Tịnh độ
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Tịnh Hải
04/07/2555 02:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Mục lục
Xem toàn bộ


Tôi đây xin đúc kết những kinh-nghiệm niệm Phật của những vị đã Vãng Sanh, trong cuốn "Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu-Xá-Lợi".

I. Sư bà Đàm-Lựu

Sư bà là đệ tử của Sư bà Đàm -Soạn, mà Sư bà Đàm -Soạn đã đắc quả Vãng Sanh. Lúc sanh tiền Sư bà đã có kinh-nghiệm niệm Phật rồi, nên Sư bà niệm Phật rất nghiêm mật. Sư bà thừa hiểu hơn chúng ta về kinh-điển. Sư bà biết rằng, dù bình -thường đã không ngừng niệm Phật, nhưng quan-trọng là lúc lâm chung phải giữ sao cho tâm không điên-đảo, Mười niệm nối tiếp liền nhau.

Kinh-nghiệm chúng ta học nơi Sư bà là cái máy niệm Phật, nó nhắc nhở ta phải giữ chánh -niệm. Vì lúc gần mất, Sư bà bảo đệ tử mua một máy cassette phát liền 24 giờ liên tục.

Thứ đến là sự trợ -niệm. Do ở chổ Sư bà là người xuất gia, lại có cảm tình nhiều với Tăng Ni khắp nơi, nếu có ai được xem cuốn phim lúc Sư bà hấp hối, thì thấy rõ Sư bà được trợ niệm thật tích cực.

Như vậy Sư bà có đủ 4 điều cần thiết ít người có được:

1. Sư bà phát tâm Vô-Thượng Bồ-Đề ngay từ khi xuất gia nên tâm Sư bà dễ tương ưng với tâm từ bi của Phật A-Di-Đà.

2. Sư bà chuyên nhứt tâm niệm Phật ngày đêm, nên dễ nhiếp cả sáu căn.

3. Giữ chánh niệm lúc sắp lâm chung.

4. Được sự trợ niệm lớn lao và không ngừng của chư Tăng Ni, Phật tử và máy trợ niệm.

II. Sa-di Thích-Minh-Đạt

Phật và chúng sanh đều bình-đẳng. Dù Thầy Minh-Đạt xuất gia trễ, nhưng Thầy đã phát-tâm Vô-thượng Bồ-đề và hành Bồ-Tát hạnh thật kiên-cường dũng mãnh, xã thân hoằng pháp độ sanh, cho đến lúc gần lâm chung vẫn lo đi độ người, lúc Thầy đang bịnh. Chẳng phải tất cả người xuất gia đều có được cái tâm Bồ -Tát như Thầy Minh-Đạt. Bởi tâm Thầy và tâm Phật tương ưng, như Hoà-Thượng Tịnh-Không nói: "Người có tâm Bồ-đề như vậy chỉ cần một niệm là Phật đến tiếp dẫn ngay." Có người tu lâu hơn Thầy Minh-Đạt, nhưng thiếu thực-hành Bồ-Tát hạnh, chưa chắc được vãng sanh.

Cho nên trong sách này, chúng tôi tích-cực nhắc nhở, đề cao và khuyến khích chư liên-hữu hãy phát tâm Bồ-đề, nguyện tu niệm Phật để thành Phật và thực-hành Bồ-Tát hạnh, giúp đỡ chỉ dẫn người khác tu niệm Phật, như vậy niệm Phật chắc chắn được Vãng Sanh.

Trong đoạn này chúng tôi không đề cập đến vấn-đề Xá-Lợi vì chỗ quang trọng là, có được Vãng Sanh hay không? Và việc Vãng Sanh có được Xá-Lợi, là cái mà chúng ta thấy được bằng mắt và bằng tay cầm biết được, nếu chúng ta may mắn hiện diện tại chỗ.

III. Bà Diệu Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết

Bà Tuyết may mắn được làm đệ tử một vị Hoà-Thượng chuyên tu Tịnh-độ và giảng Kinh A-Di-Đà. Đó là Tịnh-Không Pháp Sư.

Cái mà chúng ta thấy ngay, bà đã phát tâm Bồ-đề, chuyên nhứt niệm Phật. Khi chưa lâm bịnh, bà đêm suốt đời còn lại bằng hành-động phổ-biến Pháp môn Niệm Phật, lo việc gởi kinh sách Phật và băng giảng của Hoà-Thượng Tịnh-Không đi khắp nơi.

Có nhiều người cũng cùng làm công việc phổ-biến băng giảng của các Thầy, nhưng nếu băng giảng không chuyên về Tịnh-độ, cái nhân không phải Tịnh-độ thì cái quả, không phải là Vãng Sanh Cực-Lạc.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phổ-Hiền Bồ-Tát nói nhân và quả phải đi liền với nhau. Trồng nhân Tịnh-độ được quả Cực-Lạc Tịnh-độ. Như chúng tôi có trích kể chuyện Pháp sư Đạo Trân chuyên giảng Kinh Niết-Bàn, muốn về Cực-Lạc không được; sau phải đổi qua Pháp môn niệm Phật mới được Vãng Sanh.

