Tịnh độ
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Tịnh Hải
04/07/2555 02:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Mục lục
Xem toàn bộ


Trong bộ băng giảng kinh Thủ-lăng-Nghiêm, Pháp sư Tịnh-Không có nhắc đến Niệm Phật Viên Thông Chương, tức đoạn kinh văn mà Đại Thế-Chí Bồ-Tát đã trình bày chỗ đắc ngộ của Ngài cùng 52 vị đồng môn qua Pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc.

Theo Pháp sư Tịnh-Không, Đại sư Ấn-Quang gọi Niệm Phật Viên-Thông Chương là "Tịnh-Độ Tâm-Kinh".
Trước đây, có Bát Nhã Tâm-Kinh là bộ kinh ngắn nhất, là nồng cốt của Bộ Kinh Đại Bát Nhã mà hầu hết các chùa đều tụng đọc sau mỗi thời kinh. Tụng Bát Nhã Tâm-Kinh nhắc cho người tu biết rằng tất cả các pháp trên thế gian này đều là Không. Nếu biết và nhớ rõ các pháp đều là Không, thì người tu hành dù xuất gia hay tại gia đều không quá chấp lấy thân, lấy của, tránh được biết bao nhiêu là phiền toái.

Bát-Nhã Tâm-Kinh là Tâm Kinh của Bồ Tát Quán Thế Âm. Còn Tịnh-Độ Tâm Kinh là Tâm Kinh của Bồ-Tát Đại-Thế-Chí.

Ngài Quán Thế Âm dùng Nhĩ căn Viên-Thông để tu chứng liễu-nghĩa Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm. Ngài Đại-Thế-Chí dùng Niệm Phật Viên-Thông để tu chứng liễu-nghĩa Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm.

Tại sao lại đặt thành tu chứng

Liễu-nghĩa hay bất liễu-nghĩa ra đây?

Hoà-Thượng Tịnh-Không khẳng định: "Kinh Lăng Nghiêm là căn bản của tất cả Đại-Thừa tu học liễu-nghĩa. Nếu muốn trong đời này thành tựu, bất kể là học Thiền, học Giáo, hoặc tu niệm Phật hay Mật Tông, nếu lìa khỏi cơ sở này, bất luận tu học pháp môn nào anh nhứt định không thể thành công".

Hiện nay, các bạn niệm Phật đồng tu rất nhiều đều hy vọng đạt được Niệm Phật Tam-Muội, đều hy vọng trong đời này quyết được vãng sanh. Niệm Phật Tam-Muội và quyết định vãng sanh vẫn phải xây dựng trên cơ sở Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm này.

Có nhiều người niệm Phật rốt cuộc không thể Vãng sanh, vì sao? Là vì không có cơ sở này. Cho nên chúng ta phải tìm ra bịnh căn của nó.

Ở chỗ nào không thể vãng sanh?

Nguyên nhân chân-chánh của nó là ở đâu?

Sau khi tìm ra được, chúng ta đem nhân tố đó tiêu trừ, thì mục -tiêu tu học của chúng ta mới có thể đạt được.

Đây là ý-nghĩa của chữ "Đại" trong đề mục của Kinh. Đoạn thứ hai là Phật Đảnh. Phật Đảnh là nghĩa hiển-pháp tượng trưng. Toàn bộ bộ Kinh này là đảnh đầu của Phật. Phật đảnh là tối tôn vô-thượng, hiển thị rõ bộ Kinh điển này chỗ nói tất cả pháp môn. Y theo pháp môn này mà tu học, thành tựu vô-thượng Bồ-Đề. Phật Đảnh là tối vi-diệu, không ai có thể thấy được.

Vì sao không thấy được Phật Đảnh?

Phật Đảnh phóng quang, cho nên anh không thấy rõ Phật Đảnh. Cứu cánh ra làm sao không thấy rõ được? Ý nghĩa này là hiển thị rõ.

