Bắc truyền
Kinh Trung A Hàm
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm, Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ
10/07/2554 14:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

14. PHẨM TÂM

172. KINH TÂM[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo sống cô độc tại một nơi an tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi ý niệm: “Cái gì dẫn thế gian đi? Cái gì làm nhiễm trước[02]? Cái gì khởi tự tại[03]?”

Khi ấy, vào lúc xế chiều, Tỳ-kheo ấy từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình ở một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi ý niệm ‘Cái gì dẫn thế gian đi? Cái gì làm nhiễm trước? Cái gì khởi tự tại?’”.

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đường hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo[04] rằng ‘Cái gì dẫn thế gian đi? Cái gì làm nhiễm trước? Cái gì khởi tự tại?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Thầy Tỳ-kheo ấy đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, tâm dẫn thế gian đi, tâm làm nhiễm trước, tâm khởi tự tại[05]. Này Tỳ-kheo, chính nó dẫn thế gian đi, chính nó làm nhiễm trước và cũng chính nó khởi tự tại. Này Tỳ-kheo, Đa văn Thánh đệ tử không để tâm dẫn đi, không để tâm nhiễm trước, không để tâm tự tại. Này Tỳ-kheo, Đa văn Thánh đệ tử không vâng theo sự tự tại của tâm, mà tâm tùy theo tự tại của Đa văn Thánh đệ tử”.

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn; được nói là Tỳ-kheo đa văn, bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Tỳ-kheo đa văn? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn?”

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn; được nói là Tỳ-kheo đa văn, bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Tỳ-kheo đa văn? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

 Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, những gì được Ta thuyết giảng rất nhiều, là chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Này Tỳ-kheo, nếu có thiện nam tử chỉ nghe Ta nói bốn câu kệ mà biết nghĩa, biết pháp, thực hành pháp và tùy pháp, thuận theo phạm hạnh, thì này Tỳ-kheo, nói Tỳ-kheo đa văn là chỉ nói như vậy chứ không hơn nữa. Này Tỳ-kheo, như vậy là Tỳ-kheo đa văn. Như Lai tuyên bố như vậy là Tỳ-kheo đa văn”.

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt[06], nói là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt?”

Đức Thế Tôn nghe xong khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt, nói là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo nghe rằng ‘Đây là Khổ’, tức thì với trí tuệ mà chân chánh thấy khổ đúng như thật; nghe Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo, tức thì với trí tuệ mà chân chánh thấy Khổ diệt đạo đúng như thật. Này Tỳ-kheo, như vậy là đa văn Tỳ-kheo có trí tuệ minh đạt. Như Lai tuyên bố như vậy là đa văn Tỳ-kheo có trí tuệ minh đạt”.

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, nói là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ. Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ?”

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, nói là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ. Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Nếu Tỳ-kheo không có niệm gây tự hại, không có niệm gây hại người, cũng không có niệm gây hại cả hai. Tỳ-kheo chỉ có niệm làm lợi ích cho tự thân và lợïi ích cho người, lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian, mong muốn cho trời, người được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc. Này Tỳ-kheo, như vậy là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, Như Lai tuyên bố như vậy là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ”.

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Khi ấy, Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, khéo thọ lãnh, khéo ghi nhớ, khéo tụng tập, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Lúc bấy giờ Tỳ-kheo ấy lãnh thọ lời dạy của Đức Thế Tôn, sống cô độc nơi yên tĩnh xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Tỳ-kheo ấy khi sống cô độc ở nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần để đạt đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, là duy chỉ mong thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị Tôn giả ấy đã biết pháp rồi, liền chứng quả A-la-hán.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 45. Tương đương Pāli A.4.19.6 Ummagga-sutta. Hán, biệt dịch, No.82 Phật Thuyết Ý Kinh, Tây Tấn, Trúc Pháp Hộ dịch.
[02] Thùy vi nhiễm trước 誰 染 著. No.82: dĩ hà cố thọ khổ 以 何 故 受 苦, vì cái gì mà thọ khổ? Pāli: kena loko parikissati, cái gì bức bách thế gian? Trong bản Hán, đọc là pari-kilissati, thay vì parikissati.
[03] No.82: dĩ hà cố sanh, sanh dĩ nhập tùy tùng 以 何 故 生, 生 已 入 隨 松, do cái gì mà sanh, sanh rồi chịu chi phối? Pāli: Kassa ca uppannassa vasam gacchati, dưới sự chỉ đạo của cái đã sanh khởi nào mà (thế giới) tiến hành?
[04] Hữu hiền đạo nhi hữu hiền quán... 有 賢 道 而 有 賢 觀. Pāli: Bhaddako kho te ummaggo, bhaddako paṭibhānam kalyāni paripucchā, tốt lành thay là con đường (hầm) của ngươi; sự lý giải thật là tốt lành; những câu hỏi thật là khéo léo.
[05] Pāli: cittassa upannassa vasaṃ gacchati, tâm sau khi sanh khởi khống chế (thế gian).
[06] Minh đạt trí tuệ. No.82: Tiệp tật trí tuệ. Pāli: Nibbedhikapañño, trí tuệ nhạy bén hay sâu sắc (quyết trạch tuệ).

-ooOoo-

173. KINH PHÙ-DI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, ở trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ, Tôn giả Phù-di[02] cũng ở tại thành Vương xá, trong thiền thất Vô sự[03].

Lúc bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Phù-di khoác y, ôm bát vào thành Vương xá để khất thực. Tôn giả Phù-di suy nghĩ rằng: “Hãy khoan vào thành Vương xá khất thực. Ta nên đến nhà Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử[04]“.

Rồi thì Tôn giả Phù-di đi đến nhà Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử. Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử từ xa trông thấy Tôn giả Phù-di đến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Tôn giả Phù-di nói như vầy:

“Kính chào Tôn giả Phù-di. Tôn giả Phù-di lâu không đến đây. Xin mời ngồi trên giường này”.

Tôn giả Phù-di ngồi xuống, Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả Phù-di rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Phù-di, tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho”.

“Tôn giả Phù-di đáp:

“Này Vương đồng tử, muốn hỏi điều gì cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ”.

Vương đồng tử liền hỏi:

“Thưa Tôn giả Phù-di, có Sa-môn Phạm chí đi đến chỗ tôi và nói với tôi rằng, ‘Này Vương đồng tử, người nào có ước nguyện tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện, hoặc vừa có uớc nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả’. Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý gì, có thuyết gì chăng[05]?”

Tôn giả Phù-di nói:

“Này Vương đồng tử, tôi chưa được đích thân nghe Đức Thế Tôn nói, cũng chưa được nghe các vị phạm hạnh nói lại, nhưng này Vương đồng tử, có thể Đức Thế Tôn đã nói như vầy, ‘Người nào có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả[06]“.

Vương đồng tử thưa rằng:

“Nếu Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý như vậy, thuyết như vậy, thì ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời trên thế gian này, Ngài quả là Bậc Tối Thượng. Thưa Tôn giả Phù-di, xin mời ngài thọ trai tại đây luôn”.

Tôn giả Phù-di im lặng nhận lời. Sau khi biết Tôn giả Phù-di đã im lặng nhận lời rồi, Vương đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự tay múc nước rửa, tự tay bưng hầu các món ngon sạch, mỹ diệu với đủ thức nhai, thức nuốt, tự tay châm chước, khiến Tôn giả thọ dùng no đủ.

Khi Tôn giả ăn xong, Vương đồng tử thu dọn chén bát, múc nước rửa, rồi lấy một cái giường nhỏ ngồi riêng một bên để nghe pháp. Tôn giả Phù-di thuyết pháp cho Vương đồng tử nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Vương tử nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên, đem những điều đã bàn luận với Vương đồng tử thuật lại hết với Đức Phật.

Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Phù-di, sao ngươi không đem bốn ví dụ nói cho Vương đồng tử rõ?”

Tôn giả Phù-di hỏi:

“Bạch Thế Tôn, bốn ví dụ ấy là những gì?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định[07], người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối[08].

“Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách tà vạy, tức là vắt nơi sừng con bò vậy. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, hoặc vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên tất sẽ chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, thì tất sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa, cho bò ăn uống no nê rồi vắt sữa nơi vú nó thì chắc chắn lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa, cho bò ăn no nê rồi vắt nơi vú nó, thì chắc chắn lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách chân chánh, là vắt nơi vú con bò. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có tô, bèn lấy một bình đựng đầy nước lã rồi khuấy đều lên, chắc chắn không thể có tô. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, cũng chẳng phải không có ước nguyện. Người ấy muốn có tô, bèn lấy một bình đựng đầy nước lã rồi khuấy đều lên, thì chắc chắn không thể có tô. Vì sao vậy? Vì tìm cầu tô một cách tà vạy, là khuấy nước lã. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ướùc nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có tô, lấy một bình đựng đầy lạc rồi khuấy đều lên thì chắc chắn được tô. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, người ấy muốn có tô, lấy một bình đựng đầy lạc rồi khuấy đều lên thì chắc chắn có được tô. Vì sao vậy? Vì tìm cầu tô một cách chân chánh, là khuấy lạc. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có dầu, đổ đầy cát vào đồ ép, rưới nước lạnh cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống, nên chắc chắn không có được dầu. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có dầu mà đổ đầy cát vào đồ ép, rưới nước lạnh cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống, thì chắc chắn không có được dầu. Vì sao vậy? Vì tìm cầu dầu một cách tà vạy, là ép cát.    Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện mà tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có dầu, đổ đầy hạt mè vào đồ ép, rưới nước sôi cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống nên chắc chắn có được dầu. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có dầu, đổ đầy hạt mè vào đồ ép, rưới nước sôi cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống thì chắc chắn có được dầu. Vì sao vậy? Vì tìm cầu dầu một cách chân chánh, là ép hạt mè. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, định chánh kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có lửa, bèn lấy củi ướt làm mồi lửa, dùng dùi ướt mà dùi nên chắc chắn không có được lửa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có lửa mà lấy củi ướt làm mồi lửa, dùng dùi ướt mà dùi thì chắn chắn không có được lửa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu lửa một cách tà vạy, là dùi củi ướt.

“Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không được chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có lửa bèn lấy củi khô làm mồi lửa, dùng dùi khô mà dùi nên chắc chắn có được lửa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, người ấy muốn có lửa, lấy củi khô làm mồi lửa, dùng dùi khô mà dùi thì chắc chắn có được lửa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu lửa một cách chân chánh, là dùi củi khô. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu ngươi nói cho Vương đồng tử nghe bốn ví dụ này, Vương đồng tử nghe xong chắc chắn sẽ rất hoan hỷ, cúng dường thầy suốt đời, như áo, chăn, uống ăn, ngọa cụ, thuốc thang và đủ các thứ nhu dụng khác cho đời sống”.

Tôn giả Phù-di thưa:

“Bạch Thế Tôn, trước đây con chưa từng được nghe bốn ví dụ này, thì lấy đâu để nói lại. Duy chỉ hôm nay mới được nghe Thế Tôn nói mà thôi”.

Phật thuyết giảng như vậy. Tôn giả Phù-di và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.126 Bhūmija-sutta.
[02] Phù-di 浮 彌. Pāli: Bhūmija.
[03] Xem các kinh số 166, 171.
[04] Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử 王 子 耆 婆 先 那 僮 子, Pāli theo bản Hán: Jīvasena Kumāra. Nhưng, tên trong bản Pāli: Jayasena rājakumara.
[05] Trong bản Pāli, cả bốn trường hợp đều không đắc quả (abhabbā phalassa adhigamāya).
[06] Có sự nhầm lẫn trong bản dịch Hán. Xem nộïi dung kinh.
[07] Bản Hán: tà kiến, tà kiến định. Bản Pāli, nêu Thánh đạo tám chi, từ tà kiến cho đến tà định.
[08] Hán: vô đạo 無 道. Pāli: ayoni hesā.

-ooOoo-

174. KINH THỌ PHÁP (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Thế gian thật sự có bốn loại thọ pháp[02]. Những gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo lạc. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.

“Thế nào là thọ pháp hiện tại lạc, mà tương lai thọ quả báo khổ?

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí ham thích vui đùa chung với người con gái trang điểm[03] mà chủ trương rằng ‘Sa-môn, Phạm chí này đối với dục, thấy có những sợ hãi và những tai họa gì trong tương lai mà phải đoạn trừ dục và bày ra phương pháp đoạn dục? Xúc chạm nơi thân thể người nữ trang điểm này thật là sung sướng’. Người ấy với người nữ này cùng nhau vui đùa, du hí ở trong đó. Người ấy thọ pháp lạc đó đã thành tựu đầy đủ rồi, khi thân hoại mạng chung thẳng đến chỗ ác, sanh trong địa ngục, mới dấy lên ý nghĩ như vầy, ‘Sa-môn, Phạm chí kia đối với dục thấy những sợ hãi và những tai họa này trong tương lai cho nên đoạn dục và bày ra phương pháp đoạn dục. Chúng ta nhân bởi dục, do tranh với dục[04], duyên do dục cho nên lãnh sự khổ cùng cực như vậy, sự khổ trọng đại như vậy’.

“Cũng như vào tháng cuối mùa Xuân[05], giữa trưa rất nóng, hạt giống của dây leo, bị nắng đố nứt ra[06], rơi xuống gốc cây sa-la. Bấy giờ Thần cây sa-la nhân đó sanh ra sợ sệt. Khi ấy, chung quanh có các Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống mà thấy tương lai có sự sợ hãi, có đủ tai họa như vậy, liền đi đến chỗ Thần cây mà an ủi rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’. Nếu hạt giống này không bị nai ăn, khổng tước ăn, gió thổi đi, lửa thôn thiêu, cũng như không bị lửa đồng thiêu, cũng không hư hoại, chẳng thành hạt giống. Hạt giống này chẳng khuyết, chẳng sâu, không bị vỡ nứt, không bị mưa, gió, nắng làm tổn thương; gặp mưa lớn tưới ướt liền nẩy sanh nhanh chóng. Thần cây kia liền suy nghĩ như vầy, ‘Vì những cớ gì các Thần cây xung quanh, các Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống thấy tương lai có sự sợ hãi gì, tai họa gì mà sang an ủi ta, nói rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’?’ Nhưng hạt giống này không bị nai ăn, không bị khổng tước ăn, không bị gió thổi đi, không bị lửa thôn thiêu, không bị lửa đồng thiêu, cũng không bị hư hoại, không thành hạt giống, hạt giống này chẳng khuyết, chẳng lủng, không bị vỡ nứt, chẳng bị mưa, gió, nắng làm tổn thương, gặp mưa lớn tưới ướt liền nẩy mầm nhanh chóng, thành thân cây, cành lá mềm mại, thành đốt, sờ đến thích thú. Thân, cành, lá mềm mại thành đốt này sờ đến thích thú, xúc chạm vui sướng.

“Rồi cái này duyên vào cây mà thành cành lá to lớn, quấn lấy thân cây ấy, che phủ ở trên. Sau khi bị che phủ ở trên rồi, vị Thần cây kia mới suy nghĩ như vầy, ‘Các Thần cây xung quanh kia, Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống thấy tương lai có sự sợ hãi gì, tai họa gì mà sang an ủi ta, nói rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’. Nhưng hạt giống này không bị nai ăn, không bị khổng tước ăn, không bị gió thổi đi, không bị thiêu bởi lửa xóm, không bị thiêu bởi lửa đồng, không bị hư hại chẳng thành hạt giống. Hạt giống này chẳng khuyết, chẳng lủng, cũng chẳng bị vỡ nứt, không bị mưa gió nắng làm thương tổn, gặp mưa lớn tưới nước liền nẩy sanh mầm nhanh chóng. Nhân vì hạt giống, duyên vì hạt giống mà chịu sự khổ cùng cực này, sự khổ trọng đại này’.

“Cũng vậy, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí ham thích vui đùa chung với người con gái trang điểm mà chủ trương rằng ‘Sa-môn, Phạm chí này đối với dục, thấy có những sợ hãi và những tai họa gì trong tương lai mà phải đoạn trừ dục và bày ra phương pháp đoạn dục? Xúc chạm nơi thân thể người nữ trang điểm này thật là sung sướng’. Người ấy với người nữ này cùng nhau vui đùa, du hí ở trong đó. Người ấy thọ pháp lạc đó đã thành tựu đầy đủ rồi, khi thân hoại mạng chung thẳng đến chỗ ác, sanh trong địa ngục, mới dấy lên ý nghĩ như vầy, ‘Sa-môn, Phạm chí kia đối với dục thấy những sợ hãi và những tai họa này trong tương lai cho nên đoạn dục và bày ra phương pháp đoạn dục. Chúng ta nhân bởi dục, do tranh với dục, duyên do dục cho nên lãnh sự khổ cùng cực như vậy, sự khổ trọng đại như vậy’.

“Đó gọi là pháp thọ hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ.

“Sao gọi là pháp thọ hiện tại khổ mà tương lai tho quả báo lạc?

“Hoặc có người mà bản tánh nặng đắm dục, nặng đắm nhuế, nặng đắm si, thường tùy tâm dục mà thọ khổ, ưu sầu. Tùy tâm giận dữ, tâm si mê mà thọ khổ, ưu sầu. Người ấy vì khổ, vì ưu sầu mà trọn suốt cuộc sống tu hành phạm hạnh, cho đến khóc lóc rơi lệ. Người kia thọ lãnh pháp này, đã thành tựu đầy đủ, thân hoại mạng chung tất sanh lên chỗ lành, sanh trên các cõi trời.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo khổ?

