Tịnh độ
Niệm Phật chỉ nam
19/03/2557 09:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật chỉ nam
Mục lục
Xem toàn bộ


   Niệm Phật cầu sinh Tịnh độ là một pháp môn thâu nhiếp trọn vẹn trăm ngàn pháp môn, chẳng phải nêu một mà phế bỏ tất cả. Chỉ cần vào sâu một môn, lấy niệm Phật làm chánh hạnh, tất cả giới định tuệ làm trợ hạnh. Chánh, trợ cùng thực hành như thuyền thuận gió, lại thêm đôi chèo tốt, dây thừng to thì mau chóng đến bờ. Pháp niệm Phật tuy nhiều, Trì danh là giản tiện nhất; pháp Trì danh cũng nhiều, nhớ số là ổn thỏa nhất. Người chân thật tu trì, đâu mong cầu khác lạ với hàng ngu phu ngu phụ!

   Ra khỏi nhà lửa ba cõi, có hai con đường ngang và dọc. Dùng tự lực đoạn hoặc vượt thoát sinh tử, gọi là ra khỏi ba cõi theo chiều dọc, đó là việc khó, phải dần dần mới thành công. Nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sinh Tây Phương, gọi là ra khỏi ba cõi theo chiều ngang, đó là việc dễ, lại nhanh chóng thành công. Tổ Huệ Viễn nói: “Thành công cao, dễ tiến tu; niệm Phật là bậc nhất”. Kinh Đại Tập nói: “Thời mạt pháp, ức ức người tu hành, hiếm có ai thành đạo, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà được giải thoát”, ví như thuyền vượt qua biển chẳng nhọc công sức. Người có thể tin tưởng lối tắt Tây Phương, chí thành phát nguyện, nhất tâm niệm Phật cầu vãng sinh là bậc đại trượng phu chân chánh. Nếu lòng tin không chân thật, phát nguyện không khẩn thiết, thực hành không gắng sức, Phật dù có đại từ bi làm thuyền, nhưng nếu chúng sinh chẳng chịu lên thuyền, cũng không làm sao được!

   Muốn nhanh chóng thoát khỏi nỗi khổ luân hồi, không gì bằng trì danh niệm Phật cầu sinh về thế giới Cực Lạc. Muốn chắc chắn vãng sinh cõi Cực Lạc, không gì bằng lấy lòng tin làm người dẫn đường phía trước, sự phát nguyện làm người thúc đẩy ở sau. Tin sâu, nguyện tha thiết, dù tâm tán loạn niệm Phật cũng được vãng sinh. Tin không chân thật, nguyện không mạnh mẽ, dù nhất tâm không loạn cũng chẳng được vãng sinh.

   Sao gọi là tin?
   1. Tin nguyện lực của Phật A-di-đà.
   2. Tin lời dạy của Phật Thích-ca.
   3. Tin lời khen ngợi của chư Phật trong sáu phương.
   Không tin những điều ấy, thật không thể cứu độ. Cho nên, trước phải tin sâu đừng sinh khởi nghi hoặc.
   Sao gọi là nguyện?
   Lúc nào cũng chán nản nỗi khổ sinh tử nơi Ta-bà, ưa thích niềm vui giác ngộ nơi Tịnh độ. Có làm việc gì, hoặc thiện hoặc ác, thiện thì hồi hướng cầu vãng sinh, ác thì sám hối nguyện cầu vãng sinh, hoàn toàn không có hai chí hướng. Đó là nguyện.

   Tín–Nguyện đã đầy đủ thì niệm Phật mới là chánh hạnh, sửa ác làm lành đều là trợ hạnh. Tùy công phu sâu cạn phân ra chín phẩm bốn cõi, chẳng lạm mảy may, chỉ cần chính mình kiểm xét, chẳng cần hỏi han kẻ khác.

   Người tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật, nhưng khi niệm Phật tâm nhiều tán loạn, chỉ được sinh về Hạ phẩm Hạ sinh. Tâm loạn dần ít, được sinh về Hạ phẩm Trung sinh. Không còn tán loạn, được sinh về Hạ phẩm Thượng sinh.

   Niệm đến Sự nhất tâm không loạn, chẳng khởi tham sân si, được sinh về ba phẩm Trung. Niệm đến Sự nhất tâm không loạn, tự nhiên trước đoạn kiến tư trần sa hoặc, cũng có thể hàng phục và đoạn trừ vô minh, được sinh về ba phẩm Thượng. 
   Thế nên, Tín–Nguyện–Trì danh niệm Phật có thể trải qua chín phẩm, xác thật không sai lầm.

   Hơn nữa, người Tín–Nguyện–Trì danh tiêu trừ hàng phục nghiệp chướng, còn lậu hoặc được vãng sinh thì ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư. 
   Đoạn sạch kiến tư hoặc mà vãng sinh thì ở cõi Phương Tiện Hữu Dư. 
   Phá tan một phần vô minh mà vãng sinh thì ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm. 
Trì niệm đến chỗ cứu cánh, đoạn sạch vô minh mà vãng sinh thì ở cõi Thường Tịch Quang.

   Thế nên, Trì danh có thể làm thanh tịnh bốn cõi, cũng là điều xác thực không sai lầm. 
   Hỏi: Làm sao Trì danh có thể đoạn trừ vô minh? 
  Đáp: Danh hiệu Phật được trì, không luận là ngộ cùng chẳng ngộ, đều là Nhất cảnh Tam đế . Tâm niệm hay trì, không luận là thông đạt hay không thông đạt, đều là Nhất tâm Tam quán . Chỉ vì chúng sinh vọng tưởng chấp trước, tình kiến phân biệt, cho nên không khế hợp chỗ chân thường viên mãn. Đâu biết rằng, tâm hay trì niệm tức là Thỉ giác, danh hiệu Phật được niệm tức là Bản giác . Nay ngay đó trì niệm, ngoài sự trì niệm không có Phật, ngoài Phật không có sự trì niệm, năng sở không hai, thì Thỉ giác hợp với Bản giác, gọi là Cứu cánh giác .
 
   Pháp môn niệm Phật không có gì kỳ đặc, chỉ cần tin sâu, giữ chặt, ngay đó niệm đi! Một ngày đêm niệm đến mười vạn, năm vạn, ba vạn câu làm chuẩn, nhất định không thiếu. Trong một ngày niệm ra tiếng một cây hương, niệm thầm một cây hương, xoay vần không gián đoạn, phải lấy nhất tâm không loạn làm kỳ hạn, cho đến hết đời này thề không thay đổi. Như thế, nếu không được vãng sinh thì chư Phật ba đời đã nói dối. Một khi đã được vãng sinh vĩnh viễn không bao giờ thối lui, tất cả các pháp môn đều được hiện tiền. Rất kỵ hôm nay thế này, ngày mai thế khác. Chẳng hạn như gặp người theo giáo môn thì nghĩ đến việc tầm chương, trích cú; gặp người tu thiền lại muốn tham cứu hỏi đáp; gặp người trì luật thì nghĩ đến việc đắp y, ôm bát. Như thế, nơi nơi đều không rõ, việc việc cũng chẳng hay. Ông đâu biết rằng: “Niệm Phật A-di-đà đã thành thục, giáo lý cùng tột của ba tạng, mười hai phần giáo đều ở trong đó; một ngàn bảy trăm tắc công án, nghĩa thiền cùng tột cũng ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới, cũng ở trong đó. Người chân thật niệm Phật: thân tâm, thế giới đều buông bỏ, đó là đại bố thí; không khởi tham, sân, si, đó là đại trì giới; không chấp thị phi, nhân ngã, đó là đại nhẫn nhục; không còn một chút gián đoạn, xen tạp, đó là đại tinh tấn; không còn rong ruổi theo vọng tưởng, đó là đại thiền định; không bị lối tẻ khác mê hoặc, đó là đại trí tuệ”. 
Hãy tự kiểm điểm xem, nếu thân tâm thế giới chưa chịu buông bỏ, niệm tham sân si vẫn còn dấy lên, thị phi nhân ngã còn ôm giữ, gián đoạn xen tạp còn chưa trừ, vọng tưởng còn rong ruổi chưa dứt, những lối tẻ khác còn có thể mê hoặc tâm trí, thì biết chẳng phải là chân thật niệm Phật.  Muốn đạt tới cảnh giới nhất tâm không loạn, đầu tiên khi hạ thủ công phu, cần phải dùng tràng hạt, niệm niệm ghi nhớ rõ ràng, ấn định thời khóa nhất định không được thiếu, lâu ngày thuần thục, không niệm cũng tự niệm, sau đó nhớ cũng được, không nhớ cũng được. Nếu bước đầu vội muốn lộ vẻ mình hay giỏi, muốn tỏ ra không trước tướng, muốn học lối viên dung tự tại, rốt cuộc niệm lực khó thành. Đây nói chung bởi tin chưa sâu, thực hành chưa hết sức, dù cho ông có là người giảng rộng mười hai phần giáo, hay trình bày được một nghìn bảy trăm chuyển ngữ cũng chỉ là việc làm bên bờ sinh tử. Đến lúc lâm chung, những thứ đó nhất định không dùng được! Trân trọng!