Phật học cơ bản
Những Bài Giảng Của HT Thích Giác Quang
Thích Giác Quang
05/01/2555 00:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Nói đến ngày tết hay ngày Nguyên đán, tức là ngày đầu năm, biết bao nhiêu câu chuyện của ngày xuân, chuyện vui, chuyện cúng kiến, chuyện tín ngưỡng… mà người ta muốn nói để giúp vui cửa vui nhà, vui xóm làng thôn lân bè bạn!

Trong đạo Phật, những người học đạo giải thoát không liên quan gì đến những tục lệ, nhưng cũng muốn giúp vui cho mọi người, có những câu chuyện để nói, tạo cho mọi người cùng vui xuân, cũng vừa là nhắc lại những chuyện xưa tích cũ, những việc ít ai để ý, hoặc có quan tâm thực hiện, nhưng cũng chỉ biết “xưa bày nay vẽ”, mà cúng bái, không biết việc cúng bái đó vì sao mà cúng, xuất phát từ đâu mà cúng bái, cúng bái có ích gì!

Nay xin kể cho các bạn nghe về một vài chuyện xưa tích cũ, nhưng vui “về tục lệ tế tự, tế các thần vào những ngày đầu xuân”.

Lễ tế tự (cúng ông bà)

Việc tế tự tổ tiên không phải là chỉ cốt cho linh hồn tổ tiên khỏi khổ, mà còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, là nhớ ơn sinh thành của tổ tiên (phục bản phản thủy) và lưu truyền nòi giống mãi mãi về sau (vĩnh truyền tôn thống), cho nên ta có thể cho rằng tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích (Việt Nam Văn hóa sử cương,của Đào Duy Anh, trang 205,206)

Người chủ trì việc tế tự tổ tiên là gia trưởng ở trong gia đình và tộc trưởng ở trong gia tộc. Những ngày phải làm việc tế tự là ngày giổ chạp, kỵ giổ ngày tết. Ngày tết Nguyên đán từ ngày 30 tháng chạp, thường là vào lúc 11,12 giờ trưa, trong lúc mọi nhà, mọi giới đều ngưng công việc ngoài xã hội, trở về nhà chuẩn bị vui xuân, mà việc trước nhất là người ta thường làm lễ “rước ông bà”. Rồi tiếp đến trong ba ngày mùng một, mùng hai, mùng ba thì suốt đêm ngày lúc nào cũng có hương đèn và lễ vật để cúng tổ tiên. Đến chiều mùng 3 hay sáng mùng 4 thì làm lễ “đưa ông bà” và đốt vàng bạc và đốt quần áo giấy đã cúng trong ba ngày tết (việc đốt vàng mã thấy có ở nông thôn, theo tục lệ xưa của dân gian, ngày nay ít thấy. Người Phật tử Việt Nam,vẫn còn thực hiện việc tế lễ ông bà, nhưng không có đốt vàng mã…)

Lễ tế thần đất (động thổ):

Thông thường, xưa nay người dân ở vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Aù, trong những ngày đầu xuân, từ làng trên đến xóm dưới mỗi nhà, hoặc những người làm ăn mua bán tại các cửa hiệu thường xin ngày, hoặc chọn giờ tốt để làm lễ động thổ (lễ tế thần đất). Vậy động thổ có nghĩa là gì?

Động thổ có nghĩa là động đến đất. Trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần, để xin được động đến đất trong năm mới. Lễ tế động đất bắt đầu từ năm thứ 113 trước Tây lịch, đời vua Hán Vũ Đế của Trung Hoa, khi lên ngôi vua, nhận thấy các triều đại trước chỉ có làm lễ tế Trời mà không có tế Đất, mới bàn bạc cùng quần thần, chế tác nghi lễ tế Thần Đất.

Nghi lễ tế thần đất bên Trung Hoa ngày xưa như sau: người ta đào một cái ao, ở giữa có một nền tròn, trên nền tròn có 5 bệ, trên mỗi bệ đều có lễ tam sinh (tam sên), gồm thịt bò, heo, dê. Lễ phục của quý vị chủ tế và bồi bái đều nàu vàng. Lễ động thổ đầu tiên được tổ chức tại đất Hoài Khưu, thuộc đất Tấn. Lễ tế thần đất, thường được tổ chức nhiều nhất trong những năm mất mùa, hạn hán, thiên tai địch họa gieo rắc trong dân gian (chuyện lạ bốn phương, số đặc biệt Xuân Giáp Tuất, trang 53)

Ngày xưa, ở Việt Nam lễ động thổ cũng được tổ chức từ triều đình đến dân gian, nhưng về sau chỉ tồn tại trong dân chúng. Tại triều đình An Nam (nước Việt) Thần Đất được tế tại đàn Nam Giao (tế trời đất). Lễ được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 3 tết, giúp cho dân làng có thể động đến đất và cuốc xới được. Lễ Động Thổ không nhất định là ngày nào, nhưng để giúp dân chúng tiện việc làm ăn, nhiều người trong làng thường cử hành lễ này sau ba ngày tết, tức là ngày mùng 3. lễ vật cũng gồm hương đăng, trầu rượu, y phục, kim ngân, đồ mã. Trong buổi lễ, ông chủ tế mặc áo thụng xanh dùng cuốc, cuốc mấy nhát xuống đất, rồi lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, tường trình với “Ngài Thổ Thần” xin cho dân làng được Động Thổ. Trong ba ngày tết, khi chưa làm lễ Động Thổ (nhà quê nhà vườn còn gọi là tết vườn), không ai được phép đụng chạm đến đất, nếu đụng chạm đến đất đến vườn tượt sẽ bị ông bà quở phạt, bệnh hoạn, làm ăn không khấm khá! Thậm chí trong những ngày tết nếu có người chết, mà chưa làm lễ tế Động Thổ cũng phải chờ qua hết 3 ngày tết rồi mới chôn cất an táng (chuyện lạ bốn phương, số đặc biệt Xuân Giáp Tuất, trang 53)

