Tịnh độ
Tịnh độ chỉ quyết
Tác giả: Thích Minh Thành
07/05/2553 03:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

VĂN KHUYÊN NIỆM PHẬT PHÓNG SINH

   Con người sống ở trên đời này một trăm năm có bao lâu.  Một hơi thở không trở lại liền qua đời khác, muôn thứ chẳng đem được, chỉ có nghiệp theo mình. Ngay lúc ấy dù muốn niệm một câu Phật, nhưng có được chăng? Muốn thả một sinh mạng có được chăng?

   Thế nên, hôm nay tôi khuyên khắp tất cả mọi người, không luận sang–hèn, giàu–nghèo, nam–nữ, già–trẻ đều có thể xoay đầu nhìn lại để thấu rõ điều này, rồi tranh thủ thời gian rảnh trong một ngày niệm Phật ba thời, giảm bớt những việc phù phiếm uổng phí hơi sức. Ngoài ra còn phải cứu sinh mạng lúc nguy ách, để làm chánh nhân Tịnh độ, gieo trồng hạt giống từ bi.

   Bảo rằng niệm Phật, không phải niệm Phật nào khác, chính là niệm Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc. Do đức Phật ấy từ xa xưa đã phát thệ nguyện lớn, thâu nhận những chúng sinh niệm Phật vãng sinh Tịnh độ. 

   Phóng sinh, chẳng phải thả sinh mạng nào khác, đó chính là thả sinh mạng lục thân quyến thuộc nhiều đời của chính mình. Bởi vì chúng từ xa xưa đến nay đã từng cùng ta làm cha con, thân quyến, chỉ vì thay hình đổi dạng, nghiệp báo khác nhau nên không còn nhận ra nhau nữa.

   Vì sao biết như thế? 

   Kinh A Di Đà nói:

   “Từ đây qua phương Tây cách mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực lạc. Đức Phật ấy hiệu là A Di Đà, hiện nay đang thuyết pháp… Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe nói về Phật A Di Đà liền chấp trì danh hiệu. Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn, thì người ấy lúc sắp lâm chung, tâm không điên đảo liền được vãng sinh cõi nước Cực lạc của Phật A Di Đà”.

   Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói:

   “Nếu có chúng sinh có thể chí tâm niệm Phật không dứt, đầy đủ mười niệm xưng Nam Mô A Di Đà Phật. Do xưng niệm danh hiệu Phật, nên trong mỗi niệm, mỗi niệm diệt trừ tội nặng của sự sinh–tử trong tám mươi ức kiếp. Lúc mạng chung, thấy hoa sen vàng giống như mặt trời ở trước mặt, chỉ trong khoảnh khắc liền được sinh về thế giới Cực lạc”.

   Kinh Lăng Nghiêm nói:

   “Nhớ Phật, niệm Phật trong hiện tại, thì tương lai nhất định thấy Phật”.
 Như những lời nói trong ba bộ Kinh trên, há chẳng phải là sự minh chứng của việc niệm Phật A Di Đà vãng sinh Tịnh độ hay sao?

   Kinh Hoa Nghiêm nói:

   “Đối với tất cả chúng sinh có mạng sống, nên thường phát sinh lòng từ bi lợi ích, chẳng có tâm ác làm hại chúng sinh. Huống gì đối với chúng sinh lại khởi tư tưởng cố ý sát hại” .

   Kinh Lăng Già nói:

   “Có vô lượng lý do không nên ăn thịt. Vì tất cả chúng sinh từ xưa đến nay do nhân duyên thường làm thân quyến của ta. Do là người thân, vì thế không nên ăn thịt”.

   Kinh Phạm Võng nói:

   “Vì lòng từ bi, nên thực hành phóng sinh. Phải suy nghĩ thế này: “Tất cả người nam là cha ta; tất cả người nữ là mẹ ta, ta đời đời kiếp kiếp đều từ họ thọ sinh. Vì vậy chúng sinh trong sáu nẻo đều là cha mẹ của ta. Nếu ta giết chúng để ăn tức là giết cha mẹ ta vậy”.

   Như lời nói trong ba bộ Kinh trên, lẽ nào chẳng phải là sự minh chứng của việc phóng sinh, chính là thả quyến thuộc nhiều đời của mình hay sao?

   Bậc cao đức ngày xưa bảo rằng: “Lời Phật nói không tin, vậy lời ai đáng tin? Đạo làm người mà không tu, thì tu đạo gì?”.

   Nay đã được sinh trong loài người, đã được nghe lời Phật nói mà không tin, không tu, thì tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa? 

   Sự xấu kém và tốt đẹp giữa Ta bà và Tịnh độ; tội–phước và nhân–quả của việc sát sinh cùng phóng sinh, đều được ghi chép rộng rãi trong Kinh điển rồi, nên không cần phải nói nhiều ở đây.

   Mong những bậc cao minh nên tự xem rộng, để chuyển hóa những người chưa tin. Nếu làm được như thế thì công đức vô lượng!