Phật học cơ bản
Pháp hải thích nghi
Tác giả: Thích Tâm An
26/05/2553 05:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chánh tri chánh kiến
 
   Hỏi: Kính bạch Hòa thượng, vì sao cần phải xây dựng đạo tràng lớn? Hiện tại, đạo tràng chúng ta đã lớn rồi, các nơi khác xây dựng thêm đạo tràng làm gì nữa?

   Đáp: Như một đất nước muốn đào tạo nhân tài, trước tiên cần phải có trường học, không có trường học không làm sao chiêu sinh được. Cũng thế, nhà Phật chúng ta nếu không có đạo tràng thì làm sao giúp người tu đạo. Nói đơn giản, muốn chế tạo máy móc cần phải có nhà máy, như muốn chế máy bay thì cần phải có nhà máy lớn đặc thù. Do vậy, việc chúng ta thành lập một đạo tràng lớn, điều đó cũng giống như kiến tạo một nhà máy phi cơ vậy. Có máy bay mới có thể bay đi khắp thế giới. Thuyền chỉ đi trên nước, xe chỉ chạy trên đường, nhưng chỉ có máy bay mới có thể bay được khắp mọi nơi trên thế giới. Tương tự thế, nếu có đạo tràng lớn mới có thể làm Phật sự lớn; đạo tràng nhỏ, chùa nhỏ không thể làm Phật sự được, cho nên, đối với Phật pháp, nhất định cần phải có đạo tràng lớn, điều này vì hai mục đích: một, rộng độ chúng sinh; hai, độ được cứu cánh triệt để, giúp người có thể chân chính tự tu và lợi tha. Vì sao cần phải tự tu? Vì mục đích lợi tha! Thế nào là lợi tha? Là phải tạo ra 84000 đạo tràng mới có thể phổ độ hết thảy chúng sinh được. Không lẽ bạn chỉ muốn sử dụng một hai đạo tràng để hóa độ chúng sinh thôi sao? Tâm lượng như vậy có thật nhỏ hẹp? Đừng như ánh sáng của con đom đóm, chỉ nhấp nháy một vùng; đừng như con kiến càng, chỉ bò đi kiếm ăn một giờ là đầy đủ… chúng ta không thể như thế! Phải nên biết có vô lượng vô biên chúng sinh đang cần chúng ta hóa độ, nên mọi người cần phải phát tâm hỗ trợ. Chỉ có ủng hộ, tán thán, nhất định không nên rẽ chia. Làm một việc, nói một câu nói có tính chất chia rẽ đạo tràng, tội lỗi đó thật vô cùng lớn.

   Hỏi: Lão Hòa thượng dạy chúng con phải ngồi xếp bằng niệm Phật, song ngồi đến một giai đoạn nào đó thì gân rút nhức nhối. Chúng con rất muốn đắc Bảo tạng như lời khai thị của Ngài, nhưng ngồi lâu đau nhức lại khởi lên, trong thân rất nhức nhối, nếu cố tiếp tục, tâm cũng chỉ loạn động thôi. Theo Hòa thượng, chúng con phải làm sao? Điều này, y học cho là một trong những yếu tố làm tổn hao phế quản. Như người niệm Phật vào giờ phút lâm chung, phải nhất tâm bất loạn mới có thể vãng sinh, nhưng nếu gặp phải đớn đau khổ não, người đó có được vãng sinh không? Có thể nhất tâm bất loạn không? Kính thỉnh Hòa thượng khai thị điều này cho chúng con–những người sơ cơ học đạo–có rất nhiều chướng ngại, không thể giải quyết được!

   Đáp: Nhân sinh là khổ, hành đạo Bồ đề lại càng khổ hơn. Song cái khổ của nhân sinh vốn đã khổ lại càng thêm khổ, không ngày giải thoát. Người hành đạo Bồ đề tuy cũng khổ, nhưng thực ra (tu hành) cũng không có gì là khổ, chỉ sửa đổi tập khí lỗi lầm sau mới được an vui. Nói xa hơn, như hút thuốc, uống rượu là tập khí của ngày sau (theo Duy thức học, chủng tử này có tên Câu sinh pháp chấp), sở dĩ gọi vậy là vì những tập khí này, chúng ta sẽ huân tập sau khi lọt lòng mẹ, do huân tập lâu ngày nên thành thói quen. Vẫn biết hút thuốc, uống rượu chỉ hại chứ không có lợi, song muốn dứt bỏ những tập khí này, thật sự không đơn giản. Nếu hiểu dùng chúng là khổ, nhất định phải bỏ đi, bỏ đi sẽ không thấy khổ nữa. Không hút thuốc, uống rượu có rất nhiều điều lợi, vừa không tốn tiền mà thân thể còn được mạnh khỏe, lại không phế bỏ công việc sinh nhai.

   Hiện tại, chúng ta tịnh tọa có đau đớn, đó là vì chúng ta đang sửa đổi những tập khí phàm phu, giống như đem thân mình mà luyện thành thép vậy, nếu không luyện thì sẽ không thành. Như gỗ không khắc không ra tượng Phật, dù lúc làm phải đục, phải đẽo rất khó khăn. Thế gian có câu: “Luyện được cái khổ trong cái khổ mới là người thượng nhân”, hay “Nhất kinh nhất phiến hàn triệt cốt, trảm đắc mai hoa phác tỷ hương”. Nghĩa là: “Chẳng phải một phen sương lạnh buốt, hoa mai đâu thể ngửi mùi hương”. Lúc ngồi công phu cũng vậy, ban đầu đau chân, dần dần đau xương chậu, đau lưng rồi đến đỉnh đầu, kế tiếp trên thân toát mồ hôi… đó là những giai đoạn mà cơ thể trải qua để lưu thông huyết quản. Huyết quản một khi lưu thông sẽ hết đau đớn. Tịnh tọa phải ngồi xếp bằng mới có thể vào sâu định được, nếu không đau đớn sẽ khởi lên. Thử hỏi chúng ta có thể nhập định được không? Có đạt được nhất tâm bất loạn không? Khó lắm! Cho nên, lúc công phu, nhất định phải trải qua những giai đoạn này. Chỉ có luyện tập, công phu mới có thể tiến bộ, mới đạt đến an lạc. Trái lại, nếu sợ đau đớn, mãi mãi chúng ta chỉ trôi nổi trong đau khổ mà thôi.

   Để có được hạt cơm mang đến cho người dùng, người làm nông phải gieo trồng hạt giống, chịu nhiều vất vả, dãi nắng dầm mưa. Còn nếu sợ khổ nhọc, không trồng trọt cày bừa thì làm sao có lúa? Nếu không có lúa, lấy đâu để thu, lấy đâu để ăn, để chứa! Cho nên, bạn nên biết: “Chư Phật lấy khổ làm thầy”, chính trong cái khổ mà chịu đựng được mới có thể thành tựu, trở thành người tài. Về vấn đề tổn hao thần khí cũng vậy, Phật pháp dạy có hai loại bố thí, là nội tài và ngoại tài. Phàm những gì thuộc ngoài thân thể gọi là ngoại tài, như nhà cửa, động sản, bất động sản… Riêng tổn hao thần khí thuộc về bố thí nội tài, là chân chính hành Bồ tát đạo, giống như ngài Xá Lợi Phất lúc mới phát tâm Bồ đề, liền có người tìm đến Ngài để xin bố thí mắt vậy.

   Tổn hao thần khí hay không đó là vấn đề quan niệm, khổ hay không khổ cũng là quan niệm. Cứ xem như mình xả bỏ thân mạng để cứu người, vả lại, thân mạng này chết rồi có gì nắm giữ được đâu? Do đó, bạn cần phải nhẫn nhục thọ khổ, hào hùng mà làm, không luận là khổ ra sao đều phải nhận thọ. Nếu có quan niệm không đúng, tư tưởng không thông, căn bản là do không xả được, nên dù có muốn bỏ thì cũng không bỏ được, không đau cũng sợ đau.

   Ví dụ khi chúng ta thọ Bồ tát giới, trước tiên cần phải đốt liều. Khi chưa thọ giới, thấy người khác đốt liều cúng dường chư Phật để tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ, tự mình cũng muốn đốt, song lúc đốt, nếu nói không đau là tự dối người. Như vậy, lúc bị đốt có đau hay không? Tuy có đau, song phải hoan hỷ thọ nhận, vì tự mình đã phát nguyện. Do đó, bạn cần phải chân chính phát tâm Bồ đề, không chỉ là đốt liều, thậm chí tổn hao phế quản cũng nên hoan hỷ nữa. Bậc đại Bồ tát một khi phát tâm, đối với người khác có thể bố thí ân đức, bố thí tai, mắt… Nếu như bạn không biết xả bỏ, ngoại tài không xả được thì làm sao xả bỏ nội tài? Hiện nay, tìm một người bố thí một sợi lông mày cũng không có, đừng nói gì đến bố thí mắt. Thế nên, tất cả hoàn toàn đều do quan niệm mà ra, như vãng sinh hay không cũng do quan niệm của mỗi người. Không có ai lúc ngồi mà không đau, khi đau đến mà không khởi tâm sân hận sẽ khó có thể nhận chịu. Nhưng nếu phát tâm Bồ đề cứu người, đau đớn có thể nhận chịu được, cho đến việc tổn hao phế quản cũng vậy, vì thế, làm hay không là tùy ở chúng ta.

   Phật pháp nói vạn hạnh đều có thể hồi hướng Tây phương. Nếu bạn lấy tâm hoan hỷ mà dụng công, lấy công đức hồi hướng về đó, được vậy, chẳng những không chướng ngại cho việc vãng sinh mà còn làm tăng trưởng công đức vãng sinh của bạn. Cho nên, làm hay không đều tùy thuộc ở nơi có phát tâm Bồ đề hay không của mọi người.

   Hỏi: Nếu như phát tâm vì người mà tổn hao khí quản, nhưng người thọ nhận lại được sống lâu tạo thêm nghiệp tội, vậy tổn hao khí quản đâu có ý nghĩa gì? 

   Đáp: Không thể nói như vậy được. Giống như người bị bệnh hiểm nguy cần phải chữa trị đông tây, phải tìm cách cứu giúp. Có hảo tâm giúp người, việc đó không tốt hay sao? Tuy nhiên, người này nói có lý của người này, người kia nói có lý của người kia, chúng ta chỉ nên y theo đạo lý lớn, không y theo đạo lý nhỏ nhỏ là được. Bồ tát tuy lấy đạo cứu người làm đệ nhất, nhưng nếu người cứ tạo nghiệp tội, thì đó lại là vấn đề của nhân quả. Bạn phát tâm giúp người, mục đích chỉ để thành tựu đạo Bồ tát của mình, bằng không, nếu y theo lời bạn nói thì việc của bạn sẽ không đúng với người bị bệnh chết, vậy tôi lại khuyên bạn làm thế để làm gì?

