Bắc truyền
Kinh Địa Tạng
Hòa Thượng Thích Trí Quang (Dịch giải)
23/07/2554 12:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Phẩm X

TRẮC LƯỢNG CÔNG ÐỨC BỐ THÍ

 

Địa tạng đại sĩ, lúc ấy, vâng theo uy thần của Ðức Thế Tôn, đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, quì xuống, chắp tay mà thưa, bạch Ðức Thế Tôn, con quan sát những kẻ ở trong các nẻo đường của nghiệp, trắc lượng sự bố thí của họ thì thấy có nhẹ có nặng, có sự hưởng phước một đời, có sự hưởng phước mười đời, có sự hưởng phước lớn trong trăm đời ngàn đời. Vì lý do nào, con thỉnh cầu Ðức Thế Tôn dạy cho con rõ. Ðức Thế Tôn dạy, Địa tạng đại sĩ, hôm nay, trước toàn thể đại hội các chúng tại Đao lợi thiên cung như thế này, Như lai sẽ nói về sự bố thí tại châu Diêm phù, bằng cách trắc lượng công đức nhẹ nặng của sự ấy. Đại sĩ hãy nghe cho kỹ Như lai sẽ nói cho. Địa tạng đại sĩ bạch Ðức Thế Tôn, con hoài nghi về việc ấy, nên rất ước muốn và thích thú được nghe.

Ðức Thế Tôn dạy Địa tạng đại sĩ, tại châu Diêm phù ở về phía nam này, những vị quốc chúa, tể tướng đại thần, đại trưởng giả, đại sát lợi, đại bà la môn, gặp những người rất thấp, rất nghèo, cho đến tật nguyền, câm ngọng, điếc lác, đui mù, cơ thể đủ cách không hoàn chỉnh như vậy, mà những vị quốc chúa cho đến bà la môn, trong lúc bố thí, vẫn đủ từ tâm rộng rãi, hạ lòng mình xuống, cười đón vui vẻ, tự tay đưa khắp cho họ, hay tự bảo người khác đưa giúp, dịu dàng an ủi, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy được phước như hiến cúng chư Phật nhiều bằng số cát của một trăm sông Hằng. Lý do là vì quốc chúa cho đến bà la môn mà đối với những người rất thấp, rất nghèo, cơ thể không hoàn chỉnh, lại có từ tâm rộng rãi, nên phước của họ được có cái quả báo là trong trăm ngàn đời, bảy thứ quí báu còn luôn luôn đầy đủ, huống chi y phục, thực phẩm và những thứ cần dùng khác.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn gặp được chùa tháp của Phật, hình tượng của Phật, hình tượng của Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, đích thân sắm đồ mà hiến cúng, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy được phước ba kiếp làm thân Đế thích, hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Nếu biết đem cái phước bố thí như vậy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy trong mười kiếp thường làm Phạn vương.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn gặp được chùa tháp hay kinh tượng của Phật quá khứ bị hư hỏng mà biết phát tâm tu bổ, bằng cách tự mình lo liệu hay khuyến khích người khác, cả trăm cả ngàn người, hiến cúng để kết mối liên hệ tốt đẹp với Phật, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy trăm ngàn đời thường làm Luân vương, còn những người chung sức thì cũng với số đời ấy thường làm quốc chúa. Nếu còn biết đem công đức như vậy đối trước chùa tháp hay kinh tượng đã tu bổ mà phát nguyện hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy, cùng những người chung sức với họ, đều sẽ làm Phật, vì lẽ quả báo của sự hiến cúng như thế này thật vô lượng vô biên.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn thấy những người già cả, những người bịnh tật và những kẻ sản phụ mà, dẫu chỉ một lúc, phát ra từ tâm rộng rãi, chu cấp dược phẩm, đồ ăn, thức uống và đồ nằm cho họ yên vui, thì phước này rất bất khả tư nghị, trong một trăm kiếp thường làm chúa trời Tịnh cư, trong hai trăm kiếp thường làm chúa trời Lục dục, cho đến cuối cùng thì trở thành một Đức Phật đà chứ không bao giờ còn sa vào đường dữ, cả trăm cả ngàn đời thính giác không nghe đến âm thanh đau khổ [55b] .

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn làm được những sự bố thí như trên đây thì được phước vô lượng. Nếu còn đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì bất cứ bố thí nhiều hay ít, cuối cùng thành Phật tất cả, huống chi làm Đế thích, Phạn vương hay Luân vương. Vì lý do này, Địa tạng đại sĩ, hãy khuyến khích mọi người nên học tập sự bố thí như vậy.

Lại nữa, Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào y theo giáo pháp của Như lai mà gieo trồng gốc rễ điều lành, thì điều lành ấy dầu chỉ bằng lông tóc cát bụi đi nữa, phước báo họ nhận được cũng không thể ví dụ.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được mà biết hiến cúng hình tượng của Phật đà, của Bồ tát, Duyên giác hay Luân vương, thì được phước vô lượng, thường ở trong nhân loại hay trên chư thiên mà hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Nếu biết đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo họ nhận được không thể ví dụ.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được kinh điển đại thừa, dầu chỉ nghe một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa, mà thiết tha, trân trọng, xưng tụng, tôn kính và hiến cúng, thì kẻ đó được phước báo vĩ đại, có tính chất vô lượng vô biên. Nếu biết đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo họ nhận được không thể ví dụ.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được chùa tháp của Phật và kinh điển đại thừa, loại mới thì hiến cúng, xưng tụng, tôn kính, chắp tay, chiêm ngưỡng và lễ bái; loại cũ hoặc hỏng thì tu bổ bằng cách phát tâm ra sức một mình, hay khuyến khích nhiều người phát tâm chung sức. Những người chung sức thì trong ba mươi đời thường làm quốc chúa, còn người chủ xướng thì làm luân vương, lại đem pháp lành khuyến hóa thêm nữa cho các vị quốc chúa.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào y theo giáo pháp của Như lai mà gieo trồng gốc rễ điều lành như bố thí hiến cúng, như tu tạo chùa tháp, như chỉnh trang kinh điển, thì dẫu chỉ bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hạt cát, một giọt nước đi nữa, điều lành như vậy nếu biết đem hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo người ấy nhận được là trăm ngàn đời hưởng sự yên vui tuyệt diệu và thượng đẳng. Nếu chỉ biết đem cầu nguyện cho thân thuộc trong gia đình của mình, hay chỉ biết đem cầu nguyện cho lợi ích bản thân, thì kết quả chỉ hưởng được yên vui trong ba đời mà thôi. Như vậy thì biết bỏ một mới được cả vạn.

Địa tạng đại sĩ, nhân tố và phước báo của sự bố thí là như vậy.

Tiêu điểm: