Tịnh độ
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Tịnh Hải
04/07/2555 02:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Mục lục
Xem toàn bộ


Chúng tôi viết đến đây, bỗng được cô Tâm Từ trao lá thư của một nữ Phật tử tại xã Trung An, Thốt Nốt, Cần Thơ, xin đăng dưới đây:

Nam-Mô A-Di-Đà Phật

Kính gởi Tâm Từ Sen Thanh Đọc Kinh Truyện. Tôi là người nông thôn dân ở vùng quê hẻo lánh, nên ít có dịp đọc kinh truyện. Nhưng gần đây, hữu duyên được đọc cuốn Niệm Phật Vãng Sanh Lưu-Xá-Lợi. Thật là một duyên may mới gặp và đọc được cuốn Truyện Vãng Sanh này. Tôi mới hiểu ra niệm Phật sẽ thành Phật. Chứ theo quan niệm thông thường thì tôi nghĩ là cuộc đời mình khổ quá, chỉ có Pháp Niệm Phật làm cho bớt khổ thôi, nào dè niệm Phật Vãng Sanh Cực-Lạc, rồi thành Phật đạo. Thật là một pháp môn tối thắng mầu nhiệm vô cùng.

Rồi từ đó tôi mới cũng cố công hạnh niệm Phật và biết phát nguyện đúng cách để hợp với bản nguyện của Đức Phật A-Di-Đà hầu được vào biển thệ của Ngài, để khi lâm chung Phật và Thánh chúng tiếp dẫn Vãng Sanh Cực-Lạc thành Phật.

Tôi vô cùng cảm thương và muốn làm sao cho tất cả những người nông dân chất phát hiền lành đều được biết giá trị của sự niệm Phật Vãng Sanh, vì pháp môn này rất hợp với người nông dân Việt-Nam.

Thư còn dài, tác giả ký tên Nguyễn Thị Ngó. Sở dĩ cô viết cho Sen Thanh Đọc Kinh Truyện là ao ước được bộ băng Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật Sưu Giải để phổ biến cho bà con nông-dân trong vùng cùng được hiểu.

Chúng tôi nêu ra sự việc này, để chứng minh việc ấn-tống kinh sách có công-đức khi Vãng Sanh, như Đức Phật nói ở Kinh Quán Vô-Lượng-Thọ. Và để nói rõ ràng: nhờ công-đức của chư liên-hữu, mà ngót sáu mươi ngàn cuốn sách của chư liên-hữu ấn -tống trong 2 năm qua 1999-2001 được tới tay mọt số bà con ở quê nhà, từ thành thị tới nông thôn, từ Nam ra tới Bắc. Đúng như Đức Phật nói: "Tri ơn Phật là làm sao cho Chánh-pháp lưu hành rộng khắp nhân gian". Nhưng rất tiếc là việc đem sách về nước thật là quá khó khăn.

Chúng tôi còn được rất nhiều thư khác từ trong nước chứng minh cao trào niệm Phật Vãng Sanh Cực-Lạc được lan rộng từ trong đến ngoài nước là nhờ vào công-đức của chư liên-hữu.

Bây giờ nói đến việc niệm danh-hiệu Phật A-Di-Đà cứu độ được thân nhân ở địa-ngục. Đáng lý chương 13 này và các chương sau không có. Nhưng nghĩ lại chúng tôi đã vất vả mấy tháng, để ghi chép lại sách này với phần giảng Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm của Hoà-Thượng Tịnh-Không, thì cũng nên trình bày chương này nói về nguyên nhân tại sao chúng sanh chúng ta phải bị đoạ vào địa-ngục?

Đây sự ngộ nhận tai hại của đa số chúng sanh chúng ta.

Ông bà mình có người thường nói: "Mình giữ sao cho tròn đạo làm người là đủ rôi", hoặc nói rằng: "Nhơn đạo còn chưa tròn nói gì đến Thiên đạo".

Đây là quan niệm của đạo Khổng Nho, chủ trương giữ sao cho được tròn liêm, sĩ, trung, hiếu, lễ, nghĩa, tín là đủ. Ngụ ý khuyên giữ đạo làm người là đủ rồi. Nhưng, thế gian thường nói "Nhân vô thập toàn", thì tới lúc nào mới tròn, "nhơn đạo"? Chắc chết rồi cũng chưa tròn!

Trái lại, Đức Phật với cặp mắt toàn giác, Ngài nhìn thấy đa số chúng sanh sau khi chết, được trở lại thân người rất ít, ít như đất trong móng tay so với đất khắp cả địa cầu.

Tại sao?