   Hỏi: Dựa trên quan điểm tôn giáo mà xét, theo Hòa thượng, việc tổn hao xương tủy nên làm khi nào?
   Đáp: Phàm những gì mang đến lợi ích cho người và mình, đều có thể làm và nên làm.
   Phật tử:
Con xin nói thêm vấn đề trước. Ngày thứ nhất con bị hôn trầm, ngày thứ hai có đau, ngày thứ ba lại càng đau hơn nữa. Vì lúc đầu không hôn trầm nên con rất phấn khởi, những lúc đau nhức khởi lên, con càng niệm danh hiệu Phật lớn, tất cả đau nhức khi ấy đều biến thành A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…
   Đáp: Đúng, đúng như vậy!

   Phật tử: Song đến ngày thứ tư, đau nhức lại khởi lên, vì muốn vượt qua nó nên con đã khởi quán các pháp vô thường, nhưng con thấy cơn đau lại kéo dài hơn. Con lại đề khởi chánh niệm, niệm danh hiệu Phật thì cảm giác đau không còn nữa.

   Đáp: Nói có cảm giác đau, nhưng kỳ thật, một khi khí huyết đã thông suốt điều hòa, cảm giác đau sẽ không còn nữa.

   Phật tử: Con quán các pháp vô thường, vậy là quá ngu si, là tự dối. Nếu con tự nhìn thẳng vào cơn đau lập tức cảm giác đau sẽ không còn nữa. Không cần người khác ca ngợi, con cũng tự thấy phấn khởi rồi.

   Đáp: Bạn là minh sư, là tối mô phạm, “học thầy không tày học bạn” mà, vạn pháp đều duy tâm. Bạn càng sợ đau thì đau càng tăng, vậy sự dụng công chân thật phải ngay nơi cơn đau đó mà đối trị. Cho nên, Phật pháp có nói: “Chư Phật lấy khổ làm thầy”, hay “nên nhớ sự khổ của địa ngục mà thường phát tâm Bồ đề”. Nỗi khổ của địa ngục có rất nhiều loại, mà cũng không cần nói chi cái khổ địa ngục nghe quá xa xôi, ngay lúc bệnh hoạn cũng đủ làm cho mình thống khổ. Vì vậy, bình thường bạn nên nhớ nghĩ đến những nỗi khổ đó. Muốn không bệnh khổ mà không chịu tu hành, làm sao có thể trừ khổ? Đây là điểm cốt yếu, bạn nhất định phải biết.

   Hỏi: Người chết rồi có cần trợ niệm hay không?
   Đáp: Việc trợ niệm chẳng những có lợi cho người đã mất, mà bản thân người trợ niệm cũng có lợi ích rất lớn, nếu vậy sao lại không làm? Bạn phát tâm trợ niệm rất tốt, nhất là trợ niệm cho người lâm chung, tạo thuận duyên cho họ vãng sinh về Lạc cảnh.
 
   Hỏi: Con có một người bạn dụng công tu hành rất tinh tấn, thậm chí kinh điển Đại thừa một ngày có thể tụng đến mấy mươi quyển, danh hiệu Phật không lìa miệng. Khi người khác ngủ thì người đó lạy Phật, song hành vi của người đó tóm lại khiến cho người khác xem qua không được vừa lòng. Như vậy, công đức tụng kinh niệm Phật của người đó có mất chăng?

   Đáp: Lấy ví dụ cho dễ hiểu, nước chắc chắn lúc nào cũng dập tắt được lửa, nhưng một bát nước không thể dập tắt một xe lửa. Xe lửa đang cháy lớn mà dùng một bát nước sẽ không thể dập tắt được, nhưng không vì thế mà nói nước không có công dụng. Nếu có hai xe nước, có thể ngay lập tức dập tắt được xe lửa đó không? Một xe lửa chỉ cần một xe nước là có thể dập tắt được, nên nhân quả thiện ác đều là pháp tương đối. Như có thông minh thì không ngu dốt, hễ ngu dốt sẽ không thông minh. Cũng vậy, nếu người dụng công tu hành đúng đắn tất nhiên sẽ có những thay đổi về tập khí. Nói đến tập khí, phàm phu không thể nào sửa đổi hết được, chừng nào chứng đến A La Hán, lúc đó ba độc tham, sân, si mới mong đoạn hết. Có một ít tập khí nhỏ cũng giống như có một lọ thuốc độc nhỏ, nếu đổ thuốc ra hết, lọ mới có thể sạch được. Song khi mở lọ thuốc đó ra, mùi hôi vẫn còn thoang thoảng. Thuốc tuy đổ ra dễ dàng nhưng khí độc không dễ gì trừ được, cho nên, chứng đến A La Hán, tuy ba độc không còn nhưng vẫn còn tập khí.

   Thời đức Phật còn tại thế, có một vị Tỳ kheo đã chứng A La Hán quả, lần nọ, ông tự dưng leo lên cây nhảy múa, nguyên nhân do ở nhiều đời trước ông sinh làm khỉ vượn. Trí tuệ đệ nhất như tôn giả Xá Lợi Phất, tuy không còn sân hận nhưng vẫn khởi tính khí nóng nảy, ông đã khởi thế nào? Chuyện kể rằng, có một ngày, Xá Lợi Phất được mời đi thọ “biệt thỉnh”. Đệ tử của Ngài là sa di Quân Đề, tìm không thấy thầy đâu nên bạch hỏi Đức Thế Tôn. Thế Tôn đáp: “Sự phụ của con đang thọ biệt thỉnh ở cung vua Ba Tư Nặc”. Giới luật Phật pháp có quy định không được thọ “biệt thỉnh”, một vị Tỳ kheo không được một mình đến nhà tín đồ để thọ cúng dường. Điều này chẳng những không thể hiện được sự trang nghiêm của Phật pháp, mà còn vướng mắc vào tình cảm của thế gian. Một người đặc biệt thỉnh bạn đến nhà là vì tình cảm riêng tư, cho nên giới luật nhà Phật nghiêm cấm là vì lý do đó vậy.

