Giáo dục
Nhân quả báo ứng hiện đời
Đường Tương Thanh biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, Đạo Quang dịch
30/10/2554 07:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CON HIẾU XẢ THÂN CỨU CHA

Hứa Thản được mọi người tôn xưng là một người con chí hiếu vào đời Đường. Câu chuyện về ông là một câu chuyện có thật nhưng hết sức ly kỳ và khó tin.

Năm Hứa Thản vừa lên mười, một hôm theo cha lên núi hái thuốc. Đi được nửa đường bỗng có một con báo từ trong lùm cây phóng ra, há miệng đỏ như chậu máu, vồ bắt lấy người cha. Trước tình huống hết sức nguy cấp đó, tuy Hứa Thản chỉ là một đứa trẻ nhưng lại hết sức bình tĩnh không chút sợ hãi, vừa lớn tiếng kêu cứu, vừa cúi xuống nhặt ngay một khúc cây dài rồi xăm xăm chạy tới đuổi đánh con báo.

Thật là kỳ lạ! Không biết vì con báo kia bất ngờ trước sự tấn công của cậu bé, hay vì nó khiếp sợ trước lòng dũng cảm của cậu, nhưng sự thật là nó lập tức chùng bước lại rồi quay đầu chạy thẳng mất dạng vào núi.

Cha con Hứa Thản vừa thoát khỏi nanh vuốt thú dữ trong gang tấc, lập tức ba chân bốn cẳng chạy bay về làng, bỏ cả việc hái thuốc.

Câu chuyện này sau đó được lan truyền đi khắp nơi, ai nghe cũng lấy làm thán phục lòng dũng cảm của một cậu bé lên mười đã dám liều thân cứu cha, đuổi được thú dữ. Không bao lâu, câu chuyện đến tai vua Đường Thái Tông. Nhà vua tỏ ra hết sức ngạc nhiên, liền nói với triều thần:

– Hứa Thản chỉ là một đứa trẻ lên mười lại dám xả thân cứu cha, đuổi được mãnh thú, lòng hiếu như thế thật khiến cho người khác phải cảm động, nên ban thưởng thật nhiều để nêu gương tốt cho mọi người.

Liền hạ lệnh ban thưởng rất nhiều cho gia đình Hứa Thản. Về sau, nhà vua lại phong cho Hứa Thản làm quan Văn lâm lang, cả nhà cùng hưởng vinh hoa phú quý.

(trích Lịch sử cảm ứng thống ký)

NÀNG DÂU HIẾU THẢO MẸ CHỒNG

Triều Tống có một người phụ nữ hiền lương là Trần thị, năm 20 tuổi xuất giá về nhà chồng, sống một cuộc sống hết sức vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc. Ngờ đâu chưa được một tháng sau, người chồng đã phải sung vào quân ngũ, lên đường ra trận. Tình cảnh vợ chồng vừa mới cưới đã ly biệt, thật buồn rầu ủ rũ biết dường nào. Trước lúc chia tay, người chồng ân cần nắm tay vợ nói:

– Sau khi ta đi rồi, nhờ nàng ở nhà chăm sóc phụng dưỡng mẹ già thay ta!

Trần thị cũng cố tỏ ra cứng rắn, ôn tồn an ủi chồng, hứa là sẽ hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng mẹ già.

Sau đó không bao lâu thì nhận được hung tin, người chồng không may tử trận. Trần thị đau buồn khôn xiết kể, những muốn quyên sinh theo chồng nhưng vẫn phải gắng gượng sống để còn lo chăm sóc nuôi dưỡng mẹ chồng.

Người cha của Trần thị thấy con gái mình tuổi mới đôi mươi đã rơi vào cảnh góa bụa, liền hết lời khuyên nàng nên tính chuyện tái giá. Song Trần thị kiên quyết nói với cha:

– Thưa cha, con biết cha khuyên như vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho con. Nhưng chồng con tuy đã bỏ mình, nhưng mẹ chồng còn đó không người chăm sóc. Nay nếu con bỏ mẹ mà đi lấy chồng khác, đã không vẹn tình nghĩa với chồng, lại không tròn chữ hiếu với mẹ chồng, như vậy chẳng phải là để tiếng xấu cho cả gia đình mình đó sao. Xin cha cho phép con thủ tiết thờ chồng, hết lòng nuôi dưỡng chăm lo cho mẹ.

Cha nàng thấy ý con gái đã quyết nên cũng thôi không khuyên con tái giá nữa. Từ đó về sau, Trần thị siêng năng làm việc, may thuê vá mướn, kiếm được chút tiền nào đều dành dụm lo cho mẹ chồng. Trải qua nhiều năm như thế, trước sau vẫn không một chút lười biếng mệt mỏi. Đến khi mẹ chồng qua đời, cô còn lo việc chôn cất ma chay đàng hoàng tươm tất.

Lòng thủy chung với chồng và tấm gương hiếu thảo của người con dâu Trần thị đã khiến rất nhiều người cảm động và kính phục. Hoàng đế đương thời biết chuyện liền ban thưởng cho rất nhiều tiền bạc và phong tặng danh hiệu là “người con dâu hiếu thảo”.

(trích Nữ phạm)

Các tin đã đăng: