Phật học cơ bản
Ân Đức Tam Bảo
Hòa thượng Bửu Chơn (Naga Maha Thera)
14/08/2553 23:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

[1.4]

8. Satthãdevamanussãnam (Thiên-Nhân-Sư)

Tại sao Ðức Phật có hiệu SATTHÃDEVAMANUSSÃNAM (Thiên-Nhân-Sư)? Bởi Ngài là Thầy cả Chư-Thiên và Nhân-Loại.

Sự lợi ích của Giáo-Pháp.

Giáo-Pháp Ðức Thế-Tôn đã giảng dạy cho Chư-Thiên và Nhân-Loại nhằm vaò ba sự lợi-ích sau đây:

Ditthadhammikattha: Lợi-Ích Hiện Tại
Samparãyikattha: Lợi-Ích Tương Lai
Paramattha: Lợi-Ích Cao-Thượng là Niết-Bàn.

Sự Lợi-Ích Hiện Tại có bốn:

- Utthàna Sampadã: Nên siêng-năng làm những công việc nuôi mạng hằng ngày là những nghề-nghiệp chân-chánh vô tội-lỗi.
Nghiệp có tội là: Buôn bán khí giới (Satthavanijjã), buôn bán người hoặc thú (Sattavanijjã), buôn bán thịt (Mamsavanijjà), buôn bán rượu (Majjavanijjã), bán thuốc độc (Visavanijjã).
- Arakkha Sampadã: Nên gìn-giữ tài sản đã kiếm đặng không cho hao mòn tiêu hoại vì những nguyên nhân khác nhau như lửa cháy, trộm cướp, chơi bời, cờ bạc v.v...
- Kalyãnamittatã: Nên thân-cận bạn lành là những bạn có đức tin, có giới-hạnh, năng làm những việc phước thí, có Trí-Tuệ v.v...
- Samajivitã: Nên tiêu xài tiền một cách độ-lượng cân phân, là tùy theo sức mình đã kiếm được, đừng hoang phí.

Sự Lợi-Ích Tương Lai có bốn:

- Saddhà Sampadã: Có Ðức Tin là tin ân-đức Tam Bảo, tin nghiệp, tin quả.
- Sila Sampada: Có Giới-Hạnh, là trì giới trong sạch (Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, v.v...)
- Cãga Sampadã: Có sự Dứt Bỏ là đem tiền của ra làm việc phước thí đến các bậc sa-môn và kẻ bần-cùng, bệnh-tật v.v...
- Pannã Sampadã: Có Trí-Tuệ là biết rõ tội-phước và thật-tướng của các Pháp Hữu-Vi.

Người nào thực-hành đầy đủ cả 4 điều kể trên là người đã dọn xong con đường đi về buổi vị lai; đến khi tan-rã Ngũ-Uẩn này rồi sẽ đi dễ dàng không chướng ngại.

Sự Lợi-Ích cao-thượng là Niết-Bàn.

Ðức Thế-Tôn giảng dạy, chỉ bảo cho thấy chân-lý là Tứ-Diệu-Ðế (Ariya Sasa):

Dukkham: Khổ-Ðế (12 sự thống khổ hiển nhiên của nhân-loại).

Dukkhasamudayo: Tập-Ðế (nhân sanh của các sự thống khổ là lòng Ái-Dục).

Dukkha Nirodho: Diệt-Ðế (nơi diệt của các sự thống khổ là Niết-Bàn).

Dukkha Nirodhagãminipattipadã: Ðạo-Ðế (con đường Bát-Chánh-Ðạo hành theo để đi đến nơi diệt khổ).

Ngài đã giáo-hóa tùy theo duyên lành (Upanissaya). Chúng sanh nào ít duyên lành, nhiều phiền-não thì Ngài dạy bảo về sự lợi-ích hiện-tại và vị-lai. Chúng sanh nào thiện duyên cao dày thì Ngài dạy bảo về sự lợi ích cao-thượng là Niết-Bàn.

Bậc dẫn đạo tuyệt luân.

Trong bộ Mahã Niddesa có giải về chữ Thầy (Satthu) như vầy:

"Ðức Thế-Tôn là thầy, vì Ngài là bậc dẫn đạo chuyên nghiệp là dắt dẫn đoàn lữ-hành qua những con đường xa hẻo lánh đầy sự hiểm nguy tai-hại, về đến nhà hoặc đi đến nơi đã định trước một cách an-toàn vô-sự. Con đường xa hẻo lánh đầy sự hiểm nguy tai-hại ấy có 5:

Corakantãra: Tai hại vì trộm cướp
Bãlakantãra: Nguy hiểm vì thú dữ
Nirudakakantãra: Nguy hiểm vì không có nước uống
Amanussakantãra: Nguy hiểm vì phi-nhân (dạ-xoa,...)
Appabhakkhakantãra: Nguy hiểm vì không có vật-thực.

Cũng như thế ấy, Ðức Thiên-Nhân-Sư đã hướng dẫn chúng-sanh qua khỏi 13 con đường xa (Kantãra) có nhiều sự khổ-não và tai-hại như sau:

Jãti Kantãra: Con đường nguy hiểm của sự Sanh
Jãra Kantãra: Con đường nguy hiểm của sự Già
Byãdhi Kantãra: Con đường nguy hiểm của sự Ðau (bệnh)
Marana Kantãra: Con đường nguy hiểm của sự Chết
Dukkha Dukkha: Khổ vì sự thống khổ của các sự Khổ
Soka: Khổ vì buồn rầu, thương tiếc
Parideva: Khổ vì khóc than kể lể
Domanassa: Khổ vì phiền muộn
Upãsa: Khổ vì khó chịu, bực tức
Ditthi: Tai hại vì kiến thức
Uddhacca: Tai hại vì phóng Tâm
Vicikiccha: Tai hại vì hoài nghi
Silabbatta Parãmãsa: Tai hại vì giới cấm thủ (chấp lệ cúng tế thần thánh, thần lửa, v.v...)