Khi biết mình mang bịnh ung thư, bà Tuyết dứt tất cả các duyên bên ngoài, không tiếp xúc với mọi người hầu giữ cho tâm được thanh tịnh, tránh mọi phiền não. Bà nhứt tâm niệm Phật.

Một người niệm Phật được như bà Diệu-Âm thì quả Vãng Sanh chắc chắn đạt được.

Khi bà ngưng niệm Phật, đôi lúc bà thấy oan hồn kéo đến thật đông; bà phải la lên cầu cứu Phật A-Di-Đà và bà niệm Phật thì oan hồn biến mất. Từ đó bà Diệu-Âm niệm Phật không ngừng nghỉ.

Niệm Phật như bà Diệu Âm chắc chắn được Vãng Sanh và khi lâm chung, có Phật và Thánh chúng đến đón, có hương thơm ngào ngạt, hào quang sáng cả nhà.

Tuy là phàm phu, nhưng quả chứng của bà Diệu -Âm trội hơn cả bặc xuất gia.

Tại sao?

Vì tại gia hay xuất gia, chúng sanh đều bình -đẳng chỉ khác nhau ở chỗ tu của mỗi người, cao hay thấp tuỳ ở sự hành trì.

Chúng tôi tin chắc chắn, trong quý chư liên-hữu sẽ có vị sẽ chứng quả Vãng Sanh thật cao, vì qua các cuộc điện đàm với nhiều vị, chúng tôi biết có nhiều vị tiến bộ đáng kể. Và khi đọc sách này, sẽ có thêm nhiều vị khác. Chẳng phải sách này viết hay, mà do chúng tôi ghi chép được đa số tinh ba chỗ dạy niệm Phật của các bậc Tôn đức, giúp cho chư vị học hỏi.

Trở lại bà Diệu-Âm, bà có đủ các điều kiện cần thiết như sau:

1. Phát tâm Bồ-đề niệm Phật. Niệm một niệm, Phật và Thánh chúng tiếp dẫn ngay.

2. Niệm Phật nhất tâm.

3. Giữ chánh-niệm lúc lâm chung. Người giữ được chánh niệm thì tâm mới không điên đảo. Ngược lại sẽ bị mê loạn.

4. Được trợ niệm đầy đủ.

Thêm nữa bà Diệu âm có được cái may mắn lớn là sự hiện-diện của Hoà -Thượng Tịnh-Không lúc lâm chung. Ngài là bậc thầy vĩ đại đã khai thị cho bà. Lại có Tăng Ni và một ban Hộ-Niệm được huấn-huyện thật nghiêm-minh. Lòng chúng tôi ao ước mỗi vùng Việt-Nam đều có một ban Hộ-Niệm như vậy thì Phật tử Việt-Nam sẽ Vãng Sanh vô số.

Chư liên-hữu nên vận động các chùa, hoặc tự mình kết hợp thành ban Hộ -Niệm địa phương, lập ra phương cách và quy điều trợ niệm, thì tất cả sẽ được an tâm...

Hoà-Thượng Thích-Thiện-Tâm có kể chuyện một nhà Sư Việt-Nam hồi đời hậu Lê ở chùa Quang-Minh. Công hạnh niệm Phật của vị Sư này tuy có, mà nguyện tâm không chí thiết, nên chẳng được Vãng Sanh.

Tại sao không chí thiết? Vì nhà sư tưởng đâu mình là người xuất gia, ở chùa và niệm Phật mỗi ngày là đủ rồi, nên không quan tâm đến vấn-đề chí thiết phát nguyện Vãng Sanh. Đến chừng lâm chung, nhà Sư Việt thọ sanh làm Vua Nhà Thanh bên Tàu, nhớ có nhiều phước đức.

Một hôm, nhơn nhà Vua dùng nước giếng của một ngôi chùa, rửa vết chữ son ghi tiền kiếp trên vai, nhà Vua bỗng ngộ biết kiếp trước của mình, bèn cảm khái làm hai câu thơ:

Ngã bằng Tây Phương nhứt Phật tử,

Vân hà lạc tại Đế-vương gia?"

Ý nói:

"Ta vốn là con của Phật A-Di-Đà ở Tây-Phương.

Cớ sao lại lạc vào nhà Đế-vương như thế nầy?"

Cho nên điểm cần yếu nhứt vẫn là chữ Nguyện. Muốn Vãng Sanh Cực-Lạc phải phát-nguyện Vãng Sanh trước nhứt, đồng phát tâm Bồ-đề, nguyện niệm Phật để thành Phật.

Khi Tín và Nguyện vững chắc rồi thì tới công hạnh. Dù đủ Tín và Nguyện, mà thiếu công phu trì niệm hồng danh Phật A-Di-Đà cũng chẳng thành tựu.