“Hoặc có Sa-môn, Phạm chí lõa hình, không y phục, hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục; hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo; không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không sai người đi, không làm khách được mời[07], không làm khách được chào đón[08], không là khách được lưu[09], không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai[10], không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến; không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm[11], hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống; hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ[12], hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được[13], và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ, hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nữa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ; hoặc ăn cỏ[14], hoặc ăn lúa cỏ[15], hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn cám, hoặc ăn gạo đầu-đầu-la[16], hoặc ăn đồ ăn thô; hoặc đến chỗ vô sự[17], y nơi vô sự; hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng; hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải[18], hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu-xá[19], hoặc mặc áo vải đầu-xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ; hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bệân, hoặc để tóc vừa xỏa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hổm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm cỏ[20], lấy cỏ làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ đấng Tôn hựu Đại đức, chắp tay hướng về kia. Những sự như vậy thọ khổ vô lượng, học hạnh nóng bức[21]. Vị ấy thọ pháp này khi đã thành tựu đầy đủ rồi, thân hoại mạng chung tất sanh tới chỗ ác, sanh trong địa ngục.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo khổ vậy.

 “Sao gọi là thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc?

“Hoặc có người bản tánh không nặng đắm dục, không nặng đắm sân nhuế, không nặng đắm si. Vị ấy không thường theo tâm dục mà thọ khổ ưu lo, không theo tâm sân nhuế mà thọ khổ ưu lo và không theo tâm si mà chịu khổ, ưu lo. Vị ấy do lạc, do hỷ, trọn cuộc đời mình tu hành phạm hạnh cho đến đạt được tâm hoan hỷ. Vị ấy thọ pháp này, đã thành tựu đầy đủ rồi, năm hạ phần kết dứt sạch, hóa sanh ở chỗ kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại cõi này[22].

“Đó là pháp thọ hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.

“Thế gian thật sự có bốn thọ pháp như vậy, do đó mà ta giảng thuyết”.

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.45 Cūḷa-dhammasamādhāna-sutta.
[02] Bốn thọ pháp 受 法. Pāli: cattārimāni dahammasamādānāni.
[03] Hán: trang nghiêm nữ 莊 嚴 女. Pāli: te kho moḷibaddhāhi paribbājikāhi paricārenti, họ đi tìm lạc thú với các nữ du sĩ tóc quấn.
[04] Hán: tránh dục 諍 欲, “tranh cãi với dục”. Có lẽ hiểu adhikaraṇa là tranh cãi, thay vì là nguyên nhân hay động cơ.
[05] Xuân hậu nguyệt. Pāli: gimhānaṃ pacchime māse, tháng cuối cùng mùa hạ.
[06] Hán: nhật chích sách bính 日 炙 坼 迸. Các bản chép khác nhau về nhóm từ này. Bản Cao-li, viết 曰 thay vì nhật 日; bản Cao-li: bỉ 圮, bản Tống: ngạn 岸, thay vì sách 坼. Pāli: māluvāsipāṭikā.
[07] Hán: bất lai tôn 不 來 尊. Pāli: na-ehi-bhadantika, “không là Tôn giả được gọi: Mời đến đây!”
[08] Hán: bất thiện tôn 不 善 尊. Có lẽ: na-sādhu-bhadantika, “không là Tôn giả được chào đón: Lành thay, Tôn giả!”
[09] Hán: bất trụ tôn 不 住 尊. Pāli: na-tiṭṭha-bhadantika, “không là Tôn giả được mời mọc: Hãy ở lại đây, Tôn giả!”
[10] Hán: bất hoài nhâm gia thực 不 懷 妊 家 食. Pāli: na gabbhiniyā (paṭiganṇhāti), không (nhận thức ăn) từ người đàn bà mang thai.
[11] Hán: ác thủy 惡 水. Pāli: thusodaka, nước lên men.
[12] Pāli: ekāgāriko vā hoti ekālopiko, mỗi nhà chỉ nhận một miếng ăn.
[13] Hán: thực nhất đắc 食 一 得. Pāli: ekissāpi dattiyā yāpeti, chỉ sống bằng một vật được cho.
[14] Hán: thái như 菜 茹. Pāli: sāka-bhakkho.
[15] Hán: bại tử 稗 子, loại cỏ giống như lúa. Pāli: sāmāka.
[16] Hán: đầu-đầu-la 頭 頭 邏. Pāli: daddula.
[17] Hán: chí vô sự xứ 至 無 事 處, đến nơi rừng vắng? Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu: vana-mūla-palāhāro yāpeti.
[18] Hán: liên hiệp y 連 合 衣. Pāli: masāṇāni, vải gai lẫn các vải khác.
[19] Hán: đầu-xá y 頭 舍 衣. Pāli dussa, vải thô chưa nhuộm màu.
[20] Hán: thảo 草; Tống-Nguyên: quả; Minh: 果. Kinh số 18: ngọa quả 臥 果. Pāli: phalaka, (nằm trên) tấm ván. Bản Hán hiểu phala(ka) là trái cây.
[21] Hán: Học phiền nhiệt hành 學 煩 熱 行. Pāli: ātāpanaparitāpanānuyogam anuyutto viharati, sống hành theo sự khổ hạnh ép xác.
[22] Vị A-na-hàm từ Dục giới chết tái sanh lên Tịnh cư thiên và Niết-bàn tại đó.

-ooOoo-

175. KINH THỌ PHÁP (II)[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm[02].

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Thế gian này có ham muốn như vầy, ước vọng như vầy, yêu thích như vầy, vui sướng như vầy và ý hướng như vầy, ‘Mong sao các pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt; và các pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt sanh ra’. Nó ham muốn như vầy, ước vọng như vầy, yêu thích như vầy, vui sướng như vầy và ý hướng như vầy như vậy. Song, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si. Pháp của Ta rất là sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, khó thông đạt. Như vậy, pháp của Ta rất sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, khó thông đạt, là pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý được sanh. Đó là pháp không ngu si.

“Thế gian này chân thật có bốn thọ pháp. Những gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc.

“Thế nào là pháp thọ hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ? Hoặc có một người tự mình vui sướng, tự mình vui thích trong việc sát sanh. Do nhân sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người đó tự mình, vui sướng, tự mình vui thích trong việc lấy của không cho, nói láo, cho đến tà kiến, nhân nơi tà kiến mà sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc, tâm lạc, bất thiện, từ bất thiện mà sanh ra, không hướng đến trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.

“Đó là thọ pháp hiện tại lạc, tương lai chịu quả báo khổ.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai được quả báo lạc? Hoặc có người tự mình khổ, tự mình ưu, đoạn trừ việc sát sanh, do sự đoạn trừ việc sát hại mà sanh khổ, sanh ưu, người đó tự khổ, tự ưu; đoạn trừ việc lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến đoạn trừ tà kiến, do đoạn tà kiến mà sanh khổ sanh ưu. Như vậy, thân khổ, tâm khổ, thiện sanh, hướng đến trí, hướng đến giác, hướng đến Niết-bàn.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ đặng quả báo lạc.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ? Hoặc có người tự khổ, tự ưu và sát sanh, do sát sanh mà khổ, sanh ưu. Người đó tự khổ, tự ưu và lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến mà sanh khổ, sanh ưu. Như vậy, thân khổ, tâm khổ, bất thiện từ bất thiện mà sanh, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.

“Đó gọi là pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng phải thọ quả báo khổ.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại an vui mà tương lai cũng thọ quả báo an vui? Hoặc có người tự mình vui sướng, tự mình vui thích, đoạn trừ sát sanh, do đoạn trừ sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người ấy tự mình vui sướng, tự mình vui thích, đoạn trừ lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến. Do đoạn trừ tà kiến cho nên sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc và tâm lạc từ thiện mà sanh, hướng đến trí, hướng đến giác, hướng đến Niết-bàn.

“Như thế gọi là thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ quả báo lạc.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo khổ, nhưng người kia do ngu si chẳng biết như thật rằng thọ pháp ấy hiện tại lạc, nhưng tương lai chịu lấy khổ báo. Do không biết như thật nên tập hành không đoạn trừ[03]. Sau khi tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý sanh; pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt. Cũng như thuốc A-ma-ni-dược[04], một phần có sắc, có hương, có vị, nhưng có trộn chất độc; hoặc có người bị bệnh nên uống, khi uống thì sắc, hương và vị ngon miệng mà không tổn hại cổ họng, nhưng khi uống xong, vào trong bụng rồi lại chẳng thành thuốc. Cũng vậy, thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu lấy quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật liền tập hành không đoạn trừ. Sau khi tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Nếu có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai chịu quả báo lạc, song người ấy ngu si không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai sẽ được quả báo an lạc. Khi đã không biết như thật liền không tập hành đoạn trừ. Sau khi không tập hành đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ, song người ngu si không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật, liền tập hành không đoạn trừ. Khi đã tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt.

“Cũng như đại tiểu tiện[05] lại trộn lẫn độc, hoặc có người bị bệnh cho nên uống. Khi uống thì nhơ nhớp, hôi thối, không có mùi vị, không ngon miệng mà lại tổn thương cuống họng, uống vào trong bụng lại chẳng thành thuốc. Cũng vậy, pháp thọ này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Đã không biết như thật, bèn tập hành sự không đoạn trừ. Do tập hành sự không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc, nhưng người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc. Do không biết như thật nên không tập hành sự đoạn trừ. Do không tập hành sự đoạn trừ nên, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Người kia không biết như thật pháp nào nên tập hành, không biết như thật pháp nào không nên tập hành. Do không biết như thật pháp nào không nên tập hành và không biết như thật pháp nào nên tập hành, do đó pháp không nên tập hành lại tập hành, pháp nên hành lại không hành. Do tập hành pháp không nên tập hành và không tập hành pháp nên tập hành, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Nếu có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ, người có trí tuệ biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Do biết như thật nên không tập hành nó, mà đoạn trừ nó. Do không tập hành nhưng đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Nếu có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc, người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ nhưng tương lai lại được quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành nó mà không đoạn trừ. Do tập hành mà không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh.

