Tịnh độ
Niệm Phật chỉ nam
19/03/2557 09:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật chỉ nam
Mục lục
Xem toàn bộ


   Chúng ta nghe về pháp môn Tịnh độ, nên tin Ta-bà rất khổ, Tây Phương rất vui, nên tin từ nhiều đời đến nay nghiệp chướng sâu nặng, nếu không nhờ sức mạnh của Phật thì khó mà nhanh chóng thoát ra. Nên tin cầu vãng sinh chắc chắn hiện đời được sinh, nên tin niệm Phật nhất định được Phật từ bi thâu nhận. Do đó, một lòng kiên định, nguyện rời khỏi Ta-bà như tù nhân muốn thoát ra lao ngục, hoàn toàn không có tâm lưu luyến buộc ràng; nguyện vãng sinh Tây Phương như người khách nhớ về cố hương, lẽ nào lại có ý niệm dây dưa? Từ đây, tùy phần tùy sức, chí tâm trì niệm Thánh hiệu A-di-đà Phật. Không luận là khi nói, nín, động, tịnh, đi, đứng, ngồi, nằm, đón đưa tân khách, mặc áo ăn cơm, cốt phải làm cho Phật chẳng rời tâm, tâm chẳng rời Phật.

   Niệm Phật khó quy nhất, phải nhiếp tâm niệm kỹ. Phép nhiếp tâm không gì hơn chí thành, tha thiết, nếu không chí thành mà muốn quy nhất ấy là điều rất khó. Đã chí thành, niệm còn chưa thuần, phải lắng tai nghe. Không luận niệm thầm hay ra tiếng, đều phải niệm khởi từ tâm, tiếng ra từ nơi miệng rồi lại vào tai. Tâm và miệng rành rẽ, tai nghe rõ ràng, nhiếp tâm như thế vọng niệm tự dứt. Nếu làn sóng vọng tưởng dâng trào quá mạnh, nên dùng pháp “Thập niệm ký số”, đem hết tâm lực chuyên vào câu niệm Phật, dù muốn khởi vọng cũng không có xen hở để nổi lên. Pháp này nhiếp tâm rất tuyệt diệu. Tôi nhiều phen dùng thử mới biết là rất hiệu nghiệm. “Thập niệm ký số” là khi niệm Phật phải ghi nhớ rành rẽ từ một đến mười câu, hết mười câu liền trở lại một, cứ như thế xoay vần mãi. Nhưng phải niệm trong vòng mười câu mà thôi, không được hai hoặc ba mươi câu, không được dùng chuỗi, chỉ dùng tâm ghi nhớ. Nếu niệm luôn một mạch mười câu thấy khó thì phân làm hai hơi, từ một đến năm, từ sáu đến mười. Nếu hoặc còn thấy kém sức lại chia làm ba hơi, từ một đến ba, bốn đến sáu, bảy đến mười. Cần để ý: Niệm rõ ràng, nhớ rõ ràng và nghe phải rõ ràng, vọng niệm mới không xen vào được. Dùng pháp này lâu sẽ được nhất tâm. Chỉ những khi nào làm việc, hoặc khó ký số nên khẩn thiết niệm suông, đợi lúc xong việc lại nhiếp tâm ký số. Như thế thì vọng tưởng không còn tung hoành, bởi tâm chuyên chú an trụ vào danh hiệu Phật.

   Nhiếp tâm niệm Phật là con đường quyết định không thay đổi. Phương pháp nhiếp tâm chỉ có “nghe lại” rất là bậc nhất.  Pháp môn Tùy Tức Bảo Vương nhiếp cả

   Ngũ Đình Tâm Quán, nếu có thể theo hơi thở mà niệm, tức là gồm đủ hai môn: Sổ tức và niệm Phật. Nhiếp tâm niệm Phật thì lòng tham nhiễm lần lần dứt tuyệt, sân hận không còn lẫy lừng, khi hôn trầm tán loạn đã lui, trí tuệ liền hiện, phá luôn cả si mê nữa. Pháp môn Nhiếp sáu căn của Bồ-tát Đại Thế Chí, theo ngu ý những người niệm Phật lơ là hiện thời, dường như chẳng nên dùng, vì nếu không lần chuỗi ghi số, họ sẽ trở thành biếng trễ. Khác hơn thế, những ai quyết tâm niệm Phật, nếu bỏ pháp này nhất định khó thành Tam-muội. Pháp nhiếp sáu căn với bậc lợi cơ, trong một hai thất quyết sẽ được nhất tâm. Dù cho hạng ngu kém như tôi, nếu cố gia công hoặc tám năm hay mười năm, tưởng may ra có thể được không loạn.

