Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 31: MA CỐC CẦM GẬY NHIỄU GIƯỜNG


LỜI DẪN: Động thì bóng hiện, giác thì băng sanh. Nếu không động không giác chưa khỏi vào hang chồn hoang. Tin được đến, thấu được tột, không còn mảy tơ chướng ngại, như rồng gặp nước, tợ cọp tựa núi. Buông đi thì ngói gạch sanh quang, nắm lại thì vàng ròng mất sắc, công án cổ nhân chưa khỏi phủ che. Hãy nói bình luận bên việc gì, thử cử xem ? 

CÔNG ÁN: Ma Cốc chống gậy đến Chương Kỉnh, đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Chương Kỉnh nói: Phải! Phải! (Tuyết Đậu trước ngữ: Lầm!) Ma Cốc lại đến Nam Tuyền, đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Nam Tuyền nói: Chẳng phải! Chẳng phải! (Tuyết Đậu trước ngữ: Lầm!) Ma Cốc nói: Chương Kỉnh nói phải, tại sao Hòa thượng nói chẳng phải ? Nam Tuyền nói: Chương Kỉnh tức phải, còn ông chẳng phải, đây là bị phong lực chuyển, trọn thành bại hoại.

GIẢI THÍCH: Cổ nhân đi hành khước trải khắp tùng lâm, hẳn đem việc này làm niệm, cần biện rõ các vị lão Hòa thượng ngồi trên giường gỗ là đủ mắt sáng hay không đủ mắt sáng. Cổ nhân một lời nói khế hợp liền ở, một lời không khế hợp liền đi. Xem Ma Cốc đến Chương Kỉnh, đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Chương Kỉnh nói: Phải! Phải! Đao sát nhân, kiếm sống người, phải là bổn phận kẻ tác gia. Tuyết Đậu nói: Lầm! Rơi tại hai bên. Nếu ông đến hai bên hội là chẳng thấy ý Tuyết Đậu. Ma Cốc đứng nghiễm nhiên là vì việc gì ? Tuyết Đậu vì sao lại nói lầm ? Chỗ nào là chỗ lầm của Ma Cốc ? Chương Kỉnh nói phải, chỗ nào là chỗ phải ? Tuyết Đậu như ngồi đọc lời phán. Ma Cốc mang chữ “phải” đến yết kiến Nam Tuyền. Như trước đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Nam Tuyền nói: Chẳng phải, chẳng phải! Đao sát nhân, kiếm sống người, phải là bổn phận Tông sư. Tuyết Đậu nói: Lầm! Chương Kỉnh nói phải, phải, Nam Tuyền nói chẳng phải, chẳng phải, lại là đồng hay khác ? Phần trước phải, taị sao lại lầm ? Phần sau nói chẳng phải, tại sao cũng lầm ? Nếu nhằm dưới câu nói của Chương Kỉnh tiến được, tự cứu cũng chưa xong. Nếu nhằm dưới câu nói của Nam Tuyền tiến được, đáng cùng Phật Tổ làm thầy. Tuy nhiên thế ấy, hàng Thiền tăng phải tự nhận mới được. Chớ nhằm miệng người biện biệt, Ma Cốc hỏi một loại, tại sao người nói phải, người nói chẳng phải ? Nếu là người thông phương tác gia được đại giải thoát, ắt phải riêng có sanh nhai. Nếu là kẻ cơ cảnh chưa quên, quyết định mắc kẹt ở hai đầu này. Nếu cần biện rành cổ kim, ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ, phải rõ hai cái lầm này mới được. Đến đoạn sau, Tuyết Đậu tụng cũng chỉ tụng hai cái lầm này. Tuyết Đậu cần nêu lên chỗ sống linh động, cho nên nói như thế. Nếu là kẻ trong da có máu, tự nhiên chẳng nhằm trong ngôn cú khởi giải hội, chẳng nhằm trên cọc cột lừa khởi đạo lý. Có người nói: Tuyết Đậu thay Ma Cốc hạ hai chữ lầm. Thế có gì giao thiệp. Đâu chẳng biết người xưa trước ngữ là khóa chặt cửa trọng yếu, bên này cũng phải, bên kia cũng phải, cứu kính chẳng ở hai bên. Tạng chủ Khánh nói: “Chống tích trượng, nhiễu giường thiền, phải cùng chẳng phải đều lầm, kỳ thật cũng chẳng tại đây.” Ông đâu chẳng thấy, Vĩnh Gia đến Tào Khê yết kiến Lục Tổ, đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Lục Tổ quở: Phàm người Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, Đại đức từ phương nào đến mà sanh đại ngã mạn ? Tại sao Lục Tổ lại nói kia sanh đại ngã mạn ? Cái này chẳng nói phải, cũng chẳng nói không phải, phải cùng không phải đều là cọc cột lừa. Chỉ có Tuyết Đậu hạ hai chữ lầm, còn gần đôi chút. Ma Cốc nói: “Chương Kỉnh nói phải, tại sao Hòa thượng nói chẳng phải ?” Lão này chẳng tiếc lông mày, ló đuôi chẳng ít. Nam Tuyền nói: “Chương Kỉnh thì phải, Còn ông chẳng phải.” Nam Tuyền đáng gọi thấy thỏ thả chim ưng. Tạng chủ Khánh nói: Nam Tuyền dài dòng quá mức, chẳng phải thì thôi, lại còn nói thêm, “đây là bị phong lực chuyển, trọn thành bại hoại”. Kinh Viên Giác nói: “Nay thân ta đây do tứ đại hòa hợp, nên nói tóc lông, móng răng, da thịt, gân xương, tủy não bụi nhơ đều thuộc về đất, nước miếng máu mủ đều thuộc về nước, hơi ấm thuộc lửa, động chuyển thuộc gió. Tứ đại mỗi cái rời ra, thân vọng này ở chỗ nào?” Ma Cốc cầm tích trượng đi nhiễu giường thiền đã bị phong lực chuyển trọn thành bại hoại. Hãy nói cứu cánh phát minh việc Tâm tông tại chỗ nào ? Đến trong ấy phải là kẻ sắt thép đúc thành mới được.