“Cũng như đại tiểu tiện[06] có hòa với nhiều thứ thuốc, hoặc có người bị bệnh uống; khi uống, sắc xấu, hôi thối, không mùi vị, không ngon miệng mà hại đau cuống họng, nhưng uống vào trong bụng lại thành thuốc. Cũng vậy, thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc, người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành nó mà không đoạn trừ. Do tập hành mà không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ, người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ. Do trí biết như thật, vị ấy không tập hành nó, nhưng đoạn trừ. Do không tập hành nó nhưng đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc, người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ. Do tập hành chứ không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Cũng như tô mật hòa với nhiều thứ thuốc, hoặc có người bị bệnh nên uống, khi uống có sắc đẹp, có hương, có vị, ngon miệng mà không tổn thương cuống họng, uống vào bụng lại thành thuốc. Cũng vậy, pháp thọ này hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc. Người trí tuệ biết một cách như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ; pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Người đó biết như thật rằng, đây là pháp nên tập hành, biết như thật rằng đây là pháp không nên tập hành. Do biết như thật pháp nào nên tập hành và pháp nào không nên tập hành, vị ấy tập hành pháp nên tập hành, không tập hành pháp không nên tập hành. Do tập hành pháp nên tập hành và không nên tập hành pháp không nên tập hành, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Thế gian quả thật có bốn thọ pháp ấy, vì vậy mà Ta giảng thuyết”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.46. Mahā-Dhammasamādāna-suttam. Hán, biệt dịch, No.83 Phật Thuyết Ứng Pháp Kinh, Trúc Pháp Hộ dịch.
[02] Xem cht.2,3 kinh số 10. No.83: Tại Câu loại Pháp trị xứ dịch âm và dịch nghĩa hỗn hợp của Kuru-kammāsaddhamma. Bản Pāli: tại Sāvatthi.
[03] Tập hành, bất đoạn 習 行 不 斷. N.83: hành, bất khí 行 不 棄. Làm theo chứ không bỏ”. Pāli: sevati na parivajjiti, phục vụ, không tránh né.
[04] A-ma-ni-dược 阿 摩 尼 藥. Pāli: āpānīyakaṃsa, bình đựng nước uống. Trong bản Hán, dược, có lẽ phiên âm từ  -yakaṃsa, không có nghĩa là thuốc.
[05] Pāli: pūtimuttam, nước đái quỷ, tức a-ngùy, thường dùng làm thuốc.
[06] Xem cht.5 trên.

-ooOoo-

176. KINH HÀNH THIỀN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Trong thế gian quả thật có bốn loại hành thiền. Những gì là bốn? Hoặc có hành thiền xí thạnh mà gọi là suy thoái. Hoặc có hành thiền suy thoái mà gọi là xí thạnh. Hoặc có hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái. Hoặc có hành thiền xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Tại sao gọi là người hành thiền xí thạnh mà cho là suy thoái?

“Người hành thiền kia ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc phát sanh do ly dục, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm người đó tu tập chánh tư duy, đang từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là sự tịch tịnh thù thắng. Người hành thiền đó lại nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền, giác và quán đã tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, có hỷ và lạc phát sanh do định, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó gọi là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền ly hỷ và dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân có cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tam thiền hướng đến đệ Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền đó lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền định, khổ diệt, lạc diệt, hỷ và ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu an trụ nơi Vô lượng không xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu an trụ Vô lượng thức xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả thức vô lượng xứ, nhập Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng: “Tâm ta lìa bốn tướng mà hướng đến chỗ khác, nên mất vô xứ Vô sở hữu xứ, diệt mất định”. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Thế nào là hành thiền suy thoái mà cho là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Nhị thiền, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Sơ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Nhị thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với giác và quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tam thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Nhị thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tam thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Vị hành thiền ly hỷ, ly dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm an trụ lạc, chứng đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tứ thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tam thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tứ thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tứ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô lượng không xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô lượng không xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô lượng thức xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô lượng thức xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô sở hữu xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô sở hữu xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Thế nào là hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái?

“Vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, nhập Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, chứng Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô sở hữu xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô lượng thức xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô sở hữu xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô lượng không xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô lượng thức xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả các sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc sắc, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô lượng không xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định.    Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Tam thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Tứ thiền; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly hỷ, ly dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi được Thánh xả, niệm, an trú lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Nhị thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Tam thiền; diệt định’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, giác và quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Sơ thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Nhị thiền; diệt định’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc dục, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Sơ thiền, diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Thế nào là hành thiền mà xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến đệ Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy ly hỷ, ly dục, xả, vô cầu, an trụ, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trụ lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng, Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Thế gian quả thật có bốn loại hành thiền, vì vậy mà Ta giảng thuyết”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 46.

-ooOoo-

177. KINH THUYẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở trong Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu[01].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở khởi đầu, vi diệu ở quảng giữa và vi diệu ở đoạn cuối; có văn, có nghĩa, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh ‘Tứ Chủng Thuyết’. Sau đây Ta sẽ phân biệt nghĩa lý của kinh ‘Tứ Chủng Thuyết’. Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy khéo tư niệm. Ta sẽ nói”.

Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Thế nào gọi là phân biệt nghĩa lý của kinh Tứ Chủng Thuyết?

“Nếu có Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng và tiêu đích, mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với dục lạc, bèn thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy phải nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển. Do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy phải nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, khiến an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta an trụ, mà định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ niệm tưởng tương ưng với đệ Nhị thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng: ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly tởm. Ta sanh pháp này khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc đệ Nhị thiền’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly. Như vậy, không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Sơ thiền, thành tựu sự thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Tam thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc đệ Tam thiền’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này nên khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Nhị thiền, thành tựu sự thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ; và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó định này của ta chắn chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, xả, an trụ vô cầu, với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Tứ thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đệ Tứ thiền’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu sự vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này nên có thể khiến ta bị yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Tam thiền, thành sự thối thất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thối thất, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có; không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng không xứ, với sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô lượng không xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu sự vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và an trụ Vô lượng không xứ. Nhưng vị ấy chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với ái lạc sắc, thành tựu sự thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và an trụ Vô lượng không xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và an trụ Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng thức xứ, thành tựu thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô lượng thức xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và an trụ Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng không xứ, thành tựu thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô sở hữu xứ, thành tựu thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô sở hữu xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến; vì ta sanh pháp này nên khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng thức xứ, thành tựu thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không tiến, cũng không yểm ly; vì ta sanh pháp này nên ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly; vì ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với sự nhàm tởm, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến; vì ta sanh pháp này nên khiến ta nhàm tởm, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Có tưởng và có tri[02]. Ngang mức ấy còn được tri; cho đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ là hành dư cao hơn hết trong sự hữu[03]. Tỳ-kheo hành thiền hãy phát khởi theo như vậy, hãy thuyết giảng lại cho người khác biết.

Đức Phật thuyết như vậy, các thầy Tỳ-kheo sau khi Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Xem các Kinh số 10, 55, 169.
[02] Tưởng tri, hay tưởng thọ; chỉ tất cả thiền định, trừ diệt tận định. Ở định Phi tưởng phi tưởng xứ chỉ tồn tại hai yếu tố nay. Vượt lên nữa, là diệt tận định hay tưởng thọ diệt tận định.
[03] Hành dư đệ nhất hữu.

-ooOoo-

178. KINH LẠP SƯ[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người thợ săn khi bẫy mồi nai, không có tâm như vầy ‘Mong cho nai được béo mập, được tốt đẹp, được sức lực, được sung sướng, sống lâu’. Nhưng người thợ săn bẫy mồi nai với tâm như vầy ‘Bẫy mồi là chỉ muốn chúng đến gần để ăn; đã đến gần để ăn thì sẽ kiêu loạn phóng dật, mà đã kiêu sa phóng dật thì sẽ tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Người thợ ăn bẫy mồi nai với tâm như vậy.