Một người giữ đúng đạo làm người, đó là người gương mẫu lương thiện nhứt, vẫn chưa hẳn sau khi chết lại được tái sanh làm người. Bởi khi sống vẫn trong tránh khỏi sát sanh, trừ người ấy ăn chay từ nhỏ tới lớn. Vả lại, con người thường có tội lỗi mà tưởng đâu mình vô tội. Thí dụ một người buôn bán, đúng giá một món hàng chỉ độ 1 đồng, mà lại nói thách ra giá cao hơn, để kiếm lời nhiều hơn. Theo nhà Phật, đó là tội vọng ngữ, tâm bất chánh. Như vậy trong ngũ giới nhà Phật chúng ta đã phạm một điều. Còn lại bốn là dâm, đạo, sát và rượu. Dâm và đạo nó có nhiều chỗ vi tế mà nhiều người tưởng đâu mình toàn thiện, thật sự mình dính vào trong cuộc sống hàng ngày mà mình không hay biết, hoặc không nhớ được; rồi tưởng đâu mình chẳng hề phạm tội.

Lúc lâm chung những giao báo xảy đến, mình đã rơi vào.

Giao bán là gì? Xin đọc tiếp ở bên dưới.

Nói rõ thêm, giả dụ có một người thật sự giữ đúng đạo làm người ở kiếp này; nhưng trong vô số kiếp trước đã từng làm việc ác mà chưa đền trả, lúc lâm chung do một nghiệp duyên gì đó, thí dụ người đó bị đụng xe hoặc rớt máy bay rồi chết, bị động đất hoặc bão lụt rồi chết v.v...những cái chết làm đau đớn thân xác, cận tử nghiệp đang làm trở nên ác và những nghiệp ác từ muôn kiếp trước, còn giữ trong tàng thức của người đó, đúng lúc dự phần vào khiến người đó phải thọ sanh vào đường dữ. Giống như một người đang buôn bán yên lành, dù vẫn thiếu nợ nhiều người khác, bỗng nhiên kẹt tiền nhà băng, lại bị đòi nợ, các chủ nợ khác thừa cơ xúm lại đòi nợ, thế là sập tiệm rồi. Thí dụ này cũng giống như trường hợp vô số nghiệp ác từ kiếp trước dự phần vào khiến cho một người trong đời ít tội lỗi nhưng lúc sắp chết cận tử nghiệp ác lại bị công thêm nhiều nghiệp ác, từ nhiều đời trước khiến khi chết rời vào địa-ngục, như người bị sập tiệm.

Cho nên, chỉ thấy một chút đạo lý Khổng Nho mà cho là đúng, vô tình tự làm hại mình. Phật pháp nhiệm mầu, bao la, sao không lo học để tự cứu mình, cứu gia đình và cứu người? Chỉ có Pháp môn Niệm Phật mới là thù thắng, như vị nữ nông-dân Phật tử ở Thốt Nốt nói.

Niệm Phật có thể tự cứu mình tại địa-ngục, hoặc cứu người ở địa-ngục.

Nhưng do đâu có quả địa-ngục?

Chúng ta nên dựa đúng vào Kinh để tránh sự sai lầm. Ở các chương trước, chư liên-hữu đã nghe Hoà-Thượng Tịnh-Không giảng một phần về Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, dưới đây chúng tôi trích thêm một phần kế của Kinh Lăng-Nghiêm, Đức Phật nói về Mười Tập Nhân và Sáu Giao Báo.
Tập nhân tức là những tập quán, tức thói quen mà chúng ta sống, hành động; huân tập tâm niệm xấu nhiều thì hình thành quả báo xấu; huân tập tâm niệm tốt nhiều thì hình thành quả báo tốt.

Mười tập nhân là những tâm niệm liên tục do các thứ tập quán kết thành (sẽ kể ở sau) nó phát sanh ra những quả báo rất đáng ghê sợ trong các địa-ngục. Học kinh mà không học về Mười Tập Nhân và Sáu Giao Báo cũng còn thiếu sót.

Có người nói địa-ngục không có thật. Vậy xin hãy nghe Đức Phật nói, khi lâm chung hoả địa-ngục hiện đến, thần-thức người chết theo khói vào ngục vô-gián, thấy sáng hoặc tối. Thấy sáng thì khắp thấy nhiều vật dữ, lo sợ vô cùng; thấy tối, lặng, không thấy gì sanh ra hoảng hốt vô-hạn.