Người Việt Nam chọn đất chôn cất rất kỹ, mồ mã ông bà phải hợp với phong thổ, nhất là tin tưởng vào việc xem phong thủy, phải chôn cất thế nào để con cháu trong tương lai phát triển kinh tế, phát triển môn phong. Nhìn chung người Việt Nam rất quan trọng việc sanh cũng như việc tử “sống cũng lo mà chết lại lo càng nhiều”. Việc đào ao, kênh rạch, đắp nền nhà, dỡ nhà xây cất lại cũng phải chọn ngày lành tháng tốt, chọn phương hướng chuẩn xác rồi mới khởi công.
Đối với dân gian, nhất là người Việt ta xem vị Thổ Thần là vị thần linh có mặt khắp nơi trên vườn tượt, ruộng đồng, nhà cửa…vào những ngày Sóc (mùng 01), ngày vọng (rằm) dù cúng kiến gì thì cúng, nhưng cũng không quên cúng “thần hoàng thổ địa dất đai viên trạch”, gọi chung là “cúng đất đai”.

Lễ tế thần nông

Lễ tế thần nông cũng được coi là một đại lễ – thần nông là thủy tổ của nghề nông – là vị Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân làm nghề nông, chế ra những dụng cụ như cái cày, cái bừa, cái trục, tế thần nông thường được cử hành vào ngày đầu xuân:”ngày lập xuân” còn gọi là Tế Xuân.

Lễ tịch điền (tế điền)

Cũng chính được vua Thần Nông đặt ra. Ngày xưa ở Trung Quốc, mỗi lần xuân đến, nhà vua tự tay cày mấy luống để làm gương cho dân chúng. Lễ được cử hành trong ngày hội đầu xuân. Nhà vua ngự trên một cổ xe, đem theo cày bừa đi thẳng tới ruộng, có văn võ bá quan theo hầu, quân lính và dân chúng theo sau. Rồi nhà vua xuống ruộng cày ba luống, các công khác đại phu cày bảy luống, sĩ phu cày chín luống. Sau đến lượt dân chúng cũng vào miếng ruộng nầy cày bừa, hoa mầu trong phần đất nầy khi thu hoạch thì để dùng vào việc tế lễ.

Lễ cúng Thổ Công

Vào ngày 23 tháng Chạp dân gian có nhắc đến một vị thần tuy giữ một địa vị rất khiêm nhường, nhưng cũng không kém phần quan trọng, gắn bó với mọi người, được thờ trong nhà, theo người Trung Hoa thì chính xác gọi là Thần Đất (Ngũ phương ngũ thổ).

Lễ cúng giao thừa đối với người Phật tử Việt Nam hiện nay thì thường là làm lễ rước vía Đức Di Lặc, nhưng cũng không quên tục lệ cúng rước ông bà, rước thánh thần tiên, trong đó có thần Thổ Công, vị thần cai quản trong nhà. Người Trung Hoa coi thần Thổ công như Thần Đất, lập bàn thờ sát đất để thờ phượng.

Lễ đưa ông Táo (Thổ công)

Ở Việt Nam ông Thổ Công không lo việc đất đai mà lo việc trong nhà, biến thành thần bếp núc, lo việc bếp núc cho dân tình, tức là Táo Quân.

Táo Quân cũng được quần chúng Việt Nam bảo ban cho một điển tích khác với điển tích của người Trung Hoa, bởi câu chuyện thương tâm, mối tình tay ba, hai ông một bà. Lễ cúng Táo quân (Thổ Công ) cũng là ngày 23 tháng chạp được người Việt Nam và Trung Hoa tổ chức cúng kiến trọng thể. Theo tín ngưỡng xưa thì ngày 23 cúng Oâng Táo (Thổ Công) đưa ông (thậm chí còn có thể tin là có cả bà Táo) lên chầu Ngọc Hoàng để báo cáo về những diễn biến thế gian, những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian.

Người ở trần gian sợ lắm, sợ ông bà Táo về Trời tâu không đúng, hoặc báo cáo thêm bớt, nên xem việc cúng tiển đưa ông Táo, bà Táo rất trọng thị. Ngoài việc cúng chè xôi, hương đăng trà quả, còn phải cúng dâng đôi cá chép để tặng ông Táo cởi đi về trời cho nhanh. Mua một gói kẹo cúng ông Táo, bà Táo để Oâng Bà về trời tâu rổi những lời dịu ngọt che giấu bớt những điều tội lỗi của thế gian mà những người cúng đã làm trong năm qua. (Việt Nam Văn hóa sử cương, của Đào Duy Anh, trang 207)

Qua những tế lễ long trọng kể trên, tuy gần như là dã sử, hay chuyện cổ tích đặt điều của dân tình ngày xưa, nhưng người ta thấy đất là một cái gì thiêng liêng nhất đối với người nông dân, cũng như ngay cả đến hàng vua chúa xưa kia cũng như ngày nay. Sự ràng buộc linh thiêng giữa đất (đất cũng chính là Mẹ) và người (đứa con được sinh ra từ lòng đất Mẹ) trở thành một mãng văn hóa lớn của tình yêu thương (nơi chôn nhao cắt rún), một thứ tình yêu tha thiết: yêu quê hương, yêu quê Mẹ, yêu nước non nơi ta được sinh ra…Vâng “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi”.