“Đàn nai thứ nhất đến gần đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn, bèn sanh kiêu sa phóng dật rồi do kiêu loạn phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ hai suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất đã đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn, bèn sanh kiêu loạn phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta đừøng ăn đồ ăn của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương nơi rừng vắng an toàn[02], ăn cỏ uống nước được chăng?’ Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ hai liền bỏ mặc đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước. Đến tháng cuối mùa Xuân[03], cỏ nước đều hết, thân thể chúng rất gầy ốm, khí lực hao mòn và rồi lại bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Như vậy là đàn nai thứ hai cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ ba lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ nhất và thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nhưng ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ ăn của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu sa phóng dật. Do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ ba liền tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nhưng ở một nơi không xa. Sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ ba này khôn lanh kỳ lạ! Quả thật, rất khôn lanh! Vì sao? Vì chúng ăn đồ ăn của ta mà ta không thể bắt được. Nay ta hãy bủa vòng lưới chạy dài. Sau khi bủa lưới chạy dài chắc sẽ biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bủa vòng lưới chạy dài và sau đó biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba. Như vậy, đàn nai thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ tư lại suy nghĩ, ‘Đàn nai thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không đến được. Sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật. Do không kiêu sa phóng dật, sẽ không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ tư liền nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không kiêu sa phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn lại suy nghĩ rằng: “Đàn nai thứ tư này ranh mãnh xảo trá kỳ lạ! Quả thật ranh mãnh xảo trá, nếu ta xua đuổi chúng, chắc chắn không thể được, vì những nai con khác sẽ kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Vậy ta hãy cứ bỏ mặc đàn nai thứ tư này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bỏ mặc.

“Như vậy là đàn nai thứ tư thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Này Tỳ-kheo, ta nói thí dụ này là muốn các giải rõ ý nghĩa. Nay Ta nói đây, các ngươi hãy quán sát nghĩa lý:

“Đồ mồi của thợ săn, nên biết, đó là năm công đức của dục[04]: mắt biết sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm. Đồ mồi của thợ săn, nên biết, đó là năm niệm công đức của dục. Người thợ săn, nên biết, đó chính là Ác ma vương. Quyến thuộc của thợ săn, nên biết, đó chính là quyến thuộc của Ma vương. Đàn nai, nên biết đó chính là Sa-môn, Phạm chí vậy.

“Sa-môn, Phạm chí thứ nhất đến gần ăn đồ mồi của Ma vương, là ăn của tín thí thế gian. Những vị ấy sau khi đến gần đồ ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật. Rồi do kiêu loạn phóng dật nên bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ nhất đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán sát các Sa-môn, Phạm chí kia cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Phạm chí thứ hai lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất đến gần ăn đồ mồi của Ma vương, là ăn của tín thí thế gian. Những vị ấy sau khi đến gần đồ ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật. Rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương. Nay ta hãy từ bỏ đồ mồi của tín thí thế gian, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, chỉ ăn trái cây và rễ cây’. Sau khi suy nghĩ, Sa-môn, Phạm chí thứ hai liền từ bỏ đồ ăn của tín thí thế gian, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, chỉ ăn trái cây và rễ cây. Đến tháng cuối Xuân, trái cây và rễ cây đều hết, thân thể những vị ấy rất gầy ốm, khí lực hao mòn, nên tâm giải thoát, tuệ giải thoát cũng hao mòn. Và tâm giải thoát, tuệ giải thoát đã hao mòn nên trở lại bị tùy thuộïc Ma vương và quyến thuộc của Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ hai cũng không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ hai suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn bèn sanh kiêu sa phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy từ bỏ đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước được chăng? Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ hai liền từ bỏ đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước. Đến tháng cuối Xuân, cỏ nước đều hết, thân thể chúng rất gầy ốm, khí lực hao mòn, và rồi lại bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ hai không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán sát Sa-môn, Phạm chí thứ hai kia cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Phạm chí thứ ba lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất và thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Nay ta hãy tránh xa Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nương ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương’. Sau khi suy nghĩ, Sa-môn, Phạm chí thứ ba liền tránh xa Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nương ở một nơi không xa, sau đó ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần, nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nhưng còn chấp thủ hai kiếân chấp, hữu kiến và vô kiến. Những vị ấy do chấp thủ hai kiến chấp này nên rồi cũng bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ ba lại suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất và đàn nai thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nương ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dâït thì không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ ba liền tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nương ở một nơi không xa, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không ỷ thị, phóng dật, rồi do không ỷ thị phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ ba này khôn lanh kỳ lạ! Quả thật rất khôn lanh. Vì sao vậy? Vì chúng ăn đồ mồi của ta mà không thể bắt được. Nay ta hãy bủa vòng lưới chạy dài. Sau khi bủa vòng lưới chạy dài, chắc sẽ biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bủa vòng lưới chạy dài và sau đó biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba. Như vậy là đàn nai thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Chỗ ở, nên biết đó chính là hữu kiến. Đường lui tới, nên biết đó chính là vô kiến. Các ngươi hãy quán sát Sa-môn, Phạm chí thứ ba cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Phạm chí thứ tư lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Nay ta hãy nương ở một nơi mà Ma vương và quyến thuộc Ma vương không thể đến được, sau đó hãy ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dật thì không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc của Ma vương’. Sau khi suy nghĩ, Sa-môn Phạm chí thứ tư này liền nương ở một nơi mà Ma vương và quyến thuộc Ma vương không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ tư thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Cũng như đàn nai thứ tư lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc của thợ săn. Nay ta hãy nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không đến được, sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dật thì không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ tư liền nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ tư này khôn lanh xảo quyệt kỳ lạ! Quả thật rất khôn lanh xảo quyệt, nếu ta xua đuổi chúng, chắc chắn không thể được vì những con nai khác sẽ kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Vậy ta hãy bỏ mặc đàn nai thứ tư này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bỏ mặc. Như vậy là đàn nai thứ tư thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán rằng Sa-môn, Phạm chí thứ tư cũng giống như vậy.

“Này Tỳ-kheo, phải nên học chỗ ở, đường lui tới như vậy để khiến Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo tâm câu hữu với từ, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, phổ biến khắp cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng như vậy, đối với bi và hỷ. Tâm câu hữu với xả, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, phổ biến khắp cả, tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân, không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo vượt qua tất cả các sắc tưởng, cho đến thành tựu và an trụ Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo vượt qua tất cả Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhập tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ kiến mà vĩnh viễn diệt tận các lậu. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Này Tỳ-kheo, chỗ ở và đường lui tới như vậy khiến Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được. Các ngươi hãy nên học như vậy”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 47. Tương đương Pāli: M. 25. Nivāpa-suttaṃ.
[02] Hán: vô sự xứ 無 事 處. Pāli: araññāyatana.
[03] Hán: xuân hậu nguyệt 春 後 月. Pāli: gimhānaṃ pacchime māse, vào tháng cuối mùa hạ.
[04] Ngũ dục công đức 五 欲 功 德. Pāli: pañca kāma-guṇā, năm phẩm chất của dục vọng.
-ooOoo-

179. KINH NGŨ CHI VẬT CHỦ[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Ngũ Chi Vật chủ[02] vào buổi sáng sớm rời khỏi nước Xá-vệ, đi đến chỗ Phật để cúng dường lễ bái. Ngũ Chi Vật chủ suy nghĩ: “Dù có đến chỗ Đức Phật thì Đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo vẫn còn đang thiền tịnh. Vậy ta hãy đi đến khu vườn của Dị học Nhất Sa-la Mạt-lị[03].”

Rồi thì Ngũ Chi Vật chủ bèn ghé lại chỗ du hí hoan lạc gần hàng cây Cân-đầu-a-lê[04], đi đến khu vườn Dị học nhất sa-la mạt-lị[05].

Bấy giờ, trong khu vườn Dị học nhất sa-la mạt-lị có một dị học tên là Sa-môn Văn-kì Tử[06], là đại tông chủ ở trong chúng đó, là tôn sư của nhiều người, được nhiều người kính trọng, thống lãnh một đại chúng gần năm trăm dị học sư. Ông đang ở giữa đám đông ồn ào, lớn tiếng, âm thanh huyên náo, luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh[07], như: bàn chuyện vua chúa, bàn chuyện trộm cướp, bàn chuyện đấu tranh, bàn chuyện ăn uống, bàn chuyện áo chăn, bàn chuyện phụ nữ, bàn chuyện đàn bà, bàn chuyện con gái, bàn chuyện dâm nữ, bàn chuyện thế gian, bàn chuyện tà đạo, bàn chuyện trong biển; đại loại như thế, chúng tụ tập luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh.

Dị học Sa-môn Văn-kì Tử trông thấy Ngũ Chi Vật chủ từ xa đang đi đến, liền ra lệnh bảo chúng của mình im lặng, rằng:

“Các người hãy im lặng, đừng nói nữa. Hãy tự thu liễm. Có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm là Ngũ Chi Vật chủ sắp đến đây. Trong số những đệ tử tại gia của Sa-môn Cù-đàm ở nước Xá-vệ này không ai hơn được Ngũ Chi Vật chủ. Vì sao vậy? Vì ông ấy ưa thích sự im lặng, ca ngợi sự im lặng. Nếu ông ấy thấy hội chúng đây im lặng, có thể sẽ đến thăm”.

Bấy giờ, Dị học Sa-môn Văn-kì Tử bảo hội chúng im lặng rồi, tự mình cũng im lặng.

Khi ấy, Ngũ Chi Vật chủ đi đến chỗ Dị học Sa-môn Văn-kì Tử, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên. Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói:

“Này Vật chủ[08], nếu có bốn sự, ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống bằng tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu có bốn sự này, ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực”.

Ngũ Chi Vật chủ nghe Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, không cho là phải, không cho là trái, từ chỗ ngồi đứng dậy, bước đi với ý niệm: “Với lời như vậy, ta phải đích thân đi đến Thế Tôn thưa hỏi nghĩa này”. Rồi ông đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống mộït bên, đem những điều đã bàn luận với Dị học Sa-môn Văn-kì Tử thuật lại hết với Đức Phật.

Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, nếu quả thật như vậy thì trẻ sơ sanh tay chân mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, cũng sẽ thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về thân, huống nữa là tạo nghiệp ác của thân. Nó chỉ có thể cử động thân. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về miệng, huống nữa là nói ác. Nó chỉ biết khóc. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về niệm, huống nữa là niệm ác duy chỉ biết bập bẹ[09]. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về mạng, huống nữa là sống tà mạng, duy chỉ suy niệm đến sữa mẹ. Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, như vậy thì trẻ sơ sanh cũng thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực.

“Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.

“Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.

“Này Vật chủ, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ta chủ trương đó là giới.

“Này Vật chủ, niệm, Ta chủ trương đó là tâm sở hữu đi theo với tâm.

“Này Vật chủ, ta nói nên biết giới bất thiện. Nên biết giới bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới bất thiện.

“Này Vật chủ, ta nói nên biết giới thiện. Nên biết giới thiện phát sanh từ đâu? Nên biết giới thiện bị diệt không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới thiện.

“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm bất thiện. Nên biết niệm bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện.

“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm thiện. Nên biết niệm thiện phát sanh từ đâu? Nên biết niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết Hiền Thánh làm thế nào để diệt trừ niệm thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới bất thiện?

“Thân hành bất thiện, miệng, ý hành bất thiện. Đó gọi là giới bất thiện.

“Này Vật chủ, giới bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Thế nào gọi là tâm? Nếu tâm có dục, có nhuế, có si, nên biết giới bất thiện phát sanh từ tâm này.

“Này Vật chủ, giới bất thiện bị diệt trừ, không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện về thân, tu tập nghiệp thiện về thân; xả bỏ nghiệp bất thiện về miệng, ý, tu tập nghiệp thiện về miệng, ý. Đây là giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, đệ tử Hiền thánh làm thế nào diệt trừ giới bất thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới thiện? Thân hành thiện, miệng, ý hành thiện. Đó gọi là giới thiện.

“Này Vật chủ, giới thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Thế nào gọi là tâm? Nếu tâm không có dục, không có nhuế, không có si, nên biết giới thiện phát sanh từ tâm này.

“Này Vật chủ, giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nếu Đa văn Thánh đệ tử hành trì giới mà không dính trước nơi giới, đây là giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ giới thiệïn? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là niệm bất thiện? Suy niệm về niệm dục, niệm nhuế, niệm hại. Đó gọi là niệm bất thiện.

“Này Vật chủ, niệm bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. Thế nào gọi là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa chủng, vô lượng chủng, hoặc dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng dục giới[10] mà sanh niệm bất thiện tương ưng với dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với dục giới.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng nhuế giới, hại giới cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với nhuế và hại giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với nhuế, hại giới. Đó là niệm bất thiện phát sanh từ tưởng này.

“Này Vật chủ, niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nếu Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, đây là niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp; như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm bất thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là niệm thiện? Suy niệm về niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại[11]. Đó gọi là niệm thiện.

“Này Vật chủ, niệm này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. Thế nào gọi là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa chủng, vô lượng chủng, hoặc vô dục tưởng, vô nhuế tưởng, vô hại tưởng.

Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô dục giới cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm thiện, tương ưng với vô dục giới.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô nhuế, vô hại giới cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Đó là niệm thiện phát sanh từ tưởng này.

“Này Vật chủ, niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nếu Đa văn Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ, đây là niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ niệm thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm thiện.

“Này Vật chủ, nếu Đa văn Thánh đệ tử do tuệ quán sát biết đúng như thật giới bất thiện, biết đúng như thật giới bất thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật giới bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.

“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật giới thiện, biết đúng như thật giới thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật giới thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.

“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật niệm bất thiện, biết đúng như thật niệm bất thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật niệm bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm bất thiện.

“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật niệm thiện, biết đúng như thật niệm thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật niệm thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm thiện.

“Vì sao vậy? Vì nhân chánh kiến nên sanh chánh chí[12], nhân chánh chí nên sanh chánh ngữ, nhân chánh ngữ nên sanh chánh nghiệp, nhân chánh nghiệp nên sanh chánh mạng, nhân chánh mạng nên sanh chánh phương tiện[13], nhân chánh phương tiện nên sanh chánh niệm, nhân chánh niệm nên sanh chánh định. Hiền thánh đệ tử đã định tâm như vậy rồi, liền giải thoát tất cả dâm, nộ, si.

“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử đã chánh tâm giải thoát như vậy rồi, liền biết đúng như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó gọi là học kiến đạo[14] thành tựu tám chi, và A-la-hán lậu tận đã thành tựu mười chi[15].

“Này Vật chủ, thế nào gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi? Đó là học chánh kiến cho đến chánh định. Như vậy gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi.

“Thế nào gọi là A-la-hán lậu tận thành tựu mười chi? Đó là vô học chánh kiến cho đến vô học chánh trí[16]. Như vậy gọi là A-la-hán lậu tận thành tựu mười chi.

“Này Vật chủ, nếu người nào có mười chi, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực”.

Phật thuyết như vậy. Ngũ Chi Vật chủ và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.78 Samaṇamaṇḍikā-sutta.
[02] Ngũ Chi Vật chủ 五 支 物 主, Pāli: Pancakaṅga thapati, một người thợ mộc.
[03] Nhất sa-la mạt-lị dị học viên 一 娑 邏 未 利 異 學 園; Pāli: yena samayappavādo tindukāciro ekasālako Mallikāya aeāmo tena…, đi đến khu vườn Mallika, tại nhà hội Ekasālaka có hàng cây tinduka bao quanh (xem chú thích 5 ở dưới).
[04] Cân-đầu-a-lê 巾 頭 阿 梨; xem cht.5 dưới đây.
[05] Mallikārāma, là một khu rừng để thưởng ngoạn ở trong thành Sāvatthi của hoàng hậu Mallikā (Mạt-lị phu nhân). Tại đây, trước tiên chỉ có một ngôi nhà độc nhất, nhưng sau được du sĩ ngoại đạo Poṭṭhapāda dựng lên nhiều cái nữa, do đó được gọi là Ekasālaka (Hán: Nhất sa-la); với hàng rào bằng cây Tinduka (tên khoa học: Diospyros embryopters) nên cũng được gọi là Tindukācirā ( Hán: cân-đầu-a-lê). Khu vườn cũng được gọi là Samayappavālaka, một hội trường để tranh luận các vấn đề tà chánh.
[06] Sa-môn Văn-kì Tử 娑 門 文 祁 子. Pāli: Samaṇamaṇḍikāputta, con trai của Samaṇamaṇḍikā, tên thật là Uggāhamana.
[07] Súc sanh luận 畜 生 論. Pāli: tiracchāna-kathā, luận bàn phiếm, vô ích. Đoạn kế kể các đề tài được nói là Súc sanh luận.
[08] Vật chủ 物 主. Pāli: Thapati, thợ mộc.
[09] Trong bản Hán có sự nhầm lẫn về thứ tự mạng và niệm.
[10] Dục giới tưởng; đây không chỉ cho giới hệ hay cõi, mà là giới loại. Đoạn kinh này đề cập ba bất thiện giới: dục giới, sân giới, hại giới (Pāli: tisso akisala-dhātuyo, kāma-dhātu, vyāpāda-dhātu, vihiṃsa-dhātu). Xem Pháp Uẩn Túc Luận 11 (No.1537, Đại 26, trang 503c).
[11] Ba thiện giới. Xem cht.10 trên.
[12] Chánh chí, tức chánh tư duy.
[13] Chánh phương tiện, tức chánh tinh tấn.
[14] Hán: học kiến tích 學 見 跡, chỉ giai đoạn kiến đạo của hàng hữu học. Xem thêm cht. dưới.
[15] Hàng hữu học ở địa vị kiến đạo, tu tập và thành tựu tám chi Thánh đạo để thấy lý Tứ đế. Bậc A-la-hán lậu tận thành tựu mười vô học chi. Xem Tỳ-bà-sa 92 (No.1545, trang Đại 27, tr.479 a và tt).
[16] Tám vô học chi của Thánh đạo, thứ 9 vô học chánh giải thoát và 10 vô học chánh trí (xem giải thích Tập dị 20 Đại 26, trang 452 c).

-ooOoo-

180. KINH CÙ-ĐÀM-DI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Thích-ki-sấu, ở tại Gia-bệ-la-vệ, trong vườn Ni-câu-loại[02].

Bấy giờ, Ma-ha Bá-la-xà-bát-đề Cù-đàm-di[03] đem một chiếc y mới sắc vàng, dệt bằng kim tuyến, đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên rồi thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn. Mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho.