Dưới đây là mười tập nhân và sáu giao báo, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn từ Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm:
KHAI-THỊ MƯỜI TẬP-NHÂN

"Thế nào là mười Tập-nhân? A-nan, một là, tập-quán dâm-dục, giao-tiếp cùng nhau, phát-sinh cọ-sát lẫn nhau; cọ-sát mãi không thôi, như thế, nên trong ấy có ngọn lửa-hồng lớn nổi lên; ví-như, có người lấy hai bàn tay cọ-sát lẫn nhau, thì cảm-giác nóng hiện ra. Hai cái tập-khí đốt nhau, nên có những việc giường sắt, trụ đồng. Vậy nên, tất-cả các đức Như-Lai thập phương nhận-xét việc dâm-dục, đồng gọi là lửa-dục; Bồ-Tát đối với dâm-dục, tránh như hầm lửa.

Hai, là tập-quán tham-lam, so-đo hơn thiệt, phát-sinh hấp-thụ lẫn nhau; hấp-thụ ôm-ấp mãi không thôi, như thế nên chứa hơi-lạnh bên trong thành giá cứng, làm cho nẻ -nứt; ví như, có người hút hơi gió vào, thì có cảm-xúc lạnh. Hai tập-khí lẫn nhau, nên có những sự tra tra, ba ba, la la, thanh liên, xích liên, bạch liên, hàn băng, vân vân...Vậy nên, tất cả các đức Như-Lai thập phương nhận-xét việc tham-cầu quá nhiều, đồng gọi là nước tham; Bồ-Tát đối với lòng tham, tránh như biển-độc.

Ba, là tập-quán ngã-mạn, lấn-lướt lẫn nhau, phát-sinh ỷ thế với nhau. Rong-ruổi không thôi, như thế, nên có sự bôn ba, sôi-nổi, chứa lại thành nước; ví-như, có người miệng lưỡi tự chép, làm cho nước bọt chảy ra. Hai tập-khí chọi nhau, nên có các việc sông huyết, sông tro, cát nóng, biển-độc, bắt uống nước đồng-chảy vân vân...Vậy nên, tất-cả các đức Như-Lai Mười phương nhận-xét lòng ngã-man, đồng gọi là uống nước si-mê; Bồ-Tát đối-với ngã-mạn, tránh như vực-thẳm lớn.

Bốn, là tập-quán nóng giận, xung-đột cùng nhau, phát-sinh chống-đối lẫn nhau; chống-đối mãi không thôi, tâm nổi nóng, phát ra lửa, nấu cái khí thành kim-thuộc, vì thế, nên có núi dao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe gươm, những búa, những vớt, những thương, những cưa; ví như, có người bị hàm-oan, thì sát-khí nổi lên. Hai tập-khí đập nhau, nên có các sự thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, đập, đánh. Vậy nên, tất cả các đức Như-Lai thập phương nhận-xét sự nóng giận, đồng gọi là dao-gươm bén; Bồ-Tát đối với lòng nóng giận, tránh như tránh chém giết.
Năm, là tập-quán giả-dối, dụ-dỗ theo nhau, phát-sinh lôi-kéo lẫn nhau; dẫn-dắt mãi không thôi, như thế, nên có giây, cây, thòng-lọng, căng nọc; ví như, nước thấm ruộng thì cỏ cây lớn lên. Hai tập-khí kéo nhau, nên có các sự gông, cùm, xiềng, xích, roi, gậy, qua, bổng. Vậy nên, tất-cả các đức Như-Lai thập phương nhận-xét sự giả-dối, đồng gọi là sàm-tặc; Bồ-Tát đối với sự gian-dối, sợ như beo-sói.

Sáu, là tập-quán lừa-gạt, lừa-dối đối với nhau, phát-sinh phỉnh-gạt lẫn nhau; phỉnh-gạt mãi không thôi, phóng tâm gây điều gian-dối; như thế, nên có bụi, đất, đại-tiện, tiểu-tiện, các đồ nhơ-nhớp không sạch; như bụi theo gió, không thấy lẫn nhau. Hai tập-khí dìm nhau, nên có những sự chìm-đắm, nhảy, ném, bay, rơi, trôi lăn. Vậy nên, tất-cả các đức Như-Lai thập phương nhận-xét sự lừa-gạt, đồng gọi là cướp giết; Bồ-Tát đối với sự lừa-gạt, như giẫm rắn-độc.
Bảy, là tập-quán thù oán, hiềm-khích lẫn nhau, phát-sinh ôm-ấp lòng giận, như thế, nên có quăng đá, ném gạch, hộp nhốt, xe cũi, bình đựng, đãy-bọc, như người hiểm-độc ôm-ấp điều dữ. Hai tập-khí nuốt nhau, nên có những sự ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, gieo, ôm. Vậy nên, tất-cả các đức Như-Lai thập phương nhận-xét sự thù oán, gọi là quỷ Vi-hại; Bồ-Tát đối với sự thù-oán, như uống rượu-độc.

