Điểm sách hay
Giáo huấn của Đức Phật dành cho cư sĩ tại gia
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà
07/10/2553 08:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Với mục đích đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sinh, Đức Phật đã vạch ra một xã hội có tổ chức chặt chẽ. Phong trào xã hội này đã cuốn hút được hàng trăm ngàn nam nữ đệ tử, thuộc nhiều thành phần xã hội.

Cộng đồng xã hội tân tiến của Đức Phật bao gồm hai thành phần, các đệ tử xuất gia và hàng đệ tử tại gia. Cả hai hạng đệ tử này, đối với Đức Phật, đều quan trọng như nhau. Trong khi Đức Phật tạo mọi nỗ lực để dẫn dắt hàng đệ tử xuất gia của Ngài đến những tiến bộ tâm linh cao cả nhất, Ngài cũng nỗ lực để hướng dẫn hàng đệ tử tại gia tiến đến sự thành công, trí tuệ và nội tâm an bình – tuy nhiên lịch sử hình như đã chôn vùi phần lớn những lời dạy này của Ngài!

Khoảng thời gian của hai mươi sáu thể kỷ đã che mờ những lời dạy của Đức Phật dành cho cộng đồng cư sĩ – mà dẫu có tìm được chứng cứ gì, chúng cũng dường như không quan trọng hay lại được diễn giải theo những cách khiến chúng dễ bị hiểu lầm. Quyển sách này nhằm phục hồi tầm quan trọng của chúng, bằng văn bản với sự trong sáng, rõ ràng. Vượt qua các rào cản lịch sử và văn hóa, chúng tôi cố gắng tìm ra những gì Đức Phật thực sự đã giảng dạy vì lợi ích của hàng đệ tử tại gia của Ngài, cũng như phân loại lại và làm sáng tỏ giáo lý của Đức Phật về đời sống tại gia.

(Tỳ Kheo Basnagoda Rahula)

 

Tại Việt Nam hiện nay, nếu bạn tình cờ bước chân vào các chùa trong những ngày lễ hay cuối tuần, bạn sẽ ngạc nhiên thú vị khi thấy con số Phật tử, trẻ già, đến với các chùa rất đông. Tuy nhiên số lượng có thể đánh lừa bạn đấy, vì không ít người trong số họ đến chùa chỉ để cầu xin ân huệ, xem số, bói toán, vân vân, mà rất ít người trong số họ thấu đáo về giáo lý của Đức Phật.

Thêm nữa, tin tức báo chí hằng ngày vẫn đầy rẫy hình ảnh những người trẻ như những con thiêu thân đốt mình trong ánh nến của các trò chơi trên mạng đầy những hình ảnh bạo lực và khiêu dâm. Rồi những chuyện chồng đốt vợ, hay vợ giết chồng, chỉ vì giận hờn, ghen tuông vô cớ; hay bạn trẻ này chém giết bạn trẻ kia chỉ vì một ánh nhìn khiêu khích dễ ghét… Hoặc họ tự tìm đến cái chết như một giải pháp cho những vấn đề khá đơn giản.

Những chuyện thường ngày này có thể làm nhói lòng tất cả những ai có chút quan tâm đến tương lai tuổi trẻ, đến một xã hội an bình, đến tình thương yêu giữa người với người.

Với suy nghĩ đó, chúng tôi thật rất hoan hỷ khi được đọc quyển Lời dạy của Đức Phật dành cho cư sĩ tại gia (The Buddha’s teachings on Prosperity: at home, at work, in the world) của Tỳ kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula. Một quyển sách mà theo thiển ý của chúng tôi có thể được xem như là một cuốn cẩm nang cho người Phật tử sơ cơ mới bước vào hoặc muốn bước vào con đường Đạo. Tỳ kheo Basnagoda Rahula với văn phong giản dị dễ hiểu, đã trình bày rất rõ ràng những điều Đức Phật dạy liên quan đến đời sống của người cư sĩ tại gia.

Qua quyển sách này, chúng ta càng cảm niệm thêm ơn đức sâu dày của đấng Từ Phụ, vì Ngài đúng là người cha hiền, dạy dỗ đàn con của mình thật cặn kẽ về nhiều vấn đề, từ những vấn đề rất đời thường như chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, quan hệ tình dục cho đến những điều quan trọng hơn như quan hệ giữa vợ chồng, con cái, bạn bè, rồi đến ra ngoài xã hội, việc tạo ra tài sản, giữ gìn tài sản, cũng như làm sao để tạo được hạnh phúc bền vững là mục đích tối hậu của người cư sĩ tại gia.

Chúng tôi tha thiết mong là quyển sách này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho quý Phật tử, nhất là giới trẻ. Nếu quyển sách có thể làm cho ai đó sau khi đọc xong, có thể gập sách lại và thầm kêu lên: “Ôi, Phật giáo thật là gần gũi, giản dị mà thiết thực, ích lợi biết bao!”, thì chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi.

