Phật học cơ bản
Pháp hải thích nghi
Tác giả: Thích Tâm An
26/05/2553 05:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niệm Phật tu trì
 
   Hỏi: Lão Hòa thượng đã từng tu 10 lần Ban chu tam muội. Trong nhà Phật, pháp tu này, người không có thiện căn, không dễ dàng gì mà thực hành được, kính xin lão Hòa thượng nói cho biết pháp Ban chu tam muội là gì, chúng ta nên tu như thế nào?

   Đáp: Nói đến “Ban chu tam muội” là tiếng Ấn Độ, còn gọi “Phật vị tam muội”, hoặc “Thường hành tam muội” là một pháp trong 84000 pháp môn của Phật pháp. Pháp môn này nếu có thể tu thành tựu thì mắt có thể thấy thân Phật hiện tiền, cao lớn đầy dẫy hư không. Thiên Thai tông có nói đến 4 loại tam muội: thường hành, thường tọa, bán hành bán tọa và phi hành phi tọa. Thời gian tu tập pháp này là 90 ngày. Trong 90 ngày đó, thường đi có thể là lễ Phật, song cũng không được ngồi, cũng không được ngủ, lấy việc đi là chính, nên gọi là thường hành tam muội.

   Tại sao lại làm như vậy? Là vì cầu tinh tấn nhất hạnh. Muốn tinh tấn nhất hạnh cần phải phóng hạ vạn duyên, vạn duyên không phóng hạ thì tu hành nhất hạnh không thể thành tựu được. Vì vậy, pháp này là pháp chuyên tự tu cầu giải thoát, là pháp môn rất đặc thù, không phổ thông vì người bình thường không thể tu được, giống như một khóa học chỉ dành cho các bác sĩ trí thức, không phải là pháp phổ biến tam căn.

   Tu pháp này tuyệt đối cần phát đại vô úy, tâm đại dũng mãnh. Cái gì là đại vô úy, tâm đại dũng mãnh? Là không màng đến việc chết sống thì mới có thể tu được, nếu không thì không dễ dàng gì tu được nó. Giống như việc thường đi, mọi người có khẩu khí đi kinh hành một ngày được hay không? Thường tọa: mọi người ngồi xếp bằng 90 ngày không rời bồ đoàn, nếu bạn không có thể lực, không nhẫn nại, không có trực tâm, không có đại nguyện thì không thể tu được. Đối với “Thường hành tam muội”, mọi người không cần phải nóng vội, quan trọng nhất là thực hành “Bán hành bán tọa tam muội” để điều hòa thân tâm mà dụng công.  
  
   Thật ra, “Ban chu tam muội” có thể thực hành hay không, trước tiên là về vấn đề quan niệm, xem bạn có chịu được khổ hay không chịu được khổ mới có thể thực hành, nếu không chịu được khổ, làm sao mà tu “Ban chu tam muội”? Bình thường, bạn tu hạnh lạy Phật ba nghìn lạy, niệm Phật 10 vạn câu, có thể làm được hay không? Nếu chưa làm được việc cơ bản đó, làm sao nói đến chuyện tu tam muội? Trước tiên phải nghĩ rằng: “Tướng sĩ hy sinh ở chiến trường, học sĩ hy sinh vì văn học, còn người tu hành chúng ta như thế nào?”. Người niệm Phật chúng ta lấy chữ “tử” để ghi nhớ trong Phật đường. Chúng ta niệm Phật trong 90 ngày, dù thể lực không đầy đủ, nguyện lực không tha thiết. Song có thể cắn răng chịu đựng: “Tôi nhất định chết trong Phật đường này”, phát ra thệ nguyện như vậy bạn mới có thể thực hành, lại còn tu rất thoải mái.

   Nên nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, nghĩa là: “Giữ tâm một chỗ, không việc gì là không thành”, chẳng màng đến việc sống chết thì có pháp gì mà không thực hành được, không phải là bậc đại trượng phu thì làm sao thực hành được. Nếu không thể hành được thì đức Phật nói ra pháp đó để làm gì? Đức Phật là người đại trí tuệ nên biết không thực hành được pháp này, nghiệp chướng sinh tử từ vô thỉ kiếp của bạn đến nay làm sao trừ được? Sinh tử không thoát, tam đồ nhất định sẽ dự phần. Sinh tử không thoát, chúng sinh, cha mẹ, sư trưởng, oan gia nợ người của bạn biết khi nào mới được giải thoát.