Tám, là tấp-quán ác-kiến, tranh-cãi với nhau, như ngã-kiến, kiến-thủ, giới-cấm-thủ và các nghiệp tà-ngộ, phát-sinh chống trái lẫn nhau; như thế, nên có quan-lại chứng-thực, nắm-giữ giấy to, đông như người đi đường, qua lại gặp nhau. Hai tập-khí giao nhau, nên có các sự khám-hỏi, mưu-mẹo, khảo tấn, đòi hỏi, gạn xét, cứu-tra cho rõ và những đồng-tử thiện-ác, tay cầm sổ sách, biện-bạch cãi vã. Vậy nên, tất-cả các đức Như-Lai thập phương nhận-xét ác-kiến, đồng gọi là kiến-khanh; Bồ-Tát đối với những thiên-chấp hư-vọng, như đứng bên hố độc.

Chín, là tập-quán vu-vạ, làm hại cho nhau, phát-sinh sự vu-báng, như thế, nên có hợp-sơn, hợp-thạch, cối-nghiền, cối-xay; ví như kẻ sàm-tặc áp-bức vu oan người lương-thiện. Hai tập-khí bài-xích lẫn nhau, nên có các sự áp-giải, đè-đập, ép-huyết, tuốt-mình. Vậy nên, tất-cả các đức Như-Lai thập phương, nhận-xét sự vu-vạ, đồng gọi là sàm-hổ; Bồ-Tát đối với sự vu-vạ, như bị sấm sét.

Mười, là tập-quán kiện-thưa, cãi-vã lẫn nhau, phát-sinh sự che-đậy; như thế, nên có gương soi, đuốc chiếu, như giữa ban ngày, không giấu bóng được. Hai tập-khí phô bày lẫn nhau, nên có ác-hữu, nghiệp kính, hoả-châu phơi bày nghiệp xưa đối nghiệm các việc. Vậy nên, tất-cả các đức Như-Lai thập phương nhận-xét sự che-đậy, gọi là giặc-ngầm; Bồ-Tát đối với sự che đậy, như đội núi cao, lội trong biển lớn.

ĐOẠN III

TÓM NÊU SÁU GIAO-BÁO

"Thế nào là sáu Giao-Báo? A-nan, tất cả chúng-sinh, sáu thức gây nghiệp, nên ác-báo chuốc-lấy, đều từ sáu căn mà ra.

ĐOẠN IV

KHAI-THỊ SÁU GIAO-BÁO

"Các ác-báo từ sáu căn ra như thế nào?

Một, là giao-báo về thấy, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-thấy ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết thấy lửa hồng đầy khắp 10 phương; thần-thức người chết bay rơi theo khói vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một là thấy sáng, thì khắp thấy nhiều thứ vật dữ, sinh ra khiếp sợ vô cùng; hai là thấy tối, lặng, vậy không thấy gì sinh ra hoảng-hốt vô-hạn. Lửa thấy như thế, đối cái nghe, thì có thể làm vạc-dầu sôi, làm nước đồng-chảy; đốt hơi-thở, thì có thể làm khói-đen, lửa đỏ; đốt cái nếm, thì có thể làm viên tròn nung-đỏ, làm cơm-sắt; đối cảm-xúc, thì có thể làm tro-nóng, lò-than; đốt tâm-ý, thì có thể sinh ra sao lửa rưới khắp, làm rung-động cả cõi hư-không.

Hai, là giao-báo về nghe, chiêu-cảm ác quả. Khi nghiệp-nghe ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy sóng cuộn chìm-ngập trời đất; thần-thức người chết, sa xuống theo dòng vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một là nghe tỏ, nghe các thừ ồn-ào, tinh-thần rối loạn; hai là điếc hẳn, lặng-lẽ, không nghe gì, thức-thần chìm lịm. Sóng nghe như thế, rót vào cái nghe, thì có thể làm trách, làm hỏi; rót vào cái thấy, thì có thể làm sấm, làm thét, làm hơi độc dữ; rót vào hơi thở, thì có thể làm mưa, làm mù, rưới các sâu độc đầy khắp thân-thể; rót vào cái vị, thì có thể làm mủ, làm huyết, các thứ nhơ-nhớp; rót vào cảm-xúc, thì có thể làm con súc, làm con quỷ, làm phân, làm nước tiểu; rót vào ý-nghĩ, thì có thể làm chớp, làm mưa-đá, đập nát tâm-thức.
Ba, là giao-báo về ngửi, chiêu-cảm ác quả. Khi nghiệp-ngửi ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy hơi-độc đầy-giẫy xa gần; thần-thức người chết, từ dưới đất trồi lên, vào ngục Vô-gian, phát-hiện ra hai tướng: Một là ngửi thông, bị các hơi dữ xông tột-bực, làm cho tâm rối-loạn; hai là ngạt mũi, hơi-thở ngạt không thông, nằm chết giấc dưới đất. Hơi ngửi như thế, xông vào hơi-thở, thì có thể làm thông, làm ngạt; xông vào cái thấy, thì có thể làm lửa, làm đuốc; xông vào cái nghe, thì có thể làm chìm-ngập, làm chết-đuối, làm nước-lớn, làm nước-sôi; xông vào cái vị, thì có thể làm đói, làm ngay; xông vào cái cảm-xúc, thì có thể làm xấu, làm nát, làm núi thịt lớn có trăm ngàn con mắt, hút-ăn không cùng; xông vào ý-nghĩ, thì có thể làm tro, làm chướng-khí, làm gạch-đá bay lên đánh-nát thân-thể.