   Phật tử muốn phát tâm cúng dường quý thầy, vì số lượng quá đông, không thể cúng dường hết toàn bộ đại chúng, mà chỉ đủ năng lực cúng dường được cho một thầy, thì có thể. Thế nhưng, thầy này phải do đại chúng đề cử, bạn không thể tự chỉ định một vị nào.

   Xá Lợi Phất sau khi thọ “biệt thỉnh” trở về, sa di Quân Đề hỏi thầy: “Kính bạch thầy, sao hôm nay thầy lại đi thọ biệt thỉnh?”. Xá Lợi Phất nghe qua liền hỏi: “Sao con dám nói thầy đi thọ biệt thỉnh?”.

   Chú sa di đệ tử đáp: “Đức Thế Tôn đã nói như vậy”. Xá Lợi Phất một phen nghe qua liền nổi tính nóng nảy, vội lấy tay móc vào cổ họng làm cho toàn bộ vật thực thọ biệt thỉnh trào ra, liền nói: “Từ nay trở đi, nếu ai có thỉnh ta, ta cũng không đi nữa!”. Bạn xem Xá Lợi Phất là một bậc A La Hán mà vẫn còn tập khí nóng nảy, hà huống gì là phàm phu chúng ta!

   Tập khí chúng ta tích tập từ vô thỉ đến nay, phải chứng đến quả vị Bích Chi Phật mới có thể đoạn hẳn được, cho nên, chúng ta không cần phải nói người ta dụng công tu hành tuy tốt mà còn có tập khí thế nọ thế kia. Nghiệp lực chúng ta tạo tác thật không thể nghĩ bàn. Thế nhưng có trừ được hay không? Đương nhiên có thể trừ được. Tất cả điều đó còn phụ thuộc vào vấn đề thời gian. Người tu hành không thể giải trừ tập khí phiền não, là do công hạnh tu hành chưa đầy đủ, thời gian chưa viên mãn, đây cũng là vấn đề của ba đời nhân quả. Việc đó trong giáo lý nói rất rõ, không có gì nghi ngờ, cũng không nên do đó mà giải đãi, phải nên tinh tấn dụng công. 

   Từ một góc độ khác để nói, tinh tấn dụng công lại khiến người khác xem qua không vừa ý, vậy người đó có thể dựa theo phàm tình để dụng côn, giống như mùi hôi của lọ thuốc độc không bao giờ hết, dù có tẩy sạch đến đâu nhưng một khi bơm vào rau quả, rau quả cũng biến thành độc tố, không thể dùng.

   Đó là những điều cần phải chú ý! Tại sao chúng ta tu hành cần phải đoạn trừ phàm tình, phải có tâm chí thành? Phàm tình ví như lọ thuốc độc, bên trong có chứa mùi hôi. Dù một ngày chúng ta có đọc tụng kinh điển Đại thừa đến 10 quyển, niệm Phật bao nhiêu câu, lạy Phật bao nhiêu lạy, song nếu không đoạn trừ phàm tình, sự dụng công ấy vẫn còn trong đau khổ. Giống như trong một đạo tràng mà không giữ quy củ, khi đại chúng lên chánh điện tu tập thì mình ngủ, đại chúng ngủ mình lại lạy Phật, đại chúng dùng quá đường mình lại không tùy chúng, thậm chí tự lấy bát đến một chỗ khác để ăn… điều đó sẽ làm rối loạn đại chúng, khiến người khác phải động niệm khởi tâm. Nếu dụng công tu hành như thế, rất khó có kết quả.

   Hỏi: Nhà Phật mỗi buổi tụng kinh sáng thường chúc phúc: “Quốc giới an ninh binh cách tiêu, phong điều vũ thuận dân an lạc”, nhất là người tụng mỗi sáng đều thành kính tụng như vậy. Song quốc giới không có an ninh, binh cách cũng không tiêu được, mưa gió lại không thuận hòa. Như vậy, cứu cánh của sự chúc phúc như thế có hoang phí không? Chúng sinh nghiệp chướng sâu nặng có thể chuyển đổi được không?

   Đáp: Không chi là hoang phí, cũng không có định nghiệp nào mà không chuyển được, nên nói: “Định nghiệp không thể chuyển, nhưng nhờ tam muội cộng với gia lực, các chướng ngại từ vô thỉ, cả thảy đều tiêu trừ”. Hơn nữa, công đức niệm Phật có thể chuyển được nghiệp, vậy thì định nghiệp sao lại không thể chuyển? Nếu không chuyển được, Phật pháp sẽ biến thành thường pháp rồi! Vạn pháp đều vô thường, bất định pháp, pháp pháp đều do duyên sinh, nhân duyên diệt rồi thì có gì mà không biến đổi? Nói định nghiệp không thể chuyển nhưng cũng có thể chuyển, nếu không thể chuyển là do duyên chưa đầy đủ. Nên biết rằng, pháp pháp đều tương đối, không có pháp gì mà không thể chuyển, không kể là nghiệp thiện hay ác, tất cả đều có thể chuyển.

