Thiền học
Mã Tổ Ngữ Lục
Mã Tổ Đại Sư
18/02/2555 12:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GIAI THOẠI 11

Thiền sư Phần Châu Vô Nghiệp đến tham học. Sư thấy tướng mạo khôi vĩ, tiếng nói như chuông, bảo

- Phật điên nguy nga mà bên trong không có Phật.

Vô Nghiệp quì lạy hỏi

- Giáo điển của tam thừa, tôi cũng đã tạm hiểu qua ý chỉ. Song thường nghe câu “Tức tâm tức Phật” của Thiền môn thì tôi thực chưa hiểu được

Sư nói

- Chính cái tâm chưa hiểu ấy là Phật đấy, chứ chẳng phải cái gì khác.

Vô Nghiệp lại hỏi

- Thế nào là tâm ấn do Tổ Sư sang đông mật truyền?

Sư nói

- Đại đức lộn xộn quá, lúc khác hãy đến.

Vô Nghiệp vừa mới đi ra, sư liền gọi

- Đại đức!

Vô Nghiệp quay đầu lại, sư hỏi

- Đó là cái gì?

Vô Nghiệp lĩnh ngộ sụp lạy, sư nói

- Gã ngu này, chi mà lạy.

BÌNH BÌNH

Có hai chỗ Mã Tổ chỉ tâm cho Vô Nghiệp.

Một là lúc trả lời “Chính cái tâm chưa hiểu ấy là Phật đấy”.

Hai là lúc tổ hỏi  “Đó là cái gì?”

GIAI THOẠI 12

Ngài Đặng Ẩn Phong đến cáo biệt. Sư hỏi

- Đi đâu?

Ẩn Phong đáp

- Đến Thạch Đầu.

Sư bảo

- Đường đi Thạch Đầu trơn trợt lắm đấy.

- Có gậy tùy thân, gặp đâu vui đó.

Nói rồi bèn đi. Ẩn Phong đến Thạch Đầu, nhiễu quanh thiền sàng một vòng, rung thiền trượng một cái rồi hỏi:

- Tông chỉ gì đây?

Thạch Đầu kêu

- Trời ơi, trời ơi.

Ẩn Phong không biết nói sao. Về thuật lại cùng sư. Sư bảo

- Ông cứ trở lại, hễ nghe ông ấy kêu trời! Trời thì hư! hư! Hai tiếng.

Ẩn Phong lại đi dến chỗ Thạch Đầu, lặp lại câu hỏi  như trước. Thạch Đầu bèn hư! Hư! Hai tiềng. Phong lại không nói gì được, đành về thuật lại cùng sư. Sư nói

- Ta đã bảo ông đường đi Thạch Đầu trơn trợt lắm mà!

BÌNH BÌNH

Đây là cuộc đối đầu giữa hai vị Tổ thiền. Dĩ nhiên là họ có cùng một kiến giải, Thiền sư Đặng Ẩn phong mặc dầu là người đã giác ngộ, chẳng thế mà trước khi đi ngài còn đáp rất tự tin “Có gậy tùy thân, gặp đâu vui đó”, cũng chỉ là người đưa tin, giữ vai trò chuyển đi các thông điệp của các tổ, mà chẳng hiểu chứa đựng gì trong đó. Các thông điệp mang một ý nghĩa cao tột trời xanh.

- Trời ơi, trời ơi

Vô ngôn vô ngữ.

GIAI THOẠI 13

Ngài Đặng Ẩn Phong một hôm đẩy xe đất. Sư (Mã Tổ) ngồi duỗI chân ngay giữa lối đi. Ẩn Phong nói

- Xin Hòa thượng rút chân lại

Sư nói

- Đã duỗi ra thì không rút lại.

Ẩn Phong nói

- Đã tiến thì không lùi

Bèn đẩy xe cán qua mà đi. Sư bị thương ở chân. Lát sau về pháp đường, sư cầm búa bảo

- Đứa nào mới cán đau chân ta hãy ra đây!

Ẩn Phong bước ra ngửa cổ trước mặt sư. Sư bèn cất búa.

BÌNH BÌNH

Trong giai thoại này, tổ không khảo sát trình độ thấu hiểu về Thiền. Mà khảo sát về cái dũng khí của học viên vậy. Khi đã hiểu thiền, đã ngộ thiền, có dám đem cả thân mệnh ra mà đi tớI cùng không?

