Thiền học
Mã Tổ Ngữ Lục
Mã Tổ Đại Sư
18/02/2555 12:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GIAI THOẠI 1

Một hôm Tây Đường, Bách Trượng, Nam Tuyền cùng hầu sư (Mã Tổ) thưởng trăng. Sư nói

- Bây giờ sao đây?

Tây Đường nói

- Chính là lúc nên cúng dàng

Bách Trượng nói

- Chính là lúc nên tu hành.

Nam Tuyền phất tay áo mà đi.

Sư nói

- Kinh vào Tạng (Tây Đường), Thiền về Hải (Bách Trượng) duy có Phổ nguyện (Nam Tuyền) là siêu nhiên ngoài sự vật.

GIAI THOẠI 2

Một hôm Nam Tuyền dọn cháo cho chúng, sư (Mã Tổ) hỏi

- Trong thùng có chi?

Nam Tuyền nói

- Lão già này ngậm miệng lại, ăn nói như vậy à?

Sư bèn thôi. 

BÌNH BÌNH

Nói trong thùng có cháo không được à?

Không, Tổ không hỏi  cháo.

Nhưng nói tầm bậy thì ăn gậy ngay

BởI vậy Nam Tuyền mới nạt lại. ý là

“Ông nói được không mà hỏi  tôi?”

GIAI THOẠI 3

Bách Trượng hỏi

- Ý chỉ của Phật là gì?

Mã Tổ đáp

- Chính là nơi ông đặt thân mạng.

BÌNH BÌNH

Đâu là nơi chúng ta đặt thân mạng?

Nghĩa là không có cái đó, chúng ta không sống được. Sống ở đây không có nghĩa là sống, chết mà sống ở đây có nghĩa là nhận biết, là cảm nhận, là hiểu biết v v…

Vậy cái gì làm cho chúng ta sống? tức là làm cho chúng ta có thể nhận biết, có thể thấy, nghe, cảm giác v v…?

GIAI THOẠI 4

Đại Châu (Thiền sư Huệ HảI) đến tham học, sư hỏi

- Từ đâu tới?

Đáp:
- Chùa Đại Vân ở Việt Châu.

Sư hỏi:

- Đến làm gì?

Đáp
- Đến cầu Phật pháp.

Sư nói

- của báu của chính mình không ngó tới, bỏ nhà chạy rông làm gì? Ta ở đây một vật cũng chẳng có, ông cầu Phật pháp chi?

Đại Châu bèn cúi lạy mà hỏi

- Cái gì mà bảo là của báu của chính Huệ Hải tôi?

Sư đáp

- Cái đang hỏi  ta chính là của báu của ông đó. Nó đầy đủ tất cả, không còn thiếu gì. Cứ tự tại mà sử dụng, cần chi tìm cầu bên ngoài nữa?

Đại châu nghe xong liền thấy được bổn tâm, hớn hở lạy tạ Bèn ở lại hầu thầy sáu năm. Sau về tự soạn bộ “Đốn ngộ nhập đạo yếu môn” một quyển. Sư đọc xong bảo chúng

- Đất Việt Châu có một viên ngọc lớn, tròn sáng, trong suốt ngời ngời không chút tỳ vết.

BÌNH BÌNH

Tắc này chỉ tâm rất rõ. Nhưng vì không thể gọi tên ra, hay giơ tay ra chỉ được, cho nên Tổ phải dùng phương tiện để ám chỉ mà thôi. Ai có cơ duyên tưc thầm khế hội. Nó ở đoạn

- Cái gì mà bảo là của báu của chính Huệ Hải tôi?

- Cái đang hỏi  ta chính là của báu của ông đó.

GIAI THOẠI 5

Thiền sư Lặc Đàm Pháp Hội hỏi

- Ý tổ sư sang đông là gì?

Sư (Mã Tổ) bảo:

- Nói khe khẽ, lại gần đây.

Pháp Hội bèn đến gần. Sư tát cho một cái mà nói

- Sáu tai không cùng mưu. Hôm khác hãy đến đây.

Hôm khác Pháp Hội đến lại còn vào pháp đường hỏi

- Xin hòa thượng cho nghe.

Sư nói

- Lát nữa chờ lão già này thượng đường hãy ra, lão chứng minh cho.

Pháp Hội liền ngộ nói

- Cảm tạ đại chúng chứng minh.

Bèn nhiễu quanh pháp đường một vòng rồi đi.

BÌNH BÌNH

Hãy nói Mã Tổ có chỉ bảo cho Pháp Hội hay không? Tại sao nói sáu tai không cùng mưu (sáu căn không hòa hợp). Đại chúng chứng minh cho Pháp Hội lúc nào? 

GIAI THOẠI 6

Thiền sư Lặc Đàm Duy Kiến một hôm ngồi thiền ở sau pháp đường. Sư (Mã Tổ) trông thấy bèn ghé vào tai Duy Kiến thổi hai cái. Duy Kiến xuất định. Thấy té ra là sư, liên nhập định lại.

Sư về phương trượng, sai thị giả mang cho Duy Kiến một tách trà. Duy Kiên không nhìn đến bỏ về pháp đường.

BÌNH BÌNH

Hừ, người ta đang tu hành mà đến chọc phá. Nhưng gặp phải bậc chân tu nên dễ dàng bỏ qua.
Nhưng Tổ vẫn còn chưa tha, sai thị giả đem một tách trà đến thưởng. Tỏ ý khen, Nhưng Tổ lại lầm lần nữa. Bậc chân tu ai chê bai, hay quậy phá chẳng bận tâm, mà khen ngợi, xưng tụng cũng chẳng màng.