   Chúng ta thường nói: “Chén nước có thể tưới xe lửa được không?”. Mọi người đều biết nghiệp lực không thể nghĩ bàn, tạo ác hay làm thiện kỳ thật không phải do hai người làm, mà là đồng một tâm sở tạo. Cho nên sức mạnh của thiện nghiệp, ác nghiệp là cân bằng. Phật lực cũng không thể nghĩ bàn, nghiệp lực cũng không thể nghĩ bàn. Đương nhiên trong hai loại bất khả tư nghị đó thì Phật lực chiếm ưu thế hơn. Tại sao nghiệp lực không phải là bất khả tư nghị trong tất cả các loại bất khả tư nghị? Vì một bên là khổ, một bên là vui, bởi năng lực của ác nghiệp khiến cho bạn phải thọ khổ báo, thân tâm không an nhiên, kết quả chỉ muốn cầu giải thoát, không tiếp tục tạo ác nghiệp nữa. Như vậy, quả báo của thiện nghiệp giúp cho bạn có được an vui, thân tâm thanh tịnh, đương nhiên sẽ thôi thúc bạn tiếp tục tu thiện nghiệp.

   Lấy ví dụ: Lúc chúng ta lấy tay tiếp xúc trên lửa, một khi cảm thấy đau thì liền rút lại, điều đó cũng giống như những người đang tạo ác nghiệp. Ban đầu họ phấn khởi thì làm sao có thể hóa độ họ được? Đến như tội Xiển đề (là tội cực ác của chúng sinh) thì Phật cũng không thể hóa độ được, nếu vậy thì ai có thể có khả năng hóa độ họ? Song, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, phàm có Phật tánh thì có thể thành Phật, người tạo nghiệp ác làm sao có khả năng thành Phật? Phật pháp không có giảng pháp định pháp. Khi một người tự tạo ác nghiệp, đến lúc thọ hết quả khổ thì quả khổ sẽ khiến người đó tự nhiên chuyển tâm tự độ. Trong luận có ghi: “Con người sắp chết, lời nói cũng thiện”, không kể là trộm cướp tội lớn như biển đông, đến lúc lâm chung thọ ác báo, cũng có thể hồi tâm hướng thiện, vì nhờ vào tâm hướng thiện, một mặt sám hối nghiệp ác, một mặt tu thiện tích đức.

   Không nên lầm rằng, Phật pháp tuy nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”, song đồng thời bạn cũng đừng quên Phật có nói: “Các pháp do duyên sinh, cũng do duyên mà diệt”, duyên ác nhiễm nhiều thì sẽ làm ác, nhân duyên tịnh nhiều thì sẽ tu thiện. Cho nên nói: “Tâm vốn không sinh do cảnh có, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay “Đi cần có bạn đường tốt, ở cần có láng giềng tốt”, nếu không thì dù tâm tốt đến đâu cũng không thể làm việc tốt được.

   Phật pháp có câu: “Công không tổn, đức không hao”. Chúng ta cầu “Quốc giới an ninh binh cách tiêu, phong điều vũ thuận dân an lạc”. Tuy nhiên, binh cách không tiêu, mưa gió cũng không điều thuận, song “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”, không tu thì không đắc. Trong lúc quốc gia đang hỗn loạn, một người thiện nhân tu thiện, nhưng đất nước vẫn không có sự chuyển đổi tai nguy. Tính trong một giờ thì không thấy gì chuyển biến, nhưng nếu người ấy phát tâm tu thiện nghiệp, phước đức sẽ tăng tiến dù người đó đang ở trong hoàn cảnh ác nhưng rồi đạo nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Đó là sự bất khả tư nghị của người tu thiện nghiệp.

   Phân biệt quả báo thiện nghiệp là muốn cho mọi người hiểu rõ, chúng sinh chịu quả báo ác nghiệp thì không thể rõ được quả báo thiện nghiệp, chỉ có người thiện nghiệp mới tự mình tiếp thu được quả báo thiện mà thôi. Giống như cha mẹ có phước báo cho con cái, con cái cũng không thể tiếp nhận được, đó là điều vô phước của con cái. Cha mẹ nào đối với con cái cũng đều có tâm thương yêu, việc đó là bình thường không có gì là huyền diệu cả.

   Phật pháp đương nhiên có linh nghiệm, nếu người tu hành tâm không chí thành thì không có linh nghiệm, có chí thành tất có cảm ứng, lúc đó mới có thể chuyển đổi được những nguy nan. Tuy nhiên, người tu đạo thì ít, trong khi người tạo ác nghiệp lại quá nhiều, nên nói tiêu trừ nguy nan cho cả một tập thể là điều không thể được, nếu có thì chỉ có thể tiêu trừ được một phần nào. Giống như chúng ta có 100 gallon nước sôi và 100 gallon nước mới lạnh, đương nhiên chúng ta không thể đem 100 gallon nước sôi làm lạnh đi được. Song chỉ cần một gallon nước lạnh trộn với một gallon nước sôi, cách nhiệt trong một giờ thì độ nóng của nước sôi sẽ giảm thiểu; công sức hoàn toàn không hao tổn. Cho nên nói: “Trọng báo khinh thọ” là vậy. Tóm lại mà nói, tu hành có lợi ích, nghiệp chướng có giảm song bị chậm. Giả như bạn có tội báo nhẹ, mọi người lại có tâm chí thành, sức mạnh thiện nghiệp lớn, đương nhiên ác nghiệp sẽ hoàn toàn tiêu trừ. Giống như một xe củi đang cháy, bạn dùng năm, sáu xe nước, dù lửa lớn đến đâu cũng có thể dập tắt được. Nếu dùng một chén nước đương nhiên không thể dập tắt được. Nước dĩ nhiên dập tắt được lửa, song một chén nước thì không thể dập tắt một xe lửa lớn được. Bạn không thể nói nước không có công dụng, nước đương nhiên là có hữu dụng dập tắt lửa.

   Chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật, trì một biến chú Đại Bi, đều có hữu dụng. Tín tâm tuyệt đối cần phải có: “Ai ăn thì người ấy no, ai sinh tử người ấy tự biết”. Nếu bạn tu thiện thì được thiện báo, tạo ác nghiệp thì chịu ác báo. Quốc gia chúng ta hiện tại đang loạn động, tâm người không an ổn, hy vọng mọi người cần phải niệm Phật cho nhiều, lúc đó tâm mới an định. Khi thiện tâm tăng trưởng, đối với việc đại sự quốc gia cần phải thương lượng, không cần phải dùng lời ác tranh đấu, cần phải vận dụng lương tâm chân chính vì quốc gia, vì nhân dân, làm tròn nghĩa vụ công dân.

   Hỏi: Toàn thế giới có trên 100 quốc gia, con thấy rất kỳ lạ, tại sao Cơ Đốc giáo lại được tín phụng rất lớn mạnh?

   Đáp: Vạn pháp là vô thường, bạn không thể căn cứ trên sự lớn mạnh trong nhất thời mà cho là tốt, lớn mạnh về cái gì? Sự lớn mạnh nhất định không phải là lớn, cho nên nói: “Cung ná cứng cũng phải đứt, thấy gươm đao miệng dễ thương”. Lớn mạnh giống như súng đạn, lớn mạnh đó có lợi ích gì. Hùng tráng như vị ngọt của rượu mà không làm dừng cơn khát, bạn lấy sức mạnh của mình để ức hiếp các nước, nhưng một khi oán đã kết, các quốc gia cũng có lúc lật đổ bạn trở lại. Mọi người dùng súng đạn đánh bạn, tôi cũng đánh bạn ngã, nhưng đến một lúc nào đó tự nhiên bạn sẽ đánh tôi. Hiện tại bạn không có cách gì để đánh tôi, trong tâm nhất định bạn sẽ nghĩ rằng: “Được! Đến một ngày nào đó ta sẽ tính sổ món nợ này”. Lớn mạnh như trên thì không lợi ích gì cả.

   Chúng ta cần phải lấy đạo đức để hàng phục người, cần lấy đạo nhân nghĩa để làm việc tốt, điều đó mới thực sự là lớn mạnh. Giống như ở Trung Quốc có đạo giáo của Khổng Mạnh, văn hóa Trung Hoa mới lớn mạnh. Nhưng tiếc thay, chúng ta đã đem nền di sản văn hóa đó bỏ đi.

   Thật vậy, giáo lý của Phật giáo mới là hùng mạnh chân chính. Từ xưa đến nay, vẫn là tín ngưỡng chánh tín của quốc gia vì không có chiến tranh. Hiện tại, có ai lại không muốn thế giới hòa bình không? Tôi chân chính nói với bạn: “Chỉ có học Phật, hành theo Phật, lấy tâm Phật mà cải đổi tâm phàm phu, đem tâm phàm phu mà chuyển đổi thành tâm Phật, đến một lúc nào đó bạn không muốn thế giới hòa bình, thế giới cũng trở nên hòa bình, quốc gia trở nên giàu có lớn mạnh, nhân dân sẽ ấm no hạnh phúc”.

   Muốn thế giới hòa bình mà không thực hành theo Phật giáo thì làm sao có hòa bình được? Nếu không tin Phật giáo, bạn giết tôi, tôi giết bạn, tương lai thế giới chỉ càng thêm thê thảm, cuối cùng đều quy về tận diệt. Mạnh như vậy là bạn đã nhận thức sai lầm về sự hùng mạnh rồi. Tiến lên bước nữa, nói phước báo là lớn mạnh, nhưng nếu bạn thường dùng thì phước báo cũng mau hết.

   Tôi nói vậy bạn có hiểu gì không? Xin nói cho bạn hay, sinh lên thiên đường không như cầu sinh về Tây phương, vì sao vậy? Vì sinh lên thiên đường còn phải bị đọa lạc, còn sinh về Tây phương không có các điều khổ. Bạn phải nghiên cứu học Phật mới thể hội được đạo lý này.

   Hỏi: Có người nói rằng, thế kỷ 21, là thế kỷ mà Trung Quốc làm thầy của thiên hạ, Hòa thượng nghĩ có đúng như vậy không?

   Đáp: Thế kỷ 21, Trung Quốc là thầy thiên hạ, mà làm thầy về cái gì? Tôi thiết nghĩ, nếu Trung Quốc có thể hoằng dương Phật pháp đến năm châu thế giới thì thế kỷ 21 xác thật là thầy của thiên hạ. Phật pháp giáo hóa chúng sinh không phân biệt chủng tộc, ranh giới, giúp mọi người sống hòa bình không đấu tranh, hạnh phúc, hy vọng mọi người đều tốt, mọi người đều hoàn toàn nỗ lực tu thiện, mọi người đều bình đẳng đồng thành Phật.

   Cho nên, Phật pháp là an lành nhất, là hòa bình nhất. Học Phật pháp là không tranh, không tranh là hòa bình rồi. Hy vọng tương lai từ thế kỷ 21 đến thế kỷ 23, đến thế kỷ 100, mọi người đều học Phật tu hành, toàn thế giới đều tu học Phật pháp. Vậy thì, chúng ta là những người học Phật phải nên phát nguyện lớn: “Nguyện đem đông độ mười phương thế giới, biến thành chín phẩm hoa sen”, cho nên nếu mọi người phát tâm tu học thì nên phát tâm như vậy.

