Đạo đức - Tâm lý học
Hạt Giống Bồ Đề- Nguyên Nhân và Mục Đích Xuất Gia
Tác giả: Thích Chân Tính
31/03/2553 09:36 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong cuộc sống, ai cũng có nhiều ước mơ, hoài bão. Hoài bão xuất gia của con không vì hưởng thụ, không phải vì danh, vì lợi mà vì thấy được giá trị của đạo Phật, chân lý của đạo Phật, muốn đi theo con đường mà đức Phật đã đi, muốn thừa kế gia sản trí tuệ của Phật, giữ gìn và phát triển những tinh hoa của đạo Phật…

     Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!
     Kính bạch thầy!

   Con sinh ra trong gia đình mà ba mẹ, ông bà đều theo đạo Phật. Do vậy, ít nhiều gì con cũng hấp thu được những giá trị đạo lý, tinh hoa của đạo Phật. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy con đến chùa xuất gia học đạo sau này.

   Trong gia đình thì mẹ thường dùng những lời của đức Phật, những mẩu chuyện mang tính giáo dục để khuyên răn, dạy dỗ con cái. Cách thức ấy đã hoán chuyển con từ một người thiếu nhân cách thành một con người có nhân cách; từ một người học trò yếu kém phẩm hạnh thành người học trò có đạo đức. Chân lý đầu tiên mà con học được, hiểu được từ mẹ con, đó là “phàm làm việc gì phải xét kỹ đến hậu quả của nó”.

   Khi chưa biết nhân quả, con đã từng làm cho mọi người đau khổ, từng làm cho bố mẹ con phải khóc suốt bao đêm dài. Nhờ biết chút ít về nhân quả rồi, tâm hồn con đã được lau sạch bằng những lời Phật dạy. Kể từ đó, con biết lên chùa lễ Phật sám hối (một điều mà từ trước con chưa từng làm). Cho nên, ranh giới mảnh đất thiện tâm được nới rộng ra, và con bắt đầu biết làm nhiều việc thiện nho nhỏ.

   Vào một đêm nọ, con được nghe câu chuyện về tiểu sử của đức Phật từ mẹ con. Nằm suy nghĩ về Ngài và trong con tự nhiên đặt ra hàng loạt câu hỏi: vì sao Tất Đạt Đa sống trong hoàng cung quyền quý cao sang nhưng Ngài không cảm thấy hạnh phúc thật sự? Vì sao Ngài lại dám từ bỏ gia đình, từ bỏ hoàng cung, từ bỏ vợ con để đi tìm chân lý? Vì sao? Vì sao?...

   Ngay trong đêm ấy, con đã tìm ra cho mình câu trả lời: “Ngài dám từ bỏ những thứ giả tạm của thế gian để hướng tới cái xuất thế gian. Thế tại sao ta không làm như vậy, không đi theo dấu chân của Ngài?”. Và trong lòng con dần hình thành ý nghĩ xuất gia… Đây chính là nguyên nhân, động lực mạnh nhất khiến con đến chùa học đạo.

   Khi tất cả người thân biết được ý nguyện của con, họ rất vui mừng và đồng tình ủng hộ. Thế là con đã bỏ lại sau lưng bạn bè, người thân, mái ấm gia đình và tất cả. Con đến chùa Hoằng Pháp tập sự và được xuất gia.

   Trong cuộc sống, ai cũng có nhiều ước mơ, hoài bão. Ý nguyện xuất gia của con không vì hưởng thụ, không vì danh, vì lợi mà vì thấy được giá trị của đạo Phật, chân lý của đạo Phật, muốn đi theo con đường mà đức Phật đã đi, muốn thừa kế gia sản trí tuệ của Phật, giữ gìn và phát triển những tinh hoa của đạo Phật.

   Ai đó đã từng nói: “Bạn có thể ngủ nửa giờ đồng hồ, ăn nửa bữa nhưng đừng bao giờ đi nửa đường chân lý”. Vì đi nửa đường chân lý sẽ không bao giờ nhìn thấy chân lý.

   Trên đường học Phật có rất nhiều gian lao thử thách, nhưng đã làm đệ tử Phật thì phải cố gắng tiến bước, tiến bước về tâm linh, tiến bước về trí tuệ. Có như thế mới đền đáp được phần nào công ơn của Phật, sự dạy bảo nuôi dưỡng của thầy, của ba mẹ, của đàn na thí chủ và đem lại lợi ích cho mình, cho xã hội, cho đời này lẫn đời sau.