Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 6: VÂN MÔN MỖI NGÀY ĐỀU LÀ NGÀY TỐT


CÔNG ÁN: Vân Môn dạy: Ngày mười lăm về trước chẳng hỏi ông, ngày mười lăm về sau nói cho một câu xem ? Sư tự đáp thế: Mỗi ngày đều là ngày tốt.

GIẢI THÍCH: Vân Môn ban đầu tham vấn Mục Châu, Mục Châu đối đáp nhanh như điện xoay, thật là khó nương gá. Sư bình thường tiếp người vừa vào cửa liền nắm đứng bảo: Nói ! Nói ! Khởi suy nghĩ liền bị xô ra, nói: Cây dùi cùn thời Tần. Vân Môn yết kiến đến ba phen, mới gõ cửa, Mục Châu hỏi: Ai ? Vân Môn thưa: Văn Yển. Vừa mở cửa liền chạy ùa vào. Mục Châu nắm đứng bảo: Nói ! Nói ! Vân Môn suy nghĩ liền bị xô ra, Vân Môn một chân còn trong ngạch cửa, Mục Châu đóng ập cửa lại, nghiền dập bàn chân Vân Môn. Vân Môn đau quá la to, bỗng nhiên đại ngộ. Sau này ngữ mạch tiếp người của Vân Môn một lối mẫu mực của Mục Châu. Vân Môn ở nhà Thượng thơ Trần Tháo ba năm, Mục Châu chỉ đến hội Tuyết Phong. Đến nơi, Sư liền ra chúng hỏi: Thế nào là Phật ? Tuyết Phong bảo: Chớ nói mớ ! Vân Môn lễ bái, ở lại ba năm. Một hôm, Tuyết Phong hỏi: Chỗ thấy của con thế nào ? Vân Môn thưa: Chỗ thấy của con cùng chư Thánh không đổi dời một sợi tóc mảy tơ.

Thiền sư Linh Thọ hai mươi năm không mời chức Thủ tọa, thường nói: Thủ tọa của ta sanh. Lại nói: Thủ tọa của ta chăn trâu. Lại nói: Thủ tọa của ta đi hành cước. Bỗng một hôm đánh chuông sai chúng ra trước tam quan đón Thủ tọa. Quả thật Vân Môn đến, liền thỉnh vào liêu Thủ tọa nghỉ ngơi. Người thời ấy gọi Linh Thọ là Thiền sư Tri Thánh, bởi dự biết trước việc quá khứ vị lai. Quảng chúa là Lưu vương sắp cử binh, đích thân đến viện thỉnh Sư quyết định tốt xấu. Linh Thọ đã biết trước, vui vẻ ngồi tịch. Quảng chúa tức giận hỏi thị giả: Hòa thượng bệnh lúc nào ? Thị giả đáp: Thầy không hề có bệnh, có một phong thư bảo Hầu Vương đến trao. Quảng chúa mở bì thấy một tấm thiếp viết: Con mắt người trời là Thủ tọa trong chùa. Quảng chúa hiểu ý liền dừng binh, thỉnh Vân Môn xuất thế trụ Linh Thọ. Về sau mới trụ Vân Môn. Sư khai đường thuyết pháp có Cúc Thường thị đến hỏi: Trái Linh Thọ chín chưa ? Sư đáp: Trọng năm nào được tin nó sống ? Ông lại dẫn nhân duyên Lưu vương xưa là người khách bán hương… Sau Lưu vương phong thụy Linh Thọ là Tri Thánh Thiền Sư. Linh Thọ đời đời chẳng mất thần thông. Vân Môn có ba đời làm vua nên mất thần thông. Lưu vương mời Vân Môn cùng một số tôn túc vào nội cung nhập hạ, các vị đều cho người trong nội cung thưa hỏi và thuyết pháp, chỉ có Vân Môn không nói cũng không người thân cận. Có vị Trực điện viết một bài kệ dán trên vách điện Ngọc Bích:

Đại trí tu hành thủy thị thiền

Thiền môn nghi mặc bất nghi huyên Vạn ban xảo thuyết tranh như thật Du khước Vân Môn tổng bất ngôn.

DỊCH: Đại trí tu hành mới là thiền

Cửa thiền nên lặng chớ nên huyên
 
Muôn điều khéo nói đâu bằng thật Chỉ có Vân Môn thảy ngồi yên.

