Thể loại sách khác
Khóa tu Phật thất
Tác giả: Thích Chân Tính
10/04/2553 11:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chú thích

 
    CHÚ THÍCH
   (1) Pháp vương: vương là vua, nghĩa là vua pháp, một hiệu của đức Phật. Vì Phật là người đã giác ngộ thấu rõ thực tướng của vạn pháp, tự do tự tại không bị ràng buộc bất kỳ một pháp nào cho nên gọi là Pháp vương.
  
(2) Ba cõi (Tam giới):
   1. Dục giới (cõi dục): “Dục” là ham muốn, cõi dục là cõi của thực phẩm, ước muốn vật chất và dục vọng thể xác. Các loài chúng sinh sống trong cõi này gồm có: người, A-tu-la, ngạ quỷ, súc sinh và sáu cõi trời (Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại).
   2. Sắc giới (cõi sắc): “Sắc” là hình tướng, là vật chất như thân thể, cung điện… nhưng rất vi tế, đẹp đẽ tinh diệu. Các vị trời ở đây không có tướng nam nữ, không có tham dục như ở cõi dục, chỉ sống trong thiền định. Tùy theo mức độ cao thấp của thiền định, cõi này chia làm bốn bậc, gồm 18 cõi trời.
   3. Vô sắc giới (cõi vô sắc): cõi này hoàn toàn không có vật chất, hình thể, cho nên cũng không có tướng nam nữ, không có dục vọng, mà chỉ thuần có nghiệp thức trú trong các cảnh giới thiền định thâm diệu. Đây là cõi cao nhất trong ba cõi, gồm có bốn cõi trời: Không vô biên xứ thiên, Thức vô biên xứ thiên, Vô sở hữu xứ thiên và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên.
   (3) Bốn loài (tứ sinh): tức là chỉ cho cách thức mà từ đó các sinh vật sinh ra ở thế gian.
   1. Thai sinh: các loài sinh ra từ bào thai trong bụng mẹ như loài người, các giống thú như trâu, bò, ngựa v.v…
   2. Noãn sinh: các loài sinh ra từ trứng, như chim, rắn, rùa v.v…
   3. Thấp sinh: các loài sinh ra từ nơi ẩm thấp như các loài sâu bọ, côn trùng v.v…
   4. Hóa sinh: các loài sinh vật sinh ra bằng cách chuyển hóa như các giống tằm, bướm…
  
(4) Một niệm (nhất niệm): có hai nghĩa:
   1. Một niệm: là thời gian cực ngắn, khoảng thời gian này bao lâu trong kinh điển có chỗ giải thích khác nhau. Ví dụ có chỗ nói 60 niệm một búng tay (đàn chỉ), có chỗ nói 20 niệm trong một cái nháy mắt.
   2. Một lần tư niệm: là một lần tâm chuyên chú vào đối tượng, chỉ cho trạng thái tập trung của tâm.
   (5) Ba kỳ (tam kỳ): nói đủ là ba A tăng kỳ kiếp, là chỉ cho ba A tăng kỳ kiếp, mà hành giả tu hành phải trải qua để đạt đến quả vị Phật.
A tăng kỳ (asamkhya) dịch là vô số, hoặc là vô ương số. Nói đúng hơn, A tăng kỳ là chỉ cho một con số vô cực, lấy vạn vạn là một ức, vạn ức là một triệu. Một A tăng kỳ có nghìn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu, hay nói rõ hơn một A tăng kỳ kiếp viết ra có con số cụ thể là số 1 đứng đầu và sau đó là 47 con số 0.
   (6) Ức kiếp: là con số chỉ cho một ức kiếp, nhằm nói đến một khoảng thời gian rất dài. Theo bộ Hiệp Chú Giải: một ức tức là mười triệu (10.000.000).
   (7) Lưới đế châu (Đế Thích võng): chiếc màn lưới treo ở trong cung vua Đế Thích. Màn lưới này được làm bằng những xâu chuỗi ngọc long lanh, và khi ta nhìn vào một viên ngọc thì ta thấy hàng vạn viên ngọc khác của màn lưới ảnh chiếu trong đó và chỉ cần nhìn một viên ngọc có thể thấy tất cả các viên ngọc khác, còn gọi tắt là Đế Võng. Các vị sư tông Hoa Nghiêm thường lấy nó tượng trưng cho tính trùng trùng duyên khởi của vạn pháp.
   (8) Mười phương (thập phương): chỉ cho mười phương hướng, bao gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương trên và phương dưới, cộng lại tất cả là mười phương.
   (9) Bảo tọa: chỗ ngồi quý báu. Nhà Phật thường gọi chỗ ngồi của Phật là bảo tọa.
   (10) Quy y: “Quy” là trở về, “Y” là nương tựa, tức là trở về nương tựa Tam bảo.
   ( 11) Năm núi lớn (ngũ Tu-di): năm tòa núi Tu-di, dụ cho sự rộng lớn của tướng lông trắng giữa hai chặn mày của Phật A-di-đà. Kinh Vô Lượng Thọ Phật ghi: “Tướng lông trắng giữa hai chặn mày của Phật A-di-đà uyển chuyển xoay vòng bên phải (hữu) như năm tòa núi Tu-di”. Núi Tu-di cao 336 muôn dặm, mỗi bề cũng rộng như vậy, nhưng tướng lông trắng của Phật A Di Đà rộng lớn gấp 5 lần, cho nên gọi là ngũ Tu-di, chớ hoàn toàn không có tên gọi cụ thể của năm núi lớn.
   Ngoài ra, ngũ Tu-di còn dụ cho tâm ngã mạn, phiền não, vô minh của chúng sinh cao lớn không lường, giống như năm núi lớn.
   ( 12) Bốn nguồn khơi (tứ đại hải): dịch là bốn biển lớn, chỉ cho bốn biển lớn ở bốn phía núi Tu-di, núi Tu-di ở chính giữa bốn biển đó. Trong mỗi biển đều có một đại châu.
   ( 13) Chín phẩm (cửu phẩm): là những quả vị mà người tu pháp môn niệm Phật đạt được tùy theo năng lực công phu, sau khi người đó vãng sinh về thế giới Tây phương, bao gồm chín phẩm vị sau:Thượng phẩm
Thượng phẩm thượng sinh
Thượng phẩm trung sinh
Thượng phẩm hạ sinh
Trung phẩm
Trung phẩm thượng sinh
Trung phẩm trung sinh
Trung phẩm hạ sinh
Hạ phẩm
Hạ phẩm thượng sinh
Hạ phẩm trung sinh
Hạ phẩm hạ sinh
   ( 14) Sám hối: tiếng Phạn gọi là Sám-ma, Trung Hoa dịch là Hối quá. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá”. Sám là ăn năn lỗi trước, hối là chừa bỏ lỗi sau. Như vậy, sám hối nghĩa là ăn năn chừa bỏ những tội lỗi đã tạo do ác nghiệp ngu mê (vô minh) và nguyện dứt bỏ về sau không còn tái phạm nữa.
   ( 15) Luân hồi: tiếng Phạn là Samsara. “Luân” là cái bánh xe, “hồi” là sự xoay chuyển. Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, xoay chuyển lăn lộn trong vòng sinh tử ở sáu đường (lục đạo): trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… như bánh xe lăn đi vô cùng tận, không lúc nào dừng.
   ( 16) Ba chướng (tam chướng): là ba loại chướng gây trở ngại cho người tu đạo, làm tổn hại đến thiện tâm.
   1. Phiền não chướng: chỉ cho các phiền não (còn gọi hoặc hay lậu) tham dục, sân hận, si mê…
   2. Nghiệp chướng: là những nghiệp ngũ nghịch, thất nghịch, thập ác v.v…
   3. Báo chướng: là những quả khổ ác báo ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh v.v…
   Ngoài ra, trong Du Dà Đại Giáo Vương Kinh lại có nói đến tam chướng: 1. Ngã mạn chướng; 2. Tật đố chướng và 3. Tham dục chướng.