Bộ Kinh-điển này, Pháp-môn là tối vi diệu. Duy chỉ Phật với Phật mới cứu cánh. Đẳng giác Bồ Tát trở xuống đều không thể hoàn-toàn hiểu triệt để. Đây là dùng hai chữ Phật Đảnh để tỷ dụ, để hiện thị.

Phần thứ ba là Như Lai Mật Nhân. Nếu như dùng Tam Nhân Phật Tánh mà nói, thì đây tương đương với Chánh Nhân Phật Tánh.

Cái gì gọi là Chánh Nhân Phật Tánh?

Chánh Nhơn Phật Tánh tức là nói bản Tánh, tức là Chánh Nhơn Thành Phật của ta. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận gọi đó là Bản giác. Bản giác là nhân tố chân chánh để tu thành chánh quả của chúng ta.

Phật Bồ Tát đều dạy chúng ta, bản giác vốn sẵn có, người người đều có. Tuy có, mà vì chúng ta có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, kết quả là mê mà chẳng ngộ. Vốn là giác, mà nay vì mê mà chẳng giác.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo đây là cái căn bản trong hai căn bản:

1. Là căn bản của sự thành Phật.

2. Là căn bản lưu chuyển trong cửu pháp giới.

Cửu pháp giới chúng sanh là mê. Phật là ngộ. Mê, ngộ, chơn, vọng thảy đều là nó.

Đây gọi là Mật Nhân.

Mật Nhân này ở đâu?

Nếu chúng ta tìm không ra cái chơn bản, thì lấy gì để tu? Nếu như tu sai đi, thật là oan uổng. Cuộc đời của ta nào tinh thần và thì giờ đều lãng phí một cách vô hiệu quả. Nhứt định phải tìm cho ra chơn bản, điều này rất nhiều người học Phật không chịu nghiên cứu sâu vào.

Cho nên, tuy gọi là học Phật, vẫn chẳng phải là thật sự học Phật. Nếu thật sự là học Phật, thì nhất định đem việc này nghiên cứu một cách rõ ràng, minh bạch. Phật dạy chúng ta, chơn tâm bản tánh gần nhứt là trước cửa lục căn chúng ta. Từ viễn đại mà nói, tức là tận hư không biến pháp giới, không nơi nào không có mặt; cho nên bao gồm đầy đủ vạn pháp. Thập pháp giới, nghi chánh trang nghiêm đều là nó.

Chúng ta hiện nay hạ thủ để tu học. Từ đâu mà hạ thủ? Trong Kinh này Phật dạy chúng ta, từ đầu cửa lục căn mà hạ thủ.

Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm là tên gọi tắt. Gọi đủ tên Kinh dài hai mươi chữ: Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ-Tát Vạn-Hạnh Thủ-Lăng-Nghiêm.

Theo Hoà-Thượng Tịnh -Không, Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm có duyên với người tu niệm Phật Vãng Sanh Tây Phương Cực-Lạc. Người giảng Kinh Lăng Nghiêm hay nhứt là Giao Quang Đại sư. Trước khi chú giải Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, Giao Quang Đại sư được Phật A-Di-Đà đến đón, vì hằng ngày Ngài tu Niệm Phật cầu vãng sanh. Ngay khi Phật A-Di-Đà đến đón, Giao Quang Đại sư nhớ đến Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm chưa có người chú giải, nên liền xin với Phật A-Di-Đà cho Ngài ở lại để chú giải xong Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm. Phật A-Di-Đà chấp thuận cho nghỉ phép. Ngay lúc đó Giao Quang Đại sư đang trọng bịnh. Khi Phật A-Di-Đà biến mất thì bịnh của Giao Quang Đại sư cũng hết.

Nơi sách này chúng tôi rút một phần bài giảng của Pháp sư Tịnh-Không, cho thích hợp với danh đề của sách là Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sanh?

Trở lại việc Giao Quang Đại-sư chú giải Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm.

Giao Quang Đại sư đề xướng: "Bỏ thức dùng căn".

