Thiền học
Thiền Niệm Xứ
Tác giả: Thích Thông Huệ
17/03/2553 21:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

IV. QUÁN PHÁP TRÊN CÁC PHÁP

 

1. Đối với năm triền cái.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nội tâm có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi có ái dục”; hay nội tâm không có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có ái dục”. Và với ái dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có sân hận, tuệ tri: “Nội tâm tôi có sân hận”; hay nội tâm không có sân hận, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có sân hận”. Và với sân hận chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã sanh, nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên”; hay nội tâm không có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có hôn trầm thụy miên”. Và với hôn trầm thụy miên chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi có trạo hối”; hay nội tâm không có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có trạo hối”. Và với trạo hối chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có nghi, tuệ tri: “Nội tâm tôi có nghi”; hay nội tâm không có nghi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có nghi”. Và với nghi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.

Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái.

Chúng ta đã khảo sát ba chi phần: Thân, Thọ và Tâm. Chi phần thứ tư là quán Pháp trên các pháp.

Khi thực hiện chánh niệm đối với Thân, Thọ, Tâm, chúng ta phát triển quán niệm trên các Pháp để thấy được quá trình sinh khởi, tồn tại và hủy diệt của chúng, cuối cùng thành tựu trí giác Bồ đề. Các pháp đều do duyên sinh, cũng do duyên diệt, nên chúng không có tự thể. Quán tất cả các pháp đều do duyên sinh, chúng ta sẽ thấy rõ vô ngã tính của vạn sự vạn vật, kể cả thân tâm ta. Từ đó, chúng ta thấu triệt được bình-đẳng-tính giữa ta và vạn vật, không còn nhận thức phân biệt ta-người, là một nhận thức lầm lẫn về tự thân và cuộc đời.

Trước tiên, Đức Phật dạy chúng ta quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Triền là trói buộc, Cái là che đậy; Do che đậy bản tâm thanh tịnh nên vô minh, do trói buộc nên làm trở ngại sự giải thoát. Năm triền cái gồm có: Ái dục, Sân hận, Hôn trầm thụy miên, Trạo hối và Nghi. Đối với mỗi triền cái, chúng ta đều phải quán qua năm tình huống:

1. Nội tâm có triền cái.

2. Nội tâm không có triền cái.

3. Triền cái chưa sanh nay sanh khởi.

4. Triền cái đã sanh nay được đoạn diệt.

5. Triền cái đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa.

Dù trải qua tình huống nào, chúng ta cũng chỉ làm một điều: đó là TUỆ TRI. Muốn có tuệ tri, tức cái biết bằng trí tuệ, trước tiên chúng ta phải thành tựu chánh niệm, sau mới phát khởi trí giác. Nếu quán niệm mà tâm còn loạn tưởng thì chúng ta chỉ thấy các pháp một cách hời hợt trên mặt ý thức. Ý thức chỉ cho thấy ngoài rìa sự vật mà không thể đi sâu vào trong tự thân của các pháp. Cho nên, ý nghĩa của Tuệ tri là thẩm thấu vào trong lòng sự vật, không qua trung gian hiểu biết phân biệt nhị nguyên.

Lúc an trú trong chánh niệm, chúng ta sẽ thấy rõ hành tung của các triền cái. Đối với ái dục và sân hận, có lẽ mọi người đều hiểu và đều trải qua không biết bao nhiêu lần trong đời. Đây là tình cảm bình thường vốn có của tất cả chúng sanh trong cõi dục, vì si mê chấp có ta thực người thực, nên sinh tham ái; nếu tham không được thỏa mãn sẽ đưa đến sân hận. Ở đây, điều đặc biệt là Phật không dạy chúng ta làm cách nào để trừ dẹp chúng, mà chỉ dạy chúng ta Tuệ tri. Lúc trí giác Bồ đề đi thẳng vào tự thân các pháp, cái biết hoàn toàn hòa nhập với cái bị biết, thì tự nhiên mọi pháp được chuyển hóa.

Ba triền cái sau đây thường xảy ra với những người tu:

1. Hôn trầm là trạng thái lơ mơ, nửa mê nửa tỉnh, còn Thụy miên là ngủ gục, thường thấy ở những người ngồi thiền hay đang nghe thuyết pháp. Hôn trầm làm tâm ta bị chìm đắm, không sáng suốt. Khi quán chiếu biết ta đang hôn trầm, tự nhiên nó không còn chi phối được ta. Các vị tu thiền, khi đạt được định sâu, vẫn tỉnh táo sáng suốt dù không ngủ trong thời gian dài. Cũng như Đức Phật, mỗi ngày chỉ ngủ một giờ, nằm theo tư thế kiết tường, vì thế Ngài được tán thán “Na-già thường tại định”.

2. Trạo hối gồm Trạo cử và Hối tiếc. Trạo cử có ba: thân trạo là thân động đậy, nhúc nhích mãi không yên; khẩu trạo là miệng nói liên tục, nhiều lúc nói không suy nghĩ, làm tổn hại cho mình và cho người khác; ý trạo là tâm tán loạn, nghĩ vẩn vơ như khỉ chuyển cành. Do thân - khẩu - ý không yên, lại ăn năn hối tiếc những chuyện quá khứ, nên mất đi sự bình ổn nội tâm.