Bốn, là giao-báo về vị, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-vị ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy lưới sắt nung đỏ che khắp thế-giới, thần-thức người chết từ dưới tung lên, mắc lưới treo ngược đầu xuống, vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một là nuốt vào, thì kết-thành giá-lạnh, làm nứt-nẻ thân-thể; hai là mửa ra, thì bay lên thành lửa-hồng, đốt-rụi xương-tuỷ. Vị -báo như thế, qua cái nếm, thì có thể làm nhận, làm chịu; qua cái thấy, thì có thể làm các thứ kim-thạch đốt cháy; qua cái nghe, thì có thể làm binh-khí sắc bén; qua hơi thở, thì có thể làm lồng sắt lớn che khắp cõi nước; qua cảm-xúc, thì có thể làm cung, làm tên, làm mỏ, làm bắn; qua ý-nghĩ, thì có thể làm sắt nóng bay, từ trên xuống rưới xuống.

Năm, là giao-báo về xúc, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-xúc ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy núi lớn bốn mặt hợp lại, không còn đường ra; thần-thức người chết thấy thành sắt lớn, rắn lửa, chó lửa, hùm sói, sư-tử, ngục-tốt đầu trâu, la-sát đầu ngựa, tay cầm thương, xóc, lùa vào cửa thành, hướng về ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một là hợp-xúc, thì núi kẹp ép mình, xương-thịt nát ra máu; hai là ly-xúc, thì dao gươm chạm vào mình, tim gan cắt-xẻ. Xúc-báo như vậy, qua cái xúc, thì có thể làm đạo, làm quán, làm sảnh, làm án; qua cái thấy, thì có thể làm đốt, làm nung; qua cái nghe, thì có thể làm đập, làm trùm, làm đẫy, làm tra, làm trói; qua cái nếm, thì có thể làm cày, làm kiềm, làm chém, làm chặt; qua ý-nghĩ, thì có thể làm rơi, làm bay, làm nấu, làm nướng.

Sáu, là giao-báo về ý-nghĩ, chiêu-cảm ác quả. Khi nghiệp-ý ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết thấy gió dữ thổi nát cõi nước, thần-thức người chết bị thổi lên trên không xoay-rơi theo gió, sa vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một là không biết, tột mê, thì hoang-mang, ruỗi chạy không thôi; hai là không mê, hay biết, thì khổ, bị đốt-cháy không cùng, đau-buốt không chịu nổi. Ý-báo như thế, kết vào ý-nghĩ, thì có thể làm phương, làm sở; kết vào cái thấy, thì có thể làm gương soi, làm chứng-cứ; kết vào cái nghe, thì có thể làm đại-hợp-thạch, làm giá, làm sương, làm đất, làm mù; kết vào hơi thở, thì có thể làm xe lửa, làm thuyền lửa, cũi lửa; kết vào cái nếm, thì có thể làm kêu la to, làm ăn-năn, làm khóc lóc; kết vào cái cảm xúc, thì có thể làm lớn, làm nhỏ, làm cho một ngày muôn lần sống, muôn lần chết, làm nghiêng, làm ngửa.

ĐOẠN V

KẾT-LUẬN NÓI VỀ TẬP-NHÂN, GIAO-BÁO KHI TRÒN, KHI KHUYẾT VÀ ĐÁP LẠI LÀ GÂY NGHIỆP-RIÊNG MÀ CÓ ĐỒNG-PHẬN –CHUNG

"A-nan, thế gọi là 10 nhân và 6 quả của địa-ngục, nhân-quả ấy đều do mê-vọng của chúng-sinh tạo ra.

