Chương 3.
Dứt sạch mọi khổ đau
Trong
đoạn kệ trên ta có thể tìm thấy chìa khóa để tận diệt mọi đau khổ.
Hãy kết
giao với bạn lành,
Những
người sống trong sạch, không lười nhác
Lời chỉ giáo đầu tiên, về những
người bạn tâm linh, là một chủ đề thường xuất hiện trong giáo lý của Phật, vì
chúng ta rất dễ dàng bị ảnh hưởng từ những người bạn của mình. Một ‘thiện hữu
tri thức’ (noble friend) là người không thụ động, biếng lười, và trong đời sống
hằng ngày không tham đắm, vượt quá giới hạn, dầu là chút ít. Nói cách khác, họ
là những người sống cuộc đời tích cực và đạo hạnh. Trừ khi ta có thể nhận xét
được ở những người bạn của mình những đức tính cao đẹp như thế qua một thời
gian dài, ta không thể gọi họ là thiện hữu tri thức hay bạn tâm linh với đúng
nghĩa của nó. Đức Phật dạy rằng ta chỉ có thể hiểu thấu đáo một người nào đó
sau khi đã sống với họ một thời gian dài; một chú giải còn xác quyết thời gian
đó là mười hai năm.
Yếu tố quan trọng giúp ta thấy
được đời sống tâm linh hay hoạt động nội tâm của một người không phải ở những
điều họ nói, mà ở cách hành xử của họ trong đời sống hằng ngày. Nói là một
việc, làm lại là việc khác - và hai việc này thường có thể khá xung đột nhau
trong một con người. Giao tiếp với thiện hữu tri thức mang đến cho ta những cái
nhìn mới về con đường tâm linh vì một người bạn như thế chính họ cũng dấn thân
trên con đường đạo, và sẽ có nhiều tri giác để chia sẻ vì ưu tiên của họ luôn
là phát triển tâm linh hơn là cuộc sống vật chất.
Sự hiểu biết sáng suốt này sẽ tự
bộc lộ dưới những hình thức đơn giản để đánh thức trong ta những cái nhìn mới
và hiểu biết sâu xa. Kinh sách ghi lại là Phật đã nói những lời dạy của Ngài
phải được diễn tả dưới những hình thức càng đơn giản càng tốt, để chúng có thể
đến với càng nhiều người càng tốt. Không người nào phải quay lưng đi với ý nghĩ
rằng họ không đủ khả năng để hiểu pháp; và cũng không người nào nên nghĩ là họ
chỉ việc tin vào pháp là đủ. Cả hai thái độ này đều không mang lại ích lợi gì.
Theo đức Phật, ta có thể tâm sự
với một người bạn tốt (thiện hữu tri thức) mà không cần do dự, e ngại vì biết
là họ sẽ giữ bí mật cho ta. Tất nhiên ta chỉ có thể tin như thế nếu ta biết ta
cũng sẽ hành xử như thế với bạn: lòng tin phải có ở cả hai bên. Một người bạn
tốt sẽ không để người khác nói xấu bạn mình, và luôn hoan hỷ khi nghe những
điều tốt lành về bạn mình.
Sự giao tiếp mang đến cho tâm
những chất liệu căn bản. Chính vì thế mà ta cần phải gần gũi với những người
thường nói về các vấn đề tâm linh. Tất nhiên, ta cũng có thể nói về những công
việc hàng ngày, và một người bạn tốt cũng có thể cho ta những lời khuyên về các
vấn đề đời thường, nhưng không nên mất nhiều thì giờ cho việc đó. Tâm có những
nhu cầu riêng của nó. Nó cần được bồi dưỡng, hoàn chỉnh, khích lệ và đó là
những điều mà một thiện hữu tri thức có thể đóng góp tốt hơn, giúp ta thấy hoan
hỷ và củng cố niềm tin của ta.
