Thiền học
Vô Môn Quan
Huệ Khai
08/07/2555 06:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TẮC 37

CÂY BÁCH TRƯỚC SÂN

CÔNG ÁN

Một ông tăng hỏi ngài Triệu Châu

- Ý Tổ Sư sang đông là gì?

Sư đáp

- Cây bách trước sân. 

LỜI BÀN

Nếu thấy rõ được chỗ đáp của Triệu Châu thì trước không có Thích Ca, sau không có Di Lạc

TỤNG

Ngô vô triển sự

Ngữ bất đầu cơ

Thừa ngôn giả táng

Trệ cú giả mê.

Lời không tả truyện

Tiếng chẳng hợp duyên

Đeo lời mất mạng

Vướng câu tối lòng.

BÌNH BÌNH

Hỏi ý Tổ sư mà lại chỉ cây bách trước sân là sao?

Việc này hiển nhiên là lời không có khả năng diễn tả.

Ý tại ngôn ngoại.

TẮC 38

TRÂU QUA KHUNG CỬA

CÔNG ÁN

Ngũ tổ nói

- Ví như con trâu đi qua khung cửa, đầu, sừng, bốn chân đã lọt, sao cái đuôi lại không lọt? 

LỜI BÀN

Nếu thấy được chỗ hiểm hóc này, hạ nổi một câu chuyển ngữ, thì trên báo được bốn ân, dưới độ được ba cõi. Còn nếu chưa phải nên lưu ý đến cái đuôi kia.

TỤNG

Quá khứ đọa khanh tiệm

Hồi lai khước bị hoại

Giả ta vĩ ba tử

Trực thị thậm kỳ quái

Bước tới lọt xuống hố

Lui về lại hoại thân

Đuôi kia xem chẳng mấy

Cớ sao kỳ quái vậy?

BÌNH BÌNH

Hành giả đã được tâm không, mọi cái đều phù hợp giáo lý, mà sao vẫn không qua lọt cửa Tổ. Thì ra vẫn còn vướng một cái, giống như con trâu bị vướng cái đuôi vậy.

Vậy phải làm sao?

Chỉ còn một cách là bỏ cái đuôi kia mới thoát.

Cũng vậy, hành giã đã được tâm không, phải bỏ cả cái thấy được tâm không mới qua lọt cửa tổ.

TẮC 39

VÂN MÔN SẨY LỜI

CÔNG ÁN

Một ông tăng hỏi ngài Vân Môn

- Quang minh tịch chiếu biến hà sa.

Lời nói chưa dứt, sư vụt hỏi

- Chẳng phải thơ của tú tài Trương Chuyết đó sao?

Ông tăng đáp

- Phải

Sư nói

- Sẩy lời rồi vậy.

Về sau Tử Tâm nhắc lạI chuyện này và hỏi

- Thử hỏi đâu là chỗ ông tăng sẩy lời? 

LỜI BÀN

Nếu ở đây mà thấy được chỗ dụng bí hiểm của Vân Môn cùng chỗ sẩy lời của ông tăng thì có thể làm thầy ở hai cõi trời, người. Còn nếu chưa rõ thì tự cứu mình cũng không xong. 

TỤNG

Cấp lưu thùy điếu

Tham nhị giả trước

Khẩu phùng tài khai

Tính mệnh tang khước.

Nước xiết buông câu

Tham mồI mắc họa

Miệng vừa mới há

Tính mạng còn đâu?

BÌNH BÌNH

“Quang minh tịch chiếu biến hà sa” chẳng nói thì nó vẫn vậy. Vừa mở mồm ra nói “ phải “ liền rơi vào nhị nguyên đối đãi rồi.

TẮC 40

QUI SƠN ĐÁ ĐỔ TỊNH BÌNH

CÔNG ÁN         

Hòa thượng Qui Sơn trước ở với ngài Bách Trượng, giữ chức điển tòa (coi về ẩm thực) Bách Trượng chọn người đến núi Đại Qui làm chủ trì, bèn dậy sư cùng ông thủ tòa (người đứng đầu tăng chúng) ra đối đáp trước chúng, xem ai đối đáp giỏi sẽ được phái đi.

Bách Trượng cầm tịnh bình đặt xuống đất hỏi

- Không dược gọi là tịnh bình, gọi là cái gì?

Ông thủ tòa đáp

- Không thể gọi là khúc cây.

Bách Trượng quay sang hỏi sư, sư bèn đá đổ tịnh bình mà đi. Bách Trượng cười nói:

- Ông đệ nhất tòa thua mất hòn núi rồi vậy.

Rồi phái sư đi làm tổ khai sơn ở Đại Qui.

LỜI BÀN

Qui sơn một phen hăng hái, ngặt rằng vẫn không vượt qua được cái bẫy của Bách Trượng. Xét kỹ lại, té ra lựa nặng, bỏ nhẹ.Sao vậy chớ? Tránh khỏi bưng mâm lại mang gông sắt.

TỤNG

Dương hạ cô ly tính mộc thược

Đương dương nhất đột tuyệt châu già

Bách Trượng trùng quan lan bất trụ

Cước tiêm địch xuất Phật như ma.

Đong đếm so đo bỏ hết đi

Thẳng đường xông phá há hiềm chi

Cửa ải tông sư ngăn chẳng được

Giơ chân đá phắt, Phật ra gì.