Ðức Thế-Tôn đă dùng 30 Pháp Ba-La-Mật kết lại làm 1 thớt tượng dũng mạnh hoặc một chiếc xe kiên cố, vượt qua 13 con đường xa đầy khổ não tai hại kể trên, đến nơi vô sanh bất diệt là Niết-Bàn. Sau khi tự mình vượt qua rồi, Ngài Từ-Bi dạy bảo chúng-sanh dùng những phương tiện quí báu ấy và hướng dẫn chúng sanh qua những con đường xa đầy dẫy những sự thống khổ Sanh, Lão, Bệnh, Tử... đến nơi an-lạc cũng như ngài. Hoặc giả Ngài dùng 30 Pháp Ba-la-mật tạo thành một chiếc thuyền, tự mình vượt qua khổ-hải là sanh-tử luân-hồi, rồi Ngài lại dùng chiếc thuyền ấy đưa chúng sanh từ bờ mê đến nơi bến giác.

"Ye te kappasatasahassã dhammam sutvã pannãya passanti"

Chúng sanh nào đã thực-hành các Pháp Ba-La-Mật được 100 ngàn đại kiếp hữu-phước, rồi sau được thính Pháp Ðức Thế-Tôn, khiến cho phát sanh Trí Tuệ thông hiểu giáo lý của Ngài, thấy rõ Tứ-Diệu-Ðế, diệt tận phiền-não aí dục trong thân tâm bằng A-La-Hán đạo-tuệ; chúng sanh ấy được qua khỏi đường xa có nhiều thống khổ vì sự sanh, nghĩa là không còn thọ sanh vào thai bào của người mẹ nữa như năm thầy Kiều-Trần-Như và ông Yasakola cùng người bạn,...

Theo "Nhân Quả Liên Quan" thường gọi là "Thập-Nhị Nhân-Duyên", các Pháp Hữu Vi đều do nguyên-nhân mà phát sanh lên, khi nguyên-nhân bị diệt tắt rồi thì các Pháp ấy cũng bị diệt-tắt theo.

Sanh (Jãti) là nguyên-nhân của lão tử (Jarãmaranam), khi sanh diệt thì lão tử diệt. Ðúng với câu Phật-Ngôn "Jãtinirodhã Jãra Maranam Soka Paridevadukkha Domanassupayasa nirujjhanti": khi sanh diệt đi rồi, thì sự già chết, thương tiếc, khóc than, khổ não, phiền muộn, bức rức cũng diệt theo tất cả.

Vì thế, bậc thánh nhân nào không còn tái sanh nữa, thì bậc ấy cũng không còn có thân ngũ-uẩn. Nếu không có thân ngũ-uẩn thì cũng không có sự gìa, đau, chết và các điều thống khổ khác trong buổi vị lai. Các Pháp Hữu Vi đều bị diệt tắt rồi, ta có thể nói rằng bậc thánh nhân ấy đã qua khỏi 13 con đường xa vừa kể trên vậy.

Chư-Thiên và Nhân-Loại.

Chư-Thiên và Nhân-Loại (Devamanussãnam) đây, ý nói các hàng chúng sanh có nhiều thiện duyên, có thể đắc đạo, đắc quả trong kiếp hiện tại (Bhabba Puggala).

Sự thật, không phải Ðức Phật chỉ tế-độ các hàng Chư-Thiên và Nhân-Loại ấy mà thôi đâu, Ngài cũng tế-độ luôn cả loài thú nữa. Vì mặc dầu loài thú trong kiếp hiện tại, nhưng khi nghe được Pháp của Ðức Thế-Tôn rồi tạo duyên lành, và nhờ duyên lành ấy, trong hai ba kiếp tương-lai sẽ dược đắc đạo quả. Một lẽ nữa, các loài thú ấy, trong những kiếp quá-khứ, khi làm người, lúc làm trời v.v... đã tập hợp được nhiều thiện-duyên, đến kiếp hiện-tại tuy đã trả quả khổ do nghiệp ác đã tạo nên thân làm súc-sanh nhưng thiện duyên vẫn còn tồn tại, đến khi kiếp này, hữu phước, được gặp Ðức Phật tế-độ cho.

Như tích vị trời Mandũka sau đây:

Trong khi Ðức Thế-Tôn thuyết Pháp độ dân chúng trong thành Campã, cạnh bờ hồ Gaggarã, có một con ếch nhận biết được một tiếng trong lời nói của Ngài. Có người chăn bò đứng gần đó, chống cây gậy bọc sắt trên mặt đất, nào ngờ trúng ngay con ếch và đè bẹp nát đầu ếch. Con ếch chết ngay và liền tái sanh ở cõi trời Ðao-lợi trong một đền đài bằng vàng rộng 12 do-tuần, đương thể mới thức dậy sau một giấc ngủ. Khi nhìn thấy đền đài nguy nga và đoàn Chư-Thiên nữ bao quanh mình, vị Trời ấy ngạc-nhiên, tự hỏi "Ta đã làm điều phước-thiện gì mà được như vậy?". Sau khi cố tìm kiếm trong trí, mới nhớ ra rằng điều phước-thiện đã làm không chi hơn là sự nhận biết được một tiếng trong lời thuyết Pháp của Ðức Phật thôi. Vị Trời ấy liền mang đèn vàng bay xuống cõi trần đảnh lễ Ðức Phật.

Mặc dầu đã rõ biết, nhưng Ngài vẫn hỏi bằng lời kệ rằng:

"Ko me vandati pãdãti iddhiyã yasasã jalam abhikantena vannena sabba obhãsayam disã "

(Vị nào mà có nhiều thần-lực, có địa-vị cao quí và có hào-quang rực-rỡ chiếu sáng cả bốn phương, đến đảnh lễ dưới chân Như-lai đó?)

Vị Trời ấy bèn bạch bằng lời kệ rằng:

"Mandukoham pure asim udake vãrigocaro tava dhammam sunantassa avadhi vacchapalako"

(Bạch Ðức Thế-Tôn! Lúc trước tôi là con ếch sống ở dưới nước; khi đang nghe Pháp Ðức Thế-Tôn, người chăn bò đã vô-ý giết tôi).

Ðức Thế-Tôn thuyết Pháp cho vị Trời ấy nghe, có tám muôn bốn ngàn chúng sanh đắc đạo-quả trong buổi đó, còn vị Trời Mandũka được đắc quả Tu-Ðà-Hườn, mỉm cười thỏa-thích về cõi trời.

Do nhờ những Ân-Ðức vừa kể trên, nên Ðức Phật có hiệu là SATTHADEVAMANUSSÃNAM (Thiên-Nhân-Sư).

 

9. Buddho (Phật)

Tại sao Ðức Phật có hiệu là BUDDHO (Phật)? Bởi Ngài là:

- Bậc đã Thức-Tỉnh
- Bậc đã Thoát Ly
- Bậc đã Thông-Suốt lý Tứ-Diệu-Ðế và đem ra giáo hóa cho chúng sanh cùng biết như Ngài.

Bậc đã thức-tỉnh.

Ðức Thế-Tôn là bậc đã thức-tỉnh, vì Ngài không còn trong Tâm 7 Pháp ngủ-ngầm (Anusaya) là những Phiền-Não vi-tế tiềm-tàng chờ có dịp thì dấy động lên:

1) Kãmarãgãnusaya: Mê thích tình-dục ngủ-ngầm
2) Bhavarãgãnusaya: Ưa thích Tam-Giới ngủ-ngầm
3) Patighãnusaya: Bất-bình ngủ-ngầm
4) Mãnãnusaya: Cống cao, Ngã mạn ngủ-ngầm
5) Ditthãnusaya: Kiến thức ngủ-ngầm (Tà-kiến)
6) Vicikicchãnusaya: Hoài-nghi ngủ-ngầm
7) Avijjãnusaya: Vô-Minh ngủ-ngầm.

Ngài là bậc Giác-Ngộ, nghĩa là tự mình đã hiểu-biết tường-tận (Bujjhi) và diệt-tận trong Tâm bảy Pháp ngủ-ngầm vừa kể trên, rồi Ngài lại cảnh tỉnh chúng sanh đang ngủ mê hoặc ngủ quên trong các Pháp ấy cho tỉnh dậy như Ngài. Chúng sanh nào, tròn đủ thiện-duyên thì tỉnh dậy liền. Chúng sanh nào ít hoặc không có thiện-duyên thì lăn qua trở lại rồi tiếp-tục ngủ nữa.

Ðức Thế-Tôn đã tự mình tỉnh dậy, không ai nhắc-nhở hoặc thức-tỉnh cho, chỉ do nhờ 30 Pháp Ba-La-Mật đã đào-tạo trong 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp. Chính sự thực-hành viên mãn 30 Pháp Ba-La-Mật ấy đã thức-tỉnh Ngài, ví người ngủ đã giấc hoặc đúng giờ rồi tự nhiên thức dậy không cần ai kêu gọi.

Từ khi thành đạo dưới cội Bồ-Ðề đến lúc nhập Niết-bàn, Ngài đã châu-du hoằng hóa, tế-độ quần sanh trọn 45 năm trường đằng-đẳng không ngừng-nghỉ. Vì Ngài là bậc Giác-Ngộ, thức-tỉnh trước tiên, nên Ngài thấy rõ tội-lỗi và khổ-não do sự ngủ quên, và sự an lạc trong cõi Niết-bàn. Ngài thấy chúng sanh đang lặn-hụp rên siết trong khổ hải, nên phát Tâm Bi-Mẫn bao-la, lo-lắng nhắc-nhở, cảnh-tỉnh (Bodhesi) chúng sanh đang ngủ mê trong vòng sanh tử luân hồi, cho tỉnh dậy cũng như Ngài.

Bậc đã thoát ly.

Ðức Thế-Tôn là bậc đã thoát ly, ra khỏi Vô-Minh. Vô-Minh (Avijjã) có hai nghĩa:

- Adassanam: Không Thấy,
- Annãnam: Không Biết.

Vô-Minh đây, ý nói không thấy, không biết những Pháp chân thật là Tứ-Diệu-Ðế. Có bốn điều:

1) Dukkha Annãnam: Không biết rõ cái khổ. Chúng sanh có thức tánh như trời người, thú, v.v... đang bị các sự thống khổ đè nén hãm hại không ngừng là khổ sanh, khổ già, khổ đau, khổ chết, khổ thương tiếc, khổ khóc than, khổ phiền muộn, khổ thất vọng, v.v... nhưng vẫn thản-nhiên như dường không hay biết những sự thống khổ ấy, vẫn miệt-mài theo Ngũ-Trần lục-dục, mê-muội, không rõ lẽ hợp tan của Ngũ-Uẩn. Cái khổ cho là vui, cái trược cho là trong sạch, cái chi Vô-Thường cho là bền vững v.v...

2) Dukkha Samudaye Annãnam: Không thấy, không biết Tập-Ðế là lòng Ái-Dục (có 3 hoặc 108) là nguyên-nhân phát sanh các sự thống khổ.

3) Dukkha Nirodhe Annãnam: Không thấy, không biết Diệt-Ðế là nơi diệt tận các sự khổ.

4) Dukkha Nirodha Gãmini Patipadãya Annãnam: Không thấy, không biết Ðạo-Ðế, là con đường dắt-dẫn đến nơi diệt tắt các sự khổ [*].

[*] Vô-Minh vừa giải trên là giải theo tạng Kinh (Suttanta), còn giải theo tạng Luận (Abhidamma) thì có 8 điều: 4 điều về Tứ-Diệu-Ðế đã giải và thêm:

5) Pubbante annãnam: Không biết rõ sự khởi thì của Ngũ-Uẩn

6) Aparante annãnam: Không biết rõ chỗ cuối cùng của Ngũ-Uẩn.

7) Pubbantãparante annãnam: Không biết rõ sự khởi thì và chỗ cuối cùng của Ngũ-Uẩn.

8) Paticcasamupadde annãnam: Không rõ lý nhân-quả liên-quan (12 nhân-duyên).

Màn Vô-Minh bao-trùm tất cả chúng sanh không cho thấy ánh sáng tức là Trí Tuệ thấy rõ, biết rõ những Pháp chân thật, ví như gà con chưa nở, còn trong vỏ trứng không thể thấy ánh sáng mặt nhựt vậy. Ðến khi gà con đó cố gắng lấy mỏ soi vỏ trứng, lấy chân phá lỗ cho rộng, mới chui ra khỏi vỏ và thấy ánh sáng mặt trời được.

