Tịnh độ
Thư cho người em Tịnh độ
Tác giả: Thích Hồng Nhơn
05/04/2553 09:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Gọi thức người mê
 
                                                                           Ngày 15 tháng 04 Nhâm Tuất 1982.

   Thưa anh!
   Em là một đứa em lạc lõng bơ vơ qua bao cuộc bể dâu biến đổi. Nếu nói ở trần gian này có bao nhiêu đau khổ, có lẽ trời chỉ dành riêng để tặng em! Từ địa vị một chủ nhân ông, trong tay có hàng trăm triệu, nhà cửa huy hoàng, vợ đẹp con ngoan, lên xe xuống ngựa, thế mà chỉ phút chốc biến thành mây khói. Tiền bạc, nhà cửa bị tiêu tán, vợ đẹp con ngoan thì ngàn trùng cách biệt. Thân thể cường tráng năm nào giờ đây vô cùng già nua tiều tụy sau cuộc giải phẫu vì quá ưu phiền. Nhiều lần em muốn tự tử để thoát khỏi cõi đời ô trọc này. Nhưng hôm nay, rất may gặp lại anh trong hoàn cảnh tha hương đầy tuyệt vọng. Anh như liều thuốc hồi sinh, vì xưa nay anh luôn luôn đối với em là niềm tin và lẽ sống. Mong anh hãy vì đứa em khốn khổ này mà cho em vài lời vàng ngọc!

   Em thân thương của anh!
   Nhìn thân hình tiều tụy, mái tóc bạc phơ, đôi mắt thâm quầng, chứng tỏ em đã trải qua một hoàn cảnh quá khổ đau, cần tìm một nơi yên nghỉ tâm hồn. Anh rất thông cảm hoàn cảnh của em. Dù đã xuất gia, nhưng anh chỉ là một kẻ phàm, không thể diễn đạt hết ý Thánh, hầu có thể làm thức tỉnh được khách mộng mê. Nên anh chỉ đưa ra những lời khuyên vàng ngọc của các bậc Thánh triết cổ đức, biết đâu nhờ đó mà em có chỗ nương về thoát khỏi khổ đau!

   Trong Long Thơ Tịnh Độ viết: “Người sinh ở đời luôn luôn mê chấp: nào cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn, cơ xưởng, cho đến áo quần, thân thể đều là của mình. Kho lẫm đã đầy vẫn cho chưa đủ, vàng bạc gấm vóc đã nhiều vẫn còn muốn thêm. Nhưng khi thần chết đến nơi, tất cả đều bỏ lại cho đời. Thân này còn không giữ được huống gì vật ở ngoài thân. Xét cho kỹ, đời người như giấc chiêm bao, nên người xưa nói:
“Một khi vô thường đến
Mới biết mình trong mơ
Muôn vật đều đi hết
Chỉ có nghiệp theo mình”.
Ngài Tử Thiên cũng có bài kệ:
“Muôn vật đều bỏ lại,
Chỉ có nghiệp theo mình,
Gắng niệm Phật Di Đà
Chắc về cõi Cực lạc”.

   Đời người không khác bọt nước, sống chết vô thường. Ta chỉ thấy người già, đâu biết thân ta mỗi lúc mỗi già, đi lần vào cõi chết. Thế gian luôn luôn là cảnh khổ, những cảnh vừa ý có được bao lâu! Ta hằng ngày tạo nhiều ác nghiệp, khi xuôi tay nhắm mắt, phải theo nghiệp lôi đi trong trạng thái mờ mờ mịt mịt còn biết về đâu! Hoặc vào địa ngục chịu các điều khổ, hoặc vào súc sinh bị người giết hại, hoặc vào ngạ quỷ đói khát đốt mình, hoặc vào Tu la giận dữ ép ngặt. Dù có tạo được chút nghiệp lành sinh lên cõi trời, cõi người, song khi phước báo hết, quay lại luân hồi, chìm nổi xuống lên không bao giờ ra khỏi. Chỉ có cầu sinh về Tây phương là con đường tắt thoát khỏi luân hồi. Thân này như núi lửa âm ỉ, không chắc có được an lành, phải mau mau tìm phương cứu khổ. Được sinh về Cực lạc mới khỏi lo sợ thấy lại Diêm vương.