Ở chương trước chúng tôi sưu tập nhiều phương cách niệm Phật của các bực Tôn đức dạy, chư liên-hữu có thể dùng cách nào thích hợp cho mình là được.

Nhưng phải cố giữ sao cho đừng gián đoạn và bê trễ. Nếu chư vị nguyện mỗi ngày từ một ngàn đến mười ngàn niệm, thì nên cố giữ sao cho được đúng, không sai chạy. Cho nên, các Ngài mới dạy phương cách niệm Phật công cứ, nghĩa là niệm Phật ghi sổ rành rọt mỗi ngày không trật số. Thà rằng niệm số nhiều hơn, chớ không sụt giảm.

Cuộc sống của con người là thói quen. Thói quen tốt, lâu ngày huân tập thành nhiều điều tốt. Nếu một người niệm Phật tốt, lâu ngày sẽ kết thành khối cứng rắn như kim cương.

Thói quen niệm Phật công cứ dưới đây là một bài học rất quý (trích trong Niệm Phật Thập Yếu) như sau:

"Đời Nguyên bên Trung-Hoa, vào năm Canh-Ngọ niên-hiệu Chí-Thuận ở vùng Thiết Tây bị thất mùa liên tiếp. Trong thành Hàng Châu, dân chúng đói chết nằm ngổn ngang đầy đường. Mỗi sáng, quan Phòng-chánh mướn người khiên tử thi chở đem bỏ xuống hang núi sau tháp Thái-Hoà. Trong số tử thi có thây một bà lão, hơn mười hôm không hôi thúi, ngày nào cũng tự trồi lên nằm trên các thây chết khác. Chúng lấy làm lạ, vòng dây kéo đem lên, sóat trong người thấy có túi vải đựng ba bức đồ "niệm công cứ A-Di-Đà Phật".

Việc này truyền đến quan Hữu -tư, Ngài cho quan quách tẩn niệm và đem ra thiêu hoá. Khi đốt củi lên, trong khói lửa hiện ra tượng Phật, Bồ-Tát ánh-sáng rực rở. Do nhân duyên đó, rất nhiều người phát tâm niệm Phật (trích Sơn-Am Tập-lục)

Đọc chuyện này hẳn chư liên-hữu cũng đồng ý với chúng tôi về các điểm:

1. Bà lão ấy đã niệm Phật đến trình độ thật thanh-tịnh cho nên thân xác chết đã mười ngày mà không một chút hôi thúi.

2. Bà lão ấy lúc sanh tiền đã niệm Phật nhứt tâm, giữ đúng 5 giới cấm của Phật nên lúc nào cũng có 25 vị Thiên Thần Hộ Pháp theo bảo vệ, cho nên thây bà bị các thây khác đè lên, mà hôm sau lại trồi nằm lên trên các xác khác.

3. Khi được đem thiêu, trong lửa đỏ lại hiện ra tượng Phật và Bồ-Tát với ánh sáng rực rỡ.

Người niệm Phật công cứ lúc nào cũng cố gắng ghi số đều đặn. Đặc biệt bà lão ấy, dù khi đói không có gì để ăn, phải chết mà vẫn niệm Phật, quả là đáng kính phục, nên sau khi mọi người biết được, rất nhiều người phát tâm tu theo pháp môn niệm Phật.

Lời khuyên sau cùng

Hẳn chư liên-hữu cũng đồng ý với chúng tôi, niệm Phật công cứ còn được gọi là "Sổ châu trì danh" nếu dùng chuỗi niệm Phật, là một phương thức nên áp dụng.

Chúng tôi xin tổng-hợp một phương-thức niệm Phật chọn lọc từ phương-thức của các bực Tôn đức lấy niệm Phật công-cứ làm căn bản:

Phương-thức niệm Phật tổng hợp:

1. Miệng vừa niệm, tai vừa nghe vào trong, kiểm soát từng câu từng chữ rõ ràng. Nếu có thể, nên dùng một máy niệm Phật hướng dẫn và tai nghe tiếng niệm Phật của máy "chíp", vì tiếng niệm Phật vừa đều đặn rõ ràng, không mau, không chậm. Chúng tôi dùng 4 chữ A-Di-Đà Phật.

2. Có thể niệm thầm hay se sẽ tiếng, nương theo hơi thở, mỗi hơi thở ra vào là một câu niệm Phật. Bởi mạng sống con người liên quan vào hơi thở, nếu biết nương theo câu thở mà niệm, thì sống hằng không rời Phật, lúc lâm chung liền về Cực-Lạc.

(Chư vị nào đã nghe máy "chip" bốn chữ A-Di-Đà Phật, để ý thấy 5 câu là một đoạn nhịp).

3. Khi niệm Phật tuyệt đối không nhắm mắt, bởi nhắm mắt bất chợp có thể thấy hình tướng bất tịnh hiện ra làm sao động tâm. Khi niệm hãy tưởng mình đang ngồi trong vòng hào quang của Đức Từ phụ A-Di-Đà che chở, dễ làm thần trí sáng suốt, sớm đạt Niệm Phật Tam-muội.

