Phật học cơ bản
Những Bài Giảng Của HT Thích Giác Quang
Thích Giác Quang
05/01/2555 00:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Suốt 49 năm hoằng hoá, Đức Thế Tôn đã đi khắp Ấn độ, tuỳ căn cơ và hoàn cảnh mà nói vô lượng pháp môn tu tập, giúp chúng sanh hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Sau khi chứng đắc vô thượng Bồ Đề, Đức Thế Tôn đã độ cho năm anh em Kiều Trần Như. Với những người đệ tử đầu tiên, Ngài dạy: “Này các Tỳ Kheo, hãy đi truyền bá Chánh Pháp hết thảy mọi nơi. Hãy đi một nơi một người, đừng đi một nơi hai người, hãy nỗ lực truyền bá Chánh Pháp không biết mỏi. Làm cho Chánh Pháp của Như Lai ăn sâu vào tiềm thức của mọi loài chúng sanh”. Tuân theo lời Phật dạy, các đệ tử của Ngài đã đem Phật pháp truyền bá khắp muôn nơi. Vua Asoka phổ biến Phật pháp trên toàn cỏi Ấn Độ, Vua Lương Võ Đế của Trung Hoa cho xây hàng vạn ngôi chùa, Vua Trần Nhân Tôn của nước ta đã từ bỏ ngai vàng, xuất gia tu tập, lấy phật pháp áp dụng vào việc trị nước, tạo nên một nước Việt Nam thịnh trị, thái bình.
Mặc dù đã cố gắng thực hiện lời nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nhưng chúng ta vẫn chưa đem được giáo pháp vô thượng thậm thâm của Đức Phật đến với quảng đại chúng sanh. Phật giáo chỉ mới truyền bá đến đông đảo đồng bào dân tộc Kinh, người Hoa, người Khmer. Thế nhưng, vẫn còn nhiều dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện để tiếp cận và tu học Phật pháp. Ngoài ra, với quan điểm của Phật giáo, vùng sâu vùng xa còn là những nơi mà Phật giáo chưa phát triển, những nơi này có thể là vùng quê nghèo nàn hẻo lánh hoặc vùng phồn hoa đô hội chưa có duyên lành để tiếp cận Chánh Pháp. Điều này chứng tỏ công tác hoằng pháp chưa được phát huy tích cực để mang lại kết quả thiết thực. Vì thế, nhiệm vụ của hoằng pháp là phải đẩy mạnh bánh xe chánh pháp, đem giáo pháp thậm thâm truyền thụ khắp nhân gian, nơi nào chúng sanh cần ta đến, lấy mục đích làm cứu cánh, lấy lợi ích của chúng sanh làm hoài bão, phát nguyện lực vô biên, lập chí vô uý.

Phật dạy: “Chư tăng tắm mình trong chánh pháp, thực hành chánh pháp, suy nghĩ công cuộc hoằng pháp lợi sanh, Chư Tăng ấy không bao giờ phí tổn cuộc đời”. Thế nên, Tăng Ni ngày nay cần xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của mình về hoằng pháp, nhất là giới trẻ, để góp phần xây dựng Chánh Pháp của Đức Như Lai.

Phải thừa nhận một thực tế là ở vùng sâu, vùng xa, mạng lưới hoằng pháp vừa thiếu lại vừa yếu. Nhiều ngôi chùa đã tổ chức các khoá tu cho Phật tư, nhưng do địa bàn xa xôi, khó đi lại nên không thỉnh được giảng sư. Do đó, Trụ trì của chùa thường đảm nhiệm việc thuyết pháp, hoặc mở băng đĩa cho Phật tử được thính pháp.

Thời gian sau này, ở vùng sâu, vùng xa đã xây dựng mới nhiều ngôi chùa, các chùa cũ cũng được trùng tu, thêm nhiều người xuất gia, các đạo tràng phát triển. Tuy nhiên, qua nhiều năm hoạt động, đã bộc lộ một số nhược điểm cần khắc phụcnhư: Mặc dù có phát triển, nhưng số chùa không nhiều mà chủ yếu chỉ tập trung ở các thị thứ đông người; Các Tu sĩ sau khi được đào tạo không về phục vụ ở vùng sâu, vùng xa; Hoằng pháp chỉ chú trọng đối tượng là người Kinh, chưa quan tâm đến các dân tộc thiểu số; Chủ yếu lo việc xây dựng cơ sở vật chất mà ít chú tâm truyền bá đạo pháp, hướng dẫn Phật tử tu tập; Thiếu kết hợp giữa hoằng pháp với công tác từ thiện, giáo dục, công ích xã hội; Chưa được tổ chức bài bản, còn mang tính tự phát.
Từ những ghi nhận trên, thiết nghĩ cần chỉnh đốn một số phương thức và biện pháp thực hiện để đạt hiệu quả thiết thực trong công tác hoằng pháp tại các vùng sâu, vùng xa, mang chánh pháp của Đức Thế Tôn đến với những ai muốn làm con Phật:

- Thời gian qua, Ban Hoằng Pháp Trung Ương đã mỡ nhiều khoá đào tạo giảng sư ngắn và dài hạn, nhưng sau các khoá học, giảng sư thường tập trung tại tập tại các thành phố lớn. Nên chăng, có kế hoạch điều động các giảng sư về vùng sâu, vùng xa. Trườc hết là để các vị tạo công đức cho bản thân, sau là đáp ứng nhu cầu của người dân sinh sống nơi đây muốn tiếp cận giáo pháp.

- Tổ chức những đợt công tác Phật sự để sinh hoạt, giao lưu ở những nơi cần hoằng pháp, đồng thời kết hợp với công tác từ thiện, hỗ trợ xã hội.

- Tổ chức những buổi thuyết pháp, tặng kinh, sách để nâng cao trình độ hiểu biết giáo pháp của Phật tử.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho hoằng pháp viên ở những vùng sâu, vùng xa, đối tượng là Tăng Ni hoặc Phật tử tại địa phương.

- Trợ giúp phương tiện để xây chùa, niệm Phật đường nhằm tạo nơi tập trung, làm chỗ dựa an lành với đạo pháp của Phật tử trong cuộc sống nhiều khó khăn và bất trắc.

Hoằng pháp là truyền giáo pháp của Đức Thế Tôn đến với toàn thể chúng sanh, trong đó có cả những người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, kể cả các dân tộc thiểu số với mục đích: Truyền trì mạng mạch Phật pháp để cho Chánh Pháp của Phật cửu trụ Ta bà. Sự nghiệp hoằng pháp luôn đa dạng, phong phú và mang tính thời đại. Thế nên, quan tâm đến hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa là thể hiện tính xã hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh của những người đang mong chờ thuyền Từ để về bến Giác.

Thiết nghĩ, vì sự phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam, vì sự bền vững của đạo pháp, vì sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, lợi lộc quần sanh, nên có một chương trình cụ thể và cấp thiết để đưa giáo lý của Đức Thế Tôn đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số nhằm tích cực phát huy đạo pháp trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển.

Nơi nào chúng sanh cần, ta đến!

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
HT Thích Giác Quang
Phó ban Hoằng pháp THPG Đồng Nai