Dịch giả Diệu Liên Lý Thu Linh

 

SỰ HÌNH THÀNH CÁC CHƯƠNG TRONG SÁCH

 

Chương 1 xem xét các lý do tại sao những lời dạy của Đức Phật về đời sống của người cư sĩ không được làm cho rõ ràng hay làm cho sai lệch. Tại sao những lời dạy về cuộc sống đời thường ít được quan tâm đến? Tại sao chúng bị quên lãng quá lâu? Chương 1 sẽ trả lời những câu hỏi này.

Chương 2 nhấn mạnh đến sự tự do mà Đức Phật dành cho người cư sĩ trong việc được thành công, phát đạt, và phủ nhận các quan niệm phổ biến nhưng sai lệch rằng Đức Phật không khuyến khích hàng cư sĩ cố gắng để đạt được thành công ở đời. Dựa trên quan điểm sai lầm này, nhiều người lầm lạc tin rằng giàu sang, sung túc là đi ngược lại với giáo lý của Đức Phật – một sự hiểu lầm khiến giáo lý của Đức Phật dường như không quan trọng đối với người sống tại gia. Chương 2 sẽ mổ xẻ vấn đề này một cách chi tiết.

Các chương kế tiếp xác lập những điều kiện tiên quyết để có được một cuộc sống thành đạt. Qua đó, ta thấy Đức Phật dường như khẳng định rõ ràng tất cả những điều kiện để cuộc sống của người cư sĩ tại gia được thành công, có ý nghĩa và an lạc.

Chương 3 giới thiệu các phương cách để đạt được sự thành công vật chất, và hướng dẫn rõ bằng cách nào để người cư sĩ khởi bước trên cuộc hành trình đó.

Chương 4 đến chương 13 thảo luận về những đề tài khác nhau mà Đức Phật khẳng định là quan trọng đối với sự thành công của người cư sĩ tại gia, kể cả những mối liên hệ cá nhân và xã hội, sự quyết định, và sự phát triển nhân cách của họ. 

Chương cuối cùng thảo luận về đề tài quan trọng nhất: đạt được nội tâm an lạc và hạnh phúc dài lâu. Đức Phật nhấn mạnh, đó phải là mục đích tối hậu trong cuộc sống. Để đạt được mục đích lớn lao nhưng khả thi này, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta những phương cách thật hữu hiệu. Đối với những người còn chưa rõ làm sao để đạt được an lạc nội tâm và hạnh phúc dài lâu, các phương cách này sẽ là kim chỉ nam cho họ.

Mục đích của quyển sách này là để giới thiệu đến người đọc những lời dạy thực tiễn, hữu ích trong cuộc sống đời thường. Nội dung của sách đã được chọn lọc, phối hợp và sắp xếp vì mục đích này. Các lý thuyết trừu tượng đã được lược bỏ vì chúng thuộc về những phạm trù hoàn toàn khác. Bất cứ ai muốn tìm một phương cách thực tiễn để đạt được thành công và hạnh phúc bền vững sẽ nhận thấy quyển sách này đặc biệt ích lợi.

Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula

 

MỤC LỤC

Chương 1:  Kho Báu Ẩn Tàng

Chương 2:  Quan Điểm Của Đức Phật Về Sự Thành Đạt

Chương 3:  Tạo Ra Tài Sản

Chương 4:  Gìn Giữ Tài Sản

Chương 5:  Quan điểm của Đức Phật Về Các Mối Quan Hệ

Chương 6:  Mối Quan Hệ Trong Hôn Nhân

Chương 7:  Bổn Phận Cha Mẹ

Chương 8:  Giải Quyết Mâu Thuẫn

Chương 9:  Thành Đạt Trong Xã hội

Chương 10: Quan điểm của Đức Phật Về Sự Quyết Định

Chương 11: Lý Luận Đúng, Quyết Định Hay

Chương 12: Những Điều Không Nên Làm

Chương 13: Phát triển Nhân Cách Tốt Đẹp

Chương 14: Hạnh phúc Bền Vững

 

 

Về tác giả

image005.jpg

 Tỳ Kheo Tiến sĩ Basnagoda Rahula, sinh quán tại Sri Lanka. Thuở nhỏ đã xuất gia tại chùa Hoàng Gia Attanagalla, Sri Lanka. Sau khi thọ đại giới và ra trường với bằng Cử nhân về Triết học Phật giáo, ngài sang định cư tại Mỹ năm 1990.

Sau đó, Tỳ kheo Rahula lấ́y bằng Thạc sĩ Văn Chương tại đại học Houston-Clear Lake và bằng Tiến sĩ Anh văn tại đại học Công Nghệ Texas ở Lubbock, bang Texas. Hiện nay Ngài là chủ tịch Trung Tâm Thiền Vipassana ở Willis, Texas, đồng thời dạy tiếng Anh tại đại học Houston-Downtown.

 

Thông tin về cuốn sách:

Tên sách: Giáo huấn của Đức Phật dành cho cư sĩ tại gia

Tác giả: Tỳ kheo, tiến sĩ Basnagoda Rahula

Khổ: 14,5 x 20,5 cm

Số trang: 330

Giá: 55.000

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà

Showroom: 119C5 Tô Hiệu, Cầu Giấy, HN

Tel: 04  6 281 3638 - Fax: 04 6 2813673