Ba tiết 1,2,3 trên đây được kết thành một và luôn luôn ghi nhớ, bền giữ khi niệm Phật. Rồi áp dụng công cứ niệm Phật. Cách công cứ của chúng tôi không cần ghi sổ, nếu muốn dùng chuỗi hay không đều được. Không dùng chuỗi thì lấy mười ngón tay của hai bàn tay, từ ngón út của bàn tay phải co lên để đếm một niệm, đếm lần qua ngón út của bàn tay trái là đủ 10 niệm. Cứ như thế tiếp tục niệm Phật và đếm tiếp. Khi ngồi, đứng đi, hoặc đang lái xe, hay làm các việc đều có thể đếm được. Qua đủ 10 ngón tay kể một ghi nhớ thầm là một và niệm qua 10 lần là được 100 niệm.

Chúng tôi còn một cách khác dễ hơn, là niệm theo tiếng niệm Phật của băng chip hoặc cassette với 4 chữ A-Di-Đà Phật. Chúng tôi đã đếm 1 phút là 18 niệm. Như vậy mỗi một giờ chư vị niệm được 1080 niệm. Nếu sáng niệm Phật một giờ, tối niệm Phật một giờ, chư vị được 2.160 niệm. Nếu niệm Phật 10 tiếng đồng hồ sẽ được mười ngàn tám trăm niệm (Niệm 6 chữ Nam-Mô A-Di-Đà Phật sẽ ít niệm hơn).

Chư Tổ Tịnh -Độ ngày xưa niệm 30 ngàn niệm mỗi ngày. Đây là các Ngài dùng ý để niệm, không động môi nên niệm nhanh hơn. Chư Tổ dùng 16 giờ niệm Phật. Nếu ai niệm được như vậy, tâm không có vọng niệm, không chấp trước, không nhớ tưởng phân biệt, chắc chắn sẽ Vãng Sanh Thượng Phẩm Thượng Sanh. Tổ Ngẫu-Ích gọi là Thực Báo Trang-Nghiêm Tịnh-Độ, hoặc cao hơn nữa là cõi Thường-Tịch-Quang Tịnh-Độ.

Muốn chắc được Vãng Sanh Nên Nhập Thất niệm Phật

Khi viết sách "Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sanh" này, chúng tôi tìm thấy trong Kinh Tiểu Bổn A-Di-Đà có câu:

"Xá-Lợi Phất! Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào, được nghe nói đến Phật A-Di-Đà, rồi nhớ giữ lấy danh-hiệu của Ngài, hoặc niệm một ngày, hoặc là hai ngày, hoặc là ba ngày, hoặc là bốn ngày, hoặc là năm ngày, hoặc là sáu ngày, hoặc là bảy ngày, một lòng chẳng loạn thì kẻ thiện nam, người thiện nữ ấy lúc lâm chung, Phật A-Di-Đà và Thánh Chúng hiện trước người ấy. Kẻ sắp mất này tâm chẳng điên đảo, liền được Vãng Sanh Cực -Lạc của đức Phật A-Di-Đà (Bổn Kinh này do Thầy Thích-Thiện-Thông dịch).

Kinh nói, tối thiểu phải niệm Phật một ngày "nhứt tâm bất loạn" tức là một lòng chẳng loạn, thì chắc chắn được Đức Phật A-Di-Đà tiếp dẫn. Đây có nghĩa là Phật dạy phải Phật Thất tối thiểu là một ngày, hoặc là phải bảy ngày. Vì niệm Phật tối thiểu một ngày thì tâm thể mới thanh tịnh được, thì mới chứng được Sơ phần Pháp thân.

Như Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phật Thích-Ca nói: Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thì uy lực bất-khả tư-nghị của danh hiệu khiến cho Tâm-thể thanh-tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ phần Pháp thân..."
Vì khi niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật một ngày sáu thời cho đến bảy ngày thì có thể chứng được Sơ-phần Pháp thân, tức chứng Sơ-địa Bồ-Tát.

Ở đây, theo Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, mỗi thời là 4 tiếng đồng hồ.

Cũng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm dạy liên tiếp 14 đoạn cũng nhắc 1 ngày đến 7 ngày.

"Bất cứ chúng sah nào chuyên tâm trì niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật dầu chỉ một ngày cho đến bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày, thì cảm ứng những năng lực tổng trì không thể nghĩ bàn" (trang 93). Ở trang khác Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói: "Bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu, hoan hỉ thọ trì danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phặt hoặc một ngày, hoặc bảy ngày hoặc nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười pháp quyết-định bất khả tư nghị" (trang 100).

