấy được tất cả diễn tiến của tâm niệm, hành giả đã bắt đầu phát triển định lực. Tuy vọng niệm vẫn còn, nhưng lúc vọng khởi lên, bất cứ nơi nào thời nào, hành giả đều biết rõ, nên cái biết không bị hạn cuộc bởi thời gian và không gian. Công phu của hành giả tu Thiền là chứng nghiệm vào giờ phút hiện tại, vào trong tự thân của thực tại đang là. Thiền là đời sống chứ không phải là kiến thức, không phải là hành vi của ý thức phân biệt nhị nguyên. Do vậy, sống Thiền là phải luôn tỉnh giác, thắp sáng chánh niệm để nhận rõ mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Có một số người chưa hiểu cặn kẽ và chưa hành trì theo phương pháp Tri vọng, vội vàng phê phán là không phù hợp với kinh điển, là vẫn còn phân biệt năng và sở, nên không phải là pháp môn rốt ráo. Đối với những người sơ cơ, nếu không tạm lập bày từng giai đoạn công phu, ngay lập tức đưa vào chỗ cứu cánh tuyệt đối, thì họ biết đường nào tu hành? Cho nên, trong giai đoạn đầu, Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta biết rõ tất cả những ý niệm, tình cảm trong tâm mà lâu nay chúng ta lầm cho là mình, đều chỉ là vọng tưởng. Biết là vọng nên không theo nó; không theo thì không tạo nghiệp. Lúc này, rõ ràng là phải có sự phân biệt giữa năng và sở. Đến giai đoạn tiếp theo, khi liễu vọng thì cái năng biết cũng phải buông luôn. Tâm chúng ta trở nên an định, rỗng rang, trùm khắp. Trong giai đoạn này, có một số người lại lầm chấp sự an định rỗng rang này là tâm thể của mình, rồi an thân lập mạng trong đó. Nhà Thiền gọi đây là “đầu sào trăm trượng”, phải nhảy thêm một bước. Mạnh dạn buông tay cho chết một lần, từ đó mới có cuộc tái sinh! Bởi vì, cái gì biết được trạng thái yên lặng mênh mông đó? Đó không phải là cái năng biết, cũng không phải cái sở biết, mà là THƯỜNG BIẾT. Đây chính là “Đại sự nhân duyên” mà chư Phật - Bồ tát muốn truyền trao cho chúng sanh.           

Hành trì qua hai lĩnh vực quán thân và quán tâm theo lời Phật dạy, chúng ta thấy lóe sáng những điều gì?

Một là, chúng ta thấy rõ ràng, xưa nay chúng ta nhận lầm tấm thân tứ đại này, và những tâm niệm lăng xăng sinh diệt này là mình. Vì chấp đó là tôi, của tôi và tự ngã của tôi, nên phiền não tham sân si cứ theo đó mà dấy khởi, thân khẩu ý cứ mãi tạo nghiệp, lăn lộn trong luân hồi sanh tử không có ngày cùng. Giờ đây chúng ta hiểu ra, cả thân lẫn tâm chỉ đều là duyên sinh giả hợp, nay còn mai mất, không phải thật mình. Vì nó duyên sinh nên nó không có chủ tể, vì nó giả hợp nên không đồng nhất, và vì nay còn mai mất nên nó vô thường, không bất biến. Do không có chủ tể, không đồng nhất và không bất biến, nên là vô ngã. Không còn ý thức chấp ngã, chúng ta đã đạt được mức độ “Giác ngộ hạ”, theo tinh thần của Hòa thượng Trúc Lâm trong “Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20”.

Hai là, khi thắp sáng chánh niệm trên từng dòng chảy của tâm, chúng ta thấy rõ tính chất hư ảo của chúng. Con người thường để tâm dong ruổi theo tương lai, nhớ tưởng về quá khứ, không bao giờ bằng lòng với thực tại mình đang sống. Chúng ta cứ luôn thấy mình như thiếu một điều gì, vì thế mãi chạy đi tìm một viễn ảnh mà suốt đời mình không bao giờ bắt được. Từ đó, chúng ta mãi mãi khổ đau vì không thỏa mãn được điều mình mong ước. Cho nên Phật bảo, chúng sanh đang ở trong trường đại mộng, cứ mãi lăn lộn trong mộng tìm những niềm vui tạm bợ, thật đáng thương thay! Giờ đây, biết được bản chất không thật của những tâm hành sanh diệt, chúng ta không còn bị chúng sai sử, chi phối. Ngay đó là giải thoát. Không những giải thoát khỏi mọi sầu bi của cuộc sống, mà hơn thế nữa, do mắc xích tham ái trong mười hai nhân duyên bị chặt đứt, nên mặc nhiên chúng ta giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Ba là, khi quán sâu vào cội rễ của từng tâm niệm, chúng ta phát hiện rằng, các cặp phạm trù tham - vô tham, sân - vô sân... chỉ là hai mặt của một thực thể. Khi có gió, mặt biển dậy sóng; khi không có gió, mặt biển lặng yên; nhưng sóng và biển đều cùng bản chất là nước. Cũng vậy, nếu trở về nguồn cội xa xưa, trong tận uyên nguyên của cuộc sống, chúng ta là những người vô sự. Nhưng do nổi sóng tham sân si, bối giác hiệp trần, chúng ta mất đi sự bình an muôn thuở. Nhưng quê nhà vẫn còn đó, hòn ngọc Như ý vẫn ở đây, chỉ cần chúng ta luôn đặt tâm vào giờ phút hiện tại, dứt bặt mọi ý niệm lưỡng phân, sáu căn không dính mắc với sáu trần; miên mật công phunhư thế, một lúc nào đó đủ thời tiết nhân duyên, chúng ta sẽ trực nhận được cái nguồn cội ấy của vũ trụ nhân sinh. Gã cùng tử lang thang bao đời kiếp đã trở về nhận lại gia tài vốn có của mình!

Các tin đã đăng: