Thiền học
Kho Báu Nhà Thiền
Thiền sư Văn Thủ Dịch giả: Ðịnh Huệ
05/03/2554 02:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Kho Báu Nhà Thiền
Mục lục
Xem toàn bộ

Chương 19

Học Ðạo Cần Phải Biết Người Triệt Ngộ Bất Tất Hiềm Tri Giải

 

Viễn Lục Công nói:

Người chưa thấu triệt thì tham câu chẳng bằng tham ý. Người thấu triệt rồi tham ý chẳng bằng tham câu.

Bích Nham

*

Thiền sư Hoàng Long Tâm sau khi đại ngộ vẫn sống chung lộn với chúng và thường hay vãng quyết cu Vân Môn. Ngài Huệ Nam thấy thế hỏi:

- Biết việc này rồi thì thôi. Ông còn dụng rất nhiều công phu nữa để làm gì?

Sư thưa:

- Dạ chẳng đúng. Hễ còn một mảy mai nghi ngờ là chưa đến hàng vô học, đâu thể tự do tung hoành xoay trời chuyển đất được.

Ngài Huệ Nam công nhận.

Tăng Bảo Truyện

*

Thiền sư Viên Ngộ nói:

Tham học với tiên đức đã lâu, hoặc có người thấy mà chưa thấu, hoặc có người thấm mà chưa sáng tỏ, đó gọi là thỉnh ích. Nếu thấy được thấu mà thỉnh ích thì cần phải ở trên ngữ cú chu toàn, không có ngưng trệ. Còn người tham lâu đã sáng tỏ rồi mà còn thỉnh ích nữa là cho giặc leo thang.

Bích Nham

Hòa thượng Quy Tông nói:

Từ xưa, Cổ đức chẳng phải không có tri giải, song các ngài là bậc cao thượng chẳng đồng với bọn tầm thường hiện nay chẳng tự thành tự lập được. Chớ để thời gian luống qua vô ích!

Ngài Dũng Tuyền nói:

Kiến giải, ngôn ngữ thảy cần phải biết cho thấu triệt, nhưng nếu thức tình chẳng hết thì tôi dám nói là hãy còn luân hồi. Sao vậy? Vì thức lậu chưa hết. Ông chỉ cần dứt hết thức lậu thì bấy giờ mới được tự thành tự lập.

Hội Nguyên

*

Thiền sư Ðại Huệ nói:

Từ xưa, các bậc đại trí huệ đều lấy tri giải làm bè bạn, lấy tri giải làm phương tiện, ở trên tri giải thực hành lòng từ bình đẳng, ở trên tri giải làm các Phật sự như rồng gặp nước, như hổ tựa núi, không bao giờ cho là phiền, chỉ vì các ngài biết rõ được chỗ sanh khởi của tri giải.

Tông Cảnh Lục chép:

Nếu nói trí huệ quấy thì Ðại Trí Văn Thù chẳng nên xưng là Pháp vương tử. Nếu cho đa văn là lỗi thì Tỳ kheo Vô Văn (không nghe chánh pháp) lẽ ra chẳng bị đọa địa ngục. Phải biết lấy trí huệ hợp với đa văn kia để chẳng bao giờ chấp vào lời mà nhận ngón tay cho là mặt trăng, lấy đa văn làm rộng trí huệ kia để khỏi trở thành kẻ quê mùa day mặt vào vách. Sở dĩ nói: “Có trí mà không hạnh là thầy của nước (quốc gia), có hạnh mà không trí là dụng của nước, có trí có hạnh là vật báu của nước, không trí không hạnh là giặc của nước”. Thế nên, trí cần nên học, hạnh cần nên tu, thiếu trí là kẻ thù của đạo, không hạnh là kẻ giặc của nước. Phải biết: Xích xiềng của danh tướng, nếu chẳng phải là chìa khóa trí thì khó mở cho ra; tình tưởng kéo lôi, nếu chẳng phải gươm huệ thì khó mà chặt đứt.

 

---o0o---