Ðức Phật là bậc tiên khởi phá tan vỏ trứng Vô-Minh bao bọc tâm Ngài từ bao A-tăng-kỳ kiếp quá-khứ, đắc được Tuệ-Giác thông-suốt các Pháp Diệu-Ðế, rồi Ngài cần chuyên thực-hành phận-sự (Buddha Kicca) không ngừng nghỉ cho đến lúc nhập Niết-bàn.

Phận-sự của Ðức Phật trong mỗi ngày có 5:

1) Pubbanhe Pindapãtam: Buổi sáng trì bình khất thực.

2) Sãyanke Dhammadesanam: Buổi xế thuyết Pháp độ đời.

3) Padose Bikkhu Ovãdam: Buổi chiều tối ban huấn-từ cho hàng Tỳ-Khưu.

4) Addharatte Devapanhanam: Trong lúc nửa đêm, trả lời những câu hỏi của Chư-Thiên.

5) Paccũseva Gotte Kãle Bhabbãhabbe Vilokanam: Gần rạng đông, Ngài xem coi chúng-sanh nào có duyên lành hay không đặng đi đến tế-độ.

Bậc đã thông-suốt lý Tứ-Diệu-Ðế.

Ðức Thế-Tôn đã thông-suốt 4 Pháp chân-thật là Tứ-Diệu-Ðế (Caturãriyasacca):

- Dukkha Sacca: Khổ-Ðế,
- Samudaya Sacca: Tập-Ðế,
- Nirodha Sacca: Diệt-Ðế,
- Magga Sacca: Ðạo-Ðế.

Lý (Attha).

Mỗi Diệu-Ðế đều có 4 lý hoặc trạng thái hay năng-lực.

Khổ-Ðế có 4 lý:

1) Pilanattho: Có năng-lực hãm hại, phá-hoại chúng-sanh.
2) Sankhatattho: Có trạng thái do nguyên-nhân Ái-Dục cấu tạo nên.
3) Santãpattho: Có năng lực làm nóng nảy bực bội.
4) Viparinãmattho: Có trạng thái luôn luôn thay đổi không bền vững.

Tập-Ðế có 4 lý:

1) Ayuhanattho: Có năng lực hội hợp các sự Khổ-Ðế cho phát sanh lên.
2) Nidãnattho: Có trạng thái là nguyên nhân của sự khổ (có sự khổ là quả)
3) Samyyogattho: Có năng lực c?t trói, giam hãm chúng sanh trong Tam-Giới (trong sự khổ)
4) Palibodhanattho: Có năng lực làm bận rộn chúng sanh trên con đường giác ngộ là không cho đắc đạo-quả.

Diệt-Ðế có 4 lý:

1) Nissaranattho: Có năng lực làm cho thoát khỏi phiền-não (sự khổ) và ra khỏi Tam-Giới.
2) Vivekattho: Có trạng thái yên lặng lánh xa sự khổ.
3) Asankhatattho: Có trạng thái không do nguyên nhân tạo thành được (vô sanh).
4) Amatattho: Có trạng thái không chết (bất diệt).

Ðạo-Ðế có 4 lý:

1) Niyãnattho: Có năng lực đưa ra khỏi vòng sanh-tử luân-hồi.
2) Hetvattho: Có tánh cách là nguyên nhân đưa đến Niết-Bàn.
3) Dassanattho: Có năng lực làm cho thấy rõ Niết-Bàn.
4) Adhipateyyattho: Có tánh cách quan trọng trong các Pháp hành cho thấy rõ Niết-Bàn.

Tướng hoặc Ðặc-tính (Lakkhana).

Tứ-Diệu-Ðế có 2 đặc-tính: Sankhãta Lakkhana (đặc-tính Hữu-Vi) và Asankhãta Lakkhana (đặc-tính Vô-Vi).

Ðặc-tính Hữu-Vi chia làm 3:

- Uppãdo: Tánh-cách phát-sanh lên
- Vayo: Tánh-cách tiêu-diệt
- Thiti: Tánh-cách trụ-lai.

Ðặc-tính Vô-Vi cũng chia làm 3:

- Anuppãdo: Tánh-cách không phát-sanh lên
- Navayo: Tánh-cách không tiêu-diệt
- Tánh-cách không an-trụ.

Khổ-Ðế, Tập-Ðế và Ðạo-Ðế thuộc về đặc-tính Hữu-Vi, còn Diệt-Ðế thuộc về đặc-tính Vô-Vi.

Sự (Kicca).

Tứ-Diệu-Ðế nếu chia ra Pháp Thiện (Kusala) và Pháp Ác (Akusala) và Pháp không Thiện không Ác (Abyãkata), thì Tập-Ðế là Pháp Ác, Ðạo-Ðế là Pháp Thiện, Diệt-Ðế là Pháp không Thiện không Ác, Khổ-Ðế vừa là Pháp Thiện vừa là Pháp Ác và cũng là Pháp không Thiện không Ác.

Khổ-Ðế là Pháp Thiện nếu đi đôi với Ðạo-Ðế (Pháp Thiện). Ý nói: Khi người nào cố-gắng học Kinh và Tham-Thiền hoặc hành 13 Pháp Ðầu-Ðà, hoặc chuyên-cần làm những việc lành (Bố Thí, Trì Giới, v.v...) trong sự học hỏi và thực-hành như thế, hằng có nhiều sự cam go cực-nhọc gọi là khổ, nhưng những hành-vi ấy đều là nghiệp lành, nên mới gọi Khổ-Ðế là Pháp Thiện.

Khổ-Ðế là Pháp Ác nếu đi đôi với Tập-Ðế (Pháp Ác). Ý nói: khi người nào cố-gắng làm những điều ác (Sát Sanh, Trộm Cắp, Tà Dâm, v.v...), nhiều lúc phải chịu dầm mưa dãi nắng, tìm kiếm mưu-kế để thỏa lòng dục-vọng và có Tâm luôn luôn lo sợ (sợ bị chê bai, bị hành phạt v.v...), như thế gọi là khổ. Lại nữa những hành-vi ấy đều là nghiệp ác, nên mới gọi Khổ-Ðế là Pháp Ác.