Chữ căn này chỉ cho cái tánh trong căn. Phàm phu chúng ta khi mắt thấy sắc, lấy gì để thấy? Dùng nhãn thức. Tai nghe tiếng, dùng nhĩ thức. Điều này quý vị đọc qua chút duy thức đều biết. Chúng ta thường dùng sáu thức, chẳng biết cách dùng căn tánh của sáu căn. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật chỉ điểm cho chúng ta đừng nên dùng thức. Thức là phân biệt, chấp trước. Lục căn phân-biệt cảnh-giới lục trần bên ngoài, thì gọi là lục thức. Lực lược phân biệt của ý thức, rất mạnh. Công năng chấp trước của thức thứ bảy là Mạt na rất mạnh. A-lại-da là thức thứ tám hàm chứa tất cả chủng tử; cho nên gọi là thức nhiểm ô, đem tâm chơn bản tánh của chúng ta làm nhiểm ô, chướng ngại; đây gọi là bịnh căn. Chơn chánh tu hành, sự thành tựu của viên đốn dùng phương-pháp này thì không đạt được. Phật dạy chúng ta một phương-pháp khác, là dùng cái tánh trong căn.

Nói một cách khác, chúng ta thấy sắc đừng nên dùng nhãn thức để thấy, mà dùng tánh kiến để thấy. Chúng ta nghe tiếng, đừng dùng nhỉ thức để nghe mà dùng tánh nghe để nghe.

Nói một cách khác, giả như chúng ta biết dùng căn tánh của sáu căn, như vậy thì anh đã nắm được Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm. Thì trong đời này anh đạt được thành tựu vô cùng vĩ đại bất khả tư nghị.

Kỳ thật, tất cả Phật pháp Đại thừa có pháp nào mà chẳng xây dựng trên nguyên lý này.

Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Ngài Mã Minh dạy chúng ta: "Dùng trạng thái tâm lý nào để tiếp nhận Phật pháp Đài thừa?

Ngài dạy chúng ta 3 điểm:

1. Lìa tướng ngôn thuyết.

2. Lìa tướng danh tự (tức là danh từ Phật ngữ).

3. Lìa tâm duyên tướng.

Quý vị thử nghĩ, 3 điểm lìa này, tức là Kinh Lăng Nghiêm dạy xả bỏ thức. Ba thứ này đã lìa là dùng cách chi? Dĩ-nhiên là dùng cái tánh trong căn. Cũng với Phật trong Kinh Lăng Nghiêm, thì danh từ không tương đồng, nhưng nội dung thì hoàn toàn đồng nhất. Do đây có thể biết, đây là căn bản lý luận chung cho Phật pháp Đại Thừa, là nguyên tắc chung của sự tu học. Đây tức là bỏ thức dùng căn.

Còn Mật Nhân, tại sao Phật đem sự việc này gọi là Mật Nhân?

Nó là hàm ý rất là sâu. Phật dạy chữ Mật này là phá lỗi chấp trước của Tiểu-Thừa. Lại nói thêm chữ Nhân. Là nói đến sự cuồng tuệ trong Đại Thừa Viên giáo. Có một hạng người tự cho là mình có căn tánh Đại thừa viên dung vô ngại. Hình như họ biết rất nhiều, nói rất có mạch lạc thứ lớp; nhưng chẳng thật sự thiết tha tu hành. Đây gọi là có giải mà không hành. Phật đặc biệt nói đến chữ Nhân. Anh tu nhân không viên mãn thì không thể chứng quả được; giải không dùng được (Giải đây là kiến giải). Sau khi giải rồi phải thật sự đi làm mới được. Cho nên sau khi giải rồi nhất định phải thực hành.

Chỉ biết một ít Phật pháp, mà không thể thực hành một cách thiết thực, đây là cái lỗi của hạng người Đại Thừa Viên Giáo cuồng tuệ.