   Truy đảnh  dễ bị bệnh. Niệm lớn, niệm nhỏ, niệm kim cang, niệm thầm, tùy theo tinh thần của mỗi người điều đình mà dùng, đâu nên chấp chặt vào một pháp để đến nỗi phải bị bệnh. Tùy tức niệm Phật chẳng bằng lặng lẽ mà nghe, bởi theo hơi thở không khéo sẽ sinh bệnh, lặng lẽ mà nghe thì không bệnh.

   Cảnh tướng Tam-muội chỉ có chứng nhập mới thấu rõ. Nếu nói về pháp ấy thì khi niệm Phật, ngay nơi niệm nhìn trở lại, chuyên chú một cảnh, đừng để cho rong ruổi bên ngoài. Mỗi niệm soi lại nguồn tâm, mỗi tâm khế hợp thể tánh Phật, niệm trở lại chỗ mình niệm, quán trở lại nơi mình quán, ngay khi niệm tức là quán, ngay khi quán tức là niệm. Cốt yếu là khiến cho toàn niệm tức là quán, ngoài niệm không có quán; toàn quán tức là niệm, ngoài quán không có niệm. Quán và niệm tuy đồng như nước với sữa nhưng vẫn chưa đạt đến cội nguồn, phải ở trên một niệm A-di-đà Phật không ngừng thể cứu, thiết tha nhắc nhở, càng thể cứu càng thiết tha, càng nhắc nhở càng gần gũi, cho đến sức lực cùng cực, công phu thuần thục thoát nhiên ý niệm rơi rụng, chứng nhập cảnh giới vô niệm mà không lúc nào chẳng niệm. Đó gọi là: “Linh quang viên chiếu, vượt thoát căn trần, thể chân thường hiện bày, chẳng hạn cuộc nơi văn tự, tâm tánh không nhiễm, vốn tự thành tựu viên mãn, chỉ lìa vọng niệm tức là tánh Phật như như”. Công phu đến đây là đạt được pháp niệm Phật, đạo cảm ứng qua lại, đây chính là lúc nên gắng sức. Hiện tại, chưa rời Ta-bà mà thường dự Hải hội, lâm chung bước lên Thượng phẩm, nhanh chóng chứng đắc Phật thừa.

   Niệm danh hiệu Phật đừng dùng pháp Niệm Quán tâm, nên dùng pháp Niệm Nhiếp tâm. Trong kinh Lăng-nghiêm, Bồ-tát Đại Thế Chí nói: “Nhiếp cả sáu căn, Tịnh niệm tiếp nối, được Tam-ma-địa, đây là bậc nhất”. Khi niệm Phật, trong tâm (ý căn) phải niệm rành rẽ rõ ràng, trong miệng (thiệt căn) phải niệm rành rẽ rõ ràng,  trong tai (nhĩ căn) phải nghe rành rẽ rõ ràng. Ba căn ý, lưỡi, tai, mỗi mỗi thâu nhiếp nơi danh hiệu Phật, thì mắt cũng sẽ không nhìn Đông ngó Tây, mũi cũng không ngửi mùi vị khác, thân cũng không lười biếng giải đãi, gọi là thâu nhiếp cả sáu căn. Thâu nhiếp cả sáu căn mà niệm, tuy chẳng thể hoàn toàn không vọng niệm, nhưng so với kẻ không thâu nhiếp trong lòng đã thanh tịnh nhiều rồi, cho nên gọi là Tịnh niệm. Tịnh niệm nếu có thể thường thường tiếp nối không gián đoạn, tự nhiên tâm trở về một chỗ. Cạn thì được nhất tâm, sâu thì được Tam-muội. Có thể thật sự thâu nhiếp cả sáu căn mà niệm, chắc chắn nghiệp chướng tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, chẳng cần quán tâm mà tâm tự thanh tịnh sáng ngời, sao lại gây ra bệnh tâm hỏa bốc lên?