   Hòa thượng Tử Tâm dạy: “Câu Nam Mô A Di Đà Phật thật dễ niệm, cõi Tịnh độ thật dễ sinh, nhưng người đời lại không chịu tin, chỉ biết tham sống, đâu ngờ phải chết. Đời người thường nói sống được trăm tuổi, nhưng ít có người sống quá bảy mươi. Khi thần chết đến rồi nào ai thoát khỏi. Như người nhiều công danh giàu có, của tiền như núi, thê thiếp đầy nhà, ngày đêm hoan lạc. Họ luôn luôn muốn sống lâu ở đời. Ngặt nỗi, đời người có hạn, mỗi lúc thêm già, mỗi lúc bước đi chân càng lụm cụm. Hằng ngày mắt thấy, tai nghe ở trước xóm sau nhà, biết bao nhiêu những bằng hữu, anh em tuổi hãy còn xuân mà đã vội biến thành người thiên cổ. Người xưa nói:
“Đừng đợi đến già mới niệm Phật
Thiếu chi mồ trẻ đã qua đời”.

   Vì thế, Tử Tâm tôi chân thành khuyên những người thanh thiếu niên, trong lúc khí huyết còn mạnh, sức lực chưa suy, đó là thời gian tốt nhất để tu hành. Còn người già suy yếu, rất cần phải tu hành, vì tuổi tác đã nhiều, tháng ngày rất ít, tóc bạc da nhăn, mắt mờ tai điếc, đầu cúi lưng còng, bước đi không vững, gần đất xa trời, còn chần chờ gì nữa mà không thành tâm niệm Phật!”.

   Nếu người có con trai, con gái nhiều cần nên niệm Phật. Vì từ lúc thanh niên, cưới vợ nuôi con, kinh doanh sự nghiệp, chịu trăm cay ngàn đắng. Hôm nay, con cái đã lớn trọn thành gia thất, nên giao hết gia sản, quyết chí niệm Phật tu hành. Nếu không biết quay về, đâu phải người trí, vì khi hơi thở đã dứt, mọi vật đều không. May có con cháu hiếu thuận thì cúng dường trai tăng được bao nhiêu tăng, đọc kinh được bao nhiêu bộ, khóc được bao nhiêu tiếng, thương nhớ ông bà có được bao lâu. Không may gặp những đứa con bất hiếu, cha mẹ chết chưa lạnh trán, tranh nhau phân chia tài sản, bán hết ruộng vườn, xài phá vui chơi. Nếu biết rõ được điều ấy thì cần phải gấp gấp tu hành, vì “con cháu tự có phước của riêng nó, đừng vì con cháu mà quá lo xa”.

   Người không có con, cần phải chí thành niệm Phật, cô đơn một thân, khỏi sự lo buồn. Không cần cưới dâu, không nhọc gả con, áo thô cơm hẩm, dễ được thanh nhàn. Nếu không tu hành sau ăn năn không kịp.

   Người giàu sang niệm Phật càng tốt. Nhà cao cửa rộng, y phục đủ đầy, trăm vật đều vừa ý, do đời trước có tu. Người nghèo càng nên niệm Phật. Áo cơm không đủ, nghèo hèn hạ tiện, thường bị đói lạnh vì đời trước ít tu, nên đời này phải gặp ác báo. Nếu không quyết chí tu hành, sau khi chết rồi, như bèo rơi vào giếng thẳm, biết thuở nào ra.

   Người tu thiền cũng cần niệm Phật. Nếu căn cơ còn độn, e rằng đời này chưa được đại ngộ, cần phải nhờ vào nguyện lực của đức Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sinh mà thoát sinh tử luân hồi, như người được chức quan ấm, khỏi lo mất chức, tước lộc dồi dào. Có những người không biết đạo, lòng mơ ước cao xa, không cần niệm Phật, đó là những tà kiến, làm loạn tâm ý người đời, cần nên tránh. Vì thế, cổ đức dạy:
“Đáng cười những kẻ giàu
Đời sống như tên bắn
Kho lẫm gạo sinh trùng
Trong tủ tiền rỉ sét.
Ban ngày quay con vụ
Đốt đèn tính thâu đêm
Hình hài như cây tăm
Như tơ căng sắp đứt
Đôi mắt vừa khép lại (chết)
Hối tiếc lúc nào nguôi”.
             Lại còn dạy:
 
“Niệm Phật chẳng sinh Tịnh độ ngay
Lưỡi ta sẽ bị ngục trâu cày
Nếu ai được thấy hoa sen nở
Mới biết Ta bà niệm Phật hay”.
Trong Khô Lâu Đồ, ngài Liên Trì đại sư có nói:
“Lần lần da mồi tóc hạc
Run run từng bước lần dò
Dù cho đầy nhà vàng ngọc
Sao khỏi đau bệnh co ro.
Dù được muôn ngàn khoái lạc
Vô thường luôn ép ngặt ta
Chỉ có đường tắt tu hành
Chuyên niệm A Di Đà Phật”.