Hẳn chư liên-hữu lưu ý thấy, Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói chỉ cần niệm Phật 1 ngày hoặc 7 ngày. Nhưng một ngày này phải là trọn ngày sáu thời đều nhứt tâm niệm Phật không tạp nhạp, không có vọng niệm, không nhớ, không tưởng, không chấp trước phân biệt thì sẽ đắc các mười pháp quyết định, trong đó có một quyết định hoá sanh tự nơi hoa sen, cùng một chỗ với chư Phật và chư Bồ-Tát.

Như vậy người niệm Phật này đã đắc quả Vãng Sanh, tự sanh nơi hoa sen, ở chung với Phật A-Di-Đà và chư vị Thánh-chúng. Ở trên Đức Phật nói: "Tự nhiên chứng nhập Sơ-phần Pháp thân mà người đó không hề hay biết".

Đức Phật đã nói thì chắc chắn không bao giờ sai. Chúng tôi liền nhớ lại tiền thân của Địa-Tạng Bồ-Tát.
Từ chỗ này chúng tôi nghĩ, nếu chúng ta mỗi tuần, dành ra trọn một ngày, hoặc hai ngày chuyên thuần niệm Phật, chắc chắn khi lâm chung chúng ta sẽ Vãng Sanh.

Do chỗ này chúng tôi nghiên cứu soạn cuốn sanh Sám Nguyện Vãng Sanh. Khi viết cuốn này, chúng tôi được một liên-hữu ở bên Úc, cô Diệu-Thanh gởi biếu cuốn Khai-Thị của Hoà-Thượng Tịnh-Không, một bực chân tu chuyên giảng phép môn Tịnh-Độ, Ngài cũng dạy y như chúng tôi nghĩ.
Quả như lân gặp pháo, lân liên vui mừng nhảy múa tưng bừng. Đọc các lời kinh trên, chúng tôi vững tín bất cứ ai trong chúng ta nhất tâm niệm Phật một ngày một đêm thôi, tâm thể sẽ thanh-tịnh, chúng ta sẽ được chứng quả đúng như lời Đức Phật dạy không sai.

Trong sách Khai-thị, Hoà-Thượng Tịnh-Không viết:

"Nếu trong một tuần bảy ngày, quý vị có được một ngày chuyên nhất niệm Phật, đạt được tâm không sanh không diệt và nhất thiết đà-ra-ni, như vậy quý vị đã giỏi lắm. Mỗi tuần một ngày đến niệm Phật trong vòng ba năm, quý vị sẽ thành Phật ngay".

Tóm lại, mỗi tuần có một ngày niệm Phật là một điều cần thiết không thể thiếu được, nếu muốn cầm chắc được Vãng Sanh. Giả như gần nhà chư liên-hữu có chùa đang tổ-chức Phật Thất thì nên đến chùa, để được sự hướng dẫn chu đáo. Nếu không có chùa gần nhà thì cố đi xa, nếu chùa xa đang tổ-chức Phật Thất.

Nếu không thể tìm được chùa thì ở nhà tự mình niệm Phật cũng vẫn tốt. Rủ thêm bạn bè đến chung niệm Phật với mình, hoặc chỉ nhất tâm niệm Phật nương theo băng niệm Phật 4 chữ A-Di-Đà Phật, hoặc áp dụng cuốn Sám Nguyện Vãng Sanh. Nếu có được cuốn băng Sám-Nguyện Vãng Sanh thì tiện lợi hơn.

Nếu chư liên hữu nào niệm Phật mỗi tuần tối thiểu là một ngày, thì công phu niệm Phật của chư liên-hữu dễ được thành khối. Hoà-Thượng Tịnh-Không viết trong cuốn Khai-thị của Ngài như sau:

"Công phu niệm Phật của chúng ta một khi đã thành khối, không những thân bằng quyến thuộc trong kiếp này, thậm chí đến nhiều đời kiếp trước mà chung ta không biết, hoặc không thể nhớ, họ vẫn được siêu độ. nghĩ đến việc này, nếu chúng ta không siêng năng nỗ lực tu hành, chúng ta thật có lỗi với ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc vậy".

Hôm nay họ còn kẹt ở trong ác đạo, không có khả năng giải thoát, nên họ hoàn-toàn trông cậy ở chúng ta.

Trước đây chúng tôi dẫn chứng với chư liên-hữu về tiền thân của Đức Địa-Tạng Bồ-Tát là cô gái Bà-la-môn, cô niệm Phật một ngày một đêm liền cứu được ngay bà mẹ đang ở địa-ngục Vô-Gián. Đó là do cô gái Bà-la-môn niệm Phật được thành khối, khiến chúa Địa-ngục gặp cô gái Bà-la-môn liền chắp tay gọi là Bồ-Tát.

Ở đây, Hoà-Thượng Tịnh-Không cũng nói, công phu niệm Phật của chúng ta khi đã thành khối, không những thân bằng quyến thuộc của chung ta ở kiếp này, thậm chí nhiều đời nhiều kiếp trước mà chúng ta không biết hoặc không thể nhớ, họ vẫn được siêu độ.