   Phương pháp Quán tâm chính là pháp tu Quán của Giáo gia, người niệm Phật không hợp cơ cho lắm. Thâu nhiếp cả sáu căn, Tịnh niệm tiếp nối là pháp vi diệu vô thượng cho mọi căn cơ, cả Thánh lẫn phàm, lợi khắp thượng trung hạ. Nên biết “điều thâu nhiếp” chú trọng ở chỗ nghe, ngay cả trong lòng thầm niệm cũng phải nghe. Vì trong lòng khởi niệm thì có âm thanh, tai của chính mình nghe tiếng trong lòng của chính mình, vẫn là rành rẽ rõ ràng. Quả như có thể từng chữ từng câu nghe rõ ràng thì sáu căn trở về nơi một, so với người tu pháp quán khác rất là ổn thỏa, rất đỡ tốn sức lực, rất khế lý khế cơ.

   Niệm Phật tuy quý nơi tâm niệm, nhưng cũng không nên bỏ sự đọc tụng ra tiếng, vì thân miệng ý giúp đỡ lẫn nhau. Dù rằng tâm có thể nhớ nghĩ, song nếu thân không lễ kính, miệng chẳng trì tụng, cũng khó được lợi ích. Cho nên, kinh Đại Tập nói: “Niệm lớn thấy Phật lớn, niệm nhỏ thấy Phật nhỏ”. Cổ đức cũng bảo: “Niệm lớn tiếng thấy thân Phật cao lớn, niệm nhỏ tiếng thấy thân Phật bé nhỏ”. Với hạng phàm phu, tâm thường hôn trầm tán loạn, nếu không nhờ sức thân lễ, miệng niệm tụng tất khó được nhất tâm.

   Pháp môn niệm Phật chú trọng ở lòng tin và sự phát nguyện. Có lòng tin và phát nguyện, dù chưa được nhất tâm cũng có thể vãng sinh. Được nhất tâm nhưng nếu không có lòng tin và phát nguyện cũng không được vãng sinh. Người đời phần nhiều chú trọng nhất tâm, chẳng chú trọng lòng tin và phát nguyện, đó là đã mất chỗ cốt yếu. Hơn nữa, khi sống chưa được nhất tâm, và còn nghi sợ chẳng được vãng sinh thì hoàn toàn trái ngược với lòng tin chân thật và sự phát nguyện thiết tha. Do vậy, càng thêm Tín–Nguyện để đạt đến nhất tâm, đó là ý niệm tốt. Nếu vì không được nhất tâm mà thường lo chẳng thể vãng sinh, thì trở thành ý niệm sai lầm. Điều đó không thể không biết!

   Niệm Phật tối yếu ở chỗ thoát sinh tử. Đã vì thoát sinh tử thì đối với nỗi khổ sinh tử tự nhiên sinh lòng chán nản, đối với niềm vui Tây Phương tự nhiên khởi tâm ưa thích. Như thế, hai pháp Tín–Nguyện ở ngay nơi tâm niệm đầy đủ trọn vẹn. Lại thêm chí thành khẩn thiết như con nhớ mẹ mà niệm, thì sức mạnh của Phật, sức mạnh của pháp, sức mạnh của công đức Tín–Nguyện nơi tự tâm, cả ba hiển bày trọn vẹn, như vầng nhật tỏ sáng giữa trời không, dù có sương dầy băng tuyết, không bao lâu cũng sẽ tan chảy.