   Chỉ cần bạn phát khởi đại tâm, phát khởi tâm chí thành, phàm tâm hợp nhất với tâm Phật thì công lực đó không thể nghĩ bàn. Lúc đó không phải nói là 90 ngày, đến cả 900 ngày bạn cũng có thể làm được, vậy khó là khó cái gì? Vì thiếu nhân duyên, Phật pháp giảng: “Các pháp do nhân duyên sinh”, không có sự hỗ trợ của nhân duyên chắc chắn không thể thực hành được, cho nên cần phải có nhân duyên hỗ trợ.

   Nói đến nhân duyên hỗ trợ, Phật pháp lại nói: “Vạn pháp duy tâm”. Nhân duyên do mỗi người xây dựng, mỗi người cần phải thường xuyên xây dựng, cần bồi dưỡng nhiều nhân duyên, nhưng bồi dưỡng như thế nào? Tự thân không thể tu hành, thì nên cúng dường mọi người tu, đó là điều cốt yếu. Bồi dưỡng nhân tu đạo, giúp người liễu sinh thoát tử thì tương lai nhất định bạn sẽ gặt hái được quả liễu sinh thoát tử. Pháp nhân quả, nhân duyên đương nhiên có tính thời gian, không thể vượt thoát được, có phát tâm thì sẽ làm được. “Tướng lĩnh và tể tướng vốn không nhờ dòng giống”. Nghe câu này, nên nghĩ: “Mọi người có thể làm được, tôi cũng có thể làm”, “họ làm được, tại sao tôi không làm được, vô lượng chư Phật đều đã thành Phật, tại sao tôi lại không thể thành Phật?”, đó là điều mà chúng ta cần phải hổ thẹn. Phật pháp rất vi diệu, tuy đã nghe nhiều, nhưng cứu cánh chúng ta có thực hành không, đã làm được gì hay chưa?

   Pháp Ban chu tam muội có thể thực hành hay không? Cổ đức có nói: “Lầu cao vạn trượng từ đất mà lên”, các bạn muốn tương lai làm được thì trước tiên phải theo thứ lớp mà làm, không nên mơ màng viễn vông, có thể thực hành hay không? Phải vững vàng chắc chắn thực hành. Nói mà không làm thì chỉ là nói, là hý luận, chỉ hoang phí thời gian mà thôi.

   Hỏi: Lão Hòa thượng đã tu mười lần pháp Ban chu tam muội, trong kinh có nói tu pháp môn này, có thể thấy Phật hiện tiền, như vậy Hòa thượng đã thấy Phật hay chưa?

   Đáp: Nếu tôi nói tôi thấy rồi thì bạn cho tôi là nói dối, tôi nói không thấy thì bạn lại nói: “Lão Hòa thượng! Hòa thượng tu 10 lần làm sao có thể thấy Phật được?”. Vì vậy, việc thấy hay không thấy như “người uống nước nóng hay lạnh” tự biết mà thôi.

   Người hỏi: Con biết lão Hòa thượng đã thấy Phật rồi!
   Đáp: (Hòa thượng ngắt lời mà nói) Tôi thấy rồi, mọi người đều là Phật!

   Hỏi: Thấy Phật rồi, Phật có đến để cho chúng ta thấy không?

   Đáp: Phật không đến, cũng không đi, không đến không đi mới là Phật, chỉ cần tâm an tĩnh, tâm tương ưng với Phật thì có thể thấy Phật. Chẳng qua tùy theo từng địa phương mà có sự giao cảm: Thấy Phật cũng tốt, không thấy Phật cũng tốt, chỉ cần mọi người tin sâu nhân quả là được. Dù có thấy Phật, cũng cần phải phân biệt rõ ràng, nhất là các cụ già không phải lấy việc “tôi thấy Phật rồi”, mà chẳng qua là thấy ma. Làm sao để phân biệt đâu là chính cảnh, đâu là tà cảnh?
   Muốn thấy được Phật, đầu tiên là phải nhập định. Thế nào gọi là định? Như lấy việc đả thất mà nói, ví dụ ở nhà có điện thoại gọi đến nói “con dâu sinh được một cháu kháu khỉnh”, mà liền chạy theo niềm vui đó rồi xin phép trở về nhà xem. “Tao đang niệm Phật, dâu sinh là việc của nó, không phải việc của tao”, không luận là chuyện điện thoại đến gọi về nhà, mà bất luận sự tình gì, nghe đến tâm cảnh phải đều an nhiên, thì đó là có một chút định. Nếu nghe rồi, thân tuy ở trong đạo tràng, nhưng tâm lại suy nghĩ: “Chà, không biết có nên về hay không đây?”. Đó là không định, là loạn, mà đã loạn thì làm sao định được?