Đức Phật còn dạy thêm là một
thiện hữu tri thức có thể làm xoay chuyển đời sống tâm linh của ta về hướng
tốt. Sự quan trọng của một người bạn như thế được nhấn mạnh ngay từ câu đầu của
đoạn kinh được dẫn, như là điều kiện tiên quyết để tận diệt các khổ đau. Nếu có
được một người bạn có thể giúp ta đi trên con đường đạo, khuyến khích các thiện
hạnh nơi ta, là tấm gương để ta phấn đấu, thì quả thật chúng ta quá diễm phúc
và ta cần phải làm mọi cách để gần gũi, bồi dưỡng tình thân với họ.
Người khác có nhiều ảnh hưởng
đến ta hơn ta tưởng. Khi giao tiếp với người không biết tu, ta rất dễ rớt xuống
cùng trình độ với họ, trừ khi ta đã huấn luyện tâm mình để kéo họ theo về hướng
ta. Điều này đòi hỏi ta trong giai đoạn đầu phải rèn luyện tâm chánh niệm cao
độ, và chính vì vậy đức Phật đã nhấn mạnh đến việc ta phải gần gũi với những
người có khả năng giúp chúng ta trên con đường tâm linh. Ta phải có khả năng
tri thức riêng của mình, ở đây (đoạn kinh) ghi bằng chữ
‘cẩn trọng’. Hành động của ta
phải luôn được dẫn dắt bởi sự tiên liệu và phán đoán chín chắn, bởi tiếng nói
của lương tâm rõ ràng, rành mạch và nhắc nhở ta, thí dụ như, là ta phải có khả
năng nhận ra ai là bạn tốt, ai là không. Tuy nhiên, vì sự biếng lười hoặc thiển
cận, tiếng nói của nội tâm có thể bị bỏ qua, bởi trong ta còn có một tiếng nói
thứ hai - đó là tiếng nói của ái dục - dễ dàng lôi cuốn và khiến ta nghe theo
hơn.
Chúng ta có thể cố gắng bào chữa
cho các hành động của mình bằng cách cho rằng tất cả mọi người đều làm như thế.
Tuy nhiên, ta cần hiểu rằng con đường tâm linh hoàn toàn khác với con đường vật
chất, và rằng hành động của số đông không có nghĩa là những hành động, suy nghĩ
đúng. Thật ra, nếu quan sát thấu đáo và trung thực một số đông người, ta có thể
kết luận rằng cuộc sống đắm chìm trong vật chất không thực sự tốt cho họ, dù ở
những điều kiện thuận lợi nhất.
Ta sẽ đưa ra bất cứ lời bào chữa
nào khi muốn bóp nghẹn tiếng nói của lương tâm đang hướng ta đến con đường đạo
hạnh. Ngay cả khi nó (tiếng nói lương tâm) dõng dạc lên tiếng, ta vẫn cố nói,
‘Ừ, tại sao lại không? Làm như thế thì có hại gì? Tôi có quyền làm như thế.
Người khác cũng làm vậy. Làm thế là tiện lợi nhất.’
Những sự ngụy biện và tránh né
đó cần được liên tục phơi bày ra. Ta phải luôn tự nhắc nhở, bằng cách này hay
cách khác, những điều ta thực sự mong muốn là gì. Chẳng hạn, ta có thể quán
tưởng rằng kẻ thù và bạn bè - kể cả các thiện hữu tri thức - tất cả như cùng
đang có mặt trong ta. Từ đó ta có thể chọn làm người bạn tốt nhất của mình hơn
là kẻ thù nguy hiểm nhất. Ta có thể làm điều đó chỉ bằng cách chăm chú lắng
nghe từ nội tâm những lời khuyên thực sự mang lại hạnh phúc cho mình; chứ không
phải một cách sống đầy vị kỷ, đi từ lạc thú này qua lạc thú khác - là điều, dĩ
nhiên, không liên quan gì tới hạnh phúc - mà bằng những niềm vui đến từ nội
tâm, đó chính là điều mà mọi người đang thực sự tìm kiếm.
Ở đây, tuy đức Phật quan tâm đến
thái độ của ta đối với những thiện hữu tri thức, một điều quan trọng khác cũng
cần đề cập đến là thái độ của chúng ta đối với bản thân: bằng cách tự quán sát,
xét xem mình có phải là người bạn tốt nhất của mình không. Ta có biết đến những
cuộc đối thoại đang diễn ra trong tâm mình? Nếu có, ta có nhận ra được đường
hướng và sự buông lung của tư tưởng của mình và ta có biết phải làm gì với
chúng không?