Cho nên, Hoà Thượng Tịnh-không nói tiếp, niệm Phật không phải chỉ vì mình, mà vì thân bằng quyến thuộc, vì tất cả chúng sanh.

Tiện đây, xin cống hiến chư liên-hữu một câu chuyện để chứng minh niệm Phật trọn ngày, tâm thể thanh tịnh tự nhiên được định. Kinh nói chứng được Sơ-phần Pháp thân mà người ấy không hề hay. Chuyện này trích trong cuốn Hư Hư Lục của Sư cô Như Thuỷ: Cụ Già Tu Mướn

Thiền sư Bạch-Ẩn ở Nhật Bản có một tục gia đệ tử. Ông đệ tử này thường đến than phiền rằng cha gài của y, dù tuổi đã cao, vẫn cứ mài mê làm việc kiếm tiền chứ không chịu tu hành gì ráo. Mỗi lần y nhắc nhở thì ông cụ quả quyết khẳng định:

- Nếu chuyện tu hành mà té tiền té bạc thì hãy nói với ta, bằng không thì đừng hòng!

Hôm nọ nghe xong mỗi băn khoăn của người đệ tử, Thiền sư liền bảo:

- Chiều nay con hãy về bảo với cha con rằng: Hoà-Thượng Bạch-Ẩn bận bịu việc quá dỗi nên không thể tu hành như ý muốn được. Ngài nhờ con tìm một người tu mướn. Cứ 10 chuỗi niệm Phật là một quan tiền. Cần chọn người trung hậu làm ăn sòng phẳng để ký giao kèo trao đổi. Người làm mướn có thể lãnh tiền mỗi ngày hoặc hàng tuần cũng được.

Sau đó giao kèo ký kết, ông cụ cứ đến chùa lãnh tiền mỗi ngày. Về sau để khỏi mất thì giờ, cụ để dồn hàng tuần mới lãnh.

Bẵng đi một thời gian không thấy ông cụ lãnh tiền. Người con trai theo lời dạy của Hoà-Thượng, cứ để cha già làm theo ý muốn. Ngoài ba bữa ăn, ông cụ ngồi ngay ngắn trước điện Phật...và làm mướn. Cho đến một hôm, hơi thở điều hoà. Người con liền đến báo tin cho Hoà -Thượng hay.

Thiền sư Bạch-Ẩn đến tận nơi quan sát. Thấy cụ già đang ngồi có hơi nghiêng, do tuổi tác chất chồng, nhưng gương mặt hồng hào. Gương mặt ông phảng phất một niềm bình thản khinh an.

Hòa Thượng nói khẽ với người con, nhẹ như một hơi gió thoảng:

- Cha con đã nhập định.

Thưa chư liên-hữu, câu chuyện trên đây giúp cho chúng ta thấy mấy điểm:

1. Tuy rằng cụ già niệm Phật mướn để lấy tiền. Và để tính số đếm ăn tiền, cụ già đã dùng phương cách niệm Phật công cứ, mỗi ngày sổ ghi không gia giảm.

2. Để được nhiều tiền, trừ ba bửa ăn, ông cụ ngồi ngay ngắn trước bàn Phật để niệm Phật mướn. Đây có nghĩa là ông đã Phật Thất mỗi ngày. Nhờ vậy mà ông đã được định. Thiền sư Bạch-Ẩn bảo với đứa con "cha con đã nhập định". Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói niệm Phật lâu ngày tâm thể được thanh tịnh. Như vậy ông cụ sẽ được chứng đắc. Chứng đắc cái gì (?), chư vị đã đọc qua sách và kinh hẳn đều biết.

3. Sau đó người con thấy cha mình cơ hồ ngưng chuỗi. Trong pháp môn Niệm Phật nói rằng: ông cụ đã niệm đến vô niệm, mắt ông khép nhẹ, hơi thở điều hoà. Đây là chỗ, Đức Phật và Bồ-Tát Quán-Thế-Âm đã dạy trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, hoặc 1 ngày hoặc 7 ngày sẽ chứng đắc những pháp quyết định. Do đó gần đây chúng tôi khuyên chư vị, nếu muốn được Vãng Sanh nên Phật Thất tối thiểu mỗi tuần 1 ngày.

Khi Thiền Sư Bạch-Ẩn nói với người con: "Cha con đã nhập định". Đó là trong niệm Phật có thiền rồi, và một người niệm Phật lâu ngày được định như vậy khi lâm chung chắc chắn sẽ Lưu-Xá-Lợi.

Phần sau sách này có chuyện của cụ bà Diệu-Hỷ. Cụ bà niệm Phật ngày đêm; lúc đầu cụ cũng ghi số, nhưng lâu ngày cụ nhập định bỏ cả số ghi. Sau lâm chung làm lễ Trà Tỳ, cụ bà Diệu-Hỷ lưu nhiều Xá-Lợi.

Những ngày vừa qua nhiều vị đã được xem video Phật Thất chùa Hoằng pháp tại Hóc Môn Việt-Nam và chuyện cụ bà Triệu-Vinh-Phương niệm Phật Vãng Sanh Lưu-Xá-Lợi. Đó là hai tài liệu quý báu giúp cho người muốn được Vãng Sanh Cực-Lạc.

Chư vị chưa được xem nên tìm mượn cuốn video này. Nó hữu ích nhiều mặt. Ngoài việc tự mình biết khi lâm chung nên niệm Phật như thế nào để giữ tâm không điên đảo, giữ được mười niệm nối tiếp liền nhau như Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật Đức Phật đã nói, hầu chắc được Vãng Sanh.

Chư Liên-hữu cần cho cả nhà xem video ấy, để tất cả đều biết trợ niệm như thế nào hầu khi trong gia-đình hữu sự, có người sắp lâm chung.

Từ lâu, nhiều người trong quan tâm đến sự trợ niệm, nhưng đó là việc làm tối quan trọng, tối hữu ích, giúp cho một người chết tránh thoát khỏi luân-hồi trong vô số kiếp.

Vãng Sanh Cực-Lạc Nhứt định không khó

Sau khi nghiền ngẫm Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật chúng tôi nhận thấy Vãng Sanh Cực-Lạc thật sự không khó. Khó hay không là do quyết tâm của mình. Mình không quyết tâm, không thực -hành niệm Phật, thì muốn Vãng Sanh cũng không được chắc chắn; khi lâm chung sẽ theo nghiệp mà thọ sanh một cõi nào đó.

Cư sĩ Chúc Lý ở Úc, đã một lần gặp được thần chết rồi trở lại. Gặp lại vợ con bạn bè, ông hồi tưởng, giờ phút nghiêm trọng đó ông không còn nhớ niệm Phật nữa. Quả thật là may! Nếu ngay lúc đó, hơi thở của ông đứt, chắc ông phải tuỳ theo nghiệp mà thọ sanh rồi. Tự ông biết rằng ông chưa tới được trình độ niệm Phật thành khối tịnh niệm tương tục.

Cư sĩ đang chuẩn bị đầy đủ hành trang, quyết lần này sẽ đi thẳng tới Cực-Lạc. Cư sĩ Chúc Lý biết rõ nếu một người nhứt tâm niệm Phật, một ngày từ 10 ngàn đến 30 ngàn niệm, nhứt định sẽ Vãng Sanh Cực -Lạc Thượng-Phẩm, từ Hạ sanh đến Thượng sanh. Và dựa theo Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, phẩm thứ bảy, để nắm chắc phần Vãng Sanh Thượng-Phẩm Thượng-Sanh, Cư sĩ Chúc Lý lập thêm lịch trình trì chú Vô-Lượng-Thọ Như-Lai Chơn Ngôn như sau:

"Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát có ban cho chúng sanh một chơn-ngôn gọi là Vô-Lượng-Thọ Như-Lai Chơn-Ngôn. Đây là tạng pháp bí mật của Phật A-Di-Đà ẩn chứa vô-biên thần-lực tự-tại bất tư nghì, diệt được tất cả tội chướng. Nếu trì tụng đến 1 muôn biến (10.000 lần), sau khi chết được sanh về Thượng-Phẩm Hoa-Sen (Sách Sưu Giải đánh máy sai là 100.000 biến).

Nếu trù chú mỗi ngày:

- 7 lần, thì 4 năm được 10.220 biến

- 14 lần, thì 2 năm được 10.220 biến

- 21 lần, thì 16 tháng được 10.080 biến

- 42 lần, thì 8 tháng được 10.080 biến

- 49 lần, thì 7 tháng được 10.290 biến

- 108 lần, thì 3 tháng 3 ngày được 10.044 biến

Chúng tôi đã trì tụng thử, nếu trì chú vừa phải, mỗi phút có thể được 1 biến, nếu trì chú nhanh thì 2 phút có thể được 3 biến. Như vậy trì chú vừa phải, 1 giờ được 60 biến. Trì chú nhanh và rõ ràng một giờ được 90 biến.

Đây, Vô-Lượng-Thọ Như-Lai Thần-Chú:

Namo ratnatrayaya

Namo Arya, Amitábaya

Tat-thagatáya, Arahati.

Samyaksambuddhàya. Tadyatha!

Aum!Amirti. Amirto nabàvé.

Amirtá sambàvé, Amirta gabé,

Amirtá suddhé, Amirtá sité,

Amirtá vicalanté, Amirtá vicalantá gàmini.

Amirtá gàgana kiti cali,

Amirtá lodo visadhàhi (vần dhà đọc phà).

Sarvarithá sadhàni, Sarva macali

Saksá ỳucali. Svaha.

AUM BHRUM HÙM.

