Tịnh độ
Ý nghĩa 12 lời nguyện niệm Phật
Tác giả: Thích Chân Tính
16/04/2553 00:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời nguyện thứ mười một
 
“Kính lạy Phật Di-đà,
 Con nay xin phát nguyện,
 Thường niệm danh hiệu Ngài,
  Trải lòng thương muôn loại”.
   Người niệm Phật không chỉ thương mình mà còn phải thương mọi người. Mình niệm Phật, trước hết là thương mình. Vì thương mình cho nên mới niệm Phật, để mau được giải thoát. Thương người là mình muốn cứu độ họ cũng được giải thoát. Nói cách khác, chúng ta với mọi người đều có mối quan hệ thân thiết với nhau trong vòng luân hồi sinh tử. Họ đều là bà con, cha mẹ quyến thuộc với chúng ta cả. Đã là thân thuộc cha mẹ anh em của chúng ta, họ đau khổ, sa đọa thì ta cũng không yên. Như vậy mình phải có lòng thương, muốn cho họ được giác ngộ, được an vui, được giải thoát. Và lòng thương này, khi chúng ta trải ra thì tự nhiên mọi người đều hưởng được từ điển hay gọi là điển lành.
   Ngày xưa, lúc đức Phật Thích-ca Mâu-ni vào trong rừng để tu tập. Thời buổi đó, quý vị biết rằng, các loài thú như là cọp, sư tử, chó sói… những thứ ăn thịt người rất nhiều. Thế nhưng, tại sao Ngài ở trong rừng mà không bị các loài đó ăn thịt? Là do Ngai có một tâm từ rất mạnh. Tâm từ này có sức cảm phục, cảm hóa không những người mà cả loài vật hung dữ.
   Gần đây, ở bên Trung Quốc, có Hòa thượng Quảng Khâm. Trong tiểu sử ghi, Ngài lên một ngọn núi tu. Lúc lên núi Ngài thấy một cái hang liền vào trong đó ngồi tu. Không ngờ hang đó là hang của hổ. Khi Ngài ngồi tu được nửa ngày hay một ngày gì đó tự nhiên hổ xuất hiện. Ngài đang ngồi tham thiền niệm Phật bỗng ngửi có mùi tanh, liền mở mắt ra thấy con hổ đứng trước mặt. Ngài cũng bình tĩnh và nói “A-di-đà Phật”. Con hổ nghe Ngài nói tự nhiên hoảng hốt bỏ chạy ra ngoài. Nó hoảng chạy ra một lúc rồi trở vào. Chắc nó nghĩ rằng chỗ đó là chỗ ở của nó, tại sao ông sư này lại chiếm lấy và có lẽ nó quay lại với ý định ăn thịt Ngài. Khi nó quay trở vào, Ngài bèn nói: “Ngươi hãy hoan hỷ cho ta mượn tạm chỗ này tu hành, khi ta đắc đạo sẽ độ cho nhà ngươi”. Ngài nói xong, nó gật đầu bỏ đi. Hôm sau nó trở lại, đi lui đi tới một thời gian rồi dắt cả hổ vợ hổ con đến chơi giỡn với Ngài. Chúng ta thấy những bậc chân tu có lòng từ rộng lớn, tự nhiên cảm hóa được những con vật hung dữ, không ăn thịt họ.
   Còn ở Việt Nam chúng ta, chúng tôi có nghe nói trước đây trên núi Tà Cú, có vị tổ tên là Hữu Đức. Năm đó hình như năm một chín bốn mấy hay năm mấy gì đó. Ngài lên núi Tà Cú, chỗ mà hiện nay chúng ta đi du lịch chiêm bái tham quan. Chúng tôi cũng có lên đó một lần, khoảng năm 1981. Ở trên đó có một bức tượng Phật nằm rất lớn. Chúng tôi được biết tổ Hữu Đức lúc lên đó tu hành, cọp cũng đến, rồi Ngài cảm hóa và nó cũng không ăn thịt Ngài. Quý vị thấy những bậc chân tu, có một lòng từ rộng lớn thì tự nhiên có sức cảm hóa thú vật.
   Hiện nay, quý vị sống trong khu vực của mình, nếu biết trải lòng từ rộng rãi, thương yêu mọi người, giúp đỡ mọi người, gần gũi mọi người thì chúng tôi tin chắc rằng quý vị sẽ được mọi người thương yêu. Những người có lòng từ rộng lớn thương yêu cả loài vật, loài vật cũng mến yêu họ. Cho nên, người niệm Phật phải cố gắng mở rộng lòng thương. Nhờ có lòng thương này mà mọi người với ta không có sự ngăn cách, luôn luôn gần gũi và thương yêu nhau. Tình thương đó phải như ánh nắng mặt trời sưởi ấm muôn loại trong giá rét mùa đông. Đó là ý nghĩa lời nguyện thứ mười một.