Phật học cơ bản
Cẩm Nang Tu Học Dành Cho Tầng Lớp Tại Gia Cư Sĩ (Tập I)
Tỳ khưu Giác Hạnh (Hồ Quang Khánh)
09/08/2553 08:42 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

"Sabba-pāpassa akaraṇaṃ,
kusalassa upasampada,
sacitta-pariyodapanaṃ,
etaṃ Buddhana’ sāsanaṃ."

(Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy).
 -- (Dhammapada, verse 183).

Phần (1): Không sát sanh.

Không sát sanh là một trong những giới được Đức Thế Tôn chế định cho hàng xuất gia cũng như tại gia. Giới này Đức Thế Tôn nhấn mạnh không nên sát hại sinh mạng của con người, và loài vật, cũng không tán thành sự chém giết, hay khuyến khích kẻ khác giết; mà trái lại phải phóng sanh, và bảo vệ chúng. Con người cũng như loài vật luôn luôn tham sống và sợ chết. Chúng ta, ai cũng coi sanh mạng của mình là quý, là của báu tuyệt đối, ai cũng muốn bảo vệ, trau dồi và nuông chiều tấm thân vật lý này. Và tất cả các loại động vật cũng đều quý thân mạng của chúng như chúng ta tuy nó không biết nói như loài người. Theo lẽ công bình, điều mà ta không thích thì không nên làm cho tha nhân hay loài khác. Chúng ta ai cũng muốn có một cuộc sống an vui, hạnh phúc, trường thọ thì nỡ lòng nào chúng ta nhẫn tâm sát hại và đoạt mạng sống của người hay những con động vật khác. Nếu mình muốn đối phương tôn trọng sự sống của mình thì mình cũng nên tôn trọng sự sống của đối phương. Vì thế, Đức Thế Tôn khuyên chúng ta không nên sát sanh. Vả lại, trong vòng sinh tử luân hồi bất tận chúng ta đã từng làm cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái và thân bằng quyến thuộc lẫn nhau. Cho nên, Đức Thế Tôn khuyên chúng ta không nên sát sanh là điều vô cùng hợp lý. Hơn nữa, trong khi chúng ta đề cập đến nhân quả nghiệp báo của Phật giáo điều này khiến cho cuộc sống của chúng ta đi từ thấp lên cao, từ bất thiện đến chí thiện, từ một kẻ dã man hung bạo trở thành một người lương thiện hiền thánh, và dần dần chúng ta sẽ đạt được những kiếp sống khả quan hơn nếu chúng ta còn tiếp tục luân lưu trong saṃsāra (vòng luân hồi) này. Như vậy, việc Đức Thế Tôn khuyên không nên giết sinh mạng không những tôn trọng sự sống cho tha nhân và những loại thú vật khác mà còn thăng tiến tâm linh cho chính mình không những trong kiếp hiện tại mà còn những kiếp vị lai cũng rất ảnh hưởng,.

Không sát sanh sẽ làm tăng trưởng tấm lòng Từ bi của bạn "đình ác tác thiện." Từ bi là tình thương hoàn toàn vị tha, không biên cương, vắng bóng huyết thống và tràn đầy trong sáng. Đây là một trong những yếu tố cốt tủy của Phật giáo. Từ có nghĩa là ban những niềm vui đối với tha nhân, giã sử thấy con mình đã hạnh phúc an vui rồi, thế nhưng muốn người con mình cứ mãi mãi an vui, hạnh phúc như thế và hơn nữa. Bi có nghĩa là làm cho tha nhân chóng thoát khỏi những nỗi thống khổ càng sớm càng tốt, như người mẹ trong khi thấy đứa con của mình đang trong cơn quằn quại bởi một nghịch cảnh nào đó muốn thay thế và gánh chịu cho người con.

Chúng ta là những con người cùng chung sống trong cảnh Dục giới, chúng ta không thể sát hại nhau trong khi chúng ta có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, màu da cùng vàng và đôi mắt cùng một màu đen. Hãy trang trải tình thương yêu không chút vị kỷ cho nhau. Chỉ có lòng thương yêu mới làm cho cuộc đời hạnh phúc và tươi vui; chỉ có lòng thương yêu mới giúp con người vươn lên trong cuộc đời đau khổ và đầy bất hạnh của kiếp nhân sinh. Nếu tất cả nhân loại trên thế giới đều không sát hại lẫn nhau thì làm gì có chiến tranh đẫm máu xảy ra, làm gì có những thương nhân được đưa về phòng cấp cứu bởi những chiếc xe cứu thương hằng ngày, làm gì có tiếng kêu la rên xiết trong những lò mổ súc vật đêm khuya. Như vậy, con người sẽ sống yên vui hơn, chan hòa hơn giữa loài người với loài người, và giữa loài người với cầm thú. Chính vì thế, Đức Thế Tôn đã nhiều lần khuyến khích, khen ngợi những ai không sát sinh và chê trách, phê phán những kẻ dã man, đã nhẫn tâm giết người và tàn sát động vật.

Nếu như vậy, thế giới này sẽ bình yên không có sự rên siết, kiêu la của những người xấu số hay những con vật bất hạnh. Và cũng chính nhờ đó mà chúng ta có cuộc sông an vui, hạnh phúc hơn. Như thế, chúng ta cũng không cần tìm cảnh giới thiên đàng ở đâu cho xa mà chính thế giới chúng ta đang trú ngụ là thiên đàng vậy. Nhân đây tôi nhớ lại câu thơ của một vị cao tăng nổi tiếng:

"Sanh về cực lạc làm chi vậy,
Niệm đã yên rồi đâu cũng đây."

Hậu quả của sự sát sanh:

Bất cứ ai hễ giết hại sinh linh, sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh và tái sinh trong cảnh giới loài người, người ấy phải gánh lấy những hậu quả bất thiện như sau:

1. Thân tướng méo mó, lục căn không tròn đầy và hình dạng xấu xí gớm guốc.
2. Có thân tướng rất xấu xí.
3. Nước da xanh xao và èo ọp.
4. Đần độn và không được hoạc bát.
5. Sợ sệt trong khi chạm trán với sự nguy hiểm.
6. Sẽ bị những người khác giết lại hoặc bị chết yểu.
7. Bị khổ đau do những căn bệnh hoành hành.
8. Có rất ít bạn bè, và
9. Hay bị những người thân yêu xa lìa.

Ngược lại, người kiêng cử sự sát sanh sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả ở trên (The Teachings of the Buddha, Tr.141).