3. Nghi là một chướng ngại tinh thần, làm chúng ta khó tiến bộ trên đường tu, gồm nghi Phật, nghi Pháp và nghi bản thân mình. Nghi Phật và Thầy Tổ có thật sự là người giác ngộ và dạy chúng ta đi đến giác ngộ không; nghi phương pháp chúng ta đang tu có thật sự là con đường giải thoát không; nghi bản thân phước mỏng nghiệp dày, không biết có căn tu không. Đây là căn bệnh thường gặp của con người, nhất là đối với người trí thức thì hay có lòng nghi đối với thầy và với pháp. Thật ra, các vị thầy hướng dẫn chúng ta tu hành cũng vẫn còn là chúng sanh mang nhiều tập khí phiền não, nếu chúng ta đòi hỏi thầy mình phải thể hiện như một bậc Thánh, mới đủ lòng tin thì chúng ta đã đưa vị thầy lên bục cao thần tượng. Đó là điều không thực tế. Đức Phật dạy: Y pháp bất y nhân, chỉ cần vị thầy dạy chúng ta đúng chánh pháp và thầy trò đều tu theo chánh pháp, sống đời thanh tịnh đạo đức, là ta có thể nương theo. Đối với pháp tu, lúc đầu chúng ta cũng cần đặt nghi vấn để tìm hiểu xem pháp ấy có đúng theo tinh thần Phật dạy không. Khi đã thấu triệt, phải có lòng tin kiên cố không thối chuyển, như thế mới có thể vượt qua bao khó khăn trở ngại về sau. Đặc biệt là đối với bản thân mình, nhiều người mang nặng mặc cảm tự ti, cho mình là kẻ hạ căn hạ trí, hoặc thậm chí không có căn tu, đến nỗi phải nhờ thầy soi căn giùm. Người thế gian khi buôn bán làm ăn, nếu nghi ngờ khả năng của mình thì đã khó thành công, huống nữa trong việc tu hành là việc làm suốt đời suốt kiếp, đòi hỏi một ý chí xung thiên, một nghị lực siêu tuyệt và một lòng kiên nhẫn vô bờ. Do nghi mình nên không nhiệt tâm tinh cần, không phấn phát được chí khí trượng phu, gặp chướng duyên liền bị lui sụt.

Ở đây, chúng ta cũng cần tìm hiểu rõ nghi tình - nghi niệm trong nhà Thiền, cũng là thủ thuật khai tâm của các vị Thiền Sư Đường - Tống. Người tu thường có một trạng thái thao thức bồn chồn, luôn luôn tự hỏi: Ai cũng có Phật tánh, sao ta không thể nhận ra một cách trọn vẹn để sống đời giác ngộ giải thoát? Chính niệm nghi này làm tâm hành giả cô đọng lại ở một chỗ để tìm bằng được lời giải đáp. Khi nghi thành một khối, tâm hoàn toàn an định, trí huệ sẽ khai phát. Đây là hiện tượng “bùng vỡ”, một thuật ngữ thường được sử dụng trong nhà Thiền.

Bằng phương pháp quán niệm đối với năm triền cái, Đức Phật cũng cốt ý đưa chúng ta đến sự khai mở trí huệ như thế. Chúng ta không phải quán các pháp một cách hời hợt bên ngoài, mà phải đi vào trong tự thân các pháp để thấy được bản chất của chúng một cách thấu thể. Muốn vậy, phải thực hiện chánh niệm, luôn đặt tâm vào giờ phút hiện tại; hướng ánh sáng chánh niệm ấy đến đối tượng quán chiếu. Khi chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức hòa nhập trong trạng thái nhất như, sự “bùng vỡ” sẽ xảy ra, thực tại nhiệm mầu mới hé màn bí mật, hành giả thật sự khai ngộ lý tánh tuyệt đối của con người và vũ trụ. Đó là lý do vì sao trong Kinh Niệm Xứ, Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại phân đoạn “Sống quán pháp trên các nội pháp, hay sống quán pháp trên các ngoại pháp...”, xem như một điệp khúc không thể thiếu trong trường ca đạo pháp vi diệu này.