Bất kể chuyện gì xảy ra quanh
ta, chính tư tưởng của ta quyết định phẩm chất cuộc sống nội tâm của mình.
Chính ta là người gây ra những diễn tiến trong tâm mình. Chỉ khi nào ta nhìn
nhận sự thật này và sẵn sàng sống với hậu quả của nó, lúc đó ta mới có thể nói
là mình đang theo đuổi con đường tâm linh. Chỉ có tôi là người chịu trách nhiệm
cho sự hạnh phúc và bình an của tôi - cũng như những khổ đau, và bất an. Nếu
không hiểu được điều này, ta sẽ ruổi rong tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài. Ngược
lại, khi gặp phải chuyện không vừa lòng ta kiếm ngay một thứ gì để đổ lỗi và sẽ
có rất nhiều thứ để ta chọn lựa. Không khó khăn gì để tìm một người hay một
điều gì đó, ngay bên cạnh ta hay xa vời, để đổ lỗi. Ngày nào mà ta còn làm việc
này, ngày nào ta còn mong chờ hạnh phúc đến từ những điều kiện bên ngoài hay
xem chúng là nguyên nhân của khổ đau, ngày đó ta còn mắc kẹt trong đời sống vật
chất, và hành xử chẳng khác gì những kẻ phàm phu.
Sự chuyển hóa chỉ thực sự xảy ra
khi ta nhận thức được rằng chính sự suy nghĩ của ta khiến ta hạnh phúc hay đau
khổ, rằng chúng chính là chủ nhân ông trong đời sống nội tâm của ta. Lúc đó
chắc chắn là ta phải trở thành người bạn tốt nhất của mình - hay ngay cả là
thiện hữu tri thức của chính mình - bất kể hoàn cảnh chung quanh như thế nào.
Là người bạn tốt của chính mình, ta sẽ hỗ trợ tất cả những gì tích cực trong ta
và thuyết phục mình lánh xa những gì tiêu cực, và ta sẽ theo đuổi những gì giúp
mình tiến bộ. Dần dần ta sẽ nhận ra những khuyết điểm của mình, và thay vì tự
trách ta sẽ cố gắng tự sửa mình.
Nếu ta có thể giải quyết những
khuyết điểm của mình với tâm từ, ta cũng sẽ có lòng từ tương tự với người khác và
nhận ra những khó khăn của họ. Qua lòng từ ta sẽ vun trồng cho mình một tâm hồn
cao thượng. Nhờ vậy, ta có thể gác lại những lo lắng đời thường, những tính
toán vụn vặt, những cảm giác lo sợ, tiêu cực và cố gắng nâng cao tinh thần,
trạng thái tâm lý cũng như tình cảm của mình đến trình độ mà ta có thể nhận ra
tất cả như là một quá trình toàn diện.
Nếu ta có thể tránh nhìn mọi
việc hoàn toàn qua quan điểm của mình thì thật là điều tốt. Khi giảm thiểu được
thói quen suy nghĩ là ‘tôi’ sẽ thích cái này hơn, hay ‘tôi’ muốn thay đổi như
thế này, thì lúc đó ta sẽ cảm nhận được rằng mình là một phần của một tổng thể
lớn hơn. Chỉ nói về cách nhìn sự vật thôi cũng không đủ; ta cần có những suy
nghĩ nghiêm túc - sự suy nghĩ đi đến cội nguồn cảm xúc và hình thành đời sống
nội tâm của ta. Cũng bằng cách này, ta gầy dựng tính độc lập và tự chủ của
mình. Nhờ người khác giúp tuy quan trọng, nhưng ta cũng cần cố gắng tự mình
theo dõi và hướng dẫn sự tiến triển của bản thân.