Về sau Sư trụ trì Vân Môn bình thường thuyết pháp thích nói thiền ba chữ: Cố, Giám, Di. Lại nói thiền một chữ, như vị Tăng đến hỏi: Giết cha giết mẹ đến trước Phật sám hối, giết Phật Tổ đến chỗ nào sám hối ? Vân Môn đáp: Lộ (bày). Lại hỏi: Thế nào là chánh pháp nhãn tạng ? Vân Môn đáp: Phổ (khắp). Quả là không cho nghĩ nghị, đến chỗ bằng phẳng, lại hay mắng người: “ Nếu hạ một câu nói, giống hệt cây cọc sắt”. Về sau xuất phát được bốn vị hiền triết: Động Sơn Sơ, Trí Môn Khoan, Đức Sơn Mật, Hương Lâm Viễn đều là bậc đại Tông sư. Hương Lâm làm thị giả mười tám năm, khi tiếp ông Sư chỉ gọi: Thị giả Viễn ! Viễn đáp: Dạ ! Sư nói: Là cái gì ? Như thế đến mười tám năm, một hôm Viễn đại ngộ. Vân Môn nói: Từ nay về sau ta không còn kêu ngươi. Vân Môn bình thường tiếp người hay dùng thủ đoạn của Mục Châu, thật là khó bề gá nương, có lối rèn luyện tháo chốt nhổ đinh. Tuyết Đậu nói: “Tôi mến Thiều Dương (Vân Môn) cơ phong mới định, một đời vì người nhổ đinh tháo chốt.”

Sư buông câu hỏi, hỏi chúng: Ngày mười lăm về trước chẳng hỏi ông, ngày mười lăm về sau nói cho một câu xem ? Quả thật ngồi dứt thiên sai, không thông phàm thánh. Tự đáp thay: Mỗi ngày đều là ngày tốt. Câu “ngày mười lăm về trước” là ngồi dứt thiên sai, câu “ngày mười lăm về sau” cũng ngồi dứt thiên sai, không nói ngày mai là mười sáu. Người sau chỉ quản theo lời sanh hiểu, có dính dáng chút nào. Vân Môn lập tông phong ấy ắt là có chỗ vì người. Hỏi xong liền tự đáp thay: Mỗi ngày đều là ngày tốt. Câu này thông suốt cổ kim, từ trước đến sau đồng thời ngồi dứt. Sơn tăng nói thoại như thế cũng là theo lời sanh hiểu, người giết không bằng tự giết, vừa khởi đạo lý là rơi hầm rớt hố. Vân Môn trong một câu đều đầy đủ ba câu, bởi vì tông chỉ của Ngài như thế. Nói một câu cần thiết phải qui tông, nếu không như thế tức là đỗ soạn. Việc này không cho nhiều luận thuyết. Song người chưa thấu phải cần như thế, nếu người đã thấu liền thấy ý chỉ cổ nhân. Hãy xem Tuyết Đậu làm sắn bìm:

TỤNG: Khứ khước nhất Niêm đắc thất

Thượng hạ tứ duy vô đẳng thất Từ hành đạp đoạn lưu thủy thanh Túng quan tả xuất phi cầm tích.
Thảo nhung nhung

Yên mịch mịch

Không Sanh nham bạn hoa lang tịch Đờn chỉ kham bi Thuấn-nhã-đa Mạc động trước
Động trước tam thập bổng. 

DỊCH: Bỏ đi một Nắm được bảy

Trên dưới bốn phương không đồng bậc Thong dong đạp bặt tiếng suối reo
 
Phỏng xem vẽ được chim bay dấu. Cỏ xanh rì

Khói trắng bạc

Không Sanh bên núi hoa rơi loạn Khảy tay làm thảm thần hư không Chớ động đến

Động đến ăn ba mươi gậy.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tụng cổ tài tình như thế, ngay đầu dùng Bảo kiếm Kim Cang Vương huơi một cái, nhiên hậu lược bày chút ít phong qui. Tuy nhiên như thế, cứu kính không có hai thứ hiểu. Hai câu “bỏ đi một, nắm được bảy”, đa số người hiểu theo lối tính số, bảo: bỏ đi một là việc ngày mười lăm về trước. Tuyết Đậu thẳng nơi đầu hạ hai câu ấn phá xong, lại bày cho người thấy “bỏ đi một, nắm được bảy”. Tối kỵ nhằm trong ngôn cú tạo kế sống. Vì sao ? Vì bánh in đâu có nước. Người ta phần nhiều rơi vào ý thức, cần phải nhằm về trước khi ngữ cú chưa sanh hội lấy mới được, đại dụng hiện tiền tự nhiên thấy được. Vì thế, đức Thích-ca sau khi thành đạo, ở nước Ma-kiệt-đề hai mươi mốt ngày, Ngài suy nghĩ thế này: “Các pháp tướng tịch diệt, không thể dùng lời nói, ta đành không thuyết pháp, chóng vào Niết-bàn.” Đến trong ấy tìm chỗ mở miệng không được. Do sức phương tiện, Phật vì năm thầy Tỳ-kheo nói, cho đến ba trăm sáu mươi hội. Giáo lý một đời đức Phật chỉ là phương tiện. Vì thế nói, cởi áo trân bảo, mặc áo nhơ xấu. Bất đắc dĩ nhằm trong nghĩa môn thứ hai, cái chỗ cạn hẹp mà dẫn dụ các con. Nếu nhằm trên chỗ toàn vẹn dạy người, thì cả quả đất không có một người nửa người. Hãy nói thế nào là đệ nhất cú ? Đến trong ấy, Tuyết Đậu bày chút ít ý cho người thấy. Ông chỉ trên chẳng thấy có chư Phật, dưới chẳng thấy có chúng sanh, ngoài chẳng thấy có núi sông, quả đất, trong chẳng thấy có kiến văn giác tri, giống hệt người chết rồi sống lại, dài ngắn, tốt xấu nhồi thành một khối, mỗi mỗi đem lại cũng không có thấy khác. Nhiên hậu ứng dụng không mất thích đáng, mới thấy được chỗ Tuyết Đậu nói: “Bỏ đi một, nắm được bảy, trên dưới bốn bên không đồng bậc.” Nếu nơi câu này thấu được, liền là trên dưới bốn bên không đồng bậc, sum la vạn tượng cỏ cây người súc rõ ràng toàn bày gia phong của chính mình. Vì thế nói

TỤNG: Vạn tượng chi trung độc lộ thân Duy nhân tự khẳng nãi phương thân Tích niên mậu hướng đồ trung mích

Kim nhật khán lai hỏa lí băng.

DỊCH: Ở trong hiện tượng riêng bày thân

Chỉ người tự nhận mới là gần

Năm xưa lầm nhắm trên đường kiếm Nay mới nhìn ra lò lửa băng.

Trên trời dưới trời chỉ ta hơn hết. Người đời đa số chạy theo ngọn chẳng tìm gốc. Nếu trước được gốc, tự nhiên gió thổi cỏ nghiêng, nước đọng thành hồ. “Thong dong đạp bặt tiếng suối reo”, hành động thư thả mà tiếng nước chảy ào ào cũng ưng đạp bặt. “Phỏng xem vẽ được chim bay dấu”, phóng mắt nhìn Đến trong đây, vạc dầu lò lửa thổi liền tắt, cây kiếm núi đao hét cũng tan, chẳng phải là việc khó. Tuyết Đậu đến đây, vì lòng từ bi, ngại người ngồi trong cảnh giới vô sự, lại nói: “Cỏ xanh rì, khói trắng bạc. sở dĩ che lấp đi liền được Cỏ xanh rì, khói trắng bạc .Hãy nói là cảnh giới của người nào ? Bảo là “mỗi ngày đều là ngày tốt” được chăng ? Đáng tức cười không dính dáng. Chính là “thong dong đạp bặt tiếng suối reo” cũng chẳng phải, “phỏng xem vẽ được chim bay dấu” cũng chẳng phải, “cỏ xanh rì” cũng chẳng phải, “khói trắng bạc” cũng chẳng phải. Tuy tất cả đều chẳng phải, chính là “Không sanh bên núi hoa rơi loạn”. Cần phải chuyển qua bên kia mới được. Đâu chẳng thấy Tôn giả Tu-bồ-đề ngồi yên trong núi, chư Thiên mưa hoa tán thán. Tôn giả hỏi: Trong không mưa hoa tán thán là người nào ? Chư Thiên thưa: Tôi là Thiên Đế Thích. Tôn giả hỏi: Tại sao ông tán thán ? Thiên thưa: Tôi trọng tôn giả nói Bát- nhã- ba-la- mật- đa hay. Tôn giả bảo: Tôi đối với Bát-nhã chưa từng nói một chữ, ông vì sao tán thán ? Thiên thưa: Tôn giả không nói, tôi không nghe, không nói không nghe là chân Bát nhã. Thiên Đế Thích lại mưa hoa khắp đất. Tuyết Đậu cũng đã làm tụng:

TỤNG: Vũ quá vân ngưng hiểu bán khai Sổ phong như họa bích thôi ngôi

Không Sanh bất giải nham trung tọa Nhạ đắc Thiên hoa động địa lai.

DỊCH: Mưa tạnh mây ngưng sáng nửa trời Vẽ ra mấy ngọn núi chập chùng

Không Sanh chẳng hiểu ngồi trong núi Liền được Thiên hoa tán khắp nơi.

Thiên Đế đã mưa hoa khắp đất, đến trong ấy lại ẩn núp chỗ nào ? Tuyết Đậu lại nói:

TỤNG: Ngã khủng đào chi đào bất đắc Đại phương chi ngoại giai sung tắc
Mang mang nhiễu nhiễu tri hà cùng Bát diện thanh phong nặc y ngắc.

DỊCH: Tôi ngại trốn đi trốn chẳng được Bên ngoài đại phương đều đầy ngất Lăng xăng rối rắm biết sao cùng Tám hướng gió lành thầm mặc áo.

Dù được lột trần toàn thong dong trọn không có mảy may lỗi lầm cũng chưa là cực tắc. Vả lại cứu kính thế nào mới phải ? Nên xem tiếp văn sau, “khảy tay làm thảm thần Hư không”. Tiếng Phạn Thuấn-nhã-đa, phương này dịch thần Hư không. Lấy hư không làm thân không thân xúc chạm, hào quang Phật soi mới hiện được thân. Nếu lúc ông giống như thần Hư không, thì Tuyết Đậu chính nên khảy móng tay buồn thảm. Tuyết Đậu lại nói “chớ động đến”. Khi động đến thì sao ? Ngày sáng trời trong, mở mắt ngủ khò.

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.