Một hành giả tu theo Thiền Niệm Xứ, khi chuyển hóa hết năm triền cái, sẽ thành tựu được năm thiền chi: Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc và Nhất tâm. Tầm là hướng vào đối tượng, Tứ là bám sát với đối tượng ấy. Một con ong muốn hút mật hoa, trước tiên nó phải bay xung quanh đóa hoa nhiều vòng, đó là Tầm; sau đó bám vào hoa và say mê hút mật như là nhập làm một với hoa, đó là Tứ. Đoạn trừ Hôn trầm thụy miên là đạt được Tầm và Tứ; đoạn trừ Trạo hối và Nghi là đạt Nhất tâm; đoạn trừ Ái dục và Sân hận là đạt được Hỉ, Lạc. Đây là niềm vui nhẹ nhàng thanh thản, không giống như khoái lạc của ngũ dục. Niềm vui trong thiền định có được khi tâm không còn tán loạn, không duyên theo trần cảnh; có tính chất tươi mát, trong sáng, làm cả thân và tâm đều cảm thấy êm ả nhẹ nhàng. Còn khoái lạc của ngũ dục thường rõ nét, sâu đậm nhưng lại vô thường nên gây đau khổ cho người khi nó biến mất. Một miếng ngon làm thích thú nhưng chỉ được vài mươi giây ở miệng, một mùi thơm cũng thoáng qua nơi mũi, một lời khen ngợi làm ta vui... tất cả đều như cơn gió thoảng! Cho nên, các bậc Thánh khi đã đạt được niềm vui thiền định, nhìn thấy chúng sanh mãi mê thụ hưởng ngũ dục lục trần, liền khởi tâm đại bi nguyện lăn lộn vào chốn hồng trần để cứu vớt chúng sanh.

2. Đối với năm thủ uẩn.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy tư: “Đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Đây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt. Đây là tưởng, đây là tưởng tập, đây là tưởng diệt. Đây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt. Đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt”. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn.

Năm uẩn còn gọi là năm ấm. Uẩn là tích tụ, nhóm họp; thân tâm một chúng sanh hữu tình do năm yếu tố hợp lại mà thành, đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ấm là che đậy, do năm yếu tố che đậy bản tâm thanh tịnh sẵn có của chúng sanh. Trong Kinh Niệm Xứ, Đức Phật dùng từ “Thủ uẩn” thật hay và thật chính xác. Thủ uẩn nghĩa là chấp vào năm uẩn cho đó là ta, của ta và tự ngã của ta.

Trong năm uẩn, sắc uẩn tạo thành thân, bốn uẩn còn lại tạo nên tâm thức của chúng ta. Quán niệm đối với sắc uẩn, chúng ta thấy rõ thân xác của mình từ đầu đến chân, từ ngoài vào trong. Thân này do bốn đại hợp thành lúc đủ duyên, đến khi duyên hết thì mỗi đại đi mỗi ngã: chất cứng như da thịt gân xương trả về đất, chất lỏng như nước mắt, máu... trả về nước, chất ấm trả về lửa, chất động như hơi thở trả về gió. Khoa học cũng đã cho ta thấy tường tận cấu tạo của cơ thể con người, chỉ là tập hợp của những tế bào mang nhiều nhiệm vụ khác nhau, mà điểm khởi thủy là sự kết hợp giữa tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ. Phân tích chi ly đến tận cùng, chúng ta cũng chỉ thấy những vòng xoắn ADN và ARN mang những bộ mã di truyền. Vậy thì, có gì là “ta” ở đây?

Trong thiền định sâu, chúng ta có thể quán chiếu rõ ràng từng uẩn với ba quá trình sinh khởi, tồn tại và hủy diệt của chúng, theo cách mô tả ở trên. Sinh khởi là “tập”, tồn tại một thời gian, hủy diệt là “diệt”. Cho nên, khi Đức Phật dạy chúng ta tư duy: “Đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Đây là thọ... Đây là tưởng... Đây là hành... Đây là thức...”, Ngài đã bảo chúng ta, ngay thời điểm hiện tại mà quán triệt được cả năm uẩn trong suốt ba thời. Quán niệm thành tựu, chúng ta sẽ giác ngộ được lý Vô ngã. Từ đó, thấy mình và tất cả chúng sanh đều bình đẳng không hai không khác. Chúng ta cũng thấy được sự liên hệ chặt chẽ, trùng trùng duyên khởi của các pháp, theo ý nghĩa của bài kệ sau đây:

Thử hữu cố bỉ hữu

Thử vô cố bỉ vô

Thử sanh cố bỉ sanh

Thử diệt cố bỉ diệt.

Tạm dịch:

Đây có nên kia có

Đây không nên kia không

Đây sanh nên kia sanh

Đây diệt nên kia diệt.

Thật vậy, nếu thân năm uẩn của chúng ta thiếu đi một hay hai uẩn, có còn là thân nữa không? Suy diễn ra tất cả các pháp bên ngoài, cũng đều nương nhau mà tồn tại. Vạn vật sinh trưởng nhờ ánh sáng mặt trời, nếu mặt trời bị hủy diệt thì tất cả sự sống đều biến mất. Ngay cả con người, tự cho là trung tâm của vũ trụ, là vạn vật tối linh, nếu không có ánh sáng mặt trời sưởi ấm, không mượn các thứ dinh dưỡng bên ngoài, liệu có thể duy trì mạng sống được không? Chúng ta chỉ hơn các chúng sanh hữu tình khác ở cấu tạo não bộ và hệ thần kinh tinh vi và hoàn chỉnh, có hoàn cảnh chánh báo và y báo tốt đẹp hơn nên có thể tu tập và thành tựu giác ngộ ngay trong hiện đời. Nhưng nếu xét về tự tánh, thì mọi loài đều sẵn đủ như nhau, ở Phật không thêm mà ở phàm cũng chẳng bớt. Hiểu sâu sắc những điều này, chúng ta sẽ có một quan niệm đúng đắn về thân năm uẩn, không lệch lạc chủ quan: Biết thân tâm do duyên hợp, hư dối không thật nên không đam mê chấp trước vào nó; nhưng không vì thế mà hành hạ, bạc đãi nó. Ngược lại, phải cung cấp cho nó những phương tiện tối thiểu cần thiết để nó có thể hoạt động tốt, nhờ nó giúp ta tiến tu cho đến ngày viên thành Thánh quả.

