Tịnh độ
Khóa Hư Lục
Tác giả: Hoàng Đế Trần Thái Tông Dịch giả: HT. Thích Thanh Kiểm
03/11/2553 01:05 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

QUYỂN THƯỢNG

---o0o---   

Nghĩa:

Lời Vấn Đáp Trong Môn Nhân (1)

Một ngày nọ vua (Trần-Thái-Tông) thăm chùa Chân-Giáo. Vị Tăng Đức-Thành đời Tống hỏi: - "Đức Thế-Tôn chưa rời cung Đâu-Suất đã giáng xuống vương-cung; chưa ra khỏi thai mẹ, đã độ người hoàn tất, đó là nghĩa thế nào"? - Vua đáp: "Ngàn sông có nước ngàn trăng chiếu, muôn dặm không mây muôn dặm trời". Tăng hỏi: "Chưa rời cung, chưa ra đời, đã được chỉ bảo. Còn, đã lìa cung, đã ra đời, việc ấy như thế nào"? Vua đáp: "Mây sinh đỉnh núi đều màu trắng, nước đến Tiêu, Tương (2) một vẻ trong" - Tăng nói: "Mưa tạnh sắc núi rạng, mây quang trong động sáng", vậy thế nào là ẩn hiện nhất như"? - Vua đáp: "Ngoại trừ con thật của nhà ta, ai dám hướng vào trong nơi đó". - Tăng nói: "Xưa nay không khác lối, người đạt cùng nẻo đường, Bệ-hạ há bảo duy Thế-Tôn đắc đạo ư? - Vua nói: "Mưa xuân không cao thấp, cành hoa có ngắn dài". - Tăng hỏi: "Người người vốn tự người người đủ, kẻ kẻ nguyên lai kẻ kẻ tròn, tại sao Thế-Tôn lại vào núi tu đạo?"- Vua nói: "Kiếm vì bất bình mở hộp báu, thuốc nhân trị bệnh rót khỏi bình". - Tăng nói: "Trong mắt đừng để bụi, trên thịt chớ khoét ung, còn phần người học đạo, có chỗ tu chứng chăng?" - Vua nói: "Nước chảy xuôi non đâu có ý, mây tuôn qua núi vốn không tâm". Tăng im lặng. - Vua nói: "Chớ bảo vô-tâm nói là đạo, vô-tâm còn cách một trùng quan" - Tăng nói: "Tâm đã không, gọi cái gì làm trùng quan". - Vua lại nói: "Nước chảy xuôi non đâu có ý, mây tuôn qua núi vốn không tâm". - Tăng không đáp.

* Chú thích:

(1) Lời: Dịch ở chữ Ngữ-lục. - Ngữ-lục. - những lời nói thiết-yếu của chư Tổ tập hợp lại thành sách, nên gọi là ngữ-lục.

(2) Dòng nước sông Tiêu ở Trung Quốc rất trong và quá sâu, khi sông Tương và sông Tiêu hợp lại với nhau gọi là Tiêu-Tương đều trở thành trong suốc.

 

---o0o---