Nếu các chúng-sinh, sáu căn đồng-đạo nghiệp-dữ, thì vào ngục A-tỳ, chịu khổ vô-cùng trong vô-lượng-kiếp; nếu từng mỗi căn tạo ra và nghiệp-dữ đã làm gồm cả cảnh và căn thì người ấy vào 8 ngục Vô-gián. Nếu cả thân, khẩu, ý làm việc sát đạo, dâm, thì người ấy vào Thập-bát-địa-ngục; không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý hoặc trong ấy chỉ làm một việc sát, hoặc một việc đạo, thì người ấy vào Trong Tam-thập-lục-địa-ngục; chỉ có một căn, riêng làm một việc, thì người ấy vào Nhất-bách-bát-địa-ngục.

Do những chúng-sinh ấy riêng gây ra nghiệp, nên vào chỗ đồng-phận trong giới ấy; đó đêu do vọng-tưởng phát-sinh ra, không phải bản-lai tự có.

ĐOẠN VI

KHAI-THỊ CÁC DƯ-BÁO

(Hết tội ở Địa-ngục, lại phải làm Ngạ-quỷ)

"Lại nữa, A-nan, các chúng-sinh đó, nếu không phải gây tội chê-phá luật-nghi, phạm Bồ-Tát-giới, huỷ-báng Niết-bàn của Phật, mà chỉ phạm những nghiệp phức-tạp khác, thì sau khi bị đốt cháy nhiều kiếp, đền tội hết rồi, thì chịu những hình quỷ.

Nếu nơi bản-nhân, do tham vật mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vật thành-hình gọi là Quái-quỷ; do tham sắc mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp gió thành-hình, gọi là Bạt-quỷ; do tham dối-trá mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp giống súc thành-hình, gọi là Mỵ-quỷ; do tham lừa-gạt mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp u-uẩn thành-hình, gọi là Áp-quỷ; do tham ác-kiến mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp tinh-hoa thành-hình, gọi là Vọng-lượng-quỷ; do tham vu-vạ mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp linh-hiển thành -hình, gọi là Dịch-sử-quỷ; do tham bè -phái che dấu mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con người thành-hình, gọi là Truyền-tống-quỷ.

A-nan, những người đó đều vì thuần-tình phải đoạ-lạc, khi lửa-nghiệp đốt-sạch rồi, thì lên làm quỷ; như thế đều do cái nghiệp vọng-tưởng tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ-đề, thì nơi tính Diệu-viên-minh, vốn không có gì.

(Hết tội Ngạ-quỷ phải làm Súc-sanh)

Lại nữa, A-nan, khi nghiệp-quỷ đã hết, tình và tưởng cả hai đều thành không, thì mới ở nơi thế-gian, cùng với người mắc nợ cũ, oán-đối gặp nhau; thân làm súc-sinh để trả nợ cũ.

(Khi hết Ngạ-quỷ phải làm thú để trả nợ).

Quái-quỷ theo vật, vật tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài chim kiêu. Bạt-quỷ theo gió, gió tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm tất-cả những loài cữu-trưng kỳ-dị. Mỵ quỷ theo súc, súc chết báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài hồ. Cổ-quỷ theo sâu, sâu diệt báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài có độc. Lệ-quỷ theo vận suy, suy tội báo hết, sinh nơi thế -gian, phần nhiều làm loài giun. Ngạ-quỷ theo khí, khí tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài cung-cấp thịt ăn. Áp-quỷ theo u-ẩn, u-ẩn tiêu hao hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài cung-cấp đồ mặc.

(Như tôm, cá, cua, bò, heo dê gà v.v...và trừu, tằm).

Vọng-lượng-quỷ theo tinh-hoa, tinh-hoa tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm các loại chim mùa. Dịch-sử -quỷ theo sự linh-hiển, linh-hiển diệt báo hết, sinh nơi thế -gian, phần nhiều làm tất-cả các loài hưu-trưng. Truyền -tống -quỷ theo người, người chết báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm các loài quấn-quít bên người.

(Như làm mèo, chó v.v...)

A-nan, bọn ấy đều do lửa-nghiệp đốt xong, sinh ra loài súc, trả hết nợ cũ; như thế, đều do những nghiệp hư-vọng của tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ-đề, thì các vọng-duyên đó vốn không cò gì.

Như lời ông nói, bọn Bảo-liên-Hương, Lưu-ly-Vương, Thiện-Tinh tỳ-khưu đều vốn tự mình gây ra nghiệp-dữ; nghiệp ấy không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất phát ra và cũng không phải do người khác đưa tới, mà chính do vọng-tưởng của tự mình gây ra, rồi tự mình phải chịu quả-báo; nơi tâm Bồ-đề, đó chỉ là sự kết động của vọng-tưởng giả-dối.

Lại nữa, A-nan, các súc-sinh ấy đền trả nợ trước, nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ, thì những chúng-sinh ấy, trở lại làm người, đòi lại chỗ thừa. Nếu bên kia có sức, lại có cả phúc-đức, thì ở trong loài người, không rời bỏ thân người, mà hoàn lại chỗ thừa đó; còn nếu không phúc-đức, thì phải làm súc-sinh đền lại chỗ thừa.

A-nan, nên biết, nếu dùng tiền của hoặc sức người ta, thì đền đủ là xong; còn như trong ấy, có giết thân-mạng, hoặc ăn thịt kẻ khác, như thế, thì đi đến ăn nhau, giết nhau, trải qua nhiều kiếp, só như vi-trần, cũng như bánh xe xoay-vần, thay-đổi bên cao, bên thấp, không có dừng-nghĩ; trừ khi được phép Xa-ma-tha, hoặc gặp Phật ra đời, thì không thể thôi được.

(Trở lại làm người theo tham hợp mà sống).

Nay ông nên biết loài chim kiêu kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng ngoan-cố. Giống cữu-trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham-hợp hạng quái-dị. Những loài hồ kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham-hợp hạng ngu-dại. Những loài có độc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng nham-hiểm. Những loài giun kia, trở nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng hèn-nhát. Những loài cung-cấp thịt ăn kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng nhu-nhược. Những loài cung-cấp đồ-mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng lao-luỵ. Những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng văn-hoa. Những loài hưu-trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng thông-minh. Những loài quấn-quít theo người kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng thông-đạt.

A-nan, bọn ấy trả hết nợ cũ, trở lại hình người đều do từ vô-thỉ đến nay, điên-đảo gây nghiệp, vay trả thừa thiếu, sinh nhau, giết nhau; nếu không gặp Như-Lai, không nghe Chính-pháp, thì ở trong trần-lao, máy móc xoay vần mãi mãi; bọn ấy gọi là thật đáng thương-xót.

Đoạn kinh Đức Phật dạy về Mười Tập Nhân và Sáu Giao-Báo đến đây đã hết. Hẳn chư Liên-hữu đã thấy, và như chúng tôi trình bày, giữ được nhơn đạo rất là quý, nhưng chúng ta không sao bảo đảm được, nếu lúc lâm chung gặp phải nghiệp duyên xấu. Mà nếu đã lọt vào địa-ngục thì phải theo ác-nghiệp chồng chất từ vô số kiếp; nếu nghiệp của chúng ta có hình tướng như một cái nhà thì nó chồng chất đầy cả bầu trời này rồi, thì sau địa-ngục vô số kiếp phải qua làm Ngạ-quỷ trả nợ vô vô kiếp, rồi làm Súc-sanh vô số kiếp. Nơi nào cũng vô số kiếp.

Thật là đáng ghê sợ!

Chỉ vì thấy rõ chỗ ghê sợ này của quả địa -ngục mà trong sách Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật Sưu-Giải, chúng tôi tư duy lời Phật dạy, cố gắng trình bày thứ lớp, bất chấp sự ngộ nhận, với ước mong những ai đã tu sai đường Phật dạy về pháp môn của thời mạt pháp này, hãy trở lại đường đúng. Như chúng tôi đã trình bày, tu trật đường có thể rời vào đường dữ.

Pháp môn Phật dạy của thời này là Niệm Phật.

Niệm Phật có thể thành Phật ngay trong đời. Niệm Phật có thể cứu độ thân nhân trong Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh và cả thân nhân đang ở cõi A-tu-la hay cõi Trời. Hoà -Thượng Tịnh-Không nói, ngay sau khi chúng ta pháp tâm Bồ-đề, tinh chuyên Niệm Phật rồi thành tâm hồi hướng công đức, là chúng ta đã cứu độ thân nhân rồi.

Dựa theo sách của các bực Tôn đức Tăng Ni, chúng tôi xin trích đăng ba trường hợp cứu thân nhân nơi Địa-ngục.