Cho nên Đức Phật đặc biệt đánh thức họ về tầm quan trọng của tu Nhân; dùng Như Lai Mật Nhân. Đây là ba loại "đại định" mà Kinh Lăng Nghiêm nói đến. Diệu Sa-ma-tha là tên gọi của đại định. Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói đến ba thứ, Sa-ma-tha, Tam-ma và Thiền -Na, khi Xiển giáo Đức Thế -Tôn đề ra:

-"Ngài A Nan, quý vị đã biết, ông ta nghe Kinh nhiều nhứt và hoàn chỉnh nhứt, vì ông ta là Thị-giả của Thế-Tôn. Mỗi hội Phật thuyết-pháp đều có ông ta tham gia, những danh từ này ông ta rất thuộc. Vì vậy trong hội này Phật lại nêu ra ba danh xưng này. Nhưng Đại định Thủ-Lăng-Nghiêm, A-Nan chưa từng nghe qua, nên ông ta hỏi ba nghĩa này".

Như Lai Mật Nhân là đáp cho Tôn giả A-Nan chữ Sa-ma-tha. Cho nên chữ Sa-ma-tha thêm vào chữ Diệu là diệu Sa-ma-tha; khác với Sa-ma-tha trong các Kinh luận khác nói đến. Ý nghĩa chữ Sa-ma-tha nặng về phần chỉ. Chỉ tức là đem những thứ vọng tưởng phân biệt chấp trước đều ngừng chỉ nó. Cho nên có một tí cùng với Tông Thiên-Thai nói đến "chỉ quán", chữ chỉ đó rất gần,nhưng thực tế có phải chữ chỉ này không? Vẫn chẳng phải. Sau chữ "chỉ" đó, công phu cũng còn cần phải gần thêm một tầng.

Khi nãy vừa nói qua, chính yếu là nó dụng tâm khác nhau. Thiên Thai "chỉ quán" dùng ý thức tâm, còn Phật nói ở đây về Sa-ma-tha, Tam-ma-địa, Thiền-Na, tuy cũng là ý-nghĩa "chỉ quán"; nhưng là bỏ thức mà dùng căn. Nó là dùng căn tánh của 6 căn. Một cái là dùng 6 thức của 6 căn. Sai biệt là ở chỗ này.

Cho nên rất giống, rất tương tợ; nhưng thực tại thì là khác nhau. Điều nầy là khi nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm, trước tiên chúng ta phải phân-tách cho rõ ràng.

Đề Kinh đoạn thứ tư: "Tu chứng liễu-nghĩa". Đây là trong "Tam nhân Phật Tánh" tương đương với Liễu-Nhân. Liễu là hiểu rõ. Nói một cách khác tức là Trí tuệ. Không có trí tuệ thì anh sẽ không hiểu rõ. Có được chơn Trí-Tuệ thì anh mới thật hiểu rõ.

Nhơn "tánh" mà khởi "quán" gọi là Tu

Trong Thiền Tông thường dùng thuật ngữ này, gọi là quán chiếu. Đây gọi là chơn tu.

Cái gì gọi là quán chiếu. Ý-nghĩa của chữ quán, khi Sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới của sáu trần bên ngoài; mắt tôi thấy sắc (mắt có thể thấy được tất cả các thứ đều gọi là Sắc pháp; dùng một danh từ này để đại-biểu), tai nghe được tất cả những âm thanh (đây gọi là thanh pháp), cho đến ý của chúng ta, tâm ý, tâm có thể nghĩ tưởng. Khởi tâm động niệm chúng ta đều gọi nó là pháp. Sáu căn chỗ đối của nó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nếu như không dùng phân biệt chấp trước, cũng giống như Bồ Tát Mã Minh nói: "Lìa bỏ ngôn thuyết làm thế nào vận dụng tánh thấy?"

Lìa bỏ nhãn thức đây gọi là quán chiếu. Nói một cách khác, mắt thấy cảnh giới bên ngoài, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước; cảnh giới bên ngoài rõ rõ, ràng ràng minh minh bạch bạch đây gọi là quán chiếu. Nếu như gặp cảnh giới bên ngoài khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước thì quán chiếu liền Mất. Quán chiếu là tuệ. Mất đi quán chiếu là mê. Quán chiếu là ngộ. Mê và ngộ là ở chỗ nầy.