Khổ-Ðế là Pháp không Thiện không Ác nếu đi đôi với Diệt-Ðế (Pháp không Thiện không Ác). Ý nói: Các bậc Ðạo-Quả A-la-hán (Ðức Phật, Thinh-Văn,...) đều cố gắng thực-hành tròn đủ phận-sự cao-thượng và thuyết Pháp phổ-độ chúng sanh thật là mệt nhọc, nhưng không có phước báu (Quả) chi cả, nên mới gọi Khổ-Ðế là Pháp không Thiện không Ác.

Quán-tưởng về Ngũ-Uẩn theo lý Tứ-Diệu-Ðế.

Nếu quán-tưởng về Ngũ-Uẩn theo lý Tứ-Diệu-Ðế, phải quán-tưởng từng uẩn một. Ðầu tiên là Sắc-Uẩn.

Sự vui-thích nào đã phát sanh lên do nơi Sắc, gọi là sự vui thích của Sắc. Ấy là Tập-Ðế, có thể giác-ngộ được bằng sự dứt bỏ.

Sắc không bền-vững, là khổ-não, luôn luôn thay đổi Vô-Thường, gọi là tội-lỗi của Sắc phát sanh lên do nơi Sắc. Ấy là Khổ-Ðế, có thể giác-ngộ được bằng sự nhận-thức.

Sự dứt bỏ được Tâm ý tham muốn trong Sắc, gọi là thoát-ly khỏi Sắc. Ấy là Diệt-Ðế, có thể giác-ngộ được bằng cách làm cho rõ-rệt.

Bát-Chánh-Ðạo có Chánh-Kiến (là thấy biết chân-chánh trong 3 nhân) là đầu, gọi là Ðạo-Ðế, có thể giác-ngộ được bằng phép Quán Niệm-Tưởng.

Nên quán-tưởng thêm về Thọ-Uẩn, Tưởng-Uẩn, Hành-Uẩn, Thức-Uẩn, y theo phương-pháp đã giải trên về Sắc-Uẩn.

Quán-Tưởng Nhân-Quả Liên-Quan theo lý Tứ-Diệu-Ðế.

Pháp Nhân-Quả Liên-Quan (Thập-Nhị Nhân-Duyên) - Paticca Samuppãda - có 12 chi nương nhau và liên-hệ với nhau. Chi này là nhân của chi sau và cũng là quả của chi trước, ví như một sợi dây xích có 12 khoan liền nhau, khoan này là quả của khoan trước và cũng là nhân để nối liền với khoan sau (xin xem giải rộng chi tiết trong quyển Nhân-Quả Liên-Quan của Ðại-Ðức Bửu Chơn).

12 chi là:

1) Vô Minh (Avijjã) sanh ra Hành
2) Hành (Sankhãra) sanh ra Thức
3) Thức (Vinnãna) sanh ra Danh Sắc
4) Danh Sắc (Nãma Rũpa) sanh ra Lục Căn
5) Lục Căn (Salãyatana) sanh ra Xúc
6) Xúc (Phassa) sanh ra Thọ
7) Thọ (Vedanã) sanh ra Ái
8) Ái (Tanhã) sanh ra Thủ
9) Thủ (Upãdanã) sanh ra Hữu
10) Hữu (Bhava) sanh ra Sanh
11) Sanh (Jãti) sanh ra Lão, Tử (Jarã Maranam)
12) Luôn cả sự thương-tiếc, khóc than, khó chịu, phiền muộn v.v... là những sự thống-khổ cùng phát sanh lên với già, chết thành ra 12 chi.

Nếu quán tưởng 12 Nhân-Duyên ấy theo lý Tứ-Diệu-Ðế thì:

- Lão, Tử là Khổ-Ðế, Sanh là Tập-Ðế, sự thoát-ly Lão Tử và Sanh là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Sanh là Khổ-Ðế, Hữu là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Sanh và Hữu là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Hữu là Khổ-Ðế, Thủ là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Hữu và Thủ là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Thủ là Khổ-Ðế, Ái là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Thủ và Ái là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Ái là Khổ-Ðế, Thọ là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Ái và Thọ là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Thọ là Khổ-Ðế, Xúc là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Thọ và Xúc là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Xúc là Khổ-Ðế, Lục Căn là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Xúc và Lục Căn là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Lục Căn là Khổ-Ðế, Danh-Sắc là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Lục Căn và Danh-Sắc là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Danh-Sắc là Khổ-Ðế, Thức là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Danh Sắc và Thức là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Thức là Khổ-Ðế, Hành là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Thức và Hành là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.
- Hành là Khổ-Ðế, Vô-Minh là Tập-Ðế, sự thoát-ly khỏi Hành và Vô-Minh là Diệt-Ðế, Tuệ biết rõ Diệt-Ðế là Ðạo-Ðế.

Những sự thống-khổ do già, chết, thương tiếc, khóc than, khổ não, phiền muộn, khó chịu, bực tức, thất vọng v.v... gọi là Khổ-Ðế.

Ðức Phật đã thấy biết tường-tận tinh-vi Vô-Minh và Ái-Dục là hai gốc (Mũla) của bánh xe nhân quả, là nguồn cội của Luân-Hồi, là nguyên-nhân phát sanh sự khổ, gọi là Tập-Ðế.

Do nhờ Thánh-Ðạo, Ngài đã cắt đứt (diệt tận) cả hai gốc rễ ấy. Vô-Minh và Ái-Dục đã bị diệt rồi, thì các Pháp khác là Hành, Thức, Danh-Sắc,... cũng bị diệt theo và bánh xe Nhân-Quả Liên-Quan cũng ngừng xoay. Sự diệt tận ấy gọi là Diệt-Ðế.

Do nhờ Thiền-Ðịnh và Minh-Sát, Ngài đã làm cho rõ-rệt con đường đi đến nơi diệt khổ, gọi là Ðạo-Ðế.

Sau khi giác-ngộ, thông suốt lý Tứ-Diệu-Ðế rồi, Ngài đem ra giáo-hóa chúng sanh cùng biết, hầu thực-hành theo để diệt-tận các sự thống-khổ và được giải-thoát cũng như Ngài.

Lại nữa, Ðức Ðại-Bi có hiệu là BUDDHO (Phật) cũng do nhờ những ân-đức sau đây.

Sabbadassavita buddho.

Ngài đã thấy rõ tất-cả những điều kinh khủng trong quá-khứ, vị-lai và hiện-tại (ý nói các điều kinh sợ mà chúng sanh phải chịu khi sa vào ác-đạo là Súc-sanh, Ngạ-quỉ, A-tu-la, Ðịa-ngục (Duggatibhaya).

Khinasavasankhatena buddho.

Ngài không còn trong Tâm ba Pháp Trầm-Luân (Asavã) là Trầm-Luân trong Ngũ-Trần (Kãmãsava), Trầm-Luân trong Tam-Giới (Nhavasava) và Trầm-Luân trong Vô-Minh (Avijjãsava).

Nirupakilesankhatena buddho.

Ngài đã xa lià 10 Phiền-Não (Kilesa) là tham, sân, si, ngã mạn, kiến thức (tà kiến), hoài nghi, phóng tâm, tâm dụ-dự uể-oải, không hổ thẹn tội lỗi, không ghê sợ tội lỗi.

Ekayamaggam gatoti.

Ngài đã đi theo con đường chân-chánh chỉ có một, là con đường Trung-đạo (Majjhimãpatipadã) để đến đích là Niết-Bàn.

Eko anuttara sammasambodhim abhisam buddho.

Ngài là bậc đã tự mình giác-ngộ chân-chánh, thông suốt 10 Huệ-lực (Dasabalannãna) [*] và Tuệ thông hiểu tất cả các Pháp Hữu Vi và Vô Vi không dư sót (Sabbannutanãna: Diệu-Giác Viên-Minh), không Chư-Thiên và Phạm-Thiên nào sánh bằng.

[*] 10 Huệ Lực của Ðức Phật:

1 - Thãnãthãnannãna: Huệ biết rõ nguyên-nhân hay không phải nguyên-nhân đúng theo chân-lý.
2 - Vipãkannãna: Huệ biết rõ cái quả của nghiệp (thiện hay ác) đã tạo.
3 - Sabbathagãmimaggannãna: Huệ biết rõ hành-vi thế nào đưa chúng sanh đến cảnh giới vui hay khổ.
4 - Nãnãdhãtunnãna: Huệ biết tất cả nguyên-chất khác nhau.
5 - Nãnãdhimuttinnãna: Huệ biết rõ trình-độ của chúng sanh thấp hèn hay cao thượng.
6 - Indriyaparopariyatannãna: Huệ biết rõ căn-cơ chúng sanh khác nhau.
7 - Jhãnãdinnãna: Huệ biết rõ điều nhơ bẩn hay trong sạch của các cõi thiên và sự giải-thoát.
8 - Pubbenivãsannãna: Huệ biết rõ những tiền kiếp của mình và chúng sanh.
9 - Cutupapãtannãna: Huệ biết rõ sanh tử luân-hồi của chúng sanh do theo nghiệp (Lành hay Ác).
10 - Asavakkhayannãna: Huệ biết rõ các pháp trầm luân và diệt tận không còn dư sót

Do nhờ những ân-đức cao quí vừa kể trên, nên Ðức Phật có hiệu là BUDDHO (Phật).

 

10. Bhagavã (Thế-Tôn)

Tại sao Ðức Phật có hiệu là BHAGAVÃ (Thế-Tôn)?

Bởi Ngài là:

- Bậc có Phần (Bhãga)
- Bậc Phân Chia (Bhãgi)
- Bậc Cảm Thắng (Jaya)
- Bậc Ðã Diệt Tận (Bhagga)
- Bậc Ðại Phước-Ðức (Bhãgyavã)
- Bậc có Hạnh-Phúc (Bhagi)
- Bậc Năng Lai Vãng (Bhaji)
- Bậc Ðã Dứt Nẻo Tam-Giới (Bhavãnam Antakariti).

Tiếng Bhagavã (Thế-Tôn) là một danh-từ dùng để phát biểu sự tôn kính và lòng sùng bái của chúng sanh đối với Ðức Phật vì Ngài là bậc tối-thượng hơn cả chúng sanh và có những ân-đức cao quí không ai bì.

Bậc có phần.

Ðức Phật là bậc có phần. Phần đây, ý nói phần thiện quí báu cao thượng là 30 Pháp Ba-La-Mật mà Ngài đã đào-tạo trong 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp quả địa-cầu, có năng-lực đem lại sự an vui cho Ngài và cả chúng sanh trong thế-gian và xuất thế-gian.

Bậc phân chia.

a) Ngài phân chia cho chư tăng tứ vật dụng (y-phục, vật thực, chỗ cư ngụ và y-dược) do thí chủ cúng dường Ngài.

b) Ngài phân chia hương vị của giáo-lý là các Pháp đem lại sự lợi-ích và cứu-cánh giải-thoát cho chúng sanh.

c) Ngài phân chia các Pháp từng phần, từng loại cho rõ ràng minh bạch, ví dụ: 3 phần là Pháp Thiện, Pháp Ác, Pháp không Thiện không Ác; 4 loại là Tâm Vương, Tâm Sở, thuộc về thế-gian và xuất thế-gian v.v... Ngài phân tách các Pháp ấy ra: Uẩn, Bản Chất, Căn, Trần, Diệu-Ðế, Duyên-Khởi v.v...

Bậc cảm thắng.

Sau khi thành đạo, chứng Chánh-Ðẳng Chánh-Giác, Ngài đem Giáo-lý truyền bá cho chúng sanh thấm-nhuần những Pháp vi-diệu cứu khổ. Có hàng chúng sanh phát tâm chán nản thế sự phù du, cắt ái ly-gia sống cuộc đời phạm-hạnh của Tăng-già. Có hạng trở nên có đức tin trong sạch, tín thành Tam-Bảo. Tăng đồ và thiện-tín trong Giáo-Pháp của Ngài rất là đông-đảo không kể xiết.