Một điều thật lý thú về giáo lý
nhà Phật là nó chỉ gồm những lời chỉ dẫn và tóm lược. Mỗi người phải chọn con
đường cho mình và cố gắng tự thực hành. Càng thực hành, ta càng bớt do dự, càng
bớt ôm giữ những bất mãn, càng nhận biết sâu xa hơn rằng đây là một giáo lý
thực dụng, phù hợp với lý lẽ và nó thực sự giúp ta dần dần xả bỏ hết mọi khổ
đau.
Để đạt được mục tiêu đó, ta phải
thay đổi cách suy nghĩ của mình, và có một cách thật đơn giản để mô tả sự thay
đổi đó: thay vì muốn các thứ này nọ, ta phải từ bỏ chúng. Ở môi trường buôn
bán, khi muốn một vật gì ta phải sẵn sàng trả tiền mua vật đó, nhưng không trả
hơn một xu giá bán của nó. Trên bình diện tâm linh thì lại hoàn toàn khác,
chẳng có gì để mà được, và tất cả những thứ ta mang theo mình như quan điểm, ý
nghĩ, hy vọng, ước muốn, sự do dự và sợ hãi, tất cả đều phải được từ bỏ. Sự từ
bỏ này bắt đầu bằng cách suy nghĩ khéo léo, hay quán chiếu, là điều mà đức Phật
gọi là sự ‘cân nhắc khôn ngoan’, từ đó thanh tịnh có thể phát khởi trong ta,
cho phép ta nhận diện thật rõ ràng gì là bản chất cao thượng nhất trong ta. Ta
phải làm được điều này vì ta chỉ có thể bộc lộ những đức tính mà tự ta đã gần
gũi quen thuộc. Ta phải tìm được pháp ngay chính nơi ta.
Chữ ‘hiền’ (noble) có một ý
nghĩa đặc biệt trong Phật giáo, nhằm chỉ một người đã thành công trong việc
nhập tâm hóa những lời dạy của Phật bằng cách này. Có nhiều giai đoạn trên con
đường đi đến mục tiêu này. Ban đầu ta có thể nghe một bài pháp rồi quên mất đi.
Sau đó ta có thể nghe, rồi lưu tâm để nhớ. Nếu nhớ được giáo lý ta có thể đem
nó ra thực hành. Và sau cùng ta có thể quán sát xem có gì đã đổi thay trong quá
trình thực tập đó. Đường đi đã được vạch ra khá rõ ràng - còn việc đi trên con
đường đó hoàn toàn tùy thuộc ở ta.
Việc tự soi lại mình khi ta muốn
trở thành bạn hiền của chính mình đòi hỏi chúng ta phải biết điều gì là tốt
nhất cho mình - mà không nhất thiết là điều thuận tiện hay dễ chịu nhất. Điều
này càng khó khăn khi ta mới bắt đầu con đường tâm linh, vì bỗng nhiên ta phải
đối diện với những điều mà ta không hề biết xưa nay vẫn tiềm ẩn trong ta. Ta cần
có can đảm để nhận ra bản chất của ta mà không tự dối mình. Bất cứ sự giận dữ,
bực tức hay nóng nẩy xảy ra trong quá trình tự kiểm này đều trái ngược với lòng
từ và chẳng ích lợi gì cho ta. Việc trải lòng từ đến bản thân và nhận diện được
những khó khăn của bản thân giúp chúng ta dễ cảm thông với người khác cũng như
vậy.
Đoạn kệ tiếp tục mô tả một thiện
hữu lý tưởng sống cuộc đời tích cực và đạo hạnh. Đôi khi ta thấy có quan niệm
rằng người sống cuộc đời tâm linh đến độ phần nào đã nhập tâm ít nhiều giáo lý
sẽ dành hết thì giờ của mình ngồi trên gối thiền, hoặc nhìn ra cửa sổ, hoặc mỗi
ngày chỉ nói đúng mười chữ. Nghe thì kỳ quái, nhưng những quan niệm như thế
không phải là không phổ biến, và thường được người ta tin chắc vào đó. Người ta
thường có những tranh luận sôi nổi về việc một người sống đời tâm linh phải
sống một cách đặc biệt như thế nào, các nghiên cứu về những ẩn sĩ Ky tô giáo
thời Trung Cổ cho thấy họ thường là những người hết sức thực tế và hầu hết sắp
xếp cuộc sống của họ rất thành công.