   Ý chính của bài kệ trên cho chúng ta biết, muôn vật đều bỏ lại, chỉ có nghiệp theo mình. Tại sao muôn vật không đem theo được? Vì người đời có quan tước, vàng ngọc, lâu đài, vườn ruộng, ăn ngon, mặc đẹp, cho đến vợ đẹp con ngoan v.v… Nhưng khi tử thần đến thì không có một vật gì có thể đem theo được. Trái lại, người tạo ra ác nghiệp như tham, sân, si, phi lễ, dâm dục, ác ý, giết hại, làm con chống cha, làm tôi khinh vua, hại người lợi mình, ác độc hại vật… Các thứ nghiệp ấy khi vô thường đến phải mang theo hết và nhận lấy quả báo. Nếu chúng ta không mạnh mẽ thức tỉnh, bỏ dữ làm lành, hết lòng niệm Phật, để khỏi uổng phí được làm thân người, sống đời vô ích, nhận chịu khổ đau.

   “Tôi (ngài Liên Trì) thấy mọi người đều có thể niệm Phật, đơn cử một vài người để chứng minh:

   Nếu người có hoàn cảnh rảnh rang, phải nên niệm Phật không kể ngày đêm. Người làm việc, nên niệm Phật theo hoàn cảnh công việc, sau đó lại tiếp tục niệm Phật. Người không có giờ rảnh, có thể sử dụng khóa lễ thập niệm, sau đó vẫn tiếp tục theo từng hoàn cảnh công việc. Người giàu phước lộc đầy đủ cần phải niệm Phật. Người bần cùng vẫn an phận thủ thường dốc lòng niệm Phật. Có con cái đông, có người giúp đỡ, cũng nên niệm Phật. Người không con cái, khỏi bận lòng lo, rảnh rang niệm Phật. Người không bệnh, thân hình cường tráng, cần nên niệm Phật. Người thông minh hiểu rành kinh lý, cần phải niệm Phật. Người quê mùa không có tạp tri kiến cần nên niệm Phật… Dám khuyên tất cả mọi người khi thân thể chưa thành khô lâu, mau mau nhất tâm niệm Phật, đợi đến khi muôn vật đều bỏ lại, chỉ có nghiệp theo mình, chừng đó hối tiếc thời đã muộn”.

Trong Văn Khuyên Tu Tịnh Nghiệp, ngài Sư Tử Phong dạy:
“Người đời yêu mến sắc thân
Đâu biết thân là gốc khổ.
Tham hưởng khoái vui
Vui thật khổ thân.
Đời như bóng chớp qua mau
Không thể giữ lâu
Thân huyễn chẳng bền
Thoáng liền tan biến”.

   Thân này do đất, nước, gió, lửa hợp thành, sao khỏi sinh, già, bệnh, chết. Cuộc sống như bọt nước, chốc lát liền tan, tai ách nối liền không bao giờ dứt. Người sống lâu được bảy tám mươi cũng phải chết, kẻ yểu mạng chỉ được vài mươi. Huống chi, độc trùng, gió xấu chết chẳng kịp đề phòng; nhà sập, xe lăn làm sao cứu kịp. Gò cao, vực thẳm phải chịu thọ ương; nước lửa, binh đao làm sao tránh khỏi. Việc ngày nay còn chưa biết được việc sáng mai, lên giường nằm chưa chắc mang lại giày cũ (có khi chết luôn). Khi hơi thở ra không trở lại mới biết mình vĩnh biệt cõi đời. Thật thân này vô thường huyễn mộng, có người nào thoát khỏi tử thần!

   Thân người chỉ là bọc da đựng thịt máu dơ, có chín lỗ thường chảy ra những đồ bất tịnh. Tóc, lông, răng, móng, bụi đóng không thanh; ghèn, mũi, nhớt, đờm, khóm hờm chẳng sạch. Trên mặt vi trùng bò lúc nhúc. Trên đầu chấy, rận cắn tứ tung. Chỉ chút nọc rắn, xương cá đủ để giết người, khí hậu lạnh, nóng bất thường làm người mau già chết.

