Tịnh độ
Niệm Phật cảnh
Tác giả: Thích Minh Thành
22/05/2553 00:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời tựa
 
“Ái không nặng,
Không sinh ở Ta-bà.
Niệm Phật chẳng chuyên nhất,
Không sinh về Tịnh độ”.

   Ta-bà là Uế độ, Cực Lạc là Tịnh độ. Tuổi thọ ở Ta-bà có hạn, còn tuổi thọ ở Cực Lạc khôn cùng. Ta-bà đủ mọi đau khổ, còn cõi kia an dưỡng không khổ đau. Ta-bà tùy theo nghiệp chuyển sinh tử luân hồi; cõi kia vừa được qua thì chứng đắc lý không sinh diệt, nếu nguyện độ sinh tùy ý tự tại, chẳng bị nghiệp chuyển.
   Sự tịnh uế, thọ lượng, khổ vui, sinh tử khác nhau như thế mà chúng sinh mờ mịt chẳng hay chẳng biết. Thật đáng thương xót!
   Phật A-di-đà là chủ nhiếp thọ của cõi Tịnh độ, Như Lai Thích-ca là thầy chỉ dẫn Tịnh độ, Quán Âm Thế Chí là bậc hỗ trợ Phật giáo hóa. Thế nên, giáo pháp cả đời của Như Lai chỗ nào cũng đinh ninh khuyên vãng sinh.
Phật A-di-đà và Quán Âm Thế Chí ngồi thuyền đại nguyện vào biển sinh tử, không vướng ở bờ bên này, chẳng lưu lại bờ bên kia, không dừng ở giữa dòng, chỉ lấy việc tế độ làm Phật sự. Kinh A-di-đà nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe nói đến Phật A-di-đà rồi chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người đó đến lúc lâm chung, đức Phật A-di-đà cùng hàng Thánh chúng hiện ở trước mặt. Người ấy lâm chung tâm không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Cực Lạc”.
    Kinh còn nói: “Chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu tôi, nghĩ nhớ về cõi nước tôi, trồng các cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sinh về cõi nước của tôi, nếu chẳng được toại nguyện thì tôi không thành Chánh Giác”.
    Vì thế, nơi viện Vô Thường trong Tịnh xá Kỳ Hoàn, đức Phật bảo người bệnh hướng mặt về phương Tây, ý tưởng vãng sinh Tịnh độ.
   Bởi lẽ, ánh sáng của Phật A-di-đà chiếu khắp pháp giới, thâu nhận tất cả chúng sinh niệm Phật. Thánh phàm một thể, cơ cảm tương ứng. Chúng sinh trong tâm chư Phật, mọi cảnh đều là Cực Lạc; Tịnh độ trong tâm chúng sinh, mỗi niệm đều là Phật A-di-đà. Tôi lấy đó mà xét:
   * Người có trí tuệ dễ vãng sinh, vì có thể đoạn dứt nghi ngờ.
   * Người thiền định dễ vãng sinh, vì không tán loạn.
   * Người trì giới dễ vãng sinh, vì rời xa các điều ô nhiễm.
   * Người bố thí dễ vãng sinh, vì chẳng có cái của ta.
   * Người nhẫn nhục dễ vãng sinh, vì không sân hận.
   * Người tinh tấn dễ vãng sinh, vì không thối chuyển.
   * Người làm thiện chẳng làm việc ác cũng dễ vãng sinh, vì niệm thuần nhất.
   * Người làm điều ác nghiệp báo đã hiện cũng dễ vãng sinh, vì thật sự biết hổ thẹn sợ hãi.
   Tuy có người làm những điều lành nhưng không có tâm thành tín, không có tâm sâu xa, không có tâm phát nguyện hồi hướng thì chẳng được Thượng phẩm Thượng sinh.
   Ôi! Niệm Phật rất dễ thực hành, Tịnh độ rất dễ vãng sinh mà chúng sinh không thể thực hành, không thể vãng sinh, Phật cũng chẳng biết làm thế nào!
   Phàm tạo nghiệp ác đi vào con đường đau khổ, niệm A-di-đà vãng sinh miền Cực Lạc. Hai câu nói ấy đều là lời Phật. Thế mà người đời sợ đọa địa ngục lại nghi việc vãng sinh. Như vậy không phải là mê lầm lắm sao?
Pháp sư Huệ Viễn đời Đông Tấn cùng với các bậc cao sĩ đương thời như Lưu Di Dân… kết Bạch Liên Xã ở Lô Sơn bởi vì rất mực thành tín đối với pháp này. Bảy trăm năm sau, kẻ Tăng người tục tu trì được cảm ứng không phải ít, đều thấy rõ trong truyện ký, lẽ nào là điều lừa dối?
   Các bậc tán dương phụ trợ giáo lý của Phật Di Đà sách vở chất cao như núi, song chỉ có một quyển Niệm Phật Cảnh của Đại sư Thiện Đạo là bậc nhất. Đại sư dẫn chứng lời nói của bậc Thánh để giải quyết nghi hoặc. Nhà tối ngàn năm, mặt trời chợt hiện ánh sáng có thừa; đường biển ngàn dặm, thuyền tốt chẳng nhọc nhằn tự lực. Nếu chẳng phải là hậu thân của ngài Pháp Tạng thì Sư chẳng được như thế!
   Dương Kiệt ở thành đô đã từng được quyển sách này, đọc những lời dạy trong đây thảy đều tín phục. Từ khi bị xử phạt khắc nghiệt, cảm ngộ càng sâu, nay đem văn này lưu truyền rộng rãi, do đó ghi lời tựa.  

                                                                                        Trung thu Bính Thìn
                                                                                   năm thứ chín Hy Ninh (1706)
                                                                                        Dương Kiệt kính ghi