   Muốn cho tâm không tham luyến việc ngoài, chuyên niệm Phật được quy nhất, cũng không có phương pháp chi kỳ lạ, chỉ đừng quên cái chết rình rập bên mình, không biết xảy ra lúc nào. Tâm luôn nghĩ nhớ: “Ta từ xa xưa đến nay tạo ra vô lượng vô biên nghiệp ác, như trong kinh nói: “Giả sử nghiệp ác kia có hình tướng thì khắp mười phương hư không cũng chẳng dung chứa hết”, duyên đâu may mắn, nay được thân người lại nghe Phật pháp, nếu không một lòng chuyên niệm Phật cầu sinh Tây Phương, khi cái chết đến thình lình, chắc chắn phải bị đọa vào ác đạo. Chừng ấy nếu vào địa ngục thì bị non đao, rừng kiếm, lò lửa, vạc dầu, một ngày đêm sống chết đến vạn lần, sự khổ cùng cực không thể diễn tả. Nếu ra khỏi địa ngục lại đọa vào loài ngạ quỷ, súc sinh; dù được làm người ngu si tạo nghiệp lại đọa lạc trải qua kiếp số nhiều như cát bụi, luân hồi trong sáu nẻo, dù muốn thoát ra cũng không thể được”. Hay nghĩ nhớ như vậy, những điều mong cầu trên liền được thành tựu. Cho nên, trong kinh thường nói, nghĩ về nỗi khổ nơi địa ngục mà phát tâm Bồ-đề, đó là lời khai thị thiết yếu nhất của đức Thế Tôn. Niệm Phật phải luôn luôn nghĩ mình sắp chết, sắp rơi vào địa ngục, thì chẳng khẩn thiết tự nhiên cũng khẩn thiết, chẳng tương ưng tự nhiên cũng tương ưng. Dùng tâm sợ khổ mà niệm Phật là pháp vi diệu bậc nhất để thoát khổ, cũng là pháp vi diệu bậc nhất để tùy duyên tiêu nghiệp.

   Người niệm Phật không nên tập theo lối tham cứu của nhà tu Thiền. Vì người tham cứu hầu hết đều không chú trọng về việc Tín–Nguyện vãng sinh. Dù có niệm Phật, họ chỉ chú trọng khán “niệm Phật đó là ai?” để cầu khai ngộ. Nếu khai ngộ hoặc nghiệp hết sạch, có thể thoát sinh tử. Nếu hoặc nghiệp chưa hết, không thể nhờ vào tự lực để thoát sinh tử. Lại không có Tín–Nguyện thì chẳng thể nhờ vào Phật lực thoát  khỏi sinh tử. Tự lực và Phật lực cả hai đều không nương cậy được, sao có thể thoát luân hồi?

   Người niệm Phật không nên bắt chước kẻ ngu tối làm những việc: hườn thọ sinh, gởi giấy tiền vàng mã. Bởi sự hườn thọ sinh, trong kinh Phật không có nói, do người sau ngụy tạo. Còn gởi giấy tiền vàng mã là muốn cho mình khi chết rồi thành quỷ, nên mới sắm trước tiền của đồ vật cho thân quỷ dùng. Đã có tâm niệm muốn làm quỷ thì khó được vãng sinh. Như người nào chưa làm thì thôi, nếu đã làm phải bạch rõ trước bàn Phật như vầy: “Đệ tử là… chỉ cầu vãng sinh, những đồ minh khố đã gởi đi trước, xin đem chẩn tế cho cô hồn”. Như thế, mới không chướng ngại cho sự sinh về cõi Phật.

   Người niệm Phật nên ăn chay trường. Như chưa được thế, thì giữ Lục trai hoặc Thập trai, để lần lần bỏ hẳn các thứ thịt của chúng sinh, mới là hợp lý. Lục trai là các ngày: mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30; nếu thêm vào đó mấy ngày: mùng 1, 18, 24, 28 thì thành ngày Thập trai. Những tháng thiếu nên ăn trước một ngày. Lại tháng giêng, tháng năm, tháng chín là ba trai ngoạt, nên ăn chay trường và làm các việc công đức. Dù chưa ăn chay được, cũng nên mua thịt cá đã làm sẵn, chớ sát sinh trong nhà.

   Người niệm Phật, việc quan trọng nhất là “thành khẩn”, làm tròn bổn phận, trừ dẹp tà vạy, giữ tâm thành kính, không làm các việc ác, thực hành mọi điều lành, giữ tâm tốt, nói lời lành, làm việc thiện. Những điều khả năng mình có thể làm được gắng sức làm, như không làm được cũng nên phát tâm lành ấy, hoặc khuyên người có khả năng làm, hoặc thấy người làm sinh tâm vui theo. Thốt lời khen ngợi việc lành cũng thuộc về công đức của tâm và miệng. Nếu việc mình không thể làm, khi thấy người khác làm được sinh tâm ganh ghét, đó là tâm hạnh của kẻ tiểu nhân gian ác. Như thế, nhất định sẽ bị mất phước tổn thọ, không được kết quả tốt, cần để ý răn chừa!

   Người niệm Phật phải hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành (thân không sát sinh, trộm cướp, tà dâm; miệng không nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói hung ác; ý không tham dục, giận hờn, ngu si tà kiến). Lại cần phải: cha lành, con thảo, anh em thương kính, chồng vợ thuận hòa, chủ nhân hậu, tớ trung thành, mỗi người đều giữ tròn bổn phận. Ta chỉ nên làm hết nhiệm vụ mình, đừng so đo phiền trách người khác đối với mình có trọn cùng không. Nếu người nào đối với gia đình xã hội làm tròn bổn phận, đó là người lành. Người lành mà niệm Phật dễ có cơ cảm, quyết định khi lâm chung được Phật tiếp dẫn sinh về Tây Phương vì tâm hạnh hợp với Phật. Lại phải khuyên cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, xóm giềng, bạn bè thường niệm Phật và Bồ-tát Quán Thế Âm. Vì việc này lợi ích rất lớn, nỡ nào để cho đấng sinh thành, người quyến thuộc và bạn bè của ta không được sự lợi ích này ư? Huống chi, khuyên người niệm Phật cầu sinh Tây Phương, tức là giúp kẻ phàm phu thành Phật, công đức rất lớn, nếu đem công đức ấy hồi hướng vãng sinh tất sẽ mãn nguyện.

   Người niệm Phật khi tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối, cứu tai nạn, giúp kẻ nghèo, tất cả công đức lành đều phải hồi hướng vãng sinh Tây Phương, không nên cầu đời sau hưởng phước báo ở cõi trời, cõi người. Vừa có tâm niệm ấy thì mất phần vãng sinh. Chưa thoát khỏi sinh tử, hưởng phước càng nhiều tất nghiệp càng lớn, qua một đời sau nữa khó khỏi đọa vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chừng ấy, muốn trở lại làm thân người, được nghe pháp hiện đời giải thoát của môn Tịnh độ, còn khó hơn lên trời.

   Quán Thế Âm Bồ-tát thệ nguyện rộng sâu, tìm tiếng cứu khổ. Khi gặp những tai nạn: đao binh, nước lửa, đói kém, cào cào, ôn dịch, khô hạn, cướp bóc, oan gia, thú dữ, rắn độc, ác quỷ, yêu mị, nghiệp bệnh, kẻ tiểu nhân hãm hại… nếu phát tâm sửa lỗi làm lành, lợi mình lợi người, chí thành khẩn thiết niệm Quán Thế Âm không xen hở, quyết định sẽ được sức từ bi ủng hộ tránh khỏi tai nguy. Nếu vẫn còn giữ lòng bất thiện, dù có xưng niệm, chẳng qua là gieo chút căn lành về sau, không được sự cảm ứng hiện tại, vì chư Phật, Bồ-tát thành tựu niệm lành cho người, tuyệt không thành tựu niệm ác cho người. Như không phát tâm sửa lỗi làm lành, lầm lạc muốn đem công đức niệm Phật, Bồ-tát để cầu cho việc ác của mình thành tựu, quyết không được cảm ứng. Rất không nên phát tâm điên đảo ấy!

   Người niệm Phật, nếu tấm lòng chân thiết, tự có thể nhờ từ lực của Phật khiến cho khỏi tai nạn đao binh nước lửa. Dù có bị nghiệp cũ trói buộc, hoặc trường hợp chuyển quả nặng địa ngục thành ra báo nhẹ đời nay ngẫu nhiên bị tai nạn ấy, nếu lúc thường ngày có lòng Tín–Nguyện chân thật thiết tha, quyết định lúc bấy giờ sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn.

   Người nữ khi có kinh nguyệt chỉ nên lễ bái ít, còn sự tụng kinh niệm Phật đều chiếu theo lệ thường. Nên thường thay giặt vải dơ, phải rửa tay cho sạch sẽ, đừng dùng tay dơ mà lần chuỗi, lật kinh và đốt hương. Khi sinh sản, lõa lồ không sạch nhưng không cách nào hơn, đó chẳng phải ý mình buông lung. Nếu chí thành khẩn thiết niệm lớn tiếng Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát, quyết định sẽ không còn khốn khổ khó sinh và bị những bệnh băng huyết sau khi sinh, con trẻ bị kinh phong. Dù rất khó sinh sắp chết, nên bảo sản phụ và những người giúp đỡ trong phòng đều niệm lớn tiếng Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát. Người nhà tuy ở phòng khác cũng nên niệm trợ giúp, quyết định liền được sinh đẻ dễ dàng. Chẳng những không tội lỗi mà còn khiến mẹ con gieo trồng căn lành lớn. Lúc ấy, không nên niệm thầm vì niệm thầm tâm lực kém nên sự cảm ứng cũng kém. Hơn nữa, trong khi dùng sức cho đứa con ra, nếu niệm thầm tất phải tổn hơi mang bệnh.
 