   Nghiệp mê sắc bị xô vào ngạ quỷ, tai mê tiếng dễ vào ngục A–tỳ. Người đời dù miệng ăn hết ngàn vị ngọt, chết rồi còn được gì đâu! Được chăng chỉ vài ngọn đèn dầu, thân này như cỏ úa hoa rơi, không thể tiếc thương, sao lại mê đắm trong chốn phong lưu để có một cuộc sống vô cùng điên đảo!
Có người thấy kẻ tóc dài da trắng, thân thể ướp hương, áo lụa gói thân, gấm vóc che phủ. Nhân đây nên sinh lòng yêu quý, mong hưởng trọn sắc thân, trăm phương ngàn kế, muốn chiếm trọn trăm năm. Họ đâu biết khi đầu nhức mắt hoa, Diêm vương sẽ sai người đến đón. Vì răng long tóc bạc là thiệp gọi của vô thường, mọi thứ luyến sắc ham tài chính là con đường mất mạng. Ngày ngày ăn thịt uống rượu, biết đâu đó là gốc khổ địa ngục; hiện tiền vui sướng một thời, thân sau phải chịu muôn ngàn khổ não.

   Có một ngày mạng căn tan rã, bốn đại chia lìa. Bên ngoài tay chân run rẩy, bên trong gân cốt nhức đau. Dù cho vợ con vô cùng thương tiếc cũng chỉ một mình chịu khổ mà thôi, khi hành hạ bị thịt nát xương tan, có ai dám đứng ra chịu thế! Mới biết sinh tiền đáng buồn đáng khóc, chết rồi phải chịu thần thức lôi đi. Trước mắt không có ánh sáng, nhìn ngắm toàn người xa lạ. Qua bến bờ sông Nại (Âm phủ), cảnh nào lại chẳng đau thương; vào cửa quỷ rồi, người đến phải chịu nhiều sầu khổ. Dương gian chỉ có bảy ngày, âm cảnh đã qua thập điện. Vị Tào quan tuyên án không hề thiên vị, ngục tốt cầm xoa mặt chẳng chút nụ cười.

   Bình thời, tạo thiện nghiệp được đưa lên cõi trời, tạo nghiệp ác bị lôi đến núi đao hầm lửa. Bị liệng lên núi đao, thân mình máu me be bét; bị ném vào núi băng, da thịt bỗng nổ bong. Thân vừa nát ra, gió nghiệp thổi qua, phải sống lại chịu khổ; mạng vừa chung dứt, La sát bắt phải sống thêm. Một ngày đêm ở địa ngục lâu bằng ở nhân gian mấy năm. Thây chết còn nằm ở quan tài chưa chôn, đã bị lúc nhúc côn trùng ăn rút. Lúc sống hồng nhan xinh đẹp, trở thành vòi tửa xương khô. Da thịt là bùn bẩn, những việc thương yêu tha thiết, rốt cuộc thành không. Ngày xưa quả thật anh hùng, nhưng giờ còn chi đâu nữa? Tiếng khóc qua rồi im bặt, gió buồn dấy động lạnh căm. Đêm nghe quỷ khóc ma kêu, năm tháng chịu quạ chim mổ. Nếu may ra còn có chút thạch bia trên bờ cỏ, nhưng năm mười tháng mới được vài tiền giấy, thếp nhang. Vô thường không ai tránh khỏi. Tại sao chẳng tỉnh mộng hồn?

   Có người đủ cả đạo nhãn, lại sớm hồi đầu tự mình thoát khỏi sông mê, giây lát thoát qua lưới ái. Miệng nói vượt qua hang quỷ, có ai quả thật chơn nhơn? Vì thế, đức Thếâ Tôn thương xót, cứu giúp hết lòng, muốn giúp tất cả mọi người thoát ra ba cõi, đặc biệt chỉ dạy cho Tịnh độ pháp môn, bốn mươi tám nguyện rộng sâu, độ mọi người thoát ra bể khổ. Cách mười muôn ức cõi tuy xa tuyệt, nhưng nương sức Phật giây lát sẽ tới nơi. Sinh vào hoa sen, áo cơm đầy đủ. Thân được về cõi tịnh, khỏi sáu nẻo luân hồi. Người nam kẻ nữ đều dễ tu, kẻ trí người ngu đều về Cực lạc. Chỉ mong mọi người phản tỉnh, mới biết thể tánh toàn không. Nếu chưa học đạo tham thiền, cần phải ăn chay niệm Phật. Nếu được nhất tâm bất loạn. Phật dạy bảy ngày thành công. Đổi sáu giặc thành sáu thần thông, lìa tám khổ biến thành tám tự tại. Trong Tịnh Độ Văn, lời tam kinh chứng tỏ, tích vãng sinh truyền lại rất nhiều. Vậy mọi người hãy chuyên tâm niệm Phật, niệm về nhà (Cực lạc) được giải thoát cả nhà. Nếu dạy nơi nơi đều biết niệm Phật, giúp mọi người khỏi khổ luân hồi. Ấy là, trên giúp chư Phật chuyển pháp luân, dưới dắt chúng sinh ra bể khổ. Lời Phật rõ ràng căn dặn, nếu không tin còn biết tin ai! Đạo làm người không tròn làm sao tu theo đạo Phật, đừng đợi lâm chung mới biết, dù có ngàn Phật cũng chẳng giúp được gì? Mau mau niệm Phật tu hành, ngày giờ (chết) không hẹn cùng người, phải quyết chí thực hành ngay để khỏi đời này vô ích!