Sống đời tích cực có nghĩa là ta
làm những việc cần làm thay vì để nó qua một bên. Tâm thụ động cũng khiến cho
thân trở nên nặng nề. Lúc đó tâm nẩy sinh ra đủ mọi lời bào chữa, mà đức Phật
đã tóm tắt như sau đây: Kẻ dại khờ nói, “Còn quá sớm, chưa tu được,” hoặc “Trễ
quá rồi,” hoặc “Trời quá nóng,” rồi “Trời quá lạnh.” Rồi “Tôi no quá,” hay “Tôi
đói quá,” “Tôi còn quá trẻ” hoặc “Tôi già quá rồi”. Ngày nay, chúng ta lại có
nhiều lý do khác: “Bây giờ thì tôi không thể nào ngồi thiền được - ồn quá. Đợi
đến khi tụi trẻ đã lớn, hay khi chồng tôi về hưu ....”
Tâm biếng lười không những không
muốn làm gì, nó cũng không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Nó có vẻ rất tích
cực, chạy lung tung mọi hướng, nghĩ ngợi miên man, thế nhưng chẳng đem lại ích
lợi gì. Khi tâm lang thang và không thể tự chủ, sự suy nghĩ tản mạn làm ngăn
trở bất cứ trạng thái thiền nào. Nó có thể dựng lên những câu chuyện đẹp tuyệt
vời, những mộng mơ lý tưởng nhưng chúng chẳng có ích lợi thiết thực gì cho sự
thực tập. Tâm lăng xăng như thế thì cũng chẳng khác gì tâm biếng lười, trong
khi sự nhất tâm giúp ta rất nhiều trong đời sống hằng ngày, và giúp tâm tránh
có cảm tưởng là nó phải can dự vào bất cứ những gì nó gặp, giúp nó chú tâm vào
những gì mà một người thông minh, khỏe mạnh coi là thực sự quan trọng. Do vậy,
ở một giai đoạn nào đó, ta cần làm rõ điều gì thực sự quan trọng trong cuộc đời
ta. Đối với chúng ta, cuộc sống thực sự có ý nghĩa gì? Ta nên thường xuyên nghĩ
đến điều này và thỉnh thoảng cũng nên viết nó xuống. Có thể ta sẽ khám phá ra là
việc tra cứu này có thể cho nhiều kết quả khác nhau trong chỉ vài ngày hay vài
tuần, và chính vì thế việc tiếp tục xem xét trở lại những ưu tiên căn bản của
chúng ta càng quan trọng hơn. Nếu biếng lười thường khiến cho các công việc
hằng ngày làm gián đoạn sự tiến bộ của ta, những sự nhắc nhở như thế về mục
tiêu của ta có thể vực dậy trong ta một sinh lực mới để theo đuổi sự tu tập.
Ta thích tự nhủ là mình quá bận
rộn, tuy nhiên ta thường thấy là người lúc nào cũng làm quá sức, thì chẳng
thành tựu được bao nhiêu. Những người có đầu óc nhanh nhẹn và nhất tâm có thể
cáng đáng thêm một ít việc nếu cần. Tâm nhanh nhẹn cũng giúp cho thân thể luôn
khoẻ mạnh để tâm và thân có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Chúng ta phải làm rất nhiều việc
chỉ để mưu sinh và nhiều người bận rộn với những công việc thường nhật này từ
sáng đến tối. Những sự khổ nhọc ấy có bõ công không khi chúng ta biết là mình
sẽ không sống mãi? Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng có một cái gì đó quý giá
hơn là việc mưu sinh hằng ngày, thế nhưng ta đã làm gì từ lúc mở mắt thức dậy
mỗi sáng đến khi đi ngủ mỗi tối? Ta có giúp ích được gì cho người khác trong
ngày? Có giây phút nào ta đã cố gắng tách tâm ra khỏi những lo toan vật chất
không? Giáo lý của đức Phật gồm những nguyên tắc và chỉ dẫn mà bất cứ ai có quyết
tâm đều có thể hiểu và thực hành. Đức Phật không bao giờ lôi kéo hay khuyến dụ
người ta theo đạo của Ngài. Trái lại, Ngài dùng lời đơn giản để thuyết pháp,
với lòng kiên nhẫn vô biên và khuyến khích mọi người tu tập. Lại nữa, Ngài đã
giảng dạy cho những người có cùng những khó khăn, ham muốn và bất mãnh như
chúng ta ngày nay. Thế giới có thể đã thay đổi ở bên ngoài - kỹ thuật, kiến
trúc và thời trang có thể đem đến cho chúng ta những điều mới mẻ mỗi ngày -
nhưng thật ra thì nhiều thứ cũng chẳng mấy thay đổi và giáo lý của Ngài vẫn phù
hợp như từ thuở nào. Và mục đích muốn đạt được tuệ giác sâu xa về sự thật tối
thượng, để mở ra cho ta một cái nhìn mới về thế giới chung quanh cũng như về
bản thân ta, để sau cùng đưa ta đến sự tận diệt các đớn đau và khổ ách, cũng
vẫn còn thích hợp.
Dầu ở đâu, hãy giao tiếp thân
thiện.
Trong cuộc sống hằng ngày, điều
này xem như là một việc không thể làm nổi, vì có quá nhiều người không được
thân thiện cho lắm. Nhưng trên con đường tâm linh, ta không có chọn lựa nào hơn
là phải thân thiện, vui vẻ với mọi người. Nếu ta quạu quọ thì ngay trong lúc đó
ta đang tạo ác nghiệp và rồi ta sẽ không thể tránh cảm thấy buồn bực - có nghĩa
là ta đang bị dằn vặt bởi một lương tâm bất an. Có một quan niệm phổ biến nhưng
rất sai lầm là nghiệp chỉ đến từ các đời trước của ta, và tích lũy nghiệp được
dồn lại đời sau, song thật sự là ta đang tạo nghiệp trong mỗi giây phút mình
đang sống và luôn phải gánh chịu những hậu quả của nó. Quá trình tạo nghiệp ở
hiện tại quan trọng hơn là bất cứ nghiệp gì từ quá khứ hay trong tương lai. Quá
khứ thì đã qua còn tương lai chẳng có gì hơn là một ý niệm của tâm thức; khi
tương lai đến thì nó được gọi là hiện tại. Ta đang tạo nghiệp, ngay trong giây
phút này, chẳng trước mà cũng không sau. Quả thật là nghiệp có liên hệ đến quá
khứ và tương lai, nhưng điều đó ta thực sự chẳng nên quan tâm đến.
Hằng ngày, ta có thể lãnh quả
của nghiệp ngay tức thì. Khi ta thấy vui sướng, bình an, thoải mái thì hẳn là
ta đã cố hết sức cư xử theo lẽ phải, tức là đúng theo với lương tâm của mình.
Ngược lại, nếu cảm thấy bực dọc, ta có thể suy ra là các hành vi của mình đã
không được tốt, không đúng theo lẽ phải: có thể là ta đã không được hòa nhã, tư
tưởng của ta chưa được tốt lành hoặc ta muốn chiếm đoạt hay vất bỏ cái gì đó.
Có nhiều cách để bào chữa cũng như giải thích cho những hành động thiếu khôn
ngoan của ta, song tất cả cũng chẳng có ích gì, bởi chúng chẳng giúp ta mất đi
cảm giác khó chịu trong lòng.
Vì lẽ đó ta phải tự nhắc nhở
mình không nên khiếm nhã dù người khác đã đối xử với mình như thế. Chính vì
biết là họ đang tạo nghiệp xấu trong giây phút đó, ta phải cảm thấy thương họ
thay vì có ác cảm với họ. Ta phải nhớ là nếu bất nhã trở lại với họ, chính ta
cũng đang tạo ác nghiệp. Hầu hết mọi người cư xử theo lẽ sống đời thường là
người xấu với ta thì ta xấu lại, vì họ nghĩ là không còn giải pháp thỏa đáng
nào khác. Tuy nhiên, là Phật tử, chúng ta phải đi theo con đường mà đức Phật đã
dạy: không ăn miếng trả miếng với người mà qua cách hành xử của mình cho họ
thấy là có con đường cao đẹp hơn. Như thế không những lợi lạc cho ta mà còn lợi
lạc cho kẻ ấy nữa.