   (17) Pháp vô sinh (vô sinh pháp nhẫn): gọi tắt là Vô sinh nhẫn. Pháp vô sinh là chỉ cho thực tướng lý thể chân như xa lìa khỏi sinh diệt, là chỉ cho thể tánh Niết-bàn. Đó là sự chứng ngộ của bậc sơ địa (Hoan hỷ địa), hoặc địa vị thứ bảy (Viễn hành địa), thứ tám (Bất động địa) và thứ chín (Thiện huệ địa).
   ( 18) Pháp thân Tỳ-lô-giá-na Phật: Pháp thân Phật có tên gọi là Tỳ-lô-giá-na. Trung Hoa dịch là Biến Nhất Thiết Xứ, nghĩa là pháp thân Phật bao trùm khắp pháp giới (không gian), chu biến khắp ba đời (thời gian), xa lìa tất cả tướng, vượt ngoài vòng luận bàn đối đãi mà trong đó đầy đủ vô lượng vô biên công đức. Đó là tự tánh chân thật bình đẳng của tất cả các pháp. Vì thế, pháp thân cũng có tên gọi khác là Tự Tánh Thân.
   (19) Báo thân Lô-xá-na Phật: Báo thân còn có tên gọi là Lô-xá-na. Trung Hoa dịch là Tịnh Mãn. Là hiện thân chúng sinh của Phật. Thân này giả hợp, vô thường, bị sinh, lão, bệnh, tử chi phối như bao thân chúng sinh khác. Đó là cái nhục thân của đức Thích-ca Mâu-ni từ khi nhập thai và sinh ra là Thái tử Tất-đạt-đa ở thành Ca Tỳ La Vệ, có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, lớn lên lập gia đình, xuất gia tu khổ hạnh rồi thành Phật, thuyết pháp độ sinh, và cuối cùng nhập diệt tại thành Câu-thi-na. Tông Pháp Tướng còn gọi báo thân Phật là Thọ Dụng Thân.
   (20) Hóa thân Thích-ca Mâu-ni Phật: cũng còn gọi là hóa thân hay ứng hóa thân, ứng thân của Như-lai có tên gọi là Thích-ca. Trung Hoa dịch Độc Ốc Tiêu, có nghĩa là độ khổ ách cho chúng sinh. Do tâm nguyện cứu
độ chúng sinh một cách bình đẳng và bao la, chư Phật thường tùy duyên mà ứng hiện nhiều loại thân khác nhau của các loài chúng sinh khác nhau để dễ dàng hóa độ. Tông Pháp Tướng (Duy thức học) còn gọi hóa thân Phật là thân biến hóa.
   (21 ) Tam thế: là ba đời, ba thuở, là chỉ cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Thế (đời) cũng có nghĩa là đổi dời. Kinh Bảo Tích, quyển 9 có nói: “Ba đời là chỉ cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Thế nào gọi là đời quá khứ? Nếu pháp sinh đã diệt gọi là đời quá khứ. Thế nào gọi là đời hiện tại? Nếu pháp sinh rồi nhưng chưa diệt thì gọi là đời hiện tại. Thế nào là đời vị lai? Nếu pháp sinh chưa sinh, chưa khởi gọi là đời vị lai”.
   (22) Bồ-tát Ma-ha-tát: nói đủ là Bồ-đề tát-đóa ma-ha-tát-đóa. Còn gọi là Đại Bồ-tát, là những vị Bồ-tát có thể thành Phật, như đã muốn làm Phật thì đã ở địa vị ấy lâu rồi. Song, vì sức đại nguyện nên còn trong hành Bồ-tát đạo mà độ chúng sinh như các ngài Văn Thù, Địa Tạng, Quán Thế Âm, Phổ Hiền…
   (23) Ba đức: 1. Trong sạch: đồ ăn cúng Phật Tăng thường cho thanh khiết; 2. Mềm dịu: đồ ăn cúng Phật Tăng thường phải mềm dịu ngọt hòa; 3. Như pháp: đồ ăn cúng Phật Tăng phải tùy lúc sắm sửa, chế tạo đúng pháp.
   (24) Sáu vị: đắng, chua, ngọt, cay, mặn, lạt
   (25) Pháp giới: Phạn Dhamma-dhuta, phiên âm là Đạt-ma-đà-đô, dịch nghĩa là pháp giới, còn gọi là pháp tính, thực tướng. Pháp giới có nhiều nghĩa khác nhau. Sau đây là hai nghĩa chính:
   1. Nói về sự: pháp là các pháp, giới là cảnh giới, giới hạn. Các pháp đều có tự thể giống nhau, nhưng cảnh giới không đồng nhau nên mới phân ra từng cảnh giới, mỗi cảnh giới là một pháp giới. Như mười cảnh giới Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn, thiên, nhân, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là Thập pháp giới. Nói tổng quát, tất cả các pháp trong thế gian, muôn sự muôn vật trong vũ trụ đều gọi chung là pháp giới.
   2. Nói về lý: pháp giới là cảnh giới chung cho tất cả chúng sinh, dầu là người, dầu là vật, đều đồng thể tánh như nhau, đều có tánh chân như như nhau nên gọi là pháp giới.
   (26) Chim cánh vàng (kim xí điểu): tiếng Phạn là Ca-lâu-na, còn gọi là Tô-bát-thích-ni (supami). Loài chim này có màu lông đẹp rực rỡ, chớ không phải thuần màu lông vàng. Người Trung Hoa dịch sapami là “thực thổ bi khổ thanh”, vì chim này bắt được rồng, trước khi ăn thịt nó nuốt vô rồi thả ra, con rồng vẫn còn sống nên đau đớn kêu rên thảm thiết.
   Trong kinh có thuật lại câu chuyện có một con chim đại bàng rượt bắt một con rồng để ăn thịt, rồng hoảng sợ chạy đến chỗ Phật, chim vì kính Phật nên không dám làm gì. Phật liền thuyết pháp cho chim nghe. Ngài khuyên chim nên giữ giới sát, sẽ được chư tăng để dành thức ăn cho, và nên ủng hộ Phật pháp.
   (27) Quỷ La-sát: tiếng Phạn là Raksassa là một loài ác quỷ ăn máu thịt người, hoặc bay trên hư không rất nhanh chóng.
   (28) Cam lồ: tiếng Phạn là A-mật-lý-đa (Amrta) có vị ngọt như mật, là thức ăn của trời người. Nhờ thức ăn này, con người được sống lâu, thân thể khỏe mạnh, sức lực tăng cường, trẻ đẹp, còn gọi là thuốc bất tử.
   (29) Pháp khí: người có khả năng làm Phật đạo.
   (30) Bố thí (dàna): phiên âm theo tiếng Phạn là Đàn-na, tiếng Hán dịch là bố thí, nghĩa là đem phúc lợi của cải vật chất của mình ban bố cho  người gọi là bố thí. Bố thí gồm có ba loại: tài thí, pháp thí và vô úy thí.
   (31) Ba nghiệp (tam nghiệp): “Nghiệp” là hành động. Tất cả mọi hành động do chúng ta tạo ra được gọi là nghiệp nhân, và kết quả do những hành động ấy đem lại được gọi là nghiệp quả, nghiệp báo hay quả báo. Hành động được chia làm ba loại:
   1. Hành động của thân (thân nghiệp): gồm những động tác đi, đứng, nằm, ngồi và tất cả những động tác khác của tay, chân và thân thể (kể cả ăn uống và xúc chạm).
   2. Hành động của miệng (khẩu nghiệp): gồm mọi lời nói và âm thanh do miệng lưỡi phát ra.
   3. Hành động của ý (ý nghiệp): gồm mọi tư tưởng phát xuất từ tâm ý.
Tính chất của ba nghiệp trên có khi thiện (giúp ích), có khi ác (phá hoại), có khi vô ký (không thiện cũng không ác).
   (32) Biển ái (ái hà): tình ái làm chết đuối, làm cho con người say mê không thức tỉnh nên được ví như dòng biển.
   (33) Ta-bà (saha): còn gọi là Sa-ha-lâu-đà, hay Sa-bà, có nghĩa là kham nhẫn, là chịu đựng. Vì chúng sinh ở trong cõi này nhẫn chịu tam độc và mọi món phiền não, thập ác mà không chịu lìa bỏ. Ngoài ra Ta-bà có tên gọi Tạp hội, vì nơi đây có chín bậc Thánh phàm cùng chung ở.