   Trong Tịnh Độ Thần Chung, ngài Hiếu Trực dạy: “Từ xưa nay, ba cõi luân hồi giống như lao ngục. Đã bị đày vào trong ngục, kêu xin tha thật chẳng ích gì. Lúc yên lành phải tìm kế thoát thân, mới gọi là người có trí. Thân này vô thường, đợi đến già chết gần kề thật là quá muộn. Người đời đều biết tất cả đều phải chết sao chẳng lo xa, sớm tiến tu hành, để ngày lại ngày qua, khi quỷ vô thường đến nơi, ăn năn trở thành vô ích”.

   Ngài Viên Trung Lang cũng nói: “Chúng sinh ở trong đời dữ năm trược, như người ở trong ngục. Đã vào ngục tức là tội nhân. Dù được sinh về cõi trời, cõi người cũng chỉ ở trong phần đoạn sinh tử. Tội nhân ở trong ngục muốn trốn thoát phải vượt qua nhiều cạm bẫy, trèo vách chông gai, làm sao có được sự bảo đảm nếu không nhờ Phật lực? Lại nữa, ngày nay chúng sinh lấy phiền não làm nhà, lấy sinh tử làm ruộng vườn, không biết núi đại Thiết Vi là pháp trường hiểm độc của ba cõi”.

   Chư Phật vì thương chúng sinh mê lầm, nên phân biệt cõi tịnh, cõi uế, chỉ cho con đường thoát ly, đổi nhà lửa làm nhà yên ổn, chỉ cho thấy con đường địa ngục lại qua, làm cho mọi người xa lìa đường dữ, khỏi nẻo luân hồi.

   Trong kinh viết: “Đức Như Lai vì một việc lớn mà hiện ra trong đời, việc lớn ấy chính là sinh tử”. Đức Phật luôn luôn đưa tay tiếp dẫn, chúng sinh cứ quay mặt làm ngơ, thật đáng buồn thương!

   Lại nói: “Có người cho rằng mình nghèo, thiếu thốn trăm bề, khó có thể niệm Phật. Họ đâu biết rằng ai cũng có hoàn cảnh khổ, đâu phải riêng mình. Như người giàu suốt ngày đêm lo lường tính toán, giặc cướp vây quanh nào có vui gì! Sao bằng người nghèo mà biết đủ, cơm đủ no, áo đủ che ấm, cần gì cao lương mỹ vị, lòe loẹt áo hoa. Người giàu dù kho lẫm đầy dẫy, cũng chỉ giường nằm hơn thước. Nhà rộng một gian, cơm ngày ba bữa no, nhưng họ vẫn bị già chết vây quanh, suốt đời làm con ma giữ của. Nhưng khi thần chết đến nơi, tất cả đều bỏ lại cho đời, chỉ còn mang theo được có họa phúc mà thôi.

    Em thân thương của anh!
   Qua dẫn chứng trên, chúng ta thấy rõ thân vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường, đời người là một giấc mơ. Hoàn cảnh của em không khác gì hoàn cảnh của Lữ Tổ. Sau khi tỉnh mộng, ông đã ngậm ngùi than: “Giàu sang vinh dự hơn năm mươi năm, chỉ là một giấc mơ hoa. Khi tỉnh lại rồi nồi cháo kê vẫn còn chưa chín”. Tại sao chúng ta không nhận thức sự khổ não của cuộc đời, quyết lòng tu tập để thoát nẻo khổ luân hồi? Anh mong em:
“Từ rày khép cửa phòng thu
Chẳng tu thì cũng là tu mới là”.