GIAI THOẠI 7

Thiền sư Thạch Củng Huệ Tạng, trước đây vốn làm nghề săn bắn, rất ghét thấy thầy tu. Một hôm nhân đuổi bầy nai chạy qua trước am, gặp sư (Mã Tổ) bèn hỏi

- Hòa thượng có thấy nai chạy qua không?

Sư hỏi  lại

- Ngươi là ai

- Thợ săn.

Sư hỏi

- Biết bắn không?

- Biết.

- Bắn một mũi tên được mấy con?

- Một con

Sư nói

- Vậy là không biết bắn.

- Hòa thượng biết bắn không?

- Biết.

- Hòa thượng bắn một mũi được mấy con?

- Cả bầy.

Thạch Củng nói

- Đó đều là sinh mạng cả, việc gì phải giết hết cả bầy?

Sư nói

- Ngươi biết như vậy sao không tự bắn mình?

- Nếu bảo tôi tự bắn, tôi làm sao bắn được?

Sư nói

- Ôi gã này vô minh, phiền não từ bao đời nay bông nhiên dứt sạch.

Huệ Tạng liền bỏ cung tên, tự lấy dao xuống tóc qui y với sư.

Một bữa Huệ Tạng đang làm việc trong bếp, sư hỏi

- Làm gì đó?

- Chăn trâu.

- Chăn làm sao?

- Hễ chạy bậy thì nắm mũi kéo lại.

Sư nói

- Thiệt quả là tay chăn trâu.

BÌNH BÌNH

Tự bắn mình? làm sao bắn được? Oh, té ra từ xưa tới nay chúng ta chi chạy theo ngoại cảnh, chỉ lo đối phó với bên ngoài, nào là cơm, áo, gạo, tiền, chức vụ, tình cảm v v…. nào là ông, bà, cha mẹ, vợ con, bạn bè, người quen v v …

Hình như chưa bao giờ ta để ý để đối phó với chính mình cả. chưa bao giờ ta tự tìm hiểu về chính mình cả.

Bây giờ mới nhận ra điều ấy. Chính vì thế mà tổ nói

“Ôi gã này vô minh, phiền não từ bao đời nay bỗng nhiên dứt sạch”.

GIAI THOẠI 8

Có một ông tăng hỏi  sư (Mã Tổ)

- Xin hòa thượng chớ dùng “tứ cú, bách phi” chỉ thẳng ý Tổ sư sang đông cho tôi rõ.

Sư nói

- Hôm nay ta mệt, ra hỏi  thầy Trí Tạng đi.

Ông tăng bèn ra hỏi  thầy Trí Tạng (Tây Đường). Trí Tạng nói

- Sao ông không hỏi  hòa thượng?

Ông tăng đáp

- Hòa thượng dạy tôi đến hỏi  thượng tọa.

Trí Tạng vò đầu nói

- Hôm nay ta đau đầu, đến hỏi  sư huynh Hoài Hải (Bách Trượng) đi.

Ông tăng đến hỏi  Hoài Hải, Hoài Hải nói

- Ô chuyện ấy thì ta lại không biết.

Ông tăng thuật lại cùng sư, Sư nói

- Đầu thầy Tạng trắng, đầu thầy Hải đen.

BÌNH BÌNH

Trong cái thế giới của những người chưa ngộ thì trắng ra trắng, đen ra đen, thị ra thị, phi ra phi. Thế nào cũng có một hơn, một kém.

Nhưng trong thế giới của các tổ thì trắng cũng như đen, chẳng có ai hơn, ai kém.

GIAI THOẠI 9

Thiền sư Ma Cốc Bảo Triệt một hôm theo hầu sư (Mã Tổ) dọc bờ sông. Bảo Triệt hỏi

- Đại Niết Bàn là gì?

Sư nói

- Mau

Bảo Triệt hỏi

- Mau gì?

Sư đáp

- Xem nước.

BÌNH BÌNH

Đạt đạo nhân thường tại Na Già đại định. Tâm ở Niết Bàn mà thường hóa độ chúng sinh. Cho nên dầu cho sư đang đi dọc theo con sông mà vẫn an nhàn tự tại như đang ở Niết Bàn.Do đó, bỗng chợt Ma Cốc hỏi  đến Niết Bàn thì sư bảo: mau xem nước kìa. Vì sư đang ở Niết Bàn vậy.

GIAI THOẠI 10

Thiền sư ĐạI Mai Pháp Thường đến tham học với sư hỏi

- Phật là gì?

Sư đáp

- Tức tâm tức Phật.

Pháp Thường liền đại ngộ.

Sau pháp Thường về ở núi ĐạI Mai. Sư nghe chuyện liền sai một ông tăng đến hỏi

- Hòa Thượng tham kiến ngài Mã Tổ được cái chi mà về ở núi này?

Pháp Thường đáp

- Ngài Mã Tổ dạy ta “Tức Tâm tức Phật”, ta bèn về ở đây.

Ông tăng nói

- Gần đây Phật pháp của ngài Mã Tổ lại khác rồi.

Pháp Thường hỏi

- Khác thế nào?

Đáp
- Gần đây lại dậy “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật”.

Pháp Thường nói

- Lão già này làm người ta mê loạn, chẳng biết đến bao giờ mới thôi. Mặc các người “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật”, ta cứ “Tức Tâm, tức Phật“.

Ông tăng trở về thuật lại cùng sư. Sư nói

- Mơ đã chín.

BÌNH BÌNH

Sao ngài Mã Tổ biết: mơ đã chín? Giữa 2 câu” Tức tâm, tức Phật” và “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật” có gì tương ưng?