Tịnh độ
Niệm Phật sám pháp
Tác giả: HT.Thích Thiền Tâm
28/05/2553 01:49 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CÁCH THỨC TRUY TIẾN

   Người mới tắt thở, điều thiết yếu là không nên vội di động, không nên vội lau rửa, phải đợi qua tám giờ đồng hồ mới nên tắm rửa và thay đổi y phục. Trước và sau khi chết, người thân cũng không được khóc lóc, chỉ nên gắng sức niệm Phật, mới thật sự có ích lợi cho vong nhân. Nếu muốn khóc lóc, phải đợi tám giờ sau. Vì bệnh nhân tuy tắt hơi nhưng thức A lại da còn chưa đi hẳn, nếu lúc ấy làm lay động hoặc kêu khóc, họ vẫn còn cảm giác đau đớn hoặc sinh ý niệm buồn giận, lưu luyến, mà phải sa đọa.

   Điều này rất quan hệ và cần thiết nên phải để ý ghi nhớ cho kỹ.

   Sau khi bệnh nhân tắt hơi, thì thân nhân vẫn phải tiếp tục niệm Phật cho đến tám giờ sau, để sự vãng sinh có phần bảo đảm. Nên đóng cửa phòng lại, canh chừng loài chó mèo hoặc những kẻ không am hiểu đến đổ xô vào xúc phạm. Ngoài ra đều cấm tuyệt không nên làm điều chi khác, vì trong khoảng thời gian này, người chết vẫn còn cảm giác.

   Tám giờ sau, nếu tay chân người chết đã cứng thì nên dùng vải, thấm nước nóng bao quanh khớp xương, một lát thì có thể sửa tay chân co duỗi như thường.

   Trong đám tang của người quá cố thì thân nhân nên làm đơn giản, đừng quá rườm rà mà tốn kém vô ích. Điều cần thiết là nên dùng đồ chay và chớ có sát sinh để chiêu đãi khách và cúng tế nếu không thì người quá cố sẽ bị oán đối, khó được giải thoát, dù được vãng sinh, thì phẩm sen cũng vì đó mà bị giảm thấp.

   Khi làm Phật sự để truy tiến cho người quá cố thì thân nhân nên đem công đức ấy mà hồi hướng khắp chúng sinh trong pháp giới. Như thế, công đức ấy sẽ càng thêm rộng lớn, mà sự phước lợi cũng vì đó mà tăng thêm rất nhiều.

   Bởi vì buổi lâm chung chính là lúc quan trọng nhất trong cuộc đời, nếu không chuẩn bị trước các món tư lương cho đầy đủ, thì đến chừng ấy ắt phải kinh hoàng bối rối, kêu cầu không kịp và nghiệp ác trong nhiều kiếp đồng loạt hiện ra, làm sao giải thoát?

   Cho nên, tuy lúc lâm chung phải nhờ đến kẻ khác trợ niệm, nhưng chính mình lúc bình nhật phải cố gắng tu trì, chừng ấy mới được tự tại, nên chúng con xin dự bị ngay từ bây giờ.

   Như vậy, đệ tử chúng con cảm nhận ơn lành cao cả của đức Từ phụ A-di-đà, được sự hộ trì của sáu phương chư Phật, được sự dạy dỗ chu đáo của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, được sự nhắc nhở và dìu dắt của các bậc Thiện tri thức cho nên ngày nay mới biết rằng niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung, để cuối cùng được dễ dàng vãng sinh về tham dự hải hội Liên Trì, để khỏi phụ ơn cứu độ và giáo dục của chư Phật, cũng như khỏi mắc vào cái lỗi phụ rẫy cả chính mình.

   Đệ tử chúng con vẫn thấy rằng biển khổ dễ chìm, mà hễ chìm là cứ trôi hoài trôi mãi, và đường tu thì khó bước mà mỗi bước là gặp biết bao chông gai thử thách.

   Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy nhân sinh có hai mươi việc khó:

“Nghèo nàn mà bố thí là khó
Giàu sang mà học đạo là khó
Xả thân quyết chết là khó
Xem được kinh Phật là khó
Nhịn sắc lìa dục là khó
Sinh gặp đức Phật ra đời là khó
Thấy tốt không cầu là khó
Bị nhục chẳng giận là khó
Có thế lực không ỷ lại là khó
Gặp việc đời cư xử vô tâm là khó
Học rộng nghiên tầm nhiều là khó
Trừ bỏ ngã mạn là khó
Không khinh kẻ chưa học là khó
Tâm hành bình đẳng là khó
Chẳng nói việc thị phi là khó
Được gặp Thiện tri thức là khó
Thấy tánh học đạo là khó
Tùy duyên hóa độ kẻ khác là khó
Đối cảnh không động tâm là khó
Khéo biết phương tiện là khó”.

   Quả thật như vậy, sinh gặp đời có Phật là khó, vì sao? Vì được thấy Phật nghe Pháp và y theo lời dạy mà phụng hành thì phải là người có nhiều căn lành, phước đức, nhân duyên. Nay Như Lai đã diệt độ, các bậc Thiện tri thức hiện ra hoằng dương Phật pháp, nếu được thân cận nghe lời khuyên dạy thì cũng được giải thoát.

   Nhưng kẻ căn lành sơ bạc thì gặp Thiện tri thức cũng là khó khăn. Dù có duyên lành được thấy mặt nghe Pháp nhưng nếu không hiểu nghĩa lý hoặc chấp hình thức bên ngoài mà không chịu tin theo thì cũng đều vô ích.

   Theo kinh Hoa Nghiêm, muốn tìm cầu Thiện tri thức thì đừng nên câu nệ theo hình tướng bên ngoài, như chấp kẻ ấy trẻ tuổi, nghèo nàn, địa vị thấp, hoặc dòng dõi hạ tiện, tướng mạo xấu xa, các căn chẳng đủ, mà chỉ cầu người thông hiểu Phật pháp để có thể làm lợi ích cho mình. Lại đối với bậc Thiện tri thức thì chớ nên tìm cầu sự lỗi lầm, bởi vị đó có khi vì mật hạnh tu hành, vì phương tiện hóa độ, hoặc đạo lực cao nhưng tập khí còn chưa dứt, nên mới có các hành động sai trái như vậy. Nếu cứ chấp nê hình thức hay tìm cầu lỗi lầm thì tất không được lợi ích trên đường đạo.

   Cho nên, nhìn tìm bậc Thiện tri thức là khó đến như thế!
Tuy nhiên, cái khó và cái dễ chỉ là pháp đối đãi vì trong khó có dễ và trong dễ có khó. Nếu nhận hiểu và quyết tâm thì các việc khó đến mấy cũng vẫn có thể thành tựu.

   Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, nay nhờ sự gia bị của ơn Tam bảo mà chúng con có được thân người. Nay nhờ duyên lành mà chúng con được đón nhận sự giáo hóa của đức Bổn sư. Nay nhờ Từ bi lực của Phật A-di-đà mà chúng con đã đặt trọn vẹn lòng tin vào bản nguyện cứu độ của Ngài. Nay nhờ sức sách tấn của chư vị Thiện tri thức mà chúng con được đọc tụng cuốn sách này, tức là đã gặp được Pháp thành Phật mầu nhiệm, dễ dàng và rốt ráo.

   Ngưỡng nguyện mười phương Tam bảo,
chư vị đại địa Bồ-tát, cùng liệt vị Hộ Pháp Thiện Thần, đem năng lực bản nguyện, năng lực trí tuệ, năng lực thần thông, năng lực diệt sạch tội chướng mà ban thêm cho chúng con nhiều sức mạnh cùng trí sáng suốt để dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn vẫn nhận rõ duyên đời khổ mộng quyết chí niệm Phật, trường trai giữ giới, khiến cho hoa sen báu bên tròi Tây được nở thêm những hàng thượng thiện.

   Với tấm lòng tri ân, đệ tử chúng con xin đem cả tánh mạng mà quy y và đảnh lễ:

   Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

   Nam mô Cực lạc Giáo chủ Đại từ đại bi A-di-đà Phật. 
    
   Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát

   Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát

   Nam mô Lư Sơn đạo tràng, khai sáng niệm Phật pháp môn, sơ tổ Huệ Viễn đại sư Bồ-tát.

   Nam mô Quang Minh Đạo tràng Hoằng dương niệm Phật pháp môn Nhị tổ Thiện Đạo đại sư Bồ-tát.

   Nam mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ-tát Liệt vị Thiện Thần Bồ-tát Ma ha tát.