Một lẽ nữa, trên con đường châu du thuyết pháp tế-độ quần sanh, nhiều lúc có bọn ngoại đạo quyết tâm cật-vấn tranh-luận với Ngài, nhưng Ngài không bao giờ nao-núng e-ngại, điềm tĩnh bắt bẻ lập luận sai lầm của chúng và giảng giải cho họ thấy rõ đâu là nẻo chánh, đâu là đường tà. Chỉ mình Ngài mới có Trí-Tuệ thậm thâm, đầy đủ oai-lực cảm thắng bọn ngoại đạo kích bác Ngài. Nhiều khi sau buổi tranh luận, có người tự thấy mình lầm lạc đi bấy lâu nay, phát tâm qui y Tam-Bảo và trở nên môn-đệ của Ngài.

Bậc đã diệt-tận.

Ngài đã tàn phá, diệt tận tất cả phiền-não trọng-đại và vi-tế, có tham, sân, si là nguồn-cội. Hoặc nói một cách khác, Ngài đã chiến-thắng và diệt trừ Ngũ-Ma (Pancamara) khi còn ngự dưới cội bồ-đề trước khi thành đạo.

5 hạng Ma-Vương là:

1) Khandha mãra: Ngũ-Uẩn Ma-Vương
2) Kilesa mãra: Phiền-Não Ma-Vương
3) Abhisankhãra mãra: Pháp Hành Ma-Vương
4) Devaputta mãra: Chư-Thiên Ma-Vương
5) Maccu mãra: Tử-Thần Ma-Vương.

Ngũ-Uẩn Ma-Vương: Chính vì có thân Ngũ-Uẩn này, nên chúng sanh mới có những sự thống-khổ và cũng vì lầm-lạc chấp rằng: trong thân Ngũ-Uẩn này có ta, cho Sắc Uẩn là ta, là của ta, là thân ta...

Và vì chấp thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn cũng như thế ấy, nên các sự khổ-não mới phát sanh lên được. Cả năm điều chấp (Ngũ-Uẩn) Upãdãnakkhandha ấy ví như năm tên đạo-tặc theo dính chúng sanh để chờ có dịp hãm-hại, nên gọi là Ngũ-Uẩn Ma-Vương.

Phiền-não Ma-Vương: Phiền-não có 10 hoặc 1500.

10 phiền-não (Kilesa) là: Lobbha (Tham), Dosa (Sân), Moha (Si), Màna (Ngã-Mạn, Cống cao), Ditthi (kiến-thức Tà-kiến), Vicikicchã (Hoài-nghi về Nhân-quả), Thina (Tâm do-dự, uể-oải), Uddhacca (phóng Tâm), Arihika (không hổ thẹn tội lỗi), Anottappa (không ghê sợ tội lỗi).

Về 1500 phiền-não, xin xem phía trước, phần tiếp theo hiệu ARAHAM (Ứng Cúng).

10 phiền-não kể trên là nguồn cội các pháp ác hằng làm cho chúng sanh nóng nảy, khổ sở không ngừng trong kiếp hiện tại và vị lai và phải bị trầm luân mãi mãi trong vòng sanh tử luân hồi, nên gọi là phiền-não ma-vương.

Pháp hành Ma-Vương:

Hành vi tạo tác do Thân, Khẩu, Ý, dầu ác hay thiện đều gọi là pháp hành.

Pháp hành ác (Apunnàbhisankhara) có 12: 8 nhân tham lam (Lobha mùla), 2 nhân sân hận (Dosa mùla) và 2 nhân si-mê (Moha mùla).

Pháp hành thiện (Punnàbhisankhara) có 17: 8 hành thiện về Dục-giới (Kãmàvacara Kusala), 5 hành thiện về Sắc-giới (Rùpãvacara Kusala) và 4 hành thiện Vô-sắc-giới (Arupãvacara kusala).

Các pháp hành ác và hành thiện trên đây đều gọi là Ma-vương. Vì pháp hành ác thường xúi dục, xô đẩy chúng sanh tạo những nghiệp dữ, phải chịu khổ trong kiếp hiện tại và bị sa-đọa trong 4 đường ác-đạo. Còn pháp hành thiện thì thường rủ-ren chúng sanh làm những việc phúc thiện (bố-thí, trì-giới, tham-thiền, v.v...) cho hưởng nhân thiên phước báu, hết làm trời đến làm người v.v..., xoay vần mãi trong ba cõi không được ra khỏi vòng sanh-tử luân-hồi.

Chư-Thiên Ma-Vương:

Có một hàng Chư-Thiên ganh-ghét những người lành, cứ theo ngăn cản không cho làm những điều thiện. Cầm đầu hạng Chư-Thiên ấy gọi là Ma-Vương (Mãra) thường ở một nơi riêng-biệt trong cõi trời Tha-Hóa-Tự-Tại (Paranimmitavasavatti). Chính Ma-Vương này đã đến khuấy rối và cám dỗ Ðức Phật nơi cội bồ-đề, nhưng bị Ngài cảm thắng do nhờ pháp thập-độ nhất là pháp bố-thí ba-la-mật.

Lợi-khí của Chư-Thiên Ma-Vương là 3 tấm lưới: lưới tình-dục (Ràja), lưới sân-hận (Dosa), lưới ái-dục Ngũ-Trần (Tanhã). Chúng sanh nào bị sa vào 3 tấm lưới ấy rồi, luôn luôn phải chịu khổ-sở đau-đớn dầu cố vùng vẫy cũng không sao thoát khỏi, ví như loài phi cầm tầu thú đã dính mắc trong lưới của thợ săn rồi không dễ gì thoát thân được.

Tử-thần Ma-Vương:

Gọi là Ma-Vương, vì sự chết có quyền-lực cắt-dứt tuổi thọ chúng sanh. Không có cái khổ nào lớn bằng cái khổ chết. Dầu không muốn xa-lìa những nhân-vật thương yêu trìu mến, dầu Tâm còn những tham luyến tiền của sản-nghiệp, song khi tử-thần đã đến, thì vua chúa hay thường dân, sang cả hay bần-cùng, trí hay ngu, ai ai cũng không thể cưỡng lại được tử-thần.

Ðức Phật đã chiến-thắng và diệt-trừ cả 5 hạng Ma-Vương ấy nên Ngài được hoàn-toàn giải-thoát.

Bậc đại-phước-đức.

Ngài là bậc Ðại-Phước-Ðức vì hai lẽ:

1) Sắc Thân Hoàn Mỹ: đầy-đủ 32 tướng tốt và 80 tướng phụ.