Đức Phật quả thật từ bi, dạy chúng ta trong sanh hoạt hằng ngày phải thường huấn luyện quán chiếu. Bởi vì chúng ta đánh mất quán chiếu đã quá lâu rồi. Từ kiếp vô thỉ đến nay mê hoặc điên đảo, chẳng biết dùng phương pháp này, Bây giờ phải xoay chuyển trở lại.

Chư Phật Bồ-Tát, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần tất cả đều dùng quán chiếu. Chúng ta cũng biết dùng, đây được gọi là Bồ-Tát. Khi công phu quán chiếu đắc lực rồi thì có được sức mạnh, gọi là "chiếu trụ".

Đây là quán chiếu đã có được công phu rất thâm sâu. Chiếu trụ là cảnh giới gì? Tức là đã được định.
Trong Thiền Tông gọi người này đã được thiền định. Tịnh-độ Tông thì gọi là sự nhứt tâm bất loạn, cũng gọi là Chiếu trụ.

Sau khi được chiếu trụ công phu bước lên một nấc nữa, gọi là "chiếu kiến". Trong Bát Nhã Tâm Kinh: "Quán Tự Tại Bồ-Tát hành thâm Bát -Nhã Ba-La-Mật đa Thời, "chiếu kiến" ngũ uẩn giai không".
Chiếu kiến, trong Thiền Tông gọi là "minh tâm Kiến Tánh" đại triệt đại-ngộ. Trong Tịnh-độ Tông gọi là "lý nhứt tâm bất loạn". Trong giáo hạ gọi là đại khai viên giải.

Danh từ gọi không giống nhau, cho nên Bồ-Tát Mã Minh dạy đừng chấp trước danh từ.

Phật nói các thứ danh tướng đều là giả. Mục đích là bảo chúng ta đừng nên chấp trước.

Vậy thì, chúng ta biết được cái gì gọi là quán, cái gì gọi là chiếu. Mắt thấy sắc gọi là quán chiếu; tai nghe tiếng cũng gọi là quán chiếu; 6 căn tiếp xúc với cảnh giới 6 trần, tất cả đều gọi là quán chiếu. Dùng một danh từ này để đại biểu.

Chỗ đề xướng của Kinh Lăng Nghiêm là lấy quán chiếu làm Chơn tu.

Chơn chính dụng công là ở chỗ nào?

Tôi, mắt thấy sắc, tôi nghe tiếng, học không khởi tâm không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Tôi thấy rõ, nghe rõ, thứ nào đều rõ ràng, mà tâm thì chẳng động. Tất cả chỗ nào cũng rõ ràng là tuệ, không khởi tâm động niệm là định. Đây là định tuệ đẳng vận, định tuệ song tu.

Tu nơi nào?

Là ở trong sinh hoạt hằng ngày. Xử thế, đối người, tiếp vật, là ở trong đây học tu quán. Đây gọi là Chơn tu hành. Đây gọi là thật sự biết dụng công.

Vậy thì dụng công cái tiện lợi nhứt, thiện xảo nhứt là trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật cử ra 25 vị Bồ-Tát làm mô phạm, làm gương mẫu cho chúng ta. Đó là 25 viên thông chương.

Trong các mô phạm, chúng ta được biết Quán Thế Âm Bồ-Tát làm mô phạm bằng Nhĩ âm Viên thông chương; Đại Thế Chí Bồ-Tát làm mô phạm cho chúng ta là Niệm Phật Viên-Thông chương.
Nhưng trong 25 loại phương-tiện, viên mãn nhứt, thiện xảo nhứt, thù thắng nhứt, chẳng hơn nổi Đại-Thế-Chí Niệm Phật Viên-Thông chương.

Với lại trong Kinh nói đến về lý luận, nguyên tắc, tông chỉ, đều phù hợp một cách viên mãn mật thiết. Ngó lại vô cùng dễ tu. Chúng ta thấy sắc nghe tiếng làm sao mà chẳng khởi tâm động niệm? Hễ thấy cảnh thì A-Di-Đà Phật, nghe tiếng thì A-Di-Đà Phật; thảy đều chuyển về A-Di-Đà Phật. Cách này tiện lợi đây. Nếu chúng ta không niệm A-Di-Đà Phật, thì thấy sắc nghe tiếng sẽ nổi vọng tưởng. Vọng tưởng này chẳng dễ gì ngừng chỉ được.

