Tịnh độ
Thư cho người em Tịnh độ
Tác giả: Thích Hồng Nhơn
05/04/2553 09:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Các môn trợ hạnh
 
 Ngày 15 tháng 08 Nhâm Tuất 1982.

   Thưa anh!
   Xuân năm nay, vốn là người yêu cây cảnh, lục lọi mãi em mới tìm được một cây cảnh vừa ý. Đem về em đã chăm sóc cẩn thận theo phương pháp chỉ dẫn, từ cách bón phân, tưới nước, nhưng chỉ cần nửa tháng sau, cây trở nên vàng úa, héo hắt, tìm mãi em mới tìm ra được nguyên nhân. Thì ra, cây bị thiếu một trợ duyên đó là ánh sáng. Em nghĩ, dù có một chánh nhân tốt, nhưng thiếu một trợ duyên cũng có thể làm kết quả bị chậm lại, đôi khi trái ngược. Em mong anh hãy chỉ cho em những trợ duyên cần thiết để cho cây Tịnh nghiệp sớm đơm hoa kết quả!

    Em thân thương của anh!
   Người niệm Phật là làm tâm mình và Phật hợp nhau, việc cảm ứng sẽ được dễ dàng. Lòng chư Phật là toàn thiện, luôn thương xót mọi loài chúng sinh. Ngoài việc chuyên trì chánh niệm, chúng ta cần phải giữ giới, làm tròn đạo nhân luân. Mở rộng lòng thương, cứu mạng sống. Ghét sự giết hại, lánh dữ làm lành, tâm ta sẽ phù hợp với tâm Phật, Tịnh nghiệp sẽ dễ thành. Em hãy nghe các trợ duyên của Tổ dạy!

   Ngài Vương Long Thơ nói: “Người niệm Phật toàn trì trai giới và lễ Phật, niệm Phật, đọc tụng kinh điển Đại thừa, hiểu nghĩa thứ nhất, đem công đức ấy hồi hướng nguyện sinh về Tây phương chắc được sinh về bậc thượng. Người ăn chay là không ăn thịt, không uống rượu, không dâm dục, không ăn ngũ tân. Người giữ giới không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, đó là dứt được ba nghiệp thân. Không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác là dứt được bốn nghiệp miệng. Không tham dục, không sân hận và không tà kiến là dứt được ba nghiệp ý. Gọi chung là mười giới. Nếu giữ không phạm gọi là mười điều lành, nếu phạm là mười điều ác. Giữ được mười giới sẽ sinh về cõi trời. Giữ được năm giới thường không mất thân người. Người tu Tịnh nghiệp giữ được mười giới, thêm dùng công đức tu tập, sẽ được sinh bậc thượng. Nếu chỉ giữ năm giới, tu Tịnh độ cũng được trung phẩm. Nếu không giữ hết năm giới, chỉ giữ được giới sát. Giới này là đầu năm giới, đó là giới đại ác. Không sát sinh sẽ có phước báo trường thọ, sát sinh sẽ bị quả báo đoản mạng. Nếu chỉ giữ được giới sát mà chuyên tu Tịnh nghiệp cũng được sinh vào bậc hạ.

   Trai Tăng, cúng Phật, đốt hương, dâng hoa, treo phang, dựng tháp, niệm Phật, lễ sám, các thứ cúng dường Tam bảo… Đem các việc ấy hồi hướng, nguyện sinh Cực lạc cũng được. Hoặc vì các thứ lợi ích của thế gian như làm con trọn hiếu, là em trọn để, trong nhà hoàn toàn, giúp đỡ bà con, làng xóm, ân tình thâm hậu, cho đến thờ vua, hết lòng vì nước, làm quan có lòng từ ái với nhân dân. Hoặc thương người côi cút, hoặc giúp đỡ kẻ bần cùng, hoặc khuyên người làm lành, hoặc ngăn người làm dữ… Tất cả việc lành tùy theo sức mình mà làm, tất cả đều hồi hướng vãng sinh Cực lạc. Hoặc vì lợi ích cho tất cả người đời, không cần nhiều ít. Như cho người một tiền, hoặc cho người một chén nước đỡ khát cũng nghĩ rằng: “Nguyện đem duyên lành này hồi hướng nguyện sinh về Cực lạc”. Thường nhất niệm không gián đoạn, mỗi niệm hướng về Tây phương, chắc được sinh vào thượng phẩm”.

   Ưu Đàm đại sư dạy: “Các loài thai, noản, thấp, hóa, bò bay, máy cựa… đều là chư Phật ở tương lai. Nó cũng tham sống sợ chết như người không khác gì. Tại sao chúng ta đành lòng giết mạng sống của nó để lấy thịt nhiều như núi, bào thai cũng như cây rừng để muốn no bụng, ngon miệng chúng ta? Không biết rằng, giết mạng nó là làm máu chảy ở thân Phật vậy. Càng tạo nhiều giết hại, càng làm mất hạt giống từ bi. Nên biết, chúng ta cần làm cho tâm mình giống như tâm Phật, mới xứng đáng là người Phật tử”.

   Muốn vào đạo Bồ đề, lấy lòng lành làm gốc. Người tu theo Tịnh nghiệp, phải cứu vật trước tiên. Chúng ta thử xét những loài cầm bay, thú chạy, cá trạch, tôm cua v.v… Hoặc bị lưới bẫy, hoặc bị câu, lồng; bị cột cánh, trói chân kề bên nước sôi lửa cháy. Cắt cổ, xẻ thân, chúng lo sợ kinh hoàng, kêu la thảm thiết. Hoặc mong được tung cánh trên trời rộng, hoặc hy vọng được vùng vẫy nơi bể khơi. Tuy biết khó thoát nhưng vẫn kêu rên mong được toàn mạng. Việc ta thấy trước mắt sao chẳng động lòng thương, mở trói, xổ lồng cho chúng toàn mạng? Sao chúng ta không theo lòng từ bi của Phật ra sức phóng sinh, hồi hướng Tây phương, khắp nguyện chúng sinh đồng thành Phật đạo?

   Ngài Liên Trì đại sư dạy: “Người niệm Phật không thể sát sinh, vì niệm Phật lấy lòng từ bi làm gốc. Như không giữ giới sát sinh, công hiệu rất ít. Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nhiều kiếp từ trước đến nay, cùng chúng ta là quyến thuộc. Giết chúng nuôi mình, ta nỡ lòng nào? Dám khuyên, những người niệm Phật, luôn luôn có lòng trắc ẩn. Ý tưởng thương người, thương vật như thế sẽ mau thành Tịnh nghiệp. Nếu không thể trường trai, có thể ăn sáu ngày cũng được. Nếu sát sinh, sẽ mất chủng tử từ bi, khó có thể thành tựu đạo nghiệp!