   Giữ một câu A-di-đà Phật, nhặt nhiệm nối nhau thường nhớ thường niệm. Khi những tâm hờn giận, dâm dục, háo thắng, kiêu mạn, thoạt nổi lên, phải nghĩ: “Ta là người niệm Phật cầu giải thoát, không nên có tâm niệm như vậy”, nghĩ rồi liền trừ diệt đi. Như thế, lâu dần những niệm lao thần tổn thân đều không do đâu sinh khởi, trọn ngày được công đức không nghĩ bàn của Phật gia trì nơi thân tâm mình, dám đảm bảo trong mười ngày sẽ thấy hiệu quả lớn. Nếu chỉ niệm một, hai câu liền muốn được công hiệu ngay, đó là lừa mình dối người, tuy có công đức nhưng muốn do đó lành bệnh quyết không thể được.

   Người niệm Phật cần phải chí thành. Hoặc có khi trong tâm sinh khởi đau buồn, đây cũng là tướng căn lành phát hiện, quyết chẳng thể để cho thường như thế, nếu không thì ma bi xâm nhập. Phàm lúc có việc thích ý, không nên quá vui vẻ, nếu không ắt bị ma hoan hỷ xâm nhập. Khi niệm Phật mắt nên nhìn xuống, không nên đề khởi tinh thần quá lắm, đến nỗi gây ra bệnh tâm hỏa bốc lên. Hoặc có những bệnh trên đầu phát ngứa, phát đau… cần phải điều đình vừa phải. Niệm lớn tiếng không nên quá gắng sức để đề phòng sinh bệnh, lần chuỗi niệm có thể ngăn ngừa sự lười biếng. Khi tĩnh tọa, nhất định không nên lần chuỗi, lần chuỗi thì tay động tâm chẳng thể định, lâu ngày ắt sinh bệnh. Khi nằm chỉ nên niệm thầm bốn chữ, để khỏi vì nhiều chữ mà khó niệm. Nếu niệm ra tiếng, một là không cung kính, hai là bị hao hơi.
 
   Niệm Phật nhắm mắt dễ đi vào hôn trầm, nếu chẳng khéo dụng tâm đôi khi có ma cảnh. Lúc ông niệm Phật, nếu cảm thấy có vật gì xoa cổ và kềm chế trên đầu, đó là khi niệm Phật tâm tưởng hướng lên nên gây ra tướng tâm hỏa bốc lên. Nếu mắt mở vừa phải nhìn xuống và tâm tưởng hướng xuống, thì tâm hỏa chẳng bốc lên, bệnh này liền hết. Nhất định chẳng thể cho đây là công phu, lại không nên sợ đây là ma cảnh, chỉ chí thành nhiếp tâm mà niệm, đồng thời tưởng thân mình ngồi hoặc đứng trên hoa sen, nhất tâm tưởng về hoa sen nơi mình ngồi hoặc đứng, tự nhiên có thể nhanh chóng lành bệnh. Nếu không dám tưởng mình ngồi hoặc đứng trên hoa sen, e dẫn đến việc ma thì chỉ tưởng dưới gót chân, bệnh tâm hỏa bốc lên đầu sẽ không phát sinh.