2) Ðức Hạnh Toàn Thiện: Ngài đã thực-hành trọn đủ các pháp thiện và diệt tận các pháp không dư sót.

Có hạng chúng sanh ngưỡng-mộ sắc thân hoàn-mỹ, phát tâm có đức tin trong sạch nơi Ngài. Có hạng tin-tưởng nơi đức-hạnh toàn-thiện, ly gia cắt ái trở thành môn-đệ và vâng lời giáo-huấn của Ngài.

Cả hai hạng chúng sanh ấy, sau khi tin-tưởng Ngài rồi, đều được giảm bớt khổ-não trong tâm và tùy theo thiện duyên và sự tinh-tấn, được hưởng hạnh-phúc thế-gian và xuất thế-gian.

Bậc có hạnh-phúc.

Ngài là bậc có 6 hạnh phúc sau đây:

1) Có khả lực đè nén, chế ngự tư-tưởng không cho tâm ác phát sanh lên.

2) Ðã thực-hành trọn đủ các pháp thiện, thế-gian và xuất thế-gian.

3) Danh-tiếng quí-trọng vang-lừng khắp Tam-giới không ai sánh bằng

4) Sắc thân rực rỡ như vàng ròng, hào quang tủa khắp khiến cho chúng sanh vui thích khi nhìn Ngài.

5) Khi ước mong điều chi hay cần dùng vật chi riêng cho Ngài và cho người khác đều được như ý-nguyện.

6) Có Chánh-tinh-tấn là cố-gắng trong 4 điều (tứ-chánh-cần), khiến các hàng chúng sanh thán phục tôn kính.

Bậc năng lai-vãng.

a) Ngài năng lai-vãng nơi thâm sơn cùng cốc là nơi thanh vắng xa tiếng ồn-ào, để tham-thiền nhập-định.

b) Ngài năng lai-vãng các pháp hành thế-gian là các pháp thiền-định về Sắc-giới và Vô-sắc-giới, các pháp Minh-sát theo 3 tướng Vô-thường, Khổ-não, Vô-ngã và 8 thánh-đạo thánh quả và Niết-Bàn.

Bậc đã dứt nẻo Tam-giới.

Ngài đã dứt nẻo Tam-giới. Ý nói: cuộc hành trình của Ngài từ bao A-tăng-kỳ kiếp trong Tam-giới đến kiếp hiện tại đã đến mức cùng rồi, vì nhân sanh ái-dục đã hoàn toàn diệt tắt, thì bánh xe luân hồi cũng ngừng xoay. Nói một cách khác, Ngài đã siêu xuất ra khỏi Tam-giới và không còn tái sanh lại nữa.

Do nhờ những ân-đức quí trọng vừa kể trên, nên Ðức Phật có hiệu là BHAGAVA (Thế-Tôn).

 

Phần cuối cùng

Cả 10 danh-hiệu từ Araham (Ứng-Cúng) đến hiệu Bhagavã (Thế-Tôn) đã giảng-giải, không phải do nhân vật nào trong cõi nhân thiên dâng tặng cho Ðức Phật đâu. Không phải phụ-hoàng và mẫu-hậu Ngài là đức vua Tịnh-Phạn (Sudhodhana) và bà Mahã Mãyã, không phải 80 ngàn người quyến-thuộc dòng Thích-ca của Ngài, cũng không phải vị Thiên-Vương nào có nhiều thần-lực như đức Ðế-Thích (Sakka), đức Ðẩu-Suất Thiên-Vương (Santusita),v.v... kính dâng những danh hiệu ấy đến Ngài.

Cả 10 danh-hiệu ấy tự phát-khởi lên đến chư Phật quá-khứ, hiện-tại và vị-lai cùng một lúc với Tâm Diệu-Giác Viên-Minh là tuệ hoàn toàn sáng-suốt thông hiểu các pháp không dư-sót (Sabbannutanãna) khi vừa thành đạo dưới cội Bồ-Ðề.

Cả 10 danh-hiệu ấy, nếu kể vào 3 ân-đức trọng-đại của chư Phật là Tịnh-đức (Visuddhiguna), Bi-đức (Karunaguna) và Tuệ-đức (Pannãguna) đã có giải trong chương đầu quyển sách này, thì:

* 3 hiệu ARAHAM (Ứng-Cúng), SUGATO (Thiện-Thệ), ANUTTARO (Vô-Thượng-Sĩ) thuộc về Tịnh-đức.

* 4 hiệu PURISADAMMASARATHI (Ðiều-Ngự-Trượng-Phu), SATTHADEVAMANUSSANAM (Thiên-Nhân-Sư), BUDDHO (Phật), BHAGAVA (Thế-Tôn) thuộc về Bi-đức.

* 3 hiệu SAMMASAMBUDDHO (Chánh-Biến-Tri) , VIJJACARA NASAMPANNA (Minh-Hạnh-Túc), LOKAVIDU (Thế-Gian-Giải) thuộc về Tuệ-đức.

Một lẽ nữa, nếu chia theo lợi ích thì:

* 5 hiệu ARAHAM (Ứng-Cúng), SAMMASAMBUDDHO (Chánh-Biến-Tri), VIJJACARANASAMPANNO (Minh-Hạnh-Túc), SUGATO (Thiện-Thệ), LOKAVIDU (Thế-Gian-Giải) thuộc về ân-đức có lợi-ích riêng cho Ngài (Attaheta guna)

* 3 hiệu ANUTTARO (Vô-Thượng-Sĩ), PURISADAM-MASARATHI (Ðiều-Ngự-Trượng-Phu), SATTHADEVA-MANUSSANAM (Thiên-Nhân-Sư) thuộc về ân-đức có lợi-ích riêng cho chúng-sanh (Parahetaguna).

* 2 hiệu BUDDHO (Phật) và BHAGAVA (Thế-Tôn) thuộc về ân-đức vừa có lợi-ích cho Ngài vừa có lợi-ích cho chúng-sanh.

Lời vàng Ðức Phật xưa ban
Hành pháp nhẫn-nại Niết-Bàn tối cao
Xuất-gia không hại người nào
Sa môn chẳng giọt máu đào dính tay.

-ooOoo-