Đức Thế Tôn nói:

“Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Đại Sanh Chủ[04] Cù-đàm-di vẫn thưa:

“Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn. Mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, Đức Thế Tôn cũng vẫn nói:

“Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng phía sau Đức Thế Tôn, cầm quạt hầu Phật, liền thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, đại Sanh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Thế Tôn nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Thế Tôn sau khi thân mẫu Thế Tôn qua đời”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này A-nan, thật sự như vậy. Này A-nan, thật sự như vậy. Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta qua đời. Nhưng này A-nan, ta cũng đem lại cho Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di nhờ Ta mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Ba ngôi tôn quý, Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. A-nan, nếu có người nhờ ngưới mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý, không nghi ngờ Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu, thì người này cúng dường lại người kia, dù cho đến suốt đời, uống ăn, áo chăn, giường chõng, thuốc thang và đủ các thứ vật dụng cho đời sống, vẫn chưa thể đền ơn.

“Lại nữa, này A-nan, có bảy loại bố thí cho Tăng chúng, và có mười loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, thế nào gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ đượïc đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn?

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhân có tín tâm[05] khi Phật còn tại thế, Phật là vị đứng đầu, mà bố thí cho Phật và chúng Tỳ-kheo, như vậy gọi là loại bố thí thứ nhất cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhân có tín tâm, sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn không lâu, bố thí cho cả hai bộ chúng, bố thí cho chúng Tỳ-kheo, bố thí cho chúng Tỳ-kheo-ni; đi vào tinh xá Tỳ-kheo bạch với chúng rằng ‘Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo để chúng con được bố thí’; đi vào tinh xá Tỳ-kheo-ni bạch với chúng rằng ‘Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo-ni để chúng con được bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí thứ năm cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, trong thời tương lai, có Tỳ-kheo thuộc loại danh tánh[06], khoác áo cà-sa mà không tinh tấn, vị ấy đã không tinh tấn, không tinh cần mà vẫn được bố thí vì có ở trong chúng, duyên nơi chúng, ở trên chúng, nhân nơi chúng, Ta nói lúc bấy giờ thí chủ sẽ được phước vô lượng không thể đếm, không thể kể, được thiện, được lạc; huống nữa là bố thí cho Tỳ-kheo thành tựu hành sự[07], thành tựu trừ sự[08], thành tựu cả hành sự và trừ sự, thành tựu chất trực, thành tựu nhu nhuyến, thành tựu cả chất trực và nhu nhuyến, thành tựu nhẫn, thành tựu lạc, thành tựu cả nhẫn và lạc, thành tựu tương ưng, thành tựu kinh kỹ, thành tựu cả tương ưng và kinh kỹ, thành tựu oai nghi, thành tựu hành lai du[09], thành tựu cả oai nghi và hành lai du[10], thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu đa văn, thành tựu thí, thành tựu tuệ, thành tựu cả tín, giới, đa văn, thí, tuệ. Như vậy gọi là loại bố thí thứ bảy cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Đó gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, thế nào gọi là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, quả báo rộng lớn?

“Thiện nam tử hay thiện nữ có tín nhân bố thí cho Đức Như Lai, bố thí cho Duyên giác, bố thí cho A-la-hán, bố thí cho A-la-hán hướng, bố thí cho A-na-hàm, bố thí cho A-na-hàm hướng, bố thí cho Tư-đà-hàm, bố thí cho Tư-đà-hàm hướng, bố thí cho Tu-đà-hoàn, bố thí cho Tu-đà-hoàn hướng, bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục, bố thí cho người tinh tấn, bố thí cho người không tinh tấn, bố thí cho súc sanh.

“Này A-nan, bố thí cho súc sanh được phước trăm lần hơn.

“Bố thí cho người không tinh tấn được phước ngàn lần hơn.

“Bố thí cho người tinh tấn được phước trăm ngàn lần hơn.

“Bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục được phước ức trăm ngàn lần hơn.

“Bố thí cho vị Tu-đà-hoàn hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc Tu-đà-hoàn được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị Tư-đà-hàm hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc Tư-đà-hàm được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị A-na-hàm hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc a-na-hàm được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị A-la-hán hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc A-la-hán được phước vô lượng.

“Huống nữa là bố thí cho Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Đây là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo.

“Lại nữa, này A-nan, có bốn loại bố thí và chỉ ba loại được thanh tịnh.

“Những gì là bốn? Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận. Có loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, chứ không phải do thí chủ. Có loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận. Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận? Là thí chủ thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo[11]. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Còn người thọ nhận thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhậïn.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ? Là thí chủ thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Còn người thọ nhận thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận? Là thí chủ thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Và người thọ nhận cũng không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy? Là thí chủ thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Và người thọ nhận cũng tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Người tinh tấn thí người không tinh tấn
Thí đúng pháp được tâm hoan hỷ
Vì tin có nghiệp và quả báo
Loại thí này thí chủ thanh tịnh.
Không tinh tấn thí người tinh tấn
Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ
Vì không tin nghiệp và quả báo
Loại thí này người nhận thanh tịnh.
Người giải đãi thí không tinh tấn
Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ
Vì không tin nghiệp và quả báo
Loại thí này không được quảng báo
Người tinh tấn thí người tinh tấn
Là đúng pháp, được tâm hoan hỷ
Vì tin có nghiệp và quả báo
Loại thí này đạt được quảng báo.
Kẻ nô tỳ và kẻ bần cùng
Hoan hỷ tự mình làm bố thí
Vì tin có nghiệp, có quả báo
Bố thí như vậy thiên nhân khen.
Khéo léo giữ gìn cả thân miệng
Đưa tay cầu xin đúng Chánh pháp
Người ly dục thí người ly dục
Đó chính là tài thí đệ nhất.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.142 Dakkhiṇāvibhaṅga-sutta. Hán, biệt dịch, No.84 Phật Thuyết Phân Biệt Bố Thí Kinh, Tống Thi Hộ dịch.
[02] Thích-ki-sấu, Ca-bệ-la-vệ, Ni-câu-loại thọ viên 釋 羈 瘦, 加 鞞 羅 衛, 尼 拘 顃 樹 園. Pāli: Sakkesu viharati Kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme, sống những người họ Thích, trong tinh xá (vườn) Nigrodha, Ca-tì-la-vệ.
[03] Ma-ha Bá-la-xà-bát-đề Cù-đàm-di 摩 訶 簸 邏 闍 鉢 提 瞿 曇 彌. Thường đọc theo phiên âm là Ma-ha Ba-xà-ba-đề, dịch là Đại Ái Đạo; đoạn dưới dịch là Đại Sanh Chủ. Xem kinh 116. Pāli: Mahā-Pajāpati Gotamī.
[04] Đại Sanh Chủ 大 生 主, xem cht. trên.
[05] Tín tộc tánh nam, tộc tánh nữ.
[06] Danh tánh chủng, chỉ Tỳ-kheo chỉ có danh tự, chứ không có thực chất (?). Pāli: Gotrabhuno.
[07] Tức bốn hành: không an ổn, an ổn, điều phục và tịch tịnh. Chúng đệ tử Phật hành ba loại sau. Tham chiếu Pāli, D. 33. Saṅgīti-suttanta: catasso paṭipadā: akkhamā paṇipadā (không kham nhẫn), khamā paṭipadā (kham nhẫn), damā paṭipadā (điều phục), samā paṭipadā (tịch tĩnh).
[08] Trừ sự, trong kinh 215, tám thắng xứ được gọi là tám trừ xứ, nhưng ở đây trừ sự có thể chỉ cho bốn thông hành (xem kinh số 215 ở sau).
[09] Hành lai du, tham khảo Pháp Uẩn 3 (No.1537, Đại 26, trang 463 b), được gọi là Pháp tùy, tức tám chi Thánh đạo. Chúng đệ tử của Phật tùy thuận du lịch thiệp hành trong đó.
[10] Mười sự thành tựu trên đây, trừ những thành tựu: nhu nhuyến, nhẫn và lạc, còn lại có thể so với những đức tánh Tăng bảo thường được tán thán, mà theo văn của Tập Dị và Pháp Uẩn như vầy: “Cụ túc diệu hành, chất trực hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, tùy pháp hành”.
[11] Kiến lai kiến quả; Xem Tập Dị (No.1536, Đại 26, trang 402): hữu y kiến, hữu quả kiến.

-ooOoo-

181. KINH ĐA GIỚI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ[02].”

Rồi Tôn giả A-nan vào lúc xế chiều, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ”.

Thế Tôn nói rằng:

“Thật vậy, A-nan, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, cũng như lửa dậy từ bụi lau, bụi cỏ, cháy luôn cả lầu các, điện đường. Này A-nan, cũng vậy, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong quá khứ, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời vị lai, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời hiện tại, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.   “Này A-nan, đó gọi là, ngu si có sợ hãi, trí tuệ không sợ hãi; ngu si có vấp ngã, tai hoạn, ưu não; trí tuệ không có vướng tai hoạn, ưu não.

“Này A-nan, những ai có sợ hãi, vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng có thể tìm thấy nơi ngu si chứ không phải nơi trí tuệ.

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan buồn rầu, khóc lóc, nước mắt chảy, chấp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo ngu si, không phải trí tuệ[03]?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào không biết giới, không biết xứ, không biết nhân duyên, không biết thị xứ phi xứ[04]. A-nan, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải trí tuệ.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải là trí tuệ. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo trí tuệ, không phải ngu si?”

