Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 49: TAM THÁNH CÁ VÀNG PHỦNG LƯỚI


LỜI DẪN: Bảy xoi tám thủng cướp trống đoạt cờ, trăm vòng ngàn lớp, xem trước ngó sau, cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp, chưa phải tác gia. Đầu trâu mất đầu ngựa về, cũng chưa là kỳ đặc. Hãy nói khi người quá lượng đến thì thế nào, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Tam Thánh hỏi Tuyết Phong: Cá vàng vọt thủng lưới, chưa biết lấy gì làm thức ăn ? Tuyết Phong đáp: Đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói. Tam Thánh nói: Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong nói: Lão tăng trụ trì nhiều việc.

GIẢI THÍCH: Tuyết Phong, Tam Thánh tuy nhiên một ra một vào, một xô một đẩy, chưa phân thắng bại. Hãy nói hai vị tôn túc này đủ con mắt gì ? Tam Thánh từ Lâm Tế nhận ấn ký trải khắp các nơi, đều được các nơi đãi vào hàng cao khách. Xem Sư đặt câu hỏi bao nhiêu người dò tìm chẳng được. Vả lại chẳng dính lý tánh Phật pháp. Hỏi con cá vàng vọt thủng lưới, chưa biết lấy gì làm thức ăn ? Thử nói ý Sư thế nào ? Cá vàng vọt thủng lưới bình thường đã chẳng ăn mồi thơm của người, chẳng biết lấy gì làm thức ăn ? Tuyết Phong là tác gia dường như nhàn rỗi, chỉ lấy một hai phần đáp kia, lại vì kia nói “đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói”. Phần Dương gọi là hỏi “trình giải”, tông Tào Động gọi là hỏi “mượn việc”. Phải là vượt quần thoát loại được đại thọ dụng, trên đảnh có con mắt, mới gọi là cá vàng vọt thủng lưới. Nào ngờ Tuyết Phong là hàng tác gia chẳng ngại làm giảm uy danh của người, nên nói đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói. Xem hai vị nắm vững phong cương, vách đứng muôn trượng. Nếu chẳng phải Tam Thánh một câu này liền đi chẳng được. Nhưng Tam Thánh cũng là hàng tác gia mới biết nói với kia, là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong lại nói “Lão tăng trụ trì nhiều việc”. Câu này thật cứng rắn cao ngạo. Hai vị tác gia gặp nhau, một bắt một thả, gặp mạnh liền yếu, gặp tiện liền quí. Nếu ông khởi hiểu hơn thua thì chưa mộng thấy Tuyết Phong. Xem hai vị lúc đầu nguy hiểm cao vót, rốt sau hai người đều là kẻ chết. Hãy nói có được mất, hơn thua chăng ? Những vị tác gia khác đối đáp ắt chẳng như thế. Tam Thánh ở chỗ Lâm Tế làm Viện chủ, Lâm Tế sắp tịch dạy: Sau khi ta đi, chẳng được diệt chánh pháp nhãn tạng của ta. Tam Thánh ra thưa: Đâu dám diệt chánh pháp nhãn tạng của Hòa thượng. Lâm Tế hỏi: Về sau có người hỏi ông làm sao ? Tam Thánh liền hét. Lâm Tế nói: Ai biết chánh pháp nhãn tạng của ta đến bên con lừa mù này diệt rồi. Tam Thánh liền lễ bái. Sư là chân tử của Lâm Tế mới dám đối đáp như thế. Tuyết Đậu rốt sau chỉ tụng cá vàng vọt thủng lưới, bày chỗ tác gia thấy nhau.
 
TỤNG: Thấu võng kim lân Hưu vấn đới thủy Diêu càn đảng khôn Chấn liệp bãi vĩ.
Thiên xích kình phún hồng lãng phi Nhất thanh lôi chấn thanh tiên khỉ Thanh tiên khỉ
Thiên thượng nhân gian tri kỷ kỷ. DỊCH: Thủng lưới cá vàng
Thôi bảo dính nước Rung càn động khôn Mang chấn đuôi quạt.
Ngàn thước cá kình phun sóng to Một tiếng sấm vang gió mạnh nổi Gió mạnh nổi
Trên trời nhân gian mấy người biết.

GIẢI TỤNG: Hai câu “thủng lưới cá vàng, thôi bảo dính nước”, Ngũ Tổ tiên sư nói chỉ trong một câu này tụng xong vậy. Đã là cá vàng vọt thủng lưới há kẹt trong nước, ắt ở chỗ nước nổi mênh mông sóng dậy ngập trời. Hãy nói trong mười hai giờ lấy cái gì làm thức ăn ? Các ông hãy nhằm dưới ba cây đòn tay, trước cái đơn bảy tấc, thử định đúng xem ? Tuyết Đậu nói việc này tùy phần niêm lộng, như loại cá vàng khi “mang chấn đuôi quạt” thì “rung càn động khôn”. Câu “ngàn thước cá kình phun sóng to” là tụng Tam Thánh nói “là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết”, như cá kình phun sóng to. Câu “một tiếng sấm vang gió mạnh nổi” là tụng, Tuyết Đậu nói “Lão tăng trụ trì nhiều việc”, giống như một tiếng sấm gió mạnh nổi dậy. Đại cương tụng hai vị đều là hàng tác gia. Hai câu “gió mạnh nổi, trên trời nhân gian mấy người biết”, thử nói hai câu tụng này rơi tại chỗ nào ? Chữ tiên là gió, khi gió mạnh thì trên trời nhân gian có mấy người hay biết.

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.