Tịnh độ
Khuyên tu pháp môn niệm Phật
Tác giả: Nguyên Anh
28/05/2553 23:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niệm Phật đầy đủ tam học
 
   Niệm Phật có bốn loại:
 
   1. Thật tướng niệm Phật:

  Theo lý Thật tướng, niệm pháp thân Phật. Pháp thân thanh tịnh như hư không, biến khắp pháp giới, thật không có tướng có thể được, không có tướng tâm năng niệm, tướng Phật sở niệm, năng sở đều quên, tâm, Phật không hai. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm. Nếu niệm Thật tướng thì không niệm mà niệm, niệm tức không niệm, nhất tâm bất loạn, trạm nhiên thường trụ, đây là Lý niệm.

   Vân Thê nói rằng: “Niệm không chân niệm, sinh nhập Vô sinh”. Niệm Phật tức là niệm tâm, sinh Cực Lạc không rời ngũ trược, tâm Phật chúng sinh vốn một, trung đạo chớ kẹt hai bờ. Cổ đức dạy rằng:
“Năm mươi năm một câu niệm Phật
Rõ là quật địa phạt trời xanh
Mà nay có mấy tin chân thật
Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền”.
 
   Đây đều là những vị rõ lý công phu vậy.
 
   2. Quán tưởng niệm Phật:

   Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật nói: “Phu nhân Vi-đề-hy có đứa con ngỗ nghịch tên A-xà-thế, nghe theo lời xúi dục của Đề-bà-đạt-đa, đoạt vương vị, nhốt cha là Tần-bà-sa-la vào ngục tối, cấm quần thần không được mang thức ăn hay vãng lai thăm hỏi. Bà Vi-đề-hy hằng ngày tắm rửa sạch sẽ, thoa đề hồ, mật lên thân đem vào ngục để nuôi sống đại vương. Sau 21 ngày, A-xà-thế hỏi cai ngục: “Lão già còn sống chăng?”. “Còn”–cai ngục đáp. “Ai cho ăn mà không chết?”. “Phu nhân hằng ngày thường xoa thức ăn lên mình mang đến cho vua dùng. Thêm nữa, có hai vị Sa-môn Mục-kiền-liên và Phú-lâu-na hằng ngày đều dùng thần thông bay vào thuyết pháp cho vua nghe, tôi không ngăn cản được”. Vua A-xà-thế phẫn nộ, rút gươm định giết mẹ. Đại thần Nguyệt Quang và Kỳ-bà khuyên vua không nghe, liền phất tay áo bỏ đi. A-xà-thế sợ hãi không dám giết mẹ bèn nhốt vào thâm cung, không cho ra vào. Vi-đề-hy bi thương, chắp tay hướng về núi Kỳ-xà Quật, đảnh lễ đức Thế Tôn, Phật bèn hiện thân cho bà được thấy. Phu nhân áo não, khẩn thiết phát nguyện, nguyện đời sau sinh vào nước Phật thanh tịnh, xa lìa thế giới ác trược này. Đức Phật dùng thần lực hiện rõ cõi Phật thanh tịnh khắp mười phương, bảo bà chọn muốn sinh về nước nào. Sau một hồi chọn lựa, Vi-đề-hy quyết định chọn nước Cực Lạc, thanh tịnh trang nghiêm, nguyện sinh lên nước ấy. Phật bèn vì bà nói 16 diệu quán, y pháp giới tâm, quán pháp giới cảnh để làm điều thiết yếu cầu sinh Tây Phương: 1. Đầu tiên quán nhật lạc (mặt trời lặn), lấy mặt trời lặn làm mốc để nghĩ đến Tây Phương; 2. Thứ đến là quán thủy; 3. Quán địa; 4. Quán cây; 5. Quán ao; 6. Tổng quán; 7. Hoa tòa; 8. Tượng quán; 9. Phật thân; 10. Quan Âm; 11. Thế Chí; 12. Phổ Hiền; 13. Tạp quán; 14, 15, 16. Quán ba bậc Thượng Trung Hạ phẩm, Cửu phẩm vãng sinh, khiến xả liệt để thủ thắng vậy. Khi quán thành tựu 16 pháp quán tức được vãng sinh nước Cực Lạc”.
 
   3. Quán tượng niệm Phật:

   Tức ngồi yên quán hình tượng Phật. Trước quán tướng lông trắng giữa hai chân mày của Phật A-di-đà, quán tướng lông trắng xong, thứ tự dần quán từng bộ phận nơi khuôn mặt cho đến toàn thân, quán tượng công thành tức có thể thấy được thân Phật, tướng hảo trang nghiêm.
 
   4. Trì danh niệm Phật:

   Tức Phật nói kinh A-di-đà, điều Phật nói đến là pháp chấp trì danh hiệu, không cần tham cứu hay quán tưởng, cũng khỏi nhọc quán tượng, chỉ cần nhất tâm tâm niệm hồng danh vạn đức A-di-đà Phật, hoặc thêm hai chữ “Nam mô” càng biểu thị ý quy kính. Pháp niệm Phật quý ở chỗ nhất tâm, miệng niệm tâm niệm, tâm khẩu nhất như. Nếu chỉ miệng niệm tâm không niệm ắt không hiệu quả, tâm niệm miệng không niệm thì không ngại gì. Phải niệm niệm tương tục, chớ để gián đoạn, tinh tấn không ngừng thì nhụy sen trong ao Thất bảo ở cõi Tây Phương ngày một thêm lớn; nhụy sen này tuy là vật vô tình nhưng rất cảm ứng. Lúc chúng sinh ở cõi Ta-bà phát tâm niệm Phật, nhụy sen ở Tây Phương đánh tên ngay lập tức, phân ra siêng năng, giải đãi rõ ràng. Còn có cái khéo là phân rõ hơn kém, công phu sâu cạn, phẩm hạnh cao thấp, vô lượng người vãng sinh nhưng chưa từng bị nhầm lẫn. Lúc mạng chung vãng sinh tức sinh nơi hoa này, hoa này chính là nơi tuệ mạng an trú.

   Pháp môn niệm Phật dễ thì rất dễ, căn cơ ám độn, già trẻ lớn bé gì cũng chỉ cần dạy một lần là hiểu, không có áo diệu gì lắm. Nhưng khó thì cũng khó vô cùng, lão tăng 80 tuổi vẫn còn thất niệm, chưa được nhất tâm. Mọi người hãy nên chọn một pháp môn dễ tu, khó quá sự thành công sẽ rất ít. Phần nhiều cho rằng, tu hành cần phải có pháp môn huyền diệu mật áo, như vậy mới thu được lợi ích. Do đó, thời gian gần đây, rất nhiều Tăng tục tu tịnh, bỏ niệm Phật qua tu Mật tông, không biết rằng Tịnh, Mật đều như nhau, Tịnh độ thì thanh tịnh Tam nghiệp, Mật tông thì Tam mật tương ưng (Tam mật: thân mật, khẩu mật, ý mật), chỉ khác đường đi nhưng đều về một đích, cần gì phải bỏ đây lấy kia. Tôi trước kia tu Thiền, sau kiêm tu Tịnh độ, hiểu rõ Thiền Tịnh đồng công. Trước học Thiên Thai, sau học Hiền Thủ, mới biết Thai Hiền cùng một chỗ về. Ban đầu học Tánh tông, sau học Tướng tông, thì ra Tánh Tướng chỉ là một. Nay, đối với Mật giáo cũng rất tín ngưỡng, biết rằng Mật, Giáo gì cũng chính đức Phật nói ra. Đức Phật quán căn cơ của chúng sinh, thấy căn cơ nào đối với Giáo có lợi ích thì thuyết Hiển giáo; người nào hợp với Mật thì nói Mật giáo. Hiển, Mật tuy có khác nhau nhưng cũng đều là thuốc pháp đối cơ ứng bệnh, cho nên đối với Hiển, Mật hãy tin như nhau.

   Trước đây, lúc tôi đến Nam Kinh, Hồ Nam và Đài Bắc giảng kinh, nghe có Pháp sư truyền pháp Mật tông, luôn khuyên người tu Mật tông không cần phải ăn chay. Còn trì giới thì đang là Tiểu thừa, Đại thừa là lìa tất cả tướng, còn có trì phạm sao? Ngày xưa, lúc Phật còn tại thế, cũng cho phép Sa-môn ăn ngũ tịnh nhục. Lại nói rằng, ăn thịt chúng sinh tức là độ chúng sinh ấy. Không biết những lời này lấy ra ở kinh luận nào? Tôi chỉ biết Bồ-tát đủ đồng thể đại bi, thấy tất cả bàng sinh đều có tri giác, chúng nó cũng như ta, đầy đủ Phật tánh, không nỡ sát nó, lấy thịt để cung phụng cho ta. Nếu nói ăn thịt nó tức là độ nó, như vậy thì phải nên bình đẳng với tất cả, sao lại chỉ riêng độ cho heo, dê, gà, vịt, cá, cua? Ngày ngày, ăn thịt chúng để độ chúng, sao các loại sâu bọ, trùng dế, giun lãi không ăn để độ chúng? Lại sao không ăn thịt bà con quyến thuộc để độ họ? Rõ ràng là ham ăn thịt, không giữ giới rồi nói ngược lại “ăn thịt nó tức là độ nó”. Đã sai lại còn dạy người khác, nhất định phải chịu ác báo. Thậm chí, có rất nhiều người nhiều năm ăn chay niệm Phật mà cuối cùng cũng bị những lời này mê hoặc. Tu chưa đến nơi mà Tịnh giới đã phá thì thật là đáng tiếc, há không đau đớn sao! Điều này, tôi hoàn toàn không tán đồng.

   Kinh Lăng-nghiêm nói: “Sau khi Ta diệt độ, trong thời kỳ mạt pháp, Ma vương sẽ trà trộn trong Tăng đoàn, nói ăn thịt sẽ được Bồ-đề”. Lại nói: “Các ngươi nên biết, những người ăn thịt ấy, tự cho là được khai tâm mở trí như Tam-ma-địa, đây là Đại La-sát. Sau khi mạng chung, chắc chắn sẽ phải mãi chìm trong biển khổ sinh tử”. Phật dạy như thế, hãy nên nghe theo, nhất thiết chớ bị tà thuyết mê hoặc, cho rằng ăn thịt là đạo vô ngại. Há không nghe thơ xưa dạy:
“Máu chảy thịt rơi sao thấy ngon
Như nhau đau đớn oán mãi còn
Khuyên người hãy nên suy nghĩ lại
Ai nỡ cầm dao cắt tự thân”.
Lại có thơ rằng:
“Luân hồi muôn kiếp vì miếng ngon
Oán sâu như biển hận như non
Muốn biết đao binh trên thế giới
Nghe trâu bò rống rõ ngay thôi”.

   Người tu hành đã không thể khuyên người giữ giới sát mà lại còn đi ăn thịt, khiến người khác giết hại, vậy thì lòng từ ở đâu? Là người có chí tu hành, phải rõ tà chánh, phải trái, trọng nhân quả, biết lấy bỏ. Tôi thường ngày luôn khuyên người ăn chay niệm Phật để đời sau khỏi phải thiếu nợ chúng sinh. Hoặc có thuyết nói trời sinh ra vạn vật là để nuôi dưỡng con người, tất cả cầm thú vốn là trời sinh ra để cho con người ăn. Đây là tà giải. Phải biết, trời sinh ra vạn vật để nuôi dưỡng con người là chỉ thực vật chớ hoàn toàn không phải chỉ vào động vật. Hết thảy chúng sinh đều ham sống sợ chết như nhau. Bằng ỷ mạnh hiếp yếu thì sẽ kết sâu oan trái. Người đời gây ra chiến tranh bắn giết lẫn nhau đều do sát sinh ăn thịt mà ra. Người xưa dạy: “Người đời muốn tránh kiếp đao binh, trừ phi không còn ai sát hại”. Nếu mọi người muốn theo tu Mật tông cũng được, nhưng ăn thịt thì không. Chưa từng niệm Phật mà tu Mật tông thì khả dĩ được, đã tu Tịnh nghiệp mà lại đổi đường hướng thì là tín chưa sâu, nguyện chưa thiết, đáng thương lắm vậy.

   Pháp môn niệm Phật nhất thiết không được xem thường, chính là pháp môn vô thượng, đơn giản nhất, vi diệu nhất, đáng gọi là đại Đà-la-ni môn (Đại tổng trì), có thể tổng tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa. Đức Thích-ca nói pháp 49 năm, không ngoài ba tạng Kinh, Luật, Luận. Cái mà Tam tạng giải thích tức ba món Vô lậu học Giới, Định, Huệ. Kinh là Định học tạng, luật là Giới học tạng, luận là Tuệ học tạng. Một câu danh hiệu A-di-đà, một lòng niệm Phật tức đầy đủ ba môn giải thoát này, còn viên diệu nào hơn?

   Sao niệm Phật có thể đầy đủ Giới học? Kinh Lăng-nghiêm nói: “Gọi là nhiếp tâm tức giới, từ giới sinh định, nhân định phát huệ, đó là Tam vô lậu học”. Mà niệm Phật tức là pháp nhiếp tâm. Phật thấy tâm chúng sinh luôn luôn vọng động, nắm bắt sáu trần cảnh, như đắm vào sắc mà khởi tham sân si, tạo các ác nghiệp sát, đạo, dâm; đắm vào thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng lại như thế.

   Phật dạy chúng sinh xưng niệm danh hiệu Phật, tức là lấy chánh niệm niệm Phật dừng các vọng niệm tham đắm. Giả như vọng tâm phan duyên với sắc trần, bèn niệm Nam mô A-di-đà Phật, tương tục không dừng nghỉ thì không bị sắc trần lôi kéo, chánh niệm nhiếp về niệm Phật vậy. Khi phan duyên với thanh, hương, vị, xúc, pháp, mỗi mỗi đều như thế thì tự nhiên sẽ không phá giới tạo ác. Vọng tâm như ngựa, lục trần như sáu con đường, danh hiệu Phật như dây cương. Người niệm Phật như người chế ngự con ngựa, lúc con ngựa muốn chạy về các nẻo đường, cương cầm trong tay, tức phục được nó vậy. Đã không phan duyên thì vọng niệm tự nó sẽ không có, không đi đến phạm giới, tức là lấy niệm Phật nhiếp tâm làm giới vậy.

   Niệm Phật niệm đến niệm niệm cùng Phật tương ưng thì các vọng niệm đương nhiên không khởi, ý nghiệp được thanh tịnh thì các giới tự nhiên đầy đủ. Nghiệp thân, nghiệp miệng cũng từ ý nghiệp mà khởi. Thân sát, đạo, dâm là do ý nghiệp sai sử; ý không khởi thì thân ắt không phạm; miệng nói dối, nói hoa mỹ, nói ác khẩu, nói hai lưỡi cũng là ý nghiệp chủ động. Ý không muốn nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác thì miệng tất không phạm. Cho nên, niệm Phật gọi là pháp môn Tịnh nghiệp. Một câu niệm Phật tịnh được Tam nghiệp, đây há không phải niệm Phật đầy đủ Giới học sao?

   Niệm Phật có thể đầy đủ Định học. Kinh A-di-đà nói: “Nếu có Thiện nam Tín nữ, nghe nói kinh A-di-đà bèn chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày... cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn”. Bất loạn tức là định, đây chính là Vạn thế trì danh niệm Phật, chính là diệu pháp từ kim khẩu đức Phật tuyên thuyết thì cũng chính là thật sự đầy đủ Định học. Nhất tâm là chỉ chuyên một tâm ấy, thuần nhất không một tạp niệm; bất loạn là trạm nhiên tịch tĩnh, không loạn động. Đã nhất tâm thì sẽ bất loạn, nếu được bất loạn mới là nhất tâm. Niệm Phật niệm đến nhất tâm bất loạn thì định lực nào bằng?

   Sở dĩ Phật dạy niệm Phật chính là lấy cái tâm luôn bị cảnh chuyển của chúng sinh. Từ sáng đến tối, từ sinh ra cho đến chết đi đều là đối cảnh sinh tâm, niệm phân biệt khởi lên không ngừng nghỉ. Ví như mắt thấy sắc, không luận là đẹp hay xấu đều bị sắc làm động tâm, tai nghe tiếng, không luận là khen hay chê, mũi ngửi mùi, bất luận là thơm hay thối... Mỗi mỗi đều bị cảnh trần làm động. Cho nên, Phật dạy nhất tâm niệm Phật, không khởi vọng niệm, không vì cảnh mà động tâm. Nếu chuyên tâm ở câu Phật hiệu, không phan duyên với ngoại cảnh, Tịnh niệm tương tục thì sáu căn đều nhiếp, như như bất động, tức vào Tam-ma-địa (chánh định) vậy.

   Hoặc hỏi, niệm Phật làm thế nào để được bất động trước cảnh trần? Đáp rằng: Lúc niệm Phật, tâm an trú trong danh hiệu Phật, tâm không rời Phật, Phật không rời tâm. Tuy sáu căn đối cảnh mà không phan duyên thì không bị cảnh chuyển. Gọi là: “Muôn hoa chừ, dưới tàn cây ẩn kín, bao lớp lá che chừ, mưa nào có hề chi”. Thân ta ví như điện Phật, sáu căn như sáu cửa ra vào, tâm niệm Phật thì như người ngưỡng mộ nhìn Phật, nhất tâm chuyên chú, không nháy mắt thì cho dù sáu cửa có mở, bên ngoài đủ hình đủ vẻ vẫn không thấy, không nghe, không hay, không biết. Niệm Phật cũng lại như thế, niệm đến tâm không cảnh tịch (tâm cảnh đều quên) thì thấy mà không thấy, nghe mà không nghe, không khởi tâm phân biệt. Như cổ đức dạy: “Trâu sắt nào sợ sư tử rống, người gỗ ngắm chim đắm bao giờ; chỉ cần vô tâm vạn vật, ngại gì vật ở chung quanh”, tự nhiên không bị cảnh chuyển vậy.

   Lại nữa, nhất tâm niệm Phật tức là Niệm Phật Tam-muội công thành. Tam-muội là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là chánh định. Niệm Phật niệm đến nhất tâm bất loạn tức được chánh định. Như kinh Thành Cụ Quang Minh Định Tuệ, nói: “Yên lặng thảnh thơi cũng nhất tâm, chúng khổ đoanh vây cũng nhất tâm, cho đến được mất, khen chê cũng nhất tâm”. Niệm Phật được nhất tâm, đây há không phải chứng minh niệm Phật đầy đủ Định học sao?

   Niệm Phật lấy gì có thể đầy đủ Tuệ học? Hết thảy chúng sinh xưa nay là Phật, đầy đủ trí tuệ Như Lai. Ngày xưa, đức Thế Tôn sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ-đề, nửa đêm canh ba, thấy sao mai mọc, hốt nhiên khai ngộ, thốt lên rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều đầy đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, do vọng tưởng chấp trước nên không thể chứng đắc. Nếu lìa vọng thì Vô sư trí tự nhiên trí đều hiển hiện rõ ràng”. Đức Thế Tôn thấy được lý này, muốn cho hết thảy chúng sinh đều chứng nhập trí tuệ Phật nên dạy người niệm Phật, tức là lìa vọng tưởng, đắc trí tuệ diệu pháp vậy.

   Chúng sinh tuy đầy đủ trí tuệ đức tướng Như Lai, nhưng vì từ vô thỉ vô minh che lấp, trải qua số kiếp nhiều như cát bụi, vô lượng vọng tưởng phiền não che mất tự tâm, nên tuy vốn có Phật tuệ nhưng không hiển hiện. Ví như chiếc gương, ánh sáng phản chiếu vốn tự có đủ, do bị bụi bặm che mờ nên không thể hiện hình. Tâm chúng sinh như chiếc gương sáng, những vọng niệm phiền não thô tế như những hạt bụi. Bụi trên mặt gương, phải công phu lau chùi thì gương mới sáng được. Những vọng tưởng phiền não trong tâm phải dựa vào sức niệm Phật mới được tiêu trừ.

   Pháp Phật dạy niệm Phật, tức là lấy việc lau chùi kính tâm để đoạn trừ vọng tưởng phiền não. Đi, đứng, nằm, ngồi không rời danh hiệu Phật. Niệm niệm tương tục không gián đoạn thì vọng tưởng tự tiêu, Phật tuệ tự phát, đây tức là công dụng niệm Phật có thể phát Tuệ học vậy.

   Niệm Phật tam-muội còn được gọi là Nhất Hạnh tam-muội. Kinh Văn-thù Bát-nhã nói: “Phật bảo Văn-thù Sư-lợi: Người muốn vào Nhất Hạnh Tam-muội cần phải ở chỗ vắng vẻ, lìa bỏ vọng tưởng, không chấp các tướng, nhất tâm niệm Phật, quay mặt về hướng Tây, chỉ nhớ về một vị Phật, niệm niệm tương tục, tức trong một niệm thấy được chư Phật ba đời. Công đức niệm một Phật với công đức niệm vô lượng Phật không khác, pháp mà A-nan nghe vẫn còn ở trong đối đãi, nếu được Nhất Hạnh Tam-muội thì các pháp môn kinh đều biết rõ ràng, ngày đêm tuyên thuyết, trí tuệ biện tài, không hề đoạn tuyệt”. Đây há chẳng phải chứng minh niệm Phật đầy đủ Tuệ học sao?