   Nếu như thiện căn sâu dày, lại không có ma chướng, nhập vào cảnh tĩnh “tĩnh cực quang thông đạt”, một khi nhập vào tĩnh nhất định có sở hiện. Lúc bạn thấy Phật thân tâm an nhiên tịch tĩnh, như vậy mới đúng là tin, nếu thấy Phật mà thân tâm không an nhiên, không tịch tĩnh, hoặc lúc thấy Phật có lo sợ, đó không phải là cảnh giới tốt. Lấy kính chiếu yêu (chánh tri kiến) cầm trong tay; thấy Phật cũng tốt, không thấy Phật cũng tốt. Thấy được cảnh giới tốt cũng không nên sinh tâm hoan hỷ, thấy cảnh giới hoại cũng không nên lo sợ. Đó mới là tĩnh, là định.

   Hỏi: Người niệm Phật đều muốn sinh Tây phương, Phật A Di Đà đại từ đại bi muốn tiếp dẫn rộng lớn, vậy tại sao trong khi người niệm Phật lại nhiều mà ít thấy người được vãng sinh?

   Đáp: Ngẫu Ích đại sư có nói: “Bạn muốn sinh Tây phương hay không, chỉ cần bạn có tín, nguyện hay không. Tín nhất định phải tin, tin đức Phật Thích Ca nói không hư dối, tin thật có thế giới Tây phương, thật có Phật A Di Đà, và tin những chúng sinh như chúng ta cũng đều có khả năng sinh Tây phương được. Tin Phật A Di Đà là tâm của bạn, tin tâm bạn thanh tịnh đó là Phật A Di Đà, tương lai bạn cũng sẽ thành Phật. “Phật tức tâm, tâm tức Phật”, chỉ cần tâm bạn thanh tịnh là thành Phật. Pháp Phật bình đẳng, “Mười phương Như lai, đồng cùng một pháp thân”, tương lai bạn cùng Phật giống nhau. Đó là niềm tin, phải có niềm tin Bát nhã, niềm tin thật tướng chân như, có chánh trí tuệ. Nếu không thì hôm nay bạn tin Phật giáo, bạn cúng tượng Phật, nhưng ngày mai bạn lại nhờ Bồ tát giúp đỡ cho bạn phát tài, trúng vé số, đó chính là mê tín! Như vậy, làm thế nào để được vãng sinh Tây phương? Chỉ vì niềm tin không kiên cố, Phật pháp giảng về niềm tin, là rất có ý nghĩa.

   Nói đến nguyện, đương nhiên là phát nguyện vãng sinh Tây phương. Tu vạn hạnh công đức để làm gì? Là để cầu sinh Tây phương. Sinh Tây phương để làm gì? Là để thành tựu Bồ tát đạo. Bạn xem ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc Bồ Tát đều cầu sinh về thế giới Tây phương Cực lạc, hà huống gì hạng phàm phu như chúng ta! 

   Nói đến nguyện vãng sinh Tây phương, người tu niệm Phật ai lại không muốn vãng sinh. Mọi người ai cũng muốn tốt đẹp, hy vọng được vui sướng. Song, trong đó có vấn đề quan trọng. Nguyện có hai ý nghĩa: một là cầu vui sướng ở thế giới Tây phương, hai là cầu xa lìa thế giới Ta bà, thất tình lục dục, tất cả danh lợi đều rất đáng sợ, nên muốn từ bỏ chúng. Tình tình, ái ái đều là quỷ ma, chúng giết hại pháp thân tuệ mạng của bạn. Nếu tất cả mọi thứ trên đời không chịu xả ly thì làm sao có thể vãng sinh được. Vì thế, quan trọng là ở chỗ xả ly chán ghét thì mới thành tựu được vãng sinh Tây phương.