Luôn cẩn trọng trong mọi hành
động.
Ở đây ý nói ta nên cẩn thận xem
xét các hành động của mình để tránh phản ứng một cách hấp tấp. Chúng ta thường
vội lên án người khác khi ta nhìn thấy cái xấu của họ, và ta cũng phải nghiêm
khắc và thận trọng như thế với những hành động của chính mình. Tuy nhiên, nếu
tuân theo các thói hư tật xấu của mình là dại dột, thì ngược lại ta cũng chẳng
khôn ngoan gì nếu ta buồn bã u sầu vì chúng.
Tuy vậy, ta không nên ngần ngại
để cho bạn bè biết con người thật của mình và họ chỉ có thể thực sự hiểu ta nếu
họ biết cách cư xử của ta trong đời sống hằng ngày chứ không phải chỉ trong
những dịp đặc biệt. Ngay cả khi ta duy trì sự tỉnh thức, cũng không nên áp dụng
vào cách cư xử thường ngày của ta một cách giả tạo, hoặc dựa trên sự đồng hóa
với một nhân vật nào. Nó phải đến từ trái tim ta.
Ngoài việc phải cẩn trọng trong
lúc giao dịch với bạn hữu, ta cũng cần cư xử như thế với tất cả mọi người để
tránh gây thù chuốc oán một cách vô ích. Tuy nhiên, không thể nào tránh việc
không tạo ra kẻ thù. Ngay cả đức Phật cũng có kẻ thù - cũng như Chúa Giê Su của
Nazareth. Vì
thế không phải lúc nào cũng có thể giao lưu, kết bạn, nhưng không nên vì lý do
đó mà không thử, không cố gắng kết giao với những người bạn thực sự, dựa trên
những tình cảm trong lòng ta.
Điều đáng tiếc là chúng ta
thường giao tiếp với người khác dựa trên tri thức. Trong khi nếu mọi người đều
thật lòng với nhau, thì sẽ dễ dàng hòa hợp với nhau nhiều hơn, nhưng điều này
có vẻ hiếm trong những mối liên hệ hằng ngày. Nhưng ta luôn có thể học những
điều mới, và ta càng phát triển những đặc tính của trái tim, như lòng nhân ái,
bi mẫn, chúng càng chuyển tải nhiều hơn thông điệp của ta. Tình cảm của ta càng
sâu sắc, ta càng dễ diễn tả chúng bằng lời nói, và càng dễ kết bạn hơn.
Bạn bè không có mặt để ta tự
khẳng định mình, mà là để ta có cơ hội được làm một thiện hữu. Do đó, con đường
tu tập của chúng ta, là để hỗ trợ người khác, và đây là điều quan trọng luôn được
nhắc đến nhiều lần trong các kinh điển. Tuy nhiên ta chỉ có thể giúp được người
khác sau khi đã tự giúp mình, và nếu những khó khăn của bản thân còn quá nhiều,
ta phải khắc phục chúng trước khi ta có thể giúp người.
Nếu ta chỉ kết thân với những
người bạn sống đạo hạnh, không biếng lười, và nếu ta thân thiện, cẩn trọng, đời
ta sẽ tràn đầy hạnh phúc. Câu ‘tràn đầy hạnh phúc,’ nghe có vẻ lạ tai. Nói một
cách đơn giản nhất là nó cho ta cảm giác tự tại, phát khởi từ nhận thức rằng ta
đã làm hết sức mình, và đó là một khởi điểm quan trọng cho việc hành thiền. Nếu
ta tự biết mình đã cố hết sức thì ta sẽ tìm được tâm bình an dễ dàng hơn vì
biết là mình sẽ được hưởng quả lành từ những thiện nghiệp mình đã gieo trồng;
ta có thể vững tin là các thiện nghiệp đang giúp đỡ, hỗ trợ ta. Đức Phật dạy
rằng ta là chủ nghiệp của mình, rằng nếu ta gieo trồng thiện nghiệp thì chúng
sẽ trưởng dưỡng ta và chính sự hiểu biết này góp phần mang lại hạnh phúc cho
ta.