1. Có một anh Bà-la-môn lấy người vợ theo đạo Phật. Vợ anh ta mỗi đêm đều tụng kinh niệm Phật, bắt chồng phải gõ chuông, tụng kinh niệm Phật xong mới cho vô ngủ. Bỗng nhiên anh ta chết, bị đưa xuống địa-ngục. Lúc anh đứng gần chảo dầu sôi, một quỷ tốt cầm chuỳ đập anh ta; anh ta liền né, quả chuỳ trúng vào chảo kêu boong. Nhớ đến tiếng chuông đánh mỗi đêm lúc vợ anh ta đang niệm Phật, anh ta liền la lên: "Nam-mô Phật"! Bỗng nhiên xiềng xích của tội nhân trong ngục đều đứt hết. Tất cả đều Vãng Sanh Tịnh-Độ (trích ý trong sách Oai Đức Câu Niệm Phật của Thầy Tích-Trí-Minh).

2. Kinh Luật Dị-Tướng nói: Có ông Vua hại cha soán ngôi, bảy ngày nữa phải đoạ địa-ngục. Khi đó Vua gặp một vị Tôn giả dạy: "Đại Vương nên nhất tâm niệm Nam-Mô Phật". Vua liền nhứt tâm niệm Phật liên tiếp bảy ngày không trễ nãi, khi mạng chung đến địa -ngục, miệng còn niệm Nam-mô Phật; tất cả tội nhân trong ngục đều đặng giải-thoát (trích sách A-Di-Đà Sớ Sao của Ngài Vân-Thê, do Hoà-Thượng Thích-Hành-Trụ dịch).

Hai câu chuyện này, cùng với chuyện ông Trương-Thiện-Hoà, đã nói ở trước, chúng ta biết rõ oai lực câu niệm Phật. Tuy nhiên, Kinh Hoa-Nghiêm nói:

"Thà chịu khổ trong Địa-ngục, mà được nghe danh-hiệu chư Phật, chớ chẳng muốn sanh trong cõi Trời, mà chẳng đặng nghe danh hiệu Phật" (trích A-Di-Đà Sớ Sao).

Vì, khi chúng sanh niệm Phật và hồi hướng côn-đức cho ông bà, đâu có ai nghĩ đến hồi-hướng công-đức cho mấy vị trời ở Thiên-giới, mà chỉ hồi hướng cho Địa-ngục. Nên ở trên trời ít được nghe niệm Phật, chúng sanh ở Địa-ngục mới được nghe. Nên Kinh mới nói: "Thà chịu khổ trong Địa-ngục mà được nghe danh hiệu chư Phật".

Tất cả danh-hiệu Phật đều bất khả tư nghị. Nhưng danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật thù thắng hơn, bởi do bản-nghiệp trong hai tiền kiếp của Ngài. Phải do nguyện lực tiếp dẫn của vị Phật nào, thì người niệm danh hiệu của vị Phật ấy mới được tiếp dẫn.

Dưới đây là chuyện một vị Pháp Sư tên Đạo Trân chuyên giảng Kinh Niết-Bàn. Ngài rất mộ pháp tu Tịnh-độ của Ngài Viễn-Công. (Nhưng không phát nguyện Vãng Sanh). Nhơn khi thiền định, Ngài bỗng thấy trong biển có vài trăm người ngồi trong thuyền báu đi ngang trước mặt. Ngài bèn hỏi đi đâu có vậy? Người trong thuyền đáp:

- Chúng tôi về nước Cực-Lạc.

Ngài yêu cầu cho quá giang. Nhưng mấy người trong thuyền kìa nói:

- Pháp sư tuy giảng Kinh Niết Bàn rất hay, công-đức rất lớn. Nhưng mà Ngài chưa tụng Kinh A-Di-Đà, thì đâu được cùng chúng tôi về Cực-Lạc.

Từ đó Pháp sư nghĩ giảng Kinh Niết -Bàn, bắt đầu niệm Phật và tụng Kinh A-Di-Đà đến hai vạn biến (mỗi ngày). Khi sắp lâm chung, cuối ngày thất thứ tư, ban đêm vào canh tư, Ngài thấy phương Tây có người bưng đài bạc đến, giữa hư không sáng hực như ban ngày. Có tiếng kêu rằng: Pháp sư lên ngồi đài này để mà Vãng Sanh.

Lúc ấy cả đại chúng đều nghe nhạc trời và mùi hương lạ. Những mùi hương quí này đến mấy ngày vẫn còn thơm. Đêm đó chúng Tăng ở chùa Phong Đảnh xa xa thấy trong miệng hang có vài mươi ngọn đuốc cháy sáng suốt đêm. Ngày sau mới biết Pháp sư qua đời. (trích Kinh A-Di-Đà Sớ Sao của Ngài Vân Thê).

Như thế chúng ta thấy rõ, dù tu cao tới bực Pháp Sư, nhưng chưa hề phát nguyện Vãng Sanh và xưng niệm danh-hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, cũng không được Vãng Sanh Cực-Lạc.