   Bạn có phát tâm tu hành lớn thì mọi người mới hoan nghênh, mới có thể giúp mọi người an vui tự tại, thế giới con người mới chuyển biến. Bạn không phát tâm như vậy, người nước ngoài không cần bạn đến nước họ, khiến cho đất nước của họ nhân dân không an lạc, không hòa bình. Việc nói trên cũng như vậy, là đệ tử của Phật, mọi người nhất định phải có quan niệm thân thiện với mọi người, làm lợi ích cho thiên hạ, xem thiên hạ là nhà chúng ta, điều đó mới đúng là niềm mong muốn của đức Phật.

   Tôi thường nghĩ, người Trung Quốc chúng ta quả thật rất đông, đông như thế nào? Lần thứ nhất tôi xuất ngoại đến nước Malaysia, từ miền Đông đến miền Tây, từ miền Nam sang miền Bắc, đâu đâu cũng thấy người Hoa kiều. Phàm ở đâu có mặt trời thì ở đó có Hoa kiều, nhưng ở đâu có Hoa kiều thì ở đó có Phật pháp. Song các nơi có Phật pháp lại không có người xuất gia, về sau họ mới thỉnh pháp sư đến trụ trì, tiếp dẫn quy y.

   Trung Quốc vốn là ngôi làng lễ nghĩa, nếu có thể đem đạo Khổng Mạnh mà hoằng dương, lại tăng thêm Phật pháp, thì rất tốt. Chúng ta giúp mọi người tự tại an lạc, mọi người kính trọng lẫn nhau, thì tốt biết bao nhiêu. Chúng ta cần phải hoằng dương Phật pháp, một khi có hoằng dương, mọi người mới có thể tiếp thọ, mới hoan nghênh. Bạn lấy mạnh hiếp yếu thì có ai hoan nghênh bạn? Người nước ngoài rất tán dương đạo Khổng của Trung Quốc, họ lại có thể nghiên cứu Phật học, tiếp thọ và quy y.

   Phật pháp là đại từ đại bi chân chính, rất bình đẳng, tự do, không có ta và người. Con người sống trên thế giới này có ai lại không hướng về hòa bình, tự do và bình đẳng? Chỉ có Phật pháp là chân chính, rất tự do, rất bình đẳng, vì người người đều có khả năng tu học thành Phật, không phải vĩnh viễn làm nô lệ cho một đấng Thượng đế có quyền ban phước hay giáng họa cho bất kỳ ai.

   Một lần nữa tôi thành thật khẳng định nói đến bình đẳng, chỉ có Phật pháp là bình đẳng nhất. Nói đến bình đẳng của Phật pháp thì không đơn thuần chỉ nói bình đẳng trên mặt lý thể, sự tướng. Bạn tuy là phàm phu, nhưng chỉ cần bạn tu hành đến cứu cánh đều có thể dự vào địa vị Phật.

    Nói đến tự do, nếu bạn có thể giải thoát tài, sắc, danh, thực, thùy, tật đố, chướng ngại thì bạn rất tự do, chứng quả A La Hán, lục thông tự tại, an lạc tự do. Giống như chúng ta hiện tại muốn đến Mỹ quốc thì cần phải ngồi máy bay, song khi có thần túc thông của A La Hán thì chỉ cần cất chân là sẽ đến nơi.

   Nhắc đến vấn đề này, tiên sinh Tôn Trung Sơn có nói: “Phật học là mẹ của triết học”, tôi cần nói thêm: “Phật học là cha của khoa học”. Giống như máy bay là do các nhà khoa học chế tạo, nó cần phải có máy móc, điều kiện đầy đủ mới có thể tạo thành. Chúng ta chỉ cần đem nhân ngã mà bỏ đi để đạt đến “vô ngã” thì được tự tại giải thoát, đắc được thần thông. Vì vậy, nói Phật pháp siêu việt hơn khoa học là vậy. Chúng ta niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì đạt đến vô ngã. Nhất tâm bất loạn là gì? Bị mọi người mắng mà bạn nghe lời mắng đó giống như lời tán thán; bị người ta đánh, bạn xem như người đó vỗ vai, bạn không có tâm sân hận, tham ái hay phiền não, thì đó là định lực. Nhất tâm bất loạn là chỉ cho định lực bất loạn, đạt đến trình độ đó rồi sẽ có rất nhiều tự do, tự tại. Tự do, tự tại mới đúng là sở cầu chân thật của chúng ta.

   Bạn xem, Phật pháp rất huyền diệu, rất cao đẹp, đang được mọi người trên thế giới tôn kính, chỉ tiếc thay, chúng ta không có hoằng dương tốt mà thôi!
 
   Hỏi: Đức Phật là đại từ, đại bi, tại sao không đem lòng từ bi đó mà cứu khổ khiến cho tất cả chúng sinh không còn thọ khổ nữa?

   Đáp: Nên biết rằng Phật, Bồ tát thường khuyên răn mọi người tu hành, vì “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu thì không đắc”. Phật pháp giảng về duyên sinh, có nhân mới có quả, không giảng tự nhiên, không nói không nhân. Phật pháp có công năng từ bi hay không? Nhân duyên đầy đủ thì có công năng, nhân duyên không đầy đủ thì không có công năng. Chân lý Phật pháp không nói sai, không loạn thuyết. Phật pháp là pháp nhân quả, người nào ăn thì người ấy no, bạn nghe lời Phật dạy, y theo Phật pháp mà tu trì thì khổ gì cũng có thể giải thoát, bạn không y theo phương pháp đối trị khổ của đức Phật dạy thì làm sao chấm dứt khổ được? Giống như bạn bị bệnh, bác sĩ khám và cho biết bạn bệnh gì, phải lấy thuốc gì để chữa trị, song khi đưa thuốc cho bạn, bạn không chịu uống, làm sao lành bệnh được.

   Nếu hiểu rõ vấn đề này, bạn nên biết, tuy đức Phật đại từ đại bi, nhưng từ bi trong nhân quả. Đức Phật đương nhiên từ bi, xả niềm vui trong thường tịch quang mà đến thế giới khổ đau này để hóa độ chúng ta, chứng tỏ là Ngài rất từ bi rồi. Ở thế gian, cha mẹ nào cũng từ bi. Mẹ bạn giúp bạn nấu cơm để ăn, bạn không thể nói: “Mẹ ơi! Mẹ nấu cơm rồi, mẹ ăn giùm con luôn”. Mẹ bạn ăn thì mẹ bạn no, bạn không ăn thì không no, đó là việc bạn cần hiểu rõ.

   Hỏi: Trong bài kệ hồi hướng có câu: “Hoa nở thấy Phật ngộ vô sinh”. Chúng ta hiện đang học Phật, nên cầu tự độ trước hay độ sinh trước?

   Đáp: Phật pháp là “Bát nhã chỉ một pháp, phương tiện có nhiều cửa”. Phật pháp có nhiều phương tiện, trước tiên bạn muốn tự độ cũng tốt, hay độ tha cũng tốt. Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Chưa tự độ, mà trước tiên độ người, đó là phát tâm Bồ tát”, song cũng có nói: “Tự giác viên mãn, mới có thể giác tha, Như Lai xuất hiện ở đời cũng vậy”. Mọi người nên biết, tự thân tự độ được rồi mới có năng lực độ người; tự thân chưa độ, làm sao độ cho người khác? Cho nên kinh Đại thừa đều quả quyết bảo chúng ta: “Tự mình chưa độ mà độ người, không được thành tựu”. Đó là nói theo kinh điển Đại thừa, không giống kinh điển Tiểu thừa chỉ chú trọng tự lợi. Kinh điển nói sự việc bất đồng, vì đối trị sự bất đồng về căn tánh chúng sinh, cho nên nói có sai biệt, giống như con cái tính tình không giống nhau, cha mẹ cũng phải nói những lời khác nhau.

   Thật ra, Phật pháp rất vi diệu. Trước tiên bạn tự tu cũng tốt, hoặc độ tha cũng tốt. Hiện tại, nếu tôi tự tu, lạy Phật là rất tốt cho bản thân, song tôi lãnh đạo mọi người đả Phật thất, xây dựng đạo tràng, kỳ thật điều đó rất chướng ngại cho việc tu hành của bản thân. Nhưng thiết nghĩ, tôi kiến lập đạo tràng, thuyết pháp độ cho nghìn vạn chúng sinh, so với việc tự tu thì thù thắng hơn; vì tự mình tu thì chỉ có thể độ một mình vãng sinh, trong khi xây dựng đạo tràng thì có thể độ cho ngàn vạn chúng sinh đồng vãng sinh Tây phương. Tôi có phát nguyện lớn, là phải độ khoảng 200 vạn người xuất gia, khi đó, tôi muốn đem hòn đảo Đài Loan này biến thành một nước Phật. Đài Loan hiện tại có hơn hai nghìn vạn nhân khẩu, nếu độ cho 200 vạn người xuất gia có nhiều hay không? Chỉ là một phần mười. Việc này có thể làm được hay không là một chuyện, song cần phải phát nguyện lớn, có phát nguyện thì đến một ngày nào nhất định sẽ có hy vọng thành tựu; không phát nguyện thì không có hy vọng, dù bạn có năng lực cũng không thể thành tựu. Vì thế, mọi người cần phải có phát nguyện.

   Nếu muốn an toàn, bạn đợi “hoa nở thấy Phật ngộ vô sinh” thì nên tự tu. Tự độ, độ tha đều tốt; không cần phải giống như tôi vì tự lợi, lợi tha rất khổ.

   Hỏi: Thế giới Tây phương có phải là duy tâm tạo?

   Đáp: Đương nhiên là duy tâm tạo. Phật pháp giảng “Vạn pháp duy tâm” thì thế giới Tây phương Cực lạc là do tâm Phật A Di Đà sở tạo. Chúng ta niệm Phật cũng tại tâm, lìa tâm sẽ không có tất cả các pháp, đó là điều cần nhận thức cho rõ. Tất cả duy tâm, Cực lạc là duy tâm tạo, địa ngục cũng là duy tâm sở tạo. Tâm có tham, sân, si; tạo sát sinh, trộm cướp, dâm dục, đó là tâm tạo ra địa ngục. Phật A Di Đà hành tứ nhiếp pháp, lục độ lợi ích chúng sinh, đó là tạo ra quốc độ Phật.

   Trong Kinh Địa Tạng có nói đến địa ngục Đại Sàng, một người nằm cũng đầy, vạn người nằm cũng đầy, lại có địa ngục đốt cột đồng cháy đỏ rồi bắt người tội ôm lấy. Nam nữ ôm nhau, hôn hít thân thân ái ái, tương lai sẽ chiêu cảm quả báo đó. Tay chúng ta đang lạnh mà một khi chà xát với nhau thì sinh nóng, sinh lửa. Lửa của địa ngục cũng như vậy. Tất cả đều là duy tâm sở tạo, đều là nhân quả. Hiểu rõ như vậy rồi, mọi người còn muốn thân thân ái ái nữa hay không ? Có người tâm muốn xuất gia, mà lại không xả được hoàn toàn, đều là do nghiệp chướng. Nếu vợ chồng không thể xa lìa nhau thì có thể tổ chức Phật hóa gia đình là tốt rồi.