Pháp môn Đại-Thế-Chí này là tuyệt diệu. Tất cả việc khởi tâm động niệm toàn bộ đều quay về trên một câu Phật hiệu, dùng câu Phật hiệu này thay thế cho tất cả phân biệt, chấp trược, vọng niệm. Toàn quay về một câu Phật hiệu này. Pháp môn này cực kỳ tuyệt diệu cho nên Đại-Thế-Chí mới cùng với các đồng môn tu, chí đồng đạo hiệp của Ngài, gọi là đồng luân, đều là tu Pháp môn này. Tức là một câu Phật hiệu, từ khi Sơ-phát -tâm cho đến lúc Thành Phật. Tức là một pháp môn này, không dùng pháp môn thứ hai.

Bất giả phương-tiện tự đắc tâm khai. Tâm khai tức là chiếu kiến; công phu đạt đến cứu cánh viên mãn; thành tựu viên mãn Lăng Nghiêm đại định.

Phương-pháp của Đại-Thế Bồ-Tát so với phương pháp của 24 vị kia, bao gồm luôn Quán Thế Âm Bồ-Tát còn dễ hơn, còn tiện lợi hơn. Vả lại đặt biệt còn vững vàng mau chóng.

Cho nên, Tu Tịnh-Độ phần quan trọng nhất của Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, cái tinh-hoa chơn chánh của Kinh Lăng Nghiêm tức là chương "Lời Dạy Bảo Thanh Tịnh Rõ Ràng" và chương "Đại-Thế-Chí Niệm Phật Viên-Thông".

Đối với chúng ta vô cùng cốt yếu, vô cùng mật thiết, vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta nắm vững được, có thể y theo đó mà tu hành. Chúng ta niệm Phật thì thành tựu Niệm Phật Tam-Muội

Vì thế đây là cách tu cùng những phương pháp tu khác thật không giống nhau. Lấy quán hành để tu, cho nên nó chẳng phải trải qua sự việc để tu theo. Trải qua sự để tu thì cần thời gian dài, thời gian xa...

Do đó trong các Đại-Kinh, Phật thường dạy rằng: "Bồ-Tát từ khi phát tâm muốn tu hành thành Phật phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp, phải trải qua 52 từng cấp".

Câu nói này chúng ta phải nghe cho rõ ràng: "Bồ-Tát chiếu tu", chúng ta có phải Bồ-Tát không? Không phải là Bồ-Tát thì chúng ta không có phần.

Thế nào mới là Bồ-Tát?

Có phải thọ xong Bồ-Tát giới thì là Bồ-Tát?

Thọ xong Bồ-Tát giới, anh tự cho mình là Bồ-Tát, nhưng chư Phật, Bồ-Tát không nhìn nhận anh là Bồ-Tát.

Tiêu chuẩn của Bồ-Tát là gì?

Kinh Lăng Nghiêm là Đại Thừa Viên giáo; Kinh Hoa-Nghiêm, Pháp-Hoa cho đến Kinh Vô Lượng Thọ đều là Đại Thừa Viên-giáo, Bồ-Tát của Đại-Thừa viên-giáo, tiêu-chuẩn thấp nhứt là vị Sơ tín Bồ-Tát, Thập-Tín, Thập-Trụ, Thập-Hạnh, Thập Hồi hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, năm mươi hai cái vị thứ.

Thấp nhứt là quả vị Sơ tín Bồ-Tát.

Điều kiện của Sơ tín Bồ-Tát, trong Kinh dạy rõ ràng là phải đoạn hết Tam giới, 88 phẩm kiến-hoặc mới là Vị Sơ tín Bồ-Tát. Từ chỗ này của họ mà bắt đầu tính. Khi chúng ta đã thọ Bồ-Tát giới, 88 phẩm Kiến-hoặc đã đoạn hết chưa?