Trong lúc trì chú, bắt ấn "Vô-Lượng -thọ Liên-Hoa" Ấn và sau mỗi biến nên đọc thêm 3 chữ Aum Brum Hùm, khiến cho công năng thần chú mau kiến hiệu. Khi ngưng thì niệm AUM BRUM HÙM 21 biến.

Dưới đây là cách bắt ấn do Cư sĩ Chúc Lý dùng máy vi tính làm thành.

Theo chúng tôi, nếu chư Liên-hữu bắt ấn được thì tốt, bằng không được cũng chẳng sao vì chúng ta không phải là đệ tử Mật Tông.

Căn bản vẫn là niệm Phật. Niệm Phật là chánh, thần chú Vô-Lượng-Thọ Như-Lai là phần trợ, dùng để tiêu diệt các tội của người niệm Phật, hầu khi lâm chung đắc được quả Thượng-Sanh ở Cực-Lạc.

Tóm lại, theo chúng tôi, nếu quyết định đắc quả Thượng-Phẩm Thượng-Sanh, nên nhất tâm niệm Phật không gián đoạn, không bê trễ.

Còn các bực kế, như Trung-Phẩm và Hạ-Phẩm, tuỳ theo sự niệm Phật của mỗi chư vị. Điều quan trọng là nên luôn luôn nhớ câu Đức Phật dạy trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật:

"Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối tiếp liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của Đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh-độ Tây Phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử. Đó gọi là quả Bất-thối-chuyển. Từ ấy nhẩn về sau, vượt qua Thập-địa, chứng Vô-Thượng-giác".

Và một câu tối quang trọng được Quán-Thế -Âm Đại Bồ-Tát dạy nơi Phẩm Thứ sáu của Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, mà chúng ta cần nằm lòng:

"Bất cứ chúng sanh nào nhứt tâm xưng niệm danh-hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, dẫu tới tâm thái nào đi nữa, thuận ý hoặc nghịch ý, ham thích hoặc chống trái, đều thâu hoạch vô số trí lực bất tư nghị".

Bởi danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật có vô-lượng vô-số công-đức; vô-lượng vô-số diệu dụng; vô-lượng vô-số oai thần, cho nên niệm Phật dầu với tâm thái nào cũng đạt được mười một thứ trí lực. Mà khi đã thâu hoạch được, tức đắc được mười một thứ trí lực, thì đã đắc được quả Vãng Sanh cao trội.

Còn khi chúng ta niệm Phật đến trình độ nhận được vô biên diệu dụng của hồng danh Nam-mô A-Di-Đà Phật, thí dụ nghĩ đến Đức Phật A-Di-Đà thì Ngài liền hiện ra; nghĩ đến Ngài Đại-Thế-Chí thì Ngài Đại-Thế-Chí hiện ra v.v...Có vô số diệu dụng nhưng chúng tôi không nghĩ ra hết.

Đó là Ngài Quán-Thế-Âm nói, dù chúng ta niệm Phật với bất cứ tâm thái nào, rồi cũng được vãng sanh. Nhưng căn bản vẫn là lúc lâm chung không điên đảo và, vẫn giữ mười niệm nối tiếp liền nhau.

Từ Hạ Phẩm Hạ Sanh, Trung Sanh hoặc Thượng Sanh thì những người này không biết niệm Phật, nhưng được Thiện-Tri-Thức nói đầu đề 12 bộ kinh được trừ năm mười ức kiếp tội lỗi trong đường sanh tử; hoặc được Thiện-Tri-Thức khen nói mười lực và oai đức của Phật A-Di-Đà liền được trừ tội sống chết tám mươi ức kiếp; hoặc được Thiện-Tri-Thức an ủi dạy tưởng Phật, tưởng không được liền dạy niệm Phật, liền cố niệm đủ mười niệm A-Di-Đà Phật, mỗi niệm được trừ tám mươi ức kiếp sanh tử. Cả ba hạng này đều được vãng sanh.

Nhưng hạng đầu phải ở trong Hoa sen 10 tiểu kiếp tức Hạ Phẩm Thượng Sanh; hạng thứ nhì Hạ Phẩm Trung Sanh ở trong Hoa sen sáu kiếp; hạng thứ ba Hạ Phẩm Hạ Sanh ở trong Hoa sen Mười hai kiếp.

Chúng tôi đã trình bày ở chương 13, chư vị nào biết thân nhân mình kém khả năng niệm Phật thì nên lo lắng trước, chuẩn bị chu đáo việc trợ niệm, khi hữu sự liền đem ra ứng dụng. Như vậy sẽ giúp cho thân nhân mình được Vãng Sanh một trong ba phẩm Hạ Sanh. Dù sao, thai sanh trong hoa sen vẫn sung-sướng hơn là phải luân hồi lưu chuyển trong vô-lượng vô-số kiếp vậy.
Nếu chư Liên-hữu hiểu nhớ điều này, đem thực-hiện cho thân-nhân chư vị khi lâm sự, thì sách này mới trở thành hữu-ích thật sự.