Thế Tôn đáp rằng:

“A-nan, nếu Tỳ-kheo nào biết giới, biết xứ, biết nhân duyên, biết thị xứ phi xứ; A-nan, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết giới?”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về mười tám giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: dục giới, nhuế giới, hại giới, vô dục giới, vô nhuế giới, vô hại giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới: thọ giới, tưởng giới, hành giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: quá khứ giới, vị lai giới, hiện tại giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: diệu giới, bất diệu giới, trung giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: học giới, vô học giới, phi học vô học giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về hai giới: hữu lậu giới, vô lậu giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về: hữu vi giới, vô vi giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Này A-nan, thấy và biết như thật về sáu mươi hai giới này. A-nan, Tỳ-kheo thấy và biết như thật về giới như vậy”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết giới như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết xứ?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười hai xứ: nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ. A-nan, thấy và biết như thật về mười hai xứ này. Này A-nan, Tỳ-kheo biết xứ như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Tỳ-kheo biết xứ như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết nhân duyên[05]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về nhân duyên và pháp khởi từ nhân duyên, rằng ‘Nhân cái này có, cái kia có; cái này không, cái kia không. Cái này sanh, cái kia sanh; cái này diệt cho nên cái kia diệt’. Tức là duyên vô minh có hành..., cho đến duyên sanh có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt. A-nan, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết thị xứ phi xứ[06]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Này A-nan, nếu trong đời có hai vị Chuyển luân vương cùng cai trị, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu trong đời có một Chuyển luân vương cai trị, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu trong đời có hai Đức Như Lai, trường hợp này hoàn toàn không. Nếu trong đời này có một Đức Như Lai, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý[07] mà có ý sát hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này tất có xảy ra.

“A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà cố tình phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này tất có.

“Nếu có một người đã thấy đế lý mà xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà theo các Sa-môn, Phạm chí khác nói như vầy: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác, nói rằng: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý mà còn tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ngườøi thấy đế lý mà phát sanh sự cực khổ, rất khổ, trọng đại khổ, không thể ái, không thể lạc, không thể tư, không thể niệm, cho đến đoạn mạng, bèn xả ly nội đạo này, cầu cứu ở ngoại đạo. Hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ mà nói là dứt khổ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này mà cầu cứu ngoại đạo, hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì chú một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ, mà nói là dứt khổ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu người thấy đế lý mà tái sanh lần thứ tám, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu tái sanh lần thứ tám, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ lạc báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ khổ báo, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ khổ báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ lạc báo, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, mà tâm có thể an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém mà tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà muốn tu bảy giác chi, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà tu bảy giác ý, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý mà muốn chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý, không chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác mà đạt đến khổ biên, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, đạt đến khổ biên, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, Tỳ-kheo biết thị xứ, phi xứ như vậy”.

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, kinh này tên gọi là gì? Nên phụng trì như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, hãy thọ trì pháp này, là đa giới, pháp giới, cam lộ giới, đa cổ, pháp cổ, cam lộ cổ, là pháp kính, là tứ phẩm[08]. Do đó kinh này được gọi là Đa Giới”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.115 Bahudhātuka-sutta. Đối chiếu Pháp Uẩn 10 (No.1537, Đại 26 trang 501b - 505a).
[02] Bản Hán này và Pháp Uẩn tương đương. Bản Pāli, đây là lời Phật nói với các Tỳ-kheo.
[03] Pháp Uẩn và Pāli giống nhau về câu hỏi này: đến mức độ nào để được liệt vào loại ngu phu?
[04] Thị xứ phi xứ: trường hợp đúng và trường hợp sai.
[05] Nhân duyên, đây chỉ duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppada.
[06] Xem cht.4 trên. Pāli: thānāthānakusala (xứ phi xứ thiện xảo).
[07] Kiến đế nhân, đây chỉ vị Tu-đà-hoàn.
[08] Tứ phẩm, Pháp Uẩn: tứ chuyển. Pāli: Catuparivatto.

-ooOoo-

181. KINH ĐA GIỚI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ[02].”

Rồi Tôn giả A-nan vào lúc xế chiều, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ”.

Thế Tôn nói rằng:

“Thật vậy, A-nan, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, cũng như lửa dậy từ bụi lau, bụi cỏ, cháy luôn cả lầu các, điện đường. Này A-nan, cũng vậy, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong quá khứ, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời vị lai, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời hiện tại, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.   “Này A-nan, đó gọi là, ngu si có sợ hãi, trí tuệ không sợ hãi; ngu si có vấp ngã, tai hoạn, ưu não; trí tuệ không có vướng tai hoạn, ưu não.

“Này A-nan, những ai có sợ hãi, vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng có thể tìm thấy nơi ngu si chứ không phải nơi trí tuệ.

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan buồn rầu, khóc lóc, nước mắt chảy, chấp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo ngu si, không phải trí tuệ[03]?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào không biết giới, không biết xứ, không biết nhân duyên, không biết thị xứ phi xứ[04]. A-nan, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải trí tuệ.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải là trí tuệ. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo trí tuệ, không phải ngu si?”

Thế Tôn đáp rằng:

“A-nan, nếu Tỳ-kheo nào biết giới, biết xứ, biết nhân duyên, biết thị xứ phi xứ; A-nan, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết giới?”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về mười tám giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: dục giới, nhuế giới, hại giới, vô dục giới, vô nhuế giới, vô hại giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới: thọ giới, tưởng giới, hành giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: quá khứ giới, vị lai giới, hiện tại giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: diệu giới, bất diệu giới, trung giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: học giới, vô học giới, phi học vô học giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về hai giới: hữu lậu giới, vô lậu giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về: hữu vi giới, vô vi giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Này A-nan, thấy và biết như thật về sáu mươi hai giới này. A-nan, Tỳ-kheo thấy và biết như thật về giới như vậy”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết giới như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết xứ?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười hai xứ: nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ. A-nan, thấy và biết như thật về mười hai xứ này. Này A-nan, Tỳ-kheo biết xứ như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Tỳ-kheo biết xứ như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết nhân duyên[05]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về nhân duyên và pháp khởi từ nhân duyên, rằng ‘Nhân cái này có, cái kia có; cái này không, cái kia không. Cái này sanh, cái kia sanh; cái này diệt cho nên cái kia diệt’. Tức là duyên vô minh có hành..., cho đến duyên sanh có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt. A-nan, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết thị xứ phi xứ[06]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Này A-nan, nếu trong đời có hai vị Chuyển luân vương cùng cai trị, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu trong đời có một Chuyển luân vương cai trị, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu trong đời có hai Đức Như Lai, trường hợp này hoàn toàn không. Nếu trong đời này có một Đức Như Lai, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý[07] mà có ý sát hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này tất có xảy ra.

“A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà cố tình phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này tất có.

“Nếu có một người đã thấy đế lý mà xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà theo các Sa-môn, Phạm chí khác nói như vầy: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác, nói rằng: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý mà còn tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ngườøi thấy đế lý mà phát sanh sự cực khổ, rất khổ, trọng đại khổ, không thể ái, không thể lạc, không thể tư, không thể niệm, cho đến đoạn mạng, bèn xả ly nội đạo này, cầu cứu ở ngoại đạo. Hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ mà nói là dứt khổ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này mà cầu cứu ngoại đạo, hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì chú một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ, mà nói là dứt khổ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu người thấy đế lý mà tái sanh lần thứ tám, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu tái sanh lần thứ tám, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ lạc báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ khổ báo, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ khổ báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ lạc báo, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, mà tâm có thể an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém mà tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà muốn tu bảy giác chi, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà tu bảy giác ý, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý mà muốn chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý, không chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác mà đạt đến khổ biên, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, đạt đến khổ biên, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, Tỳ-kheo biết thị xứ, phi xứ như vậy”.

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, kinh này tên gọi là gì? Nên phụng trì như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, hãy thọ trì pháp này, là đa giới, pháp giới, cam lộ giới, đa cổ, pháp cổ, cam lộ cổ, là pháp kính, là tứ phẩm[08]. Do đó kinh này được gọi là Đa Giới”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.115 Bahudhātuka-sutta. Đối chiếu Pháp Uẩn 10 (No.1537, Đại 26 trang 501b - 505a).
[02] Bản Hán này và Pháp Uẩn tương đương. Bản Pāli, đây là lời Phật nói với các Tỳ-kheo.
[03] Pháp Uẩn và Pāli giống nhau về câu hỏi này: đến mức độ nào để được liệt vào loại ngu phu?
[04] Thị xứ phi xứ: trường hợp đúng và trường hợp sai.
[05] Nhân duyên, đây chỉ duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppada.
[06] Xem cht.4 trên. Pāli: thānāthānakusala (xứ phi xứ thiện xảo).
[07] Kiến đế nhân, đây chỉ vị Tu-đà-hoàn.
[08] Tứ phẩm, Pháp Uẩn: tứ chuyển. Pāli: Catuparivatto.

-ooOoo-


Tiêu điểm:
Các tin đã đăng: