Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 20: THÚY VI THIỀN BẢN


LỜI DẪN: Bồi non đắp núi va tường chạm vách, dừng tư ngưng cơ một trường khổ khuất. Hoặc có kẻ hay lật nghiêng bể cả, đạp ngã Tu-di, hét tan mây trắng, đập nát hư không, liền đó nhằm một cơ một cảnh, ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ, không có chỗ cho ông ghé bên. Hãy nói từ trước đến nay người nào từng làm thế ấy, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Long Nha hỏi Thúy Vi: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang ? Thúy Vi bảo: Đem thiền bản lại cho ta. Long Nha đem thiền bản lại cho Thúy Vi. Thúy Vi nhận liền đánh. Long Nha nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Long Nha lại đến hỏi Lâm Tế: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang ? Lâm Tế bảo: Đem bồ đoàn lại cho ta. Long Nha lấy bồ đoàn đem lại cho Lâm Tế. Lâm Tế nhận, liền đánh. Long Nha nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang.

GIẢI THÍCH: Hòa thượng Chi ở Thúy Nham nói: Đương thời như thế, thời nay Thiền tăng trong da lại có máu chăng ? Thiền sư Hiệt ở Qui Sơn nói: Thúy Vi, Lâm Tế đáng gọi là bổn phận Tông sư, Long Nha là bậc vạch cỏ xem gió, chẳng ngại làm mô phạm cho người sau. Sau khi Long Nha trụ viện, có vị Tăng hỏi: Đương thời Hòa thượng chấp nhận hai vị tôn túc chăng ? Long Nha đáp: Nhận tức nhận, chỉ là không có ý Tổ sư Tây sang. Long Nha xem trước ngó sau hợp bệnh cho thuốc. Đại Qui ắt không thế, đợi y hỏi đương thời Hòa thượng lại chấp nhận hai vị tôn túc chăng, rõ chẳng rõ cũng mặc, nhằm ngay xương sống đánh, chẳng những đỡ vững Thúy Vi, Lâm Tế, cũng chẳng cô phụ người hỏi. Thiền sư Thông ở Thạch Môn nói: Long Nha không người tát được, vẫn đáng bị Thiền tăng móc một con mắt. Tuyết Đậu nói: Lâm Tế, Thúy Vi chỉ biết nắm đứng, chẳng biết buông ra, nếu tôi đương thời làm Long Nha, đợi Sư đòi bồ đoàn, thiền bản, nắm đưa lên liền ném ngay mặt. Thiền sư Giới ở núi Ngũ tổ nói: Hòa thượng được mặt dài thế ấy. Hoặc nói: Tổ sư bị đất dính đầu. Thiền sư Tân ở Hoàng Long nói: Long Nha đoạt trâu của kẻ cày, cướp cơm của người đói, đã sáng thì sáng vậy, nhân sao lại không có ý Tổ sư Tây sang ? Hiểu chăng ? Đầu gậy có mắt sáng như nhật, cần biết vàng ròng trong lửa xem. Đại phàm kích dương yếu diệu, đề xướng tông thừa, nhằm dưới cơ thứ nhất rõ được, khả dĩ ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ. Nếu do dự thì rơi vào cơ thứ hai. Hai ông già này tuy nhiên đánh gió đập mưa kinh thiên động địa, vẫn chẳng từng đánh được kẻ mắt sáng. Người xưa tham thiền quá nhiều cay đắng, lập chí khí trượng phu, vượt qua sông núi, tham kiến tôn túc.
 
Long Nha trước tham Thúy Vi, Lâm Tế, sau tham Đức Sơn hỏi: Học nhân cầm kiếm Mạc Da toan lấy đầu Thầy thì thế nào ? Đức Sơn đưa đầu nói: Đây ! Long Nha nói: Đầu Thầy rơi ! Đức Sơn cười chúm chím rồi thôi. Kế đến Động Sơn, Động Sơn hỏi: Vừa rời chỗ nào ? Long Nha thưa: Đức Sơn. Động Sơn hỏi: Đức Sơn có ngôn cú gì ? Long Nha thuật lại việc trước. Động Sơn hỏi: Ông ấy nói gì ? Long Nha thưa: Thầy không nói. Động Sơn bảo: Chớ bảo không nói, thử đem cái đầu Đức Sơn rơi trình Lão tăng xem ? Long Nha nơi đây có tỉnh, bèn thắp hương trông xa về Đức Sơn lễ bái sám hối. Đức Sơn nghe, nói: Lão già Động Sơn không biết tốt xấu, kẻ này chết đã lâu rồi, cứu được dùng vào chỗ nào ? Mặc y gánh đầu Lão tăng chạy quanh trong thiên hạ.

Long Nha căn tánh thông minh, mang một bụng thiền đi hành cước, thẳng đến Trường An yết kiến Thúy Vi, hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang ? Thúy Vi bảo: Đem thiền bản lại cho ta. Long Nha lấy thiền bản đem lại cho Thúy Vi. Thúy Vi nhận, liền đánh. Long Nha nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Lại đến hỏi Lâm Tế: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang. Lâm Tế bảo: Đem bồ đoàn lại cho ta. Long Nha đem bồ đoàn lại, Lâm Tế nhận, liền đánh. Long Nha nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Sư đặt câu hỏi, cốt yếu thấy được lão già ngồi trên giường gỗ, cũng cốt sáng được một đoạn đại sự của chính mình. Đáng gọi là bày lời chẳng rỗng, phát cơ chẳng rối, xuất phát từ chỗ thực hành công phu. Như Ngũ Duệ đến tham vấn Thạch Đầu tự ước hẹn: Nếu một lời khế hợp thì ở, chẳng hợp thì đi. Thạch Đầu ngồi trên tòa, Ngũ Duệ phủi áo ra đi, Thạch Đầu biết là pháp khí, liền buông lời chỉ dạy. Ngũ Duệ không lãnh hội được yếu chỉ, cáo từ ra đi. Ra đến cửa, Thạch Đầu gọi: Xà-lê ! Ngũ Duệ xoay lại nhìn. Thạch Đầu bảo: Từ sanh đến tử chỉ là cái này, xoay đầu chuyển não lại chớ tìm riêng. Ngũ Duệ ngay lời nói đó đại ngộ. Ma Cốc cầm tích trượng đến Chương Kỉnh nhiễu giường thiền ba vòng, chống tích trượng một cái, đứng thẳng. Chương Kỉnh nói: Phải ! Phải ! Lại đến Nam Tuyền làm như trước, nhiễu giường thiền chống tích trượng đứng thẳng. Nam Tuyền nói: Chẳng phải ! Chẳng phải ! Đây là sức gió chuyển trọn thành bại hoại. Ma Cốc hỏi: Chương Kỉnh nói phải, vì sao Hòa thượng nói chẳng phải ? Nam Tuyền nói: Chương Kỉnh tức phải, ông chẳng phải. Cổ nhân chẳng ngại, cốt đề trì thấu thoát một việc này. Người nay vừa hỏi đến toàn không có đôi chút công phu, ngày nay chỉ thế ấy, ngày mai cũng chỉ thế ấy. Nếu ông chỉ thế ấy, tột mé vị lai cũng chưa có ngày liễu ngộ, cần phải phấn phát tinh thần mới có đôi phần tương ưng. Ông xem Long Nha phát ra một câu hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang ? Thúy Vi nói: Đem thiền bản lại cho ta. Long Nha đem thiền bản lại, Thúy Vi nhận, liền đánh. Long Nha khi ấy lấy thiền bản lại, há chẳng biết Thúy Vi muốn đánh Sư, cũng chẳng được nói Sư chẳng hội, vì sao lại đem thiền bản lại cho Thúy Vi ? Hãy nói khi đương cơ thừa đương được phải làm sao ? Sư chẳng nhắm đến chỗ nước sống dùng, tự vào trong nước chết làm kế sống, một bề làm chủ tể, nói đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Sư lại chạy sang Hà Bắc tham Lâm Tế, vẫn hỏi câu như trước. Lâm Tế bảo: Đem bồ đoàn lại cho ta. Sư đem bồ đoàn lại, Lâm Tế nhận liền đánh. Sư nói: Đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Thử nói hai vị tôn túc không đồng pháp từ, vì sao chỗ đáp lại giống nhau, chỗ dụng cũng một loại ? Nếu biết cổ nhân thố lộ một câu một lời đều là mẫu mực. Sau Sư trụ viện, có vị Tăng hỏi: Đương thời Hòa thượng thấy hai vị tôn túc là thừa nhận hay chẳng thừa nhận ? Long Nha nói: Thừa nhận thì thừa nhận, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Trong bùn lầy có gai, buông ra cho người đã rơi vào cơ thứ hai. Lão già này nắm được đứng, chỉ được làm đồ đệ trong tông Tào Động. Nếu là đồ đệ Lâm Tế, Đức Sơn phải biết riêng có chỗ sanh nhai. Nếu là Sơn tăng thì không thế, nói với y: Nhận thì chưa nhận, cốt không có ý Tổ sư Tây sang. Chẳng thấy Tăng hỏi Đại Mai: Thế nào là ý Tổ sư Tây sang ? Đại Mai đáp: Tây sang không có ý. Diêm Quan nghe, nói: Một cái quan tài hai cái tử thi. Huyền Sa nghe, nói: Diêm Quan là bậc tác gia. Tuyết Đậu nói: Ba cái cũng có. Chỉ như vị Tăng này hỏi ý Tổ sư Tây sang, lại nói với y Tây sang không ý. Nếu ông hiểu như thế, sẽ rơi trong vô sự. Vì thế nói cần tham câu sống, chớ tham câu chết. Câu sống tiến được đến vĩnh kiếp chẳng quên, câu chết tiến được tự cứu chưa xong. Long Nha nói thế ấy hẳn là toàn thiện. Cổ nhân nói nối được nhau cũng rất khó. Cổ nhân một lời một câu thốt ra đều làm mẫu mực, trước sau soi nhau, có quyền có thật, có chiếu có dụng, khách chủ rõ ràng, lẫn xoay ngang dọc. Nếu cần biện chỗ thân thiết, Long Nha tuy chẳng lầm tông thừa, đâu ngờ rơi vào mé thứ hai. Đương thời hai vị tôn túc đòi thiền bản, bồ đoàn, Long Nha chẳng phải không biết ý kia, song cần dùng được việc trong hông ngực của mình. Tuy nhiên như thế, quả là dùng được quá tuyệt. Long Nha hỏi thế ấy, hai vị tôn túc đáp thế ấy, vì sao lại không có ý Tổ sư Tây sang ? Trong này phải biết riêng có chỗ kỳ đặc. Tuyết Đậu niêm ra cho người xem:

TỤNG: Long Nha sơn lý long vô nhãn Tử thủy hà tằng chấn cổ phong Thiền bản bồ đoàn bất năng dụng Chỉ ưng phân phó dữ Lô Công.

DỊCH: Trong núi Long Nha rồng không mắt Nước chết đâu từng chấn cổ phong Thiền bản bồ đoàn không thể dụng

Chỉ nên phân phó lão Lô Công.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu cứ điều lệ kết án, Sư tuy tụng như thế, hãy nói ý ở chỗ nào ? Chỗ nào là không mắt ? Chỗ nào là trong nước chết ? Đến trong đây phải là người có biến thông mới được. Vì thế nói: Đầm trong chẳng cho rồng to cuộn và nước chết đâu từng có rồng to. Đâu chẳng thấy nói: Nước chết chẳng chứa rồng. Nếu là rồng sống phải đến chỗ nước dậy mênh mông sóng to ngập trời. Ở đây nói Long Nha chạy vào chỗ nước chết bị người đánh, Sư lại nói đánh mặc đánh, cốt không có ý Tổ sư Tây sang, chuốc lấy Tuyết Đậu nói “Nước chết đâu từng chấn cổ phong”. Tuy nhiên như thế, thử nói Tuyết Đậu phù trì Sư hay làm giảm uy quang Sư ? Nhiều người hiểu lầm nói: Vì sao chỉ nên phân phó lão Lô Công ? Đâu chẳng biết Long Nha phân phó cho người. Phàm tham thỉnh phải nhằm trên cơ biện biệt mới thấy được chỗ cổ nhân thấy nhau. Câu “Thiền bản bồ đoàn không thể dụng”, Thúy Vi bảo đem thiền bản lại cho ta, Long Nha đem thiền bản lại, há chẳng phải trong nước chết làm kế sống ? Rõ ràng tặng rồng xanh, chỉ vì Sư không biết cỡi, là không thể dụng vậy. Câu “Chỉ nên phân phó lão Lô Công”, thường thường gọi là Lục Tổ, chẳng phải vậy. Chẳng từng phân phó cho người, nếu nói phân phó cho người, cần dụng đánh người, lại thành cái gì ? Xưa Tuyết Đậu tự gọi là Lô Công. Sư đề “Hối Tích Tự Di” rằng:

TỤNG: Đồ họa đương niên ái Động đình Ba tâm thất thập nhị phong thanh Nhi kim cao ngọa tư tiền sự Thiêm đắc Lô Công ỷ thạch bình.

DỊCH: Bức vẽ năm kia thích Động đình Bảy mươi tuổi lẻ thích non xanh Như nay nằm thẳng suy việc trước Thêm được Lô Công tựa thạch bình.

Tuyết Đậu muốn chạy trên đầu Long Nha, lại sợ e người hiểu lầm. Vì thế riêng tụng cốt cắt hết nghi giải cho người. Tuyết Đậu lại niêm: cái lão này cũng chưa được dứt bặt, lại làm một bài tụng:

TỤNG: Lô Công phó liễu diệc hà bằng Tọa ỷ hưu tương kế Tổ đăng Kham đối mộ vân qui vị hiệp Viễn sơn vô hạn bích tằng tằng.

DỊCH: Lô Công giao phó gì làm bằng Ngồi tựa thôi đem nối Tổ đăng Cam đối mây chiều về chưa hiệp

Núi xa vô hạn vách từng từng.

Câu “Lô Công giao phó gì làm bằng” tức là có bằng cứ gì. Cần phải nhằm thẳng trong đây hiểu thế ấy, chớ ôm cây đợi thỏ, trước đầu lâu một lúc đập tan, không có một điểm ở trong ngực, buông sạch trơn thong dong, lại đâu cần phải có bằng cứ. Hoặc ngồi hoặc tựa chẳng mất làm Phật pháp đạo lý. Vì thế nói: Ngồi tựa thôi đem nối Tổ đăng. Tuyết Đậu một lúc niêm xong, Sư có chỗ chuyển thân. Rốt sau tự bày tin tức có đôi chỗ đẹp, nói “Cam đối mây chiều về chưa hiệp”. Hãy nói ý Tuyết Đậu ở chỗ nào ? Mây chiều về khi muốn hiệp mà chưa hiệp, ông nói thế nào ? “Núi xa vô hạn vách từng từng”, như trước nhảy vào trong hang quỉ. Đến trong đây, được mất phải quấy đồng thời ngồi dứt, sạch trơn thong dong mới được đôi phần. “Núi xa vô hạn vách từng từng”, thử nói là cảnh giới Văn-thù, là cảnh giới Phổ Hiền, là cảnh giới Quán Âm ? Đến đây là trên phần việc của người nào ?

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.