Tịnh độ
Tịnh độ chỉ quyết
Tác giả: Thích Minh Thành
07/05/2553 03:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

THIỀN SƯ ĐẠO BÁI
(1615-1702)

   Thiền sư Đạo Bái, người đời Thanh, họ Đinh, tự Vi Lâm, hiệu Lữ Bạc, Phi Gia Tẩu. Quê ở Kiến An (nay là huyện Kiến Âu, tỉnh Phúc Kiến) Trung Quốc. Năm 14 tuổi vào chùa Bạch Vân, năm sau thì xuống tóc. Một hôm, thấy vị Tăng ở phòng bên cạnh chết, Sư tỏ ngộ đạo lý vô thường, bèn phát khởi ý chí rộng lớn, đi khắp mọi nơi học đạo.

   Năm 18 tuổi, được ngài Văn Cốc dạy “niệm Phật cuối cùng sẽ thành Phật”, Sư tin sâu không nghi ngờ. Về sau, Sư theo học với Thiền sư Nguyên Hiền ở Cổ Sơn bốn năm. Sau đó, Sư đi khắp các giảng đường ở Hàng Châu trong 5 năm, am tường được yếu chỉ của các kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Duy Ma, Hoa Nghiêm, kinh Viên Giác, Luận Khởi Tín, Duy Thức, và giáo lý tông Thiên Thai. Trở về đất Mân dựng am ở lại trên núi Đại Bách Trượng, độ mẹ xuất gia và cùng tu Tịnh nghiệp với mẹ trong 5 năm. Năm thứ mười niên hiệu Thuận Trị (1653), nhập thất ba năm ở am Quảng Phước tại Kiến Ninh. Tháng 10 năm thứ 14 niên hiệu Thuận Trị (1657), Thiền sư Nguyên Hiền thị tịch. Sư kế nhiệm trụ trì, mở pháp đường thuyết pháp hơn mười năm.

   Tháng 4 năm thứ 23 (1684) Khang Hy, Sư  hoàn thành “Hoa Nghiêm Sớ Luận Toản Yếu”–120 quyển. Năm thứ 26 Khang Hy (1687), Sư biên tập “Thiền Hải Thập Trân”–1 quyển. Năm thứ 34 Khang Hy (1769), trước tác “Pháp Hoa Kinh Văn Cú Toảûn Yếu”–7 quyển. Ngoài những tác phẩm trên, Sư còn trước tác rất nhiều bộ kinh khác, riêng về Tịnh Độ có các quyển: “Tịnh Độ Chỉ Quyết”, “Tịnh Nghiệp Thường Khóa”, “Tục Tịnh Độ Sinh–Vô Sinh Luận”, “Phát Nguyện Văn Chú”. Năm thứ 41 Khang Hy (1702), Sư thị tịch, hưởng thọ 88 tuổi.

   Ngài Đạo Bái tiếp nhận sự khai thị của Thiền sư Nguyên Hiền, tỏ ngộ ý chỉ của Tổ sư từ Ấn Độ sang, chú trọng và phát huy sự tự ngộ. Ngài nói: “Phật không phải là Phật hình tướng bên ngoài, mà chính là tánh biết vốn có sẵn nơi mỗi người”. Ngài còn nói: “Ngàn kinh muôn luận đều phá trừ chấp thân và chấp tâm. Hai chấp đã được phá trừ thì tánh Phật tự hiện. Chấp thân không còn thì huyễn thân, tức là Pháp thân. Chấp tâm không còn thì huyễn tâm chính là tánh Phật”. Ngài cũng đề xướng dung thông Thiền–Giáo, Nho–Thích và nói phải từ lòng tin mà vào Phật pháp: “Tin, một là tin lời Phật; hai là tin tâm mình”.

   “…Hiện nay có những người không tin lời Phật, nhưng thật ra chẳng phải là không tin lời Phật,  mà chính là chẳng tin tâm mình”.