Hoà-Thượng Tịnh -Không tự thú nhận:

"Tôi chẳng nói kẻ khác mà chính tôi đây một phẩm cũng chưa được. Cho nên là Bồ-Tát giả!"

Trong Phập pháp có một danh từ là "Danh tự Bồ-Tát", tức là hữu danh vô thực. Anh đã thọ Bồ-Tát giới rồi mà chỉ có tên chứ không thật.

Một vị Bồ-Tát chân thật phải đoạn 88 phẩm kiến -hoặc. cho thấy rằng chẳng phải dễ dàng, chẳng phải đơn giản. Chính vì tôi vẫn còn một tí sáng suốt, tự biết mình, biết chính mình là thứ giả, không thiệt, biết mình không thể được, thì rồi mới theo học Đại-Thế-Chí Bồ-Tát.

Có lợi ích gì? Là đới nghiệp vãng sanh. Thứ giả cũng có thể trở thành thiệt.

Đây là cái hay của pháp môn này. Pháp môn Niệm Phật Viên thông này (Hoà-Thượng Tịnh-Không dứt câu, hội trường vỗ tay vang dậy).

Ngoài pháp này ra, tứ giả mà tu theo pháp môn của họ, thì dù tu cách nào cũng không thể biến thành thiệt được. Duy độc nhứt chỉ có niệm Phật, là nhờ sự gia trì của bổn nguyện và uy thần của Phật A-Di-Đà; chỉ cần phương hướng và mục tiêu của chúng ta không thay đổi; giả có thể thành chơn; đới nghiệp vãng sanh. Các pháp môn khác chẳng có.

Đây là tại sao tất cả Kinh luận, mười phương chư Phật đều tán thán pháp môn này; khuyến chúng ta tu pháp môn này. Thật là từ bi đã đến cực độ. Chư Phật Bồ -Tát nhìn thấy rất rõ.

Nếu chẳng phải pháp môn này, thì thời mạt pháp, chúng ta, những chúng sanh có nhiều nghiệp chướng sâu nặng trong một đời, nhất định không thể thành tựu được.

Nhưng nếu anh áp dụng pháp môn niệm Phật này, dù nghiệp chướng có nặng hơn, đều có thể thành tựu. Không những có thể thành tựu, nếu anh lý luận thông đạt, biết rõ phương-pháp y giáo phụng hành vốn có thể lấy được phẩm vị rất cao. Ngay cả ba phẩm thượng (tức Thượng Phẩm Thượng sanh, Trung sanh, Hạ sanh) anh cũng có phần.

Thật là một pháp môn vô cùng hy hữu. Cho nên chỗ này nói "tu chứng liễu-nghĩa", không cần chiếu theo giai-cấp của Bồ-Tát; không cần 3 đại a-tăng-kỳ kiếp, trong một đời là viên mãn, là thành tựu.

Như lời Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ: "Mọi người đều là trong đời quá khứ nhiều kiếp lâu xa, đã trồng thiện căn ấy. Thiện căn này vô cùng sâu dày. Trong đời này chúng ta mới có thể gặp được Pháp môn này, mới có thể tin Pháp môn này, mới có thể y theo Pháp môn này mà tu học".
Trong một đời này vĩnh-biệt Tam giới, viên thành Phật đạo, Vãng sanh bất thối thành Phật.

Trong một đời thành tựu, đây là căn lành của quá khứ. HIện tiền được A-Di-Đà Phật và mười phương Như Lai oai thần gian-trì. Cho nên chẳng phải là người bình thường.

Phật nói trong Kinh Vô Lượng Thọ, người niệm Phật chẳng phải là phàm phu, chẳng phải người bình -thường đều là những người phi-thường. Chư Phật Bồ -Tát đều rất tán thán, đều rất bội phục.
Ý nghĩa của câu này vẫn chưa giảng hết, chỉ giảng một đoạn mở đầu.