   Tâm lý là yếu tố quan trọng, muốn vãng sinh Tây phương thì không thể có tâm tham ái thế gian này, chỉ có thể tùy duyên tiêu nghiệp cũ, không thể tiếp tục tạo việc thế gian. Muốn nhất tâm nên kính trọng nhất tâm, tu trì Phật pháp, ủng hộ Tam Bảo Phật Pháp Tăng.

   Hỏi: Làm sao có thể tiêu trừ nghiệp chướng? 

   Đáp: Niệm Phật thì có thể tiêu trừ nghiệp chướng. Luận Đại Trí Độ có nói: “Có một vị Bồ tát rất sợ nghiệp chướng sâu nặng của mình, vì đã từng hủy báng Phật pháp. Tội hủy báng Phật pháp nhất định phải đọa vào A Tỳ địa ngục, cho dù Như Lai có xuất hiện ở đời cũng không thể sám hối được. May mắn là Bồ tát này gặp được một vị thiện tri thức, bảo niệm Phật có thể tiêu trừ được tội ác cực trọng, giúp cho vị này có cơ hội tiêu trừ nghiệp chướng”. Qua đó, có thể thấy rằng công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn. Nghiệp chướng dù nặng, dù có đức Phật tại thế không thể sám hối mà cũng có thể tiêu trừ, hà huống gì là nghiệp chướng của một vị Bồ tát. Vì thế, chư vị chỉ cần an trụ ở một câu danh hiệu Phật nhất tâm mà niệm, rồi nghĩ đến thế giới Tây phương, nghiệp chướng có thể tiêu trừ, phước tuệ sẽ phát sinh. Do đó, trong kinh có nói: “Nhất xướng nam mô Phật, đều cộng thành Phật đạo”.

   Lúc niệm Phật không nên cầu cảm ứng. Tâm tham cầu một khi đã phát sinh thì người ngu chẳng những không được cảm ứng, lại có thể nhân đó mà hủy báng Phật, vì chưa được cảm ứng thì nhận thức Phật pháp không linh, do đó từ “tốt quá hóa lốp”, cũng không cần tham cầu nhất tâm bất loạn. Muốn nhất tâm bất loạn cần phải trải qua một thời gian dài tu thiện căn, lại là thành quả của một thời gian nỗ lực tinh tấn. Chúng ta hiện tại niệm Phật, chỉ cần tiêu trừ nghiệp chướng là tốt, còn việc cảm ứng cho đến việc đạt được nhất tâm bất loạn là quả báo về sau. Hiện tại chỉ cần gia công niệm Phật. Ngồi bàn tán không bằng khởi thực hành. Danh hiệu Phật vi diệu, không niệm thì không có lợi ích, nghiệp chướng không thể tiêu trừ, sinh Tây phương cũng không thành tựu. Vì thế, chúng ta cần phải niệm Phật cho tinh tấn.

   Hỏi: Niệm Phật lớn tiếng thì đau cổ họng, vậy nên niệm thế nào cho tốt?

   Đáp: Nên biết mục đích của việc niệm Phật lớn tiếng là để tiêu trừ vọng tưởng và bệnh hôn trầm, khiến cho tâm được chuyên nhất. Một khi nhiếp tâm chuyên chú niệm Phật thì có thể cùng Phật tương ưng, cho nên nói: “Âm thanh niệm Phật lớn thấy Phật lớn, âm thanh niệm Phật nhỏ thấy Phật nhỏ, không xuất thanh niệm Phật thì không thấy Phật”.

   Chúng ta bình thường không niệm Phật lớn, cho nên lúc niệm Phật mới đau cổ họng. Niệm Phật, dụng công chỉ sợ tâm không chuyên nhất, không cần sợ cổ họng đau, cứ niệm cho lớn. Nếu chân thật niệm đến khan tiếng, nghỉ một, hai ngày rồi lại niệm như vậy cổ họng sẽ trở nên thông. Thực tập như thế lâu ngày, chẳng những có thể giảm được vọng niệm, hôn trầm, mà giọng niệm cũng trở nên trong trẻo, một khi cất giọng đều thành tựu, không thể không hun đúc, rèn luyện, chỉ có rèn luyện mới đạt được mục đích.

   Hỏi: Lạy Phật, niệm Phật cần phải lạy Phật, niệm như thế nào? Có cần quán tưởng hay không?

   Đáp: Quán tưởng là chuyện không dễ dàng, người quán tưởng không thành tựu ắt sẽ mang bệnh, chiêu cảm ma chướng thì không tốt. Nếu đại chúng lạy Phật, miệng bạn xưng niệm danh hiệu, thân thể chí thành lễ lạy thì tốt. Đối với việc lễ lạy nên thực hành như thế nào cho đúng pháp ? Hiện tại là thời mạt pháp, việc quán tưởng không thích hợp với chúng sinh, có một pháp phương tiện chỉ cho chư vị. Theo tôi, một người lúc lễ Phật, thân lễ Phật, miệng nên niệm Phật, mỗi lúc lễ lạy, quy định lạy 1 lạy nên niệm 10 câu. Nếu lạy Phật A Di Đà thì niệm 10 câu danh hiệu A Di Đà Phật, nếu lạy Quán Thế Âm Bồ Tát nên niệm 10 danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát.

   Làm thế nào để có thể niệm được 10 câu trong một lạy? Khi lạy xuống, bạn niệm 3 câu, khi dập đầu xuống sát đất, thầm niệm 3 câu, lúc đứng dậy niệm 3 câu, chắp tay xá xuống niệm 1 câu. Như vậy 3 lần 3, cộng với 1 là 10, có đến 10 câu niệm Phật.

   Vậy là thân lễ lạy, miệng niệm Phật, tâm nhớ Phật. Ba nghiệp thân, khẩu, ý đều dụng công, ba phương diện đồng tinh tấn, tâm vọng tưởng không thể khởi lên thì không có tán loạn. Nếu thân thể của bạn lạy mà tâm chỉ thuần theo vọng niệm, thì việc lễ Phật có công đức hay không? Đương nhiên thân bạn lễ Phật thì có công đức của thân, song tâm không dụng công mà chỉ vọng tưởng thì tâm vẫn còn ô trược, dụng công chỉ phí thì giờ.

   Tốc độ niệm Phật như thế nào? Phương pháp niệm tùy theo tập quán của bạn, hoặc nhanh hay chậm đều được. Tuy nhiên, cũng không được nhanh quá hoặc chậm quá. Giống như một ngày, một người lạy bốn, năm nghìn lạy, lạy quá nhanh thì không có cung kính. Một tiếng đồng hồ mà lạy từ bốn đến năm trăm lạy là quá nhanh; trong vòng 1 giờ thì lạy một hoặc hai trăm lạy là được.

   Hỏi: Trong kinh có nói: “Niệm Phật từ 1 ngày cho đến 7 ngày có thể được nhất tâm bất loạn”, song con đến đây đả Phật thất, niệm Phật lại không được tốt, làm thế nào để được khắc kỳ thủ chứng?

   Đáp: Có người niệm Phật được rất tốt, có người niệm không được tốt, lúc niệm liền bị loạn. Đương nhiên, giống như học sinh tiểu học học văn chương, học một lần không thuộc, ngoại trừ là thần đồng. Giả như bạn là người có căn tính lanh lẹ, một bài văn phải học từ 10 lần đến 20 lần, thậm chí 40 hoặc 50 lần nữa. Thế nhưng, ngày nay thuộc thì ngày mai lại quên. Đó là nói về những người thông minh, còn người ngu xuẩn thì không có biện pháp. Chúng ta tu hành cũng cần phải có thiện căn phước đức nhân duyên. Từ xưa đến nay đã không có thiện căn, nghiệp chướng lại nặng nề, thì một đời muốn làm Phật, làm sao trong 7 ngày có thể niệm được nhất tâm bất loạn, trong 7 năm cũng không có khả năng nữa. Trong kinh nói: “Niệm Phật từ 1 đến 7 ngày được nhất tâm bất loạn”, đó là chỉ cho thời đại của đức Phật, là những người thượng căn thượng trí, là những người chuyên tu, bình thường họ đã dụng công tinh tấn, lại còn khắc kỳ thủ chứng.

   Xin bảo với quý vị, cái được gọi là “khắc kỳ thủ chứng”, việc đó giống như vẽ mắt cho con lân vậy. Toàn thân lân đã được vẽ, lại được chấm vào mắt thì lân mới múa, ngược lại không có vẽ thì lân không múa, không thành lân được. Đạo lý này có gì không rõ ràng? “Hết thảy nhân trước đừng ham muốn”, tự mình làm không tốt thì cần phát khởi tâm tàm quý: “Tôi nghiệp chướng thật nặng nề, tại sao từ xưa đến nay tôi không có thiện căn, không lo tu phước đức”, tàm quý như vậy mới tốt. Tóm lại, ngày nay đã gặp được Phật pháp, lại có thể tin, có thể thực hành, đó là điều may mắn nhất trong các điều may mắn. Tự mình một mặt hổ thẹn, một mặt lại vui mừng. Hổ thẹn vì quá khứ không chịu tu, vui mừng vì ngày nay được gặp Phật pháp, phải nắm vững không cần nghĩ ngợi mông lung, tiếc nuối những gì đã qua. Phải gạt bỏ tất cả để mà học Phật, như vậy mới hữu dụng.

   Hỏi: Thế nào gọi là chuyên tu Tịnh độ?

   Đáp: Là chuyên tu một hạnh niệm Phật rồi hồi hướng Tây phương. Giả như bạn có căn tánh thù thắng, trì niệm Phật lại còn tu thêm vạn hạnh, song đều có xu hướng hồi hướng vãng sinh Tây phương, đó cũng là chuyên tu Tịnh độ.

   Hỏi: Nghĩa là tu bất kỳ một pháp gì, đều đem công đức đó hồi hướng cầu sinh Tây phương phải không?

   Đáp: Đúng! Tu vạn hạnh đều tốt, song “chỉ có lợi ích chớ nên tổn giảm”, tùy nhân duyên, có nhiều việc tốt bạn tuy muốn làm, nhưng duyên không đầy đủ thì cũng khó mà thành tựu.

   Hỏi: Lấy tu Tịnh độ mà nói, trì danh niệm Phật là chánh hạnh, còn việc xem kinh có được tính là chuyên tu hay không?

   Đáp: Không nên nói như vậy, đương nhiên xem kinh phải tùy hoàn cảnh của mỗi người, nhất là đối với hạng người trí thức thì xem kinh rất tốt, vì đạo lý trong kinh có thể làm phát khởi tín tâm người xem, tăng thêm nội lực niệm Phật. Có những người hoàn cảnh không tốt, công tác lại nhiều, cũng không có trải qua việc học tập, đối với những người này có thể chuyên tu niệm Phật là tốt. Điều chủ yếu là dù bạn tu bất kỳ công đức gì đều nên hồi hướng về Tây phương. Đó được gọi là chuyên hạnh.

   Hỏi: Chúng ta tu Tịnh độ thì “tin” rất quan trọng. Như vậy, “tin” như thế nào mới được tính là viên mãn?

   Đáp: Cần phải tin đến chỗ “tin mà không nghi” mới có thể được. Điều sợ nhất là bạn có nghi cảm rằng không biết có thế giới Cực lạc Tây phương hay không? Phải tin kiên cố, thật có thế giới Tây phương. Đức Phật Thích Ca là giáo chủ của cõi Ta bà là có thật, thì Phật A Di Đà làm giáo chủ thế giới Tây phương, nên từ đó tin thật có thế giới Tây phương, tin thật có Phật A Di Đà. Chúng ta tin niệm Phật là nhờ vào công đức của Phật A Di Đà để được vãng sinh đến thế giới Tây phương. Bạn phải tin như vậy, tin mà không nghi thì mới đúng, mới viên mãn.

   Hỏi: Trong kinh điển có rất nhiều đạo lý, con không thể thực hành hết, như vậy đối với việc vãng sinh có bị chướng ngại hay không? Có nhất định phải thực hành hết mới có thể được vãng sinh không?

   Đáp: Nói như vậy cũng không đúng! Có ai mà thực hành toàn vẹn đâu, song chúng ta đem việc cơ bản mà làm cho tốt, thí dụ ngũ giới là việc cơ bản cần phải giữ. Cho nên, nói trì giới niệm Phật, niệm Phật trì giới là vậy. Làm tốt việc này rồi thì vạn người tu vạn người sẽ được. Người niệm Phật nếu không được vãng sinh là vì thiếu kém giới hạnh, có trì giới mà không niệm Phật thì cũng không thành. Trì giới là nhờ vào tự lực, niệm Phật là nhờ vào đại nguyện của đức Phật. Tự lực và tha lực nếu tiến hành song song thì việc vãng sinh mới dễ dàng thành tựu.

   Hỏi: Đến lúc lâm chung, Tam thánh Tây phương đến tiếp dẫn thì nhất định được vãng sinh. Nếu chỉ có một mình Quán Thế Âm Bồ Tát đến tiếp dẫn thì có được vãng sinh không?

   Đáp: Không luận là Tam thánh hoặc Quán Thế Âm Bồ Tát, miễn sao bạn có lòng tin kiên cố là tốt. Kỳ thật, Phật có đến tiếp dẫn bạn hay không, việc đó nhất định bạn không thể biết được. Người có căn tánh trung, hạ thì khi Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, họ không biết được. Giống như trẻ em được người ta ẵm đi, chúng vốn không biết gì. Người được vãng sinh thượng phẩm đương nhiên sẽ biết được Quán Thế Âm Bồ Tát và Phật A Di Đà đến tiếp dẫn.

   Người hỏi: Ôi! Việc thật thù thắng!
   Đáp: Đúng, đó là việc thù thắng, không nên có tâm nghi cảm, nên biết gieo nhân gì ắt phải gặt quả ấy.

   Hỏi: Lúc niệm Phật, niệm trước trôi qua đã trở thành quá khứ, niệm sau cũng trở thành như vậy. Thế thì công phu niệm Phật có trở nên “không” hay không? Hay “cái không cố chấp” hay là chân không diệu hữu?

   Đáp: Đó là việc “không” không uổng phí, không phải là “không cố chấp” cũng không phải là “chân không diệu hữu”. Nên trụ nơi Phật hiệu không cho gián đoạn. Bạn trụ ở Phật hiệu không gián đoạn là không uổng phí thời gian. Cổ đức có nói: “Chốc lát nếu tâm lìa niệm Phật, sát na tức nghiệp nhân tam đồ”. Niệm Phật là phương pháp hay dùng để đối trị tán loạn. Bạn không niệm Phật thì tâm bạn cứ luân phiên suy nghĩ trong tài, sắc, danh, thực, thùy. Phàm phu giống như con ruồi xanh, nơi đâu có mùi hôi thối thì bay đến, chỗ thanh tịnh thì không dừng, không đậu. 

   Hoặc bạn nghĩ: “Ôi! Niệm Phật cực nhọc lắm!”. Như vậy, xin hỏi bạn, vọng tưởng có khổ hay không? Lúc vọng tưởng thì thân thể đã mệt nhọc. Phàm phu giống như trẻ con, chỉ thích ham vui. Bạn gọi trẻ con dụng công đọc sách, chúng sẽ nói: “Con không cần cha mẹ giúp con đọc sách đâu! Con phải vui chơi đã!”. Vì thế, bạn không nên sợ nhọc nhằn, mà nên tinh tấn niệm Phật, niệm niệm không gián đoạn.

   Hỏi: Muốn thiền tịnh song tu, không biết tu như thế nào?

  Đáp: Bạn muốn thiền tịnh song tu, thì trong động bạn phải niệm Phật, trong tĩnh bạn phải tham thiền. Xin chúc bạn “có Thiền có Tịnh độ, như mãnh hổ thêm sừng”. Dù sao, cũng không nên mỗi chân đứng mỗi thuyền, tham thiền cũng không tốt, tịnh niệm cũng không xong, như vậy tốt quá hóa vụng rồi.

   Tôi nghĩ bạn nên lão thật niệm Phật, niệm đến nhất tâm bất loạn, thì thiền cũng có trong đó. “Chỉ được thấy Di Đà, lo gì không khai ngộ”, đó chính là thiền, cũng chính là “tam muội”.

   Mọi người nên biết, các tổ sư của tông Tịnh độ, chỉ có Đại sư Ấn Quang là từ đầu đến cuối chỉ tu một hạnh niệm Phật. Các tổ sư khác phần lớn từ thiền giáo mà ra. Đối với tham thiền, họ đã công phu lại còn kiêm niệm Phật, nên đạo nghiệp mới có khả năng thành tựu nhanh được.