BÌNH BÌNH

Ngài Qui Sơn đến núi Đại Qui kết thảo am ở đến mười năm mà chẳng vực nổi Phật pháp dậy. Ngài tính bỏ đi thì đêm ấy mộng thấy sơn thần mách bảo, cầu xin ngài ở lại. Rồi từ đó người dân dần dần biết đến sư, gom góp tiền bạc, xây dựng nên ngôi thiền viện chứa đến 1500 học tăng.
Tuy nhiên lúc đầu rất là gian nan khổ sở, vì vậy mà ngài Vô Môn bảo là ngài lựa nặng, bỏ nhẹ, tránh bưng mâm (điển tòa) lại phải mang gông sắt, đúng là sập bẫy Tổ Bách Trượng. Tuy là nói vậy nhưng thực ra các ngài tranh nhau đi, để được khổ, để được mang gông sắt mục đích hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, hành Bồ-Tát đạo, đền ơn chư Phật.

Về công án, thủ tòa trả lời còn luẩn quẩn trong tứ cú, bách phi. Còn sư đi thẳng vào thực chất, siêu nhiên ngoài muôn vật. Đá đổ tịnh bình để bầy tỏ kiến giải cũng như thái độ của sư: “Nó là như thế, tuy nhiên chẳng quan hệ gì đến tôi”. 

TẮC 41

ĐẠT MA AN TÂM

CÔNG ÁN

Sơ Tổ Đạt Ma ngồi ngó vách. Nhị Tổ đứng giữa tuyết, tự chặt tay thưa

- Tâm đệ tử không an xin ngài an cho.

Sơ Tổ dạy

- Đưa tâm đây ta an cho

Nhị Tổ thưa

- Đệ tử tìm tâm mãi không được.

Sơ Tổ nói

- Ta an tâm cho ông rồi đó. 

LỜI BÀN

Lão già Hồ sún răng, mười vạn dặm dong thuyền vượt biển mà đến, thiệt quả là không gió mà nổi sóng. Sau rốt truyền thụ được cho một người lại sáu căn không đủ. Hỡi ôi, cậu Ba họ Tạ không biết chữ bốn!

TỤNG

Tây lai trực chỉ

Sự nhân chúc khởi

Nạo quát tùng lâm

Nguyên lai thị nễ.

Sang đông chỉ thẳng

Bày chuyện trao truyền

Náo loạn chùa chiền

Nguyên do tại lão.

BÌNH BÌNH

Sao lại gọi Sơ Tổ là lão già Hồ sún răng? Số là lần đầu gặp mặt, Huệ Khả đã dùng cái thước đánh Sơ Tổ gẫy hết một cái răng.

Sao lại bảo Nhị Tổ là cậu Ba họ Tạ không biết chữ bốn? Vì tâm chân chất mới dễ giác ngộ.

Sơ Tổ sang đông làm náo loạn chùa chiền, đến bây giờ vẫn chưa yên. 

TẮC 42

NỮ NHÂN XUẤT ĐỊNH

CÔNG ÁN

Một hôm Phật giảng pháp, có chư Phật mười phương tụ hội. Ngài Văn Thù đến đó, gặp lúc chư Phật, vị nào trở về quốc độ vị đó, chỉ còn lại một nữ nhân đến gần Phật tòa mà nhập định. Văn Thù bạch Phật

- Nữ nhân nào mà lại đến gần được Phật tòa, còn tôi thì lại không đến gần được?

Phật dậy Văn Thù

- Ông cứ khiến nàng xuất khỏi tam muội mà tự hỏi lấy.

Văn Thù đi quanh nữ nhân ba vòng, búng tay một cái, rồi nâng lên đến trời Phạm thiên, lại dùng đủ các môn thần lực mà không sao thức nàng được.

Phật dậy:

- Dù cho trăm ngàn Văn Thù cũng không thể khiến nàng ra khỏi định được. Ở phương dưới qua khỏi số quốc độ nhiều bằng số cát của mười hai ức sông Hằng có Bồ-Tát Võng Minh mới có thể thức nàng được.

Liền đó ngài Võng Minh từ dưới đất vọt lên chấp tay bái Phật. Phật sai Võng Minh đến thức nữ nhân. Võng Minh đến bên nàng, búng tay một cái nàng liền xuất khỏi định. 

LỜI BÀN

Lão Thích Ca dựng ra tuồng này đâu phải chuyện chơi. Thử hỏi Văn Thù là thầy của bảy vị Phật sao lại không thể làm nàng kia xuất định được? Võng Minh mới chỉ là Bồ-Tát sơ địa sao lại làm được việc ấy? Nếu chỗ này mà thấy cho xác thiết, thì dù nghiệp thức mênh mang vẫn Na Già đại định. 

TỤNG

Xuất đắc, xuất bất đắc

Cừ nông đắc tự do

Thần đầu tính quỉ diện

Bại khuyết đương phong lưu.

Thức được, thức không được

Hai đàng vẫn tự do

Đàu thần cùng mặt quỉ

Lận đận mà phong lưu.

BÌNH BÌNH

Phật có giảng rằng nàng ấy do Bồ-Tát Võng Minh khai thị cho vào đạo nên Bồ-Tát Võng Minh mới đánh thức được nàng ấy. Còn Bồ-Tát Văn Thù là do nàng ấy khai thị cho nhập đạo nên không thể đánh thức được nàng ấy. Xem thế thì biết, nếu chưa phải bậc Đại Giác như chư Phật thì vẫn còn bị ràng buộc bởi lý nhân quả.