   Thấy Phật không phải dễ, khi chưa được nhất tâm quyết không thể mống niệm muốn thấy Phật. Khi được nhất tâm, tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật, muốn thấy liền thấy ngay, dù không thấy cũng không ngại. Vội gấp muốn thấy Phật thì vọng tưởng rối ren, tâm niệm cầu mong cố kết nơi lòng, đây là chứng bệnh lớn lao nguy hiểm của người tu hành. Như thế lâu ngày, những oan gia đời trước nương theo vọng tưởng của hành nhơn, hóa làm thân Phật, để mong báo oán. Lúc ấy, tự mình đã không có chánh kiến, toàn thể là khí phần của ma, một khi thấy cảnh ấy tất sinh lòng hoan hỷ, ma nương theo đây mà vào tâm phủ làm cho hành nhơn điên cuồng, dù có Phật sống cũng không cứu được. Chỉ được nhất tâm, lo gì việc thấy Phật và không thấy? Sau khi nhất tâm, tự biết tốt hay không. Không thấy Phật cố nhiên có thể công phu tiến lên, dù thấy đi nữa lại càng dụng tâm chuyên tu, quyết không có lỗi nhận lầm, chỉ có sự lợi ích tiến thêm mà thôi.
Đóng cửa nhập thất, từ chối những việc

   không cấp thiết rất là có ích. Trong thất dụng công, nên lấy việc chuyên tinh thuần nhất làm chánh. Nếu quả như tâm được thuần nhất ắt có sự cảm thông không thể nghĩ bàn, cảm thông thì tâm càng chuyên nhất, gọi là gương sáng trên đài gặp vật thì hiện bóng, tự chúng lăng xăng nào có dính dáng gì đến ta. Khi tâm chưa chuyên nhất, quyết không thể đem tâm vọng động mong cầu cảm thông, tâm mong cầu cảm thông này chính là sự chướng ngại lớn nhất của việc tu hành. Huống gì dùng tâm vọng động hy vọng đạt được những việc khác thường, có khi dẫn đến những ma sự, phá hoại tâm thanh tịnh.

   Gần đây, người tu hành phần nhiều hay bị ma dựa, đều do dùng tâm vọng động mong được những cảnh giới lạ thường. Đừng nói cảnh ấy là ma, dù có cảnh thù thắng, nếu sinh lòng vui mừng tham trước cũng bị tổn hại, huống chi cảnh ấy chưa hẳn thật là cảnh thù thắng. Nếu người có công hàm dưỡng, dứt hẳn tâm vọng động, khi thấy các cảnh giới cũng như chưa thấy, không vui mừng, tham trước, sợ hãi, nghi ngờ, thì dù gặp ma cảnh cũng được lợi ích, nói gì là cảnh nhiệm mầu? Sở dĩ được như thế, bởi không bị ma chuyển nên có thể tiến triển thêm.

   Những bóng đen chẳng phải là bóng chư Phật, Bồ-tát, cũng chẳng phải hình ảnh kẻ oan gia đối đầu. Vì nếu Phật, Bồ-tát hiện thân, tất phải tỏ rõ có thể trông thấy mặt mày; còn nếu là kẻ oan gia thì nó sẽ hiện ra tướng ghê gớm đáng sợ. Mấy bóng ấy có lẽ là những cô hồn hữu duyên từ kiếp trước, muốn nhờ sức tụng kinh niệm Phật để siêu sinh về cõi lành. Sau thời khóa tụng hồi hướng, nên cầu nguyện luôn cho các vong ấy được tiêu trừ ác nghiệp, thêm lớn căn lành, nhờ sức từ của Phật vãng sinh về Tây Phương. Như thế, các vong kia sẽ được lợi ích, không luống uổng một phen khổ sở mong cầu.

   Chúng ta nhiều đời đã tạo mọi thứ nghiệp, may mắn được nghe Phật pháp nên chân thật tu trì, mới mong có thể tiêu trừ nghiệp cũ, siêu độ oan gia. Nếu chịu phát tâm Bồ-đề và thành tâm siêu độ, thì dù thắt gút khó mở đến đâu cũng liền được cởi mở. Niệm Phật mà bị khó thở, ắt không phải cơ thể yếu đuối mà chính là do nghiệp chướng gây ra, chỉ khẩn thiết chí thành mà niệm. Nếu niệm không được thì tâm thường nghĩ tưởng, có thể niệm được cần phải dùng miệng niệm, không thể niệm được thì chỉ dùng tâm niệm ghi nhớ, lâu dần nghiệp ấy liền tiêu. Từ nay về sau, nơi tâm niệm hành vi phải giữ cho hiền hòa mới được phước lành. Nếu chẳng thế, lại thêm tánh gian xảo, khắc hiểm, thì cũng như chót núi đá chơ vơ, mưa bao nhiêu cũng không đọng lại chút nào, dù loại cây cỏ chi cũng không sinh trưởng nổi.