Lời thêm của Tịnh-Hải:

Pháp sư Tịnh-Không trình bày chồ này rất chân thật, giúp cho người tu niệm Phật thật nhiều. Ngài là một bậc xuất gia học Phật pháp cao thâm, nổi tiếng từ Trung Hoa lục địa ra đến hải-ngoại. Chúng tôi đã xem một video lúc Ngài giảng đạo tại Mã-Lai, số Phật tử tham dự đông đảo không thể tưởng được. Trước tiên, cũng như bao nhiêu tăng sĩ khác, Ngài tu Thiền, nhưng tu Thiền muốn đạt được quả Bồ-Tát phải đoạn 88 phẩm Kiến hoặc và Tư hoặc dứt bỏ mọi phiền não, tà kiến, thì mới dứt được sanh tử trong Tam giới, mà vượt ra khỏi Tam giới.

Tu đạo Phật là phải thực chứng, còn hiểu nhiều và nói giỏi lý-thuyết chỉ là Kiến-giải. Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm dạy tu chứng liễu-nghĩa, chứ không tu kiến giải.

Các Thiền sư nói "Minh tâm Kiến Tánh thành Phật", đó là nói lý-thuyết. Một vị phát tâm tu Bồ Tát phải trải qua 3 đại a-tăng-kỳ kiếp, trải qua 52 cấp. Tiêu chuẩn thấp nhứt là quả Sơ tín Bồ-Tát (tức Sơ Địa) rồi đắc lần lên Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh v.v.... phải vượt qua 52 bậc thứ.
Ngài Tịnh-Không chân thật thú nhận: "Chính tôi đây một phẩm cũng chưa được!".

Đại Kinh nói: "Bồ-Tát từ khi phát tâm muốn tu hành thành Phật phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp"
Theo Kinh A-Di-Đà Sớ Sao do Hoà -Thượng Thích -Hành -Trụ dịch: "Một đại kiếp là 1200 tỷ 80 triệu năm. Ba đại kiếp là 3600 tỷ 240 triệu năm (trang 115).

Vậy chúng sanh thời này, ai có thể tu để thành Phật? Thuở tiền thân, Phật A-Di-Đà đi tu con người sống 80 ngàn tuổi, người ta có thời gian lâu dài để tu tập. Bây giờ con người chỉ sống cao nhứt 100 tuổi, làm sao đủ thời giờ tu các hạnh Bồ-Tát? Tu Bồ -Tát hạnh phải thường thường gần Phật để được hướng dẫn. Thời mạt pháp này không có Phật. Phải chờ trên 56 ức năm nữa Phật Di-Lặc mói hạ sanh.

Bây giờ Hoà-Thượng Tịnh-Không đã 75 tuổi tính vào năm 2001. Cuộc đời Ngài gần hết rồi, nếu Ngài chết đi Ngài sẽ đắc được cái gì (?) dù rằng Ngài đã là một Hòa-Thượng.

Chúng tôi kính trọng và quý mến, Hoà-Thượng Tịnh-Không ở chỗ Ngài can-đảm nói lên sự thật và can đảm nhìn vào sự thật, nên cuối cùng Ngài chọn Pháp môn niệm Phật và cương quyết suốt đời còn lại giữ chặt trong tâm sáu chữ "Nam Mô A-Di-Đà Phật" để được Vãng sanh Cực-Lạc, từ Bồ-Tát giả trở thành Bồ-Tát thật.

Viết tới đây, chúng tôi nhớ tới vị Hoà-Thượng xe buýt, một Hoà-Thượng Việt-Nam, tuy già cả bịnh-hoạn, quanh năm ngồi xe buýt đến các chùa xa xôi dạy Phật tử niệm Phật, giúp cho họ thoát 3 đường dữ mà được vãng sanh về cõi Phật. Đây là chỗ Hoà-Thượng Thích-Trí-Chơn, vị Hoà-Thượng xe buýt Việt Nam, thông đạt "Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu-Nghĩa". Đây là cái nhân bí mật mà chư Như Lai dạy, ai hiểu được người đó thức chứng.