Có dám chết để bảo vệ ý kiến của mình không?

Bởi vậy mới nói

Người sắt mới mong học đạo mầu

Dắt tay phân biện rõ tâm đầu

Thẳng về đường giác cao vô thượng

Phải trái can gì chuyện trước sau.

GIAI THOẠI 14

Hòa thượng Thạch Cửu đến tham học, sư hỏi

- Từ đâu tới?

Thạch Cửu nói

- Ô Cửu.

Sư hỏi

- Ô Cửu lâu nay có câu chi?

Đáp

- Bao nhiêu người chẳng hiểu ra sao cả!

Sư nói

- Câu chẳng hiểu cứ tạm để đó. Còn câu lặng lẽ hiểu sao đây?

Thạch Cửu bèn bước tớI ba bước. Sư nói

- Ta có bảy hèo muốn gởi Ô Cửu, ông có chịu mang về không?

Thạch Cửu nói

- Hòa thượng cứ chịu đòn trước đi, tôi chịu sau.

Nói xong bèn về Ô Cửu.

BÌNH BÌNH

Câu gì mà bao nhiêu người chẳng hiểu? Vậy Ô Cửu có hiểu không?

- Xin thưa rằng không vậy. Vì nếu hiểu đã chẳng thể làm tổ một phương.

GIAI THOẠI 15

Lượng tòa chủ đến tham kiến, sư (Mã Tổ) hỏi

- Nghe nói tòa chủ giảng kinh luận ghê lắm phải không?

- Không dám.

- Lấy gì mà giảng?

- Lấy tâm mà giảng.

Sư nói

- Tâm như người ca hát, ý như kẻ họa đàn, làm sao hiểu được kinh?

Tòa chủ lớn tiếng

- Tâm mà không giảng được thì hư không giảng được chắc?

Sư nói

- Thế mà hư không giảng được đấy.

Lượng tòa chủ không chịu, bỏ ra., Khi Lượng sắp bước xuống thềm, sư gọi

- Tòa chủ!

Lượng quay đầu. Bỗng đại ngộ, liền sụp lạy. Sư nói

- Cái ông thầy chùa đần độn này, lạy mà chi.

Lượng về chùa nói với thính chúng:

- Ta xưa nay giảng kinh luận chẳng ai bì. Hôm nay bị Mã đại sư hỏi  cho một câu, hết thảy công phu bình sinh như ngói bể, băng tan.

Bèn đi thẳng vào núi Tây Sơn. Chẳng ai rõ về sau thế nào.

BÌNH BÌNH

Tòa chủ Lượng xưa nay cứ nghĩ rằng mình giảng kinh do tâm ý hiểu biết mà ra nhưng không biết rằng tâm, ý lại từ một cái nói không được mà ra. Cái này không biết tên nó là gì, không biết nó ở chỗ nào, mà không chỗ nào mà không do nó tạo nên, nên Tổ tạm gọi nó là hư không.

Khi tổ gọi: “Tòa chủ “. Lượng quay lại, cái đó rõ ràng chẳng do hiểu, chẳng do ý gì cả. Vậy thì đó là cái gì?

Lượng tòa chủ chợt nhận ra ý chỉ, than rằng “bao nhiêu công phu từ trước tới nay chẳng liên quan gì ”.

GIAI THOẠI 16

Hòa thượng Hồng Châu Thủy Lão đến tham học, hỏi

- Ý của Tổ sư sang đông là gì?

Sư nói

- Vái lạy đi.

Thủy Lão vừa vái lạy. sư liền đạp cho một đạp, Thủy Lão té lăn cù, Đại Ngộ, đứng dậy vỗ tay cười lớn nói

- Lạ thật! lạ thật! trăm nghìn tam muội, vô lượng diệu nghĩa, chỉ ở đầu một sợi lông mà hiểu rõ căn nguyên.

Bèn vái lạy mà lui.

Về sau Thủy Lão thường bảo chúng

- Ta, từ buổi bị Mã Đại sư cho một đạp, đến nay cười mãi vẫn không thôi.

BÌNH BÌNH

Thử hỏi  trong cái đạp của Mã Tổ, Thủy Lão nhận được điều gì?

Điều gì phải thân thuộc lắm, Thủy Lão mới nói “Trăm nghin tam muộI, vô lượng diệu nghĩa, chỉ trên đầu một sợi lông mà hiểu rõ căn nguyên”.

GIAI THOẠI 17

Bàng cư sĩ hỏi  sư (Mã Tổ)

- Ai là kẻ không làm bạn cùng vạn pháp?

Sư đáp

- Đợi đến khi ông uống một hớp hết trọn nước sông Tây Giang, ta sẽ nói cho nghe.

Cư sĩ lại hỏi

- Đừng lầm kẻ bổn lai, xin ngài hãy ngẩng nhìn cho kỹ.

Sư ngó thẳng xuống, cư sĩ nói

- Cũng một cây đàn không dây đó mà ngài đàn hay tuyệt.

Sư nhìn thẳng lên. Bàng vái lạy. Sư về phương trượng, Bàng theo vào nói

- Vừa rồi làm khéo hóa dở.

Lại hỏi

- Như nước không gân cốt mà thắng được thuyền vạn hộc. Lẽ ấy là sao?

Sư nói

- Nơi đây không nước cũng không thuyền, nói gân cốt gì?

BÌNH BÌNH

Khi hai tổ sư thiền đối đáp thì người ngoài nghe sấm.

Nhưng theo một tài liệu khác khi Tổ nói “Đợi đến khi ông uống một hớp hết nước sông Giang Tây ta sẽ nói cho ông nghe” thì Bàng cư sĩ đại ngộ. Còn phần sau là từ những chuyện khác sau này thêm vào.

GIAI THOẠI 18

Có ông tăng hỏi

- Sao hòa thượng bảo “tức tâm tức Phật ”?

Sư đáp

- Để dỗ con nít nín khóc

Hỏi

- Nín khóc rồI thì sao?

Sư đáp

- Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật

- Bỏ cả hai mặt đó, nếu có người hỏi  thì làm sao chỉ bảo cho họ?

- Bảo họ “Chẳng phải vật “.

Lại hỏi

- Còn nếu gặp kẻ từ trong ấy đến thì sao?

Sư đáp

- Thì bảo họ có thể hội đạo lớn.

BÌNH BÌNH

Giác ngộ cũng có nhiều cấp độ.

Đối với người mới học thiền thì bảo “Tức tâm tức Phật “để họ quán tâm.

Khi đã nhuần nhuyễn rồi thì bảo họ “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật” để chỉ rằng: cái tâm ấy cũng chưa thật đúng.

Khi hành giả đã nhận ra điều đó, và tiếp tục tìm cầu thì sẽ bảo “Chẳng phải vật “để chỉ hành giả rằng đừng xem tâm như một cái gì có thể tìm cầu. Đến đây đã dứt đường ngôn ngữ, nói năng rồi. Hành giả như người ở đầu sào trăm thước. Còn cần một cái nhẩy nữa để thể nhập pháp giới. Và khi đã ở trong đó rồi thì mới thể hội đạo lớn.

GIAI THOẠI 19

Tăng hỏi

- Ý chỉ Tổ sư sang đông là gì?

Sư đáp

- Ý chỉ giờ đây thế nào?

BÌNH BÌNH

Trước đây hay bây giờ ý chỉ đó không hề thay đổi. Đừng nghĩ rằng Tổ sư Bồ-Đề chỉ dậy thì cao thâm hơn các tổ sau này chỉ dậy.

Chân lý thì chỉ có một, giống như mặt trăng, dù người chỉ có khác nhau, nhưng cũng chỉ một mặt trăng đó mà thôi.

GIAI THOẠI 20

Có ông tăng hỏi

- Thế nào là hợp được đạo?

Sư nói

- Ta vốn không hợp đạo.

Lại hỏi

- Ý chỉ Tổ sư sang đông là gì?

Sư bèn đánh rồi nói

- Không đánh ông thì thiên hạ cười ta chết.

BÌNH BÌNH

Hỏi như vậy là hỏi  ngược. Thường thì người ta hỏi  ý chỉ Tổ sư sang đông trước, rồi sau này mới hỏi  “Như thế nào mớI hợp đạo “. Tu nó có tuần tự, thứ lớp. Ông tăng này hỏi  ngược vì thế mà bị ăn đòn. Nếu tổ không đánh thì bị thiên hạ chê cười là dậy dỗ lộn xộn, không có nguyên tắc.