3. Đối với sáu nội ngoai xứ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy... tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng... tuệ tri mũi và tuệ tri các hương... tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị... tuệ tri thân và tuệ tri các xúc, tuệ tri ý và tuệ tri các pháp; do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ.

Trong có sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) là sáu nội xứ, ngoài có sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) là sáu ngoại xứ. Mỗi căn có một trần tương ứng, tạo thành một cặp phạm trù riêng biệt, không thể lẫn lộn nhau hay thay thế nhau. Phạm vi của mắt là sắc, mắt không thể nghe tiếng..., tương tự cho các căn trần khác. Khi căn duyên với trần, kiết sử sanh khởi. Kiết là trói buộc, sử là sai khiến; đó chính là Tham - Sân - Si. Lúc thấy sắc đẹp, si mê nổi dậy, sinh lòng ái luyến (tham). Nếu lòng tham không được thỏa mãn, sanh sân hận.

Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn nói về sáu căn rất sâu xa; và đó cũng là yếu chỉ của nhà Thiền: Ngài A Nan thỉnh Phật chỉ dạy, cái gì là nguồn gốc của phiền não sinh tử, cái gì là nguồn gốc của giải thoát Niết-bàn? Ngay lúc ấy, mười phương chư Phật dị khẩu đồng âm, đều trả lời rằng: “Cội gốc của phiền não sinh tử là sáu căn của ông, còn cội gốc của giải thoát Niết-bàn cũng là sáu căn của ông chứ không đâu khác”. Sơ tổ Trúc Lâm Yên Tử, Ngài Điều Ngự Giác Hoàng, trong bài “Cư Trần Lạc Đạo Phú”, có bốn câu kệ như sau:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Hòa thượng Trúc Lâm dịch:

Ở đời vui đạo khéo tùy duyên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Nếu sáu căn duyên theo sáu trần, kiết sử sẽ sanh khởi: như nghe tiếng hát hay, sanh tâm ưa thích; lúc đầu ưa thích giọng hát, sau dần dần thích luôn người hát... Từ ưa thích (ái) sanh ý muốn chiếm hữu cho riêng mình (thủ)... Đó là những mắc xích buộc ràng của thập nhị nhân duyên, giải thích thấu đáo nguồn căn của luân hồi sinh tử. Chúng ta tu, hiểu được lý duyên sinh vô ngã, biết căn trần đều không thật, nên khi tiếp xúc với cảnh không khởi tâm phân biệt tốt xấu hay dở. Đối cảnh không tâm, chính đó là thiền, ngay đó là Niết-bàn giải thoát.

Ở đây, Đức Phật dạy chúng ta tuệ tri đối với từng cặp phạm trù căn và trần, theo năm tình huống:

1. Tuệ tri căn và tuệ tri trần tương ứng: Mắt với sắc, tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với các pháp.

2. Khi căn duyên với trần, phát sinh kiết sử.

3. Kiết sử chưa sanh nay sanh khởi.

4. Kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt.

5. Kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa.

Như vậy, điều thiết yếu là chúng ta phải nhận diện được ngay khi kiết sử phát sinh, theo dõi quá trình tồn tại và đoạn diệt của kiết sử. Hoàn toàn không có ý niệm trừ dẹp hay loại bỏ kiết sử, mà chỉ nhận diện để quán xuyến mọi mối manh, mọi hình tướng của chúng. Khi quán chiếu một cách sâu xa, chúng ta thấy rõ thân tâm và cảnh đều không có thực thể, vì đều do duyên sinh. Sáu căn không thật, tác động với sáu trần không thật, phát khởi tâm đối đãi phân biệt cũng là hư dối, thì kiết sử có thật đâu? Ngay đó là giải thoát phiền não.

Liên hệ với phương pháp biết vọng của Hòa thượng Trúc Lâm, chúng ta thấy hoàn toàn tương đồng. Khi làm việc, năm căn đầu (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tiếp xúc với năm trần tương ứng, phát sinh những tư tưởng khen chê, tốt xấu, yêu ghét...; đây là Tiền-ngũ-thức, danh từ của Duy-thức-học. Lúc ngồi yên hay tọa thiền, những bóng dáng đã in vào tâm thức của chúng ta khi tiếp xúc với cảnh từ trước, nay trổi dậy; đây là ý căn duyên với pháp trần phát sinh Ý thức. Thật ra, ý căn là thành tố của hệ thần kinh trung ương, chỉ động vật cấp cao mới có. Nó cũng là vật chất nhưng dưới dạng rất vi tế, nên còn được gọi là Tịnh-sắc-căn hay Thắng-nghĩa-căn. Như vậy, tất cả những ý tưởng tình cảm mà lâu nay chúng ta cho là thật mình, để gây ra tranh chấp bất hòa khi không cùng ý kiến, Hòa thượng gọi tất cả là “Vọng”. Biết đó là vọng không thật thì không cần đoạn trừ tiêu diệt, chỉ không theo nó, nó liền biến mất. Ngay đó tâm liền an. Thật đơn giản mà kết quả quá tuyệt vời!

4. Đối với Bảy Giác chi.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác Chi. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác Chi? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo nội tâm có niệm giác chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi có niệm giác chi”; hay nội tâm không có niệm giác chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có niệm giác chi”. Và với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với niệm giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có trạch pháp giác chi... (như trên)... hay nội tâm có tinh tấn giác chi... (như trên)... hay nội tâm có hỷ giác chi... (như trên)... hay nội tâm có khinh an giác chi... (như trên)... hay nội tâm có định giác chi... (như trên)... hay nội tâm có xả giác chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi có xả giác chi”; hay nội tâm không có xả giác chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có xả giác chi”. Và với xả giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với xả giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi.

Bảy Giác Chi còn gọi là Thất Bồ Đề phần, là bảy phẩm trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo (*). Giác là giác ngộ, Chi là phần. Đây là bảy phương tiện tu tập giúp hành giả từng bước giác ngộ, khi thành tựu viên mãn sẽ đạt đến giác ngộ tột cùng. Bảy Giác chi, gồm có: Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỉ, Khinh an, Định và Xả.

Vì sao Đức Phật đề cập đến Niệm giác chi đầu tiên? “Niệm” ở đây là Chánh niệm, tâm luôn luôn an trú vào giờ phút hiện tại, chứ không phải những vọng niệm lăng xăng tán loạn. Khi có chánh niệm, chúng ta sẽ theo dõi được từng hành tung của tâm thức, dù được ngụy trang dưới bất cứ hình thức nào. Chúng ta sẽ tuệ tri lúc nội tâm có chánh niệm hay không có chánh niệm; lúc chánh niệm mới sanh khởi hay được tu tập viên thành. Phải có sự miên mật từng phút giây mới có giác ngộ, vì vậy mới được gọi là Giác chi. Mỗi chi phần sau, muốn thực hiện quán niệm có kết quả, cũng phải có chánh niệm đi đầu. Vì vậy, Niệm giác chi là phương tiện thiết yếu.

Có một điểm rất tế nhị mà Đức Phật muốn chúng ta phải khéo nhận ra. Đây cũng là ý chỉ của toàn bộ bản kinh này. Khi nội tâm có niệm giác chi, tuệ tri được điều đó vì ta đang chánh niệm. Nhưng khi nội tâm ta không có niệm giác chi, nghĩa là ta đang thất niệm, tại sao ta vẫn tuệ tri được tức khắc? Như vậy, có một cái Biết luôn luôn hiện diện, bất cứ lúc nào và ở đâu. Cái Biết đó là gì? Chúng ta phải bơi lội trong công phu, phải miệt mài thiền tập mới hy vọng có thể chứng nghiệm được điều này.

Về Trạch pháp giác chi, chúng ta phải hiểu theo hai nghĩa: Trạch pháp là quyết trạch về các pháp, phân biệt pháp chánh tà, thiện ác, đúng sai. Đây là cái hiểu của ý thức, ở cấp độ thấp. Theo tinh thần bản Kinh Niệm Xứ, Trạch pháp giác chi nghĩa là nhờ chánh niệm nên hành giả thấy rõ các pháp trong tận cùng nguồn cội thâm sâu của chúng. Đây là cái thấy của trực giác nên thấu suốt được lý tánh tuyệt đối của các pháp. Nhờ chánh niệm mới có trạch pháp, vì vậy gọi là Trạch pháp giác chi.

Khi thấu suốt được mọi sự mọi vật trong tận uyên nguyên của chúng, ta cũng quán triệt được lý duyên sinh và vô ngã của các pháp bên ngoài, cũng như thân tâm của chính bản thân ta. Từ đó, chúng ta có một niềm tin kiên cố không gì lay chuyển nổi, rằng trong cái vô thường sanh diệt của thân tâm và cảnh, vẫn luôn luôn hiện hữu một pháp thân chân thường chưa hề sanh diệt; và con đường Phật-Tổ dạy chúng ta đi là con đường đúng đắn trở về sống với cái chân thường ấy. Lúc niềm tin được vững chắc mạnh mẽ, thì không có một trở lực nào có thể ngăn được bước tiến của chúng ta, dù đến từ bên ngoài hay ở ngay bên trong. Đây là tinh thần của Tinh tấn giác chi. Nếu người tu mà không giữ thời khóa công phu đều đặn, kỹ luật tu hành lỏng lẻo, thì không thể nào thành tựu giác ngộ. Chúng ta có thể coi thường tài sản vật chất, danh lợi ngoài thế gian và trong đạo, thậm chí coi thường cả tính mạng, nhưng không được giải đãi trong công phu. Dù học đến thiên kinh vạn quyển, hiểu được đạo lý một cách sâu sắc, thì đó cũng chỉ là vay mượn kiến thức bên ngoài chứ chưa thực hiện sự tu chứng bên trong. Do vậy, sự tinh tấn rất cần thiết trong đời sống tu hành.

Trong mười đại đệ tử của Phật, ngài A Na Luật được tôn xưng là Thiên nhãn đệ nhất. Câu chuyện của Ngài đã minh chứng được tinh thần của Tinh tấn giác chi. Ngài có đạo tâm rất kiên cố nhưng lại có tật hay ngủ, ngay cả khi Phật đang thuyết pháp. Trong một buổi giảng, thấy Ngài đang ngồi ngủ gục, Đức Phật đã quở trách nặng nề:

“Dốt thay kẻ mê ngủ

Thu mình trong vỏ sò

Một giấc ngủ ngàn năm

Không nghe danh hiệu Phật”.

Ngài chí thành sám hối và nguyện trước Phật, suốt đời sẽ không ngủ nữa. Từ đó Ngài nỗ lực tinh tấn tu hành, do không nhắm mắt ngủ nên hai mắt bị mù. Đức Phật thấy Ngài giữ vững bản nguyện nên dạy Ngài tu tập “Kim Cang Chiếu Minh tam muội”. Chẳng bao lâu, Ngài chứng được Thiên nhãn thông, thành tựu Thánh quả.

Khi có sức chánh niệm khá, tâm bắt đầu được định tĩnh, hành giả sẽ cảm thấy một niềm vui nhẹ nhàng thoát tục, không diễn tả được, đó là Hỉ giác chi. Tiến một bước nữa, là trạng thái an lạc tự tại dù còn mang thân năm uẩn, có thể toát ra bên ngoài khiến người khác cũng nhận ra. Chúng ta thường thấy điều này khi có duyên gần gũi với bậc minh sư. Ngài không cần nói hay có một hành động nào, chỉ cần chúng ta đối trước Ngài là cảm nhận được một không khí tươi mát thanh lương bao trùm, mà ta thường gọi là từ trường của bậc chân tu. Vị nào đạt được Khinh an giác chi đều có thể có một từ trường như thế.

Tiến thêm một bước, thân tâm trở nên nhất như, mọi vọng niệm đều bặt dứt. Tâm không khởi niệm nhưng những gì xảy ra chung quanh ta đều biết. Đây là Định Giác chi. Chúng ta sẽ khó hiểu được trạng thái này nếu không hạ thủ công phu, bởi vì con đường tu Phật không phải nhờ vào những khái niệm lý thuyết, mà bản thân phải tự chứng nghiệm qua sự hành trì. Tuy nhiên, dù đạt đến những tầng thiền định sâu, cũng chưa phải là cứu cánh. Nếu mãi chấp vào trạng thái này, hành giả sẽ rơi vào Si định, nhà Thiền gọi là Tử thủy (nước chết). Đây là đầu sào trăm trượng, phải nhảy thêm một bước, tức phải buông xả hoàn toàn, không còn có người định, không có trạng thái định và không có phương pháp đạt định. Đức Phật gọi bước cuối cùng này là Xả giác chi, một bước quyết định để đạt được giác ngộ tối thượng. Nói theo tinh thần Bát nhã, phải phá sạch mọi chấp trước, kể cả chấp vào quả vị tu chứng, nghĩa là vô sở cầu vô sở đắc. Như thế mới trở về với pháp tánh thậm thâm vi diệu, mới là rốt ráo giải thoát.

5. Đối với Bốn Thánh đế.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Đế. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Đế? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo như thật tuệ tri: “Đây là Khổ”; như thật tuệ tri: “Đây là Khổ tập”; như thật tuệ tri: “Đây là Khổ diệt”; như thật tuệ tri: “Đây là con đường đưa đến Khổ diệt”. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế.

Bốn Thánh đế hay Tứ Diệu Đế, gồm Khổ - Tập - Diệt - Đạo, là một trong hai nội dung rất quan trọng trong kinh điển A-Hàm (nội dung kia là 12 nhân duyên). Hành giả y vào bốn Thánh đế, có thể thành tựu bốn quả giác ngộ từ thấp lên cao là Tu-Đà-Hoàn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-La-Hán; nếu y vào mười hai nhân duyên thì thành tựu quả vị Duyên Giác.

Đế là chắc thật, không sai lầm. Gọi “bốn Thánh đế” có ý nói, khi thâm nhập sâu sắc về bốn đế, hành giả sẽ đạt được Thánh quả. Gọi “Diệu đế” là ngầm tán thán pháp môn này rất vi diệu, nhiệm mầu. “Như thật tuệ tri” nghĩa là tuệ tri một cách như thật, hiểu biết một cách thấu thể nơi tận cùng uyên nguyên của bốn đế.

Trước tiên, Đức Phật dạy chúng ta, khi đã thành tựu chánh niệm, phải phát triển quán niệm về Khổ đế. Là con người, không ai tránh được tám điều khổ: Sanh, già, bệnh, chết, cầu mong không được như ý, xa cách người mình yêu thương, gặp gỡ kẻ mình chán ghét và thân tâm lẫy lừng, gây ốm đau hay khó chịu. Đức Phật vạch ra một cách minh bạch không che giấu lẽ thật này của cuộc đời, khiến chúng ta thấy rõ trên thế gian không có hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu, như từ lâu chúng ta lầm tưởng. Có phải Ngài bi quan quá không? Có phải đạo Phật là một đạo tiêu cực yếm thế không?

Nếu nghiên cứu kỹ giáo lý Phật đà, chúng ta sẽ thấy những điều Phật dạy đều là chân lý muôn đời. Đạo Phật không trốn tránh sự thật. Đạo Phật nhìn thẳng, nhìn xuyên suốt vào sự thật để tìm cách chuyển hóa nó. Đối với Đệ nhất Khổ đế này cũng vậy. Khổ là một lẽ thật của con người và cuộc đời. Đức Phật không bày đặt ra, Ngài chỉ nhận rõ nó và nêu lên cho mọi người cùng thấy. Ngài không muốn chúng ta chỉ hiểu một cách cạn cợt, mà phải thâm nhập vào nó, phải “như thật tuệ tri” đối với nó. Lúc đó, Khổ đế sẽ là chất liệu nung nấu cho chúng ta trên bước đường tu tập, vì có thấm thía được khổ đau vào tận xương tủy, chúng ta mới đêm ngày tìm phương thoát khổ.

Nguyễn Công Trứ đã nói:

“Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe

Trần có vui sao chẳng cười khì? ”

Con người mới sinh ra đã khóc, có phải đã biết trước cuộc sống của mình gắn liền với khổ đau? Thật ra, tiếng khóc đầu tiên lúc lọt lòng mẹ là điều kiện tiên quyết để hệ hô hấp bắt đầu hoạt động, đưa không khí vào phổi và vào vòng tuần hoàn. Nếu không có tiếng khóc đó, trẻ sẽ không sống được, cho nên tiếng khóc là tối cần, liên hệ với cái khổ của cuộc đời cũng vậy. Khổ tuy ghê gớm, nhưng cũng là điều cần thiết và mầu nhiệm nữa. Vì sao nói như vậy? - Vì khổ là một động lực thúc giục loài người hướng thượng và thể nhập vào tận cõi miền sâu xa nhất của cuộc sống. Khi đau, ta mới biết không đau là hạnh phúc. Khi đau khổ tột cùng, ta mới thấy giải thoát khỏi đau khổ là sung sướng vô biên. Mặt khác, những người đã nếm mùi cay đắng, đã nhiều lần thất bại trên đường đời thì mới đầy đủ kinh nghiệm sống, trình độ tâm linh của họ mới cao. Nhiều vị Thiền sư, do ý thức được Khổ đế nên có thể chứng ngộ lúc bị cơn bệnh hoành hành dữ dội.

Vậy thì nguyên nhân của Khổ là ở đâu? Đây là Tập đế. Nếu nói về tình cảm, khổ là do lòng tham của con người, tham không được thỏa mãn sẽ sinh sân hận. Nếu nói về lý trí, khổ do vô minh mà ra. Hòa thượng Trúc Lâm đã giảng về Vô minh rất chi tiết và cụ thể, gồm ba cấp độ:

- Vô minh thượng: Chấp thân tứ đại vô thường này và tâm lăng xăng sinh diệt này là mình. Đây là ý thức chấp ngã, bệnh chung của tất cả mọi người.

- Vô minh trung: Vọng niệm dấy khởi làm che mờ tánh giác, như bụi che lấp mặt gương. Cấp độ vô minh này vi tế hơn ở trước, vì vừa dấy niệm đã là vô minh rồi.

- Vô minh hạ: Quên mình có tánh giác bản nhiên thanh tịnh, như người lạc đường, càng đi càng xa nguồn cội. Đây là cái mê căn bản, là gốc của sinh tử luân hồi.

Như vậy, nguyên nhân đau khổ là Tham - Sân - Si. Biết được nguyên nhân, chúng ta mới biết cách thoát khổ, ấy là làm thế nào đoạn trừ được ba thứ độc này. Quán niệm thành tựu về nguyên nhân của khổ đau, chúng ta đã như thật tuệ tri về Khổ tập.

Giai đoạn thứ ba, Phật dạy chúng ta như thật tuệ tri về Khổ diệt. Diệt là dập tắt. Khi những nguyên nhân của khổ được dập tắt, đoạn trừ, sẽ chứng được Niết-bàn. Đây là trạng thái không còn bóng dáng đau khổ, không còn sinh tử chi phối. Nghĩa của Niết-bàn (Nirvàna) là Vô sanh, cũng là không thêu dệt (với ý không thêu dệt sinh tử). Một lần nữa, chúng ta lại thấy Đức Phật quả là một nhà tâm lý học đại tài. Vì biết chúng sanh ham thích vui vẻ sung sướng, nên Ngài giảng về Diệt đế trước, với hình ảnh một cảnh Niết-bàn rất hấp dẫn. Khi chúng sanh, do thấy rõ trần gian là khổ còn Niết-bàn là an vui, phát tâm tu hành, Đức Phật mới dạy về Đạo đế. Đây là giai đoạn cuối cùng trong quán niệm về Bốn Thánh đế, phải như thật tuệ tri về “Con đường đưa đến Khổ diệt”, chính là những phương pháp tu hành Phật giảng trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mà Kinh Niệm Xứ là bốn trong ba mươi bảy phẩm ấy.