Bằng cách đó ta cũng dễ dàng đạt
đến tầng thiền thứ nhất, cho ta cảm giác an lạc. Đây là tầng định thứ nhất mà
đức Phật thường nhắc đến trong hầu hết những lời dạy của Ngài về thiền. Không
những đem đến cho ta niềm an lạc nó còn là một liều thuốc trị những cảm thọ
tiêu cực, lòng sân hận và ghen ghét. Trong lúc hưởng thụ cảm giác an lạc chúng
ta không thể đồng thời cảm thấy sân hận hay ghen ghét. Thêm nữa, một cảm giác
an lạc như thế thường có tác dụng lâu dài.
Trong đoạn kệ này chúng ta được
chỉ dẫn về những điều cần thiết để giữ được định và sự bình tâm ở ngoài thiền
định. Ở những kinh khác đức Phật dạy rằng muốn hành thiền cho đúng, tâm và thân
đều phải thoải mái và tâm phải đầy an lạc. Chỉ khi đó việc hành thiền mới khả
thi, đưa đến định. Khi chứng nghiệm những điều này lần đầu tiên ta sẽ có câu
trả lời cho nhiều nghi vấn của ta. Đây là điểm khởi đầu của con đường đưa đến
sự đoạn diệt các đau khổ.
Đức Phật dạy rằng tất cả mọi
hiện hữu đều mang đặc tính đau khổ vì họ chẳng bao giờ có thể thỏa mãn hay hoàn
toàn như ý, nhưng Ngài cũng chỉ cho ta cách để bỏ mọi khổ đau lại phía sau. Đôi
khi Phật giáo bị cho là bi quan bởi đức Phật đã dùng từ ‘đau khổ’. Thật ra, xét
cho cùng thì giáo lý của Ngài hết sức thực tế. Đức Phật nhận diện các vấn nạn
của chúng ta, sự liên hệ mật thiết của chúng với vô thường. Ngài còn chỉ cho ta
cách vượt thắng các vấn nạn với sự trợ giúp của tuệ giác sâu xa, tuệ giác đạt
được khi ta từ bỏ các quan điểm cá nhân. Ta phải bắt đầu bằng nhận thức rằng
các quan điểm của ta chưa bao giờ đem đến cho ta an vui, mà chỉ tạo ảo tưởng
rằng ta là một ai đó.
Do vậy hưởng
vui nhiều
Dứt sạch
mọi khổ đau
Ở đây, đức Phật xác tín thêm lần
nữa rằng ta đang bước trên con đường dẫn đến sự tận diệt các đau khổ bằng bước
chân đầu tiên của mình. Đạo khởi đầu từ cuộc sống hằng ngày; nó ảnh hưởng đến
bạn bè ta, đến cách cư xử, tình cảm hay năng lực, sự trong sạch của tâm cũng
như thiền tập của ta. Nếu ta bước theo đó, hãy tự nhắc nhở mình luôn tránh để
tâm biếng lười, phải là bạn tốt của bản thân, và nếu chúng ta tiếp tục bước tới
để chứng nghiệm hạnh phúc, niềm vui trong sơ thiền, thì chúng ta đang đi trên
đạo lộ.
Dứt sạch mọi đau khổ không có
nghĩa là tất cả khổ đau trên đời này đã chấm dứt nhưng là niềm tin của ta vào
một cái ngã đã chấm dứt. Lúc ấy, không còn ai ở đó để cảm nhận khổ đau. Thật
vậy, khổ đau của ta bắt đầu giảm thiểu khi ta đang trên đường đến chứng nghiệm,
khi niềm tin vào cái ngã đã lung lay. Dứt sạch mọi đau khổ trong cuộc đời phải
khởi đầu bằng chính khổ đau của ta bởi ta chỉ có thể truyền đạt cho người khác
những gì bản thân mình đã cảm nhận và chứng đắc.