Đâu chẳng thấy Tú tài Trương Chuyết tham vấn Thiền sư Trí Tạng ở Tây Đường, hỏi: Sơn hà đại địa là có hay không ? Chư Phật ba đời là có hay không ? Trí Tạng đáp: Có. Trương Chuyết nói: Lầm! Trí Tạng hỏi: Ông từng tham kiến vị nào đến ? Trương Chuyết nói: Tham kiến Hòa thượng Cảnh Sơn đến. Tôi có hỏi lời gì, Cảnh Sơn đều nói không. Trí Tạng bảo: Ông có quyến thuộc gì ? Chuyết đáp: Có một vợ quê, hai con khờ. Trí Tạng lại hỏi: Cảnh Sơn có quyến thuộc gì ? Chuyết đáp: Hòa thượng Cảnh Sơn là cổ Phật, chớ phỉ báng Ngài. Trí Tạng bảo: Đợi khi ông giống Cảnh Sơn sẽ nói tất cả không. Trương Chuyết cúi đầu lặng thinh.

Phàm là bậc Tông sư tác gia cần vì người mở niêm cởi trói nhổ đinh tháo chốt, không thể chỉ giữ một bên, đẩy bên trái liền xoay bên phải, đẩy bên phải liền xoay bên trái. Xem Ngưỡng Sơn đến chỗ Trung Ấp tạ lễ thọ giới. Trung Ấp thấy đến, ở trên giường thiền vỗ tay nói: Hòa thượng! Ngưỡng Sơn liền sang đứng bên Đông, lại sang đứng bên tây, lại sang đứng ở giữa, nhiên hậu tạ giới xong, lại lùi ra sau đứng. Trung Ấp hỏi: Ở chỗ nào được tam-muội này ? Ngưỡng Sơn thưa: Ở trên cái ấn Tào Khê gỡ được đem đến. Trung Ấp hỏi: Ông nói Tào Khê dùng tam-muội này tiếp người nào ? Ngưỡng Sơn thưa: Tiếp Nhất Túc Giác. Ngưỡng Sơn hỏi lại Trung Ấp: Hòa thượng ở chỗ nào được tam-muội này ? Trung Ấp nói: Ta ở chỗ Mã Tổ được tam-muội này.

Nói thoại thế ấy, há chẳng phải là kẻ cử một rõ ba, thấy gốc biết ngọn. Long Nha dạy chúng nói: “Phàm người tham học phải thấu qua Phật Tổ mới được. Hòa thượng Tân Phong nói: Thấy ngôn giáo của Tổ Phật như sanh oan gia, mới có phần tham học. Nếu thấu chẳng được bị Phật Tổ lừa.” Có vị Tăng ra hỏi: Tổ Phật lại có tâm lừa người sao ? Long Nha đáp: “Ngươi nói sông hồ có tâm ngại người chăng ?” Nói tiếp: “Sông hồ tuy không có tâm ngại người, chính vì thời nhân qua chẳng được, cho nên sông hồ trở thành ngại người, chẳng được nói sông hồ không ngại người. Tổ Phật tuy không có tâm lừa người, chính vì thời nhân thấu chẳng được. Tổ Phật trở thành lừa người, cũng chẳng được nói Tổ Phật không lừa người. Nếu thấu qua được Tổ Phật, người nầy tức qua Tổ Phật, phải là thể nhận được ý Tổ Phật, mới cùng hàng cổ nhân hướng thượng đồng. Như chưa thấu được, dù học Phật học Tổ đến muôn kiếp, cũng không có ngày đạt được.” Tăng hỏi: Làm sao khỏi bị Phật Tổ lừa ? Long Nha đáp: Phải tự ngộ đi! Đến trong đây phải như thế mới được. Vì sao ? Vì người phải vì cho tột, giết người phải thấy máu. Nam Tuyền, Tuyết Đậu là loại người này mới dám niêm lộng.

TỤNG: Thử thố bỉ thố
Thiết kỵ niêm khước Tứ hải lãng bình Bách xuyên triều lạc.
Cổ sách phong cao thập nhị môn Môn môn hữu lộ không tiêu sách Phi tiêu sách
Tác giả hảo cầu vô bệnh dược. DỊCH: Đây lầm kia lầm
Tối kỵ niêm lấy Bốn biển sóng dừng
Trăm sông triều xuống.
Cổ sách phong cao mười hai cửa Mỗi cửa có đường vào tịch mịch. Chẳng tịch mịch
Tác giả thích cầu thuốc không bệnh.

GIẢI TỤNG: Bài tụng này giống hệt công án Đức Sơn đến yết kiến Qui Sơn. Trước đem công án lồng hai chuyển ngữ xỏ thành một xâu, nhiên hậu tụng ra. “Đây lầm kia lầm, tối kỵ niêm lấy”, ý Tuyết Đậu nói chỗ này một lầm, chỗ kia một lầm, tối kỵ niêm lấy, niêm lấy tức trái. Cần phải để hai chữ lầm như thế. “Bốn biển sóng dừng, trăm sông triều xuống”, quả là gió mát trăng trong. Nếu ông căn cứ hai chữ lầm hiểu được thì không còn việc gì, núi là núi, nước là nước, dài đó tự dài, ngắn đó tự ngắn, năm ngày một trận gió, mười ngày một cây mưa. Vì thế nói “Bốn biển sóng dừng, trăm sông triều xuống”. Phần dưới tụng về Ma Cốc cầm gậy, “Cổ sách phong cao mười hai cửa”. Người xưa dùng roi làm sách (thúc tiến), nhà thiền lấy cây gậy làm sách (thúc tiến). Tây Vương mẫu trên hồ Diêu Trì có mười hai cửa đỏ. Cổ sách tức là cây gậy, đầu gậy gió mát cao đến mười hai cửa đỏ. Chỗ Thiên tử và Đế Thích ở mỗi cái có mười hai cửa đỏ. Nếu người hiểu được hai chữ lầm thì trên đầu gậy sanh hào quang, cổ sách dùng cũng chẳng được. Người xưa nói: “Biết được cây gậy thì việc tham học một đời xong xuôi.” Lại nói: “chẳng phải tiêu hình giữ việc rỗng, gậy báu Như Lai còn dấu vết”, cùng một loại này vậy. Đến trong đây bảy điên tám đảo, trong tất cả thời được đại tự đại. “Mỗi cửa có đường vào tịch mịch”, tuy có đường chỉ là tịch mịch. Đến đây Tuyết Đậu tự biết ló đuôi, lại vì ông đả phá. Tuy nhiên như thế, cũng có chỗ “chẳng tịch mịch”. Dù là tác giả khi không bệnh cũng nên trước tìm thuốc này uống mới được.

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.