Ở đây, có hai điểm quan trọng mà chúng ta cần quan tâm khi quán niệm về Bốn Thánh đế:

Thứ nhất, muốn quán niệm thành tựu, chúng ta phải có chánh niệm. Bởi vì, nếu nhìn cuộc sống chung quanh bằng sự tỉnh thức, chúng ta mới thấy rõ, đau khổ là chuyện không tránh khỏi của kiếp người; và nếu nhận được thấu thể bản chất của khổ, khổ ấy sẽ trở thành thắng duyên trên đường tu của chúng ta. Trong Kinh Nikàya, Đức Phật nói đến bốn loại ngựa để liên hệ với bốn hạng người: Loại thứ nhất, mới nhác thấy bóng roi liền phi nước đại, tương đương với hạng người có duyên với Phật pháp nhiều đời, mới nghe bất cứ đâu có người bệnh chết là đã phát tâm tu hành. Loại thứ hai, roi đánh nhẹ vào da đã chạy, tương đương với hạng người nghe tin bà con quyến thuộc mình bệnh chết, tỉnh ngộ phát tâm. Loại ngựa thứ ba, phải đánh mạnh vào thịt mới chịu chạy, tương đương với những người thấy cha mẹ vợ chồng mình bệnh chết, mới thấy đời là khổ, muốn tu. Loại ngựa thứ tư quá tệ, đợi đánh thật sâu vào xương cốt mới chạy, tương ứng với hạng người hạ liệt, suốt đời ham thích dục lạc thế gian, đến lúc bản thân mình đau ốm mới phát tâm tu hành. Nhưng dù sao, cả bốn hạng người trên đều được cái khổ thức tỉnh. Trong cuộc sống, chúng ta còn thấy một hạng người “ngoại hạng”, dù bản thân tàn tật ốm đau hay nghèo hèn đến tận cùng dưới đáy xã hội, vẫn chưa một lần biết chữ Phật là gì. Những người này thật rất đáng thương! Cho nên các vị hành hạnh Bồ tát, một mặt giúp họ vật chất để qua được những lúc ngặt nghèo, mặt khác cũng chỉ bày đạo lý, để nếu kiếp này họ không tu được, cũng có thể gieo một chủng tử cho đời sau.

Điểm quan trọng thứ hai, chúng ta đã học nhiều về Tứ Diệu Đế, đều biết đây là hai cặp phạm trù nhân quả: nhân quả thế gian là Khổ - Tập, nhân quả xuất thế gian là Diệt - Đạo, trong đó Đức Phật diễn tả quả trước nhân sau. Đây là lối giảng dạy có tính sư phạm, theo suy luận của thế gian nên có tiến trình từ nhân đến quả, trước sau theo thứ tự. Giảng một cách rõ ràng trình tự như vậy, mọi người mới có thể hiểu được, sau đó mới tu theo. Còn đi vào đạo lý, tự thân Bốn Thánh đế không phải là những cặp phạm trù nhân quả lệ thuộc thời gian, vì thời gian chỉ là con đẻ của vọng tưởng. Bốn đế nói riêng và nhân quả nói chung, không phải bị đặt vào vị trí một cách cứng nhắc cố định là nhân trước quả sau theo một con đường thẳng, mà giữa chúng có một liên hệ xoắn xít hỗ tương trùng trùng duyên khởi: Một nhân có thể có nhiều quả và ngược lại, quả tạo ra lại trở thành nhân của những quả mới hay trở lại tác động lên chính cái nhân cũ của nó. Sự tác động qua lại ấy là vô cùng vô tận, giống như trong căn phòng toàn là gương, một vật để vào đó sẽ có vô số hình ảnh hiện lên. Do vậy, khi học Phật, chúng ta phải đâm thủng chữ nghĩa mới thấy Phật pháp thật sống động, chứ không phải là những dòng chữ chết. Nếu hiểu lời Phật dạy một cách quá cứng nhắc, quá nguyên tắc, chúng ta sẽ không có óc sáng tạo, không bắt kịp đà tiến hóa của nhân loại, thì lối tu của chúng ta sẽ ù lì, xơ cứng. Đời sống Thiền tập phải là, một mặt sống với bản tâm thanh tịnh thường nhiên, một mặt phát huy diệu dụng của tự tánh. Cho nên, khi chánh niệm đã thành tựu, tâm được an định, hành giả đôi khi cần phải phiêu lưu vào tận những cõi miền sâu xa của cuộc sống, để thâm nhập được thực tại trong tận uyên nguyên của nó. Đức Phật đã dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy đến đây, đến để mà thấy! “Chữ “đến đây” không phải là đến gần Ngài nghe pháp, mà hành giả phải bằng công phu thiền tập để đến được bờ kia. Nhờ công phu mới có thể đến, đến mới thấy được thực tại nhiệm mầu!

Các tin đã đăng: